Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

LỊCH SỬ DÒNG CHÚA QUAN PHÒNG TẠI CÙ LAO GIÊNG

Dòng Chúa Quan Phòng Portieux được khai sinh ngày 14 tháng 01 năm 1762 tại làng Vigy nước Pháp. Từ lâu, các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng ở Portieux đã nghĩ đến việc ra đi đến vùng Viễn Đông. Ký ức về Cha Jean-Martin Moyë, Đấng Sáng Lập Dòng và là nhà thừa sai ở Trung Hoa, vẫn còn hiện diện trong tâm trí các nữ tu Chúa Quan Phòng. Chỉ cần một cơ hội cũng đủ để Dòng bắt đầu nhập cuộc.

Về mặt Giáo hội, vào năm 1850, địa phận Nam Vang được tách khỏi địa phận Tây Đàng Trong với Giám Mục đầu tiên là Đức Cha Michel. Đến năm 1864, ngài được gọi về Tòa Giám Mục Saigon trao quyền lại cho cha Aussoleil. Khoảng năm 1868, một phần đất của địa phận Saigon lại sáp nhập vào địa phận Nam Vang. Đó là hai tỉnh miền Tây: Hà Tiên và Châu Đốc.

Sau chiến tranh, vào năm 1873, Cha bề trên Lãnh địa truyền giáo Campuchia, cha Louis Aussoleil, sau khi đã xây cất một cô nhi viện tại Cù Lao Giêng, đã muốn nhanh chóng có ngay những nữ tu để chăm lo cho 40 trẻ em mà cơ sở ngài sẽ có thể đón nhận được. Với sự đồng thuận của các cha đồng hội, ngài đã cử một trong các cha thừa sai, cha Edme Silvestre đi tìm kiếm những nữ tu bên Pháp.

Cha CORDIER

Tất cả mọi việc đã được giải quyết  vào ngày 09/01/1875 do một bức thư của Cha Cordier viết cho Bề Trên Tổng Quyền Saint-Louis để cám ơn Bà Mẹ đã phái các nữ tu và tuyên bố chấp nhận các điều kiện của Bà.

PORTIEUX 1826

 Ngày 13/03/1875, một bức thư chung của các đấng bề trên Dòng tại Portieux được gởi cho toàn thể Hội Dòng yêu cầu những ai tự nguyện nếu ước muốn hiến thân cho công cuộc truyền giáo, thì hãy biểu lộ ý muốn của mình. Hơn 150 nữ tu đã tình nguyện ra đi. Sự lựa chọn của các đấng bề trên đã nhằm vào các nữ tu Isabelle Robert 40 tuổi, nữ tu Eusèbe Lamotte 32 tuổi, nữ tu Sylvère Miss 27 tuổi, nữ tu Romuald Bosredon 28 tuổi, nữ tu Elisa Beauzée 29 tuổi và nữ tu Anatolie Lambert 29 tuổi. Nữ tu Isabelle được bổ nhiệm làm bề trên.

Và ngày 29/11/1875, các nữ thừa sai đã rời khỏi Portieux và các bề trên, không khỏi băn khoăn, tiễn đưa các vị truyền giáo và đồng hành với họ trong bước đầu cuộc hành trình.

 

Sáu nữ tu người Pháp đầu tiên đến Cù Lao Giêng, ngày 12 tháng Giêng năm 1876

Ngày thứ hai 10/01/1876, các nữ tu đã đến Sài Gòn, nơi có hai nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres, cha Colson và cha Grosgeorge đang chờ đón họ. Trước tiên các nữ tu đi đến dòng các nữ tu Thánh Phaolô, nơi đây họ được bà bề trên Benjamin đón tiếp rất thân tình và rất sẵn sàng giúp đỡ họ.

 

Các nữ tu không muốn lấy thời gian vài ngày để nghỉ ngơi tại Sài gòn. Họ muốn đi tức khắc để đến Cù Lao Giêng là mục tiêu của cuộc hành trình. Nên ngay khuya hôm đó, các chị đã lên một chiếc pháo thuyền, rồi sau đó một chiếc ghe đưa họ đến Cù Lao Giêng vào lúc 1 giờ sáng ngày 12/01/1876. Các chị được cha Cordier và các linh mục, đang chuẩn bị trở về họ đạo sau khi vừa tĩnh tâm ở Cù Lao Giêng, ra tiếp đón cùng một đám đông dân làng đang chờ đợi họ. Cha Grosgeorge là cha linh hướng của các chị ở Cù Lao Giêng, đã hân hoan tiếp đón các nữ tu trong những điều kiện tốt nhất.

Có 03 nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá, đến giúp các chị và dạy các chị học tiếng bản xứ. Ba tuần sau khi đến Cù lao Giêng, các chị đã phải bắt tay ngay vào việc : nhận 14 trẻ mồ côi. Thế là bắt đầu Ấu Nhi viện Cù lao Giêng. Để đáp ứng nhu cầu cho Ấu Nhi viện thì phải có Cô Nhi viện. Từ đó phát sinh ra trường Sơ cấp, trường Dạy Nghề để chuẩn bị tương lai cho các em. Nhu cầu phát sinh nhu cầu và rồi lại phải có một Bệnh viện, một Chẩn Y viện, một nhà Bảo Sanh và một trại cùi cũng trong khuôn viên Cù lao Giêng.

Là con của cha Gioan Martinô Moye, sáu nữ tu đầu tiên rất ưu tư huấn luyện “cán bộ tại chỗ” để tiếp nối sự nghiệp của mình. Sau ba năm đến Việt Nam, đã có khoảng 10 thiếu nữ xin vào Dòng. Và một Tập viện được khai mở để đào tạo nữ tu bản xứ, ngày khai trương Tập viện đã được ấn định là ngày 24/05/1880.

Và Dòng phát triển mạnh, vươn mình ra xa hơn Cù Lao Giêng: Ấu Nhi viện và Cô Nhi viện Châu Đốc, Ấu Nhi viện, Cô Nhi viện và Cứu Tế viện ở Sa Đéc, đến tận thủ đô Nam Vang, sang bệnh viện Sóc Trăng với một ký túc xá cho nữ học sinh và một Cô Nhi viện; ngoài ra, các Nữ tu còn phục vụ trong 6 bệnh viện Nhà Nước: Rạch Giá, Long Xuyên, Bac Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Nam Vang.

Ngày 03 tháng 03 năm 1930 Hiến Pháp của Dòng được Tòa Thánh chấp nhận. Kể từ đây, Dòng Chúa Quan Phòng Portieux trực thuộc quyền Giáo Hoàng. Đồng thời Tòa Thánh cũng ra sắc lệnh cho chi nhánh Dòng tại Việt Nam được sáp nhập vào Dòng chánh. Thể theo đó, các Nữ tu Việt Nam được chính thức thừa nhận là Nữ tu Chúa Quan Phòng, trực thuộc Nhà Mẹ Portieux và Dòng Chúa Quan Phòng tại Việt Nam được hưởng mọi đặc quyền như Dòng chánh Portieux.

Biến cố mùa thu năm 1945 - Nhà Chánh của Dòng dời lên Nam Vang

Khoảng 15 giờ ngày 21.11.1945, mọi người trong Tu viện Cù Lao Giêng được mời ra khỏi nhà tay không! Thế là Cù Lao Giêng bỏ ngõ! Nhà Chánh của Dòng dời lên Nam Vang năm 1946.

Năm 1947, hai chị Justine và Raymonde trở về Cù lao Giêng bắt đầu phục hồi nhà cửa đổ nát, đồ vật mất mát hư hao 80% . Gần 10 năm  mới hoàn thành tương đối như cũ.

Năm 1950 hai chị Bernadine và Désire dẫn đệ tử từ Nam Vang về, nhà cô nhi cũng từ từ hồi phục, nhà lão, bảo sanh cũng sinh hoạt bình thường. Dòng mở trường cấp II , mở máy dệt mở lớp cắt may, đánh máy chữ…

        Nhà Chánh của Dòng dời về Cần Thơ

Năm 1955, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình về nhận Giáo phận Cần Thơ, vừa được tách khỏi Giáo phận Nam Vang. Năm 1957, Đức Cha đề nghị với Bề Trên Tổng Quyền lúc đó là Nữ tu Honorine Lullier dời Nhà Chánh Dòng về Cần Thơ. Ngày 02.02.1959, ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, là lễ mặc áo dòng cho 36 Thỉnh Sinh. Nhà Chánh của Dòng chính thức trở lại trên đất Việt sau 13 năm di tản. Trong thời điểm này, Nữ tu Chúa Quan Phòng hoạt động tại Nam Vang và Việt Nam vẫn còn trực thuộc một Bề Trên là người Pháp.

Đến năm 1965, Nữ tu Bénédictine HUỲNH THỊ NA, là người Việt Nam đầu tiên được chính thức bổ nhiệm làm Bề Trên Dòng tại Việt Nam.

Dù Tỉnh Dòng dời về Cần Thơ, nhưng tại Cù Lao Giêng các cơ sở xã hội, cô nhi, dưỡng lão…… vẫn hoạt động. 

Biến cố 1978 – tại Cù lao Giêng.

Năm 1978, theo chính sách của chính quyền đương thời, nhà Dòng hiến một phần tu viện để Sở Thương Binh và Xã Hội quản lý sử dụng cho các đối tượng xã hội, cô nhi, bô lão. Từ đó, nhà nước quản lý toàn bộ các ngôi nhà dành cho công tác xã hội của Dòng Chúa Quan Phòng, gồm Chẩn Y viện, Cô Nhi viện, nhà Dưỡng Lão, nhà Bảo Sanh….. Về đối tượng xã hội, tu viện bàn giao cho nhà nước lúc đó gồm có các trẻ cô nhi, các người già yếu tàn tật. Một số các cô nhi trên dưới 30 em xin ở lại với các nữ tu.

Một bức tường cao 2m được xây lên để phân chia ranh giới.

Ngày 21 tháng 03 năm 2012 – Nhà dòng nhận lại toàn bộ cơ sở mà Nhà nước đã quản lý từ năm 1978.

Nhà nước trao lại cho nhà dòng toàn bộ các ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng sau 34 năm quản lý. Nhà dòng đã tu sửa toàn bộ các ngôi nhà trong khu vực này; đồng thời phá hủy một số ngôi nhà không thể sửa chữa. Khu vực tu viện Cù Lao Giêng nay thuộc về tỉnh dòng Cù Lao Giêng.

* THAY ĐỔI CƠ CẤU DÒNG

Tổng Hội Dòng năm 1974 đã đem lại một thay đổi lớn trong cơ cấu Dòng. Từ nay Dòng Chúa Quan Phòng Portieux chia làm 3 Tỉnh Dòng: Pháp- Bỉ, Campuchia, Việt Nam.

Ngày 31.01.1975, Nữ tu Thérèse Monique Nguyễn Thị Hảo được bổ nhiệm làm Bề Trên Giám Tỉnh đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam.

Các Giám Tỉnh của Tỉnh dòng Việt Nam

  1. Nữ tu Thérèse Monique NGUYỄN THỊ HẢO 1974-1986
  2. Nữ tu Eustelle BÙI THỊ HOÀI 1987-1993
  3. Nữ tu Anne Lucie VÕ THỊ RI 1993-2001
  4. Nữ tu M.Emmanuel NGUYỄN THỊ PHIẾN 2002-2008
  5. Nữ tu M.Philippe ĐINH THỊ NHUNG 14/09/2008-15/11/2011

 * TÁI CẤU TRÚC TỈNH DÒNG

       Đến năm 2010, Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Việt Nam có gần 600 Nữ tu, hiện diện trong 10 giáo phận, phục vụ trong 96 cộng đoàn và 09 giáo điểm với những công tác đa dạng như mục vụ họ đạo, y tế, giáo dục, xã hội, đi truyền giáo nước ngoài.

      Số nữ tu ngày càng tăng, việc quản trị một Tỉnh Dòng lớn như vậy cũng không phải dễ dàng. Tỉnh Tu Nghị đầu năm 2010 đã đề nghị lên Tổng Tu Nghị việc tái cấu trúc Tỉnh Dòng với hơn 2/3 số phiếu của các đại biểu. Đề nghị này đã được Tổng Tu Nghị 2010 chấp thuận và được đệ trình lên Hội Đồng Dòng tại Campuchia năm 2011, Hội Đồng Dòng biểu quyết chấp thuận ngày 21/6/2011. Như thế, Tỉnh Dòng Việt Nam được tái cấu trúc thành 3 Tinh Dòng độc lập: Cần Thơ, Cù Lao Giêng và Tây Nguyên.

      Ngày 12 tháng 10 năm 2011, Bề trên Tổng quyền đã bổ nhiệm các Giám Tỉnh:

  • Tỉnh Dòng Tây Nguyên:           Nữ tu Marie Philippe Đinh Thị Nhung.
  • Tỉnh dòng Cù Lao Giêng:         Nữ tu Marie Auguste Nguyễn Tuyết Trang
  • Tỉnh dòng Cần Thơ:                Nữ tu Lucia Lê Thị Hạnh

      Ngày 15.11.2011, ba Tỉnh Dòng chính thức đi vào hoạt động.

   Tu viện Cù Lao Giêng được chọn là Nhà Chánh của Tỉnh dòng Cù Lao Giêng

 

BAN TRUYỀN THÔNG 

KHÁM PHÁ CÙ LAO GIÊNG – AN GIANG

KHÁM PHÁ CÙ LAO GIÊNG – AN GIANG

Cù lao Giêng, gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (Chợ Mới) thuộc tỉnh An Giang là điểm đến mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Cù Lao nằm giữa sông Tiền, có lịch sử khai phá hơn 300 năm, nơi đây từ lâu được biết đến là một “Cù lao xanh” được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu thuận lợi, cây trái quanh năm. Vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt vùng sông nước Nam Bộ, đặc sắc với các công trình văn hóa tín ngưỡng đồ sộ, người dân thì hiền hòa, mến khách. Cù Lao Giêng còn là nơi đã ghi lại dấu son lịch sử của phong trào cách mạng từ những năm 1930.

Cù lao Giêng, gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (Chợ Mới)

Đôi nét về cù lao Giêng

Cù lao Giêng có chiều dài khoảng 12km và chiều rộng khoảng 7km. Địa danh này còn có nhiều tên gọi khác nhau như Cù lao Đầu Nước, Dinh Châu hay Diên, Riêng, Den, Ven… Người Khmer thường gọi là Koh Teng. Tên gọi “Cù lao Giêng” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có nhiều tài liệu giải thích, dọc sông Cửu Long có nhiều cồn bãi, nhiều cù lao, trong đó cù lao Giêng là nơi được hình thành đầu tiên nên gọi là “giêng” (ý nói đến tháng giêng là tháng đầu tiên của năm). Tuy nhiên, cách lý giải trên chưa được thuyết phục. Theo người dân thì tên gọi “cù lao Giêng” xuất phát từ chữ “Giêng” do chữ “Doanh” (hay “Dinh”, nghĩa là nơi đóng quân) đọc trại (lái) ra.

Phong cảnh tuyệt đẹp của xứ Cù Lao

Thời Pháp thuộc, vùng cù lao Giêng có bến đò lớn, bến xe ngựa. Người Pháp cho dựng 2 cột dây thép với một cột ở gần đầu cù lao và một cột ở bên kia sông nhằm thiết lập liên lạc giữa cù lao và đất liền. Các chuyến tàu thủy đi Nam Vang (Phnom Penh – Campuchia) – Sài Gòn thường ghé trạm cù lao Giêng để đưa thư, rước khách. Thời kỳ nay, cù lao Giêng là một trong những địa thế quan trọng về giao thương lẫn phục vụ chiến đấu. Cù lao Giêng đã từng là căn cứ địa của Xứ Ủy Nam Kỳ, nơi phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân từ thời thuộc Pháp. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra không ít những người con anh hùng xuyên suốt bao thế hệ. Ngày nay, cù lao Giêng trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi đi du lịch An Giang.

Đường đi Cù Lao Giêng

Cù Lao Giêng cách trung tâm TP Long  Xuyên khoảng 25 km, cách TP Châu Đốc khoảng 60km. Muốn đến đây, từ Long Xuyên đi phà An Hoà để qua Chợ Mới. Đi thẳng đến cuối đường quẹo trái, đi thẳng tới hướng cầu Mỹ Luông – Tấn Mỹ.

Đường đi Cù Lao Giêng từ TP Long Xuyên trên bản đồ

Các điểm tham quan cù lao Giêng

Nằm biệt lập giữa bốn bề sông nước, du khách không khỏi ngạc nhiên và đầy thú vị bởi vùng đất nhỏ bé này ẩn chứa cả một quần thể di tích nhiều tôn giáo khác nhau. Du lịch Cù Lao Giêng, bạn còn được hòa mình vào không khí trong lành, tươi mát của “vương quốc xoài”, thưởng thức các món ăn vùng sông nước Miền Tây…Xin giới thiệu đến du khách các điểm tham quan không thể bỏ qua tại Cù Lao Giêng:

Nhà thờ Cù Lao Giêng

Trên địa bàn cù lao Giêng có rất nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo để du khách tham quan. Nổi bật nhất là những kiến trúc tôn giáo đặc trưng thời kỳ Pháp thuộc. Đến với cù lao Giêng du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm nhà thờ Cù lao Giêng. Đây là nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam. Ngôi thánh đường cổ đầu tiên ở xứ Nam Kỳ (trước Nhà thờ Đức Bà, TP. Hồ Chí Minh), được xây dựng từ năm 1877, dưới triều vua Tự Đức cho đến năm 1887 dưới triều vua Đồng Khánh mới hoàn thành; phần lớn vật liệu xây dựng nhà thờ được mang từ Pháp sang. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Romane, một loại hình kiến trúc phổ biến ở các nước phương Tây, chủ yếu là Trung Âu và Tây Âu. Kết cấu sử dụng nhiều cuốn nửa trụ, vòm nôi và vòm bán cầu, tháp chuông cao vút trông rất uy nghi, tráng lệ; các trụ cột được thiết kế liên hoàn, kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo nét cổ kính tuyệt đẹp. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà thờ vẫn tồn tại nguyên vẹn; giữa cù lao khuất nẻo, rợp bóng cây xanh nổi lên ngôi thánh đường cổ kính, uy nghi theo phong cách phương Tây làm cho lữ khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú.

Thánh đường Cù Lao Giêng

Tu viện Chúa Quan Phòng

Gần đó là Tu viện Chúa Quan Phòng dòng nữ Providence, thành lập năm 1874. Tu viện rộng trên 70.000m2 rêu phong, trầm mặc với thời gian, toát lên vẻ cổ kính, lâu đời, tạo cảm giác hoài cổ trong cái nhìn đầu tiên đối với du khách. Trong khuôn viên tu viện chen lẫn những vườn hoa đẹp, các nữ tu sĩ thả nuôi rất nhiều cá, tạo nên phong cảnh thiên nhiên hữu tình, gần gũi, níu chân lữ khách mỗi lần đến tham quan, thưởng ngoạn. Kiến trúc Châu Âu rất đẹp, nhưng do là nơi tu hành của các sơ, nên hạn chế người tham quan, muốn vào tham quan bạn cần phải xin phép. Hiện nay cơ sở chính của dòng nữ tu trên được đặt tại Cần Thơ, còn cơ sở ở Cù lao Giêng chỉ còn là nơi an dưỡng của các nữ tu già yếu thuộc dòng tu này.

Tu viện Chúa Quan Phòng

Tu viện Phanxico

Kế bên, Tu viện Phanxico rộng 71.000m2, xây dựng theo phong cách Gothic – lối kiến trúc ra đời sau phong cách Romane. Mái vòm nhọn, tu viện có nhiều cửa sổ và kích thước cửa sổ cũng lớn hơn. Từ cuối thế kỷ XIX, đây là chủng viện đào tạo linh mục cho giáo phận Nam Vang, đến năm 1957, giao lại cho dòng tu Phanxico. Ngoài ra còn có đền tưởng niệm thánh Phêrô Đoàn Công Quí và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. Tất cả tạo thành quần thể kiến trúc tôn giáo rất ấn tượng.

Tu viện Phanxico

Nhà thờ Rạch Sâu

Nhà Thờ Rạch Sâu nằm cuối cù lao, ở xã Bình Phước Xuân, đây củng một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, gợi nhớ đến một thời khai phá vùng đất bồi trù phú giữa dòng sông Tiền bát ngát.

Nhà thờ Rạch Sâu

Các ngôi chùa đẹp

Cù lao Giêng cũng là nơi có nhiều ngôi đình, chùa Phật giáo cổ kính như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự) cũng là di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia; Thành Hoa Tự (còn gọi là chùa Ông Đạo Nằm) ở xã Tấn Mỹ; chùa Phước Minh còn gọi là chùa Bà Vú ở xã Bình Phước Xuân, mang nhiều huyền thoại. Nổi bật nhất là chùa Phước Thành, một công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt đẹp.

Chùa Bà Lê

Chùa Ông Đạo nằm, còn gọi là chùa Thành Hoa gốc người Đồng Tháp, tu theo Phật giáo sau biến hoá dần, bày ra một hình thức tu luyện khác lạ. Không gian chùa yên tĩnh, mát mẽ với những ngôi chánh điện, ao sen. Đặc biệt, tháp mộ của tôn sư với kiến trúc nổi bật sắc màu của Phật giáo, dãy hành lang bao quanh tháp với những họa tiết rồng phụng bao quanh được làm bằng gốm sứ Biên Hòa tạo nét đẹp hài hòa, độc đáo.

Thành Hoa Tự

Chùa Bà Vú, ngôi chùa nổi bật giữa một màu xanh cây trái là ngọn tháp cửu trùng (chín tầng) và chiếc cổng tam quan nằm dọc ngay giữa con đường nhỏ vào chùa cũng là một điểm nhấn thú vị. Chùa Bà Vú nằm lặng lẽ trong khung cảnh bình yên của vùng đất cù lao, sau hơn 80 năm vẫn giữ nguyên các giá trị tâm linh độc đáo. Những câu chuyện huyền thoại về cuộc đời bà vẫn luôn là nét đẹp sống mãi trong lòng người dân và được du khách khi đến thăm viếng.

Chùa Phước Minh

Chùa Phước Thành tọa lạc tại xã Bình Phước Xuân đây là ngôi chùa có công trình kiến trúc hoành tráng nhuốm màu sắc tôn giáo nhưng cũng không kém phần độc đáo, mới lạ với dãy hành lang trên cao nối liền các điện thờ với nhau. Từ trên cao ngắm cảnh ngôi chùa mới thấy hết vẻ đẹp của đất và người nơi đây. 

Chùa Phước Thành

Từ xa du khách đã nhìn thấy một tượng phật A-di-đà cao 39 m vượt lên giữa bầu trời. Còn nhìn từ trên cao, toàn bộ kiến trúc của ngôi chùa cùng tượng phật A-di-đà và quần thể 48 vị bồ tát thánh chúng tại Chùa Phước Thành trở thành điểm nhấn với một màu vàng nổi bật trên nền xanh của những khu vườn cây ăn trái bạt ngàn. Một công trình tâm linh phật giáo đạt kỷ lục Guiness Việt Nam này đã được Hòa thượng Thích Huệ Tài, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang – Trụ trì Chùa Phước Thành phát tâm thực hiện suốt 15 năm ròng rã.

Di tích cách mạng lịch sử

Cù lao Giêng vẫn còn hiện hữu nhiều di tích cách mạng lịch sử cấp tỉnh và quốc gia, chứng tích của một thời đấu tranh oanh liệt chống thực dân, đế quốc như: di tích Cột Dây Thép (bờ Tấn Mỹ), nơi ghi lại sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Long Xuyên. Đình Tấn Mỹ – cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Bia chiến thắng xã Tấn Mỹ, nơi ghi dấu trận đánh ngày 14-11-1948 thắng lợi.

Đình Tấn Mỹ

Lăng Ba Quan Thượng Đẳng

Ngay trước nhà lồng chợ Phủ Thờ xã Bình Phước Xuân trên cù lao Giêng có di tích lăng mộ “Ba quan Thượng đẳng” – ba anh em người cù lao Giêng đã theo phò Nguyễn Ánh và lập nhiều chiến công. Sau đó cả ba anh em hy sinh ngoài chiến trường và được vua Gia Long về sau phong chức Thư Ngọc Hầu.

Lăng Ba Quan Thượng Đẳng

Điều đặc biệt thú vị là ba ngôi mộ này có núm mộ rất lạ lùng gợi sự tò mò cho khách tham quan. Khu mộ chỉ chôn các hình nhân tượng trưng, kích cỡ như người thật, được chở từ kinh đô Huế về bằng ghe bầu đi biển: nằm giữa (Thư Ngọc Hầu) núm đắp hình cá lý ngư, bên phải (Nguyễn Văn Kinh) núm đắp hình con qui (kim qui), bên trái (Nguyễn Văn Diện) núm đắp hình cá mực (mặc ngư). Câu chuyện về mộ phần với những sinh vật biển được bố cục kỳ lạ, đều có ngụ ý. Ba con vật đọc theo Mặc – Lý – Quy (Mặc đọc theo âm Hán nghĩa là cá mực, là sự im lặng), tức là “về trong im lặng”. Bởi vậy, tuy là võ tướng của triều đình, có công lớn, nhưng phần mộ của ba vị tướng nhỏ nhoi, nằm lặng lẽ giữa đồng, nay do người cháu trông coi và nắm giữ nhiều câu chuyện cụ thể, thú vị về ba vị quan cũng như ý nghĩa của lăng mộ kỳ lạ này.

Phủ thờ Nguyễn Tộc

Phủ Thờ hay còn gọi là Dinh Ba Quan Thượng đẳng – Nguyễn Tộc có từ năm 1909, được trùng tu, xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Vào phủ, du khách sẽ gặp các công trình chạm, lộng gỗ tinh xảo và các vật dụng trưng bày như khánh, biển, liễn thờ, đồ minh khí, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ hãy còn khá nguyên vẹn. Bên trong Phủ Thờ có bảy bàn thờ, gian giữa là bàn thờ chính thờ Thư Ngọc Hầu có tàn lọng, bài vị, minh khí, trên xiên ngang có tấm biển sơn son thếp vàng lớn đề ba chữ Hán “Bắc Đẩu Quang”. Hàng năm, vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 6 âm lịch, Phủ thờ Ba quan Thượng đẳng có diễn ra nghi lễ cổ truyền độc đáo. Du khách đến đây được xem những màn trình diễn như hát bội, rước sắc từ Cao Lãnh về, múa lân và được tham gia các trò chơi dân gian thú vị.

Phủ Thờ Nguyễn Tộc

Các nhà cổ mang đậm nét kiến trúc những năm đầu thế kỷ XX củng là điểm tham quan thu hút khách. Phần lớn đó là những ngôi nhà xưa được xây dựng từ năm 1916, mang lối kiến trúc nhà rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao tứ diện. Sân nhà là những chậu kiểng cổ được tỉa tót theo dáng thế “tam cang ngũ thường” – một lối kiểng cổ quen thuộc của người Nam Bộ.

Ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi

Bên cạnh đó du khách còn được tham quan các vườn cây ăn trái, các trang trại sinh thái ven sông, nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, làng nghề truyền thống như làng nghề đóng xuồng (xã Mỹ Hiệp), làng nghề mộc (xã Long Điền A), đan giỏ ny-lon (xã Tấn Mỹ)…; thưởng thức đờn ca tài tử, ngắm hoàng hôn trên sông Tiền…Điển hình như vườn sinh thái Út Hùm ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ rộng 6.000 m2 trồng các loại cây như sơ ri, ổi, mít, dừa xiêm và xoài ba màu. Trong đó, khu vực vườn dừa xiêm được chủ gia cải tạo cảnh quan, xây thêm nhà sàn trên mương để làm điểm tiếp đón khách. Ông còn bắt mấy nhịp cầu tre qua con mương nhỏ để khách trải nghiệm. Hai bên hàng dừa, chủ vườn treo một loạt xích đu cho khách thư giãn. Ngoài ra, ông còn trực tiếp hướng dẫn khách nước ngoài tham quan vườn xoài, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch xoài. Khách đến với vườn du lịch sinh thái Út Hùm đều được ông đãi ăn xoài chín, uống nước trà hoặc dừa xiêm, những thứ ông có sẵn tại vườn nhà.

Vườn sinh thái Út Hùm

Khách sạn, homestay Cù Lao Giêng Chợ Mới

Đến Cù Lao Giêng bạn nên ở lại để cảm nhận cuộc sống bình dị thường ngày của người dân xứ cù lao. Bạn có thể nghỉ lại tại các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn…trên địa bàn. Đặc biệt có các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện tiếp khách quốc tế như: Happy homestay An Giang ở xã Bình Phước Xuân, khách sạn 1 sao Thanh Bình (thị trấn Mỹ Luông) và khách sạn Lê Ngọc (xã Tấn Mỹ), Út Hùm Homestay… Với loại hình homestay du khách sẽ được cùng gia chủ trải nghiệm câu cá, gói bánh tét, làm đậu hủ, làm nhang… thực sự thú vị.

Đặc sản Cù Lao Giêng

Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn, trong đó có món cá bông lau, xôi phồng, dưa xoài, dưa cóc, rượu chanh chuối… 

Du khách thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn

Món ngon nổi tiếng nhất phải kể đến đó là dưa xoài. Xoài non chừng bằng ngón chân cái, gọt vỏ, xẻ đôi, hoặc xẻ tư, bỏ hột rồi cho vô nước ngâm. Sau đó, người ta rửa sạch, ngâm muối rồi đem xả một lần nữa khi ướp nước đường thắng cùng ớt đâm. Sau đó cho xoài đã ướp gia vị vào bọc ni lông, cột chặt miệng, đặt trong thùng xốp, dằn nước đá. Để có những miếng dưa xoài ngon là bí quyết ướp gia vị đúng liều lượng nhưng không sử dụng phèn chua hoặc hàn the để tạo độ giòn. Bốc miếng dưa có màu vàng nghệ đưa lên miệng cắn, dưa giòn trong răng nghe thấy “đã”, nhai nhẹ: vị mặn ngọt chua cay của nó thấm nhanh trong miệng. Muốn mặn, ngọt và cay “nặng” hơn thì chấm dưa vào dĩa muối ớt.

Dưa xoài

Ngoài ra bạn đừng quên mua dưa xoài hay xoài tươi về làm quà cho người thân và bạn bè. Hiện trên địa bàn có 500 ha xoài sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bạn có thể mua sắm tại các cửa hàng trái cây ở chợ Tấn Mỹ, các vườn xoài, cơ sở sản xuất dưa xoài Hương Giang, dưa xoài Trường Giang…

Xoài cù lao Giêng nổi tiếng trong nước và được xuất khẩu cả nước ngoài

Đứng trên cầu Mỹ Luông – Tấn Mỹ nhìn bao quát dãy đất cù lao xanh mượt trong làn gió sông Tiền đang ầm ập tràn về quả là điều thú vị và nghe lòng thư thái, lãng mạn vô ngần. Xa xa tiếng chuông ngân trong trẻo với bao thanh âm huyền bí từ các nhà thờ làm du khách phải xao lòng. Cù lao Giêng xứng đáng là một đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ, đại diện cho nền văn minh sông nước miệt vườn.

Dành một ngày để khám phá cù lao Giêng sẽ không uổng phí công sức của du khách. Nếu quý khách yêu thích cù lao Giêng và muốn khám phá nơi đây, có thể đăng ký tham gia Tour An Giang hoặc các Tour du lịch miền Tây có hành trình về An Giang của Thám Hiểm MeKong. Liên hệ để được hỗ trợ và tư vấn: Điện thoại: 0292.3819.219 – 0292.6265.888 – Di Động: 0932.886.008 (Ms Chi) – 0919.44.45.45 (Mr Tùng).

Ảnh: Sưu tầm