Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015
KINH NGUYỆN GIỖ “PHỤC DĨ CHÍ TÔN”, MỘT ÁNG KINH VĂN TUYỆT BÚT
TỨC KINH NGUYỆN
GIỖ CẢM TẠ NIỆM TỪ
http://www.dunglac.org
LÊ ĐÌNH BẢNG, chủ biên
(Góp nhặt thơ
Công giáo Việt Nam, tập 2, từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX)
Tìm lại thơ văn từ những bước khởi đầu nguồn văn thơ Công
giáo, góp nhặt thơ Công giáo Việt Nam,
từ thế kỷ XVII, để thấy rằng văn học nghệ thuật giữ vai trò rất quan trọng để
có thể chuyển đạt Tin Mừng vào mạch sống chính của người mình.
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
KINH NGUYỆN GIỖ “PHỤC DĨ CHÍ TÔN”, MỘT ÁNG KINH VĂN TUYỆT
BÚT
Hằng năm, Phụng vụ dành ra cả một tháng trời – tháng 11
Dương lịch – để kính nhớ Tổ tiên, để tưởng niệm, cầu nguyện cho những người
thân thương đã qua đời. Nào kinh sách lễ nhạc, giỗ chạp khói hương. Nào cùng
nhau đi viếng nhà thờ, ra đất thánh để sửa sang mộ chí v.v... Rõ ràng là một
mùa vụ công quả, báo hiếu, thật ấm áp nghĩa tình. Trong những dịp này, một
trong những bản kinh văn được người người, nhà nhà, nơi nơi xướng đọc, ngâm
ngợi rất nhịp nhàng và bi lụy, là kinh nguyện giỗ cầu hồn “Cảm Tạ Niệm Từ” mà
dân gian nhà đạo mình quen gọi bằng cái tên “Phục Dĩ Chi Tôn... “ Phải chăng, áng kinh văn tuyệt tác bằng Hán
văn này đã ra đời đồng thời với dòng văn học Hán Nôm của ta, ngay từ thế kỷ
XVII ?. Có nhiều giả thuyết, nhưng lập luận của linh mục Philipphê Bỉnh là đáng
tin cậy nhất.
Ở thời điểm những thập niên đầu tiên (1822-1824) của triều
Nguyễn, linh mục Philipphê Bỉnh[1] đã cung cấp cho chúng ta một chứng từ lịch
sử: “ . . . mà kinh nguyện giỗ (Cảm tạ Niệm Từ) thì Thầy ấy (Thầy Phanchicô) nguyên
là Hòa thượng tu ở chùa thành Phao[2]
làm, thì đặt ra cung sớ, vì rằng Phục, Dĩ, Chí, Tôn, Chân, Chủ, Cửu,
Trùng... “[3]. Cũng theo sách đã dẫn, “Thầy Phanchicô cùng thầy cả Girolamo
(Majorica) [4] mà bao nhiêu sách Người làm trong nước ta thì thầy ấy viết.”
Những ghi nhận trên đây của linh mục Philipphê Bỉnh càng làm sáng tỏ thêm niềm
xác tín của chúng ta. Rằng việc trước
tác và ghi ký kinh nguyện nhà đạo bằng Hán Nôm của
tập thể Girolamo Majorica–trong đó có thầy Phanchicô, một thành viên chủ lực – suốt 22 năm ròng rã (1634-1656), cùng với kinh sách quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ, đã
thực sự
là một bộ phận không nhỏ trong sự nghiệp văn học Việt Nam ở thế kỷ XVII
vậy. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao,
đến nay, công trình đồ sộ trên vẫn chỉ
ngủ yên ở dạng tư liệu, nằm trong các thư viện Công giáo ở phương Tây ? Cả đến
sách báo truy tìm, nghiên cứu văn học Hán Nôm ở trong nước, cũng chưa hoặc
không đá thảo gì đến chuyện này!
Để rộng đường dư luận và củng cố thêm phần chính xác về
trường hợp “thầy Phanchicô là tác giả” bản kinh trên, chúng tôi xin mời độc giả
đọc thêm sau đây một số ghi nhận và tường thuật tỉ mỉ của linh mục Philipphê
Bỉnh. Qua đó, có thể hình dung khá rõ nét về lý lịch, tài năng, học vị, phẩm
hàm, tính hạnh, công trạng, đặc biệt là bối cảnh lịch sử cùng động cơ đã thúc
đẩy tác giả đến với giếng thánh trường sinh của Đức Kitô. “Đến khi Người
(Jeronimo Majorica) ra kẻ chợ (kinh đô
Thăng Long) thì cãi lẽ với mười sư Hòa thượng ở trước mặt nhà Vương (Chúa
Trịnh) cùng các quan triều thần văn vũ, mà mười thầy Hòa thượng ấy đều thua lẽ Người. Cho nên sư Hòa thượng thứ
nhất cũng là quan văn mà đi tu ở thành Phao mới xin chịu đạo, thì Người rửa tội
cho, cùng đăt tên thánh là Phanchicô. Từ khi thầy tu ấy chịu phép rửa tội thì
chẳng bao giờ về chùa thành Phao nữa, liền xin ở cùng thầy cả Jeronimo mà giúp
việc Người thì Người chịu lấy bằng lòng, cùng vui mừng để thầy (Phanchicô) giúp
việc giảng giải cùng việc nhà thờ” (Sđđ, trang 28-29)
Đến nay, chúng tôi vẫn chưa có thêm tư liệu về tính danh,
quê quán xác thực của tác giả. Riêng việc sử dụng thánh danh hoặc địa danh thay
cho tên thật trên tác phẩm – theo chỗ chúng tôi hiểu – mặc dù xem ra có vẻ như
là “khuyết danh” thật đấy, song lại phản ánh một thói thường mà người đọc dễ
bắt gặp không ít trong mảng kinh truyện cũ ở những thời điểm tương tự. Chẳng
hạn J.M.J. (Jésus, Marie, Joseph); An-rê Phú Yên; A.M.D.G. (Ad Majorem Dei
Gloriam)[Để làm rạng danh Chúa, khẩu hiệu của Dòng Tên] v.v... Thật vậy, ngay
từ thuở bình sinh cũng như lúc qua đời, thầy Phanchicô đã được cả hội dòng
(Tên) cùng các giáo đoàn lúc bấy giờ rất trọng vọng bằng cách ghi tạc công ơn
vào sử sách để “rao” cho mọi người biết ở nơi công hội. “Thầy ấy là một thầy
già có công trong dòng Đức Chúa Giêsu trước hết (ở Việt Nam), cho nên khi Người
qua đời thì biên tên Người vào trong vãn ngày lễ linh hồn (2 tháng 11 Dương
lịch) cùng các thầy mà đọc rằng: Phanchicô thành Phao, để cho bổn đạo được nhớ
đến rằng Người là Sư Hòa thượng ở chùa thành Phao, mà đầu sổ các thầy cả thì có
tên thầy cả Alexandre (de Rhodes), vì đến giảng đạo trước hết, đoạn tới tên
thầy cả Jeronimo (Majorica) vì có nhiều
công nghiệp trong nước ta” (Sđđ, trang
30).
Tưởng không còn gì để hồ nghi nữa. Bằng sở học uyên bác
của một bậc thầy đã hiển đạt trong rừng Nho biển Thánh, trầm mình viên mãn
trong cảnh khói hương đẫm mùi kinh kệ của Thiền Tông – đặc biệt với nguồn Thần
khí tuyệt vời và măc khải tinh ròng của Thánh Linh khi được hạnh ngộ Tin Mừng –
vị quan văn ở chốn cung đình kia quả thật xứng đáng là người cưu mang và sinh
thành ra “Cảm Tạ Niệm Từ” vậy. Cho nên,
dù cách đề tựa, cách sử
dụng hình thức (thể tứ lục) hoặc
cung giọng (Sơ ) khi tụng đọc, khi niệm
kinh có phảng phất chút gì của
mùi thiền đi nữa, âu cũng là cuộc gặp gỡ thánh thiêng của hai tôn giáo hội nhập
trong một tâm hồn Việt Nam: thầy Phanchicô. Và qua cái văn phong vừa thông tuệ
vừa hàm súc của Cảm
Tạ Niệm Từ, tác giả đã tỏ bày giùm người Kitô hữu Việt
Nam nỗi thao thức bồn chồn về lẽ “hóa sinh trụ diệt”, về phận người trước bến
bờ hư vô, cát bụi, về một cõi thường hằng là “Sinh ký tử quy”.
Khi mạo muội làm công việc có vẻ như là “Cảo thơm lần giở
trước đèn” này, giữa nhịp sống ồ ạt của
nền văn minh cơ khí, chúng tôi không hề mảy may có một ý đồ thiên trọng, bảo
thủ nào. Đãi lọc để giữ ngọc gìn vàng, vốn xưa nay khó. Cho nên, bằng tấm lòng,
chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng – cũng như kho tàng văn học dân gian – mảng
kinh truyện của nhà đạo bao gồm các thể loại như vè, vãn, chương, khúc, tuồng,
cảnh, ca, ngâm v.v... , trong đó có “CẢM TẠ NIỆM TỪ”, thực sự đã sắm một vai
trò quan trọng, không những trong đời sống đức tin lòng đạo của người tín hữu
Việt Nam, mà còn góp phần vào đời sống ngôn ngữ của dân tộc ta nữa. Bởi vì cho
đến nay, trải qua nhiều thế kỷ với muôn nghìn dâu bể hệ lụy rồi, cũng như văn
học truyền khẩu, mảng kinh truyện trên đây vẫn không ngừng được ngân nga, xướng
diễn trong nhiều cộng đoàn. Ngôn ngữ cùng cung giọng đặc thù của kinh vãn nhà
đạo, trong một chừng mực nào đó, đã làm cho cái không khí của phụng vụ thêm sắc
màu lễ hội, thêm sốt mến thiêng liêng. Hát xướng là cầu nguyện hai lần. Đặc
biệt là tháng này khi tiết trời đã tàn Thu chớm Đông, đọc lại mảng kinh sách,
ca vãn cầu hồn như “ Tứ Chung, Tứ Mạt Ca, Kinh Cao Sang, Kinh Vực Sâu và Phục
Dĩ Chí Tôn”, tôi có cảm tưởng mình đang lãng đãng dật dờ cùng cỏ hoa sương khói
trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của bậc thi hào tài hoa Nguyễn Du vậy. Từ
Requiem đến Phục Dĩ Chí Tôn.
Chú Thích
[1] Philipphê Bỉnh sinh năm 1759 tại Hải Dương.Năm 1775 đi
tu ở Kẻ Vĩnh, thụ phong linh mục 1793. Trong 30 năm sống ở Lisbon , trước tác và sao chép trên 30 đầu
sách có giá trị về lịch sử ngôn ngữ.
[2] Tên một thành cổ ở Đàng ngoài, hiện nay chưa phăng tìm
ra gốc tích; Phải chăng là tên một ngôi chùa ở núi Phao Sơn, xã Phao Sơn thuộc huyện
Chí Linh, tỉnh Hải Hưng ? Chùa nhìn ra sông Lục Đầu, phong cảnh tươi đẹp (Bắc
kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo – Tự điển di tích văn hóa VN.)
[3] Trích “Truyện nước Annam
Đàng Ngoài chí Đàng Trong”, Q.I - Nói sự Đàng Ngoài Philipphê Bỉnh viết tay tại
kẻ chợ nước Portugal
năm 1822, trang 30.
[4] Majorica sinh năm 1591 tại Napoli (Ý), vào dòng Tên
1605, ở Đàng Trong (1623-1629), ra Đàng Ngoài (1631) cùng với linh mục
Bernadino Reggio và sống ở đây tới lúc qua đời (27.1.1656), để lại một sự nghiệp
đồ sộ, trên 40 tác phẩm (3.678 trang) toàn bằng văn Nôm..
Tác Giả Kinh Phục Dĩ Chí Tôn
THẦY GIẢNG PHANXICÔ (? – 1640)
Sử dụng tên thánh (Maria, Giuse, Phêrô, Phaolô, Phanxicô
v..v... – tên một vị thánh mà mỗi tín hữu Công giáo nhận làm bổn mạng khi lĩnh
nhận bí tích Rửa tội để vào đạo – đã là một trong những thói quen vừa mang tính
đạo đức, lại vừa phổ biến rộng khắp. Thậm chí, có nhiều công trình hoặc tác
phẩm chỉ đọc thấy những hàng chữ viết tắt, như: A.M.D.G. (Khẩu hiệu Ad Majorem
Dei Gloriam – vì vinh quang Thiên Chúa), S.J. (Compagnie de Jésus hoặc Society
of Jesus để chỉ Dòng Tên, Dòng Chúa Giêsu); OSB (Ordre de Saint Benoit, Dòng
Biển Đức); CSSR (Congrégation du Très Saint Rédempteur, Dòng Chúa Cứu Thế);
O.P. (Ordre des Prêcheurs, Dòng Đa Minh, Dòng anh em Thuyết giáo). OFM (Ordre
des Frères Mineurs, Dòng Phan Sinh, Dòng anh em hèn mọn) hoặc FMM
(Franciscaines Missionnaires de Marie, Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ). .
. Do một lý do khiêm tốn chẳng hạn, các
tác giả đã ẩn danh, coi việc làm của mình như một đóng góp, cống hiến cho tập
thể. Cũng có khả năng, do hoàn cảnh ra đời của tác phẩm không mấy thuận lợi
chăng ? Trường hợp khuyết danh và vô danh trong văn học sử Việt Nam cũng không
phải là hiếm. Như thế, một tác phẩm vẫn có người cưu mang và sinh thành. Nghĩa
là, vẫn có tác giả nào đó.
Gọi là “Thầy giảng Phanxicô” được hiểu theo ý nghĩa và lý do phát sinh
trên.
Sở dĩ phải gọi như trên là vì cho đến nay, không thấy một
chứng từ cụ thể nào về lai lịch, quê quán, cuộc đời của ông. Chỉ biết rằng,
Phanxicô xuất thân là một vị Hòa Thượng tiến sĩ, làm quan lớn trong phủ Chúa
Trịnh. Năm 1632, xảy ra một cuộc tranh luận về giáo thuyết, về vũ trụ và nhân
sinh trước mặt triều thần Chúa Trịnh Tráng, giữa một bên là 10 vị Hòa Thượng
khoa bảng và một bên là giáo sĩ Jeromino Majorica (Dòng Tên). Kết thúc, phần
thắng đã nghiêng về phía thiểu số. Một trong các vị ấy đã tình nguyện theo đạo,
học đạo và được linh mục Majorica rửa tội, nhận tên thánh là Phanxicô. Từ đấy,
Phanxicô trở thành thầy giảng, trợ thủ đắc lực của Majorica trong quá trình sưu
tầm, biên tập, hiệu đính và ghi ký mảng kinh truyện Hán Nôm Công giáo. Và cũng
từ buổi ngộ đạo mặc khải ấy, thầy Phanxicô bị thất sủng, bị trục xuất ra khỏi
sinh hoạt cung đình của phủ Chúa. Ông bị bắt và nghe đâu đã lãnh phúc tử đạo
vào năm 1640 (?). Có lẽ, trong hoàn cảnh bức bách, ngặt nghèo ấy mà toàn bộ tác
phẩm (40 sách Nôm đạo) của ông không còn được lưu truyền đến nay chăng ?. Tuy
nhiên, qua ghi nhận của linh mục Philipphê Bỉnh (xin đọc bài “Kinh nguyện giỗ
Cảm Tạ Niệm Từ” trong tập này), thầy giảng Phanxicô còn để lại cho chúng ta một
di sản văn hóa rất đáng tự hào, đó là áng kinh văn “Cảm Tạ Niệm Từ.” Chúng tôi
xin chép ra đây bản phiên âm, bản diễn
nghĩa và cả bản diễn ca bằng quốc ngữ, để rộng đường dư luận.
Đánh giá văn bản hiếm quý này, cụ Cử Nguyễn Văn Bình –
Giáo sư Hán học trường Đại học Văn khoa
Sàigòn (trước 1975) cho rằng “ . . . Hay hơn bài “Văn Tế Chưởng Hậu Quân Võ
Tánh” của Đặng Đức Siêu và bài “Văn Tế Trận vong Tướng Sĩ” của Nguyễn Văn
Thành.”
---
CHUNG MỐI ĐỒNG CẢM
ĐI TÌM TÁC GIẢ “CẢM TẠ NIỆM TỪ” tức kinh giỗ Phục Dĩ Chí
Tôn
Lê Đình Bảng
Từ ký ức về một giai thoại văn học…
Từ một năm nay, chúng tôi đã lưu giữ, đọc đi đọc lại, suy
nghĩ và cân nhắc toàn bộ những thư bài gửi về, với hàm ý “muốn làm sáng tỏ” xem
ai đích thị là người soạn ra kinh nguyện giỗ này, một bản kinh văn có giá trị
về mặt nghệ thuật và ngôn ngữ của nhà đạo. May thay, những thư bài ấy đều căn
cứ trên một nguồn gốc, cơ sở chung: đó là bài viết mang tên “Hồn Thơ Công Giáo”
của linh mục G.M. Phạm Châu Diên được in trong sách “Toàn Niên Kinh
Nguyện” của địa phận Bùi Chu những năm
1956-1967. Sôi nổi và tập trung hơn cả là phần tham gia quý báu của ông Đinh
Xuân Bảng ở Nam Hà và đặc biệt là bài góp ý rất chí tình của nhà giáo Vũ Ngô
Mưu ở Tp. Hồ Chí Minh. Qua đó, ai nấy không những biết thêm được một tác giả
khác (cụ Cử Thiện), mà còn “cảm” được một khoảnh khắc lịch sử vô cùng nghiệt
ngã (thời cấm cách triều vua Tự Đức (1848-1884). Chính nơi nơi máu hồng thấm đẫm
ấy, vô vàn hoa thơm trái ngọt đã mọc lên, làm chứng tá sinh động cho đức tin
lòng đạo của người Việt Nam Công giáo và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả,
tác phẩm văn học nghệ thuật vậy.
Số là, cuối thế kỷ 19, cụ Tổng Phán, người làng
Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc huyện
Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà) muốn chiêu dân để lập ra ấp Xuân Hòa, thuộc phủ Thái
Ninh (nay thuộc huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình – một bãi sú vẹt còn hoang dã
ở bên tả ngạn sông Trà Lý. Không đủ nhân lực để khai thác hết, cụ nhượng một
nửa phần đất cho ông nội chúng tôi là cụ Phêrô Vũ Hữu Đề, người làng Lục Thủy,
phủ Xuân Trường.
Thuở ấy, chuyện một nhóm người Công giáo dám đến sống lọt
vào vùng Thái Ninh hạ rộng lớn, toàn người lương và hoang vu ấy, thì kể là lớn
mật! Bởi vì, đúng vào thời điểm ấy, phong trào Văn Thân, rồi Cần Vương đang ở
cao điểm. Đống Cao, một bãi thiêu “Gia
Tô tả đạo”, thuộc làng Thần Đầu, cách ấp Xuân Hòa trên dưới một cây số; và “Gia
Tô trì”, cái ao để trầm “người Gia Tô”, ở làng Thần Huống, cũng chẳng xa Xuân
Hòa bao nhiêu.
Đến đầu thế kỷ 20, ấp Xuân Hòa đã thành làng, có đình thần
mới dựng. Hương chức đòi nhóm “dân bên đạo” phải tới cúng đình, nhân dịp đầu
xuân. Cúng đình ắt phải có “văn tế”. Đàn anh trong nhóm quyết định lấy “Kinh
Phục Dĩ” làm “văn tế”
Thế là, bài kinh văn tuyệt hay này, bằng chữ Hán, do ông
Cử Thiện, người làng Cốc Thành, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định soạn, có dịp được
“chiềng làng” . Cụ Phêrô xếp đặt để người em họ là Vũ Hữu Tiêu làm chủ tế. Ông
Tiêu hay chữ, tốt giọng, lúc ấy đang là học trò yêu của cụ Hàm Yên, một vị Tiến
sĩ ở làng Hành Thiện.
Tới ngày cúng đình. Giữa tiếng nhạc lễ rộn ràng, bài văn
tế “Phục Dĩ Chí Tôn” vang lên. Các hương chức Xuân Hòa phải thán phục “chữ
nghĩa” và cung giọng của nhóm dân đạo! Từ đó, họ đối xử khác hẳn, không còn
hống hách với nhóm người vốn bị coi là “lưu dân ngụ cư” ấy nữa. Không bao lâu,
làng Xuân Hòa chia hai: Xuân Hòa lương và Xuân Hòa giáo. Rồi xứ đạo Xuân Hòa
được thành lập (1909), hiện nay là một xứ lớn, có tới 26 họ lẻ ở xung
quanh.[Trích đại ý qua thư của ông Vũ Ngô Mưu, 5.11.94]
Quả tình là, khi đặt bút viết để trình làng một “phát
hiện” không mấy thuận chiều đối với suy nghĩ đã thành nề nếp xưa rày trong các
cộng đoàn, chúng tôi trộm nghĩ mình sẽ sớm bị coi là liều lĩnh và xúc phạm
chăng ? Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa – nghệ thuật, việc xác minh lai lịch của
một tác phẩm – dù ở dạng sách truyện thành văn hay kinh vãn truyền khẩu – vẫn
phải được quan niệm như là điều
không-thể-thiếu-được, nếu muốn cảm nhận và nghiên cứu tìm tòi một cách
trọn vẹn. Văn chương thi phú khác với vè vãn dân gian là thế. Cho nên, trước
khi đưa ra luận điểm “thày Phanchicô là tác giả của kinh nguyện giỗ Cảm Tạ Niệm
Từ”, bản thân chúng tôi đã nhiều lần đến tận nơi, để được trao đổi, bàn bạc rốt
ráo với chính những người trong cuộc, có đóng góp “sở hữu trí tuệ” vào Tạp chí
Thời Mới. (Tạp chí thông tin nghị luận văn hóa, tôn giáo của giáo phận Bùi Chu,
1950-1954), và quyển Toàn Niên Kinh Nguyện. Đây là hai văn hóa phẩm lần đầu
tiên đã lần lượt đăng tải và ấn hành bài “Hồn thơ Công giáo” của linh mục G.M.
Phạm Châu Diên, nhằm giới thiệu cụ Cử Phạm Tư Thiện (sic) là tác giả, không
những đối với bản kinh này, mà còn đối với mảng kinh vãn về Đức Mẹ, như Dâng
Hoa, Phép ngắm Rosa nữa. Thế rồi, qua mối duyên đồng cảm, tại hoa viên Đền Công
Chính – nhà hưu dưỡng của các linh mục gốc Bùi Chu, cha Diên còn thuật lại rành
mạch nguồn ngọn nhiều mẩu
chuyện nhà đạo khá lý thú đã dẫn tới việc quyết đoán trên
“Vào khoảng những
năm 1951, 1952 gì đó, thầy giảng Dom. Nguyễn Trọng Thư (1865-1955) phụ trách
dạy chữ Nho trong trường Latinh Ninh Cường, lúc về nghỉ hưu tại nhà “Dưỡng đạo
mục” Bùi Chu có đoan chắc thêm rằng khi vua Tự Đức phát hiện cụ Cử Thiện là
người theo đạo Gia Tô, liền ra lệnh thu hồi mũ áo cân đai, phẩm hàm. Bản kinh
hay đến nỗi – cũng theo lời kể của thầy Nguyễn Trọng Thư – được các bậc nho gia
thời ấy rất hâm mộ và tán tụng. Riêng cụ Phạm Văn Thụ, Tổng đốc Thái Bình, xuất
thân khoa bảng, tuy không có đạo mà khi được nghe ngâm ngợi, đã phải tấm tắc
khen là tuyệt tác, không có bài biểu, chiếu nào ví cho bằng! Bèn xin ngay một
bản . . .”. Trong bối cảnh và điều kiện văn học lúc ấy, chúng tôi nghĩ, việc
cha Diên ghi nhận về cụ Cử Thiện, nên chăng, chỉ được hiểu như là một hé mở,
một giới thiệu, mời gọi bốn phương gia công tìm kiếm thêm để làm giàu kho tàng
văn học nhà đạo, chứ chưa hẳn là một kết luận chung cuộc.
. . . Đến một chứng từ lịch sử
Là những kẻ hậu sinh, chúng tôi vô cùng phấn khởi và trân
trọng những thông tin, trao đổi, góp ý trên đây của những tấm lòng thiết tha
với văn hóa, với Giáo hội mà chúng tôi được tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thư từ.
Linh mục Phạm Châu Diên, cố linh mục Dom. Lương Trí Thức (1894-1992) những “cha
giáo” từng trải như là những “thư viện sống” về một giai đoạn lịch sử và văn
học trước thời kỳ đất nước qua phân (1954). Ông Đinh Xuân Bảng ở Nam Hà, ông Vũ
Ngô Mưu ở Tp. Hồ Chí Minh, ông Phạm Long Thăng và Nguyễn Văn Viện (tp.HCM), ông
Nguyễn Thiết Kỷ ở Đồng Nai, ông Tạ Hữu Đàm ở Long Xuyên, ông Đinh Minh Thiều ở
Thái Bình v.v... Những nhà giáo, những
“kẻ sĩ”, những “chức việc” đã gắn chặt đời mình vào nhịp thăng trầm của từng
Giáo hội địa phương, là nơi luôn tiềm tàng sức sống đức tin – văn hóa rất đa
dạng. Nhưng, rất tiếc, nhận định trên có chăng chỉ là “giả thuyết” dựa vào “ký
ức về một lời tự thuật” của thầy giảng Dom. Nguyễn Mạnh Thư đã kể cho cha Diên
nghe. Trong khi đó, linh mục Philipphê Bỉnh đã cung cấp cho chúng ta một chứng
từ cụ thể, chính xác bằng một văn bản rõ rệt: “... Mà Kinh Nguyện giỗ (Cảm Tạ Niệm Từ) thì Thầy
ấy (thầy Phanchicô) nguyên là Hòa thượng tu ở chùa thành Phao làm, thì đặt ra
cung sớ, vì rằng Phục, Dĩ, Chí, Tôn, Chân, Chủ, Cửu, Trùng ...” (Trích từ
“Truyện nước An Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong”, quyển thứ nhất – nói sự Đàng
Ngoài, Philipphê Bỉnh viết tay tại kẻ chợ nước Portugal, năm 1822, trang 30).
Cũng xin dẫn ra đây một vài trích đoạn để tiện tham khảo, hầu củng cố niềm tin
vào một chứng từ thật hiếm quý, lâu đời, xung quanh sự nghiệp và tài năng đặc
biệt là cái vốn uyên bác và sở trường về Hán học của thầy Phanchicô:“Đến khi
Người (thầy cả Jeronimo Majorica) ra kẻ
chợ (kinh đô Thăng Long) thì cãi lẽ (tranh luận) với mười sư Hòa thượng ở trước
mặt nhà Vương (Chúa Trịnh) cùng các quan triều thần văn vũ, mà mười thầy Hòa
thượng ấy đều thua lẽ Người. Cho nên, sư
Hòa thượng thứ nhất (thầy Phanchicô) cũng là quan văn mà đi tu ở Thành Phao mới
xin chịu đạo, thì Người rửa tội cho, cùng đăt tên thánh cho là Phanchicô.
Từ khi thầy tu ấy chịu phép rửa tội thì chẳng bao giờ về chùa Thành Phao
nữa, liền xin ở cùng thầy cả Jeronimo mà giúp việc Người (soạn kinh sách)”
(Sđđ, trang 28-29). Không lạ gì, khi qua đời, thầy Phanchicô đã được cả hội
dòng Tên cùng các giáo đoàn ở Đàng Ngoài. Đàng Trong ghi nhớ công ơn một cách
trọng vọng, chỉ đứng sau các thầy cả Alexandre de Rhodes và Jeronimo Majorica:
“Thầy ấy là một thầy già có công trong dòng Đức Chúa Giêsu trước hết (ở
Việt Nam ).
Cho nên, khi Người qua đời thì biên tên Người vào trong vãn ngày lễ linh hồn
cùng các thầy mà đọc rằng: Phanchicô thành Phao, để cho bổn đạo được nhớ đến
rằng Người là Sư Hòa thượng ở chùa thành Phao, mà đầu sổ các thầy cả thì có tên
thầy cả Alexadre, vì đến giảng đạo trước hết, đoạn tới tên thầy cả Jeronimo vì
có nhiều công nghiệp trong nước ta”
(Sđđ, trang 30).
Đến đây, tưởng như vấn đề đã thông thoáng rõ ràng. Một kết
luận có khả năng được mở ra, dung hợp cả hai chứng cứ để đi tới đồng tình chấp
nhận: Bản Kinh Vãn Nguyện Giỗ “Cảm Tạ Niệm Từ” Nguyên Văn Bằng Chữ Hán Do Thầy
Phanchicô Biên Soạn Khi Hợp Tác Với Thầy Cả Majorica Ơ Đàng Ngoài (1631-1656).
Công trình đồ sộ về thần học và văn hóa của tập thể này, khi có điều kiện thuận
lợi, chúng tôi xin được phép trình bày sau. Còn riêng cụ cử Phạm Tư Thiện chính
là người đã có công sưu tập, công bố, cổ xúy, vận dụng một cách rộng rãi bài
kinh văn này trong các cộng đoàn. Nhờ vậy mà đến nay, nhiều người trong chúng
ta, hễ cứ vào dịp ma chay giỗ chạp hoặc ròng rã suốt tháng cầu cho các đẳng
linh hồn này, lại được nghe văng vẳng bên tai “chữ nghĩa và cung giọng” tuyệt
vời của “Phục dĩ chí tôn”. Trong khi chuông nhà thờ chậm rãi nhỏ giọt thì bản
Requiem lâm khốc, biệt hành của lời kinh
cũng ngân nga như gọi hồn ai về.
TRÍCH TUYỂN THƠ CẢM
TẠ NIỆM TỪ
BẢN PHIÊN ÂM
Phục dĩ
Chí tôn Chân Chủ, Cửu trùng cao ngự chi thiên,
Khả tiểu phàm khu, vạn vật hữu sinh chi địa.
Chiếu lâm bất sảng, phú tái vô tư.
Thần đẳng thiết duy, linh giác tiên nguyên, hồng mông
thủy phán,
Tổng huyền khu nhi tạo hóa, trì diệu pháp dĩ thi hành.
Sinh thiên sinh địa sinh nhân cập vật giả, Thánh Phụ chi
năng toàn;
Thụ khổ thụ nạn thụ tử giáng thế giả, Thánh Tử
chi duy nhất;
Chí nhược linh hồn sung mãn, sử tri đức nghĩa phú siêu,
Hiển hách Thánh thần, uy linh hiện hóa.
Phán nhiên vị tam tuy dị, hợp chi thể nhất tương đồng.
Nhất trí nhất hảo nhất năng đồng công vô gián;
Chí thiện chí nhân chí mỹ, thậm thị linh thông.
Thiết niệm linh hồn (mỗ) tự tòng sinh tiền, chí kim tử
hậu, thụ Thiên Chủ cực đại chi ân.
Lự thử hồn vô tình chi vật, bình sinh cư thế, bất tín bất
chí bất vụ lực khuy.
Vãng nhật đa khiên, hoặc tư hoặc ngôn hoặc hành hữu mậu.
Hoặc bị linh hồn ký hàm minh ngộ, ái dục tam năng, đa vị
biệt dụng.
Bất chuyên ức, chuyên tu, chuyên mộ.
Hoặc bị nhục thân nhĩ mục khẩu tị, thủ túc tứ thể, vọng
các tha kỳ,
Mạc toàn kính toàn tuân toàn phụng.
Ngẫu tao, thử ách, thống hối vị chân.
Ô hô! Sinh nhật dĩ hoàn, mệnh chung thích chí.
Khí linh đãi tận, bồi hồi thuấn tức chi gian; Thiên Chủ
thị bằng cứu trợ úy an chi tế.
Huống nẵng thì tập tục sở doanh, vật dụng giai tư ích kỷ;
Nhi kim nhật khiên vưu vô kế, thùy năng cứu thoát hồng lô.
A! Thần Chủ Da tô, thục tội thi ân chi đại.
Nhân từ Thánh Mẫu, vị kì xá quá chi đa.
Dĩ chí Thiên Thần, phù trì bản tính, kỷ niên tằng giáo
huấn, tằng đa bảo hộ chi lao.
Kim nhật khất đề huề khắc thắng cửu cừu chi biến.
Tinh bản danh Thánh nhân, bình sinh thân thiết, mỗi nhật
phụng thị,
Cập Thánh Nam Thánh Nữ đẳng tại Chủ diện tiền, vị nhân
tình thuyết,
Hữu kì tất ứng, vô đảo bất thông.
Phục vọng.
Hoàng hoàng vị tam, nguy nguy thể nhất.
Thiên cao địa hậu, sanh trì chưởng ác vô di;
Ngôn viễn thính ti, thưởng phạt khuyến trừng bất lậu.
Thần kim khể thủ, khẩn thiết nghệ cầu.
Nguyện thử linh hồn khiết thăng thiên quốc.
Xuân đài tự tại, chân hưởng phúc chi vô cùng;
Thọ vực tiêu dao, tín thường sinh chi hữu vĩnh.
Kinh văn sở đảo, thỉnh chúng đồng âm.
A mạnh.
BẢN DIỄN NGHĨA
Tấu lạy!
Chúa thật chí tôn, ngự trên chín tầng trời cao thẳm
Người phàm hèn mọn sinh ra từ mặt đất thấp
Soi xét chẳng sai, chở che không sót
Nay tôi trộm nghĩ
Cội rễ khôn thiêng, hỗn mang hé mở
Từ cõi hoang sơ mà tạo dựng
Dùng diệu pháp để thi hành
Chúa cha toàn năng hóa sinh trời đất vạn vật, nhân loại
Chúa Con duy nhất giáng trần chịu khổ chịu nạn, chịu chết
Cho linh hồn được sung mãn. Cho đức nghĩa được siêu nhiên
Tôn vinh Thánh Thần, hiện thân sáng rỡ
Phân định Ba Ngôi tuy khác
Hợp lại nhất thể như nhau
Một trí một thảo một tài cùng nhau không khác
Rất lành, rất nhân, rất đẹp thật rất linh thông
Trộm nghĩ linh hồn. . .
Từ thuở sinh ra, sống cho tới thác, lãnh biết bao ơn Chúa
mà những vô tình
Sống trên đời chẳng biết chẳng siêng chẳng phụng thờ
hết sức
Ngày trước nhiều tội, hoặc nghĩ hoặc nói hoặc làm sai
Hoặc linh hồn đa mang ba điều nghĩ quấy yêu lầm muốn bậy
Làm điều mờ ám, chẳng nhớ chẳng một chẳng suy
Hoặc xác thịt vướng mắc tứ chi tai mắt mũi miệng lầm lỗi
Làm quấy sai ngoa, không kính không tuân không thờ
Nay thình lình gặp nạn,
Thống hối chưa nên
Than ôi!
Đời sống đã tàn,
Lâm chung đã tới
Khí thiêng đã hết, đang cơn hoi hóp bồi hồi
Chúa ơi đoái thương, kịp lúc cứu giúp ủi an
Huống hồ khi trước thói mê ràng buộc
Dùng mọi của cải đều là ích kỷ
Nên chi ngày nay tội khiên vô kể
Ai cứu ra khỏi ngọn lửa hỏa hào
Ôi! Đức Chúa Kitô! Ban ơn chuộc tội lớn lao
Lạy Đức Mẹ nhân từ, khấng xin tha thứ
Xin thánh Thiên Thần bản mệnh
Bao năm từng dạy dỗ, công lao gìn giữ xiết bao
Nay xin cầu bầu cứu giúp thắng vượt muôn thù
Lạy thánh Quan thầy
Khi sống đã nâng niu, nay còn bênh đỡ
Lạy các thánh Nam thánh Nữ
Trước nhan Chúa Trời, cầu cho người thân
Có cầu mới được, có khấn mới thiêng
Ngửa trông lên:
Tòa Ba Ngôi cực sáng, một Chúa uy nghi
Trời cao đất rộng giữ gìn, cầm cân nảy mực chẳng sai
Lời xa nghe tỏ thưởng phạt, khuyến dụ răn đe không sót
Nay con sấp mình
Nguyện cầu tha thiết
Xin cho hồn ấy . . .
Lên chốn Thiên đàng
Đài Xuân an nghỉ, phúc thật vui hưởng chẳng cùng chẳng hết
Cõi thọ tiêu dao, thường sinh an lạc vĩnh hằng
Kinh răn lựa bài cầu khẩn
Xin cùng cất tiếng hòa vang.
Amen.
Kinh cao sang
BẢN DIỄN CA (của cụ Phạm Trạch Thiện)
Lạy ơn Thiên Chúa
cao sang
Chín tầng ngự trị thiên đàng liên liên
Loài người mọn mạy phàm hèn
Cùng chung muôn vật ở trên địa cầu.
Tính thiêng soi tới khắp thâu,
Suốt thông mọi sự làu làu không sai.
Rất công chẳng chút riêng ai,
Khắp hòa che chở chẳng ngoài kiền khôn.
Chúng tôi chút phận dân con,
Trộm đem tấc dạ ngụ hôn nghĩ rằng:
Chúa Cha phép tắc khôn chừng,
Linh thông rất mực toàn năng vô cùng.
Bởi không rẽ đám hồng mông,
Máy huyền tạo hóa phép thông diệu thần.
Sinh nên trời đất thần nhân,
Cùng chung muôn vật mọi phần tốt xinh,
Chúa Con lòng rất nhân lành,
Vì thương thiên hạ giáng sinh chữa đời.
Để tòa cao trọng trên trời,
Liều mình chịu chết thay loài người ta.
Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba
Uy linh hiện hóa thiết tha ôn tồn.
Cho ta mạnh sức linh hồn,
Đầy lòng đức nghĩa cao tôn khác vời.
Ba Ngôi cũng một Chúa Trời,
Một tính một phép Ba Ngôi một giềng.
Trí năng một thể cao sang,
Tốt lành nhân đức vẻ vang rất là.
Bây giờ trộm dám suy ra,
Hồn nay đã phải nghiêm tra trước tòa.
Xét từ hồn mới sinh ra,
Chưng nay hồn đã phải qua đời rồi.
Chịu ơn Thiên Chúa vô hồi.
Lo hồn hoặc lại luống côi vô tình.
Ở đời những thuở bình sinh,
Chẳng suy chẳng nghĩ việc lành phải chăm.
Lòng lo miệng nói mình làm.
Linh hồn ba phép chẳng noi,
Dùng về nẻo khác lôi thôi nhiều chiều,
Từ bề xác thịt ngã xiêu,
Đi càn lối vạy chẳng theo đàng lành,
Kính dâng chẳng vẹn tâm thành
Phượng thờ chẳng trọn bậc mình sớm trưa.
Gặp cơn nguy ách chẳng ngờ,
Ăn năn chưa trọn ngày giờ đã qua.
Than ôi! Giờ chết chẳng xa,
Khí thiêng mong thở hắt ra còn gì.
Bồi hồi hoi hóp đang khi,
Cậy trông Chúa cả phù trì ủi an.
Phương chi ngày trước lo toan,
Ích riêng theo thói thế gian chiều lòng.
Lỗi nay khổn kể cho cùng,
Ai hay cứu thoát khỏi vòng hồng lô.
Hỡi ơi! Lạy Chúa Giêsu,
Chuộc đền ơn cả thương cho lúc này
Cậy trông Đức Mẹ nhân thay,
Cầu cùng Chúa cả lỗi rày thứ cho.
Lại xin Đức Thánh An-giô,
Bấy lâu gìn giữ hộ phù tính linh,
Hằng ngày dạy dỗ đinh ninh,
Đã trông coi sóc thần hình bấy thu.
Rày xin giúp đỡ cần cù,
Để cho thắng được kẻ thù thiêng nay.
Cùng xin đấng thánh quan thầy
Vốn từng thân thiết thuở ngày bình sinh.
Hằng hằng đỡ vực che bênh,
Xin Người thương đoái đinh ninh thay lời.
Lại xin các Thánh trên trời,
Đang chầu chực Chúa ở nơi vui vầy,
Vì tình thương đến hồn này,
Cầu cho chóng được thấy ngày hiển vinh.
Như Lời Chúa phán rành rành.
Xin thì sẽ được ơn lành đoái thương.
Sấp mình trông Chúa cao sang,
Ba Ngôi một tính rõ ràng uy nghi.
Trời cao đất rộng cực kỳ,
Trong tay quyền phép tóm về kỷ cương.
Cao xa Chúa ngự thiên đàng,
Thấu nghe suốt hết trần gian mọi vùng.
Khuyên răn thưởng phạt rất công,
Lưới trời lồng lộng ai hòng trốn thâu
Chúng tôi cả dám khấu đầu,
Hết lòng van thiết âu sầu kêu xin.
Rộng tha phần phạt luyện đền,
Cho linh hồn ấy được lên thiên đàng.
Sống lâu hưởng phúc vinh quang,
Đền xuân cõi thọ vẻ vang đời đời.
Kinh văn cầu khẩn một bài,
Mọi người xin hết hợp lời. Amen.
Tác
giả Lê Đình Bảng (chủ biên)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)