01/04/17
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53
BÊNH VỰC CHÚA
Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền
hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? Các vệ binh trả lời: “Xưa
nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy.” (Ga 7,45-46)
Suy niệm: Trong tác phẩm “Chuyện Tử Tế”, nhà văn Trần Văn Thủy đã có một
nhận xét sâu sắc như sau: trong thời chiến tranh, cảnh sống, đi lại, suy nghĩ
của người nghèo là đề tài phim ảnh, phóng sự. Nhưng khi đã bình ổn, người nghèo
bị biến mất trên phim ảnh, không ai nhớ tới họ, chẳng ai bênh vực họ. Chúa
Giê-su từng bị dân Do Thái lãng quên như thế; thậm chí họ còn tìm cách bắt giết
Ngài. Thế nhưng, vẫn còn một số người yêu chuộng sự thật, bênh vực Chúa Giê-su.
Những vệ binh và ông Ni-cô-đê-mô, mỗi người một cách, lên tiếng bênh vực Chúa
trước đám đông quyền lực đang tìm cách hại Chúa. Các vệ binh làm chứng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”; ông Ni-cô-đê-mô viện dẫn luật Mô-sê: không được kết án ai mà không
có chứng cứ. Dù những lời bênh vực của họ không làm thay đổi lòng dạ độc dữ của
những người có quyền, nhưng họ minh chứng lòng mến Chúa và sự thật.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn lên tiếng bênh vực Chúa và Giáo
Hội chưa? Có bao giờ bạn bênh vực các linh mục, các tín hữu đang đảm trách công
việc trong giáo xứ của bạn chưa? Thay vì trách móc, bạn hãy bênh vực Chúa, bênh
vực Hội Thánh và anh chị em tín hữu.
Sống Lời Chúa: Nói những lời khích lệ với lòng biết ơn hoặc lên tiếng bênh vực
Chúa và Hội Thánh.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết tôn trọng sự thật, cam
đảm bênh vực Chúa và Hội Thánh, nhất là biết bênh vực những người cô thế cô
thân.
02/04/17 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – A
Ga 11,1-45
PHÉP LẠ CHỮA LÀNH HỒN XÁC
“Bệnh này không đến nỗi
chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này,
Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11,4)
Suy niệm: Căn bệnh “thập tử nhất sinh” của anh La-da-rô được Chúa Giê-su coi
là dịp để vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ. Quả thật, nhiều người đã tôn vinh
Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su qua việc Ngài phục sinh anh La-da-rô. Mặt
khác, Đức Giê-su chỉ yêu cầu Mát-ta một điều, đó là “tin”. Mát-ta đã tin và
tuyên xưng: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con
Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Như vậy, phép lạ được Chúa thực hiện là để tôn
vinh Thiên Chúa và để củng cố đức tin cho người ta. Đồng thời, phép lạ cũng đòi
hỏi thái độ tin của người cầu xin.
Mời Bạn: Khi chữa lành, làm cho La-da-rô sống lại, Đức
Giê-su cũng đã chữa lành, phục sinh tâm hồn những người khác, vì nhờ phép lạ,
họ đã tin vào Ngài. Chớ gì chúng ta đừng tìm kiếm phép lạ chỉ vì nó lạ và mang
lại lợi gì cho phần xác, nhưng hãy tìm kiếm những gì sinh ích lợi cho đức tin
và để cho vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Ngay cả bệnh tật, khổ đau, nghịch
cảnh cũng là những dịp để Thiên Chúa được tôn vinh: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh
quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.
Chia sẻ: Thuật lại một trường hợp bệnh phần xác hay phần hồn của bạn đã trở nên dịp để Thiên Chúa được
tôn vinh.
Sống Lời Chúa: Trong mọi hoàn cảnh, bạn lặp lại lời tuyên tín của Mátta: “Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành hồn xác con để con
luôn biết tôn vinh và sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.
03/04/17
THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11
PHÚT THINH LẶNG CỦA CHÚA
“Ai trong các ông sạch tội,
thì cứ việc lấy đá ném người này trước đi.” (Ga 8,7)
Suy niệm: Nhóm luật sĩ và Pha-ri-sêu hùng hổ đem người phụ nữ ngoại tình đến hỏi xem Chúa Giê-su xử thế
nào dựa vào luật Mô-sê. Để dẹp tan bầu khí náo động của họ, Chúa Giê-su chỉ im
lặng, cúi xuống, viết lên đất điều gì đó, ngẩng đầu lên Ngài nói: “Ai không có tội thì hãy ném đá
người này trước đi” và Ngài
tiếp tục thinh lặng… Chúng ta chiêm ngắm những giây phút thinh lặng này. Sự
thinh lặng của Chúa khiến những lời tố cáo ầm ĩ của họ trở thành lố bịch; sự
thinh lặng của Chúa đòi buộc họ phải trầm lắng lại để nhìn vào sâu thẳm tâm hồn
họ, nơi mà họ nhận ra mình cũng là người tội lỗi; trong thinh lặng họ hiểu rằng
họ không được dồn người khác vào ngõ cụt, cũng không có quyền kết án anh chị em
mình. Và rồi họ lặng lẽ rút lui.
Mời Bạn: Sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra mình và tội lỗi của mình. Đó là tiền đề cho việc thống
hối. Trong mùa Chay, chúng ta được kêu gọi giữ chay bằng thinh lặng: “chay tịnh trong Âm Thanh và Hình
Ảnh” để chúng ta có những
giây phút thinh lặng cả bên trong lẫn bên ngoài. Một ngày 24 giờ có 1,440 phút,
tôi thinh lặng được bao nhiêu phút để nhìn lại mình trong tương quan với Chúa
và anh chị em mình?
Chia sẻ một kinh nghiệm nhờ thinh lặng mà bạn gặp được Chúa và hoán cải.
Sống Lời Chúa: Dù bận rộn đến cỡ nào đi nữa, mỗi ngày bạn dành ít phút thinh lặng
để chiêm ngắm Chúa và kiểm điểm đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa. thế giới ngày nay thật là ồn ào và
náo nhiệt bởi muôn vàn phương tiện. Xin cho con biết hãm mình, biết từ chối
trước lời mời hấp dẫn, biết dành những giây phút riêng tư cho Chúa trong thinh
lặng.
04/04/17
THỨ BA TUẦN 5 MC
Th.
I-sô-đo, giám mục, tiến sĩ HT Ga 8,21-30
ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH LÀ
ĐẤNG HẰNG HỮU
ĐẤNG HẰNG HỮU
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là
Tôi Hằng Hữu.”(Ga
8,28)
Suy niệm: Thiên Chúa đã yêu thế gian thì Ngài yêu đến cùng. Tận cùng của
tình yêu đó là việc Con Thiên Chúa chịu khổ nạn, chịu đóng đinh, chịu
chết trên thập giá. Chỉ khi đi đến tận cùng đó, Đức Ki-tô mới tỏ mình ra là
Đấng Hằng Hữu. Phúc âm kể lại đội binh hành quyết khi thấy“đất rung đá vỡ” và những việc kỳ diệu xảy ra lúc Đức Giê-su trút linh hồn, đã “rất đỗi sợ hãi và nói: “Ông này quả thật là Con Thiên Chúa”. Và rồi khi chứng kiến cảnh tượng Đức Ki-tô phục sinh, “lính canh khiếp sợ, run rẩy và hoá ra như chết” (Mt 28,4). Thần chết đã chết khi Đức Ki-tô được mai táng trong mồ,
và sự sống mới được ban tặng cho nhân loại khi Ngài “chỗi dậy và ra khỏi mồ.” Qua cái chết này, Người đã tỏ mình ra là Đấng
Hằng Hữu và không ai có quyền gì trên sự sống của Người (Mt 28,18).
Mời Bạn: Chúng ta thấy thánh giá được trưng bày không
chỉ trong nhà thờ, bàn thờ gia đình người Công giáo… mà cả ở nghĩa trang. Điều
đó như muốn nói thánh giá không phải là sự thất bại mà là sự chiến thắng của
Đấng Hằng Hữu. Thánh giá cũng là dấu chỉ mời gọi người Ki-tô hữu xác tín hơn
vào Đấng Hằng Hữu, đồng thời ấp yêu thánh giá Chúa gởi đến cho mình, để mình
được thông hiệp với Đấng Hằng Hữu.
Sống Lời Chúa: Làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng để tuyên xưng Đấng bị treo trên
thập giá là Đấng Hằng Hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn sống muôn đời. Xin
ban ơn giúp sức để chúng con làm chứng cho sự hằng hữu của Chúa bằng cuộc sống
được hướng dẫn bởi đức tin.
05/04/17
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Th.
Vinh-sơn Phê-ri-ê, linh mục Ga 8,31-42
SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT TA
“Nếu các ông ở lại trong
Lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự thật
sẽ giải thoát các ông.” (Ga 8,31-32)
Suy niệm: Hiện nay, hiện tượng tham nhũng và dối trá đang thâm nhập và hoành
hành khắp nơi trong xã hội. Vì ham muốn một cuộc sống hưởng thụ dễ dãi với
nhiều của cải, quyền lợi và lạc thú, người ta dễ để mình bị trói buộc trong
cuộc sống gian dối. Những vụ việc tham nhũng, thâm lạm, giả mạo, v.v… bị phát
hiện và đưa ra trước vành móng ngựa chỉ là phần nổi của tảng băng, không đủ sức
bẻ gẫy xiềng xích của sự gian dối đang trói buộc con người. Lời Chúa hôm nay
chỉ cho ta cách giải thoát toàn vẹn và hoàn hảo nhất. Chỉ khi sống theo Lời Chúa,
con người mới thoát khỏi sự trói buộc của đam mê dục vọng và đến được Thiên
Chúa là nguồn mạch Sự Thật và Sự Sống. Lúc đó con người thực sự được giải
phóng, được tự do.
Mời Bạn: Bà Lê Hiền Đức, 77 tuổi khi nhận giải thưởng Liêm Chính 2007 của tổ chức Minh
Bạch Thế Giới nhờ những hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, bà nói: “Cả cuộc
đời tôi vẫn luôn tâm đắc: làm việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào
tôi. Tôi mong hành động liêm chính này trở thành điều bình thường trong cuộc
sống”. Là môn đệ Chúa Giêsu, ta đã có ý chí mạnh mẽ để sống sự thật và làm cho
sự thật lớn lên trong môi trường mình đang sống, để“hành động liêm chính trở thành
điều bình thường trong cuộc sống” không?
Sống Lời Chúa: Sống thành thật, không quanh co che đậy, không đứng về cái xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ con ở lại trong Lời Chúa, để
con biết thắng vượt chính mình và đừng để con sa bẫy cám dỗ.
06/04/17
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59
“CHÚA NÓI MỘT ĐƯỜNG,
HỌ HIỂU MỘT NẺO”
HỌ HIỂU MỘT NẺO”
Người Do thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông
Áp-ra-ham. Đức Giêsu đáp: “…Trước khi có Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,57-58)
Suy niệm: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, tư tưởng của
Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng con người bấy nhiêu” (Is 55,9). Con Thiên Chúa xuống thế làm người để “kéo” Thiên Chúa
từ trời xuống gần với con người. Thế nhưng, khi Ngài tỏ bày Thiên Chúa cho dân
Do thái, họ đã không đón nhận, mặc dù Ngài đã dùng nhiều cách thức khác nhau để
tỏ ra cho họ biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến. Khi Chúa nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết,” người Do thái cho rằng: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám.” Khi Chúa nói, ông Áp-ra-ham “vui mừng vì thấy ngày của tôi,” họ lại nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông
Áp-ra-ham sao?” Quả là trớ trêu! Đúng là Chúa nói một đường,
họ hiểu một nẻo.
Mời Bạn: Chớ gì mỗi ngày chúng ta đón nhận Chúa Giê-su,
hiểu biết và yêu mến Người sâu đậm. Chỉ với tinh thần đơn sơ như một trẻ thơ,
chúng ta mới có thể hiểu đúng ý Chúa. Bạn quyết định thế nào?
Sống Lời Chúa: Dành vài phút mỗi ngày gặp Chúa, nhất là sau những lần vấp ngã.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến với chúng con và
dùng nhiều cách bày tỏ lòng yêu thương của Chúa. Thế mà chúng con vẫn chưa nhận
ra. Chúng con xin tạ tội với Chúa và chúng con hứa với Chúa sẽ siêng năng tìm
kiếm Chúa, trò chuyện với Chúa, để mỗi ngày hiểu lời Chúa dạy và ra sức thực
hành điều Chúa muốn. Lạy Chúa, không phải theo ý con, nhưng cho con hiểu ý Chúa
và thực hành. Amen.
07/04/17
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Th. Gio-an B. La-san, linh mục Ga 10,31-42
TIN HAY KHÔNG TIN?
“Nếu tôi làm các việc (của
Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.” (Ga 10,37-38)
Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng
thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giê-su sắp bị khai
tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Không vì thế mà chùn
bước, Chúa Giê-su trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục
họ. Nhưng kết cục thật bi đát, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái
am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học thì lại tin vì “những lời Gio-an nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là một ơn nhưng không, Chúa
ban thì con người mới có được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng
thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.
Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến
cùng, noi gương thánh Phao-lô: “Tôi
đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).
Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình/nhóm của bạn
rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra
khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.
Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những
điều ta không thấy...”Mời
bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức
tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể
hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững
trong niềm tin vào Chúa. Amen.
08/04/17
THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Th. Ta-nít-lao, giám mục, tử đạo Ga 11,45-56
MẦM HY VỌNG TỪ GIAN LAO
Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “…Thà một người chết thay
cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra,
nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải
chết thay cho dân. (Ga 11,50-51)
Suy niệm: Sau khi Gia-cóp qua đời, các anh của ông
Giu-se sợ ông trả thù, nên bối rối lo lắng. Biết điều đó, ông Giu-se nói với
các anh: “Các anh định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên
Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu
sống một dân tộc đông đảo” (St 50,20). Thiên Chúa luôn can thiệp để những
hành động độc dữ từ con người trở nên khí cụ cho chương trình của Ngài. Chẳng
hạn, thay vì nói những lời nguyền rủa dân Chúa, thầy phù thủy Ba-la-am lại được
Thiên Chúa uốn nắn nói những lời chúc lành. Và trong Tin Mừng hôm nay, quyết
định của Cai-pha giết Chúa để toàn dân được sống trở nên lời tiên báo cho cái
chết của Chúa thay cho toàn dân. Từ đó, chúng ta tin rằng, từ những điều xấu do
con người gây nên, Chúa có đủ quyền năng hoá giải chúng trở nên điều lợi ích
cho chúng ta.
Mời Bạn: Người ta thường than van trách móc Chúa vì
không được như ý. Người ta cũng dễ dàng tìm cách báo thù những ai gây đau khổ
cho mình. Người ta không tìm lợi ích từ những điều bất ý. Dân gian còn nhận
biết “thất bại là mẹ thành công”, tại sao chúng ta không nhận ra những điều tốt
từ những thử thách trong cuộc đời?
Sống Lời Chúa: Dâng những nhọc nhằn và thử thách hôm nay cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con rút tỉa được những điều
lợi ích từ thánh giá Chúa và thập giá cuộc đời con. Xin cho con ngày càng yêu
mến thánh giá.
09/04/17
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – A
Mt 26,14-27
THẬT LÒNG VỚI CHÚA ĐI!
Giu-đa, kẻ nộp Chúa cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Chúa
Giê-su trả lời: “Chính anh nói đó!” (Mt 26,25)
Suy niệm: Không ai dám nghĩ Chúa Giê-su bị một trong các
tông đồ phản bội, thế mà điều đó đã xảy ra. Giu-đa là kẻ phản bội Chúa. Thì ra,
thay vì dùng quyền năng và ơn Chúa ban để phục vụ Chúa, ông đã phản bội Chúa.
Ông từng chứng kiến những phép lạ Chúa làm, thấy rõ Chúa trục xuất ma quỷ và
cho người mù sáng mắt. Ông được ở cạnh Chúa trong cơn bão, khi Chúa đi trên mặt
nước. Ông có mặt trong phép lạ hóa vài tấm bánh và một ít con cá ra nhiều nuôi
sống hằng ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư hàng chục thúng bánh vụn. Trước các
phép lạ đó, đức tin của các tông đồ và mọi người gia tăng, chỉ trừ Giu-đa.
Trong bữa Tiệc Ly, ông được ngồi cạnh Chúa và ông “diễn” quá sâu, quá khéo,
khiến các tông đồ vẫn không nhận ra ông là kẻ phản bội. Ông tưởng nói “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” sẽ đánh lừa được Chúa Giê-su như che mắt những người khác,
nhưng Chúa biết rõ lòng dạ Giu-đa và đánh thức ông: “Chính anh nói đó!” Đối với
Chúa, thực hành những lời Ngài dạy mới có phúc. Nghe lời Chúa dạy mà không thực
hành, mình sẽ tự biến thành một kẻ phản bội.
Mời Bạn: Chẳng ai dám nghĩ bạn bội phản Chúa và Hội
Thánh, vì bạn chưa bao giờ chối Chúa, chưa lên án Chúa. Nhưng trước mặt Chúa,
bạn có thật là người trung thành với Chúa không? Nếu bạn luôn thực hành điều
Chúa dạy, bạn đáng tin là người trung thành với Chúa.
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc suy niệm lời Chúa và thực hành lời Chúa mỗi
ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trung thành với Chúa,
đừng bao giờ bội phản Chúa. Xin chớ để con lìa xa Chúa.
10/04/17
THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
KHI TÌNH YÊU LÊN TIẾNG
Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức
chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau…Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ nộp Người, liền nói:
“Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,3-5)
Suy niệm: Suốt bữa ăn, Ma-ri-a đến nơi Chúa ngồi, đổ dầu thơm xức chân Chúa,
thứ dầu thơm quý mà theo con mắt “nhà nghề” của Giu-đa, trị giá khoảng hơn 300
quan tiền, tức hơn một năm lương của người lao động phổ thông. Ma-ri-a không có
ý “chơi ngông” hay lôi kéo sự chú ý của người khác. Bà không quan tâm đến những
lời bàn tán giá trị loại dầu thơm này, bà đổ hết xuống chân Chúa và xức chân
Ngài, mùi thơm sực cả nhà, chẳng khác gì bà đổ hết tình yêu của bà vào Chúa
Giê-su. Đây là cử chỉ tuyệt vời của tình yêu và cả nhà thơm lây hương thơm của
tình yêu ấy. Trong lúc đó, có những môn đệ tỏ ra khó chịu về hành động của bà.
Thánh Gio-an chỉ đích danh Giu-đa là người đả kích hành động hào phóng của
Ma-ri-a và cho biết ông là một tên ăn cắp. Hành động tình yêu của Ma-ri-a, ông
qui ra tiền và ông tính toán số tiền không nhỏ nhờ bán dầu thơm sẽ làm túi tiền
ông giữ căng phồng lên và cơ hội ông bớt xén sẽ càng nhiều. Bỉ ổi hơn, ông còn
che dấu lòng tham lam của mình dưới chiêu bài bác ái bán dầu để bố thí cho
người nghèo.
Mời Bạn: Bạn có kinh nghiệm gì khi nhiệt tình đóng góp cho
công cuộc truyền giáo của Chúa mà vẫn bị người khác nói lời châm chích? Nơi
bạn, tình yêu đối với Chúa và Hội Thánh có lớn đến mức vượt trên những bàn tán
xì xèo chung quanh không?
Sống Lời Chúa: Tham gia đoàn thể trong giáo xứ.
Cầu nguyện: Hát “Kinh Hòa Bình”.
11/04/17
THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38
TIẾNG CHÚA TỪ CUỘC SỐNG
Chúa nói với Phê-rô “Phê-rô, Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy
bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,38)
Suy niệm: Tiếng gà gáy trong đêm thứ Năm định mệnh ấy đã làm cho Phê-rô tỉnh
ngộ và sám hối vì thái độ chối Chúa của mình. Phê-rô những tưởng mình dù có
chết cũng vẫn trung thành với Thầy, rằng mình sẽ đứng vững với tài lực và ý chí
của mình. Nhưng ngờ đâu ông đã vấp ngã: Là môn đệ cưng của Thầy Giê-su thế mà
giờ đây, đứng trước một nữ tỳ trong phủ thượng tế, ông không đủ can đảm để
tuyên nhận Thầy. Tiếng gà gáy tự nó chẳng có sức mạnh thần diệu nào nhưng nó là
dấu chỉ giúp ông nhớ đến tình yêu của Thầy đã cảnh báo và giờ đây ông gặp được
ánh mắt yêu thương tha thứ của Thầy mời gọi ông thức tỉnh và hoán cải.
Mời Bạn: Thiên Chúa yêu thương vẫn dùng nhiều phương cách để nhắc nhở con người
chúng ta sống đúng với ơn gọi và sứ mạng của mình. Tiếng gà hôm nay hình như
hiếm có, nhưng vẫn có những tiếng kêu khác được cất lên để cảnh tỉnh con người
chúng ta. Một lời khuyên lời nhắc, một câu nói của ai đó, một tai nạn, một sự
kiện xảy ra trong gia đình hay nơi cá nhân mỗi người có thể là những tiếng kêu
mà Chúa đã dùng để cảnh tỉnh chúng ta. Mong sao cho mỗi người chúng ta có được
sự bình tâm hầu lắng nghe được tiếng gà gáy của ngày hôm nay để biết thức tỉnh
sống đúng cuộc sống của một người ki-tô hữu.
Sống Lời Chúa: Có tâm hồn khiêm tốn để lắng nghe lời dạy dỗ khuyên bảo của các
bậc bề trên, và đón nhận những lời góp ý xây dựng của anh em, bạn hữu. Đó là
những “tiếng gà gáy” Chúa gửi đến cho bạn hôm nay.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.
12/04/17
THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
ĐỪNG VỘI TRÁCH GIU-ĐA!
Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,25)
Suy niệm: Bằng một câu hỏi, Giu-đa đã lừa dối anh em, lừa dối Chúa Giê-su và
lừa dối chính bản thân mình. Rồi ông sẽ đi tới tận cùng của sự lừa dối bằng một
cái hôn chỉ điểm cho quân lính bắt Thầy. Qua bao năm tháng đồng lao cộng khổ,
vậy mà giờ đây Giu-đa đã trở mặt phản bội thầy, chối bỏ anh em, làm ngơ trước
tiếng nói của lương tâm. Vì sao? Chắc chắn ba mươi đồng bạc không phải là lý do,
nhưng đó chỉ là ngưỡng cuối cùng của một tình yêu đã bị lịm tắt. Khi trái tim
con người không còn nhạy cảm để đón nhận và sống tình thương của Thiên Chúa,
thì chính lúc đó “bóng tối” sẽ hoàn toàn chế ngự tâm hồn để cho tội lỗi mặc sức
hoành hành!
Mời Bạn: Bên cạnh một vài mặt nổi về kinh tế, những mặt tối “nổi cộm” khác cũng thật đáng lo ngại: nạn
nạo phá thai kỷ lục, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, tham nhũng lan tràn,
tình trạng nghiện ngập đến cả giới thanh thiếu niên, trò đánh thầy, cô giáo bạo
hành trẻ, những vụ án mạng tuổi học sinh… Khi lửa tình yêu dành cho Chúa không
còn, trái tim con người trở nên “chai cứng” để đối xử “lạnh lùng” với tha nhân. Hình ảnh Giu-đa không thiếu trong trong xã hội
ngày nay và, lắm khi cả trong bạn, trong mỗi người chúng ta nữa!
Chia sẻ: Bạn có thấy cái được lớn hơn cái mất khi bạn
sống trung thực không?
Sống Lời Chúa: Để chữa trị căn bệnh dối trá, bất trung và xây dựng nền văn minh
tình thương, mời bạn sử dụng phương thuốc “Ba Thật”: nói thật, sống thật và bảo vệ sự thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su tử nạn, xin dạy con biết yêu người như Chúa yêu, để
con sống trọn tình vẹn nghĩa với Ngài và với anh chị em chung quanh. Amen.
13/04/17
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh
lễ Tiệc ly
Ga 13,1-15
BÀI HỌC RỬA CHÂN
“Vậy nếu Thầy là Chúa, là
Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 15,14)
Suy niệm: Các môn đệ đi theo Chúa Giê-su, được Ngài dạy dỗ phải trở nên như
trẻ thơ, nhưng các ông vẫn mang nhiều tham vọng: tham chức quyền, muốn làm lớn.
Chúa không chỉ dạy bằng lời nói mà còn bằng hành động. Sinh ra trong hang lừa,
chịu đóng đinh chịu chết trên thập tự, cả cuộc sống dương thế của Chúa Giê-su
mang đậm dấu ấn khiêm tốn phục vụ, như Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục
vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45). Trong bữa tiệc ly, trước khi lập bí tích Thánh Thể và
Thánh Chức Linh mục, Ngài làm công việc của một đầy tớ: quì xuống rửa chân cho
các môn đệ. Qua việc này, Chúa Giê-su thiết lập một quy tắc mới của Ngài: lãnh
đạo là phục vụ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
Mời Bạn: Khiêm tốn vốn được coi trọng ngoài đời cũng
như trong cộng đoàn Hội thánh. Thế nhưng, giữa chúng ta cũng như trong nhóm các
môn đệ Đức Giê-su, mầm mống kiêu căng cao ngạo vẫn còn tiềm tàng hay bộc lộ ra
cách này hay cách khác, để rồi từ đó bao nhiêu rối loạn trật tự đã nảy sinh.
Nghi thức Rửa Chân trong Thánh lễ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh nhắc lại cho
chúng ta bài học quan trọng này.
Sống Lời Chúa: Với trách vụ được giao phó cho tôi hiện nay, tôi có khiêm tốn phục
vụ người khác không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn học nơi Chúa sự hiền
lành và khiêm tốn. Xin cho con noi gương Chúa sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho
những người Chúa giao phó cho con. Amen.
14/04/17
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ga 18,1-19.42
CHÚNG TA LÀ NHỮNG KẺ CÓ TỘI
Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất”. Rồi Người gục đầu
xuống và trao Thần Khí.”(Ga 19,30)
Suy niệm: Chúa Giê-su đến trần gian trong thân phận con người là để làm theo
Ý Chúa Cha: “Này Con xin đến để thực thi Ý Chúa.” Ngài đã vâng phục Thánh Ý đến cùng qua cái chết trên thập giá. Từ A-đam
đến con người cuối cùng trong ngày tận thế, mọi người đã phạm tội, và vì thế sự
chết thống trị. Nay nhờ cái chết của Con Thiên Chúa, món nợ sự chết đó được
thanh toán trọn vẹn và mọi người nhờ tin vào Ngài mà được ơn sự sống: “Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho
người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên
công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,21).
Mời Bạn: Qua cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô, Thiên
Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta hồng ân cứu độ. Nhưng chỉ khi chúng ta nhận ra tội
lỗi của mình và cầu xin ơn tha thứ, chúng ta mới đón nhận được hồng ân đó.
Trong phần sám hối của Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội
lỗi. Bạn có làm điều đó với nhận thức tội lỗi của mình và tâm tình ăn năn đích
thực không?
Chia sẻ: Chúng ta nại đến “đức tin của Hội Thánh” để
xin Chúa tha tội cho chúng ta như lời nguyện sau kinh Lạy Cha trong thánh lễ: “Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của
Hội Thánh Chúa….” Bạn hiểu thế nào về lời cầu xin này?
Sống Lời Chúa: Khi tham dự Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su,
tôi xin ơn nhận ra sự nặng nề và độc hại của tội lỗi để xin ơn tha thứ và hoán
cải đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi.
(đọc 3 lần)
15/04/17
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Rm 6,11
SỐNG TRONG BUỔI GIAO THỜI
“Anh em phải nghĩ rằng:
mình đã chết đi cho tội và đang sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6,11)
Suy niệm: Nữ tu Melanie Svobodia viết rằng: “Thứ Bảy Tuần Thánh là một trong những ngày
tôi thích nhất trong năm.” Chị cho rằng mọi ngày đời ta cũng giống như ngày thứ Bảy Tuần
Thánh ở chỗ đều là buổi giao thời giữa những cuộc chiến đấu trần gian và hạnh
phúc vĩnh cửu chưa đạt tới. Bao lâu còn sống chúng ta được kêu mời để cùng chết
đi với Chúa Ki-tô cho tội và sống cho Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Cuộc sống
chúng ta không đi từ ‘hư vô này đến hư vô khác,’ kiếp này sang kiếp khác không
cùng, nhưng chúng ta có đích điểm vững chắc để hy vọng và vì niềm hy vọng đó
chúng ta dám chấp nhận vượt qua mọi thử thách của cuộc sống trần gian.
Mời Bạn: Không thể sống đời ki-tô hữu nếu không vác
thập giá theo Chúa Ki-tô. Tuy nhiên đường Thánh Giá không dừng lại ở Thánh Giá,
cũng không bị chôn vùi vĩnh viễn trong mộ đá, nhưng dẫn tới vầng sáng huy hoàng
của ngày phục sinh.
Chia sẻ: Đức tin của tôi là những tin tưởng mù mờ hay
những xác tín mạnh mẽ? Chúng ta có hay dùng “lời lẽ đức tin mà an ủi nhau” không?
Sống Lời Chúa: Những khi buồn sầu đau khổ, lo lắng, tôi nhìn lên Chúa trên Thập
Giá xin Người cho tôi tin tưởng vào tình yêu của ngài và can đảm dấn thân với
niềm tin mạnh mẽ như thánh Phao-lô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức
mạnh cho tôi.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đấng đã chịu an táng trong mộ
đá ba ngày, xin cho chúng con sức mạnh để chúng con mang niềm vui và hy vọng
sống lại đến mọi nơi.
16/04/17
CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A
Ga 20,1-9
ĐỨC KI-TÔ KHÔNG LÀ KỶ NIỆM
Bấy giờ người môn đệ kia cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,8)
Suy niệm: Các phụ nữ đến mộ Chúa Giê-su từ sáng sớm để hoàn tất việc ướp
xác. Các bà cũng chẳng làm được gì khác hơn là vớt vát lại chút gì để nhớ về
một biến cố buồn thảm rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng của quá khứ. Các bà thực
sự hoảng hốt và đau xót vì một chút kỷ niệm là cái xác bất động của Thầy lại
cũng bị lấy mất đi. Các tông đồ Phê-rô và Gio-an cũng đến và cũng thấy ngôi mộ
trống. Thánh tông đồ Gio-an khẳng định: ông đã thấy và đã tin; không phải các
ông tin xác Thầy thực sự bị đánh cắp mà là tin Đức Giê-su đã chết nay sống lại
thật. Chúa Ki-tô phục sinh còn hiện ra nhiều lần cho nhiều người khác nhau để
xác nhận rằng Ngài không là kỷ niệm; Ngài đã sống lại và hiện nay
Ngài đang sống, đang đồng hành, đang ở với những ai đặt niềm tin vào Ngài.
Mời Bạn: Bạn nhớ, Chúa Giê-su phục sinh cũng đồng hành
với bạn, ở với bạn “mọi ngày cho đến tận thế” đấy. Dù bạn đi đâu, làm gì, bạn đừng quên sự hiện diện linh thiêng
và thân thiết này. Bạn đã làm gì và sẽ làm gì để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ
thiết yếu này?
Chia sẻ: Đọc lại lời chứng của những chứng nhân trực
tiếp đã gặp Chúa Ki-tô phục sinh: (x. Mt 28; Mc 16; Lc 24; Ga 20-21). Điều gì
đã khiến họ nhận ra và tin vào Chúa phục sinh để rồi họ rao giảng về Ngài mạnh
dạn như thế ?
Sống Lời Chúa: Chọn cho mình một phương thế thích hợp để sống thân thiết hơn nữa
với Chúa Phục sinh: siêng năng rước lễ, viếng Mình Thánh, thường xuyên tâm sự
với Chúa, v.v.
Cầu nguyện: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, con tin
Chúa đã chết và đã sống lại để cứu chuộc con.
17/04/17
THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15
MUA ĐỨT SỰ THẬT!
Họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này:
Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi.” (Mt 28,12-13)
Suy niệm: Cuộc sống hôm nay như bị khuynh đảo tận gốc bởi đồng tiền. Có tiền,
người ta mua đứt tất cả: chức tước, quyền lực, bằng cấp, cơ quan truyền thông,
thậm chí mua vợ mua chồng, mua cả những gì vốn được xem là rất thiêng thánh
nữa... Nhưng điều này không phải là mới. Hai ngàn năm trước, người ta giết Đức
Giê-su, và Người đã “chỗi dậy.” Thế nhưng, các thượng tế Do Thái đã dùng đồng
tiền để ém nhẹm sự thật về cuộc Phục Sinh của Người. Điều kỳ lạ là dù họ có
trong tay mọi thứ quyền lực: quân đội, cảnh sát, tiền bạc... nhưng họ đã không
bóp chết được sự thật rằng Đức Giê-su đã Phục Sinh. Tất cả những thứ đó không
mua đứt nổi đức tin và nhiệt tình mãnh liệt của những người môn đệ Thầy Giê-su,
những người mà từ nay tất cả lẽ sống của mình là loan báo Tin Mừng về cuộc Phục
Sinh của Thầy.
Mời Bạn: Không nao núng trước mọi quyền lực sự dữ trong
thế giới hôm nay. Không ái ngại vì thấy mình lọt thỏm giữa một môi trường hoàn
toàn xa lạ với hay thậm chí chống lại Tin Mừng. Lịch sử cho thấy rằng nếu ta
kiên trung sống đức tin vào Chúa Giê-su, thì Tin Mừng sẽ dần dần được người
xung quanh mình đón nhận.
Chia sẻ: Bạn sẽ nói gì nếu phải trao một chứng từ về
đức tin của bạn?
Sống Lời Chúa: Luôn đứng về phía sự thật, dù phải chấp nhận thua thiệt - đó là
cách ta sống Tin Mừng Phục Sinh trong xã hội mà sự gian dối đã trở thành được
‘bình thường hóa’ hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con luôn
sống trong sự thật, vì Chúa là Sự Thật. Amen.
18/04/17
THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18
QUY LUẬT SỰ SỐNG
“Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20,13)
Suy niệm: Theo quan niệm Á Đông, âm-dương là hai yếu tố chi phối cả vũ trụ
như: đêm - ngày, chết - sống, đau khổ - hạnh phúc… Âm dương thực ra không tách
biệt hay đối nghịch, vì: “Trong âm có dương và trong dương có âm”. Đang đêm đã có dấu hiệu xuất hiện của ngày; đêm càng về khuya thì
ngày càng gần đến và chính lúc trọn đêm thì ngày mới lại bắt đầu. Cũng vậy,
chết-sống không là hai thực tại đối nghịch nhau, nhưng là hai nguyên lý của
cùng một thực tại duy nhất. Đó là quy luật của Trời Đất, mà Đức Giê-su nhắc lại
như là quy luật của chương trình cứu độ: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết
đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt
khác” (Ga
12,24). Bà Ma-ri-a khóc khi đứng trước ngõ cụt là cái chết của Thầy mình. Đức
Giê-su gọi bà: “Sao lại khóc?” để khai thông ngõ cụt để dẫn đến niềm tin vào
thực tại mới: Ngài đã phục sinh.
Mời Bạn: Đức Giê-su là Đường, con đường đó tất yếu phải qua thập giá mới đến vinh quang. Vấn đề là chúng ta có muốn đến vinh quang không? Nếu có thì mỗi
khi đối mặt với gian nan thử thách, sao lại khóc?
Chia sẻ: Nạn li dị, phá thai… hiện nay – đối với một số người – đã trở nên một thứ “quyền lợi” mà họ đang
đòi pháp luật phải thừa nhận. Phải chăng đó là hậu quả của việc không chấp nhận
thập giá?
Sống Lời Chúa: Thôi “khóc” trước những khó khăn hiện tại và nhìn đó như là những
thử thách của thập giá, để đón nhận và vượt qua.
Cầu nguyện: Lạy Cha là chủ tể trời đất, muôn loài Cha tạo
thành luôn vận hành theo quy luật Cha đã đặt định. Xin cho con biết từ bỏ ý
riêng mà chấp nhận cuộc sống như ý Cha đã an bài.
19/04/17
THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35
NHẬN RA CHÚA KHI NGÀI BẺ BÁNH
Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích
Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)
Mời bạn nhập vai hai môn đệ Emmau để chiêm ngắm. Họ chẳng xa lạ
gì với những lời Kinh Thánh “từ Mô-sê đến các ngôn sứ.” Họ cũng biết rõ những điều xảy ra tại
ngôi mộ trống do các bà thuật lại. Thế nhưng, những dữ kiện đó như một mớ rời
rạc, vô nghĩa đối với họ, cho đến khi người khách đồng hành ấy giải thích Kinh
Thánh làm lòng họ “bừng cháy lên.” Rồi người khách ấy đồng bàn dùng bữa tối với
họ; và kìa, xem ông ấy bẻ bánh! Mọi sự bỗng trở nên mạch lạc, sáng tỏ: “Người
lữ khách đó chính là Ngài!” (Lời bài hát “Trên đường Emmau” của Lm. Thành Tâm).
Bạn ơi, những chữ viết, chứng từ, bánh và rượu chỉ trở
thành Lời, Thịt và Máu khi hoà quyện nên một nơi con người Giêsu “chỗi dậy từ
cõi chết”. “Lời” không có ý nghĩa gì nếu không phát xuất từ Chúa Giê-su Ki-tô
phục sinh bằng xương bằng thịt. Bạn không thể thấu hiểu được “Lời” nếu không
kết hợp trong “Thịt và Máu” Ngài. Và bạn cũng không thể đến với “Thịt và Máu”
Ngài nếu không được “Lời” Ngài làm “bừng cháy lên”. Các môn đệ Emmau đã “nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh” như thế đó.
Chia sẻ: Việc suy gẫm Lời Chúa có giúp bạn yêu mến
Thánh Thể hơn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy gẫm Lời Chúa, bạn kết thúc bằng việc rước lễ thiêng
liêng; và mỗi khi rước lễ, bạn dành ít phút để suy gẫm lại Lời Chúa bạn vừa
nghe.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con khao khát Chúa. Xin làm sống lại
trong con tình yêu mến Chúa. Xin làm cho lòng con bừng cháy lên ngọn lửa nhiệt
thành phục vụ Chúa nơi tha nhân.
20/04/17
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48
CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ SỐNG LẠI?
“Đấng Kitô phải chịu khổ
hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao
giảng cho muôn dân.” (Lc 24,46-47)
Suy niệm: Lời ấy của Đức Giê-su được Người nói lên hơn một lần, và được các
tác giả Sách Thánh ghi lại nhiều lần. Lời ấy chất chứa một cái gì đó rất đặc
trưng Kitô giáo, một cái gì đó trở thành qui luật sống của người môn đệ Đức Ki-tô: Để tới vinh quang, phải đi qua thập giá! Nhiều người ‘ngán’ Ki-tô giáo vì họ ‘dị ứng’ với hai tiếng “khổ
hình.” Ki-tô giáo không dạy người ta đi đường tắt, không hứa hẹn đưa người ta
đi từ vinh quang tới vinh quang. Nhiều người, nhất là người trẻ trong trào lưu
hưởng thụ hôm nay, muốn chọn ‘Đức Ki-tô sống lại’ nhưng lại tìm mọi cách tránh
né ‘Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá.’ Mấy tiếng ‘hy sinh’, ‘hãm mình’,
‘chịu khó’… dường như không còn gặp thấy trong ngôn ngữ của các bạn trẻ nữa.
Mời Bạn: Không ‘chết đi’ thì làm sao ‘sống lại’? Chúng
ta cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ đã giúp làm cho cuộc sống con người được
tiện nghi, dễ chịu hơn; nhưng chúng ta ý thức rằng ‘khổ hình’ vẫn mãi là một
phần tất yếu của cuộc sống, nhất là cuộc sống của người môn đệ Đức Ki-tô. Chúng
ta không săn tìm đau khổ, nhưng chúng ta sẵn sàng đón nhận đau khổ và trao ý
nghĩa cho đau khổ, như Đức Ki-tô đã làm gương mẫu cho chúng ta.
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về ‘thập giá nở hoa’ trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Bước theo Thầy Giê-su, chúng ta tích cực chấp nhận hy sinh, chịu
khó, để phục vụ trong yêu thương.
Cầu nguyện: Đọc kinh của Thánh I-nhã: “Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng đáng…” (xem toàn bài kinh ở trang 62).
21/04/17
THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14
MẺ CÁ LẠ THƯỜNG
“Các ông thả lưới xuống,
nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21,6b)
Suy niệm: Phép lạ mẻ cá lạ thường hôm nay gợi nhớ lại cũng phép lạ tương
tự Đức Giê-su thực hiện vào giai đoạn đầu của sứ vụ công khai. Phép lạ lần
trước để các ông tin vào tư cách Mê-si-a của Ngài; phép lạ hôm nay cho thấy
Đấng phục sinh vẫn chính là vị Thầy của các ông trước đây. Mẻ cá lạ thường ấy
cho thấy Ngài vẫn hiện diện với các môn đệ, vẫn luôn hỗ trợ các ông, muốn các
ông tin vào Ngài như một Đấng quyền năng, có quyền trên cả sự chết. Với các môn
đệ, những người đã gặp được Đấng Phục Sinh, thì mẻ cá này càng củng cố niềm tin
các ông vào Thầy mình hơn, để rồi sau bốn mươi ngày sum họp ấy, trước khi về
trời, Ngài sai các ông đi khắp tứ phương thiên hạ để làm chứng cho Tin Mừng
Nước Trời.
Mời Bạn: Phần chúng ta, dù không chứng kiến mẻ cá và sự
phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng chúng ta tin những gì được ghi lại trong Tin
Mừng là sự thật. Tin như vậy thật là một diễm phúc cho ta: “Phúc cho những ai
không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Sống Lời Chúa: Khi đã tin, ta sẽ không ngần ngại “quăng chiếc lưới” đời ta vào
đại dương trần thế để kéo lên cho Chúa những mẻ cá đầy ắp. Bao nhà truyền giáo,
bao nhà hoạt động từ thiện... đã và đang làm những điều kỳ diệu ấy. Còn bạn thì
sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, sau khi sống lại, Chúa
hiện ra để củng cố niềm tin của các môn đệ. Xin tiếp tục hiện diện trong con,
biến đổi đời sống con sao cho có hữu ích hơn, để những ai sống gần bên con cũng
nhận được những hương vị đậm đà tình huynh đệ nơi con. Amen.
22/04/17
THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
TIN MỪNG CỨU ĐỘ
Đức Giê-su nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo
Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Sau khi phục sinh, mỗi khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giê-su đều
sai họ đi loan báo Tin Mừng sống lại: trước hết, với chị Ma-ri-a Mác-đa-la,
Chúa bảo chị “đi báo tin cho những kẻ từng sống với Người” (c.10); với hai môn đệ làng Em-mau, Ngài sai họ “trở về báo tin cho các ông khác” (c.12); sau cùng, Ngài truyền lệnh cho Nhóm Mười Một “đi khắp tứ phương thiên hạ.” Sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn các môn đệ loan
báo chính là Tin Mừng, là niềm vui được chứng kiến Ngài sống lại. Nếu cái chết
của Ngài gây cho họ sự buồn phiền, thất vọng, thì sự sống lại của Ngài chẳng
những có sức mạnh phá tan nỗi buồn, mà còn truyền vào lòng họ niềm xác tín mạnh
mẽ vào quyền năng cứu độ của Đấng Phục Sinh – bởi với Ngài, không có gì là không làm được.
Mời Bạn: Nhiều người bi quan, thất vọng về một thế giới
đổ vỡ bởi chiến tranh, bệnh tật, ô nhiễm môi trường... Họ bị bế tắc trong việc
tìm kiếm một giải pháp “cứu độ.” Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Đức giáo
hoàng đương kim đã khơi lại niềm hy vọng cho thế giới: “Những ai gặp Chúa Giê-su và chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài thì
được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn.”
Chia sẻ: Nếu Chúa Giê-su hiện đến với bạn hôm nay, Ngài
sẽ nói gì?
Sống Lời Chúa: Tìm đến với người đang đau buồn và khơi lên nơi họ niềm hy vọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin giải thoát chúng
con khỏi mọi nỗi ưu phiền và thất vọng, để chúng con cũng loan truyền cho người
khác những gì Chúa làm cho chúng con. Amen.
23/04/17
CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS - A
Kính
Lòng Chúa Thương Xót Ga 20,19-31
TIN VÀO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG
“…để anh em tin mà được sự
sống nhờ danh Người.” (Ga 20,31)
Suy niệm: Có chuyện kể một gia đình trong đêm gặp hỏa hoạn, mọi người chạy
thoát ra hết chỉ còn một cậu bé đang mắc kẹt lại trong ngôi nhà đang bốc cháy
ngùn ngụt. Cậu bé đứng trên cửa sổ ngôi nhà đang bốc cháy và kêu cứu, người cha
đứng dưới đất gọi lên: “Con hãy nhảy xuống đi, có ba ở đây!”. Cậu bé đáp: “Nhưng con không thể, vì con không thấy ba”.Người cha nói lớn: “Con không thấy ba, nhưng ba thấy con”. Rồi cậu bé mạnh dạn nhảy xuống và nằm gọn trong vòng tay nâng đỡ
của người cha. Cậu bé được cứu sống nhờ dám tin vào người cha của mình, tin
người cha luôn yêu thương sẽ che chở và bảo vệ mình.
Mời Bạn: Cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su cho
thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi con người. Là
“Thiên Chúa của kẻ sống”, Ngài không chỉ xóa sạch tội lỗi, đưa con người từ sự
chết vào cõi sống mà còn ban cho con người được có khả năng yêu thương như
Ngài. Bạn được mời gọi nhận ra và đặt niềm tin vào Lòng Thương Xót ấy, biết làm
đầy trái tim của mình bằng Tình yêu của Chúa Cha, để có lòng thương xót như
Ngài (Khuôn Mặt Xót Thương, số 9).
Sống Lời Chúa: Làm một hành vi tha thứ hay một việc bác ái với người khác, với ý
thức để tạ ơn Chúa về một ơn mình đã nhận được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con sẽ là kẻ vô ơn nếu
chỉ biết nhậnmọi ơn lành từ nơi Chúa mà không trao ban bao giờ. Xin cho con
biết học nơi Chúa tình yêu quảng đại và bao dung, để đời sống chúng con được
trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót của Chúa. Amen.
24/04/17 - THỨ HAI
TUẦN 2 PS
Th. Fidel Sigmarigen, linh mục, tử đạo
Ga 3,1-8
HOẠT ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN
“Gió muốn thổi đâu thì
thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai
bởi Thần Khí sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)
Suy niệm: Vào mùa giông bão, ai cũng ngóng chờ tin tức từ chương trình 'dự báo thời
tiết' để xem diễn biến bão thế nào. Thế nhưng dẫu có đầy đủ phương tiện, người
ta cũng chỉ dừng lại ở 'dự báo' chứ chẳng biết chính xác ‘diễn biến phức tạp’
của bão. Trái đất chỉ bé như hạt cát trong vũ trụ bao la mà con người còn chưa
nắm hết được ‘đường đi của gió’ thì phương chi ‘cơn gió mạnh’ của Chúa Thánh
Thần, làm sao ai biết được ‘gió’ ấy “từ
đâu đến và thổi đi đâu”? Chúa
Giê-su dùng hình ảnh ‘gió’ để nói về “những
người sinh bởi Thần Khí.” Đó
là những người nhờ Thánh Thần hướng dẫn mà nhận ra Ý Chúa và trung thành vâng
theo, dù không biết ‘ngọn gió của Thánh Thần’ sẽ dẫn mình đi đâu về đâu. Lịch
sử Hội Thánh đã minh chứng 'cơn bão Thánh Thần' đã làm cho Giáo hội được thanh
tẩy đến tận căn và canh tân không ngừng cho đến ngày nay.
Mời Bạn: Lịch sử cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng
được Chúa Thánh Thần dẫn dắt như thế. Bạn có sẵn sàng để cho Thánh Thần hoạt
động, dù phải đối diện với những khó khăn thử thách, dù phải bước đi trong đêm
tối của huyền nhiệm không? Bạn hãy chắc chắn rằng tin theo Ngài bạn sẽ được đổi
mới như bầu trời, sau cơn mưa, lại tươi sáng vậy.
Chia sẻ một kinh nghiệm bạn nhận ra ý Chúa qua đó bạn thấy rõ bàn tay hoạt
động của Chúa Thánh Thần.
Sống Lời Chúa: Bắt đầu một việc gì, bạn cũng hãy xin ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, xin canh tân và đổi
mới con, để con luôn biết cư xử như là những người thuộc giao ước mới. Amen.
25/04/17
THỨ BA TUẦN 2 PS
Th.
Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng Mc 16,15-20
CÓ CHÚA SONG HÀNH
“Còn các Tông Đồ thì ra đi
rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông.”(Mc 16,20)
Suy niệm: Trong cuộc Khổ nạn, lúc Đức Giêsu bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-ni,
chỉ có thánh Mác-cô kể lại chi tiết sau đây: “có một cậu thanh niên đi theo Người, mình
khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ
chạy trần truồng” (14,51-52). Các nhà chú giải cho rằng tác giả
nói về chính mình. Chàng thanh niên ấy sau này là môn đệ của thánh Phê-rô, cũng
như là bạn đồng hành truyền giáo của Thánh Phao-lô và Ba-na-ba. Cảnh tượng Vườn
Dầu đêm ấy đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời Mác-cô, để rồi từ một
người nhát sợ, ông trở thành người rao giảng Chúa Giê-su Phục Sinh, đặc biệt
qua việc viết cuốn Tin Mừng thứ hai. Thánh nhân được đặt làm giám mục Alexandria bên Ai Cập và
chịu tử đạo tại đây.
Mời bạn: Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn đang hiện diện và hoạt động hằng ngày trong cuộc sống chúng ta,
nhất là nơi những ai mở lòng đón nhận sứ điệp của Ngài. Phải chăng, bạn và tôi
cần trút bỏ “tấm áo choàng” nhát đảm, thiếu niềm tin, hy vọng, yêu mến hay một
thói quen không tốt, để bước đi trên con đường Khổ Nạn và Phục Sinh của Thầy
Giê-su, của Thần Khí và Sự Thật?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành ít phút tĩnh lặng, cầu nguyện với Chúa, nhớ lại và cảm nghiệm sự hiện
diện của Chúa trong đời mình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho
chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước
theo Chúa Kitô.” Amen.
(Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-cô)
26/04/17
THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Ga 3,16-21
TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI
“Thiên Chúa yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người khỏi phải chết, nhưng được
sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật lạ lùng khôn tả: Ngài
muốn mọi người được cứu độ, được sống dồi dào, được hạnh phúc muôn đời. Ngài
yêu con người đến độ trao tặng cho con người món quà quý giá nhất là chính Con
Một của mình. Người Con Một ấy, Đức Giê-su Ki-tô, tiếp tục yêu thương con người
đến độ sẵn lòng hiến tặng điều quý báu nhất của mình là sự sống cho họ. Và để
có được sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa tặng ban đó, con người phải
đặt niềm tin vào Người Con Một ấy của Thiên Chúa. Vậy thì tin vào Đức Giê-su
Ki-tô là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi, được sống đời đời. Tin là chấp
nhận có Ngài hiện diện trong cuộc đời mình, sống như Ngài lời Ngài đã dạy và đã
sống để làm gương cho ta.
Mời Bạn: Ơn cứu độ của Chúa Giê-su chính là được tha
thứ tội lỗi, được tái sinh, được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, là có mối
tương quan thân thiết với Ngài. Bạn hãy cảm tạ Chúa, yêu mến, tin tưởng nơi
Ngài, không chỉ qua các nghi thức, nhưng còn bằng đời sống tốt lành, yêu thương
mọi người, loan truyền Tin Mừng cứu độ để nhiều người cũng tin Chúa, được hạnh
phúc đời đời.
Sống Lời Chúa: Tôi đón rước Chúa đến gặp mình một cách sốt sắng mỗi khi rước lễ,
tin tưởng sâu sắc Người là Đấng ban ơn cứu độ cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con luôn kiên vững trong
đức tin, tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Thiên Chúa,
để con có được sự sống đời đời. Amen.
27/04/17
THỨ NĂM TUẦN 2 PS
Ga 3,31-36
NÓI LỜI CỦA THIÊN CHÚA
“Đấng được Thiên Chúa sai
đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho
Người vô ngần vô hạn.” (Ga 3,34)
Suy niệm: Đức Giê-su, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Người nói lời Thiên Chúa,
chính là Đấng được Thiên Chúa sai đi. Cũng thế, ai được Đức Giê-su sai đi cũng
phải nói lời Thiên Chúa. Nghĩa là không phải ta muốn nói gì thì nói, nhưng đã
nhân danh Chúa mà nói thì phải nói ý muốn của Ngài, dưới sự hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần và theo lời giáo huấn của Giáo Hội. Người sứ giả Tin Mừng được sai
đi, sẽ không phát ngôn theo ý riêng, hay chiều theo sở thích của người nghe,
nhưng luôn chiêm nghiệm, học hỏi dưới ánh sáng của Thánh Thần. Thánh Thần của
Đức Giê-su được ban cho Giáo Hội là tác nhân sống động cho hoạt động loan báo
Tin Mừng. Khi trung thành với Lời Chúa, ta tôn trọng sự hiện diện của Chúa
Thánh Thần trong tâm hồn con người và trong Hội Thánh.
Mời Bạn: Có những lúc bạn bị cám dỗ muốn giải thích Lời
Chúa theo ý riêng, bẻ cong vo tròn những đòi hỏi triệt để của Lời Chúa, làm cùn
nhụt sự sắc bén của những chân lý Tin Mừng. Làm như thế đức tin sẽ trở nên một
sự pha trộn hỗn tạp, đánh mất sự nguyên tuyền của đức tin, tổn hại nghiêm trọng
cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
Sống Lời Chúa: Hãy ngoan ngùy như trẻ nhỏ trước Lời Chúa vì Nước Trời dành cho
những ai giống như chúng (x. Mt 19,14).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con tránh khỏi
những lời xảo trá, gian tà. Xin cũng giúp con biết nói Lời Chúa theo như Chúa
hướng dẫn, đừng để con tự tiện làm theo ý mình, cũng như không vì kiêng nể
người khác mà không dám nói Lời Chúa. Amen.
28/04/17
THỨ SÁU TUẦN 2 PS
Th.
Phê-rô Sa-nen, linh mục, tử đạo Ga 6,1-15
TÂM SỰ CỦA CẬU BÉ CÓ NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ
“Ở đây có một em bé có năm
chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.” (Ga 6,9)
Suy niệm: Em chỉ là một cậu bé, với năm
chiếc bánh và hai con cá. Các bác tông đồ cũng không biết tên em, em chỉ là một
cậu bé. Cha mẹ em, lam lũ làm ăn, không đi với em được. Cho em năm chiếc bánh
và hai con cá để lót dạ đi đường, mẹ căn dặn: “Đi theo Thầy, nghe lời Thầy
Giêsu, nghe con!” Bác tông đồ An-rê thân thiện dễ gần, nói nhỏ: “Thầy cần bánh
và cá của em.” Em rụt rè. Chỉ là năm chiếc bánh lúa mạch, vì nhà em không dư
giả gì. Với hai con cá, chẳng là bao, chỉ có một chút gọi là…! Nhưng em cho hết
vì đó là tất cả của em. Rồi Thầy Giê-su cầm bánh em dâng, Người tạ ơn, bẻ ra và
phân phát. Ôi! hàng ngàn người ai cũng có phần. Em cũng ăn, nhưng bánh và cá,
chưa bao giờ ngon như hôm nay. Em biết Thầy Giê-su đang nhìn em mỉm cười. Em
mong ước là tấm bánh trong tay Thầy Giê-su.
Bạn thân mến, chắc bạn đã từng cho Chúa
chút ít, mà kết quả ngoài sự mong đợi của bạn. Thế giới này sẽ giàu hơn nhờ nhiều người biết cho đi thay vì tích góp. Thiên Chúa sẽ hiện
diện một cách cụ thể hơn trong thế giới hơn nhờ nhiều người biết chia sẻ.
Chia sẻ về niềm vui sâu xa trong tâm hồn bạn khi bạn sẵn sàng cho đi mà
không cần tính toán.
Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ bé và âm thầm để phục vụ cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin là tấm bánh dâng lên Chúa,
để Chúa biến đổi trở thành Thịt Máu Chúa. Con xin là tấm bánh dâng lên trong
tay Chúa, để Chúa bẻ ra và phân phát cho anh em. Tấm thân con xin là tấm bánh
dâng lên Chúa để được thuộc trọn về Chúa, để tuỳ ý Chúa sử dụng.
29/04/17
THỨ BẢY TUẦN 2 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT Ga
6,16-21
THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!
Các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền.
Các ông hoảng sợ. (Ga 6,16)
Suy niệm: Thử đặt mình vào vị trí của các tông đồ: tiếc nuối bỏ lại sau lưng ảo tưởng hào quang từ phép
lạ hoá bánh ra nhiều, âu lo chèo chống trên Biển Hồ Ga-li-lê trong đêm tối đầy
sóng gió. Giữa tình cảnh chơi vơi đó, Chúa Giê-su bỗng xuất hiện như một bóng
ma. Sẽ không dễ chút nào để nhận ra người đang đi trên mặt biển lại là người
vừa làm phép lạ. Vừa gặp sóng to gió mạnh, vừa
thấy có bóng người lướt đi trên sóng đến với mình, làm sao mà không hoảng sợ?
Thế nhưng, Chúa lên tiếng: “Thầy đây, đừng sợ!” Và rồi Chúa lên thuyền. Các
tông đồ liền bình an cập bến. Lời Chúa dẹp yên sóng gió, xua tan nỗi sợ. Sự
hiện diện của Chúa khiến cơn khủng hoảng bỗng trở thành thoáng qua như một giấc
mộng.
Mời Bạn: Lắm khi bạn cũng phải chèo chống cuộc đời giữa cơn khủng
hoảng như thế: vật giá leo thang, thất nghiệp, bệnh tật, con cái hư hỏng, v.v... Bạn không kịp tỉnh táo nhận ra sự
hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Và bạn lo âu, sợ hãi. Lời Chúa hôm nay
nhắc bạn nhớ rằng cuộc đời bạn dù có chao đảo đến đâu đi nữa thì Chúa vẫn hiện
diện bên bạn. Bạn hãy rước Người vào “thuyền” của bạn. Lúc đó bạn thật có phúc,
vì giống như các môn đệ biết người đi trên mặt nước là Chúa của mình.
Sống Lời Chúa: Dù rất bận rộn bạn nhớ dành ít phút cầu nguyện sốt sắng để cảm nghiệm Chúa đang ở với
bạn.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, cuộc sống lắm lúc làm cho con mệt mỏi, sợ hãi và quên Chúa luôn hiện diện
và nói với con “Thầy đây, đừng sợ!” Xin cho con biết nhận ra Chúa trong từng
khoảnh khắc của cuộc đời và cho con gặp được Chúa đang đồng hành với con. Amen.
Lc 24,13-35
CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH
“Nào Đấng Ki-tô lại chẳng
phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26)
Suy niệm: Đi từ Giê-ru-sa-lem về Em-mau là đi về phía tây, phía mặt trời
lặn, phía đêm tối. Tâm trạng hai môn đệ lúc ấy cũng rối bời như đêm đen: hy
vọng vào việc Thầy giải phóng Ít-ra-en vỡ tan như bong bóng. Thế rồi, Đức
Giê-su xuất hiện như người lữ hành cùng đi với họ, trò chuyện, giải thích Kinh
Thánh cho họ. Mà cũng lạ, Ngài nói đến đâu, lòng họ mở ra đến đấy! Ý nghĩa của
cuộc đời trở nên trong sáng, tối tăm trở nên sáng như ban ngày. Sau khi Ngài
biến mất, họ phải đứng dậy ngay, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, đi về phía đông,
phía mặt trời mọc, phía ánh sáng. Trong vài tiếng đồng hồ trên con đường mười
một cây số ấy, Đức Giê-su đã đưa họ từ tâm trạng thất vọng, chán nản sang niềm
vui phục sinh.
Mời Bạn: Chỉ trong Đức Giê-su, bạn mới nhận ra được ý
nghĩa của cuộc đời. Có Ngài hiện diện, ngay cả trong những ngày tháng đen tối,
bạn vẫn có thể thấy ánh sáng cho hành trình cuộc đời. Được Ngài lưu lại trong
tâm hồn, bạn nhận ra thiên đàng đã bắt đầu ngay trên trần thế này. Bạn đã có
cảm nghiệm đó chưa? Nếu chưa, bạn sẽ làm gì để có được cảm nghiệm quý giá ấy?
Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian để tiếp xúc với
Chúa mỗi ngày qua kinh nguyện, thánh lễ, vì hiểu rằng có Chúa, cuộc đời tôi mới
có ý nghĩa.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa Giê-su, Chúa thật tế nhị và lịch sự, Chúa làm như muốn đi xa hơn. Chúa
không ép, nhưng muốn các môn đệ mời Chúa ở lại. Chúa ban cho con tự do và tôn
trọng tự do ấy. Xin cho con hiểu được giá trị lớn lao của tự do, và sử dụng tự
do ấy cách xứng hợp với ý Chúa. Amen.