Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

TIẾNG CHUÔNG - HỒI CHUÔNG BÁO TỬ





TING CHUÔNG

Trong kiến trúc Công giáo, tháp chuông là một công trình hết sức quan trọng và không thể thiếu đối với một Ngôi Thánh đường.
Người Công giáo nói riêng và có thể rằng, đại đa số người Việt Nam nói chung trong đời mình đã từng rất nhiều lần được nghe tiếng chuông nhà thờ. Xúc cảm và nỗi niềm của từng người về tiếng chuông có thể sẽ tỉ lệ thuận với thời gian mà đến một lúc nào đó, khi ta sống ở nơi không có tiếng chuông thì ta mới ngộ ra rằng mình đang bị thiếu vắng một âm thanh mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống mà bấy lâu nay ta ít để ý tới bởi vì nó quá đỗi quen thuộc; Với người Công giáo, âm thanh của tiếng chuông nhà thờ đã trở thành một yếu tố đã được mặc định trong đời sống thường nhật của mỗi người chúng ta.
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang ẩn chứa những thông điệp, những sắc thái, những giá trị văn hóa và mặc nhiên trở thành đối tượng mang lại sự hứng khởi để nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa…làm nên những tác phẩm hoặc những đề tài nghiên cứu của mình.
Lời tâm sự của một người ngoại đạo tuy đơn sơ nhưng lại tha thiết trong bài thơ ‘Khấn Nguyện” của Thi sĩ Khánh Quỳnh có đoạn:
…“Dưới tượng Người con thì thầm nho nhỏ
Xin ngôi cao minh chứng tấm lòng yêu
Chuông nhà thờ vọng vang mỗi buổi chiều
Chúa Nhật lễ sóng vai vào khấn Chúa”…
Và trong nhạc phẩm “Và Như Cơn Gió Thoảng” nhạc sĩ Bảo Chấn viết như sau:
…“Và như cơn gió thoảng
Giọng sơn ca hòa trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga ngân nga
Ðể em trong giấc mộng cầm tay anh
Nhẹ nhàng bay trên bầu trời lung linh sao sáng”…
Có lẽ là không quá khi chúng ta cho rằng tiếng chuông nhà thờ được ví như những nốt nhạc thánh thiện đóng vai trò trung gian, kết nối và chỉ lối cho mọi người đến với Chúa mà bất kể họ là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ, học cao hay thấp… thì cũng chỉ thế thôi! Và không một ai có thể độc quyền sở hữu tiếng chuông nhà thờ cho riêng mình, mà tất cả mọi người đều được sự đồng hưởng âm thanh tiếng chuông trong một không gian thiêng liêng tha thiết, nhẹ nhàng, thanh thản để gửi gắm tiếng lòng và niềm tin yêu của mình vào Thiên Chúa.
+ Tiếng chuông nhắc nhở mọi người đến với Chúa qua việc đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ:
Thiên Chúa luôn thương yêu chúng ta và Ngài luôn muốn mọi người chúng ta được sống hạnh phúc và được muôn ơn lành do Thiên Chúa trao ban. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta tự đánh mất những sự quí giá ấy khi chúng ta không thể chế ngự được cái bản năng thấp hèn của mình, chúng ta để cho cái tôi xấu xí của mình lên ngôi, làm hoen ố bầu khí yêu thương mà Chúa luôn mong muốn ở mỗi người chúng ta. Thiết nghĩ, những lúc gặp khó khăn như vậy, chỉ cần một phút lắng lòng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, để rồi chúng ta chạy đến cùng Chúa và thân thưa với Ngài để được nhận sự bao dung từ Người Cha chung duy nhất của mỗi chúng ta. Chúng ta xác tín rằng, khi đến với Chúa, dù thế lực của bóng tối và sự dữ có tầm khuynh loát như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng phải dừng bước trước ánh sáng tình yêu của Chúa khi soi rọi vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Và khi đó, sự lành sẽ lên ngôi!

+ Tiếng Chuông Chào Mừng Đấng Cứu Thế:
Tiếng chuông ấm cúng sưởi ấm mỗi người chúng ta trong đêm đông giá lạnh, là niềm vui, là niềm hy vọng không chỉ riêng cho tín hữu Công giáo mà đến nay sự lan tỏa của niềm vui Giáng sinh đã bao trùm ở cả cấp độ thế giới:
 “Mừng ngày chúa sinh ra đời, nào mình cùng nắm tay tươi cười
Hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui
Mừng ngày giáng sinh an hòa ,mừng hạnh phúc cho muôn nhà !
Từ thành phố hay đồng quê muôn nơi vang tiếng hát ca vang lừng
Đêm noel đêm noel ta hãy cùng vui lên!
Đêm noel ơi đêm ta xin ơn trên ban hòa bình cho trần thế
Đêm noel! chuông vang lên! chuông giáo đường vang lên
Đêm noel đêm noel ta hãy chúc nhau câu cười!”… (James S. Pierpont)

+ Tiếng Chuông Mừng Chúa Phục Sinh:
Tiếng chuông hoan hỉ, vỡ òa niềm vui trong đêm Đại Lễ mừng Chúa Phục sinh đã cho chúng ta biết:
“Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa đã sống lại thật rồi người ơi vui lên tiếng ca. Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa chiến thắng tử thần rồi đem nguồn hạnh phúc khắp nơi
Vì đêm qua đã tàn rồi. Giờ vinh quang Chúa rạng ngời. Ngày tươi lên ánh vui. Hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời. Ngài ban cho khắp trần đời. Mừng hát lên người ơi”….( Nguyễn Duy).
+ Tiếng chuông cho biết một đôi uyên ương lãnh nhận Bí tích Hôn phối:
Thật là đẹp đẽ và Thánh thiêng biết bao khi:
Chú Rể: “em hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.
Cô Dâu: “anh hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của em, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.
Tiếng chuông nhà thờ rộn rã vang lên báo hiệu niềm vui và cho biết rằng đại gia đình của Giáo hội vừa có thêm một thành viên gia đình mới. Đây chính là đặc điểm khác biệt và chỉ có ở trong hôn nhân Công giáo! Và nền tảng của hôn nhân Công giáo chính là tình yêu trong Chúa và bất khả phân ly.
+ Tiếng chuông cho biết cuộc sống của một người đã có Sự Thay Đổi:
Tiếng chuông sầu, từng nhịp buồn, lặng lẽ... Tiếng chuông nhân từ báo hiệu 7 tiếng cho biết người nam, 9 tiếng cho biết người nữ vừa mới qua đời.
Với người công giáo thì hẳn nhiên luôn có niềm tin và hy vọng lớn lao vào sự sống mai sau và vĩnh cửu:
“Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui”... (Phanxico).
Vì thế, tiếng chuông sẽ thôi thúc chúng ta mau chóng chạy đến với anh chị em của mình, bằng câu kinh tiếng hát dâng lên Chúa, xin Chúa thương xóa tội để linh hồn của những anh chị em ấy sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
+ Tiếng chuông của những sự kiện khác:
Tiếng chuông trong Thánh Lễ giao thừa, cộng đoàn tạ ơn Chúa qua một năm được nhận lãnh những ơn lành Chúa ban và cầu xin một năm mới bình an; Tiếng chuông báo hiệu cho các vị phụ huynh đưa con đến nhận lãnh Bí Tích Rửa tội; Tiếng chuông của những giờ chầu Thánh Thể… tất cả mang âm hưởng thánh thiện, kết nối chúng ta đến với Chúa.
+ Tiếng chuông Nhà thờ Duyên Lãng - Xuân Lộc quê tôi:
Giáo xứ Duyên Lãng, Xuân Lộc quê tôi có truyền thống đạo đức tốt đẹp và đời sống đức tin bấy lâu nay được chăm sóc bởi một vị Mục Tử Nhân Lành – đáng kính!
Tiếng chuông nhà thờ Duyên Lãng đều đặn ngân vang thường nhật hai lần vào ngày thường, buổi sáng sớm lúc 03g45, buổi chiều lúc 16g30; Ngày Chúa nhật ba lần, buổi sáng lúc 03g45 và 06g30, buổi chiều lúc 15g00; Tiếng chuông báo hiệu giờ đọc kinh Mân Côi và chầu Thánh Thể vào lúc 18g30 mỗi tối thứ năm hàng tuần; Tiếng chuông buổi chiều thứ năm đầu tháng báo hiệu sinh hoạt giới Hiền Mẫu, sau đó là Thánh Lễ; Tiếng chuông buổi chiều thứ sáu đầu tháng báo hiệu giờ Đền Tạ Thánh Tâm Chúa, sinh hoạt Giới Gia Trưởng, Thánh Lễ… và những tiếng chuông vang vọng tự khắc khơi gợi sự Thánh thiện của mỗi giáo dân, đã tự vẽ ra khung cảnh lúc bình yên, lúc sinh động trong xứ đạo khi thực thi đời sống đức tin.
Không “ngoa” khi cho rằng tiếng chuông buổi sáng sớm tại xứ đạo Duyên Lãng vô hình trung đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức chung của cả địa bàn xã Nhân Nghĩa, một phần của xã Long Giao và Hàng Gòn. Khi tiếng chuông ngân vang, những giáo dân đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, những cư dân địa phương là người lao động hay những tiểu thương, viên chức…thức giấc để chuẩn bị bắt tay vào công việc của một ngày mới, những học trò thức sớm ôn bài vở trước khi đến trường,...
Một lúc nào đó khi bạn muốn rời khỏi nơi ồn ào náo nhiệt, mời bạn về thăm xứ đạo Duyên Lãng của chúng tôi; Để mỗi lần nghe tiếng chuông nhà thờ, bạn sẽ được trải nghiệm về một vùng quê êm đềm; tiếng chuông thanh bình sẽ giúp mỗi chúng ta thức tỉnh, đưa chúng ta trở về với thực tại trong vòng tay yêu thương của những giáo dân hiền hòa và sự quan phòng của Chúa.
+ Lời kết:
Vấn đề đô thị hóa tại những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội… và những âm thanh từ những nhà máy, xí nghiệp cộng với cuộc sống xô bồ đã và đang làm mờ dần đi những tiếng chuông nhà thờ. Dẫu biết rằng tiếng chuông nhà thờ trong thành phố vẫn đổ nhưng hiệu ứng âm thanh của tiếng chuông đã không còn vang vọng đến tai của giáo dân do tác động của những âm thanh hỗn tạp.
Đối với những người hoài cổ thì việc nghe được tiếng chuông nhà thờ hiện nay tại các thành phố lớn sẽ là điều sa sỉ, và với họ miền kí ức về tiếng chuông nhà thờ ngân nga bấy lâu nay bất chợt lại hiển hiện quay về.
Khi hỏi một giáo dân rằng âm thanh nào quen thuộc, ấm áp và dễ chịu nhất đối với họ thì tôi tin rằng, họ sẽ trả lời đó là tiếng chuông nhà thờ!
Không biết từ bao giờ, tiếng chuông đã đi vào tiềm thức của mọi người như là một âm thanh thiêng liêng và không thể thiếu trong cuộc sống đời thường. Với nhiều người, tiếng chuông đã không thể tách rời với ký ức tuổi thơ, với những kỷ niệm khó quên và luôn mãi gắn liền cho đến khi họ trưởng thành và cả khi tuổi của họ đã về chiều xế bóng. Quay về ký ức tuổi thơ thì không ít người trong chúng ta đã từng được đu theo sợi dây chuông và từng hân hạnh được nhận những “ nhát roi tình thương” của cha mẹ khi đã chuông nhất rồi mà vẫn chưa tắm rửa để đi Lễ!
Không cần phải tranh luận làm gì mà phải khẳng định luôn rằng mỗi nhà thờ chắc chắn sẽ có một tháp chuông. Nhưng chúng ta lại ít khi nghĩ tới rằng ai sẽ là người đảm nhiệm việc giật chuông. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào. Đây là công việc chỉ thực hiện được bởi những người có tâm huyết, siêng năng, đạo đức, biết hy sinh và lặng thầm với công việc của mình. Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành để họ luôn hoàn thành phần việc của mình một cách tốt đẹp nhất, để âm thanh từ tiếng chuông nhà thờ được liên tục ngân vang trong mỗi xứ đạo của chúng con, để những người con xa quê hương vẫn cứ mang một nỗi nhớ và tìm về ./.

Joseph Nguyễn





Hồi chuông báo tử

Chương 7

Nhà thờ xứ chỉ cách xa nhà thờ họ chừng ngót một cây số ngàn. Khác nhau có một chữ thế thôi mà địa vị hai cơ sở khác hẳn nhau. Xứ gồm nhiều họ. Mỗi họ lớn đều có một ngôi thánh đường. Nhưng nhà thờ xứ sầm uất phồn thịnh hơn nhà thờ họ cả trăm lần. Lý do vì các lễ nghi diễn ra thường nhật tại nhà thờ xứ, còn nhà thờ họ thường khi đóng cửa then cài. Cả năm chỉ có đôi ba tuần lễ, linh mục hàng xứ sang hàng họ làm phúc, quang cảnh nhà thờ họ mới náo nhiệt vui vẻ mà thôi.
Nhà thờ họ này vốn to nhất địa phận, đứng sừng sững giữa một khoảng đất rộng chừng vài mẫu ta. Ngọn tháp chuông cao vút chọc thẳng lên trời, đội trên đầu một cây thánh giá sắt. Tháp chuông này tượng trưng cho một hình ảnh cao cả: đó là ngón tay Thượng Đế chỉ cho loài người Nước Thiên Đàng đầy sự hoan lạc bình yên. Phúc thay cho những ai đến với Chúa, phúc thay cho những ai đi theo con đường Chúa đã chỉ dẫn, vì họ sẽ tới được nơi cao sang tột bậc và bền vững vô cùng. Có phải thế chăng?
Sáng, trưa, chiều và nửa đêm, quả chuông đồng trên ngọn tháp lắc lư theo đà dây kéo, truyền ra khắp các hướng trời những âm thanh trầm bổng. Ngôn ngữ của khối kim khí thanh tao ấy cũng có nhiều sắc thái khác nhau: sầu thảm, vui mừng, thờ ơ, rộn rã, than van, thúc giục, cầu khẩn, trêu cợt, tiếng chuông đổi thay tùy theo thời tiết và thời gian của mỗi năm. Tiếng chuông nồng nàn trong tuần đại phúc khác với tiếng chuông bình thản hằng ngày; tiếng chuông vào buổi nắng ráo sáng sủa, khác với lúc đất trời nặng nề u ám.
Vấn đề còn tùy thuộc một phần lớn vào kẻ kéo chuông, khi buồn khi vui, lúc no lúc đói, trạng thái tâm hồn và thể chất hắn có ảnh hưởng nhiều đến tiếng chuông nhà thờ họ này.
Việc kéo chuông vốn là trách nhiệm của bác từ trong làng. Địa vị bác vốn thấp kém nhưng bác sung sướng nhàn hạ hơn tất cả mọi người. Chỉ có việc trông coi nhà thờ, và canh cho đúng giờ để kéo chuông, thế thôi. Nhà bác từ ở sát nách nhà thờ, thấp thoáng trong một hàng rào cây găng bốn mùa xanh ngắt. Sống giữa cảnh cô tịch nhàn hạ, bác thường uống rượu cho vui. Mới đầu uống ít, sau uống nhiều. Dần dần bác nghiện rượu. Một lần ông trùm họ bắt gặp bác say rượu nằm ngủ dưới cuối nhà thờ ngáy rền. Ông trùm vừa tức tối vì hành động bất kính của bác vừa lo sợ thay cho bác là Chúa sẽ trừng phạt bác về tội ngủ trong nhà thờ. Ông hối hả lay bác dậy bắt về nhà ngủ. Trước mặt người trên, bác chợt tỉnh rượu, chắp tay bái ông trùm để xin xá lỗi. Vốn nhân từ, ông trùm cũng bỏ qua hành động của bác, chỉ khuyên răn và nhắc nhở rằng nhà thờ là nơi để cầu nguyện chứ không phải để ngủ. Và nghiêm nét mặt, ông trùm nói nhỏ với bác, cảnh cáo là Chúa có thể sẽ trừng phạt bác nhãn tiền về tội say sưa bừa bãi như vậy.
Nhưng ít lâu sau, trong lúc ma men ngự trị thể xác, bác từ yếu đuối kia quên phăng những lời cảnh cáo khuyên bảo của ông trùm. Kéo chuông xong bác lại nằm vật xuống sàn nhà thờ mà ngủ. Ở đây rộng rãi mát mẻ hơn ở nhà, lại tĩnh mịch vì không có tiếng khóc ỉ eo của đứa con dại, và tiếng ru sầu thảm của bà vợ gầy gò.
Ngủ thỏa thuê rồi bác trở dậy lấm lét nhìn lên ngọn đèn lù mù trước bàn thờ Chúa, rồi lùi lũi về nhà. Chúa không hề trừng phạt bác. Ý hẳn Đấng cao cả đâu thèm chấp nhất đến những cử chỉ liều lĩnh của bác từ say rượu tầm thường kia. Trong bầy lũ thế nhân dưới cõi trần tội lỗi này, có biết bao việc càn dỡ gấp trăm lần việc bác từ nghèo nàn nằm ngủ quên trong thánh đường. Nhà nó thấp bé chật chội thì nó tới đây ngủ một chút cũng chẳng sao. Thánh đường vừa rộng rãi vừa hoang vắng. Chắc hẳn Chúa cũng chẳng hẹp lượng mà chấp nhất với bác như ý nghĩ trong khối óc nông cạn của ông trùm họ. Mà bác từ vốn dĩ vẫn kính trọng Chúa, chăm chỉ kéo chuông. Đã uống say, đã ngủ ngon giấc, bác từ thấy trong người khoái hoạt, hai cánh tay như có thêm sức mạnh. Bác ghì sợi dây thừng một cách dẻo dai hơn, nhịp nhàng hơn. Trên tháp cao, quả chuông chuyển động thật uyển chuyển, phóng những âm thanh khoan nhặt vào lòng không khí. Cả ngôi làng êm ả như lung linh trong màn sương chiều khi tiếng chuông ngân nga. Chuông thay lời Chúa nhắc nhở cho mọi người bổn phận cao quý của họ đối với Thượng Đế, với kẻ đồng loại và với chính mình. Tiếng chuông là lời nhắn nhủ của Chúa, còn đôi cánh tay gầy gò của bác từ là một phần động lực làm phát hiện những thanh âm huyền diệu đó. Những tín đồ đạo đức trong làng tạm ngưng công việc, cúi đầu nghe tiếng chuông gợi cảm và lặng lẽ làm dấu thánh giá. Nghe tiếng chuông, người ta thường chỉ nghĩ tới Chúa và nghĩ tới hạnh phúc trong gia đình mình. Gần như không khi nào người ta nghĩ tới bác từ gầy gò đang vận dụng hết sức lực để kéo sợi dây chuông.
Càng nhiều tuổi, bác từ càng say sưa nhiều hơn, đến đỗi nhiều khi bác ngủ khì quên cả kéo chuông. Nhân từ đến mấy, ông trùm họ cũng chẳng sao làm ngơ cho bác. Mà dầu ông có muốn làm ngơ đi nữa cũng không thể được. Còn có làng nước chứ. Thiếu tiếng chuông báo hiệu giờ cầu nguyện đồng thời cầm chừng cho giờ làm việc. Năm giờ sáng, đa số các người nhà quê nghe tiếng chuông ngân liền trở dậy làm việc. Buổi trưa, buổi tối, họ xếp công việc lại khi tiếng chuông nổi dậy. Tiếng chuông quan hệ đến đời sống hằng ngày của mọi người. Quên kéo chuông quả là một tội lỗi nặng nề không thể tha thứ. Ông trùm liền họp các bậc chức sắc trong làng để định thái độ với bác từ hư hỏng kia. Sau một cuộc bàn định sôi nổi, hội nghị quyết định truất phế bác từ. Nhưng người ta cũng biết ái ngại cho gia đình bác. Mất công việc làm ăn, rồi đây gia đình bác biết trông nhờ vào đâu để sống. Sau cùng người ta giải quyết êm thắm vấn đề này bằng cách cấp lại chức vụ kéo chuông cho thằng Phả, con trai bác từ. Thằng bé vừa lớn lên, sức lực có thừa ắt hẳn sẽ làm tròn nhiệm vụ. Vả chăng, hội nghị còn nghĩ rằng: "Con vua thì lại làm vua, con bác từ chùa lại quét lá đa". Con sãi chùa làm sãi chùa thì con bác từ ở nhà thờ nối nghiệp bố thật hết sức hợp lý. Các cụ trong hội nghị lấy làm đắc ý về quyết định này lắm. Từ đấy thằng Phả lên thay quyền bố nó, nhưng cũng phải qua một thời kỳ tập tành. Ông bố truyền nghề cho con ông. Kéo chuông cũng khó khăn lắm chứ. Phải biết giật sợi dây thừng thế nào cho chuông lắc lư đều đặn. Nhỡ tay một chút là hỏng cả. Tiếng chuông người chết khác với tiếng chuông báo hiệu những dịp vui mừng. Tiếng chuông dịp Sinh Nhật khác với tiếng chuông Mùa Chay. Bố chăm chú chỉ dẫn, con chăm chỉ thụ giáo. Chỉ một vài ngày, thẳng Phả trở thành một chú sãi có tài. Ngay trong bước đầu, nó đã tỏ ra có nhiều năng khiếu đối với nghề giật thừng và ít lâu sau nó vượt hẳn bố trên phương diện kéo chuông. Tiếng chuông của nó rất quyến rũ, rất gợi cảm, đặc biệt là khi có kẻ vừa qua đời. Như một nhạc sĩ giỏi trình bày những điệu nhạc sầu, thằng Phả biết tạo cho tiếng chuông sầu của nó một linh hồn. Mỗi lần nghe tiếng chuông báo tử, những đàn bà đa cảm trong làng đã phải nâng vạt áo chùi nước mắt. Không một nhà thờ nào trong xứ có tiếng chuông thê thảm, đau đớn đến như vậy. Phải là một thiên tài mới có thể sử dụng dây chuông một cách tài tình như thế. Và cũng như tiếng đàn, tiếng chuông thường biểu lộ chân thành tâm hồn kẻ kéo chuông.
Tuy trẻ tuổi, nhưng thằng Phả vốn đã có một bộ mặt đăm chiêu âm thầm. Nó rất ít nói, ít cười, lúc nào cũng trầm lặng, lờ đờ như một nhà khổ tu. Thỉnh thoảng, sau khi kéo chuông nó leo thang lên tầng tháp thứ ba ngắm cảnh vật xung quanh. Vào những đêm sáng trời, nó ngồi hàng giờ trên tháp chuông ngửa mặt quan sát những đám mây đám sao trên trời. Ai biết được gã trai trẻ đó đang mãi tìm tòi gì trong đám tinh vân mù mịt ấy. Ai biết được gã đang nghĩ ngợi đăm chiêu chuyện gì.
Thằng bé vốn đa tình, mới mười tuổi đầu đã mê gái. Nó mê một con bé bằng trạc tuổi. Ngày ngày, nàng tiên kiều diễm kia cắp sách đi học thường vẫn đi qua trước cửa nhà thờ. Mỗi khi nghe tiếng chuông vang động trên ngọn tháp, cô bé lại dừng bước ngẩng mặt nhìn quả chuông thấp thoáng lay động trong khung cửa sổ. Giữa mớ tóc ngắn xõa xuống hai bờ vai, khuôn mặt trái xoan trắng muốt lộ ra trông thật hiền hậu, dịu dàng. Cặp mắt to đen láy đượm một vẻ quyến rũ, say đắm lạ lùng. Thằng Phả vốn vẫn để ý tới con bé ấy, nhưng chưa bao giờ nó dám mơ tưởng gì cả. Chỉ là một chú sãi con một bác sãi, nó đâu dám hy vọng sẽ lọt vào mắt xanh con bé xinh xắn sang trọng kia. Con bé là quý nữ độc nhất của một vị chức sắc giàu có trong làng. Địa vị một chú sãi nhà thờ với một cô nữ sinh con nhà giàu quả là chênh lệch rất nhiều. Không có chút hy vọng nào chiếm được trái tim người đẹp nhưng thằng Phả vẫn có quyền ngắm nghía con bé chứ sao. Vào lúc cô bé đi qua, thằng Phả đứng lảng vảng dưới chân tháp để ngó tấm thân uyển chuyển và khuôn mặt kiều diễm ấy. Nhưng ngày nào cũng giáp mặt người đẹp trước sân nhà thờ thì thằng Phả hơi ngượng. Nó đổi vị trí, leo lên tháp chuông, đứng trước cửa sổ để nhìn ngắm cho tự nhiên hơn. Đứng trên tháp có điều hại nhưng cũng có điều lợi. Hại ở chỗ nhìn không rõ mặt con bé nhưng lợi ở chỗ có thể thấy con bé rất lâu ngay cả khi con bé đã rẽ vào những đường giong.
Mới đầu, cô bé không biết thằng Phả đang rình nó trên tháp. Cô đi đứng tự nhiên, một bàn tay ép sách vào ngực còn bàn tay kia thõng xuống, khẽ ve vẩy bên đùi. Nhìn cái thân hình óng ả đó Phả thấy lòng mình rung động nhè nhẹ. Một chút rạo rực khẽ chuyển trong thân thể nó.
Rồi một chuyện xảy ra đã làm xáo trộn tâm hồn thằng bé đa tình. Một buổi trưa mùa hạ, ánh nắng gay gắt đổ xuống khắp làng, cô bé đi học về vẫn qua nhà thờ như thường lệ. Đến trước nhà thờ, hình như bị bóng ngọn tháp và cây cối chung quanh quyến rũ nên cô bé dừng lại ngồi nghỉ trên bậc thềm dưới chân tháp. Thằng Phả đứng rình trên tháp nhưng cô bé không biết. Cô ngửa hẳn người dựa lưng vào tường nhà thờ, duỗi thẳng hai ống chân và hít mạnh mấy hơi dài cho đỡ mệt mỏi. Phả uốn người ra phía ngoài cửa sổ ngó xuống. Dưới mái tóc đen, bộ ngực con bé nhô hẳn lên và phập phồng theo hơi thở. Tà áo lụa bị gió thổi sang bên để lộ bộ đùi nổi hằn dưới hai ống quần lĩnh bóng. Con bé tuy còn ít tuổi nhưng vốn dĩ khoẻ mạnh nên bộ ngực đã căng tròn và bộ đùi vừa dài vừa mập trông có vẻ ngon lành… quá chừng.
… Nó quay mặt đi, rồi quay lại. Hai ống chân ma quái kia thò hẳn ra ngoài nắng và ánh sáng mặt trời làm cho chúng nõn nà bóng bẩy thêm.
Lát sau con bé thong thả kéo ống quần xuống… Thằng Phả giật mình như vừa tỉnh giấc mơ. Vô tình nó thụt hẳn vào trong thân thể hơi run rẩy, dường như vừa phạm một tội lỗi xấu xa. Con bé đã đứng dậy, lơ đãng cầm mấy cuốn sách thong thả bước đi dưới những bóng cây xanh thấp thoáng ánh nắng. Người đẹp đã khuất sau rặng tre um tùm ở cuối một đường đất nhỏ nhưng thằng Phả vẫn đứng thẫn thờ trên tháp. Nó áp má vào quả chuông đồng mát rượi cho mặt đỡ nóng, rồi dùng móng tay trỏ khẽ cào vào mặt chuông. Từ tảng kim khí gợn lên một âm thanh rất nhỏ nhưng Phả vẫn nghe rõ. Đối với chú sãi trẻ tuổi, chút âm thanh ấy là một lời yên ủi. Phả đăm đăm nhìn quả chuông như nhìn một người bạn thân thiết. Chỉ duy quả chuông này biết được mối tình thầm kín của nó từ đây. Thằng bé lần xuống mấy cây thang gỗ, uể oải thờ thẫn như kẻ mất hồn. Mà thật thế, hồn nó còn đâu. Hồn nó đã bị tấm thân óng ả của cô nữ sinh kia thu hút mất rồi.
Lá vàng lìa cành rụng nhiều xuống mặt đất. Thời tiết cuối thu ở miền duyên hải xứ Bắc mỗi ngày một thêm lạnh lẽo. Trên bầu trời mờ xám, thỉnh thoảng có những đàn chim di thê bay đi tìm những miền ấm áp hơn để tránh mùa đông sắp tới. Mỗi khi lên gác chuông thằng Phả phải mặc thêm áo, nó mặc một chiếc áo nâu rách nhưng bề ngoài nó thường khoác thêm một chiếc sơ-mi trắng tuy có chỗ đã vàng ố nhưng vẫn còn lành lặn. Tóc nó để dài hơn và được vuốt bằng nước lã cho ép sang hai bên.
Ai biết được trong lòng chú sãi nhà thờ họ đã nảy ra một mối tình thầm kín, vô vọng. Không ngày nào nó không luẩn quẩn ở khu nhà thờ để chờ đợi cô bé đi qua. Nó tới trước rất sớm, chờ đợi trong sự mong mỏi hồi hộp. Cô bé vô tình không hay biết gì cả. Tuy đôi ba lần bắt gặp Phả đứng trên gác chuông ngó xuống, cô thoáng để ý tới hành động cử chỉ của Phả, nhưng chẳng bao giờ nghĩ là thằng sãi thấp kém đó dám say mê cô. Một lần cô ngước mắt chăm chú nhìn Phả rồ cúi xuống cười lặng lẽ. Chỉ có thế thôi nhưng thằng Phả cũng giật mình đến đỗi bàng hoàng cả người. Trời ơi, cái nhìn kia sao có vẻ đắm say thân mật như vậy, và nụ cười đó chắc hẳn bao hàm một ý nghĩa tốt đẹp đối với Phả. Thằng sãi không dám tin cô bé có cảm tình đặc biệt với nó nhưng nó vẫn phải nhận rằng ánh mắt và nụ cười của người đẹp có một ý nghĩa tốt lành quá. Thật ra nỗi cảm động của Phả chỉ là kết quả của một ảo tưởng hão huyền. Trời sinh ra đôi mắt cô bé có một vẻ đắm say, dễ dãi tự nhiên thế thì dầu cô có nhìn tảng đá, mắt cô cũng vẫn như vậy chứ có phải cô nhìn riêng Phả bằng ánh mắt ấy đâu. Thấy Phả đứng trên lầu cao thì cô nhìn chơi, rồi thấy dáng điệu Phả luống cuống thì cô cười. Nụ cười hồn nhiên không hề có ẩn ý gì hết.
Nhưng chính cái ảo tưởng hão huyền buổi đó khiến Phả bắt đầu dám mơ ước hơn. Nếu tình yêu có thể khiến cho kẻ hèn nhát trở nên can đảm, như lời một nhà văn đã nói, thì sự si tình đã khiến thằng Phả dám vượt ra khỏi địa vị nó lắm chứ. Tình yêu điên dại của nó thoáng nảy ra một tia hy vọng nhỏ bé. Hy vọng điều gì, nó cũng chẳng biết rõ nữa. Nhưng tâm hồn nó đỡ đau đớn, tủi hổ hơn trước. Người con gái mỹ miều ấy đã chẳng nhìn nó và cười với nó đấy hay sao. Thằng Phả cảm thấy đầu óc lao đao hốt hoảng hơn, nhưng nó cũng sung sướng, hồi hộp hơn.
Tuần đại phúc tới vào khoảng giữa mùa đông. Cha chính xứ phái sang làng Phả một vị linh mục để tổ chức các lễ nghi tại nhà thờ họ. Không khí nơi này bắt đầu tưng bừng náo nhiệt. Cả năm chỉ có hai tuần đại phúc, một vào khoảng giữa năm và một vào khoảng cuối năm. Những tín đồ trong làng hân hoan đón mừng vị linh mục đại diện hàng xứ. Ai nấy đi xưng tội để dọn mình rước lễ cho thật trọng thể. Suốt trong bảy ngày, nhà thờ họ sáng chiều nào cũng đầy người. Sáng có lễ mi-sa, chiều có chầu Mình Thánh. Đầu tuần và cuối tuần có rước kiệu chung quanh làng. Trước sân nhà thờ có những cột cờ cao vút được dựng lên, trên ngọn phất phới những lá cờ ngũ sắc. Lòng nhà thờ cũng được trang hoàng bằng những dây lụa đủ màu. Đèn nến rực sáng trên bàn thờ. Hương hoa bốc mùi thơm ngào ngạt. Chú sãi Phả lại phải một phen làm việc vất vả. Tuy vậy, Phả rất hài lòng vì trong tuần đại phúc ngày nào người đẹp của Phả cũng tới nhà thờ cầu nguyện. Tiếng chuông nhà thờ thường khi rất tưng bừng rộn rã nhờ ở đôi tay linh hoạt đầy sinh lực của Phả. Lòng Phả vui vẻ, tuần đại phúc vui vẻ ắt hẳn tiếng chuông phải rền lên những giọng hân hoan. Trước kia Phả tài tình trong việc tạo nên những tiếng sầu, bây giờ gã tài tình cả trong những điệu vui mừng. Nghe tiếng chuông nhà thờ thúc giục, dầu kẻ khô đạo đến mấy cũng không thể nào ngồi yên ở nhà được.
Vào sáng ngày cuối tuần đại phúc tại nhà thờ họ có lễ cưới. Phả trổ hết tài năng kéo một hồi chuông báo sự vui mừng. Người ta chờ đợi cô dâu chú rể tới. Vị linh mục đã mặc áo lễ, sẵn sàng để chủ tế. Từ đầu giong gần đấy, một đám người vụt xuất hiện tiến về phía nhà thờ. Các bộ quần áo đủ màu sắc chập chờn bên những rặng lá thưa thớt. Tiếng đàn harmonium ở gian gác cuối nhà thờ nổi lên vui vẻ để chào mừng hai họ. Người ta bắt đầu tiến lên bậc thềm. Cô dâu bẽn lẽn đi bên chú rể, giơ chiếc nón che gần kín mặt.
Rất đông dân làng đứng chung quanh sân nhà thờ để xem mặt cô dâu chú rể. Trong đám những người đứng quan sát đó dĩ nhiên có thằng Phả. Khi đám người rước dâu tới gần, thằng Phả bỗng nhiên khẽ kêu lên một tiếng đau đớn. Nó nhận ra cô dâu chính là người con gái mà nó thầm mơ ước suốt mấy tháng (cô bé trạc tuổi Phả – 10 tuổi – làm sao có thể lấy chồng?) nay. Chân tay run rẩy, Phả phải đứng tựa vào một thân cây cho vững. Rồi không sao cầm lòng được, Phả vụt chạy khỏi nhà thờ, lần ra ngoài ruộng vắng.
Trời trong trẻo không vẩn một đợt mây. Từng cơn gió khô lạnh chuyển mình trên những đám mạ non. Thằng Phả chui vào một đám cỏ mọc hoang bên bờ ruộng, nằm úp mặt xuống vành tay khóc nức nở. Mối tình đầu tiên của nó thầm lặng u uất từ bao lâu bây giờ được dịp thoát ra bằng những giọt lệ nóng hổi.
Trong nhà thờ, lễ cưới bắt đầu cử hành. Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời của cô nữ sinh có đôi mắt huyền ảo và có tấm thân thể kiều diễm kia. Khi tân lang âu yếm trịnh trọng luồn nhẫn cưới vào ngón tay thon dài của cô, cô đã đắm say liếc nhìn người bạn trăm năm. Đó mới là cái nhìn thực sự say đắm, khác hẳn cái nhìn vô tình cô đã ban cho thằng Phả trước kia.
Vào buổi tối, khi tuần đại phúc chấm dứt, vị linh mục đã trở về nhà chung và cửa nhà thờ đã khép lại, từ tháp thánh đường vụt nổi lên một hồi chuông báo tử. Chưa bao giờ người ta thấy những tiếng chuông thê thảm, rùng rợn đến như vậy. những người đàn bà yếu bóng vía rùng mình, run rẩy giơ tay làm dấu thánh giá. Có dăm cụ già quỳ úp mặt xuống đất đọc kinh sám hối. Tiếng chuông ảo não kia nhắc nhở các cụ giờ chết đã gần tới.
Trong đêm tối, một bóng người lật đật chạy về phía nhà thờ. Đó là ông trùm họ. Xưa nay phàm gia đình Công giáo nào trong họ có người qua đời đều phải báo cho ông biết, rồi tự ông sẽ ra lệnh cho sãi nhà thờ nổi chuông báo tử. Chưa có lệnh của ông không có người sãi nào dám nổi hồi chuông đó. hôm nay trong họ có ai chết đâu. Tại sao lại có chuông báo tử?
Đến cửa nhà thờ, ông trùm họ lớn tiếng gọi tên thằng Phả. Tiếng chuông vẫn rền rĩ xoáy vào đêm tối và thằng Phả không trả lời. Vừa tức bực, vừa ngạc nhiên, ông trùm họ rút chiếc đèn pin trong túi, bật lên, rồi đẩy cửa bước vào nhà thờ. Trong ánh đèn rọi sáng, thằng Phả đứng lạnh lẽo, một tay vẫn thong thả giật dây chuông. Ông trùm họ trợn mắt, vừa tiến đến gần thằng sãi bướng bỉnh vừa hỏi giật giọng:
"Ai chết mà mày kéo chuông báo tử? Ai bảo mày kéo chuông báo tử?"
Nhưng ông trùm đột nhiên rùng mình đứng sững. Trong ánh đèn, ông nhận thấy mặt thằng Phả phờ phạc và xanh mét. Nó giương đôi mắt đỏ ngầu trân trối nhìn thẳng vào mặt ông và tay nó vẫn giật tiếng chuông báo tử.
1960
- Hết -
Nguồn: Hồi chuông báo tử . Tập truyện Lê Huy Oanh. Mẫu bìa của Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cơ sở Văn, xong ngày 10-1-1971. Biên lai chính thức số 317/BTT/NBC, ngày 18-3-1970. Chủ nhiệm – chủ bút: ô. Nguyễn Đình Vượng. Báo quán: số 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Quản lý: cô Nguyễn Thị Tuấn. Giá nhất định: 70đ. Bản điện tử do talawas thực hiện.

BÁO TỬ - TANG LỄ










BÁO TỬ - TANG LỄ

(CNHĐMV K19 trang 30-31):

III* BÁO TỬ
     1. Vào giờ nào cũng được. Miễn là Cha có nhà.
     2. Báo qua đời vào lúc mấy giờ. Tên Thánh Tên gọi. Tuổi. Nguyên quán.
     3. Nếu Cha đi vắng báo cho Ông Chánh để xin thỉnh chuông báo tử.
     4. Ngay khi có người nằm  xuống, Ông Trùm sở tại nên có mặt với gia đình để giúp đỡ họ lên chương trình tẩm liệm, viếng xác và cùng với Đại Diện Gia Đình lên trình báo với Cha Xứ sớm nhất có thể. Sau đó lo phần điều động việc an táng.

NB: Nếu về với Chúa(trút hơi thở cuối cùng) sau 21g00 thì chờ đến trước chuông nhất 3g45 báo tử để CX nhấn chuông báo tử và thông báo cho Cộng Đoàn GX cầu nguyện.  Cám ơn.
***ÔT đặc trách Đất Thánh(Nghĩa Địa) nhớ ghi vào sổ tử. Đừng quên.

(CNHĐMV K19 trang 27):
8* KHI GIA ĐÌNH NÀO CÓ NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA GỌI VỀ. QUÍ VỊ TRÙM PHỤ TRÁCH KHU SẮP XẾP  SAO CHO MỌI NGƯỜI TRONG GIA ĐÌNH: CON CÁI, ANH CHỊ EM, BÀ CON DÒNG HỌ. . .  CỦA TANG QUYẾN ĐI ĐẾN VỚI BÍ TÍCH HOÀ GIẢI ĐỂ CẦU NGUYỆN CHO THÂN NHÂN MỚI QUA ĐỜI MỘT CÁCH TÍCH CỰC HƠN. ĐÂY CŨNG LÀ DỊP GIAO HOÀ VỚI CHÚA VÀ VỚI NHAU.

ĐỂ CÓ BẦU KHÍ CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI MỚI QUA ĐỜI






KHÔNG TỔ CHỨC ĂN UỐNG LINH ĐÌNH
KHÔNG DÙNG BỮA KHI NHÀ TANG MỜI


KỶ YẾU GIÁO XỨ THÁNH GIA K1B *1956 – 2019* + HỘI ĐỒNG MỤC VỤ CÁC KHÓA TỪ NĂM 1956—2019








KỶ YẾU GIÁO XỨ THÁNH GIA K1B
*1956 – 2019*
1. Sơ lược tiểu sử hình thành Giáo Xứ:
Vào đầu năm 1956 chính phủ cho đào các kênh ở vùng đất Cái Sắn trong chương trình của Tổng Uỷ Di Cư. Mục đích là để các gia đình Công Giáo gốc miền Bắc di cư vào được định cư làm ăn sinh sống, nên các kinh miền Cái Sắn đã được giao cho các Linh Mục di cư đảm trách. Kênh 1 là kênh được đào sớm nhất vào đầu năm 1956. Cũng trong chương trình kênh 1 được chia làm 3 khu, mỗi khu 1 Nhà Thờ, mỗi Nhà Thờ được chia làm 4 Làng.
Đầu năm 1956  khoảng hơn 200 gia đình miền Bắc di cư vào Nam gốc ở Sơn Lãng  – Hà Liễu – Lác Môn – Kiên Chính – Thạch Bi – Thượng Phúc – Hà Lạn – Hà Quang – Quĩ Đê – Quĩ Ngoại – Sa Đê. Theo Cha Cố GB Phạm Huy Diệu vào khu 3 K.1 mỗi gia đình được cấp 1 lô đất ngang 30 m dọc theo bờ kênh dài 1000m từ bờ kênh đi sâu vào. Các GĐ cùng quê ở miền Bắc được nhận đất sát với nhau theo như Sơn Lãng Hà Liễu Lác Môn được lập nên Làng Sơn Hà(Từ Sơn Lãng và Hà Liễu). Số dân Kiên Chính Thạch Bi được lập lên Làng Kiên Chu (Kiên: Kiên Chính. Chu : Đại đa số thuộc gốc Bùi Chu). Dân Thượng Phúc Hà Lạn Hà Quan được lập lên làng Thượng Môn, vì đa số là dân Thượng Phúc di cư vào ở trại tạm cư Bùi Môn rồi mới về kênh Cái Sắn nên mới lấy tên làng là Thượng Môn. Dân Quĩ Đê, Quĩ Ngoại, Sa Đê được lập lên làng Tân Đê.
Các GĐ được chính phủ cấp cây chàm và lá để làm nhà. Nhà thờ cũng vậy. Khoảng tháng Tư năm 1956 nhà thờ bằng cây chàm lợp lá chung quanh ghép lá với diện tích khoảng 6m x 14m. đã được dựng lên. Cha cố GB đã chỉ định cho Ô. Tổng Hy làm Chánh Trương. Lúc này gọi là Nhà Thờ khu 3 kênh 1 quan thầy Thánh Gia Thất. GX coi như được thành lập từ đây.
Được khoảng 3 năm trong làng Kiên Chu có 1 đám an táng. Tục lệ Kiên Chu và Thạch Bi có phần khác nhau nên bất đồng ý kiến với nhau, khoảng 15 GĐ gốc Thạch Bi  đã xin tách ra khỏi làng Kiên Chu đặt tên mới là làng Tân Thạch. Đến cuối năm 1963 cha cố GB đã ổn định lại để 2 làng sát nhập như cũ đổi tên mới là Làng Hiệp Hoà (Hiệp lại và hoà thuận với nhau). nhận QT cha cố GB là QT Làng. Tên Làng Hiệp Hoà có từ đó tới nay.
Sau khi đào kênh đòn giông ĐGM chia K.1 ra làm 2 GX, nên nhà thờ khu 2 được chia ra làm hai. Hai làng Nguyên Thuỷ và Minh Tiến được sát nhập vào GX TG lập nên GH Kitô Vua.
Nhà thờ được xây dựng lại qua các thời kỳ : Khoảng năm 1959-1960 nhà thờ đã được làm lại bằng gỗ dầu, mái tôn, chung quanh ghép gỗ. Với diện tích (8m x 24m). gác chuông bằng gỗ cao khoảng 6m.
Đến đầu năm 1969 nhà thờ được xây dựng lại bằng bêtông cốt thép. Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt. Kích thước 12m x 38m. Tháp chuông cao 16m.
Đức Cha Micae đã thánh hiến Nhà Thờ vào dịp QT Thánh Gia năm 1970.
Cuối năm 2003 Nhà Thờ được khởi công xây dựng lại với kích thước 16m x 24m x 50m. ĐC Giuse đã thánh hiến vào ngày 31/08/2007.

2. Các thời Cha Xứ :
Gx. Thánh Gia được thành lập năm 1956 dưới thời ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Bình GP Cần Thơ.
* Cha Xứ Tiên Khởi : GB Phạm Huy Diệu từ 1956 – 1982. Hưu: 1982-1983 tại Giáo Xứ. Qua đời : 15/06/1983. An táng tại Giáo Xứ.
* Cha Xứ II : Giuse Nguyễn Văn Tiếu từ năm 1982-1989. (Ngài 08-12-1977 ĐGM GB phong chứ phó tế cho Thầy Giuse Nguyễn Văn Tiếu và bổ nhiệm về giáo xứ giú cha cố Gioan B. Ngày 15-10-1981: Thụ phong LM. Đầu tháng 03/1982. cha cố GB về hư trao quyền cho cha Giuse Nguyễn Văn Tiếu. Tháng 05/1989 cha được bổ nhiệm về giáo xứ Tân Bùi K.4a).
*  Cha Xứ III : Giuse Đinh Hữu Huynh từ năm 1989 – 1995. (Tháng 05/1989 cha được bổ nhiệm về giáo xứ Thánh Gia. Đến ngày 24-10-1995 ngài đã về nhà Cha và an táng tại giáo xứ.)
*  Cha Xứ IV : Giuse Bùi Đình Chư từ năm 1995 – 2010. (Ngày 08/12/1995 cha được bổ nhiệm về giáo xứ đến 10/01/2010 ngài được chuyển đến GX Vinhsơn K.A2)
*  Cha Xứ  V : Giuse Nguyễn Tiến Tâm từ năm 2010 – cho tới nay. (Ngày 12/01/2010 cha được bổ nhiệm về Giáo Xứ)

3. Hội Đồng Mục Vụ qua các qua các thời kỳ: (1956 – 2019)
   

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ CÁC KHÓA TỪ NĂM 1956—2019

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ: K1 - K15




 HỘI ĐỒNG MỤC VỤ KHÓA 16-17-18





HỘI ĐỒNG MỤC VỤ KHÓA 19. 2019 - 20123



PHÂN CÔNG PHÂN NHIỆM HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ KHÓA 19 (2019-2023)


PHÂN CÔNG PHÂN NHIỆM
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

KHÓA 19 (2019-2023)

Vấn đề phân công phân nhiệm trong HĐMV cần phải rất rõ ràng để tránh tình trạng giẫm chân lên nhau. Về nhiệm vụ của Ban Thường Vụ thì cứ chiếu theo qui chế HĐMV của Giáo Phận mà thi hành.
Riêng các Ban chuyên trách: ĐỨC TIN, PHƯỢNG TỰ+ƠN GỌI, BÁC ÁI+VĂN HÓA THỂ DỤC THỂ THAO, TÀI SẢN+CANH TÁC ĐỒNG RUỘNG, vì các hoạt động rất đa dạng, cần phải đặt ra nhiều Tiểu Ban chuyên trách. Dưới đây là cụ thể từng Ban:

I. BAN ĐỨC TIN
Người đặc trách:
Trưởng Ban: Ô.Giuse Nguyễn Văn Thi  C K17)
Phó Ban 1:    Ô.Giuse Trần Công Lý      C K18)
Phó Ban 2:    B.Maria Nguyễn Thị Mầu (BTHM K17) 
Nhiệm vụ: Bảo vệ phát huy đức tin cho mọi giới trong giáo xứ, nhất là giới thanh thiếu niên nhi đồng. Ban có thể chia ra các tiểu ban:

1. TIỂU BAN GIÁO LÝ PHỔ THÔNG :
 - GL PHỔ THÔNG 1 : Xứ Đoàn Trưởng Thiếu Nhi.
 - GL PHỔ THÔNG 2-3-…. : Các Giáo Lý Viên và Huynh Trưởng. ………………………………………………………….
 - Nhiệm Vụ :
     * Điều hành việc dạy giáo lý từ lớp 1 đến lớp 10: chia ra làm 3 khối chính:  Xưng Tội – Thêm Sức – Bao Đồng (Rước Lễ Trọng Thể).
     * Liên hệ với các GLV cộng tác liên quan đến sinh hoạt giáo lý, lễ bổn mạng, hội họp ...
     * Liên hệ với ban yểm trợ giáo lý của Gia Trưởng Hiền Mẫu trong việc viếng thăm các lớp giáo lý.
     * Điều khiển tổ chức Khai và Bế Giảng năm học Giáo Lý, phát thưởng phát quà trong dịp Tết Trung Thu và Lễ Bổn Mạng Thiếu Nhi.

2. TIỂU BAN GIÁO LÝ TRƯỞNG THÀNH:
 - GL TRƯỞNG THÀNH 1:ÔC K17 Giuse Nguyễn Văn Thi
 - GL TRƯỞNG THÀNH 2:
            Ô. TTV  Giuse Trịnh Minh Tuế (Tứ)
 - Nhiệm Vụ :
      * Điều hành khối giáo lý trưởng thành tức là các lớp Giáo Lý Hôn Nhân, Kinh Thánh, lớp Chia Sẻ Lời Chúa, Giáo Lý Cộng Động.
      * Ngoài ra còn tổ chức các chuyên đề, các khoá học dài ngày, về các vấn đề liên quan đến tôn giáo thuộc giới trưởng thành.

3. TIỂU BAN GIÁO LÝ DỰ TÒNG:
 - GL DỰ TÒNG 1 : BTrg. Maria Nguyễn Thị Mầu (Roãn)  
 - GL DỰ TÒNG 2 : ………………………………………….
 - GL DỰ TÒNG 3 : ………………………………………….
 - Nhiệm Vụ :
     * Chuyên dạy giáo lý cho những ai xin nhập đạo. Phối hợp với Cha Xứ tổ chức các khoá huấn luyện để đào tạo người dạy.
     * Lưu tâm đến đời sống đạo của tân tòng, tìm cha mẹ thiêng liêng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, vào dịp thuận lợi nên họp mặt để chia sẻ cách sống đạo, trao đổi kinh nghiệm sống để họ cảm nhận được tình thương của Chúa qua việc gắn bó với Giáo Xứ và an ủi nâng đỡ nhau.

4. TIỂU BAN ƠN GỌI VÀ GIỚI TRẺ:
 - GIỚI TRẺ 1 : Đaminh Vũ Văn Cường
 - GIỚI TRẺ 2 : Giuse Trương Vĩnh Khương
 - Nhiệm Vụ : Tổ chức Lễ Tạ Ơn 30 Tết Nguyên Đán cho Tu Sĩ, Sinh Viên, Học Sinh xa nhà. Sinh hoạt giao lưu khuyến học giữa các bạn với nhau, các phụ huynh với phụ huynh và giữa phụ huynh với các bạn. Tạo điều kiện cho các bạn trẻ liên đới, hỗ trợ nhau khi đi học xa nhà.
   Có thể khơi dậy nơi các em học sinh lòng tri ân các thầy cô giáo vào ngày 20-11  bằng một nghĩa cử : cầu nguyện, gặp gỡ, tặng quà ….

II. BAN PHƯỢNG TỰ
Người đặc trách : ÔC Gioan B Nguyễn Đức Lập
Ban Phượng Tự có nhiệm vụ làm cho việc thờ phượng Chúa trong giáo xứ  được trang nghiêm sốt sắng tràn đầy tình Chúa và chan chứa  tình người. Để đạt mục tiêu trên, ban này cần phải thành lập nhiều Tiểu Ban  theo nhu cầu của sinh hoạt thờ phượng. Đại để có thể kể ra như sau:

1. T.BAN NGHI LỄ:
 - Trưởng Ban: ÔTK Giuse Đặng Minh Tân                               
                         ÔC Gioan B  Nguyễn Đức Lập
 - Nhiệm Vụ:
            * Dọn Lễ và bảo quản Phòng Thánh.
            * Huấn luyện đội ngũ Lễ Sinh,
            * Hướng dẫn các cuộc rước dưới bất cứ hình thức nào.
            * Tập các lễ nghi. Như dâng của lễ các Lễ Trọng. Nghi thức Tuần Thánh....

2. T.BAN QUẢN THỦ THÁNH ĐƯỜNG :
 - QUẢN THỦ 1: ÔTC Giuse Phạm Xuân Hùng(Hữu)
 - Nhiệm Vụ : Bảo quản, tu bổ, sửa chữa quạt, điện ánh sáng và âm thanh trong ngoài Nhà Thờ.
Mua sắm, bảo quản, sử dụng các dụng cụ liên quan như: micrô, âm ly, loa, các loại đèn điện, quạt máy. . . trong sinh hoạt thường xuyên, đặc biệt trong các dịp lễ lớn.
Trang trí kỹ thuật điện trong ngoài Nhà Thờ.
* Nhà thờ được trang trí theo mùa Phụng Vụ như ghi trong Lịch Phụng Vụ (rao). Giáo Xứ chúng ta theo truyền thống làm Tòa trang trí trên gian thánh vào các lễ (tháng) đặc biệt trong năm như sau:
            - Tết Nguyên Đán
            - Tháng Ba Thánh Giuse
            - Tháng Năm ĐM Tháng Hoa
            - Tháng Sáu Thánh Tâm CG
            - Tháng Mười ĐM Mân Côi
            -  Đại Lễ Phục Sinh
            - Đại Lễ Giáng Sinh. Và các dịp lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm Thụ Phong LM CX – Giỗ Quý Cha Cố ....
            - .....................................

 - QUẢN THỦ 2: ÔTC Vinhsơn Trần Xuân Đức(Phúc)
 - Nhiệm Vụ: Giữ quỹ Nhà Thờ (Tiền lắc giỏ, xin khấn, ủng hộ...), mua các đồ dùng phụng tự như: bánh lễ, nhang, nến, đèn điện dùng vào việc trang trí... Hàng tuần chi tiền mua bông, bảo quản ảnh tượng, băng rôn, cờ, đèn điện (dùng vào việc trang trí)

 - QUẢN THỦ 3: ÔTP Hiệp(Hiện) SH
 - Nhiệm Vụ: Bảo quản các vật dụng trong phụng tự như: kiệu, trống, mèng, Thánh giá nến cao. Chịu trách nhiệm dọn Rửa Tội, Lễ Hôn Phối, Lễ An Táng.
3. T.BAN THÁNH NHẠC:
Ô. Giuse Cao Văn Đường
- Nhiệm Vụ: Đây là một Tiểu Ban rất quan trọng. Vì nếu không có hoặc có mà ca hát không hay thì phụng vụ sẽ mất đi nhiều sinh khí. Chính vì thế, người đứng đầu Tiểu Ban này phải là người có tài có đức để tổ chức chặt chẽ, nghiêm minh, lôi cuốn và đào tạo ca viên.
Trưởng Tiểu Ban nếu đồng thời kiêm Ca Trưởng là điều đáng mơ ước. Nếu không thì chỉ làm công tác điều hành các ca đoàn. Công tác này thường gồm các việc sau :
a) Đào tạo ca trưởng, nhạc công bằng cách gửi người có năng khiếu đi học, hoặc tập cho họ tham gia từng phần trong việc tập hát, đánh đàn.
b) Tuyển dụng ca viên sắp xếp chương trình tập dợt và phục vụ hát lễ.
c) Cung cấp Thánh Ca cho các ca đoàn, cộng đoàn giáo dân để hát cộng đồng.
d) Chăm sóc đời sống tinh thần và đạo đức các ca viên và thỉnh thoảng khuyến khích họ về mặt vật chất trong các dịp lễ Tết.
Các ca viên, nhất là thuộc các ca đoàn trẻ, tính tình thường hay thay đổi, có khi siêng năng có lúc lại biếng nhác tập dợt. Trong trường hợp thế, Trưởng Tiểu Ban phải khéo léo trong ngôn từ hành động, nhất là cần hợp tác với Cha Xứ  để tìm biện pháp uốn nắn sửa chữa.

5. Ban Truyền Thông (Máy Chiếu)
    Trưởng Ban: ÔTK Vinhsơn Nguyễn Đức Tuấn (HH)
    Phó Ban: T.Giuse Nguyễn Quôc Huy
    Ủy Viên: ……………………………………………..
    Tư vấn: Ô. Giuse Cao Văn Đường
    Nhiệm vụ: Làm chương trình chiếu xướng kinh, bài hát... phục vụ Thánh Lễ cho cộng đoàn. Bảo quản, sửa chữa khi trục trặc.
6. T.BAN KHÁNH TIẾT:
 - KHÁNH TIẾT 1B.HTHM  Maria Nguyễn Thị Tâm
 - Nhiệm Vụ: Điều động Hiền Mẫu chịu trách nhiệm nhóm làm sạch đẹp trong ngoài Nhà Thờ.
 - KHÁNH TIẾT 2Bà Rosa Vũ Thị Kim Lan (Lâm)
 - Nhiệm Vụ: Điều động nhóm trưng bông và chăm sóc bông mỗi tuần 2 lần theo hướng dẫn của Phụng Vụ Mỹ Thuật Thánh, theo ý nghĩa của Thánh Lễ. (Thay bông vào chiều thứ Tư và chiều thứ Bảy).
   Mua và cắm bông Nhà Thờ.

 - KHÁNH TIẾT 3Ô Augustinô Huỳnh Văn Hóa
 + Ô Giuse Nguyễn Văn Lưỡng
 + Ô Giuse Hoàng Văn Thảo
 - Nhiệm Vụ: Điều động nhóm chăm sóc hoa viên, bonsai, cây cảnh.

7. T.BAN  TRẬT TỰ: Ô.HTGT: Đaminh Hoàng Tiến Nghĩa
 - TRẬT TỰ 1: ÔK   GIUSE  TRIỆU QUỐC HƯNG
 - TRẬT TỰ 2: ÔTP GIUSE TRẦN QUANG MINH
 - TRẬT TỰ 3: ÔK   GIOAN B PHẠM QUỐC ANH
 - TRẬT TỰ 4: ÔK   GIUSE TRẦN NGỌC TUẤN
 - Nhiệm Vụ: Sắp xếp chỗ ngồi trong Nhà Thờ cho thứ tự, trật tự.
   + Giữ gìn trật tự trong Nhà Thờ, cũng như ngoài khuôn viên.
   + Sắp xếp chỗ để xe cho có thứ tự, an toàn nhất là các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng cần cắt cử người trông nom: nhận-giao xe đúng người đúng xe…..
    + Khi có xuất hiện xe hơi rất cần quý vị ra dẫn lối chỉ đường cho xe đậu đúng nơi quy định.(1)

III. BAN KIẾN THIẾT+XÂY DỰNG

Người đặc trách :
ÔPN Gioan B Vũ Văn Tá–ÔPNG Đaminh Nguyễn Thanh Sơn.
   Ban Tư Vấn 1: ÔP Giuse Trần Công Tâm
   Ban Tư Vấn 2: Đaminh Vũ Văn Cường
Nhiệm vụ: Tu sửa, tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất của giáo xứ.
1.Về Vật Tư: Phối hợp với người phụ trách công trình(Cha Xứ nhờ hay chỉ định)mua và bảo quản vật tư xây dựng, tránh để hư hao, thiếu hụt, hoặc dư thừa nhiều gây lãng phí (không để vật tư trong kho hết hạn sử dụng).
2.Về Xây Dựng: Cùng với HĐMV Phối hợp với người phụ trách công trình để điều động lao động cho công bằng, hợp lý.
3.Về Kỹ thuật: Chịu trách nhiệm kỹ thuật xây dựng sửa chữa các công trình của giáo xứ khi được cha xứ giao. Đồng thời báo cho cha xứ và HĐMV khi các công trình, cơ sở vật chất bị hư hại xuống cấp để có phương phương án tu bổ sửa chữa.

IV. BAN TÀI SẢN VÀ CANH TÁC ĐỒNG RUỘNG

1- BAN TÀI SẢN:

 - TÀI SẢN 1 :
 - Người đặc trách: ÔTQ Giuse Nguyễn Hùng Cường
 - Nhiệm Vụ: Coi sóc, đôn đốc, bảo quản, tu bổ sửa chữa các vật dụng của giáo xứ.

 - TÀI SẢN 2: ÔTC Gioan B Trần Văn Hành
 - Nhiệm Vụ: Bảo quản, coi sóc và xây dựng Đất Thánh (Nghĩa Địa). Lên kế hoạch xây kim tĩnh cho phù hợp với mặt bằng còn lại. Dẫn đường chỉ lối cho gia đình có thân nhân nằm xuống có nơi an nghỉ (phần mộ) hoặc muốn bốc mộ, cải mộ... Quản lý sổ khai tử và ghi chép đầy đủ nội dung chi tiết có sẵn trong sổ khi có người qua đời. Bổ sung những gì còn thiếu sót. Mọi giải quyết căn cứ theo Quy Chế  Đất Thánh.

2- BAN CANH TÁC ĐỒNG RUỘNG:
- Nhiệm Vụ: Coi sóc và canh tác đồng ruộng của giáo xứ. Lên kế hoạch gieo xạ cho từng vụ, mua vật tư: Phân bón, thuốc sâu, bệnh... Ghi chép sổ Thu-Chi Đồng Ruộng rõ ràng. Khi cần nhiều người cộng tác thì báo cho HĐMV để phân công công việc nhịp nhàng tốt đẹp.
* ĐỒNG RUỘNG 1: ÔTP VĨNH TĐ
* ĐỒNG RUỘNG 2: ÔTC PHƯỚC HH
* ĐỒNG RUỘNG 3: ÔTP HIỆP(HIỆN) SH
* ĐỒNG RUỘNG 4: ÔTP HIỆP TM

QUẢN LÝ CƠ SỞ VẬT CHẤT

*Quản Lý 1: ÔT Hưng TĐ + ÔT Tuấn TM
 - Nhiệm Vụ:
* Quản lý nhà kho: Sắp xếp các vật dụng trong kho cho gọn gàng, ngăn nắp, hợp lý. Khi lấy ra xử dụng và xong việc cất lại đúng chỗ. Bảo quản các máy móc như máy hàn, máy điện, máy khoan, máy đục. Khi bị hư hỏng phải kịp thời sửa chữa để không ảnh hưởng đến công việc chung.
                       

*Quản Lý 2:
Bà Mai SH + Bà Chỉnh TĐ + Bà Phong TM + Bà Hùng HH
 - Nhiệm Vụ 1: Quản lý, bảo quản các vật dụng trong nhà xứ - hội trường như bàn ghế, chén đũa, bồn rửa... khu vực phòng bếp giáo xứ, ..... Sắp xếp gọn gàng-ngăn nắp-vệ sinh.
 - Nhiệm Vụ 2: Quản lý, bảo quản các dụng cụ vệ sinh nhà thờ như chổi, cây lau nhà, cây quét trần.... cất giữ cẩn thận và khi cần thì đi mua sắm thêm đề xuất với HĐMV để được thủ quỹ nhà thờ chi tiền.
- Nhiệm Vụ 3: Trông coi Sách Tin Mừng, Kinh Thường Nhật, Hát Cộng Đồng.... giúp cho cộng đoàn được đông người tham gia mở sách cùng đọc, cùng hát, cất xếp gọn gàng.
- Nhiệm Vụ 4: Trông coi trật tự cùng với Huynh Trưởng Giáo Lý Viên trong các giờ lễ—đọc kinh của thiếu nhi. Đồng hành với các em trong các buổi đọc kinh ban chiều tại nhà thờ (thứ hai-thứ Ba-thứ tư-thứ sáu)
- Tập dâng hoa—dâng hạt.


*Quản Lý 3: ÔK Tuấn TM+ ÔT Anh(Cọp) SH
- Nhiệm Vụ: Quản lý, bảo quản và vận hành nhà máy lọc nước tinh khiết, cung cấp nước cho cộng đoàn theo quy định nhà máy.
- Quản lý nhà máy điện: chăm sóc máy điện luôn sẵn sàng dầu nhớt để khi cúp điện đường là có điện máy ngay, không làm gián đoạn phụng vụ nhà thờ và các sinh hoạt khác.
IV. BAN BÁC ÁI VÀ VĂN HÓA THỂ DỤC THỂ THAO:
Người đặc trách: GIUSE NGUYỄN HÙNG CƯỜNG
Bác ái 1: MICAE VŨ THANH VÂN
Bác ái 2: BCH GIA TRƯỞNG: ..........................................
Bác ái 3: BCH HIỀN MẪU: ...............................................
1. Ban Bác ái : Trong một giáo xứ, nếu mọi KiTô hữu đều có một Đức Tin  mạnh mẽ thể hiện qua việc thờ phượng Chúa sốt sắng, nhưng việc thi hành cụ thể đức Bác Ái với nhau, nhất là với những người nghèo khó lại thiếu sót thì phải đánh giá là giáo xứ  đó chưa phải là một cộng đoàn dân Chúa thực sự. Chính vì thế, hoạt động bác ái cũng phải được coi là một công tác hàng đầu trong giáo xứ. Bằng không, lời của Thánh Giacôbê sẽ là bản án nặng nề cho chính chúng ta, chủ chăn cũng như đoàn chiên : "Nào có ích chi, hỡi anh em, nếu người nào rêu rao mình có Đức Tin khi việc làm nó lại không có? Há Đức Tin đó lại cứu được nó ư? Nếu có anh em hay chị em nào mình trần trụi và thiếu cả lương thực độ nhật, mà một người nào trong anh em lại đi nói với họ : Chúc anh em đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no, mà những gì cần kíp cho thân xác họ, anh em lại không cho thì nào có ích gì? Cũng vậy, Đức Tin mà không có việc làm thì đã chết mục từ lõi tủy” (Gac.2,14-17).
Ban bác ái có nhiệm vụ chăm sóc cho cả kẻ sống lẫn người chết. Do đó cần phải thành lập hai Tiểu Ban:


- Nhiệm Vụ :
+ Chăm sóc những người già cả, neo đơn, bệnh tật, người gặp rủi ro, tai nạn.
+ Giúp đỡ các học sinh nghèo nhưng hiếu học.
+ Tìm công ăn việc làm cho những người thất nghiệp.
+ Thăm khám bệnh cho những người già neo đơn.
+ Ban Mục Vụ Chăm Sóc Bệnh Nhân các làng đọc sách, giúp đỡ hậu sự kẻ liệt của làng mình.
2-  Ban văn hóa th dc th thao :
      - THỂ THAO 1 : Ô GIOAN VŨ VĂN TIẾN 
      - THỂ THAO 2 :   .......................................
            - THỂ THAO 3 :  ........................................
Tiểu Ban này có nhiệm vụ cổ võ phong trào thể dục thể thao cho các giới trong giáo xứ đặc biệt giới trẻ. Thành lập các đội tuyển của giáo xứ. Nâng cao trình độ kỹ thuật của các môn chơi. Tổ chức những khóa huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật chơi và  biết cách làm trọng tài. Tổ chức những buổi thi đấu định kỳ 3 tháng, 6 tháng . . . hoặc những dịp đặc biệt trong năm, như Quan Thầy Giáo xứ, Giáng Sinh, Phục sinh, Trung Thu, Nguyên Đán . . . Quản lý dụng cụ thể dục thể thao, phát triển sân bãi cho các bạn chơi đủ tiêu chuẩn, an toàn trong lúc thao dượt và thi đấu...
- Nhiệm Vụ :  Tập hợp thanh niên, thanh nữ yêu thể thao, bước đầu là môn bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn ..
.
Các Ban và Tiểu Ban, theo nhiệm vụ, chức năng của mình cố gắng hoạt động không ngừng vì vinh danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Mỗi tháng vào cuộc họp của Hội Đồng Mục vụ, các Tiểu Ban, nếu cần, sẽ nói lên những thuận lợi và trở ngại trong công tác để HĐMV giáo xứ giải quyết.

Tới cuối năm tất cả mọi Tiểu Ban đều báo cáo công tác cho trưởng ban để có số liệu cho thư ký HĐMV giáo xứ lập bản thành tích cuối năm của giáo xứ.