Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021
GIÁO LÝ CHO ĐÔI BẠN
GIÁO LÝ
CHO ĐÔI BẠN
NGỎ LỜI ĐÔI BẠN
Bạn đang bước vào ngưỡng cửa tình yêu phải không ?
Bạn đang tìm hiểu về đối tượng tình yêu của bạn, và càng thấy nơi người yêu nhiều yếu điểm làm vừa lòng bạn, thì tình yêu của bạn càng thêm đậm đà chứ gì ?
Đối với Chúa cũng vậy: Bạn là đối tượng tình yêu của Chúa, và ngược lại Chúa cũng là đối tượng tình yêu vĩnh cửu của bạn. Vì đạo Chúa là đạo tình yêu. Chúa thì biết rõ quá về bạn, và Ngài yêu thương bạn đến độ chưa có tình yêu nào sánh bằng. Nhưng bạn thì yêu Chúa có giới hạn, vì bạn chưa biết h ết về Chúa.
Vậy muốn ngày càng yêu Chúa hơn, bạn cần tìm hiểu Chúa thật nhiều.
Tập Giáo Lý này có mục đích giúp bạn ôn lại cho mạch lạc những điều căn bản về đức tin, về luân lý và luật Chúa để mối tình giữa Chúa và bạn ngày càng thắm thiết.
Theo thiển ý tôi, học Giáo Lý hôn nhân, không phải chỉ gồm những bổn phận vợ chồng, cha mẹ với con cái mà thôi. Nhưng cao điểm phải là những chân lý nền tảng TIN-XIN-CHỊU-GIỮ của đạo, trong đó có vấn đề hôn nhân. Vì những điều đó chính là nền tảng cho bạn xây dựng hạnh phúc cách bảo đảm.
Trên đây là những lý do tôi viết ra tập Giáo Lý này. Nó khác hẳn các cuốn Giáo Lý Hôn Nhân mà bạn thấy từ trước đến nay.
Mong bạn vui lòng cầm lấy mà đọc cho kỹ.
CHÚC BẠN THÀNH CÔNG TRÊN ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP
Soạn giả
GIÁO LÝ CHO ĐÔI BẠN
A- GIÁO LÝ TỔNG QUÁT
01- Bạn là người có đạo phải không? - Vậy đạo là gì?
T. Đạo là mối tình yêu thương tha thiết liên kết giữa Chúa là Cha với ta là con- (cũng như người ta nói: đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo thầy trò: tức là mối tình vợ chồng, cha con, thầy trò phải đối xử với nhau thế nào cho tốt đẹp hạnh phúc).
02- Giáo lý Công Giáo gồm lại mấy điều?
T. Gồm lại 4 điều:
- Những điều phải TIN trong Kinh Tin Kính
- Những điều cần XIN trong kinh Lạy Cha và các kinh khác
- Những điều phải CHỊU trong 7 Bí Tích
- Những điều phải GIỮ trong 10 giới răn Chúa và 6 giới răn của Hội Thánh, tóm tắt là: TIN, XIN, CHỊU, GIỮ.
I- NHỮNG ĐIỀU PHẢI TIN
(Bạn cần thuộc Kinh Tin Kính trước)
03- Khi đọc: “Tôi Tin Kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng”: câu đó gồm những ý nghĩa gì?
T- Nghĩa là ta tin những điều sau đây:
- Tin có một Thiên Chúa duy nhất có 3 Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần.
- Tin Chúa là Đấng tự hữu hằng có đời đời (không ai dựng nên)
- Tin Chúa là Đấng toàn năng Thánh Thiện tốt lành vô cùng, (Với 3 ưu phẩm ấy Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp, trật tự, lạ lùng trong vũ trụ này)
- Tin Chúa là Đấng công bình: (thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ)
- Tin Chúa là Đấng chân thật vô cùng (không hề lừa dối ai)
04- Chúa thiêng liêng ta không thấy, sao ta biết có Chúa?
T- Ta biết có Chúa vì 3 lý do:
- Ta nhìn thấy mọi sự trong vũ trụ trên trời dưới đất tốt đẹp và trật tự, ta biết có Đấng dựng nên (vì ngẫu nhiên không thể có như thế được)
- Vì Chúa đã tỏ mình ra cho ta biết bằng cách : Soi sáng cho các Tổ Phụ và Tiên Tri dậy ta biết có Chúa.
- Nhất là vì Chúa đã cho Ngôi Hai Con Một Ngài xuống thế gian dậy ta biết về Chúa.
05- “Dựng nên trời đất” nghĩa là gì ?
T- Câu đó dậy ta tin rằng :Trời đất muôn vật, thiên thần và loài người đều bởi Chúa dựng nên mới có.
06- Trong các loài Chúa tạo dựng loài nào trọng hơn ?
T- Loài thiên thần và loài người trọng hơn :
- Vì thiên thần có bản tính thiêng liêng giống Chúa.
- Vì loài người có xác như các giống vật, và có linh hồn thiêng liêng giống hình ảnh Chúa.
07- Chúa tạo dựng hai loài trọng ấy để làm gì ?
T-a) Chúa tạo dựng thiên thần để chầu chực Chúa, và vâng lệnh Ngài để giúp loài người.
b) Chúa tạo dựng loài người để thờ phượng Chúa, yêu thương nhau, tạo lập hạnh phúc đời này, và đời sau được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng.
08- Tại sao ta biết loài người có linh hồn ?
T- Ta biết loài người có linh hồn, vì loài người có trí khôn và ý muốn tự do là hai tài năng thiêng liêng khác giống vật, hơn nữa Chúa Giêsu dậy ta: “Được lời lãi cả mọi sự thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì”.
09- Vậy tại sao đời sống con người luôn bị đau khổ ?
T- Loài người đau khổ vì do tội lỗi đã lọt vào thế gian, Hai Tổ Tông nghe ma quỷ cám dỗ, trái lệnh Chúa (ăn trái cấm) để được sáng con mắt, biết sự lành sự dữ, bằng Thiên Chúa. Vì thế Chúa để cho xác thịt nổi lên chống tinh thần, và từ đó, con người hướng chiều về sự dữ, ích kỷ, làm hại nhau, và gây đau khổ cho mình và người khác.
10- Ma quỷ là ai ?
T- Là một số thiên thần theo Luxiphe phạm tội kiêu ngạo, không muốn phục tùng Chúa, trái lệnh Ngài, nên bị phạt làm ma quỷ.
11- Vậy loài người khi Chúa mới dựng nên thì thế nào ?
T-Khi mới tạo dựng thì loài người hoàn thiện, và được những đặc ân này :
- Ơn tự nhiên là có hồn có xác.
- Ơn siêu nhiên là được làm con Thiên Chúa, được hưởng Nước Trời.
- Ơn ngoại nhiên là không phải chết, không phải đau khổ, và trí khôn thông minh, ý muốn tự do hướng về điếu tốt. Nhưng khi đã trái lệnh Chúa mà ăn trái cấm, thì hai đặc ân sau bị mất. Do đó sinh ra mọi nết xấu, làm con cái ma quỷ, và luôn hướng về điều xấu.
12- Tại sao ma quỷ lại cám dỗ và làm hại loài người như thế ?
T- Ma quỷ giận cá chém thớt, phản nghịch cùng Chúa, không biết hối lỗi, bị Chúa phạt, nên chúng oán ghét Chúa, muốn làm hại Chúa, nhưng không thể được chúng quay ra làm hại loài người.
13- Chúa phạt loài người nhưng Chúa còn thương không ?
T- Chúa phạt nhưng Chúa còn thương, cho nên khi Chúa phạt con rắn, là hình bóng ma quỷ, Chúa nói lời hứa ban Đấng Cứu Độ như sau : “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người nữ, người nữ sẽ đạp dập đầu mi, và mi rình cắn gót chân người”.
14- Chúa có thực hiện lời hứa ấy không ? Và thực hiện thế nào ?
T- Thiên Chúa thực hiện lời hứa bằng cách :
- Chúa chọn một người tốt, trung thành là ông ABRAHAM để thiết lập một dân riêng – là dân ISRAEL (Do Thái) – rồi Chúa giao ước với ông cùng con cháu ông rằng : Nếu họ tôn thờ Chúa và giữ luật Chúa, Thì Chúa sẽ là Chúa của họ, săn sóc họ, cho họ đất màu mỡ là CA-NA-AN làm sản nghiệp (Đất Ca-na-an là hình bóng ám chỉ nước Thiên Đàng trong Tân Ước).
- Lịch sử dân Israel suốt 2000 năm, như trong Kinh Thánh Cựu Ước kể lại thì :Chúa săn sóc, hướng dẫn và sai các Tiên Tri(Ngôn Sứ) đến dạy dỗ họ những ý định và đường lối của Chúa, mỗi khi họ trung thành với Chúa, thì Ngài ban cho họ được bình an thịnh vượng. Nhưng khi họ phản bội thì Chúa sửa phạt.
- Rồi đến thời gian Chúa ấn định, Chúa sai Ngôi Hai con Một Chúa đến cứu chuộc sinh từ dòng tộc vua Đavit, thực hiện hết những lời các Tiên Tri đã loan báo trước về Người.
**Điều nên biết :
Mọi việc Thiên Chúa làm trong lịch sử dân Do thái suốt 2000 năm là : dọn đường cho việc Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Độ, vì thế tất cả các biến cố xảy ra trong lịch sử dân ấy, đều ám chỉ một điều thiêng liêng, và khi Đấng Cứu Thế đến, sẽ thực hiện từ những biến cố thực tại vật chất, Chúa hướng tâm hồn dân Ngài về ý nghĩa siêu nhiên bền bỉ : là sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu mà Đấng Cứu Thế sẽ đem lại cho loài người.
Như vậy dân Do Thái được hạnh phúc làm trung gian tiếp nhận Đấng Cứu Độ đến cho toàn nhân loại, chứ không phải chỉ riêng cho dân Do Thái như thời ấy họ lầm tưởng.
15 –Từ câu : «Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô… Sau này lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết», dậy ta tin những gì ?
T- Dậy ta tin Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, thi hành công cuộc cứu độ, gồm lại những điều sau đây :
- Tin Đấng Cứu Thế là Ngôi Hai Thiên Chúa, đồng bản tính như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
- Mặc xác thịt loài người sinh bởi Đức Maria Đồng Trinh.
- Sinh tại Bêlem, sống ở thế gian 33 năm, 3 năm sau cùng đi rao giảng về nước trời, làm nhiều phép lạ để chứng minh mình là Con Thiên Chúa, đồng quyền với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
- Sau cùng Người nộp mình chịu chết trên thập giá để đền tội cho nhân loại, thời Phi-la-tô làm tổng trấn, đã chết và đựơc mai táng trong mồ, rồi ngày thứ ba Người đã sống lại, 40 ngày sau Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, và sau này sẽ trở lại thế gian lần nữa, để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
16- Nếu chúa Giêsu cứu cho chúng ta khỏi chết, mà Người cũng chết, thì sao Người cứu được ta ?
T- Người chết là chết về bản tính loài người, nhưng Người dùng quyền năng Thiên Chúa của Người mà tự mình sống lại, để làm cho những ai tin vào Người sẽ được sống lại, vì trong Chúa có hai bản tính : vừa có bản tính Thiên Chúa vừa có bản tính loài người, cho nên bất cứ việc gì Chúa Giêsu làm cũng mang hai tính chất : vừa của Thiên Chúa vừa của nhân loại. Do đó nếu Chúa Giêsu không sống lại, thì Người cũng không thể làm cho ai sống lại được.
17- Câu : “Tôi tin kính Đức Chúa Thần» dậy ta tin những gì ?
T- Dạy ta Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, đồng bản tính và uy quyền toàn năng như Chúa Cha và Chúa Con.
18- Chúa Thánh Thần làm gì cho nhân loại ?
T- a) Đối với chung Hội Thánh : Chúa Thánh Thần gìn giữ, hướng dẫn và thánh hoá Hội Thánh.
b) Đối với riêng từng người : Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn ban sự sống siêu nhiên, và các ơn thiêng liêng khác để giúp sống xứng đáng làm con Chúa.
19- Câu : «Tôi tin có Hội Thánh ở khắp…» nghĩa là gì ?
T- Câu này dạy ta tin rằng : Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại, Người về trời, nhưng công chuộc cứu chuộc của Người vẫn còn tiếp tục trên trần gian do những người tin theo Ngài, tất cả những người đó làm thành Hội Thánh (nghĩa là những người được Chúa thánh hoá), Hội Thánh cũng gọi là dân thánh, hay công dân nước trời, hoặc hiền thê của Chúa.
20- Trong Hội Thánh có phân chia cấp bậc không ?
T- Tất cả mọi người Công Giáo làm thành Hội Thánh nhưng trong đó phân chia nhiều chức vụ với những công việc khác nhau :
Đức Giáo Hoàng : là đầu lãnh đạo Hội Thánh kế vị thánh Phêrô.
Các Đức Hồng Y : là cộng sự của Đức Giáo Hoàng.
Các Giám Mục : kế vị các tông đồ coi từng địa phận.
Các Linh Mục : cộng sự viên của Đức Giám Mục.
Thầy Phó Tế : cộng sự viên của các Linh Mục.
Giáo dân : Tất cả mọi người công giáo trong Hội Thánh.
21- Câu : «các thánh cùng thông công» dạy ta tin gì ?
T- Câu này dạy ta bốn điều sau :
- Mọi người đều phải chết.
- Chết rồi phải chịu phán xét.
- Phán xét rồi hoặc được thưởng trên thiên đàng, nếu đã làm sự lành.
- Bị phạt nếu đã làm sự dữ.
Vì thế, giữa những người còn sống ở thế gian, với những người đã chết mà đựơc thưởng đều là con Chúa và là anh em với nhau, có sự thông công liên đới với nhau : người được thưởng cầu bầu cho người còn sống ở thế gian, và người còn sống ở thế gian cầu cho người đựơc thưởng nhưng còn được ở luyện ngục.
22- Câu : «Tôi Tin phép tha tội ” dậy ta tin gì ?
T- Dạy ta tin vào phép tha tội mà Chúa đã lập, uỷ quyền cho Thánh Phêrô và các tông đồ cùng những người kế vị các ngài. Những vị đó có quyền tha hay cầm buộc tội ta như lời Chúa đã nói : «Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm buộc», Vì thế, khi ta phạm tội, ta phải tin và lo đi xưng tội, Chúa sẽ tha tội và ban lại cho ta sự sống đời đời.
23- Câu : «Tôi tin xác sống lại và sự sống đời sau” dậy ta tin những gì ?
T- Dậy ta tin linh hồn thiêng kiêng bất tử, đến ngày tận thế, xác ta cũng sẽ sống lại, ra toà phán xét chung, lúc đó :
- Ai làm sự lành sẽ đựơc sống muôn đời với Chúa không còn chết nữa.
- Ai làm sự dữ sẽ bị phạt mãi trong hoả ngục (sống cũng như đã chết).
Người lành được thưởng và được sống là nhờ ơn cứu độ.
**Nên biết :
Ngày tận thế mọi người sẽ sống lại, hồn nào vào xác ấy, dù xác đã biến ra tro bụi, Chúa cũng làm cho bụi đất ấy trở thành thân xác ta dễ như không.
II- NHỮNG ĐIỀU PHẢI CẦU XIN
(Bạn cần thuộc Kinh Lạy Cha , Kính Mừng, Sáng danh).
24- Cầu xin là gì ?
T- Cầu xin, nói khác đi là cầu nguyện, tức là kết hiệp tâm hồn ta với Chúa , là tiếp xúc với Chúa, trong đó ta nói Chúa nghe, và ta nghe Chúa nói. Như vậy, cầu nguyện là tôn thờ Chúa.
25- Có mấy cách cầu nguyện ?
T- Có hai cách cầu nguyện : Tâm nguyện và khẩu nguyẹn.
- Tâm nguyện : là đưa tâm hồn lắng nghe Lời Chúa dạy ta, suy nghĩ về điều đó, và đem ra thực hành trong đời sống.
- Khẩu nguyện : là những kinh ta đọc, lời ta nói cùng Chúa và lòng ta suy tưởng đến ý nghĩa của những kinh và những lời đó.
Nên nhớ : Dù tâm nguyện hay khẩu nguyện, cũng gồm bốn ý này :
- Một là ta thờ phượng Chúa
- Hai là ta cám ơn Chúa
- Ba là ta xin ơn tha tội
- Bốn là ta xin Chúa ban các ơn cần thiết cho ta.
26- Kinh nào trọng và nên đọc nhiều nhất ?
T- *Kinh Lạy Cha: Trọng nhất, là vì kinh chính Chúa Giêsu dậy.
*Kinh Kính Mừng : vì là kinh Chúa sai sứ thần chào kính Đức Maria.
*Kinh Sáng Danh: vì là kinh thiên thần hát ngợi khen khi Chúa Giêsu sinh ra.
- Ngoài ra còn có các kinh nguyện Hội Thánh đặt ra để dùng khi cử hành các Bí Tích, là những việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh .
- Riêng mỗi người chúng ta cũng được tự do nói lên với Chúa những tâm tình của mình, và khi cầu nguyện như thế sẽ giúp ta cầm trí sốt sắng hơn là đọc một mẫu kinh đã làm sẵn. Những mẫu kinh đã làm sẵn chỉ để đọc khi cầu nguyện chung.
27- Muốn được Chúa nhận lời, ta phải có thái độ và điều kiện gì ?
T- Ta phải có thái độ và điều kiện sau đây :
- Phải sạch tội, ít nhất là sạch tội trọng, vì tội làm ngăn cách ta với Chúa.
- Phải xin cách khiêm tốn, giống như người thu thuế trong Phúc Âm nhận mình là người tội lỗi, yếu đuối, nghèo nàn trước mặt Chúa.
- Phải xin những điều hợp với ý Chúa theo thứ tự như trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy.
- Phải xin nhân danh Chúa Giêsu, vì chính Chúa Giêsu đã nói : Khi các ngươi nhân danh Ta mà xin sự gì cùng Cha thì Ta sẽ làm cho.
- Ngoài ra ta phải luôn luôn có tâm tình Con cái, xin đấy, nhưng tuỳ sự quan phòng thương xót của Chúa, dù Chúa chưa ban cho ta ngay, cũng cứ bền chí cậy trông mà xin.
28- Ta có được cầu xin cùng Đức Mẹ và Các Thánh không ?
T- Cầu xin hay là cầu nguyện, là ta cầu cùng Thiên Chúa là Cha ta. Còn với Đức Mẹ và các Thánh, thì ta xin các Ngài cầu bầu cho ta trứơc mặt Chúa , Chúa dễ nghe lời các Ngài hơn nghe ta. Bởi vì các Ngài là những người đã đựơc ơn nghĩa cùng Chúa thương hơn.
29- Ta nên cầu nguyện lúc nào ?
T- Đúng ra, ta phải cầu nguyện liên lỉ mọi nơi, mọi lúc, vì rời Chúa ra là ta mất hạnh phúc.
Nhưng bình thường, ta nên cầu nguyện những lúc sáng, trưa, tối.
Sáng : ta cám ơn và dâng mọi sự trong ngày cho Chúa.
Trưa: xin Chúa giúp ta mọi công việc.
Tối: kiểm thảo cám ơn và dâng mọi sự trong đêm.
Ngoài ra, khi ta bị cám dỗ tai hoạ gì, bất cứ lúc nào, ta chạy đến cùng Chúa như con thơ chạy đến cha mẹ mình.
30- Kinh Mân Côi là kinh gì và đọc như thế nào ?
T- Là kinh mà Đức Mẹ hiện ra dạy thánh Đaminh truyền bá cho người ta đọc, để lãnh nhận mọi ơn lành Chúa ban, gồm có :15 kinh lạy Cha, 150 kinh Kính Mừng, 15 kinh Sáng Danh cùng với 15 ngắm chia làm ba phần :
Phần 1: 50 mùa Vui : Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai. Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu. Lạc mất Chúa. Tìm thấy Chúa.
Phần 2: 50 mùa Thương : Chúa lo buồn đổ mồ hôi máu. Chúa chịu đánh đòn. Chúa chịu đội mão gai. Chúa vác thánh giá. Chúa chịu chết trên thánh giá.
Phần 3: 50 mùa Mừng : Chúa Giêsu sống lại. Chúa Giêsu lên trời. Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Mẹ hồn xác lên trời. Đức mẹ được thưởng là Nữ Vương mọi loài.
Mới đây (16-10-2002) ĐGH GIOAN PHAOLÔ II. thêm vào năm sự Sáng : 50 kinh Sự Sáng : Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na. Chúa Giêsu rao giảng Nước Trờivà kêu gọi sám hối. Chúa Giêsu biến hình trên núi Ta-bo. Chuá Giêsu lập bí tích Thánh Thể.
Như thế hiện nay Kinh Mân Côi gổm bốn phần: VUI—SÁNG—THƯƠNG—MỪNG gồm : 20 Ngắm—20 K. Lạy Cha—200 K. Kính Mừng—20 K. Sáng Danh.
III- NHỮNG ĐIỀU PHẢI CHỊU (lãnh nhận)
(Bạn phải thuộc kinh bảy bí tích trước)
31- Để lớn lên trong đời sống thiêng liêng ta phải làm gì ?
T- Để lớn lên trong đời sống thiêng liêng, ta cần phải dùng những phương thế mà Chúa Giêsu lập ra, đó là các Bí Tích.
32- Bí Tích là gì ?
T- Là những dấu bề ngoài Chúa đã lập, để chỉ ơn thánh ban trong linh hồn, khi ta làm hay lãnh nhận những dấu ấy.
33- Có mấy Bí Tích ?
T- Có bảy Bí Tích:
1* Rửa Tội
2* Thêm Sức
3* Mình Máu Chúa, cũng gọi là Bí Tích Thánh Thể
4* Giải Tội
5* Truyền Chức Thánh
6* Xức Dầu Thánh
7* Hôn Phối
Bảy Bí Tích lày chia ra làm hai loại :
- Bí Tích kẻ sống: Là những người sạch tội trọng mới lãnh nhận được gồm: Bí Tích Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối.
- Bí Tích kẻ chết: Là chết phần linh hồn khi phạm tội trọng, và muốn sống lại phần hồn phải lãnh nhận, gồm : Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Giải Tội.
Lưu ý: Riêng Bí Tích Xức Dầu vừa là Bí Tích của kẻ sống, vừa là Bí Tích của kẻ chết; của kẻ sống khi lãnh nhận mà sạch tội trọng, của kẻ chết khi lãnh nhận mà không xưng tội trước được.
34- Ơn Chúa là gì ?
T- Là ơn thiêng liêng Chúa ban trong linh hồn ta, nhờ vào công nghiệp Chúa Giêsu chịu chết và sống lại cho ta để trở nên Con Chúa, sống xứng đáng được hưởng Nước Trời.
35- Có mấy thứ ơn Chúa ?
T- Có hai thứ : Một là ơn thánh hoá, hai là ơn trợ giúp :
- Ơn thánh hoá là ơn làm cho ta nên con Chúa, xứng đáng vào Nước Trời.
- Ơn trợ giúp là ơn giúp ta làm lành lánh dữ để được các ơn lành khác.
36- Bí Tích Rửa Tội là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu lập để tái sinh ta nên con Chúa, đáng được hưởng phúc đời đời. Bí Tích này goi là Bí Tích đức tin, và Chúa Giêsu nói : «Các con hãy đi dậy dỗ muôn dân, ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ »
37- Bí Tích rửa tội tha tội gì ?
T- trước hết là tha tội Tổ Tông, nhưng nếu người lãnh nhận Bí Tích là người đã lớn, có nhiều tội riêng, thì Bí Tích Rửa Tội cũng tha luôn cả tội riêng, Bí Tích này chỉ lãnh nhận mội lần vì in dấu thiêng liêng trong linh hồn.
38- Tại sao khi rửa tội phải nhận tên thánh và Bố Vú đỡ đầu ?
T- Vì khi rửa tội, ta trở nên Con Chúa thì có một tên riêng, cho nên người ta nhận một tên của vị thánh (Thánh nào tuỳ ý mình chọn) đã ở trên thiên đàng, để vị thánh ấy cầu bầu cho ta. Còn nhận Bố hoặc Vú đỡ đầu để người ấy là Cha, hoặc là Mẹ thiêng liêng, để họ cầu nguyện cho ta, giúp ta sống đạo xứng danh Con Chúa.
39- Những ai được rửa tội ?
T- Bình thường thì những người có chức Linh Mục và Phó Tế trở lên mới được rửa tội. Nhưng lúc cần kíp, mà không có các đấng nói trên thì ai rửa cũng đựơc, miễn là có ý làm theo như Hội Thánh dạy, là lấy nước lã đổ trên đầu, vừa đổ vừa đọc : «Tôi rửa (ông, bà, anh, chị, em...) nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Thánh Thần. (nhớ không có Amen).
40- Bí Tích Thêm Sức là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu lập để ban cho ta đầy đủ ơn Chúa Thánh Thần để ta giữ đạo nên, bênh vực đức tin và xây dựng Hội Thánh ở trần gian.
41- Đầy đủ ơn Thánh Thần là thế nào ?
T- Là nhận đầy đủ 7 nguồn ơn : một là ơn KHÔN NGOAN, hai là ơn HIỂU BIẾT ba là ơn BIẾT LO LIỆU, bốn là ơn THÔNG MINH, năm là ơn SỨC MẠNH, sáu là ơn ĐẠO ĐỨC, bảy là ơn KÍNH SỢ CHÚA. Bí Tích này cũng chỉ lãnh một lần vì in dấu thiêng liêng.
42- Bí Tích Thánh Thể là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu lập để ban Mình và Máu Người làm của ăn nuôi linh hồn ta.
43- Khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa ?
T- Trong thánh lễ Misa, khi Linh Mục đọc lời Chúa truyền : «Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu… » thì lập tức bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu.
44- Lễ Misa là gì ?
T- Là lễ Chúa Giêsu nhờ tay Linh Mục cùng toàn thể giáo dân mà dâng mình tế lễ Chúa Cha, như xưa Người dâng trên Thánh Giá. Do đó, lễ Misa cũng là một với hy sinh trên Thánh Giá; vì cả hai cách cũng là một Chúa Giêsu vừa là người tế lễ vừa là của lễ tiến dâng, chỉ khác một điều là : trên Thánh Giá Chúa đổ máu thật sự mắt ta xem thấy, còn trên bàn thờ Chúa đổ máu cách mầu nhiệm.
45- Thánh lễ có mấy phần ?
T- Có hai phần :
- Phần phụng vụ Lời Chúa : từ đầu lễ đến hết Phúc Âm và bài giảng (Kể cả kinh Tin Kính và lời nguyện cộng đồng nếu có).
- Phần tế lễ : từ lúc dâng rượu bánh cho đến kinh Lạy Cha, từ kinh Lạy Cha cho đến hết là phần phụ trong phần tế lễ.
Nên biết : Dâng lễ cho nên và trọn luật buộc, thì cần vô trong Nhà Thờ, hiệp dâng sốt sắng sống động từ đầu đến cuối lễ, và nếu sạch tội trọng cần rước lễ mới trọn vẹn.
46- Rước lễ thì được những ơn ích nào ?
T- Được bốn ơn ích này : Một là kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, và thêm ơn thánh hoá. Hai là được tha các tội nhẹ. Ba là được sức mạnh chống trả các cám dỗ. Bốn là bảo đảm cho ta được sống đời đời. Vì Chúa đã hứa : «Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta sẽ được sống đời đời».
47- Bí Tích Giải Tội là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu lập để tha các tội ta phạm sau khi đã rửa tội, vì Chúa nói : «Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm buộc».
48- Khi lỡ phạm tội ta phải làm sao ?
T- Nếu là tội nhẹ, ta hối hận xin lỗi Chúa, thì tội được tha, nếu là tội nặng (cũng gọi là tội trọng), phải lo đi xưng tội sớm chừng nào tốt chừng ấy, vì tội trọng làm cho ta mất ơn làm con Chúa, mất phúc thiên đàng.
49- Muốn xưng tội phải làm những việc gì ?
T- Phải làm 4 việc : Một là xét mình. Hai là ăn năn dốc lòng chừa. Ba là đi xưng tội cùng linh mục có quyền tha tội. Bốn là làm việc đền tội.
50- Xét mình là gì ?
T- Là nhớ lại từ lần xưng tội nên trước đó, nếu nay đã phạm những tội gì, bao nhiêu lần. Muốn dễ xét phải căn cứ theo 10 Giới răn Chúa, 6 Điều răn Hội Thánh, 7 Mối tội đầu và việc bổn phận mình đã xét.
51– Ăn năn tội là gì ?
T- Là thật lòng thống hối, chê ghét tội đã phạm, xin Chúa tha thứ, và dốc lòng chừa ngay lúc ấy về sau không dám phạm tội nữa.
52- Có mấy cách ăn năn tội ?
T- Có 2 cách : Một là ăn năn tội cách trọn. Hai là ăn năn tội cách không trọn.
53- Hai cách ấy khác nhau thế nào, và có giá trị ra sao ?
T- Hai cách ấy khác nhau như sau :
- Ăn năn tội cách trọn là chê ghét tội, xin Chúa tha thứ và dốc lòng chừa thật vì lòng yêu mến Chúa là Cha rất nhân từ yêu thương ta vô cùng. Cách này có giá trị, được Chúa tha tội khi ta không thể xưng tội được vì không gặp Linh Mục.
- Cách không trọn là chê ghét tội, và dốc lòng chừa chỉ vì sợ Chúa phạt sa hoả ngục. Nếu chỉ ăn năn tội với tâm tình như thế, thì phải xưng tội với Linh Mục có quyền tha, mới được Chúa tha tội.
54- Phải xưng tội thế nào ?
T- Phải xưng thật thà rõ ràng, đầy đủ, không có ý dấu diếm điều gì, không thêm, không bớt số tội trọng như mình nhớ được, nếu không có tâm tình như vậy, là xưng tội không thành (không nên) và tội vẫn còn, vì đánh lừa Linh Mục là người thế gian – đại diện thay mặt Chúa – được, nhưng không đánh lừa Chúa được.
55- Đền tội là gì ?
T- Là việc Linh Mục ngồi toà dạy làm để đền tội, ví dụ : đọc một ít kinh, đi lễ, ăn chay, và những việc ấy phải làm ngay sau khi xưng tội.
56- Xưng tội tập thể có được không ?
T- *Khi vì lý do chính đáng không thể xưng từng người, ví dụ : vùng kinh tế mới, chỉ gặp linh mục được một thời gian ngắn, quân lính trước khi ra trận… lúc ấy giải tội tập thể được. Nhưng khi có dịp gặp Linh Mục có thể xưng tội lại, thì nên làm cho chắc ăn.
*Nhưng nếu vì lười biếng xét mình, vì xấu hổ, vì tự ái chỉ thích xưng tội tập thể cho xong đi, với tinh thần như thế khó được Chúa chấp nhận.
57- Bí tích Xức Dầu là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu lập để nâng đỡ bệnh nhân phần hồn phần xác.
**Nên biết : Khi bệnh nặng và còn tỉnh táo, nên xin Linh Mục đến xức dầu. Đừng sợ người ta cho rằng ta sắp chết nên phải xức dầu. Đó là một lầm lỡ lớn cần sửa đổi.
58- Bí tích Truyền Chức là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu lập để thông ban quyền Linh Mục của Người cho những kẻ được tuyển chọn, và ban cho người ấy ơn sống xứng đáng cùng chu toàn chức vụ mình trong việc cứu độ nhân loại. Bí tích này cũng in dấu thiêng liêng, và chỉ lãnh một lần.
BÍ TÍCH HÔN PHỐI
59- Bí tích Hôn Phối là gì ?
T- Là Bí Tích Chúa Giêsu đã lập để ban ơn phối hợp một vợ một chồng, hầu sinh sản con cái, và giúp đỡ lẫn nhau phần hồn phần xác.
60- Vậy mục đích hôn phối là gì ?
T- Hôn phối có hai mục đích : Mục đích thứ nhất là để sinh sản con cái nối dòng và thêm số người tôn thờ Chúa. Mục đích thứ hai là để hai người giúp đỡ nhau phần hồn phần xác, hầu đạt hạnh phúc đời này, nhất là hạnh phúc đời sau.
61- Điều kiện cốt yếu của hôn nhân Công giáo là gì ?
T- Điều kiện cốt yếu của hôn nhân Công giáo là đơn hôn vĩnh hôn : đơn hôn là chỉ một vợ một chồng, vĩnh hôn là sống với nhau đến chết (khi một bên chết thì bên còn lại mới được tự do lấy người khác),
**Cần biết : Hai đặc tính ấy hợp lý và hợp nhân tâm con người, vì sự sinh sản và giáo dục con cái đòi buộc, và khi yêu nhau không ai muốn cho người yêu của mình bị kẻ khác chiếm đoạt. Hơn nữa, họ muốn yêu nhau mãi mãi và ở với nhau suốt đời, chứ không phải chỉ một thời gian. Nếu về sau tình yêu phai nhạt là tại vì người ta ra xấu…
62- Lễ nghi Hôn Phối Công Giáo là gì ?
T- Là hai người Công Giáo công khai tuyên bố kết hôn trước mặt Linh Mục (đại diện cho Thiên Chúa) và trước mặt hai nhân chứng (đại diện cho Hội Thánh). Do đó, chính đôi tân hôn là chủ động cử hành phép Bí Tích Hôn Phối.
63- Cử chỉ bắt tay và trao nhẫn có ý nghĩa gì ?
T- Cử chỉ bắt tay có ý nghĩa hiến thân cho nhau trọn vẹn. Còn trao nhẫn chỉ sự trung thành với nhau cho đến chết.
64- Muốn chịu Bí Tích Hôn Phối cho nên phải có những điều kiện nào ?
T- Muốn chịu Bí Tích Hôn Phối cho nên phải có 6 điều kiện sau đây :
- Đã chịu bí tích Rửa Tội.
- Đủ tuổi theo luật Hội Thánh và luật nhà nước.
- Hoàn toàn tự do quyết định, không bị ai dỗ dành hay ép buộc.
- Tuyên bố công khai kết hôn với nhau theo nghi lễ Giáo Hội.
- Không mắc ngăn trở gì về Bí Tích này, (như là : có họ máu hai đời theo luật mới, lời khấn khiết tịnh trong dòng…).
- Phải sạch tội trọng và thông thạo Giáo Lý Công giáo.
65- Vợ chồng phải có những bổn phận gì đối với nhau ?
T- Có bốn bổn phận : Một là phải yêu thương thật và hy sinh cho nhau hồn xác. Hai là phải hoà thuận trong tư tưởng, lời nói và hành động. Ba là phải trung thành với nhau đến chết. Bốn là phải tận tình giúp đỡ nhau phần hồn phần xác.
66- Vợ chồng có được từ chối nhau trong việc vợ chồng không ?
T- Không được, vì đã hiến thân cho nhau thì vợ thuộc quyền chồng và chồng thuộc quyền vợ. Nhưng vì đức thương yêu, có thể từ chối khi có lý do chính đáng. Ví dụ như khi bị bệnh kém sức khoẻ hay vì một lợi ích thiêng liêng to lớn mà cả hai đều đồng ý tiết chế.
67- Điều hoà sinh sản là gì ?
T- Là quyết định số con cái vào lúc thuận tiện mà sinh sản cho hợp khả năng tài chánh, sức khoẻ, và sự giáo dục nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái.
68- Kế hoạch hoá gia đình là gì ?
T- Là kế hoạch nghiên cứu giúp các gia đình sinh sản một số con cái vừa phải, để hợp với khả năng tài chánh, sức khoẻ, và sự giáo dục nuôi dưỡng của cha mẹ dành cho con cái, hầu duy trì hạnh phúc và tình yêu gia đình.
69- Ngừa thai là gì ?
T- Là tìm cách ngăn ngừa tế bào nam không cho gặp tế bào nữ để khỏi thụ thai (nếu hai tế bào đã gặp nhau mà huỷ hoại đi là phá thai).
70- Có được phép ngừa thai, phá thai không ?
T- Phá thai (sau khi hai tế bào đã gặp nhau) thì không bao giờ được, vì khoa học đã chứng minh : từ khi tế bào nam đã gặp tế bào nữ trong tử cung, là sự sống con người bắt đầu, cho nên phá đi tức là huỷ hoại đời sống con người, vấn đề này mọi luật (luật Hội Thánh, luật nhà nước) đều cấm.
Còn việc ngừa thai, ta nên phân biệt hai cách :
- Cách thứ nhất là ngừa thai theo phương pháp nhân tạo như : Đặt vòng xoắn, uống hoặc chích thuốc ngừa trước, cắt đi một bộ phận, dùng màng lưới bao che, hút máu cho điều kinh. … đều không được phép làm.
- Cách thứ hai là ngừa thai theo phương pháp tự nhiên theo chu kỳ thì được phép, vì hợp luật tự nhiên và luật luân lý.
71- Phương pháp ngừa thai theo chu kỳ là những phương pháp nào ?
T- Có nhiều phương pháp, nhưng hai phương pháp thông dụng và dễ nhất của các bác sĩ Ogino – Knauss và Billings :
a) Phương pháp Ogino – Knauss :
Tính theo chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ. Lấy ba ngày kinh làm đích (nhưng cần phải rõ sự điều hoà : tháng nào cũng ngày ấy, hoặc trụt lên trụt xuống một ngày) và tính như sau :
- Ba ngày kinh tính là ngày thứ nhất, thứ hai và thứ ba
- Từ ngày thứ tư đến ngày thứ chín thường không thụ thai giao hợp được.
- Từ ngày thứ chín đến ngày thứ hai mươi là thời gian trứng rụng, rất nguy hiểm, nhất là những ngày 15,16,17,18 không nên giao hợp.
- Từ ngày 21 đến ngày 28 không thụ thai giao hợp được.
b) Phương pháp Billings :
Tính theo sự phát hiện chất nhờn nơi phụ nữ, cũng lấy ba ngày kinh làm đích :
- Những ngày xuất kinh tất nhiên không giao hợp được.
- Sau khi dứt kinh có chừng 5 ngày cửa mình khô ráo không có chất nhờn là không nguy hiểm, giao hợp được.
- Sau 5 ngày khô ráo bắt đầu có chất nhờn phát ra, và cứ thế càng ngày càng nhiều, suốt thời gian này không nên giao hợp, rất nguy hiểm, nhất là 3 ngày cuối.
- Sau những ngày thật nhiều chất nhờn, cửa mình lại khô ráo cho đến ngày có kinh, giao hợp được, an toàn.
72- Cha mẹ có bổn phận nào đối với con cái ?
T- Cha mẹ có bổn phận lo cho con cái về thể dục, đức dục và trí dục.
- Về thể dục : lo săn sóc con đàng hoàng về ăn mặc, nơi ở, và để đạt được kết quả tốt, cha mẹ nên tránh nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, hút xái, và các tính mê có thể làm hại cho con cái.
- Về đức dục : làm gương tốt cho con cái, dạy con những điều hay lẽ phải «dạy con từ thuở còn thơ », lo cho con cái được rửa tội, học giáo lý, học kinh…
- Về trí dục : lo cho con cái được học trường tốt, chọn trường, chọn bạn tốt cho con, chăm lo đến bài vở của con mỗi ngày.
73- Khi sẩy thai có phải rửa tội cho bào thai không ?
T- Bất cứ là đã có thai bao lâu, nếu lỡ sẩy thai thì phải lo rửa tội cho bào thai :
Nếu chỉ là một cục máu thì bỏ vào thau nước lã rồi ta đọc : Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. (Không có câu Amen).
Nếu bào thai lớn hơn, có làn da cứng bao bọc, thì nên cấu một chút cho nước thấm vào trong, rồi đọc lời rửa tội như trên.
Nếu bào thai không ra hình người, là một thứ hình gì đó, thì ta cũng cứ rửa tội và đọc như sau : Nếu nên, ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu sanh non mà thấy con yếu quá, thì lo đổ nước ngay, kẻo lỡ nó chết bất thình lình không kịp, lúc ấy nên nhờ ai thành thạo, lấy nước lã đổ trên đầu, vừa đổ vừa đọc : Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Lưu ý : trong bất cứ trường hợp nào, sẩy thai, quái thai hay là sinh non, nếu nhờ được người nào khác thì cha mẹ không nên làm, còn khi không thể có ai thì cha mẹ phải biết để làm cho con.
74- Gia đình Kitô hữu còn phải có bổn phận nào đối với Giáo Xứ không ?
T- Bất cứ ở đâu gia đình người Công Giáo cũng phải giữ các điều sau đây :
- Xin gia nhập Giáo Xứ gần nhất để hưởng các ân huệ thiêng liêng và lãnh nhận các Bí Tích.
- Cần tham gia các sinh hoạt chung trong Giáo Xứ mình gia nhập, như việc tu bổ nhà thờ, trường học, đất thánh vì đó chính là những cơ sở cần thiết cho ta khi sống và khi chết.
- Mỗi gia đình phải có sổ gia đình Công Giáo để ghi vào đó ngày tháng hôn phối của cha mẹ, ngày sinh, ngày rửa tội, ngày rước lễ lần đầu, ngày thêm sức của từng đứa con trong gia đình, và sổ ấy phải giữ gìn cẩn thận, đi đến đâu thì mang theo đến đấy.(Nhớ là phải xin Cha Xứ ký và đóng dấu thì sổ mới có giá trị).
IV- NHỮNG ĐIỀU PHẢI GIỮ
(Bạn phải thuộc kinh 10 điều răn, 6 điều răn Hội Thánh , 7 mối tội đầu, 14 mối thương người).
75- Những điều phải giữ là những điều gì ?
T- Là giữ 10 điều răn Chúa, 6 điều răn Hội Thánh , 7 mối tội đầu, và 7 điều về đức ái trong kinh 14 mối thương người.
76- Mười điều răn Chúa dạy ta là những điều gì ?
T- Là giữ 10 điều răn Chúa chia làm hai phần : ba điều đầu dạy ta kính mến Chúa.
Thờ phượng Chúa : (bạn phải thuộc kinh Tin, Cậy, Mến)
Tin có một Chúa (trong kinh Tin).
Trông cậy Chúa (trong kinh Cậy).
Mến Chúa trên hết (trong kinh Mến).
**Mến Chúa trên hết thì phải thờ phượng Chúa, phải siêng năng cầu nguyện, tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh.
**Ngoài ra phải tránh những điều mê tín dị đoan, tin kiêng dối trá, không phạm đến nơi thánh, của thánh, đồ thờ… không xúc phạm đến những người đã dâng mình cho Chúa, phải tránh mọi thứ làm ta mất đức tin.
Chớ kêu tên Chúa vô cớ thì ta phải tránh :
Không nói phạm đến tên Chúa
Không lấy tên Chúa mà thề gian thề dối
Nếu có khấn hứa điều gì với Chúa thì phải thực hiện, nếu không thực hiện thì là ta nói dối phạm thượng.
Giữ ngày Chúa Nhật buộc ta phải :
Đi lễ ngày Chúa nhật.
Nghỉ việc xác ngày Chúa nhật. Nói chung là các việc lao nhọc thể xác, nhưng nếu vì hoàn cảnh cần thiết như nghèo túng, cần xin phép Cha Xứ hoặc Cha nào giải tội, chuẩn cho ta khỏi kiêng việc và các Cha chỉ được cho phép sáu tháng, hết sáu tháng thì phải xin lại, nhưng ta phải đi tham dự Thánh Lễ đầy đủ như luật dạy.
**Nên biết : Dù được phép làm việc xác ngày Chúa nhật (khi đã xin phép rồi) nhưng phải trừ ba ngày lễ trọng : Lễ Phục Sinh, Lễ Giáng Sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cả ba ngày lễ này phép chuẩn cho nghỉ ngày Chúa nhật không có giá trị.
77- Bảy điều răn dạy ta những gì ?
T- Bảy điều sau dạy ta thực hành đức mến yêu người :
a) Thảo kính cha mẹ(điều răn thứ tư) bao gồm :
Với cha mẹ lúc sống thảo kính mến yêu, vâng lời và giúp đỡ. Khi chết cầu nguyện, xin lễ Misa cầu cho cha mẹ.
Ngoài ra với người trên thay quyền Cha Mẹ như thầy dạy, ông bà, cô bác vai trên… ta cũng phải kính trọng.
Ngoài xã hội phải vâng phục chính quyền.
b) Chớ giết người (điều răn thứ năm) bao gồm :
Trước hết phải tôn trọng thân xác ta, không được làm hại phần nào trong thân xác ta.
Tôn trọng thân xác của những kẻ khác như thân xác của ta, không được làm hại, không được giết hại hay đánh đập khi không có lý do chính đáng.
Tôn trọng danh thơm tiếng tốt của người khác như chính ta, không được giận ghét, nói xấu vu oan cáo vạ, làm mất tiếng tốt của người khác, khuôn vàng luật Chúa là : «Sự gì mà ta muốn kẻ khác làm cho ta thì hãy làm cho họ, và những gì ta không muốn kẻ khác làm cho ta thì ta cũng đừng làm cho kẻ khác».
c) Chớ làm tà dâm- chớ muốn vợ chồng người (giới răn thứ sáu và giới răn thứ chín) dậy ta giữ :
Ngoài bậc vợ chồng, phải tránh tư tưởng lời nói hành động mang tính cách dâm đãng. Cũng không được ước ao chiếm đoạt vợ hoặc chồng của kẻ khác. Nếu đã có gia đình mà phạm tội với người khác là phạm tội ngoại tình.
d) Chớ lấy của người – chớ tham của người (điều răn thứ bảy và điều răn thứ mười) dạy ta giữ :
Phải tôn trọng của cải tài sản của người khác như của ta.
Không được lấy, không được làm hại không được xúi dục ai lấy hoặc làm hại, không thông đồng, không chứa chấp những của gian, không hối lộ, không ăn lời quá đáng, nợ nần hoặc nhặt được của ai thì trả lại cho người ấy.
Thấy có cái gì của người khác hơn ta, trong lòng không được mơ ước chiếm đoạt.
e) Chớ làm chứng dối (điều răn thứ tám) dậy ta tôn trọng sự thật :
Không đánh lừa nói dối ai, nhất là nói dối đánh lừa để bản thân được lợi, và để cho người khác thiệt hại bất cứ phương diện nào.
Không bôi lọ, vu oan, bỏ vạ cho người khác bất cứ điều gì.
Về sáu điều răn Hội Thánh :
78- Sáu điều răn Hội Thánh dạy ta những gì ?
T- Dạy ta những điều sau :
1*- Dâng lễ ngày Chúa nhật và những ngày lễ buộc.
Hiện nay các ngày lễ buộc đều dồn vào ngày Chúa nhật trừ có một ngày lễ Giáng Sinh thay đổi theo năm.
Luật buộc đi lễ : vừa là điều răn thứ ba của Chúa vừa là luật Hội Thánh không ai có quyền chuẩn chước. Nhưng khi bất khả kháng thì tự lương tâm ta giải quyết lấy. Ví dụ : khi đau ốm, con thơ không gửi ai coi được, nhà quá xa phải đi bộ 4-5 cây số, coi kẻ liệt mà không có ai thay phiên … Những trường hợp ấy bỏ lễ không có tội nhưng khuyên nên làm một việc đạo đức gì thế lại. Ví dụ : Đọc một đoạn Kinh Thánh, đọc 50 kinh Mân Côi…
2*- Chớ làm việc xác :
Kiêng việc xác là kiêng những việc làm ăn kiếm tiền, những việc làm mệt nhọc thể xác, cản trở việc thiêng liêng linh hồn… luật Chúa và Hội Thánh dạy như thế, nhưng vì quá khó khăn, thì cứ xin phép Cha Xứ, hoặc Cha giải tội của mình, các vị ấy có quyền chuẩn từng 6 tháng một, hết hạn thì xin tiếp. Nhưng dù ai cho phép chuẩn nghỉ việc thì 3 ngày lễ sau đây phép ấy không có giá trị : Đó là Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Chúa Thánh Thần.
3*- Xưng tội mỗi năm một lần
4*- Và rước lễ trong mùa Phục Sinh :
Luật nói thế thì xưng lúc nào cũng được trong vòng một năm. Nhưng nên xưng trong mùa Phục Sinh để trọn hai luật một trật : là xưng tội và rước lễ mùa Phục Sinh (nên nhớ mùa Phục Sinh gồm cả 6 tuần mùa Chay và từ lễ Phục Sinh cho đến hết ngày lễ một Chúa Ba Ngôi).
Lưu ý : Nếu xưng tội rước lễ nhiều lần trong năm, mà mùa Phục Sinh lại không rước lễ thì vẫn lỗi điều 4 luật Hội Thánh
5*- Giữ chay ngày Hội Thánh buộc :
Hiện nay ở VN chỉ buộc có kiêng thịt hai ngày trong một năm : thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, luật giữ chay buộc từ 18 tuổi trọn cho đến 59 tuổi (những người ốm đau, phụ nữ mới sinh, người bị bó buộc phải đi đường xa trong ngày chay, người phải làm việc nặng cho cơ quan nhà nước thì không buộc giữ chay nữa).
6*- Kiêng thịt :
Ở VN cũng chỉ buộc kiêng thịt có 2 ngày trong một năm : Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, và buộc từ 14 tuổi trọn cho đến chết. Nhưng khi bệnh nặng, quá già yếu không ăn thứ khác được, lúc đó không buộc kiêng.
**Nên biết :Tuy là các thứ sáu quanh năm không buộc kiêng thịt, nhưng các bề trên bản quyền khuyên giáo dân nên làm một việc lành gì bù vào, ví dụ : đọc một đoạn sách Kinh Thánh, bố thí cho người nghèo… và nên nhớ giữ luật vì yêu mến vâng lời chứ không phải vì cực chẳng đã, kể như mất hết công phúc trước mặt Chúa .
B- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THỦ TỤC HÔN PHỐI
1- Quen biết ai và tính đi đến hôn nhân, anh chị cần cầu nguyện nhiều : xin Chúa soi sáng và chọn lựa cho anh chị người bạn trăm năm như ý Chúa. Người đời tin có ông tơ bà nguyệt còn ta là con cái Chúa, ta tin vào sự an bài của Chúa sẽ lo liệu cho ta.
2- Nên xin cha mẹ cho gặp nhau, đừng lén lút, để tìm hiểu nhau xem có thể tâm đầu ý hợp mà đi đến hôn nhân không.
3- Nếu thấy xúc tiến được mà cha mẹ đôi bên bằng lòng, thì lo thủ tục như sau :
Thủ tục ngoài đời thì lo đăng ký làm hôn thú.
Thủ tục đạo : cha mẹ hai bên dẫn vào giới thiệu với Cha Xứ bên gái (việc này cũng tuỳ theo thể lệ của từng xứ đạo nữa). Nếu bên trai là người thuộc xứ đạo khác thì cần phải xin thư giới thiệu của Cha Xứ bên trai trước.
Lo học giáo lý : ôn lại giáo lý đã học từ nhỏ, và giáo lý hôn nhân (không phải chỉ học về hôn nhân là đủ đâu).
Bình thường trước khi rao, anh chị phải được dạy dỗ và sát hạch về giáo lý sống đạo đã, đồng thời phải làm lý lịch hôn phối(thường gọi là khẩu cung hôn phối).
Trước khi làm lễ hôn phối Cha Xứ thường điều tra xét hỏi công khai hoặc âm thầm về tình trạng kết hôn của anh chị. Trong khi đó, anh chị cần xét mình xưng tội kỹ lưỡng, để càng sạch tội càng được dồi dào ơn Chúa .
Lưu ý : Muốn tổ chức đàng hoàng, xin góp ý như sau :
Lễ hôn phối là chính anh chị cử hành Bí Tích, anh chị hãy xin cha mẹ, anh em họ hàng bà con, bạn bè xưng tội, dự lễ và rước lễ cầu nguyện cho anh chị.
Thói tục phù dâu phù rể có từ thời Cựu Ước như trong dụ ngôn về 10 trinh nữ. Nếu chọn phù dâu phù rể nên chọn người đàng hoàng, xưng tội, rước lễ cầu nguyện cho anh chị.
Anh chị nên tập cho kỹ và thuộc lòng mấy câu nói khi cử hành Bí Tích Hôn Phối .
Hai người nhân chứng cũng cần chọn người đạo đức, đàng hoàng.
Nếu cô dâu có che voan, thì khi lên đến cung thánh, chồng mở voan ra để trình diện bà xã với Chúa (đừng che trong Thánh Lễ).
Nếu có chụp hình kỷ niệm thì dặn kỹ thợ chụp những chỗ quan trọng sau đây : lúc đi lên, lúc chú rể cô dâu đọc sách thánh, lúc hai người cầm tay nhau nói lời tuyên hôn, lúc xỏ nhẫn cho nhau, lúc dâng của lễ (nếu có), lúc hai người quay vào nhau chúc bình an, lúc rước lễ, lúc dâng mình cho Đức Mẹ.
Nếu quay vidéo : nên quay đủ những chỗ sau đây :
Cần quay lúc hai anh chị cùng thân nhân đi lên.
Lúc Cha đọc lời nguyện đầu lễ, quay hết lời đó.
Lúc anh chị đọc một hay hai bài sách Thánh
Lúc Cha giảng (quay hết bài giảng).
Lúc anh chị bắt tay cử hành Bí Tích và trao nhẫn.
Lúc Cha đọc lời nguyện chúc hôn sau kinh Lạy Cha (quay hết).
Lúc hai người cầm tay chúc bình an cho nhau.
Lúc anh chị và cha mẹ ruột thịt rước lễ.
Lúc Cha đọc ba lời cầu chúc sau hết rồi ban phép lành.
Lúc anh chị và người chứng ký sổ hôn phối.
Lúc anh chị dâng mình cho Đức Mẹ rồi ra về.
Tất cả những nghi thức nói trên là quan trọng, người quay phim không biết quay là mất ý nghĩa.
C- MẪU THỦ TỤC TÔN GIÁO KHI RƯỚC DÂU
**NÊN BIẾT : Dưới đây chúng tôi không có ý đặt ra một mẫu bắt buộc, vì thủ tục theo từng địa phương mỗi nơi mỗi kiểu khác nhau, như người ta nói : «Phép vua thua lệ làng”
Vậy chúng tôi chỉ đề nghị ra những cách chung chung, vì có nhiều trường hợp cha mẹ hai bên cũng như cô dâu chú rể lần đầu tiên chẳng biết làm thế nào.
1- Đi đón dâu : chú rể và họ nhà trai cử một số đại diện đến nhà gái xin dâu, sau khi nhà gái tiếp đón và mời nhà trai an toạ dùng trà…đại diện nhà trai (cần có người ăn nói trôi chảy) đứng lên ngỏ lời xin được đón cô dâu về nhà chồng. Sau khi nhà trai dứt lời, đàng gái cũng có đại diện (biết ăn nói lưu loát) ngỏ lời cám ơn và gửi gắm con cháu mình cho họ đàng trai. Sau lời phát biểu thì cha mẹ tặng của hồi môn cho con gái, và ngay sau đó, tuỳ thói tục từng nơi, đàng trai tặng quà cho dâu tuỳ ý (hoặc để khi về nhà trai mới tặng). Tiếp theo thủ tục trên, là cô dâu bái tạ Chúa và ông bà cha mẹ ra đi (phần này không làm dài, chỉ đọc một kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, rồi có thể hát một bài, ví dụ : Lạy Mẹ là ngôi sao sáng…, hoặc Giữ gìn con…, rồi cô dâu cúi chào tạm biệt ông bà cha mẹ bà con ra đi.
2- Dâu tới nhà trai : về tới nhà trai, mẹ chồng ra đón con dâu vào, và dẫn ngay đôi trẻ vào bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên. Người điều khiển chương trình mời bà con hai họ cùng bạn bè và quý khách tham dự nghi lễ Dâng đôi Tân hôn và kính vái gia tiên. Thứ tự có thể như sau :
Hát kinh Chúa Thánh Thần
Tân hôn đọc kinh dâng gia đình cho Chúa.
Hát một bài hát nào đó.
Cô dâu chú rể vái tổ tiên : đốt hai nén hương, rồi anh chị cầm hương vái tổ tiên ba cái, và cắm vào lư hương.
Tiếp đến là vái chào ông bà cha mẹ hai bên cùng họ hàng (nếu lúc ở nhà gái, nhà trai chưa tặng quà cho cô dâu, thì có thể cho lúc này)
Đại diện nhà trai mời bà con và quý khách an toạ dự tiệc mừng tân hôn.
Trong lúc lộn xộn này, chú rể dẫn cô dâu vào trong phòng riêng thay áo, rồi ra chào và tiếp khách.
Lưu ý : Nếu rước dâu đi bộ, thì cô dâu chú rể đi trước, mẹ chồng hoặc đại diện mẹ chồng đi bên cô dâu, bố hay mẹ hoặc người đại diện bên gái đi bên chú rể, tiếp theo là những họ hàng thân nhân gần xa và bạn bè…
D- NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT ĐỂ BẢO ĐẢM HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
1-Trong thời gian tìm hiểu nhau, anh chị nên bàn hỏi nhau trong tinh thần chân thành cởi mở nhau những điểm sau đây :
1*Về lý tưởng mình muốn sống.
2*Về sức khoẻ : có bệnh gì nguy hiểm.
3*Về tâm tính : hiền lành, nóng nảy, hay quạu cọ, hay giận dữ.
4*Về sở thích của mình : ăn, măc, chơi.
5*Về nghề nghiệp mình có khiếu, về kinh tế gia đình, sẽ phải làm thế nào ?
6*Nhất là về tín ngưỡng, và về thực hành đời sống đức tin.
7*Về cách đối xử với cha mẹ hai bên, bà con, anh em, bạn bè, lối xóm…
2- Khi nào có thể đi đến hôn nhân ?
T- Trường hợp cảm thấy yêu nhau thật, không vì những lý do tầm thường như: của cải, sắc đẹp, danh giá… là những thứ chóng tàn. Nhưng vì lý do cao thượng hơn : hợp tính tình, hợp với khả năng của mình…
Ban đầu gặp nhau có cảm tình, rồi quen, rồi thích, rồi yêu, và sau cùng thương nhau, muốn sống gần gũi bên nhau.
3- Một điểm nữa, muốn tạo hạnh phúc, anh chị nên tập cho mình thành công, thành công từ cái nhỏ đến cái lớn. Ví dụ : nấu ăn, may mặc, xã giao được lòng người, ăn nói duyên dáng… không có gì khổ cho bằng vớ được một ông chồng cù lần, thì cũng không gì cay đắng cho bằng vớ được người vợ không biết nấu ăn, không biết tiếp khách.
**Muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, anh chị cũng cần biết những điểm khác nhau giữa hai phái, để anh chị dễ chịu đựng và thông cảm cho nhau.
Dưới đây, xin ghi vắn tắt những điểm khác nhau giữa hai phái để anh chị tham khảo :
I- QUAN NIỆM VỀ TÌNH YÊU HAI PHÁI KHÁC NHAU
Phái nữ
Cho tình yêu là quan trọng nhất. Do đó những gì liên quan đến tình yêu như là : kỷ niệm sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… chị cho là quan trọng nhất.
Phái nam
Cho nghề nghiệp là quan trọng nhất, vì thế những gì liên quan đến việc làm như : ngày mà anh đạt thành công, đậu bằng… anh cho là quan trọng nhất
Muốn hài lòng nhau.
Phái nữ
Chị luôn nhớ và chú ý đến sự thành công việc làm của anh, cùng chia vui, mở tiệc mừng…
Phái nam
Anh luôn nhớ ngày kỷ niệm êm đềm đầy yêu thương của chị, và nên tặng một món quà nhỏ…
II- NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH VÀ NÊN CÓ
1- Đối với người chồng
Không nên
1* Yêu vì đào được mỏ.
2* Không giang hồ đàng điếm.
3* Không vũ phu, hơi một tí là đấm đá.
Nên
1*Yêu vì lý tưởng cao đẹp.
2*Luôn hưởng hạnh phúc bên vợ con.
3*Điềm đạm, lịch sự, nhã nhặn, êm dịu.
2- Đối với người vợ
Không nên
1*Dứt khoát không mơ mộng đến người tình cũ (nếu có).
2*Đừng già hàm rộng miệng, hay lê la ăn quà, thèo lẻo cái miệng…
3*Dốt nội trợ, không biết nấu ăn.
4*Đừng quá ghen, hơi một tí là nổi máu ghen, tò mò, soi mói…
5*Đừng tiêu xài lãng phí, đừng nhẹ dạ bị lừa làm giảm ngân qũi gia đình.
6*Đừng lưu manh hằn thù vặt, nhất là với con riêng của chồng (nếu có).
7*Đừng lẳng lơ, hay liếc nhìn cười nói vô duyên, ba hoa, hút thuốc…
8*Đừng dèm pha nói xấu chồng, hoặc so sánh mà làm mất đi tiếng tốt của chồng.
9*Đừng ù lì, mặc cảm, nhút nhát, tối ngày ẩn núp trong bếp, lủi thủi trong nhà.
10*Đừng hơi một tí là quạu cọ, cằn nhằn dai dẳng, hay giận, ăn mặc lôi thôi.
Nên
1*Dành tất cả tình yêu của mình cho chồng mình.
2*Nên nhu mì hiền lành, dễ thương trong cách ăn nói, im lặng là vàng.
3*Thành thạo làm các món ăn.
4*Nên đại lượng bình tĩnh và nhỏ nhẹ khuyên bảo, dùng tình cảm thu hút.
5*Biết tằn tiện, tiêu xài việc gì lớn phải bàn hỏi kỹ với chồng.
6*Yêu chồng thì yêu tất cả những gì thuộc về chồng, đại lượng, dễ thương.
7*Đứng đắn thanh nhã, lịch sự, ý tứ, giữ gìn cách ăn nói với người khác.
8*Khen lao trước mặt mọi người, làm cho chồng được danh dự trước mặt mọi người.
9*Giàu sang vì vợ, phải hiên ngang trong tư thế lịch sự và duyên dáng.
10*Một sự nhịn là chín sự lành, đau khổ cũng ráng cười duyên, ăn mặc gọn đẹp.
III- QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ VAI TRÒ TRONG
GIA ĐÌNH
Phái nữ
Nữ giới chú trọng đến nội trợ và nuôi con, vì thế rất tận tâm, không sợ mệt mỏi, thích nói về những chuyện đó (ai mà bê trễ những chuyện đó, là thứ đàn bà dị tính đấy).
Phái nam
Đàn ông chỉ chú trọng đến nghề nghiệp và việc làm ăn, có khi mải mê mà quên đi chính mình và vợ con, càng nặng nhọc khó khăn, càng lăn mình vào, miễn là đạt được mục đích.
Cần hiểu và dung hoà
Phái nữ
Chị nên thông cảm và chia sẻ sự hy sinh vất vả của anh. Nếu thấy anh mải mê đến quên gia đình đừng nên trách vội.
Phái nam
Anh nên hiểu và siêng năng hỏi han về chuyện nhà cửa, về con cái, chăm chú lắng nghe mỗi khi chị kể lể…
IV- KHÁC BIỆT TÂM TÍNH BỘC PHÁT
Phái nữ
Phụ nữ quy hướng mọi cái về tim, về chính mình, những cái không hợp tâm tính chị không chấp nhận.
Phái nam
Đàn ông thì hướng ngoại, chú ý đến bên ngoài xã hội, xét đoán theo dư luận bên ngoài.
Cần hiểu và dung hoà
Phái nữ
Nếu thấy chồng chú trọng đến bên ngoài hơn mình, cũng đừng cho là bị khinh ghét, phải hiểu tâm tình tự nhiên là như thế.
Phái nam
Không nên quên rằng vợ mình là đàn bà, luôn quy hướng về mình, đừng làm vợ mất lòng, kẻo mà ăn cơm sống, nếu anh làm cho chị tủi và bị quên.
V- NHỮNG ĐỊNH LUẬT TÂM LÝ SAI BIỆT
Hiểu biết những định luật này mà đem ra áp dụng, thì gia đình đỡ cảnh chén dĩa bay, mỗi người một xoong, hai người hai hướng…
1- Luật ưu tiên.
Phái nữ
Nữ giới đặt tim và tình cảm là ưu tiên, do đó ai yêu thì yêu lại, tình yêu thường tinh ròng và cao thượng, muốn yêu và muốn được yêu, muốn thấy được yêu, không ham ngay về thể xác.
Phái nam
Đàn ông thì nhan sắc là ưu tiên, hễ đẹp, duyên sắc là lọt mắt chàng, và do đó chàng mong chiếm đoạt, vì thế đàn ông hay thất bại trước kế mỹ nhân.
Cần hiểu và dung hoà
Phái nữ
Nên đề phòng trước những lời nịnh của kẻ khác, biết trau dồi sắc đẹp vừa lòng chồng, đừng… chú ý đến thân xác mình, chịu nghe những lý luận của chồng.
Phái nam
Yêu mến vợ thì đừng lân la thân mật với các mỹ nhân, săn sóc đến vợ, dành cho vợ những lời nói, những cử chỉ ân ái rút ruột, đừng lý luận nhiều làm vợ khó hiểu.
2- Luật phân cách.
Luật này dạy ta nhớ luôn rằng: Đàn ông không phải là Đàn bà,
và Đàn bà không phải là Đàn ông.
Phái nữ
Có một tim và tim chỉ có một hộc duy nhất. Ai lọt được vào hộc ấy là chị yêu hết mình, chỉ có một tim một hộc nên cũng chỉ có một tình yêu, yêu ai thì yêu chết thì thôi (đó là khi người phụ nữ chưa bị học vấn hay kinh nghiệm thực tế phũ phàng chi phối).
Hiểu tâm lý của phái nam như vậy thì các cô nương đừng vội nói : chắc ông có chuyện buồn, giận ai hoặc thương ai… nên đi làm về cứ lầm lì, chẳng nói chẳng rằng… và khi anh làm việc, hoặc đang chơi theo sở thích đam mê, thì đừng nên léo nhéo tình cảm...
Phái nam
Có một tim, nhưng tim lại có 4 hộc riêng biệt, khi hộc này làm việc thì các hộc khác nghỉ, phân chia như sau :
Hộc một : yêu vợ con. Khi anh yêu cũng yêu đến chết thì thôi.
Hộc hai : dành cho công việc làm ăn, khi làm việc không để ý gì đến vợ con nưã.
Hộc ba : dành cho các sở thích và đam mê, ví dụ : mê xem đua ngựa, mê xem bóng đá… khi xem thì quên mọi cái khác.
Hộc bốn : dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí, vì thế, khi làm việc mệt nhọc, về nhà anh nghỉ ngơi, thì anh cũng chẳng thiết gì nữa, và chẳng thiết gì đến ai cả, cho dù đó là vợ con của anh…
Cần dung hoà để giữ hạnh phúc
Phái nữ
Đừng khắt khe cản chồng những gì hợp với sở thích của anh, đừng nói, đừng đòi anh lúc nào cũng phải chú ý đến mình cách rõ ràng, nên thông cảm nếu chồng có vẻ lạnh nhạt.
Phái nam
Đừng bắt vợ cũng phải theo sở thích của mình, dù lúc đang làm việc khác, anh nên có để ý đến vợ con, có những cử chỉ, lời nói làm mát trái tim nóng hổi yêu anh…
3- Luật thính giác.
Phái nữ
Phụ nữ lỗ tai gắn liền với tim, do đó hợp tình cảm là ưng liền, không hợp thì chị cho de, vì thế nói ngọt thấu tim thì chị ưa thích hơn là việc làm mà không có lời nói. Mặc dù anh làm hết mình để chứng tỏ yêu chị, nhưng nếu anh không nói ra thì chị vẫn cho là không yêu. Chị thích thỏ thẻ những chuyện lặt vặt.
Phái nam
Đàn ông lại là nhân vật không có lưỡi, cứ âm thầm làm, mà lại không nói. Khi ở nhà cứ im như thóc ngâm, nhưng khi ở quán café với bạn bè lại cứ thao thao bất tuyệt, cười nói oang oang, chỉ vì ưa thích bàn chuyện làm ăn và những gì hợp sở thích đam mê, không thích thỏ thẻ vụn vặt, nồi niêu bếp núc trong gia đình.
Cần dung hoà bảo vệ hạnh phúc
Phái nữ
Nên hỏi han chia sẻ những chuyện làm ăn, và hỏi xem có gì anh thích, hiểu và cảm thông khi thấy anh ít nói, nhất là lúc nghỉ ngơi, ba hoa chích choè quá sẽ làm anh bực dọc. Những chuyện vặt vãnh ở nhà cũng nói vừa đủ.
Phái nam
Vợ là máy thu, do đó anh phải là máy phát. Nên phá bầu không khí im lặng trong gia đình bằng những lời êm dịu ngọt ngào, nên hỏi han những chuyện lặt vặt ở trong nhà, và chịu khó nghe những lời vợ nói, đừng gắt gỏng làm cho cả làng xóm nghe (mất ngủ).
4- Luật chi tiết.
Phái nữ
Đàn bà chú trọng những chi tiết tỉ mỉ, do đó chị rất là tinh khi thấy nơi anh có cái gì khác. Nhưng lại rất lợi khi chị lo lắng đến từng nút áo của anh…
Phái nam
Đàn ông chỉ để ý đến đại cương, những công việc lớn lao và vất vả, do đó nhiều khi anh thấy vợ quá vụn vặt tỉ mỉ, anh lại không hề thích.
Dung hoà để tạo hạnh phúc
Phái nữ
Phải biết quên đi những cái nhỏ nhặt không cần thiết, đừng quá lo âu áy náy về thư từ, bạn bè của anh, đừng tra hỏi sao hôm nay đi làm về trễ…
Phái nam
Nên nhớ mình là cái máy quên, quên cả những cái chị muốn nhớ, nhẫn nại chịu đựng, luôn sẵn sàng đón nhận những cái tỉ mỉ của chị, biết cho chị những quà tỉ mỉ…
5- Luật bất đồng
Phái nữ
Trước một sự kiện người phụ nữ phản ứng chậm, nhận thức chậm hơn đàn ông, nhưng đã xúc cảm thì kéo dài lâu, ví như xe lửa, chuyển máy chậm, nhưng khi đã có đà thì đi mau và đi lâu dài, đến lúc ngưng lại cũng từ từ…
Phái nam
Trước một biến cố hay một sự kiện, đàn ông phản ứng mau lẹ, và nhận thức cách mau chóng, nhưng đàn ông thì lại mau quên và ngưng lại cách dễ dàng. Thoả mãn rồi là lăn ra ngủ, chẳng cần chi nữa…
Cần dung hoà bảo vệ hạnh phúc.
Phái nữ
Trong mọi hoàn cảnh, cần sửa soạn và chuẩn bị cách lâu dài, kỹ càng, nhất là chuyện gia đình, chăn gối, cần được chuẩn bị và âu yếm lâu dài, trước thái độ vội vàng, hấp tấp, vồ vập, dễ làm nản lòng và chán ngán…
Phái nam
Nên từ từ và nhẫn nại chờ đợi người yêu kịp nhận thức và phản ứng đã, rồi cũng phải từ từ mà ngưng, đừng làm cái rộp… rồi cũng đá bỏ cái rộp… là mất tín nhiệm và mất hạnh phúc.
NGHI THỨC CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Anh chị nên xem kỹ trước lời tuyên hôn kẻo lúc ấy cảm động quá mất bình tĩnh.
1- Hai người cầm tay nhau (tay mặt) :
- Người chồng nói : Anh là PHÊRÔ CHÂU HOÀNG GIANG nhận em MARIA VÕ THỊ PHƯỢNG làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.
- Người vợ nói : Em là MARIA VÕ THỊ PHƯỢNG nhận anh PHÊRÔ CHÂU HOÀNG GIANG làm chồng của em và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em.
**Khi hai người đọc xong hết, vẫn cầm tay nhau để cha đọc lời cầu chúc, khi cha đọc xong rồi mới buông tay.
2- Hai người xỏ nhẫn cho nhau. (xỏ nhẫn ngón thứ tư tay trái)
- Người chồng nói (khi xỏ nhẫn) :
Em MARIA VÕ THỊ PHƯỢNG, xin em nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
- Người vợ nói (khi xỏ nhẫn) :
Anh PHÊRÔ CHÂU HOÀNG GIANG, xin anh nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của em. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
—————————————————
Lời khuyên chót :
Trong dịp vui nhất đời anh chị, theo thói quen tốt, người ta thường nhớ ơn Ông Bà Tổ Tiên, vì nhờ các cụ mới có ta. Vì thế, anh chị nên xin lễ hay xin nguyện báo ơn tổ tiên.
Theo thông lệ thì việc xin lễ là bổn phận bên nhà trai, nhưng theo thiển ý của tôi, thì của cả hai anh chị. Vì thế, nên sẵn sàng hợp tác với nhau, không bên nào lại có quyền độc thụ.
NHỮNG KINH QUEN ĐỌC HẰNG NGÀY
01. KINH TRUYỀN TIN
Xướng: Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chiu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
* Kính mừng Maria …
X : Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đ : Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
* Kình mừng Maria …
X : Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đ : Và ở cùng chúng tôi.
* Kính mừng Maria …
X : Lạy Rất Rhánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đ : Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại, được lên nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.
02. KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG
(Từ sáng Chúa Nhật Phục Sinh cho đến chiều ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì đứng mà đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng thế cho kinh Truyền Tin).
Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng, Al-lê-lu-ia.
Đáp : Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng, Al-lê-lu-ia.
X : Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa, Al-lê-lu-ia.
Đ : Xin cầu cùng Chúa cho chúng con, Al-lê-lu-ia.
X : Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc, Al-lê-lu-ia.
Đ : Vì Chúa đã sống lại thật, Al-lê-lu-ia.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô, là Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại, xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người, nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời: vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
03. KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các thánh Tông đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh lại xuống, an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
04. KINH TIN
Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tôi cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.
05. KINH CẬY
Lạy Chúa con, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên Thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được. Amen.
06. KINH KÍNH MẾN
Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.
07. KINH TIN KÍNH
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công.Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
08. KINH CÁO MÌNH
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy, tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên thần, các Thánh, và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Amen.
09. KINH ĂN NĂN TỘI
Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con; mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
10. KINH LẠY NỮ VƯƠNG
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Giêsu con lòng Bà cùng phước lạ. Ôi ! Khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
11. KINH CÁM ƠN
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con; lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay (tối thì đọc: ngày hôm nay) được mọi sự lành.; lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi, ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hiệp cùng các Thánh, mà dâng cho Chúa con cùng cám ơn như vậy. Amen.
12. KINH TRÔNG CẬY
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê, chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn. Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. - Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, thương xót chúng con.
Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh rất thánh Đức Bà Maria, cầu cho chúng con.
Lạy Ông Thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, cầu cho chúng con.
Lạy Các Thánh Tử Đạo nước Việt Nam, cầu cho chúng con.
13. KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN
Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn:
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên
hết mọi sự.
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật.
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ năm: Chớ giết người.
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: Chớ lấy của người.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: Chớ tham của người.
Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự; sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen
14. KINH NĂM ĐIỀU RĂN
H. Hội Thánh có mấy điều răn?
T. Hội Thánh có năm điều răn:
Thứ Nhất: Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc;
Thứ Hai: Xưng tội trong một năm ít là một lần;
Thứ Ba: Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh;
Thứ Bốn: Giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc;
Thứ Năm: Góp công góp của xây dựng Hội Thánh tùy theo khả năng của mình. (GLHT, 466).
18. KINH BẢY PHÉP BÍ TÍCH
Đạo Đức Chúa Trời có bảy phép Bí Tích:
Thứ nhất: là phép Rửa Tội.
Thứ hai: là phép Thêm Sức.
Thứ ba: là phép Mình Thánh Chúa.
Thứ bốn: là phép Giải Tội.
Thứ năm: là phép Xức Dầu Thánh.
Thứ sáu: là phép Truyền Chức Thánh.
Thứ bảy: là phép Hôn Phối.
19. THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MÔI
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.
Thứ hai: Cho kẻ khát uống.
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà.
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi.
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.
Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội.
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo.
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội.
Thứ năm: Tha kẻ dể ta.
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta.
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
20. CẢI TỘI BẢY MỐI CÓ BẢY ĐỨC
Thứ nhất: Khiêm nhường chớ kêu ngạo.
Thứ hai: Rộng rãi chớ hà tiện.
Thứ ba: Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục.
Thứ bốn: Hay nhịn chớ hờn giận.
Thứ năm: Kiêng bớt chớ mê ăn uống.
Thứ sáu: Yêu người chớ ghen ghét.
Thứ bảy: Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
21. KINH TÁM MỐI PHÚC THẬT
Phúc thật tám mối:
Thứ nhất: Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai: Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất ĐCT làm của mình vậy.
Thứ ba: Ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.
Thứ bốn: Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm: Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt ĐCT vậy.
Thứ bảy: Ai làm cho người hoà thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con ĐCT vậy.
Thứ tám: Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật,vì chưng nước ĐCT là của mình vậy.
KINH DÂNG TÂN GIA ĐÌNH
CỦA ĐÔI TÂN HÔN
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con tin rằng Cha yêu thương chúng con, trong giây phút khởi đầu cuộc sống lứa đôi này, chúng con đến trước tôn nhan Chúa, chúng con cảm tạ và dâng lên Chúa gia đình chúng con. Xin cho chúng con luôn bước đi trước mặt Chúa. Xin cho chúng con tận tình yêu thương nhau, lo cho nhau được hạnh phúc vật chất, tinh thần theo như ý Chúa muốn.
Xin Chúa xuống ơn tràn nay thể xác và linh hồn, cho mọi thân bằng quyến thuộc của chúng con đang vây bọc chúng con đây, và xin Chúa cho tổ tiên chúng con đã ra đi, nếu còn trong luyện ngục, sớm được về hưởng mặt Chúa.
Lạy Mẹ Maria, chúng con dâng hồn xác chúng con, cùng mọi sự chúng con đang có và sẽ có cho Mẹ, xin Mẹ làm Mẹ chúng con. Xin Mẹ giữ gìn chăm sóc chúng con, khi vui cũng như khi buồn, Mẹ an ủi đỡ đần chúng con, nhất là khi chúng con sa ngã yếu đuối, xin Mẹ nhắc bảo và giúp chúng con làm hòa với Chúa, để đời chúng con không lạc mất Chúa. Amen.
TÁN TỤNG HỒNG ÂN (Hải Linh - Vũ Đình Trác, TN C, trg 255)
ĐK.1. Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la. Xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên. Đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con xin dâng lời cảm tạ. Cho đời con vững một niềm tin xin dâng lời cảm mến. Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi xin dâng lời cảm tạ. Tay hồng ân Chúa đưa con về xin dâng lời cảm mến. Chúa cho con trời mới đất mới đường đời con đổi mới. Con i ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời.
1. Đời đời Người đã thương con, đời đời Người vẫn thương con, thương con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, Chúa thương yêu ấp ủ con đêm ngày.
ĐK.2. Xin chân thành cảm tạ tình thương Chúa thắng oan khiên. Xin chân thành cảm mến hồng ân Chúa thắng nguy nan. Ca tụng danh Chúa bao lẫy lừng. Xin chân thành cảm tạ. Cho toàn dân sống trong tình thương xin chân thành cảm mến. Đôi bàn tay Chúa rất oai phong xin chân thành cảm tạ. Đôi bàn tay Chúa bao nhân lành xin chân thành cảm mến. Khắp muôn nơi bừng lên sống mới đời người vui đổi mới. Muôn i tấm lòng cùng chung nhịp sống trong thanh bình.
2. Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu, loài người được Chúa nâng niu. Nâng niu tựa con ngươi trong mắt Chúa. Chúa nâng niu, gìn giữ luôn đêm ngày.
CẦU NGUYỆN CHO CHA MẸ
1- Xin Chúa (i a) chúc lành, cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời. Bao la ơn Chúa cao vời, và ơn cha mẹ, suốt đời coi nhẹ khổ đau.
ĐK. Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son, của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình, luôn sống theo tình người con ngoan.
2- An vui, cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi. Ra đi tung cách trong đời. Dù xa vô bờ, vẫn nhờ đến tình mẹ cha.
KINH TRƯỚC KHI XÉT MÌNH
Lạy Chúa là sự sáng linh hồn con, xin soi sáng cho con được biết mọi tội con đã phạm trong thời gian qua, hoặc lo hoặc nói hoặc làm điều gì lỗi nghĩa cùng Chúa. Con lại xin Chúa vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, ban ơn cho con được ăn năn ghét tội cùng dốc lòng chừa thật. Amen.
BẢN GỢI Ý GIÚP XÉT MÌNH XƯNG TỘI
(Những tội thường gặp)
I. ĐỐI VỚI CHÚA:
+Có nghi ngờ quyền năng, tình thương, và sự quan phòng của Thiên Chúa, mất lòng cây trông ở Chúa ?
+Chối bỏ Chúa, hoài nghi tất cả, lung lạc đức tin, chán nản, thất vọng, buông xuôi không cố gắng làm bổn phận. Phàn nàn trách Chúa ?
+Mê tín dị đoan, bói toán, xem thầy, kiêng kỵ, tin ngày lành tháng tốt, tin điềm tốt xấu, làm điều mê tín dị đoan ?
Chống đối, phê bình Giáo Hội, chỉ trích, xúc phạm, làm hại Giáo +Hội, làm hại người của Giáo Hội ?
+Có phạm sự thánh, có lãnh Bí Tích bất xứng, lần trước xưng tội có giấu tội, chưa làm việc đền tội ?
+Xúc phạm đến các thánh, nơi thánh, giáo sĩ, rườc lễ khi còn mắc tội trọng …… ?
+Than phiền, trách móc, xúc phạm đến Chúa ?
+Lấy danh Chúa mà thề gian thề dối, thề vặt, chúc dữ, nguyền rủa. +Có kêu tên Chúa vô cớ, có chửi thề nói tục ?
+Có hứa với Chúa, với người khác mà không giữ, có mắc lời thề, lời khấn ?
+Không giữ trọn lễ Chúa Nhật. Bỏ lễ Chúa Nhật, đi lễ trễ, bỏ lễ về sớm trước khi cha ban phép lành, cố tình chia trí, làm việc xác không chính đáng ?
+Bỏ cầu nguyện, bỏ kinh sáng, kinh tối, ngủ gục, chia trí lo ra trong giờ kinh lễ, có ăn ở vô phép, không tôn kính Chúa đủ khi ở trong nhà thờ: Ngồi gác chân, quay ngang, quay ngửa, nói chuyện, đùa giỡn, ăn kẹo, xả rác trong nhà thờ ?
+Bỏ rước lễ mùa Phục Sinh (khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 Dương Lịch)
+Không ăn chay, không kiêng thịt ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu +Tuần Thánh. Không kiêng thịt các ngày thứ Sáu trong tuần ?
+Có bỏ qua việc lành phúc đức có thể làm được ?
+Có bỏ lỡ cơ hội để giúp nhà thờ nhà chung ?
II. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC:
Thiếu bổn phận hiếu kính đối với người trên: Vô lễ, khinh bỉ, hỗn xược, ngỗ nghịch, chửi rủa, cãi lệnh, không vâng lời, không giúp đỡ, không phụng dưỡng xứng đáng ?
Trong gia đình: Bất hoà, hờn dỗi, cãi cọ, trách mắng, xúc phạm trong lời nói và trong hành động : Đay nghiến, đe loi, đánh đập, lợi dụng, ăn bám, ích kỷ, không trợ cấp xứng đáng, không lo lao động, không giúp đỡ gia đình ?
Với người dưới: Bỏ bê không lo dạy dỗ con cái, quá cứng rắn, hay quá nhu nhược, cản trở việc tốt việc thiện của con cái , làm gương mù gương xấu, la rầy vì nóng nảy, chửi mắng, áp bức, đánh đập ?
Với người ngoài:
* Xúc phạm trong tư tưởng: Nghĩ xấu, ghen ghét, giận hờn, ganh tị, oán thù, khinh bỉ, mong điều dữ cho người ta.
* Xúc phạm trong lời nói: Cãi cọ chửi rủa, phê bình, chỉ trích, nói hành, nói xấu, nói thêm bớt, nói gian, vu khống, làm chứng gian, bao che lỗi lầm do thiên tư, sỉ nhục, thoá mạ ?
* Xúc phạm trong hành động: Đánh lộn, gây thương tích cho người ta, có hành hạ, gây thiệt hại, muốn ám hại, làm nhục ?
Về tình dục: Có tư tưởng, ước muốn điều xấu, cám dỗ, khêu gợi, ăn mặc hở hang, xem sách báo phim ảnh xấu, lỗi đức trong sạch, phạm tội dâm ô, có thủ dâm, đồng tình luyến aí, ngoại tình, phá gia cang người ta, cưỡng bức hoặc từ chối việc vợ chồng thiếu lý do chính đáng, chỉ tìm thoả mãn bất chính, sinh con vô trách nhiệm, dùng phương pháp điều hoà sinh sản nghịch luật GiáoHội, có phá thai trực tiếp, hoặc cộng tác, hay chỉ đường, có phạm tội ngoại tình ?
Về công bằng: Quá lo tiền của, lo làm ăn, mà quên Chúa, quên anh em, không giúp đỡ người khác khi có thể, có hà tiện, có ăn xài hoang phí, ăn cắp ăn trộm, ăn cướp, có phá hại cây trái của người ta, có giấu, lượm, mượn, mà không chịu trả lại, có giựt nợ, lường gạt, gian lận trong cân đo đong đếm, có làm thiệt hại tài sản của người ta, cho vay ăn lời quá đáng, trả tiền công không đủ sống, chèn ép thủ đoạn sinh bất công, thâm lạm của công, hối lộ, lợi dụng để làm tiền, có ao ước lấy cắp đồ người khác?
Về sự thật và danh dự: Có ăn gian, nói dối, có hứa mà không giữ, có tiết lộ bí mật, có phao tin thất thiệt, bôi nhọ danh dự, nói hành, nói xấu, vu khống, cáo gian, làm nhục nhã, làm thiệt hại danh dự người ta. Có ỷ tài, ỷ của, ỷ quyền, mà áp bức kẻ khác ?
III. ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH
+Có quá lo làm ăn mà bê trễ việc thờ phượng Chúa (không lo đi lễ, xưng tội, rước lễ, làm phúc bố thí), không tích cực lo cho mình được rỗi ?
+Hay chửi thề (nói tục, nói bậy, nói lời hai ba ý mà cười cợt với ý xấu, có ghép đôi ghép lứa cho người ta).
+Kiêu ngạo, phách lối, tự cao tự đắc, khoe khoang về mình qúa đáng, có ganh tị, khinh người.
+Con đã không làm tròn bổn phận hằng ngày của con. Con có keo kiệt, không tích cực làm phúc bố thí. Có hoang phí thời giờ, tiền bạc của cải. Con có đua đòi, soe xua. Tham lam mơ ước của cải của người ta. Con có nghi oan, nghi sự trái cho người ta.
+Nóng giận quá đáng, đòi hỏi người khác quá đáng, hay hờn dỗi, hay la lối qoát nạt, lấn lướt người ta, vui buồn qúa độ ?
+Làm hại, hoặc phung phí sức khoẻ, có bệnh không lo chữa trị, mê ăn mê uống, nhậu nhoẹt, say sưa quá độ. Muốn tự tử ?
+Lười biếng làm các viẹc đạo đức: Lười đi lễ ngày thường, lười xưng tội, rước lễ. Bổn phận làm không tròn. Trốn tránh trách nhiệm (trong gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Xứ). Thích ăn bám, lợi dụng lòng tốt của người khác?
+Thiếu thành thật trong lời nói, trong cuộc sống?
Không cố gắng sửa tính hư tật xấu. Không tích cực phấn đấu để sống thành người tốt hơn?
+Điều gì còn đè nặng lương tâm? Tội quên sót lần trước chưa xưng. Có giấu tội
LƯU Ý:
Đây chỉ là Bản Gợi Ý. Cho nên, khi kiểm điểm đời sống, chỉ cần ta ghi nhận một vài điểm quan trọng nào cần sửa chữa nhất, để xưng tội, và để cố gắng sửa chữa từng ngày cho hoàn thiện hơn. Bởi vì Chúa dạy: "Các con hãy nên trọn lành thánh thiện, như Cha các con ở trên trời " (Mt 5, 48). Đừng qúa bận tâm kê khai hết các điểm, ở các trang, trong Bản Gợi Ý này.
Luật buộc xưng tội mỗi năm (12 tháng), ít là một lần. Không giữ thì mắc tội. Còn lời khuyên thì nên xưng tội mỗi tháng. Khi bận việc này việc khác thì để 2, 3 tháng xưng một lần. Nhưng không nên để lâu hơn!
Luật buộc Rước Lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục Sinh (Tính từ Lễ Tro, đến lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, trong khoảng tháng 3+4+5). Còn lời khuyên thì nên dọn lòng rước Chúa mỗi ngày: Lễ sáng và lễ chiều, (Đi tham dự Thánh lễ nếu không có tội trọng là lên rước lễ, như người đi dự tiệc thì phải dùng tiệc).
Đi dự lễ ngày Chúa Nhật, là luật buộc mọi người có đạo. Chúa buộc, mà Giáo Hội cũng buộc. Cho nên ta đừng có coi thường, mà bỏ lễ Chúa Nhật. (Đi lễ nửa mùa, hoặc tụm năm tụm ba ngoài nhà thờ, để nói chuyện, hút thuốc, chơi giỡn, thì coi như việc đi lễ Chúa Nhật không thành. Có tội).
Danh Sách Những Gì Phải Làm
Có nhiều điều bạn phải liệt kê thêm vào danh sách dưới đây, nhưng hãy cố dành chút thì giờ để lướt qua những điều sau :
01.Gom góp giấy tờ để chứng minh tình trạng "tự do kết hôn."
02. Ngày giờ tập dợt lễ cưới
03. Danh sách những người khách
04. Mời người Ðọc Sách “lôøi nguyeän chung”
05. Mời người Dâng Của Lễ (tuyø moãi giaùo xöù)
06. Hoàn tất việc chuẩn bị hôn nhân
07. Hoạch định ngày cưới (xem thêm HD)
08. Chọn thợ chụp ảnh, quay video, ca đoàn
09. Giữ chỗ tổ chức tiệc cưới
10. Vấn đề thực phẩm, rượu, trang hoàng trong tiệc cưới
11. Vấn đề âm nhạc trong tiệc cưới
12. Vấn đề thiệp cưới, thiệp cám ơn, thực đơn
13. Quà cho khách tham dự
14. Lấy hôn thú (toà dân sự)
15. Tặng cha xứ
16. Quà cho ca đoàn, các em giúp lễ
17. Quà cho "người nghèo, người vô gia cư"
18. Y phục ngày cưới
19. Vấn đề trang hoàng nhà thờ
20. Tuần trăng mật và chi phí.
CÁCH XƯNG TỘI
1."Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần".
2. Thưa Cha con xưng tội lần trước cách nay được (một
tháng… ).
3. Con có tội ……………………… (…. lần).
4. Thưa Cha con xưng tội xong. Còn những tội quên sót, con cũng muốn xưng hết. Xin Cha tha tội cho con.
5. Thinh lặng:
-Nghe Linh Mục góp ý.
-Ghi nhận việc đền tội, để làm sau khi ra khỏi toà giải tội
[bằng việc đáp: [VÂNG].
-Nghe Linh Mục đọc lời nguyện tha tội, [xong đáp: AMEN]).
6. Cám ơn Cha. Xin Cha cầu nguyện cho con.
(Ra khỏi toà giải tội, thì lo làm việc đền tội sớm hết sức có thể. Sau đó, dành thời gian để cám ơn Chúa, vì vừa được Chúa tha tội. Về nhà, nhớ tự ý làm thêm nhiều việc đạo đức nữa tuỳ sáng kiến của mình để đền tội thêm).