01/05/17
THỨ HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29
TIN LÀ ĐÓN NHẬN CHÚA GIÊ-SU
Họ liền hỏi
Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”
Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng
Người sai đến.” (Ga 2,28-29)
Suy niệm: Đám đông hiểu rằng Chúa đang khích lệ họ làm những
việc đẹp lòng Thiên Chúa, nên thắc mắc việc gì phải thực hiện để làm đẹp lòng
Thiên Chúa. Câu hỏi của họ phản ánh não trạng nệ luật nơi họ, cho rằng tất cả
mọi điều Luật Cựu Ước dạy làm là tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi, vì thế,
việc giữ Luật đủ cho họ được sống đời đời. Thật sai lầm! Vì ơn cứu độ không do
những cố gắng của con người tạo nên, nhưng do lòng thương xót của Chúa dành cho
những ai tin vào đấng Ngài sai đến là Con Một của Ngài: Đức Giêsu Kitô. Về điều
này thánh Phaolô đã dạy: “Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội…,
nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình
cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 2,20-24).
Mời Bạn: Đấng Thiên Chúa sai đến hôm nay là Chúa Giêsu đang
hiện diện nơi bí tích Thánh Thể. Bạn có đến với Ngài, gặp gỡ Ngài và nhận ra
điều gì Ngài muốn bạn sửa đổi đời sống của bạn cho phù hợp với ý Ngài chưa?
Sống Lời Chúa: Dành 10 phút viếng Thánh Thể và cầu nguyện với
Chúa thật chân tình.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ
Maria, xin cho con tận dụng mọi ngày của thánh Hoa này, bắt chước Mẹ đón lấy
Chúa Giêsu Thánh Thể và tin nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của con. Xin cho hồn con
vui lên trong Chúa, như Mẹ reo lên khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa làm người
trong lòng Mẹ.
02/05/17
THỨ BA TUẦN 3 PS
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT Ga 6,30-35
BÁNH BỞI TRỜI: NHU YẾU PHẨM
“Tôi bảo thật
các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là
Cha tôi đã cho các ông ăn bánh bởi trời.” (Ga 6,32)
Suy niệm: Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện nay càng ngày càng phong
phú về chủng loại, mẫu mã cũng như số lượng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Thế nhưng những “nhu yếu phẩm” tinh thần vẫn còn khan hiếm cả về chất lượng
cũng như số lượng. Điều đáng lo lắng hơn, sự khan hiếm về văn hoá này không
được quan tâm, như thể chỉ cần phát triển kinh tế là đủ. Người Do thái đòi Chúa
làm phép lạ như Môsê. Quá bận tâm đến nhu cầu vật chất nên họ lầm tưởng rằng thứ manna xưa có thể thoả
mãn nhu cầu sâu kín của họ. Thế nhưng, thực sự họ đang đói cơn đói thiêng liêng
mà chỉ có thứ bánh bởi trời đích thực mới có thể thoả mãn. Chúa Giêsu chỉ rõ:
chính Chúa Cha mới thực là Đấng nuôi sống họ và bánh bởi trời đích thực là chính
Thân Mình Ngài.
Mời Bạn: Phải chăng bạn lo toan quay quắt cho những nhu cầu
vật chất hằng ngày, thế nhưng bạn vẫn thấy trống rỗng, bất an? Đó là dấu hiệu
cho thấy cần phải có thứ “nhu yếu phẩm” thiêng liêng mới có thể đáp ứng nhu cầu
sâu xa của bạn, đó là nhu cầu kết hiệp với Thiên Chúa và lãnh nhận Thánh Thể,
Bánh-Bởi-Trời. Vậy hôm nay, bạn có quyết tâm gì cho nhu cầu ấy khi nghe Lời
Chúa?
Chia sẻ cảm nghiệm về nỗi khao khát nhu cầu thiêng
liêng nơi bạn.
Sống Lời Chúa: Khi trở ngại không dự được thánh lễ ngày thường,
bạn ước ao rước Chúa cách thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu, xin làm cho niềm khao khát sống với Chúa nơi con được sống lại, để con
luôn được thuộc trọn về Chúa.
03/05/17
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS
Th. Philípphê và Giacôbê, tông đồ Ga 14,6-14
ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU
Đức Giêsu nói:
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha
mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy,
anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy
Người.” (Ga 14,6-7)
Suy niệm: Con đường nào cũng mang một cái tên, và đưa ta đến
một đích điểm. Nhà thơ Nga Raxun Gamzatov có lần nói đến một con đường đặc
biệt:
Trên trái đất
đường đi không kể xiết
Đường
dài lâu, gian khó cũng rất nhiều.
Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết,
Là con đường ta vẫn gọi: tình yêu
Con đường khó và dài, con đường tình yêu ấy chính là
đường đưa ta về quê trời; con đường ấy có một cái tên: đường Giêsu. Đường Giêsu
không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con người: “Chính Thầy là Con
Đường”. Đường Giêsu thật độc đáo, bởi vì Đức Giêsu không đưa ra một số giáo lý
phức tạp phải tin, một mớ điều răn phải giữ để đi đường, Ngài chỉ ban cho ta
một điều răn: yêu nhau như Ngài đã yêu ta. Hơn nữa, Ngài còn cầm tay ta và cùng
bước đi với ta trên con đường mang tên Giêsu ấy.
Mời Bạn: Nhớ rằng trên đường Giêsu, bạn chỉ có một hướng
dẫn viên lữ hành: Giêsu, chỉ có một bản đồ: tình yêu. Nếu muốn về quê trời, bạn
hãy bước đi trên đường Giêsu, theo hướng dẫn viên Giêsu và với tấm bản đồ tình
yêu.
Sống Lời Chúa: Đứng trước một hoàn cảnh trái ý, tôi sẽ phản ứng
theo cung cách yêu thương Đức Giêsu đã dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu, chúng con tin rằng chỉ có Chúa là Con Đường đưa chúng con đến sự sống
vĩnh cửu, đến quê trời ước mong. Chúng con nguyện sẽ cầm chắc tay Chúa, để Chúa
dắt đi trên con đường mang tên Chúa: con đường Giêsu. Amen.
04/05/17
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51
KHÁT VỌNG SỐNG MÃI
“Tôi là Bánh
Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Người ngày xưa cũng như người ngày nay đều có
chung một khát vọng là được sống mãi. Nhưng rồi tất cả mọi người phải chào thua
trước cái chết. Chúa Giêsu khơi dậy trong chúng ta niềm tin và hy vọng được
sống muôn đời khi Ngài hứa ban cho chúng ta Bánh Hằng Sống là chính Thân Mình
Ngài, khi Ngài nói: “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời
đời.” Sự sống thường tồn ấy được trao ban qua hy tế thập giá và được cử hành
mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể. Sự sống đời đời đã dành sẵn cho chúng ta. Chỉ
cần chúng ta tin và đến đến tiếp rước Ngài trong bí tích Thánh Thể như chính
Ngài đã nói: “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).
Mời Bạn: Đức Giêsu trao ban Bánh Hằng Sống cho ta bằng một
cuộc hiến tế, thì chúng ta nên một trọn vẹn với Người cũng bằng cuộc hiến tế
chính bản thân mình. Việc nên một với Đức Giêsu qua việc ăn Bánh Hằng Sống mời
gọi ta liên kết những hy sinh hằng ngày với hy tế của Chúa. Kiểu nói “rước Chúa
và trở nên một với Chúa” dễ làm cho chúng ta nghĩ tới việc nên một trong vinh
quang phục sinh, mà ít nghĩ nên một trong hiến tế. Cả hai khía cạnh hiến tế và
phục sinh luôn luôn đi đôi với nhau. Có hiến dâng thân mình làm hy lễ mới có sự
sống phục sinh đời đời.
Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng khát vọng sống đời đời bằng việc khát
khao được rước Mình Thánh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu, Chúa là Bánh Hằng Sống. Xin cho chúng con mỗi khi rước Mình Thánh Chúa,
biết liên kết hy tế đời mình với hy lễ thập giá của Chúa.
05/05/17
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS
Ga 6,52-59
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
“Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,54)
Suy niệm: Chàng Rôbinsơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo”
của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để
ăn. Nhưng đối với chàng thổ dân này thì “ăn gì bổ nấy”: ăn cá thì giỏi bơi lội,
ăn tim người thì thêm dũng cảm. Chả trách gì mà người Do Thái bị “xốc” khi Chúa
Giêsu tuyên bố thịt máu Chúa là của ăn nuôi sống con người. Đúng là có lãnh
nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi
mình. Nhưng để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa” dù là dưới dấu hiệu
Bánh và Rượu của bí tích, thì phải được ơn ban đức tin. Vì thế, cần có lòng tin
mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh
Thể. Và hơn nữa cần có lòng mến để có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng
liêng nuôi sống linh hồn.
Mời Bạn: Mỗi lần rước Mình Thánh Chúa, bạn có nhận ra Ngài
đang ở trong linh hồn bạn hay không? Bạn có tin rằng bạn được Ngài yêu mến, bạn
được ở trong Ngài hay không? Một sự thật không thể chối cãi, đó là nhờ kết hợp
mật thiết với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, mà Ngài ở trong bạn như người
bạn rất thân tình và đầy yêu mến.
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn trong sạch để có đủ điều kiện
rước lễ mỗi khi đi tham dự Thánh lễ. Cầu nguyện với Chúa Giêsu cách thân tình,
mỗi khi tiếp rước Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương lấy Mình Máu Chúa làm của
ăn nuôi sống chúng con. Xin cho mọi người chúng con khi tiếp nhận sự sống thần
linh của Chúa cũng biết hiệp nhất yêu thương để hy sinh và phục vụ lẫn nhau.
06/05/17
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS
Ga
6,60-69
“BỎ
THẦY, CON BIẾT THEO AI!”
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy
mới có lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)
Suy
niệm: Có ai ngờ một con người bộc trực như Phêrô lại có thể
nói lên một lời dạt dào cảm xúc như thế: Giữa lúc đám đông nhao nhao bất bình,
nhiều môn đệ nao núng vì những lời “gây sốc” của Thầy Giêsu, phải là một môn đệ
say mê gắn bó với Thầy đến tột độ như Phêrô mới có đủ can đảm để thốt lên: “Bỏ
Thầy, thì chúng con biết đến với ai!” Đối với người môn đệ tận trung này, Đức
Giêsu không chỉ là một người thầy, một bậc thánh nhân, nhưng hơn thế nữa, Thầy
là lẽ sống còn của môn đệ, vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Thiên Chúa,
chỉ có Thầy “mới có lời đem lại sự sống đời đời”.
Mời bạn: Lời tuyên xưng đó, theo lối nói của thánh Phaolô, dù có vẻ “điên điên”
(x. 2Cr 11,23), nhưng lại là lời tuyên xưng rất thật và mạnh mẽ nhất của bất cứ
ai chọn đi theo làm môn đệ Đức Kitô.
Hướng về ngày mai, Chúa
Nhật tuần IV Phục Sinh, lễ Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, lời trần tình
của Phêrô cũng nói lên tâm trạng và thái độ quyết liệt, triệt để của người
quyết chọn theo ơn gọi tu trì: chỉ có Ngài là “đối tượng duy nhất” của đời
mình, vì “bỏ Ngài, con biết theo ai!”
Sống
Lời Chúa: Hằng ngày bạn dành thời gian thích hợp để tâm sự
với Chúa bằng những tâm tình thân thiết
nhất.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã cho chúng con tin và nhận biết Chúa, là Đấng Thánh được Chúa Cha sai
đến. Xin Chúa cho mọi người nhận ra và trở nên môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp
chúng con quảng đại từ bỏ mọi sự để chọn Chúa, vì Chúa mới có lời đem lại sự
sống đời đời. Amen.
07/05/17 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS
Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Ga 10,1-10
THẬP
GIÁ, CĂN CƯỚC KITÔ HỮU
“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào
ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.” (Ga
10,1)
Suy
niệm: Các Kitô hữu thời đế quốc Rôma bị bách hại đã dùng dấu
hiệu con cá để nhận diện nhau. Những ai không biết mật hiệu ấy ắt hẳn không
thuộc cộng đoàn mà có thể là “kẻ trộm, kẻ cướp.” Ngày nay, các nhân viên khi
đến cơ quan làm việc phải xuất trình thẻ căn cước để xác nhận mình thuộc về
công ty, chứ không phải là kẻ gian phi đến để phá hoại. Căn cước một người
thuộc về Đức Kitô không nằm ở tấm thẻ bên ngoài mà ở chính cuộc sống của họ
được đóng dấu ấn thập giá, khi họ đi qua cánh cửa là Đức Kitô, đó là dấu ấn của
người mục tử đích thực “liều mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).
Mời Bạn: Giữa lòng thế giới hôm nay, trước những quan niệm thế tục về cuộc sống
con người; thay vì Thiên Chúa, người ta tôn thờ tiền bạc, quyền lực, lạc thú;
nhiều lúc chúng ta cũng đã hoang mang, có khi chao đảo: Đâu là dấu hiệu thuộc
về Đức Kitô một cách đích thực? Phải chăng lắm khi bạn đang để “kẻ trộm, kẻ
cướp” là những gì không mang dấu ấn thập giá của Đức Kitô đột nhập vào cuộc
sống của bạn, của gia đình, cộng đoàn bạn? Bạn nhớ, dấu ấn ki-tô hữu chính là
thập giá Chúa Kitô.
Chia sẻ: Có khi nào bạn để mình bị “ăn trộm” mất căn tính Kitô hữu của mình chưa?
Bạn làm thế nào để lấy lại?
Sống
Lời Chúa: Chọn thực hiện một giá trị Tin Mừng để sống đúng
căn tính kitô hữu của mình.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến, để cho mọi người được sống
và sống dồi dào. Xin cho con biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa,
và để cho Lời Chúa dẫn dắt cuộc đời con.
08/05/17 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Ga
10,11-18
ĐƯỢC
SỐNG NHỜ ƠN CHÚA
“Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã
không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” (Ga 10,8-9)
Suy
niệm: Khi nói mọi kẻ đến trước Ngài đều là trộm cướp, Chúa
Giêsu không có ý nói đến những tiên tri được Thiên Chúa sai đến trong Cựu Ước
như Môsê, Êlia, Giêrêmia v.v, bởi các vị này nghe lời Thiên Chúa và thực thi
lời Ngài. Nhưng Chúa Giêsu nhắm đến những kẻ trong quá khứ, hiện tại và tương
lai dám tự xưng được Thiên Chúa sai đến thay vai trò của Chúa Giêsu. Chính
những người Pharisêu thời Chúa Giêsu từng xem mình là những người giữ cửa Nước
Trời, nên Chúa Giêsu đã cảnh cáo họ: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và
người Pharisêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào!
Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào.”
Những kẻ đến trộm cướp là vậy. Ngược lại, Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên tốt
lành, dám hy sinh tính mạng vì đàn chiên và ban sự sống cho đàn chiên để chiên
được sống dồi dào. Ngài còn là cửa cho chiên ra vào gặp được đồng cỏ xanh tươi.
Điều này không có nghĩa đàn chiên đi theo con đường riêng của mình, nhưng bước
theo Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành và được dưỡng nuôi, bảo vệ.
Mời Bạn: Trong bao nhiêu thứ nhu cầu, nhu cầu được sống với Chúa có là nhu cầu ưu
tiên, nhu cầu lẽ sống của bạn không? Những khi phải chọn lựa, bạn có chọn Chúa
trên hết mọi sự không?
Sống
Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một việc làm dâng lên Chúa.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin
đừng để con vì cao ngạo mà lìa xa Chúa, nhưng xin cho con khiêm tốn nhận ra
rằng, con cần Chúa để được sống và sống dồi dào.
09/05/17 THỨ BA TUẦN 4 PS
Cv
11,19-26
ĐƯỢC
GỌI LÀ “KITÔ HỮU”
Banaba và Saolô cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một
năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các
môn đệ được gọi là Kitô hữu. (Cv 11,26)
Suy
niệm: Antiôkhia ngày nay tên là Antakya, một thành phố có
khoảng 200 ngàn dân, nằm ở đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay phía trên biên giới
phía bắc của Syria. Số Kitô hữu ở đó hiện nay chỉ là một nhóm nhỏ bị mất hút
giữa đám đông những người Hồi giáo. Nhưng trong lịch sử giáo hội, cộng đoàn tín
hữu ở Antiôkhia có một vị trí thật quan trọng. Tương truyền, chính thánh Phêrô
làm giám mục tại đó trước khi dời ngai tòa về Rôma. Kế vị thánh Phêrô là thánh
Inhaxiô, và nhiều vị giám mục tiếp theo sau đó là các nhà thần học và chú giải
Thánh Kinh lỗi lạc đã làm cho giáo hội Antiôkhia thật chói sáng. Nhưng trên
hết, chính tại nơi đó mà danh xưng “Kitô hữu” (tiếng Hy Lạp là “christianos”),
lần đầu tiên được gán cho các môn đồ; danh xưng này biểu thị rằng các tín hữu
là người đi theo Đức Kitô, là môn đệ của Chúa, là người “thuộc về Đức Kitô”.
Mời Bạn: Chính nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô mà các tín hữu có một căn tính, một
danh xưng mới. Điều đó phải được thể hiện qua cuộc sống: họ suy nghĩ như Đức
Kitô, nói lời của Đức Kitô, làm công việc của Đức Kitô, nói tắt, họ là chứng
nhân của Ngài.
Sống
Lời Chúa: Ý thức lại Bí tích rửa tội đã lãnh nhận để cảm
nghiệm và sống như thánh Phaolô: Chính Đức Kitô sống trong tôi.
Cầu
nguyện: “Lạy Chúa, xin
ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo
đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình.” (Lời nguyện CN 15 TN)
10/05/17 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Ga
12,44-50
HÃY ĐỂ
ÁNH SÁNG CHIẾU SOI
Đức Giêsu nói: “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi
là ánh sáng thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”
(Ga 12,45-46)
Suy
niệm: Chúa Giêsu là ánh sáng. Ngài đến không chỉ cho nhân
loại nhận biết Thiên Chúa và những điều Thiên Chúa truyền dạy để những ai tin
giữ sẽ được ơn cứu độ, mà còn soi tỏ vào tâm hồn mỗi con người. Vì thế, không
ít người dù được ánh sáng lời Chúa soi chiếu, nhưng không muốn đón nhận ánh
sáng của Chúa, vì bóng tối đang ngập đầy trong tâm hồn họ như Chúa Giêsu đã
nói: “Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc
họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,20). Vua Đavít sau khi phạm tội ngoại tình và
giết người, vua tưởng rằng không ai biết, nhưng Thiên Chúa đã soi tỏ cho nhà
vua thấy để ăn năn thống hối. Một khi mở lòng để ánh sáng Chúa chiếu dọi vào
xua tan bóng tối và phơi bày mọi ngổn ngang tâm hồn, thì đó là lúc lòng họ tràn
ngập ánh sáng, được nhận biết Thiên Chúa và được ơn cứu độ. Giakêu được bình an
sau khi gặp Chúa, Mátthêu và Âutinh cũng có được bình an sau khi để Chúa chữa
lành tâm hồn.
Mời Bạn: Bạn có thể che lấp mãi tội lỗi của bạn không? Khi cứ buông thả trong tội
lỗi và tránh né trở lại với Chúa, bạn có bình an trong lòng không?
Sống
Lời Chúa: Hằng ngày dành vài phút xét mình, để lời Chúa
soi tận tâm hồn và quyết tâm sống tình thân với Chúa.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là ánh sáng đời con. Xin cho con luôn sẵn lòng để Chúa chiếu dọi vào mọi
ngõ ngách tâm hồn con, để sự bình an và thánh thiện luôn ngập tràn tâm hồn của
con. Amen.
11/05/17 THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Ga
13,16-20
TIN
THẦY LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU
“Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi
sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.” (Mt 5,48)
Suy
niệm: “Điều đó”, điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong
bữa tiệc chia tay vào buổi chiều thứ Năm hôm ấy, là những điều thật khủng
khiếp: nào là những môn đệ mà Thầy rất mực yêu thương, nay lại phản Thầy, chối
Thầy, nào là viễn cảnh hãi hùng của con đường thập giá mà Ngài sắp bước vào. Dù
những “điều đó” làm Chúa Giêsu “cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13,21), nhưng
Chúa Giêsu không vì thế mà chùn bước tháo lui. Ngài nói cho các môn đệ biết
“trước khi sự việc xảy ra” để cho các ông biết đó là sứ mạng Ngài nhận lãnh từ
Chúa Cha, Ngài vâng ý Cha mà thực hiện và nhờ đó các ông tin Ngài cũng chính là
“Đấng Hằng Hữu”.
Mời Bạn: Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta
được thông phần tâm tình và sứ mạng của Ngài. Từ đó, mỗi người chúng ta cùng
học lấy nơi Chúa Giêsu sự trung thành và tận tụy với bổn phận hàng ngày của
mình. Cho dầu khó khăn, thử thách và nhiều khi nguy khón nữa, chúng ta cũng vẫn
luôn cố gắng hoàn thành bổn phận mỗi ngày của mình.
Chia sẻ: Bạn có bị cám dỗ tháo lui, bỏ bê bổn phận khi gặp điều trái ý, thử thách
trong cuộc sống không? Bạn đã làm gì để khắc phục điều đó?
Sống
Lời Chúa: Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi nên
giống Chúa Kitô để sống như Ngài đã sống. Ngài đã trung thành với sứ mạng cho
dù phải đối diện với nhiều khó khăn. Noi gương Ngài, chúng ta cũng phải biết
trung thành với bổn phận hàng ngày của mình mỗi ngày: bổn phận trần thế và bổn
phận của một người con Chúa.
Cầu
nguyện: Đọc kinh Sáng
Soi.
12/05/17 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Th. Păng-ra-xi-ô, tử
đạo Ga
14,1-6
TRONG
NHÀ CHA
“Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã
nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Ga 14,2)
Suy
niệm: Cha ông ta thường nói: “Sinh ký, tử quy”: sống gởi,
thác về, về là về với ông bà tổ tiên. Thế nên có lẽ không ai ngạc nhiên khi
Chúa Giêsu nói Ngài về với Chúa Cha. Nhưng điều làm ta cảm động hơn cả đó là
Ngài cho chúng ta được tham dự vào gia đình Ba Ngôi của Ngài. Vì yêu thương,
chính Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta: “Trong nhà Cha trên trời có nhiều chỗ
ở.” Ngài là người anh cả đi trước để dọn chỗ cho chúng ta bằng cái chết đau
thương tủi nhục trên thập giá. Rồi Ngài đã sống lại, đã lên trời để dẫn đưa
từng người chúng ta đến với Cha.
Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong mùa Phục Sinh. Mùa hân hoan vui mừng vì Chúa
Giêsu đã chiến thắng sự chết và tội lỗi. Ngài đã sống lại vinh quang. Chúa
Giêsu, Vị Thiên Chúa làm Người đã đi vào cõi vĩnh hằng để dọn chỗ cho chúng ta.
Chúa Cha luôn chờ đón từng người chúng ta trở về, để ở bên Ngài trong yêu
thương và hạnh phúc. Trong giờ hấp hối, thánh nữ Têrêsa Avila đã hớn hở kêu lên: “Lạy Chúa, giờ đã đến, Cha và con gặp nhau.”
Tác giả cuốn Đường Hy Vọng cho biết bí quyết sống can đảm của người ki-tô hữu
là: “Trước muôn ngàn thử thách, đau khổ, con hãy sốt sắng tin tưởng và đọc
nhiều lần: ‘Tôi tin xác lòai người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy’.”
(số 674). Mời bạn sống niềm tin đó trong niềm hy vọng ngày đoàn tụ trong nhà
Cha.
Chia sẻ: Bạn đã chuẩn bị gì cho cuộc hội ngộ vĩnh hằng với Chúa Giêsu?
Sống
Lời Chúa: Hãy ý thức trần gian này là nơi tạm trú, và qui
hướng về Thiên đàng là thường trú muôn đời.
Cầu
nguyện: Đọc kinh Trông
Cậy.
13/05/17 THỨ BẢY TUẦN 4 PS
100 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA Lc 11,27-28
CÙNG MẸ
LẮNG NGHE VÀ VÂNG GIỮ LỜI CHÚA
“Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân
giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)
Suy
niệm: Khi nghe người phụ nữ ca tụng Mẹ Maria có phúc vì “đã
cưu mang và cho Thầy bú mớm”, Chúa Giêsu đính chính: “Đúng hơn phải nói rằng:
Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Nói lời này, Chúa Giêsu
không hạ thấp ơn huệ làm mẹ thể lý của Đức Maria nhưng muốn chúng ta nhìn sâu
vào điều cốt lõi của phúc đức mà Mẹ đang được hưởng. Phúc của Mẹ không hệ tại
có một người con tài ba lỗi lạc, mà đúng hơn Người Con mà Mẹ sinh ra lại chính
là Con Một Thiên Chúa; và hơn nữa, Mẹ có phúc được Thiên Chúa tuyển chọn và ban
cho ơn huệ lớn lao ấy là vì Mẹ đã “tin vào lời Chúa phán” và thưa “Xin Vâng” để
đón nhận Lời ấy, không chỉ trong khoảng khắc của ngày truyền tin mà còn trong
cả cuộc đời của Mẹ.
Mời Bạn: Trong những ngày này, người từ khắp nơi trên thế giới hướng về Fatima ca
tụng, cầu xin Mẹ. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy bí quyết vẻ đẹp tâm hồn và ân phúc
vô song của Mẹ: đó là tin tưởng lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Điều tốt đẹp
nhất mà Giêsu và Mẹ mong muốn cho mỗi người chúng ta là biết lấy Lời Chúa làm
“ánh sáng chỉ đường” và “đèn soi bước chân” cho ta.
Sống
Lời Chúa: Mỗi khi đọc Lời Chúa, tôi đọc với tâm tình của
Mẹ yêu mến Lời Chúa. Xin Mẹ giúp tôi am hiểu những điều Chúa muốn nói với tôi
và muốn tôi thực hiện trong đời sống.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con biết lắng nghe và chăm chỉ thực hành Lời Chúa như Mẹ; nhờ đó
Lời Chúa trở thành hạt giống rơi vào đất tốt, sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái
thánh thiện cho chúng con và cho mọi người.
14/05/17 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – A
Ga
14,1-12
HÃY TIN
VÀO CHÚA
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng
xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14,1)
Suy
niệm: Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu trấn an các môn đệ “đừng
xao xuyến!” Thế nhưng chính Ngài lại xao xuyến, xao xuyến đến cực độ. Tin Mừng
cho biết Ngài xao xuyến khi thông báo “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga
13,21); lúc cầu nguyện trong Vườn Dầu, đối diện với con đường khổ nạn và cái
chết trên thập giá, Ngài xao xuyến đến độ hãi hùng (Mc 14,33), thậm chí máu
cùng với mồ hôi đổ ra (Lc 22,44). Chúa khuyên các môn đệ đừng xao xuyến vì Ngài
đã gánh lấy những xao xuyến đó và cho các môn đệ bí quyết để “đừng xao xuyến!”;
đó là: “Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy!” Những vấn nạn của cuộc sống, nếu
chỉ đi tìm lời giải đáp ở những sự đời này, người ta sẽ lâm vào chỗ bế tắc! Thế
nhưng, “tin vào Chúa và tin vào Thầy,” không phải các chướng ngại được cất đi,
nhưng chúng được biến đổi trở thành phương thế đạt tới ơn cứu độ đời đời.
Mời Bạn: Sống giữa cuộc đời đầy bất trắc, khó khăn này, ai mà không “xao xuyến”!
Xao xuyến vì cơm áo gạo tiền, vì công danh sự nghiệp, vì bổn phận trách nhiệm,
vì hiện tại và tương lai, vì… và vì… Chúa kêu mời chúng ta “hãy tin vào Thiên
Chúa và tin vào Thầy”. Chúa Kitô đã sống lại và chúng ta cũng được sống lại với
Đức Kitô, vì thế “hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên
hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
Sống
Lời Chúa: Hôm nay và từ nay, gia đình tôi quyết trung
thành đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
giữa bao thử thách của cuộc đời, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.
15/05/17 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Ga
14,21-26
SAY MÊ
CHÚA VÀ GIỮ LỜI NGÀI
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ
yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga
14,23)
Suy
niệm: Còn nhớ cách đây 10 năm, cô Dương Lệ Quyên là một fan
cuồng tài tử Lưu Đức Hoa đến nỗi cha cô phải bán nhà, vay tiền nặng lãi, cuối
cùng bán cả thận, để đưa cô đến gặp thần tượng. Cô đã đạt được ý nguyện và chụp
ảnh chung với thần tượng của mình. nhưng cô còn muốn gặp và nói chuyện riêng
với chàng. Thế là ông bố đã nhảy sông tự tử để gây áp lực họ Lưu phải chiều ý
con gái mình. Lý tưởng hoá một hình tượng nào đó là điều bình thường nếu không
nói là cần thiết để phát triển. Nhưng “thần tượng hoá” thái quá đến độ bệnh
hoạn lại đưa đến nhiều tai hoạ khôn lường. Còn đối với Đức Kitô thì Ngài sẽ
không để những ai say mê, tuân giữ lời Ngài và ra sức để trở nên giống Ngài,
phải thất vọng vì thần tượng bị sụp đổ. Bởi vì chẳng những Ngài mà cả Thiên
Chúa Cha của Ngài sẽ yêu mến họ, hiện diện trong họ và làm cho họ được hạnh
phúc.
Bạn ơi,
say mê Đức Kitô không làm bạn mắc bệnh tâm thần đâu. Thánh Phêrô đã chẳng nói
với Đức Kitô một cách say mê: “Bỏ Thầy con biết theo ai?” đấy sao (Ga 6,68)?
Thánh Phaolô đã chẳng nói như điên dại: “Tôi đành mất hết, tôi coi tất cả như
rác, để được Chúa Kitô” đấy sao (Pl 3,9)? Và các thánh tử đạo đã chẳng say mê
Chúa Kitô đến mức sẵn sàng chết vì Ngài đó sao? Phần bạn, bạn có dám say mê
Chúa Kitô và sống theo Lời Người không?
Sống
Lời Chúa: Dám sống công bằng và trung thực. Dám phục vụ
Chúa Kitô nơi người cô thân cô thế, nghèo khổ.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa xin đừng
để con vì chút lời lãi ở thế gian này mà bỏ Chúa là hạnh phúc muôn đời.
16/05/17
THỨ BA TUẦN 5 PS
Ga 14,27-31a
BÌNH AN ĐÍCH THỰC
“Thầy để lại
bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em
không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27)
Suy niệm: Hẳn nhiên cuộc sống có muôn màu muôn vẻ, để trao
ban bình an cho nhau, người ta có nhiều cách: một lời cầu chúc, một cử chỉ đẹp,
nụ cười thiện cảm, tấm lòng nhân ái… Nhưng bình an đích thực Chúa ban, không
giống như bình an người đời trao cho nhau: tự sâu thẳm cõi lòng, mỗi người nhận
ra được bình an đích thực chỉ có ở nơi Chúa, Đấng là “Thái Tử Hòa Bình” (Is
9,6). Ngài đến trần gian để cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga
10,10).
Mời Bạn: Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ
lần nào cũng chào chúc: “Bình an cho anh em”. Ngài muốn bạn là khí cụ bình an
của Ngài ở chính nơi bạn đang sống. Để được như vậy, bạn cần ở lại riêng tư với
Chúa để cầu nguyện, chiêm ngắm để thấm nhuần tinh thần của Ngài, hầu mọi suy
nghĩ, lời nói và việc làm của bạn họa lại chính cuộc sống của Chúa, như thánh
Phaolô nói: “Tôi sống, không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl
2,20).
Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để chia sẻ cho mọi người sống quanh
bạn ơn bình an của Chúa Giêsu phục sinh đang có nơi tâm hồn bạn?
Sống Lời Chúa: Tâm hồn bạn sẽ thanh thoát bình an nhờ năng kết
hiệp với Chúa khi rước lễ, viếng Mình Thánh, thường xuyên tâm sự với Chúa, v.v.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ
ơn Chúa đã ban bình an cho con, xin cho con biết quý trọng bình an Chúa ban
trong từng ngày sống và trao ban bình an đó cho những người con tiếp xúc gặp gỡ
hằng ngày. Amen.
17/05/17
THỨ TƯ TUẦN 5 PS
Ga 15,1-8
NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
“Cành nho
không thể sinh trái nếu không ở lại với thân nho.” (Ga 15,4)
Suy niệm: Với sự tiến bộ của y học ngày nay, người ta có thể
nối lại một cánh tay hay một cẳng chân lỡ bị đứt lìa. Nhiều nạn nhân nhờ đó
khỏi bị mất tay, chân một cách oan uổng. Nhưng ai cũng rõ, phải làm việc này
nhanh hết sức, vì một chi thể đứt rời không thể sống được lâu ngoài cơ thể. Ta
dễ hiểu hàm ý của Đức Giêsu qua hình tượng cành và thân nho: cành nho, nếu lìa
khỏi thân nho, không thể sống, nói chi đến chuyện sinh hoa trái! Nhưng Ngài
không có ý nói chuyện thực vật học. Ở đây Người đang trình bày Tin Mừng; và
điều Người muốn xác quyết là: “Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa
trái.” Một trong những phương thế để ở lại trong Chúa Kitô là “Giêsu hoá” đời
mình như thánh Phaolô đề nghị: “Không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống
trong tôi.”
Mời Bạn: Mỗi khi nhìn một cây nho, hay bất cứ cây gì khác,
bạn tập liên tưởng rằng Chúa Giêsu là cây và bạn là cành. Bạn cần gắn liền với
Chúa Giêsu như cành cần dính liền với thân cây, để thực sự sống và để thực sự
nên hữu ích.
Chia sẻ: Trong nhịp sống quay cuồng hôm nay, ta phải làm
sao để không bị nuốt chửng trong những miệt mài săn đuổi các giá trị phàm tục
và tạm bợ? Phải làm sao để không những biết dành cho Chúa Giêsu một chỗ trong
cuộc sống mình mà hơn thế nữa để nhận Người là chính trung tâm của đời mình, là
giá trị nền tảng của mọi giá trị khác?
Sống Lời Chúa: “Giêsu hóa” đời mình bằng cách thường nghĩ đến
Người, nói về Người, tìm gặp Người, nói với Người, nghe Người nói, ngắm Người
làm…
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu, Chúa là cây nho, còn con là cành, xin cho con biết luôn gắn kết với
Chúa. Amen.
18/05/17
THỨ NĂM TUẦN 5 PS
Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo Ga 15,9-11
Ở LẠI TRONG TRONG TÌNH YÊU
“Anh em hãy ở
lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)
Suy niệm: Đứng trước một phong cảnh đẹp, người ta thích thú
và muốn nhìn ngắm mãi. Chiêm ngưỡng dung mạo sáng ngời của Chúa Giêsu, Phêrô đã
ước ao ở lại mãi trên núi Tabo với Thầy. Cũng thế, được ở với người mình yêu
dấu là niềm hạnh phúc mà bất cứ ai cũng muốn duy trì đến vô tận. Chúa Giêsu ước
ao các môn đệ thân yêu mãi “ở lại trong tình yêu của Thầy” để họ được hưởng
hạnh phúc bất tận trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa Ba Ngôi. Để niềm ao ước
đó được hiện thực, Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để trao ban chính Thân
Mình Ngài cho con người, để nhờ đó, khi chúng ta tiếp rước Thánh Thể, Chúa ở
lại trong chúng ta và chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Chúa.
Mời Bạn: Tình yêu có thể làm được những điều kỳ diệu. Nơi
con người đã thế, còn đối với Thiên Chúa, tại sao không? Đã bao giờ bạn cảm
nhận được tình yêu Thiên Chúa qua lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu, nơi Lời
Chúa, nơi Bí Tích Thánh Thể chưa?
Chia sẻ niềm vui sướng của bạn khi cảm nhận được
tình yêu của Chúa can thiệp trong cuộc đời của bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành vài phút thinh lặng trước Chúa
Giêsu Thánh Thể hoặc rước lễ thiêng liêng để bạn luôn ý thức sự hiện diện của
Chúa để được ở lại với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
thật hạnh phúc biết bao khi được Chúa yêu thương con cách đặc biệt. Con xin lỗi
Chúa vì biết bao nhiêu lần con đã thờ ơ, nguội lạnh trước tình yêu của Ngài.
Xin Chúa luôn bao bọc chở che để con luôn biết ở lại trong tình thương của Chúa
và đem Chúa đến cho người khác. Amen.
19/05/17
THỨ SÁU TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17
CHỨNG TÁ CỦA TÌNH THƯƠNG
“Anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Suy niệm: Kitô giáo là đạo yêu thương, nên các Kitô hữu phải
là những chứng nhân của tình thương ấy. Yêu thương là điều răn Chúa Giêsu đã
trăn trối cho các môn đệ, là tiêu chuẩn để nhận diện ai là môn đệ đích thực của
Ngài. Để có thể đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, người Ki-tô hữu phải sống
tình yêu thương ấy cách triệt để trong đời sống mình. Vì nhờ sự thúc bách của
tình yêu mà ta có thể từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ để hướng về và
sống cho tha nhân. Thật thế, nếu không từ bỏ cái tôi thì ngay cả trong các việc
bác ái, ta cũng có nguy cơ biến tha nhân thành phương tiện để tôn vinh chính
mình. Xem ra sống điều răn yêu thương là việc không dễ dàng chút nào; có vẻ như
yêu thương như Chúa yêu càng là chuyện khó có thể thực thi. Tuy nhiên, ta tin
rằng Chúa Giêsu không bao giờ đặt trên vai ta một gánh nặng vượt quá sức mình.
Chỉ cần ta nỗ lực không ngừng để kiện toàn và thăng hoa tình yêu ấy mỗi ngày
nhờ kín múc sức mạnh từ tình yêu của Ngài.
Mời Bạn: Hơn bao giờ hết, con người trong xã hội hôm nay
cần tình yêu để xóa bỏ bất công, xua tan đau khổ và biến đổi văn minh thế giới
trở thành nền văn minh của tình thương. Bạn có nhận ra được điều này không ?
Chia sẻ: Bạn chia sẻ về các khó khăn khi tha thứ cho
một người làm hại bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dâng lên Chúa một lời cầu nguyện cho
người tôi thù ghét hay không ưa thích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin
dạy chúng con biết tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Nhờ đó,
chúng con trở thành chứng nhân của Chúa cho mọi người xung quanh. Amen.
20/05/17
THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục Ga 15,18-21
THUỘC VỀ ĐỨC KI-TÔ
“Nhưng vì anh
em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn anh em, đã tách anh em khỏi thế
gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19b)
Suy niệm: Thánh Anrê
Kim Thông tử đạo, là lý trưởng và là chánh trương họ đạo Gò Thị, chủ gia đình
đạo đức chăm lo giáo dục con cái. Gia đình có một người con là linh mục, một nữ
tu Mến Thánh Giá. Khi bị bắt và yêu cầu nếu đạp lên thập tự giá thì được tha,
thánh Anrê Kim Thông trả lời: “Thập giá tôi kính thờ, dẫm lên sao được.” Ngài bị án phát lưu vào Mỹ Tho
nhưng đã chết trên đường đi đến nơi lưu đày ngày 15/5/1855. Thánh Kim Thông lấy
mạng sống mình để làm chứng cho Lời Chúa nói hôm nay: dù đang sống ở giữa thế
gian, nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì chúng ta đã được Chúa yêu
thương chọn gọi để thuộc về Ngài. Dù sống giữa thế gian, nhưng ta đừng để cho
thói xấu thế gian thấm nhiễm nơi ta, vì ta vẫn thuộc về Chúa. Thuộc về Chúa, là
sống giống như Chúa trong mọi thái độ sống.
Mời Bạn: Thuộc về Chúa là chọn Chúa làm chuẩn mực sống, là
dám khước từ những lối sống tham lam, hưởng thụ ích kỷ của thế gian, để chọn
sống giống như Chúa, là suy nghĩ như cách Chúa suy nghĩ, là hành động như cách
Chúa hành động, là nhiệt thành dấn thân trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, là dám
lấy cuộc sống và cả mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy sự giằng co khi phải lựa chọn để
thuộc về Chúa ở giữa những lôi cuốn của thế gian không?
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh nhỏ để nhắc nhớ mình thuộc về
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
con đã thuộc về Chúa. Xin giúp con biết tránh sự dữ để luôn chọn Chúa và làm
điều thiện.
21/05/17
CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – A
Ga 14,15-21
ĐẤNG BẢO TRỢ ẨN MÌNH
“Thầy sẽ xin
Cha và Thầy sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi.”
(Ga 14,16)
Suy niệm: Khi ở với môn đệ, Chúa Giêsu vừa là Thầy, vừa là
Đấng Bảo Trợ các ông. Nay sắp rời bỏ các ông về trời, Ngài hứa ban một Đấng Bảo
Trợ khác thay Ngài. Đấng Bảo Trợ ấy chính là Chúa Thánh Thần, Ngài dường như ẩn
mình nhưng luôn hiện diện và hoạt động cách vô hình trong Hội Thánh cho đến
ngày tận thế. Chúa Giêsu đã ví Thánh Thần giống như gió “muốn thổi đâu thì
thổi, ta nghe tiếng gió nhưng không biết từ đâu tới và thổi đi đâu” (Ga 3,8).
Ước mơ của Chúa Giêsu là ngọn lửa Ngài đã ném vào mặt đất được bùng lên (x. Lc
12,49). Bây giờ ước mơ nồng cháy ấy của Ngài được hiện thực qua Thánh Thần,
Đấng đốt lửa kính mến Chúa và soi sáng, hướng dẫn lương tri con người. Những
việc tốt lành ta làm, các con người tốt của thế giới đều do chính Thánh Thần
thúc đẩy, là hoa quả do tác động của Ngài.
Mời Bạn: Tân sáng tạo là hoạt động của Thánh Thần, Ngài
canh tân và hoàn thành mọi sự (x. Kh 21&22). Cuộc sáng tạo mới ấy vẫn đang
tiếp diễn trên thế giới, bạn có muốn góp một tay vào cuộc sáng tạo mới ấy ngay
trong xã hội của bạn không?
Sống Lời Chúa: Ta bắt đầu công việc với lời cầu xin Chúa Thánh
Thần. Tuy nhiên, trong công việc, ta thường lãng quên sự hướng dẫn của Ngài, để
cho ý riêng mình độc chiếm. Tôi sẽ để Ngài tiếp tục hướng dẫn mình từ khởi sự
cho đến hoàn thành công việc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu phục sinh, xin nhắc nhớ chúng con về sự hiện của Chúa Thánh Thần, Đấng
luôn hiện diện, tiếp nối và hoàn tất những gì còn dang dở trong chương trình
cứu độ.
22/05/17 THỨ HAI TUẦN 6 PS
Ga
15,26-16,4a
ĐIỀU
KIỆN NGƯỜI LÀM CHỨNG
Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Cả anh em nữa, anh em
cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy từ đầu.”(Ga 15,27)
Suy
niệm: Sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô là rao giảng về Ngài,
làm chứng cho Ngài. Để rao giảng điều gì, người ta chỉ tìm hiểu, suy gẫm để
khám phá ra. Đang khi ấy, để lời chứng có giá trị thuyết phục, thì nhân chứng
phải là người trực tiếp chứng kiến điều mình nói. Thánh Gioan Tông đồ là một
chứng nhân như thế: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự
sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng” (1Ga
1,1-2). Vậy, không ai có thể làm chứng về Chúa Kitô nếu trước đó không có cuộc
gặp gỡ thân tình với Ngài.
Mời Bạn: Điều kiện để trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô là gặp gỡ và ở lại với
Ngài. Mà Ngài vẫn đang ở giữa chúng ta và ở lại mọi ngày cho đến tận thế (Mt
28,20). Việc còn lại của chúng ta là khám phá ra sự hiện diện của Ngài để thông
hiệp với Ngài. Có như thế, lời chứng của chúng ta mới đáng tin, mới có giá trị
thuyết phục.
Chia sẻ: “Ở lại trong Chúa” có phải là giây phút cần phải nói nhiều không?
Sống
Lời Chúa: Dành ít nhất năm phút cuối ngày hoặc sau mỗi
Thánh Lễ để được ở lại trong Chúa, nhìn ngắm Ngài và tâm sự với Ngài.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Kitô,
Chúa muốn chúng con trở thành chứng nhân, nhưng chúng con mới chỉ nói về Chúa,
chứ chưa thật sự làm chứng. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự hiện diện sống
động của Chúa nơi Lời Chúa và Thánh Thể, qua Giáo hội và tha nhân, để nhờ đó,
chúng con có thể làm chứng về Chúa cho anh chị em con.
23/05/17 THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga
16,5-11
SỰ BẢO
TRỢ CỦA THÁNH THẦN
“Thầy sẽ sai Đấng Bảo trợ đến với anh em.” (Ga 16,7)
Suy
niệm: Đành rằng trong cuộc sống, muốn vững bước thăng tiến,
cần có người bảo trợ, bảo lãnh. Còn bé tập đi, cần có người dìu dắt; viết luận
văn tốt nghiệp cần có giáo sư hướng dẫn, v.v… Thế nhưng một tệ nạn lớn của xã
hội hiện nay cũng xuất phát từ não trạng dựa dẫm này: phải có ô dù, phải là
“thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ…” thì mới mong ngồi được vào
những cái ghế quyền lực, hái ra tiền. Trong cuộc sống tâm linh, Chúa Thánh
Thần, Đấng Bảo Trợ không phải là chỗ để ỷ lại, làm tê liệt sức sáng tạo nơi
chúng ta. Trái lại, Người bảo vệ chúng ta khỏi đi lệch đường bằng cách soi
sáng, hướng dẫn; Người ban ơn khôn ngoan và sức mạnh để chúng ta chiến thắng ác
thần. Đọc sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta có thể cách thức hoạt động đó của Ngài
trong Hội Thánh.
Mời Bạn: Người Do thái bị Chúa trách vì họ đã “cứng đầu cứng cổ” chứ không ngoan
ngùy để Chúa dẫn dắt, chỉ vẽ. Người công giáo trước khi làm một việc gì quan
trọng, thường cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin ơn Ngài hướng dẫn, bảo trợ.
Bạn hãy nhớ làm như thế.
Chia sẻ: Có một tấm hình vẽ một chú chim non nằm trong lòng bàn tay, với câu chú
thích: “Cuộc đời con trong tay Cha”. Qua tấm hình đó, bạn suy nghĩ gì về Chúa
Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ trong đời sống thiêng liêng của bạn?
Sống
Lời Chúa: Trước khi làm một việc gì, bạn hãy dành một phút
để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Thánh
Thần, xin đốt lửa kính mến Chúa trong lòng chúng con..., sửa lại mọi sự trong
ngoài chúng con..., an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành...
24/05/17 THỨ TƯ TUẦN 6 PS
Ga
16,12-15
CÔNG
TRÌNH CỦA BA NGÔI
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự
thật vẹn toàn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người
nghe, Người sẽ loan báo lại cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16,13)
Suy
niệm: Chúng ta vẫn thường phân chia nhiệm vụ: Chúa Cha tạo
dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Như vậy, xem ra Ba Ngôi
thực hiện ba công trình khác nhau, cách độc lập như mỗi Ngôi có một phần việc
riêng. Thực ra, vẫn có ba công trình: sáng tạo - cứu chuộc - thánh hóa, nhưng
các công trình ấy đều là công việc của cả Ba Ngôi, chứ không riêng biệt của một
Ngôi nào. Thiên Chúa “thổi sinh khí vào lỗ mũi” (x. St 2,7), đây không phải là
hình ảnh của Chúa Thánh Thần sao. “Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính
Người làm những việc của mình” (x. Ga 14,10), và Thần Khí sự thật “không tự
mình nói điều gì” (c.13). Tất cả cũng chỉ để minh họa cả Ba Ngôi Thiên Chúa
cùng hoạt động trong mọi sự, trong mọi người, ở mọi nơi và mọi lúc.
Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn ưu ái hiện diện trong chúng mình với cả Ba Ngôi, để đồng
hành và nâng đỡ bạn và tôi. Những công việc bạn đang làm có phải là để tôn vinh
Thiên Chúa không, hay cũng chỉ để cho cá nhân bạn mà thôi?
Chia sẻ: Bạn có ý thức mỗi việc, dù nhỏ bé bạn làm đều có bàn tay quan phòng của
Thiên Chúa không?
Sống
Lời Chúa: Giúp đỡ tha nhân trong tư cách là con cái Thiên
Chúa, để mọi người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình.
Cầu
nguyện: Lạy Thiên Chúa Ba
Ngôi, cảm tạ Chúa ngự trong tâm hồn con. Xin giúp con nhận ra Chúa luôn ở trong
con và nơi anh chị em con. Amen.
25/04/17 THỨ NĂM TUẦN 6 PS
Thánh Bêđa Khả Kính,
linh mục, tiến sĩ HT Ga 16,16-20
BẢO
CHỨNG CỦA NIỀM VUI
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít
lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” (Ga 16,16)
Suy
niệm: Đức Giêsu nói với các môn đệ lời tiên báo trên đây
trong bầu khí của bữa Tiệc Ly. Chỉ “ít lâu nữa” thôi, vì ngay sau trưa ngày hôm
sau, Thầy chịu khổ nạn thập giá, chôn trong mồ đá, các ông buồn sầu khi không
còn được trông thấy Thầy mình. Các ông đã bỏ nghề nghiệp ổn định, mái ấm gia
đình đi theo Thầy, bao hy vọng, mộng ước công danh đặt trọn nơi Thầy. Thế mà
bây giờ mọi sự như sụp đổ với cái chết đau thương của Thầy. Thế nhưng, nỗi buồn
sầu ấy sẽ sớm biến thành niềm vui, một niềm vui vỡ oà khi được gặp lại Thầy
mình, Đấng Phục Sinh, hiện ra với họ. Đó chính là kinh nghiệm đức tin đi từ nỗi
buồn đến niềm vui, từ cảm nghiệm thập giá đến vinh quang phục sinh trong cuộc
sống.
Sống
Lời Chúa: Có những lúc thời gian như ngừng trôi khi bạn ở
trong tình trạng đau khổ, buồn bã, vắng bóng người thương yêu; nhưng tình trạng
đó chỉ tạm thời. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn luôn trung tín với Chúa, để nỗi
ưu sầu trở nên khí cụ đem lại niềm vui. Bởi vì, “Niềm vui của người Kitô hữu
không phải là sự thiếu vắng đi nỗi đau, mà là vượt qua nỗi đau ấy” (Louis
Evely).
Chia sẻ kinh nghiệm của
bạn về một biến cố mà Lời Chúa hôm nay là bảo chứng của niềm vui và hy vọng?
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, khi con
thất vọng, xin nhắc con nhớ rằng Chúa đã gieo niềm hy vọng trong con; lúc con
buồn đau, xin cho con nhớ lại Chúa cũng đã đau buồn trong cuộc Khổ nạn. Xin cho con biết để Chúa đồng hành trong cuộc
sống của con, để niềm vui trong con được trọn vẹn trong Chúa.
26/05/17 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Th. Phi-líp-phê Nê-ri,
linh mục Ga 16,20-23a
TRUNG
THÀNH MỌI HOÀN CẢNH
“Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ
gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy
mất được.” (Ga 16,22)
Suy
niệm: Con người thường nản lòng, dễ bỏ cuộc trước những gian
nan, khổ cực, hay thất bại của đời sống. Thế nhưng, nếu ta trung thành với
Chúa, biết đón nhận các hoàn cảnh ấy cách vui tươi, thì nhờ ơn Chúa, các gian
nan, khó cực, và thất bại ấy sẽ giúp ta trở thành người Kitô hữu trưởng thành
hơn. Khi sinh con, người sản phụ đau đớn, nhưng sau đó, vui mừng vì một người
con mới ra đời, người mẹ sẽ không còn nhớ cơn đau quặn trước đó. Các môn đệ sẽ
lo sợ, buồn phiền trước các đau khổ xảy ra cho Thầy mình và cho các ông. Thế
nhưng, Ngài muốn các ông hướng nhìn về niềm vui trọn vẹn không ai có thể tước
đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.
Mời Bạn: Hôm nay, Chúa Phục Sinh bước vào nhà và trái tim bạn. Ngài đến đem niềm
vui và an bình, sự sống, hy vọng, ý nghĩa của đời sống cho bạn. Vì vậy, mời bạn
hãy siêng năng đến gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, để Ngài làm cho đời sống bạn
được bình an, nhẹ nhàng, và hạnh phúc cả trong gian nan, lo âu hay muộn phiền.
Sống
Lời Chúa: Luôn kết hiệp với Chúa Phục Sinh qua việc suy
niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể Ngài.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, hằng
ngày có biết bao vất vả, lo toan, gian nan, khốn khổ cứ luẩn quẩn trong con.
Xin cho con biết dành vài phút giây quý báu để thân thưa cùng Chúa, kết hiệp
với Chúa, để được nâng đỡ, bồi dưỡng, và nhờ đó, đời sống con luôn tràn ngập
vui mừng và hy vọng. Amen.
27/05/17 THỨ BẢY TUẦN 6 PS
Ga
16,23b-28
TIN VÀ
YÊU MẾN CHÚA
“Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em yêu mến Thầy,
và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” (Ga 16,27)
Suy
niệm: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chúa Giêsu là
hiện thân của Chúa Cha, là Con Một được Chúa Cha sai đến trần gian, là con
đường đưa dẫn ta đến với trái tim của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giêsu, niềm vui của
ta được trọn vẹn, sự hiểu biết về Thiên Chúa được đầy đủ. Hai tâm tình các môn
đệ cần phải có với Chúa Giêsu là tin và yêu. Tin Ngài từ Thiên Chúa mà đến và
yêu mến Ngài thì các môn đệ mới có thể tin và yêu mến Chúa Cha được. Với hai
tâm tình tin và yêu mến ấy, Ngài dạy họ mạnh dạn nhân danh Ngài để cầu xin với
Chúa Cha. Chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời họ, vì họ là môn đệ của Ngài, là những
người đang hiệp thông, đồng hình đồng dạng với Ngài. Để rồi qua trung gian của
Ngài, họ đi vào tương quan thân thiết với gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mời Bạn: Nhiều người lý luận tôi tin Thiên Chúa, nhưng chưa thể yêu Ngài, vì Ngài
xa cách tôi quá. Nhưng nếu tôi tin Ngài đã cho tôi sự sống, ơn cứu độ, và chính
Con Một Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống vì yêu tôi, tôi sẽ cảm thấy yêu Ngài dễ
dàng hơn. Bạn tin Chúa, nhưng đã yêu Ngài chưa?
Sống
Lời Chúa: Tôi tiếp tục suy gẫm lời này của Chúa Giê-su:
“Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người
thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) và xin ơn hiểu lời Chúa
để thêm lòng tin yêu Chúa hơn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho
chúng con ơn yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, để con có thể tin Chúa mạnh hơn mỗi
ngày. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
28/05/17 CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – A
CHÚA THĂNG THIÊN Mt 28,16-20
SỨ MẠNG
NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19)
Suy
niệm: Trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn
đệ trên một ngọn núi tại Galilê, Người đã trao cho các ông sứ mạng loan báo Tin
Mừng Phục Sinh: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Sau khi nhận Thần Khí của Chúa Phục Sinh,
các môn đệ đã ra đi tới các miền Samari, Antiôkhia, Athêna, và đến Rôma. Các
ông đã làm chứng cho Đức Giêsu bằng việc sẵn sàng chịu chết vì danh Chúa:
Phaolô bị chém đầu, Phêrô bị đóng đinh ngược trên thập giá. Các Tông đồ khác
trừ Gio-an, đều được phúc tử vì đạo.
Mời Bạn: Ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đón nhận sứ mạng rao
giảng và làm chứng Tin Mừng Phục Sinh mọi nơi mình hiện diện. Nhờ các việc bác
ái cụ thể được thực hiện trong sự khiêm tốn yêu thương vô vị lợi, mà Tin Mừng
Phục Sinh sẽ tỏa sáng, giúp cho nhiều anh em lương dân nhận biết chúng ta thực
là môn đệ Đức Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời.
Sống
Lời Chúa: Bạn cùng với một người trong nhóm của bạn cầu
nguyện và đồng thời, đi thăm một người bạn hoặc một gia đình lương dân sống
trong khu xóm hoặc cùng làm việc với bạn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa muốn các môn đệ xưa kia và chúng con hôm nay tiếp tục công trình cứu độ
của Thiên Chúa, bằng việc loan báo và làm chứng Tin Mừng Phục Sinh với ơn trợ
giúp của Chúa Thánh Thần. Xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng ấy trong cuộc
sống đời thường của chúng con.
29/05/17 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Ga
16,29-33
ĐAU KHỔ
VÀ VINH QUANG
“Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can
đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)
Suy
niệm: Đau khổ và vinh quang là hai chiều kích song hành với
nhau. Sống là phải đối đầu với đau khổ, vượt qua đau khổ, để đến với vinh
quang. Chúa Giêsu đã can đảm chấp nhận đau khổ, chọn cái chết theo ý Chúa Cha,
hầu cứu nhân loại khỏi quyền lực Satan. Thế nhưng, ngày thứ ba Người đã sống
lại, chiến thắng sự dữ, “chiến thắng thế gian,” được Chúa Cha tôn vinh và ngự
bên hữu Chúa Cha. Người đã để lại cho chúng ta một bài học ý nghĩa: hãy can đảm
vác thập giá một cách tự nguyện và bước đi trong hy vọng; bởi vì thập giá và
vinh quang không thể tách rời nhau, Khổ Nạn và Phục Sinh không thể tách biệt
nhau, đau khổ và chết chóc không dẫn tới ngõ cụt, nhưng dẫn tới vinh quang của
ngày sống lại hiển vinh.
Mời Bạn: Bạn hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, từ bỏ mình vác thập giá hằng
ngày bằng việc sống yêu thương phục vụ và dấn thân vì Nước Trời. Nhờ vậy, bạn
sẽ có được sự sống vĩnh hằng làm gia nghiệp, được vinh thắng trong bình an.
Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để giúp những người đang gặp khó khăn - vật chất lẫn tinh
thần - lấy lại được niềm hy vọng?
Sống
Lời Chúa: Tôi sẽ noi gương Chúa Giêsu, “… xin đừng theo ý
Con, một theo ý Cha mà thôi;” để sẽ được phục sinh trên thiên đàng với Chúa
Cha.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con luôn biết chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn của Chúa, để rồi chấp nhận
vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ trưởng thành
hơn, bao dung với đời, với người hơn. Amen.
30/05/17 THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga
17,1-11a
BIẾT
CHÚA BẰNG CẢ CON TIM
“Sự sống đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và
chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến, là Giê-su Kitô.” (Ga 17,3)
Suy
niệm: Cha K. Rahner nói rằng “Biết Chúa thì quan trọng hơn
biết về Chúa.” Các anh chị dự tòng phải học giáo lý ròng rã cả nửa năm để biết
về Chúa hay giáo lý về đạo Chúa. Thế nhưng, tất cả chúng ta cần cả cuộc đời để
có thể biết Chúa. Biết về Chúa liên quan đến kiến thức trí tuệ: biết Ngài là
Đấng tạo dựng muôn loài, nhưng đồng thời cũng là Cha nhân lành; biết Đức Giêsu
Kitô là Đấng Cha sai đến trần gian; biết việc thờ phượng Chúa qua đời sống bí
tích và luân lý… Đang khi ấy, biết Chúa lại liên hệ đến mối tương quan cá vị
gần gũi, kết hợp mật thiết với Chúa, là sự gắn bó yêu thương với Ngài trong đời
sống hằng ngày.
Mời Bạn: Hiểu biết không phải là khôn ngoan; khôn ngoan là khôn khéo sử dụng kiến
thức đã có. Bạn cần trau dồi sự hiểu biết về Chúa hơn nhờ siêng năng đọc sách
thiêng liêng, nhất là đọc và suy niệm Lời Chúa. Bạn cũng cần phát huy tương
quan thân thiết với Chúa hơn qua việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ, và nhớ đến
sự hiện diện yêu thương của Ngài trong cuộc đời mình.
Sống
Lời Chúa: Là Kitô hữu, tôi cần phát triển cả hai phương
diện: biết về Chúa và biết Chúa. Biết về Chúa qua việc học hỏi giáo lý và suy
niệm Lời Chúa mỗi ngày. Biết Chúa bằng cách quan tâm đi vào mối tương quan thân
thiết với Ngài qua kinh nguyện.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
nhờ Chúa chỉ dẫn, con có thể đi vào mối tương quan mật thiết với Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần. Xin giúp con luôn sống trong tình yêu thương gần gũi với Ba Ngôi
Thiên Chúa. Amen.
31/05/17
THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét Lc 1,39-56
SỨ MẠNG THĂM VIẾNG
“Em thật có
phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em.” (Lc 1,45)
Suy niệm: Một nữ tu Việt Nam đang truyền giáo tại nước Trung
Phi cho biết kể từ khi Đức Phanxicô thăm viếng đền thờ Hồi giáo tại thủ đô
Bangui (30.11.2015), xung đột giữa các phe phái tại đây tạm ngưng. Người dân
thủ đô mang ơn vị giáo hoàng đã đem lại cho họ món quà hòa bình quý giá. Trong cuộc
thăm viếng tại làng AinKarim ngày ấy, Đức Maria cũng đem lại cho gia đình bà Êlisabét
món quà vô giá là Đức Kitô. Bà Êlisabét là người đầu tiên nghe tiếng Đức Maria;
còn thai nhi Gioan là người đầu tiên cảm nhận được Đức Kitô. Bà nghe bằng đôi
tai của thân xác; thai nhi con bà lại nhảy trong bụng mẹ vì vui mừng nhận ra ân
sủng cao quý. Bà nhận ra sự hiện diện của Đức Maria; còn vị Tiền Hô nhận thức
được sự hiện diện của Chúa mình.
Mời Bạn: Việc thăm viếng thân tình nào cũng để lại dư âm
tình người, tình liên đới, nhất là món quà cao quý là Chúa Giêsu cho người bệnh
tật, cô thế cô thân, lơ là, nguội lạnh. Thăm viếng như thế là một hình thức
tông đồ giáo dân. Bạn đã xác tín điều ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi thánh hóa ngày Chúa nhật bằng cách thi hành
vai trò tông đồ giáo dân: dành thời gian thăm viếng người già cả, bệnh tật, cô
đơn, nguội lạnh... mình quen biết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu, ngay khi còn trong bụng mẹ, Chúa đã thăm viếng thai nhi Gioan, đem lại
niềm vui, ơn cứu độ cho vị Tiền Hô của mình. Xin cho con ngày hôm nay cũng ý
thức và siêng năng thực thi việc thăm viếng mục vụ: đem Chúa, Tin mừng Chúa đến
cho những gia đình, anh chị em chung quanh con. Amen.