5 Phút Lời Chúa Từ Ngày 15-21/12/2019
15/12/19 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – A
Mt 11,2-11
CÒN ĐỢI AI KHÁC NỮA?
“Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3)
Suy niệm: Đức Bênêđitô nói đời người là một mùa vọng kéo dài. Ý niệm đợi chờ đó cũng đã xuất hiện trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại: Linh hồn con người bị giam hãm trong ngục tù là chính thân xác mình, nên vẫn mong chờ ngày được thoát xác và trên nên bất tử. Trong niềm tin và phụng vụ Ki-tô giáo, Mùa Vọng cũng là mùa trông chờ, nhưng không chỉ mong chờ linh hồn được cứu thoát, mà cả thân xác cũng mong đợi ngày được phục sinh. Trải qua bao đời, dân Do Thái tin vào lời các ngôn sứ, vẫn mỏi mòn trông đợi Vị Cứu Tinh. Gio-an Tẩy giả loan báo Ngài là “Đấng sẽ đến sau ông” (x. Mt 3,11) đó là Đức Giê-su và chính Ngài mới là Đấng làm phép rửa “phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). Thế mà giờ đây, ông đang ngồi tù, ngày ra đi của ông chưa biết lúc nào nhưng đã gần kề. Liệu Đức Giê-su có phải là “Đấng Phải Đến” hay còn phải đợi “ai khác nữa”? Vấn nạn đó không phải của riêng ông, mà còn là vì môn đệ ông, vì những người nghe ông rao giảng. Sai các môn đệ mình đến hỏi Chúa Giê-su điều đó, ông muốn họ trực tiếp gặp gỡ và nhận ra Đức Giê-su chính là “Đấng phải đến.”
Mời Bạn: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,” đó là những dấu chỉ của thời đại Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã loan báo. Bạn còn muốn tìm ai khác Giê-su nữa không?
Sống Lời Chúa: Hãy tìm đến Chúa Giê-su nơi bí tích Hòa Giải, để Ngài làm cho chúng ta được sạch.
Cầu nguyện: Maranatha, lạy Chúa xin hãy đến. Chúng con đang trông chờ Ngài.
16/12/19 THỨ HAI TUẦN 3 MV Mt 21,23-27
SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ
Đức Giê-su nói: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng nói cho các ông biết, tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy phép rửa của Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21,24-25)
Suy niệm: Có nhiều cách đặt câu hỏi. Hỏi với ý hướng muốn hiểu biết chân lý, người ta sẽ tìm thấy lời giải đáp. Nhưng khi người hỏi không có ý tiếp thu một sự hiểu biết mà chỉ hỏi để bắt bẻ, kết án hoặc tìm kẽ hở để dù có trả lời cách nào, rồi cũng rơi vào cái bẫy giăng sẵn thì mọi câu trả lời đều trở thành vô ích. Các thượng tế, người Pha-ri-sêu và luật sĩ thường hay gài bẫy Chúa kiểu này. Đứng trước những câu hỏi như thế, Chúa Giê-su đã đặt câu hỏi ngược lại trong đó đã hàm chứa câu trả lời. Ai cũng rõ phép rửa của Gio-an là bởi Thiên Chúa, mà Gio-an lại làm chứng rằng Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a. Chấp nhận lời chứng của Gio-an thì cũng phải nhìn nhận Đức Giê-su là từ Thiên Chúa mà đến. Thấy rõ hệ quả của câu trả lời, những người chất vấn Chúa đã im lặng. Một sự im lặng đáng sợ: biết rõ chân lý mà nhắm mắt làm ngơ, giả vờ như không biết.
Mời Bạn: Bạn có đang sống trong sự im lặng đáng sợ đó không? Thấy rõ lỗi lầm khuyết điểm của mình mà không dám thú nhận? Biết rõ những ưu điểm của người khác mà không dám nhìn nhận? Biết là chân lý mà không dám sống theo chân lý?
Chia sẻ: Để khỏi rơi vào “sự im lặng đáng sợ”, cộng đoàn bạn cần làm gì ?
Sống Lời Chúa: Thành thật xin lỗi về lỗi lầm của mình và cũng thành thật khen ngợi ưu điểm của người khác.
Cầu nguyện: Với tất cả tâm tình khiêm tốn, bạn đọc kinh “Tôi Thú Nhận”.
17/12/19 THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17
THIÊN CHÚA CHỊU HỆ LUỴ VÌ CON NGƯỜI
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham… Tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến lưu đầy Ba-by-lon là mười bốn đời; và từ lưu đầy Ba-by-lon đến Đức Ki-tô cũng là mười bốn đời.” (Mt 1,1.17)
Suy niệm: Con Thiên Chúa làm người cũng có một gia phả. Gia phả đó bắt đầu từ tổ phụ Áp-ra-ham, con người đầu tiên ký một giao ước minh nhiên với Thiên Chúa. Thiên Chúa trở thành “bà con” với con người từ đó. Và cũng từ đó Thiên Chúa chấp nhận mọi hệ luỵ với con người, đồng hành với con người qua mọi thăng trầm của lịch sử. Con Thiên Chúa được gọi là con cháu tổ phụ Ápraham, con cháu vua Đavít, thì đồng thời chịu nhận ghi tên mình vào quyển gia phả đầy dấu vết những vụ bê bối, tai tiếng này. Là con người, Con Thiên Chúa tự nhận mọi tội lỗi cua con người làm tội lỗi của mình để chuộc tội, để đền thay.
Mời Bạn: Chúa Giê-su tự nhận mình có liên đới trách nhiệm với toàn thể nhân loại về những tội lỗi không phải của bản thân Ngài, để mọi người chúng ta được liên đới trong ân sủng Ngài sắm lại cho chúng ta.
Chia sẻ: Bạn có nhận thấy trong cộng đoàn của bạn có triệu chứng của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm đối với người khác không?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm rằng: Tôi chịu trách nhiệm về tội lỗi của anh em tôi. Nếu tôi sống thánh thiện hơn, thì thế giới đã không tội lỗi như thế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô vô tội đã gánh lấy tội chúng con, xin cho chúng con cũng biết hy sinh đền thay tội lỗi của anh em chúng con, ngõ hầu chúng con được thông phần ân sủng của Ngài. Amen.
18/12/19 THỨ TƯ TUẦN 3 MV
Mt 1,18-24
TRUYỀN TIN CHO GIU-SE
Giu-se đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)
Suy niệm: Biến cố truyền tin quả thật là một mầu nhiệm vượt quá sức hiểu biết và lý giải của con người. Cũng như Đức Ma-ri-a, thái độ của thánh Giu-se thực sự là một mẫu gương cho chúng ta khi đứng trước mầu nhiệm. Giu-se “định tâm bỏ Ma-ri-a cách kín đáo” vì ngài không hề nghi ngờ gì về đời sống thánh thiện của Đức Ma-ri-a và ngài cũng không biết được hoạt động của Thiên Chúa nơi bạn mình: thái độ của ngài là tôn trọng bạn và tôn trọng thánh ý Chúa nơi bạn mình. Ngay cả khi được thiên thần báo mộng, thánh Giu-se cũng không nhận được một lời lý giải rõ ràng hơn, bởi vì ngài chỉ biết Đức Ma-ri-a thụ thai là do đâu (bởi quyền năng Chúa Thánh Thần) chứ không phải là thế nào. Mầu nhiệm vẫn nguyên vẹn là mầu nhiệm. Thái độ của thánh nhân lúc này là tin tưởng, phó thác và vâng phục: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Mời Bạn: Mầu nhiệm không phải là một bức tường dày đặc bịt kín mít mọi cửa ngõ. Nhưng mầu nhiệm giống như biển cả vừa bao la vừa sâu thẳm mời gọi chúng ta chìm sâu vào để tiến tới. Mời bạn bắt chước thái độ của thánh Giu-se đứng trước mầu nhiệm, đó là: tôn trọng-tin tưởng-vâng phục.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện trong thinh lặng để quen nhìn ra thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy thánh cả Giu-se, xin giúp con biết bắt chước Ngài luôn mến tin và vâng phục khi chiêm ngắm những mầu nhiệm diệu kỳ của Chúa. Amen.
19/12/19 THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25
TRONG NIỀM VUI CHỜ ĐỢI
Sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.” (Lc 1,13)
Suy niệm: Ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét chia sẻ với ta cách sống mùa trông đợi này. Họ được loan báo sẽ được Thiên Chúa đoái thương và cho có một người con trai. Họ chưa hề có kinh nghiệm chờ đợi như thế này, vì họ đã quá tuổi sinh con. Lời hứa của Thiên Chúa vượt quá trí tưởng của họ, nhưng họ vẫn mong chờ ngày đó sẽ xảy đến, bởi biết rằng Thiên Chúa đã từng đòi hỏi dân Chúa chờ đợi như thế. Nô-ê chờ đợi 40 ngày trong cơn hồng thuỷ, dân Ít-ra-en phải chờ đợi 40 năm trong hoang địa, v.v… Kinh nghiệm chờ đợi trong lịch sử dân Chúa cho họ nhận biết Thiên Chúa có chương trình của Ngài, thời điểm Thiên Chúa thực hiện lời hứa không do chúng ta quyết định, nhưng chắc chắc Thiên Chúa sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa. Vì thế, chờ đợi Chúa đến vẫn cứ gắn bó và làm nên đời sống của người theo Chúa, một đời sống đầy tinh thần mùa vọng.
Mời Bạn: Ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét chờ mong ngày mau đến và vui sống từng ngày trong niềm hy vọng Thiên Chúa đoái thương thân phận của họ. Mùa Vọng này có khơi dậy được trong bạn niềm khát mong Chúa đến với bạn và đến với gia đình bạn không? Đời sống đạo của bạn có minh chứng lòng khát khao Chúa không?
Sống Lời Chúa: Tìm giờ viếng Thánh Thể và trình bày với Chúa lòng khát khao Chúa đến với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đến với con, vì Chúa đã hứa rằng Chúa sẽ lại đến. Xin cho con luôn sống tinh thần mùa vọng suốt đời con, cho đến ngày Chúa lại đến.
20/12/19 THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Lc 1,26-38
HẠNH PHÚC CÓ CHÚA Ở CÙNG
Sứ thần nói: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.”
(Lc 1,30-33)
Suy niệm: Có một câu chuyện cổ tích thơ mộng về một vị hoàng tử rời bỏ ngai vàng, đến ở với cô bé lọ lem trong một túp lều tranh nghèo nàn. Câu chuyện cổ tích ấy nay không còn là cổ tích nữa, vì vị hoàng tử si tình ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống trần làm người, chung sống với những cô bé lọ lem, là chúng ta. Khởi đầu của túp lều tranh đó không phải là máng cỏ, hang lừa, mà là ngôi nhà Na-da-rét khiêm tốn. Khởi đầu của kiếp người không phải với tiếng khóc chào đời ở Bê-lem, nhưng nơi cung lòng Đức Trinh Nữ. Ngôi Hai Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người với chúng ta. Ngài không chỉ làm người trong 33 năm, nhưng làm người mãi mãi, để mãi mãi ở với con người.
Mời Bạn: Câu chuyện vị hoàng tử đến ở với cô bé lọ lem nơi túp lều tranh là hình ảnh thật đẹp về tình yêu. Nhưng chưa đủ! Vị hoàng tử ấy còn đưa cô bé lọ lem về cung điện để được hưởng vinh quang với mình. Chắc chắn, một ngày kia, Đức Giê-su Phục Sinh cũng đưa ta vào vinh quang Thiên Quốc với Ngài,
Chia sẻ: Tôi có bao giờ cảm động và nhận ra mình thật diễm phúc vì có Chúa ở với tôi không?
Sống Lời Chúa: Thực hiện những hành động thể hiện tình yêu thương với người thân: một lời nói dịu dàng, một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ nâng đỡ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người như chúng con, Chúa hiểu hết những gánh nặng của kiếp người. Xin nâng đỡ chúng con trên đường đời, xin luôn đồng hành với chúng con. Amen.
21/12/19 THỨ BẢY TUẦN 3 MV Lc 1,39-45
NGƯỜI ĐƯỢC CHÚC PHÚC
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)
Suy niệm: Bà Ê-li-sa-bét không chỉ nhận biết hạnh phúc mình đang hưởng là được“Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi”. Bà còn khen ngợi “những người” đến viếng thăm mình là người được chúc phúc. Quả thật, Đức Ma-ri-a đã được sứ thần chào kính “Bàđầy ân phúc” và “người con em đang cưu mang” mới thật là nguồn mạch mọi phúc lành. Biết mình được chúc phúc và ca ngợi người khác được Chúa chúc phúc, đó chính là cung cách sống của Ki-tô hữu, người đã đón nhận Tin Mừng và đồng thời, có sứ mạng loan báo Tin Mừng đó.
Mời Bạn: Bốn hôm nữa chúng ta mừng lễ Đấng Cứu Thế Giáng Sinh. Đó là hồng phúc cho cả nhân loại. Lời ca tụng mang đầy tính tiên tri của bà Ê-li-sa-bét nhắc nhở chúng ta mừng lễ với một chiều kích nội tâm sâu xa, chứ không dừng lại ở những hào nhoáng bên ngoài của lễ Giáng Sinh. Nơi ấy, ta gặp được chính Con Thiên Chúa, để tạ ơn, để ngợi khen Ngài là nguồn mạch mọi ơn phúc cho chúng ta. Một khi nhận ra phần phúc Chúa ban cho mình, chúng ta cũng được mời gọi cùng với Mẹ dấn thân phục vụ để chia sẻ phần phúc đó cho tha nhân, để họ nhận ra rằng họ cũng được Chúa yêu thương và chúc phúc.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay bạn sẽ gặp gỡ những ai? Bạn sẽ làm gì để biến ít là một trong những cuộc gặp gỡ ấy thành một cơ hội giúp họ nhận ra họ cũng là những người được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con biết bám chặt lấy Chúa để con luôn cảm thấy hạnh phúc khi sống đời Ki-tô hữu, và để con hăng say loan báo tình yêu Chúa cho anh em con. Amen.