Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

MỤC VỤ GIÁO DÂN

http://mucvugiaodan.org/bs/index.php?tab=0

TUẦN TAM NHẬT (Thứ 5,6,7)
TÀI LIỆU TĨNH HUẤN

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

MỪNG BỔN MẠNG 31-07-2015
TƯỞNG LỆ - NHẬN CHỨC
KHÓA II NHIỆM KỲ 2015-2019
DẪN NHẬP
LÃNH ĐẠO LÀ MỘT ƠN GỌI
Công Đồng Vat. II định nghĩa:
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa. Giáo Hội là Gia Đình của Chúa.
Như thế, Thiên Chúa là Đấng lãnh đạo và là Cha. Giáo Hội là Dân và Con của Người.
Do đó, Giáo Hội cơ cấu (Kim tự tháp) chuyển thành Giáo Hội hiệp thông (Vòng tròn). Sự thay đổi này, đã khiến thay đổi về cách thức lãnh đạo.
Lãnh đạo cơ cấu, dựa trên chức vụ và quyền hành. Người có chức vụ phải chu toàn trách nhiệm của mình bằng cách ra lệnh, điều khiển và sai khiến. Người đứng đầu trong hệ thống này gọi là người chỉ huy.
Lãnh đạo hiệp thông, là một thứ quyền vô hình, thực sự do uy tín tạo nên. Người có quyền uy hay uy đức chính là người lãnh đạo (leader/leadership) nhờ khả năng ảnh hưởng tới người khác bằng những gì mình có, nơi mình, do người khác nhìn thấy rồi tự nguyện chấp nhận, không bị ép buộc theo. Cho nên, người lãnh đạo hiệp thông không lãnh đạo bằng chức vụ mà lãnh đạo bằng khả năng thu hút người khác qua hành động và bằng sự hiểu biết của mình. Nói cách khác, đó là phương thức lãnh đạo bằng “Uy đức hay Quyền uy[1].”
Giáo Hội hôm nay cần người lãnh đạo như thế. Hầu xây dựng Nước Trời và thay đổi thế giới.
Phải chăng Đức Thánh Cha Phanxico là mẫu người Lãnh Đạo hôm nay?
NỘI DUNG
1. Ý nghĩa
Có hàng ngàn định nghĩa khác nhau về lãnh đạo.
Dựa vào Kinh Thánh, xin đề cập tới định nghĩa:“Lãnh đạo là một ơn gọi.”
Thiên Chúa là Đấng lãnh đạo. Ngài thực sự là Đấng dẫn dắt Dân Chúa, qua việc tuyển chọn những người lãnh đạo.
Người lãnh đạo là người thực sự được Thiên Chúa tuyển chọn.
Đó là một ơn gọi.
Ơn gọi trở thành người đầy tớ, người phục vụ.
Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của người lãnh đạo. Đào luyện họ. Đặt họ trong một đội ngũ lãnh đạo tài ba. Ngài trao ban Thánh Thần. Thánh Thần trao ban tầm nhìn.
Vì thế, người ta có thể trở thành người lãnh đạo. Nhưng không thể trở thành người lãnh đạo tinh thần, nếu không có Chúa Thánh Thần. Ngài tiếp tục sắp đặt chương trình cho đời sống của người lãnh đạo và trao việc cho họ.
Như gương Môisê trong Cựu Ước. (1)
2. Đặc điểm
Ơn gọi: Dẫn dắt Dân Chúa đạt tới chương trình của Ngài[2].
Đây là đặc điểm mới, ngắn, về lãnh đạo. Nhưng mô tả cốt lõi về tinh thần lãnh đạo. Nó hàm chứa năm sự thật:
Một là bổn phận của người lãnh đạo là dẫn dắt Dân Chúa từ nơi mà họ đang ở tới nơi mà Thiên Chúa muốn họ tới.
Hai là họ phải tin vào Chúa Thánh Linh, vì Thiên Chúa kêu gọi họ, nhưng Chính Thánh Linh của Ngài mới có thể thực hiện được điều mà Thiên Chúa muốn.
Ba là họ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về việc dẫn dắt Dân Chúa tới nơi theo ý định của Ngài.
Bốn là họ có thể ảnh hưởng tới toàn dân chứ không chỉ là Dân Thiên Chúa, như trường hợp Giuse, thủ tướng Ai Cập trong thời Cựu Ước.
Năm là họ làm việc xuất phát từ chương trình của Chúa: “Đây là Con Ta, Người Ta tuyển chọn; hãy nghe Lời Người”[3].
3. Mục đích: Xây dựng Nước Trời và thay đổi thế giới
3.1. Xây dựng Nước Trời
Tìm kiếm và khám phá chương trình của Chúa
Thiên Chúa dùng đời sống của người lãnh đạo như dụng cụ của Ngài để xây dựng Nước Trời và thay đổi thế giới. Vì thế người lãnh đạo tinh thần tiên vàn phải tìm kiếm và khám phá ra chương trình của Chúa để dẫn dắt Dân Chúa tới mục tiêu của Ngài.
Dẫn dắt Dân Chúa
Phải hiểu chương trình của Thiên Chúa và biết làm thế nào để dẫn Dân Chúa tới con đường của Ngài. Dân Chúa chỉ tin vào người lãnh đạo khi họ thấy người lãnh đạo tin vào Thiên Chúa và làm điều Thiên Chúa dạy[4].
3.2. Thay Đổi Thế Giới
Người lãnh đạo được Chúa đào luyện cùng với sự cộng tác của con người, để đáp ứng sứ vụ hành động then chốt của người lãnh đạo: “Đổi Mới.”
Elmer L.Towns nhận định rằng:
“Trước hết phải đổi mới bản thân.
Thứ đến là ước muốn những người theo mình được thay đổi.
Sau cùng là ước muốn đối diện với những vấn đề đổi thay.”
Sự thay đổi trước hết là người lãnh đạo phải lớn lên trong sự hiểu biết và trong đời sống tinh thần. Muốn được như vậy, người lãnh đạo phải là người luôn học tập và học tập suốt đời, phải lớn lên suốt đời[5].
Nhưng cần phân biệt những gì cần thay và những gì không bao giờ được đổi. Chúng ta không bao giờ được thay đổi đạo lý, vì đạo lý đến từ Lời Chúa và là sự thật đời đời. Những nguyên tắc Kinh Thánh đến từ sự thật, chúng ta không bao giờ thay đổi nguyên tắc.
Như thế, phương pháp áp dụng có thể thay, còn nguyên tắc không bao giờ đổi. Phương pháp lệ thuộc văn hoá. Khi văn hoá thay đổi, chúng ta cần thay đổi phương pháp, để áp dụng nguyên tắc có hiệu quả hơn.
Khi đổi mới, cần lưu ý tới hai yếu tố chìa khoá: “Luật thời điểm” và “Luật can đảm”[6] . Theo một nghĩa nào đó, thì đổi mới có nghĩa là thay đổi. Doug Murren rất thích câu nói: “Lãnh đạo - người thay đổi.”
Thực ra “Thay đổi” là Lời chung trong Kinh Thánh. Thay đổi bắt nguồn từ lý tưởng Kinh Thánh “Tiến tới trời mới đất mới.” Hơn nữa, thay đổi còn là qui luật cuộc sống: “Sống là thay đổi.” Và “ Một là thay đổi hay là chết.” Người lãnh đạo cần đào sâu thêm về những yếu tố, giúp thay đổi đúng ý Chúa và mưu ích cho con người[7].
Theo quan điểm hành động Phương Đông, muốn thành công, người ta phải chú ý tới ba yếu tố tương tác, hoà quyện này: “Thời, Thế, Cơ.” Sứ mệnh của lãnh đạo là “Đổi Mới và Thay Đổi,” nhưng cần có “Thời” (Luật thời điểm nói trên) và “Thế” (phương thế.)
Phương thế thứ nhất, “Xây dựng một đội ngũ để làm việc,” Tom Phillips cho biết, “Lãnh đạo theo Kinh Thánh bao giờ cũng có một đội ngũ đi theo lãnh đạo.” Quả thực, bất cứ người lãnh đạo nào muốn thành công, đều phải nghĩ tới việc xây dựng quanh mình một tập thể lãnh đạo. Thông qua tập thể lãnh đạo này, cùng nỗ lực và quyết sách để hoàn thành một loạt mục tiêu.
Vậy làm thế nào để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo và duy trì đội ngũ đó?
Trước hết cần một người có tố chất lãnh đạo xuất sắc. Chim “Đầu Đàn.”
Người đó biết chia sẻ mục đích chung và biết tôn trọng bổn phận riêng; biết tham gia và hoàn tất nhiệm vụ chung. Họ nhận biết và tôn trọng kỷ luật tập thể. Sau đó, họ phải có nghệ thuật và biện pháp vận hành, phát huy và kiểm tra, suy nghĩ để tìm phương hướng thích hợp hơn mãi[8].
Phương thế thứ hai: “Xung đột.” Một tổ chức mà không có xung đột, đó là một tổ chức không có sức sống. Là người lãnh đạo, nên dám đối mặt với xung đột và mâu thuẫn. Jim Van Yperen cho biết xung độ là điều cần thiết và có trong Kinh Thánh. Người lãnh đạo không sợ đối mặt với xung đột, vì không có xung đột nào mà không có cách giải quyết. Điều then chốt là chúng ta có tìm ra con đường ngắn nhất để giải quyết xung đột đó hay không.
(1)   Môsê: Gương Lãnh Đạo
1. Thiên Chúa là Đấng lãnh đạo (Xh 3, 13-20)
“Ta sẽ dẫn đưa các ngươi khỏi cảnh khốn khó ở Ai-cập, mà đem vào …
đất chảy đầy sữa và mật.”
2. Thiên Chúa tuyển chọn Môsê làm Lãnh Đạo (Xh 2, 1-15a)
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào.
Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: "Đây là đứa trẻ Do-thái". Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: "Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?" Công chúa đáp: "Đi tìm đi". Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: "Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị". Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: "Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên".
Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: "Tại sao anh đánh người bạn của anh?" Anh ta trả lời: "Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?" Môsê lo sợ và nói: "Việc này người ta đã hay biết rồi sao?"
Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian.
3. Thiên Chúa trao nhiệm vụ và hứa: “Ta sẽ ở cùng ngươi.” (Xh 3, 1-6. 9-12)
"Chúa hiện ra trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai".
Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: "Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi?"
Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: "Môsê, Môsê!" Ông thưa: "Dạ con đây!" Chúa nói: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh". Chúa lại nói: "Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp". Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa.
Chúa phán với ông: "Tiếng kêu van của con cái Israel đã thấu đến Ta; Ta đã thấy họ bị người Ai-cập hà hiếp khổ cực. Bây giờ ngươi hãy lại đây, và Ta sai ngươi đến Pharaon, để ngươi dẫn đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-cập".
Môsê thưa cùng Thiên Chúa rằng: "Con là ai mà dám ra trước mặt Pharaon và dẫn đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?"
Chúa bảo ông: "Ta sẽ ở cùng ngươi.”
Xh 14, 5-18
Lúc Pharaon đến gần, con cái Israel ngước mắt lên thấy quân Ai-cập đuổi theo mình. Họ quá khiếp sợ, kêu lên cùng Chúa, và nói cùng Môsê rằng: "Có lẽ ở Ai-cập không đủ đất để chôn chúng tôi hay sao, mà ông đem chúng tôi lên chết trong sa mạc này? Ông dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập với mục đích gì? Chẳng phải khi ở Ai-cập chúng tôi đã nói với ông lời này sao?, là: "Ông hãy mặc chúng tôi làm nô lệ cho người Ai-cập, còn hơn là chết trong sa mạc". Môsê liền nói với dân chúng rằng: "Xin anh em đừng sợ, hãy vững lòng, và anh em sẽ thấy Thiên Chúa hôm nay của chúng ta thế nào?
Chúa phán cùng Môsê rằng: "Còn ngươi đưa gậy lên và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai-cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy".


[1]
Nguyễn Bửu Đồng, Tuyển Tập Giáo Dân, “Giáo Dân và vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội.” Số ra mắt, 129.
[2]Ibid.
[3]Lc. 9:35.
[4]Henry & Richard Blackaby, Spiritual Leadership, Dedication and Preface.
[5]Ibid., 186.
[6]Ibid., 197-198.
[7]Ibid., 199-211.
[8]Ibid., 237.
NGƯỜI GIÁO DÂN LÃNH ĐẠO

THEO GƯƠNG MÔSÊ

Lời Chúa
Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28
"Chúa đối diện nói chuyện với Môsê".
Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên là "nhà xếp giao ước". Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.
Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.
Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua trước mặt ông và hô lên: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Ðấng cai trị mọi sự, là Ðấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời". Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá.
2. Ứng dụng
2.1. Thiên Chúa là Đấng Lãnh Đạo
"Ðấng cai trị mọi sự, là Ðấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính.”
2.2. Người lãnh đạo: Gặp và đàm đạo với Chúa
“Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình.”
2.3. Nội dung:
2.3.1. Cầu nguyện: Trình bày với Chúa về tình trạng của Dân và xin ơn tha thứ:
"Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa".
2.3.2. Ăn chay:
“Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước.”
2.3.3. Lãnh nhận Ý Chúa: “Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá.”
Kết luận:
Thiên Chúa là Đầng Lãnh đạo. Ngài tuyển chọn những người Lãnh Đạo. Do đó, lãnh đạo là một ơn gọi. Môsê là người lãnh đạo như thế.
Hội Đồng Mục Vụ giáo Xứ
Học gương lãnh đạo Môsê, người lãnh đạo tôi tớ của Dân Chúa. Gặp Chúa, trình bày với Chúa về Dân. Đón nhận Thánh Ý Ngài về truyền đạt cho Dân. Dân chỉ tin người lãnh đạo, khi người lãnh đạo gặp Chúa và truyền đạt cho họ Ý của Chúa.
Cụ thể, xin chầu Thánh Thể một giờ một tuần, theo sự nài xin của thánh giáo hoàng Gioan-phaolo II và Chân phước Têrêsa Calcutta.
Cách thức chầu mới: “Thinh lặng, chiêm ngắm và lắng nghe Chúa nói.”
Chúa Giêsu sẽ trao ban tầm nhìn, cùng mọi người vươn tới tương lai.
Quí chức cùng giơ hai tay cao, khát khao đón nhận Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa)
ĐK. Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con, cùng với Mẹ Maria con đón nhận Thánh Thần. Xin Thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn cho con.
TK. Cho con ơn “khôn ngoan” để phục vụ dân Chúa, cho con ơn “sức mạnh” để loan báo “Tin Vui” và cho con “tầm nhìn” cùng mọi người vươn tới tương lai.
Đọc Lời nguyện sai đi:
Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi quyền hành, xin đổ tràn Thánh Thần trên các tôi tớ Chúa đây, biến họ trở thành những người đạo đức, khôn ngoan, tự tin, kiên quyết - biết nhìn xa trông rộng, có tinh thần tông đồ thực thụ - cùng nhau xây dựng một Giáo Hội tại gia và một Hội Thánh tham gia, hiệp thông vì sứ vụ, trong tinh thần đồng trách nhiệm - biết hợp tác phục vụ hữu hiệu với hàng giáo phẩm và những người thiện chí để góp phần thiết lập một Giáo Hội thực sự, kiến tạo mùa xuân Hội Thánh và Dân Tộc.
Xin Chúa tiếp nhận, thánh hóa những người này và sai họ đi làm vườn nho Chúa. Xin củng cố đức tin, đức cậy, đức mến nơi họ, biến đổi họ nên những tông đồ nhiệt thành phụng sự nước Chúa và đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

MÔ-SÊ: BÀI HỌC NGƯỜI LÃNH ĐẠO DÂN CHÚA
1. Lời Chúa  (Xh 34, 29-35)
Khi ông Môsê từ trên núi Sinai đi xuống, ông mang hai bia đá chứng từ; và ông không biết do sự đàm đạo với Chúa, mặt ông sáng láng rực rỡ. Nhưng ông Aaron và con cái Israel thấy mặt ông Môsê sáng láng rực rỡ, thì sợ không dám đến gần. Ông Môsê gọi họ, thì cả Aaron lẫn các thủ lãnh hội đường mới quay lại. Sau khi ông nói chuyện với họ, tất cả con cái Israel mới đến gần ông. Ông truyền lại cho họ tất cả những điều ông đã nghe Chúa phán trên núi Sinai. Nói xong, ông lấy khăn che mặt mình. Khi ông vào trước mặt Chúa và đàm đạo với Người, thì ông cất khăn cho đến lúc ông trở ra và bấy giờ ông thuật lại cho con cái Israel những điều Chúa đã truyền dạy ông. Lúc ông Môsê ra đi, họ thấy mặt ông sáng láng rực rỡ; nhưng khi ông nói với họ, ông che mặt ông lại.
1. Bài học Người Lãnh Đạo Dân Chúa.
1.1. Gặp gỡ riêng tư với Chúa. Và được Chúa biến đổi:
“Ông đàm đạo với Chúa, mặt ông sáng láng rực rỡ.”
1.2. Trình bày với Chúa về tình trạng Dân Chúa. Xin Chúa tha thứ.
1.3. Đón nhận Ý Chúa và về truyền đạt cho Dân:
     “Ông thuật lại cho con cái Israel những điều Chúa đã truyền dạy ông.”
     “Ông mang hai bia đá chứng từ.” (Mười giớ răn)

2. Kết luận

2.1. Người Lãnh Đạo Dân Chúa gặp Chúa và đàm đạo với Ngài cách riêng tư. Trong cõi riêng tư ấy,
Chúa sẽ biến đổi người lãnh đạo theo ý Ngài muốn.
2.2. Dân Chúa chỉ tin người lãnh đạo, khi họ được biến đổi
2.3.  Truyền đạt Ý từ Thiên Chúa.
Hội Đồng Mục Vụ tìm giờ để gặp Chúa cách riêng tư, không có lự chọn.

ĐÀO LUYỆN KITÔ HỮU GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH

1.  Lời Chúa (Lc 10, 38-42)
Trong khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường, Ngài vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.  Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
2. Mô hình đào luyện:
2.1.Tập trung vào Chúa Kitô và Phúc Âm của Người
2.2.Mùa Quanh Năm: “Sống Đạo và Truyền Đạo”
2.3.Chúa Thánh thần: Đấng đào luyện
Hoa trái của Thánh Thần: “Cân Bằng”
3. Áp dụng
Công đồng Vat. II được điều khiển bởi Chúa Thánh Thần. Các Nghị Phụ Công Đồng đã
diễn tả sự “Cân Bằng” qua công thức: “Cả .... Cả...”.
Ví dụ: Định nghĩa về con người: “Cả Hồn Cả Xác.” Con Người là xác-hồn. Xác Hồn không thể tách rời nhau.
Trong việc đào luyện Đức Tin ngày nay, cần sự cân bằng cả hai.
Công Đồng đề cập tới linh đạo và mục vụ của Thánh Têrêsa Avila. Thánh Nữ diễn tả bài Phúc Âm hôm nay: “Đó là sự hòa quyện tuyệt diệu giữa Maria và Matta.”
Maria ngồi dưới chân Chúa để “Thinh lặng, Chiêm ngắm và Lắng nghe.”  Đó là điều cần. Nhưng chưa đủ. Điều kiện “Cần và Đủ”: Là phải có phần hoạt động của Matta nữa.
Cân Bằng là một thành tựu đến từ Chúa Thánh Thần và sự cộng tác của con người. 
Sự hòa hợp giữa hoạt động và chiêm niệm
Trong hoàn cảnh bình thường, cái gì phát xuất từ Thánh Thần Thiên Chúa đều biểu tỏ một sự hài hòa giữa chiêm niệm và hoạt động, nói cách khác, một sự hài hòa giữa một nội tâm an tĩnh đón nhận ánh sáng và sức mạnh từ Thiên Chúa và một sự dấn thân xây dựng Nước Chúa.Do đó, tất cả những gì đến từ Thiên Chúa đều mang dấu ấn sự hòa hợp giữa chiêm niệm và hoạt động.
Xem ra có thể có luật trừ. Có thể có người được gọi chỉ để chiêm niệm. Nhưng có lẽ không có ai được gọi chỉ để hoạt động. Thông thường sự hòa hợp giữa chiêm niệm và hoạt động biểu tỏ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Thánh Thần là ơn ban đặc biệt của Chúa Cha và Chúa Giêsu mà chúng ta cầu xin nhiều lần trong ngày. Chúa Giêsu nói với ta: “Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Ngài.” [1]
Kết luận
Vì thế, Giáo Dân, HĐMVGX, trước mỗi công việc lớn nhỏ trong ngày, ta nên tập thói quen dừng lại một vài giây để nhớ đến Chúa Thánh Thần, cầu xin Ngài soi sáng và hoạt động trong ta:
“Xin Chúa Giêsu sai Thánh thần đến với con...ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn cho con.” Amen.
Mucvugiaodan.org
Các tin khác
BÀI VIẾT MỚI
DANH BẠ BAN ĐIỀU HÀNH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN NIÊN KHÓA II- NHIỆM KỲ 2015-2019
DANH BẠ BAN ĐIỀU HÀNH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ GIÁO PHẬN LONG ...
ĐTC KHÍCH LỆ GIỚI TRẺ ĐỪNG SỢ HÃI LẬP GIA ĐÌNH
ĐTC KHÍCH LỆ GIỚI TRẺ ĐỪNG SỢ HÃI LẬP GIA ĐÌNH
Cuộc Khủng Hoảng Hôn Nhân Và Phép Thánh Thể
Cuộc Khủng Hoảng Hôn Nhân Và Phép Thánh Thể