Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

VIỆC ĐẶT NẾN VÀ BÌNH BÔNG TRÊN BÀN THỜ








VIỆC ĐẶT NẾN VÀ BÌNH BÔNG TRÊN BÀN THỜ

Về việc đặt nến và bình bông trên bàn thờ, chúng ta trưng dẫn các khoản luật phụng vụ sau đây trong Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 2000:
Về việc trưng bông hoa, Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 2000, số 305, nói như sau: “Trong việc trang hoàng bàn thờ, cần giữ tính cách điều độ mực thước:
Mùa Vọng bàn thờ có thể được trang hoàng bông một cách điều độ, cho thích hợp với tính cách mùa phụng vụ này, mà không cho thấy trước niềm hoan lạc trọn vẹn của Ngày Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô. Vào Mùa Chay cấm không được trang hoàng hoa nơi bàn thờ, ngoại trừ Chúa Nhật “Laetare” (Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính.
Việc trưng bông phải luôn theo mực thước, và nên để chung quanh bàn thờ thì hơn là để trên bàn thờ”.
(xc. Sách Nghi thức trong các buổi phụng vụ do giám mục chủ sự (Caeremoniale episcoporum, editio typica 1984), số 236).
Sách Nghi thức trong các buổi phụng vụ do giám mục chủ sự, số 48, nói về việc trưng bông trên bàn thờ trong nhà thờ chính toà như sau: “Không được phép trưng hoa từ ngày thứ tư lễ tro cho tới thánh ca Vinh danh (Gloria in excelsis) trong Đêm vọng phục sinh và các buổi cử hành phụng vụ cho người chết. Nhưng trừ Chúa Nhật Laetare (Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay) và các lễ trọng và lễ kính”.
Sách Nghi thức trong các buổi phụng vụ do giám mục chủ sự, số 824, nói về việc trưng bông trên bàn thờ trong lễ an táng do giám mục chủ sự, như sau: “Bàn thờ không được phép trưng hoa. Đàn và các nhạc cụ khác chỉ được dùng để giúp cộng đoàn hát mà thôi”.
Về việc đặt đèn nến, Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 2000, số 306, nói như sau: “Trên bàn thờ chỉ được đặt những gì cần cho việc cử hành Thánh lễ, như: Sách Phúc âm từ lúc đầu buổi cử hành cho tới lúc công bố Phúc âm; từ phần chuẩn bị lễ vật cho tới lúc tráng chén, chén lễ với đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh, nếu cần tới, sau cùng là khăn thánh, khăn tuyết, tấm che chén lễ và sách lễ.
“Cũng có thể đặt một cách kín đáo những máy để làm lớn tiếng của linh mục, nếu cần tới”.
Về việc đặt đèn nến, Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 2000, số 307, nói như sau: “Mỗi khi cử hành phụng vụ, cần có những chân nến để tỏ lòng cung kính ca mừng lễ. Phải chú tâm đến cấu trúc các bàn thờ và của cung thánh để tùy nghi đặt các chân nến đó trên bàn thờ hoặc chung quanh bàn thờ cho có sự hòa hợp chung và không cản trở giáo dân nhìn thấy những gì đang thực hiện hoặc đặt trên bàn thờ”. .
Về việc đặt Thánh giá, Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 2000, số 308, nói như sau: “Cũng vậy, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt Thánh giá, mang tượng Chúa Kitô chịu nạn, làm sao để cộng đoàn có thể nhìn thấy được. Cũng liệu để Thánh giá này dùng để nhắc nhở lòng trí tín hữu tới cuộc tử nạn của Chúa Kitô, cả ngay ngoài buổi cử hành phụng vụ cũng đặt luôn gần bàn thờ”. Với các quy luật phụng vụ được ghi trên đây, chúng ta có những chi tiết như sau:
Trên bàn thờ không để đồ vật gì cả, ngoài Sách Phúc Âm (Évangéliaire), Sách lễ Rôma, chén lễ, bình đựng Mình Thánh.
Thánh giá, nến, bông hoa, để ở bên cạnh bàn thờ, hay gần bàn thờ.
Tuy nhiên, nếu cấu trúc của gian cung thánh và bàn thờ không cho phép thực hiện như trên thì cũng có thể để trên bàn thờ.
Lý do của việc này là: từ thời thánh Ambrosiô, bàn thờ là tượng trưng chính Chúa Kitô. Vì thế lúc đầu Thánh lễ, linh mục và phó tế hôn kính bàn thờ (Quy chế tổng quát sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 2000, số 49. 273) [1].
Rôma ngày 30.7.2003.


[1] Về việc đánh đàn trong Mùa Chay, Sách Nghi thức trong các buổi phụng vụ do giám mục chủ sự, số 41 nói như sau: “Từ thứ tư Lễ Tro cho tới khi hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục sinh, và trong các thánh lễ cầu hồn, việc đánh đàn chỉ dùng để giúp hát mà thôi. Trừ ngày Chúa Nhật Laetare (Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay) và các lễ trọng cũng như các lễ kính.
Từ khi hát Kinh Vinh Danh vào Thánh Lễ Tiệc Ly thứ năm tuần thánh cho tới Kinh Vinh Danh vào Đêm Vọng phục sinh, đánh đàn và các nhạc cụ khác chỉ được phép xử dụng để giúp hát mà thôi.
Trong Mùa Vọng, các nhạc cụ cần được xử dụng một cách điều độ, theo như tinh thần chờ đợi trong hân hoan của Mùa phụng vụ này, tuy nhiên không được cho thấy  trước niềm vui trọn vẹn của Ngày Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô” (xc. Bộ Nghi lễ, Huấn thị về Thánh Nhạc, 5-3-1967, số 66).

Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh.