Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

GLHN 5 BAI ĐẦU


Bài 1:   ƠN GỌI HÔN NHÂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Câu 1: Tình yêu có gì khác với sự thu hút giữa nam và nữ?

Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người một cách cụ thể là nam hoặc nữ và chúc lành cho con người sinh sôi nảy nở cho đầy trên mặt đất. Trong con người có giới tính, giới tính đó đã len lỏi vào trong mọi hành vi, cử chỉ, suy nghĩ và cách sống của con người. Chính vì lẽ đó, con người luôn biết đi tìm nhau, đi tìm khúc xương sườn mà Thiên Chúa đã tạo nên cho mình, tìm kiếm để bổ túc cho nhau những gì còn thiếu.
Giới tính làm cho con người có sự khác nhau về hình dáng, tâm lý, tình cảm, văn hóa,… Chính sự khác nhau đó làm cho giữa nam và nữ luôn có sự thu hút lẫn nhau. Cũng giống như hai thỏi nam châm, cùng cực thì chúng đẩy nhau và hút nhau khi chúng khác cực nhau. Khi một người nam và nữ tiếp xúc với nhau, họ có thể sẽ cảm thấy thích ngoại hình, giọng nói, tính cách, nụ cười,… của người kia, và đó chính là biểu hiện của sự thu hút giới tính.
Tình yêu là một ơn ban mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Một khi nam và nữ biết chấp nhận đi ra khỏi mình, chấp nhận sự khác biệt nhau về tâm lý để hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương, biết hy sinh cho nhau, biết chấp nhận những khuyết điểm của nhau, ngay cả khi đó là những khuyết điểm đã ăn sâu, khó thay đổi thì giữa họ đã phát sinh tình yêu.
Giới tính có một giá trị tuyệt hảo là ở chỗ mà tình yêu mà nó vươn tới. Tình yêu là tuyệt đối, không bao giờ tan biến nhạt phai. Sự thu hút phái tính là tương đối, nên có thể thay đổi đậm lợt theo tâm lý, hoàn cảnh, thời gian. Vì vậy, có thể nói sự thu hút giữa nam và nữ là bước khởi đầu để phát sinh một tình yêu và xa hơn là tiến tới cuộc sống hôn nhân.

Câu 2: Tình yêu cần thiết cho hôn nhân như thế nào?

Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân, hôn nhân chỉ có thể được xây dựng khi có nền móng là tình yêu. Hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc vào tình yêu. Tình yêu làm cho hai người có sự đồng cảm với nhau, làm cho họ biết lắng nghe và tôn trọng nhau hơn. Hôn nhân mà có tình yêu sẽ làm cho 2 người yêu mến kính trọng nhau suốt đời. Ngược lại, hôn nhân mà không có tình yêu, sẽ làm cho 2 người dễ nhàm chán, rồi khinh rẻ nhau, còn có thể dẫn đến ghê tởm nhau.
Trong cuộc sống hôn nhân không thể không có tình yêu vì nếu thiếu nó hôn nhân sẽ trở nên kém thú vị, dễ làm cho hai người trở nên xa cách nhau và qua đó làm mất ơn nghĩa với Thiên Chúa.

Câu 3: Có thể lấy một người đồng thời lại yêu một người khác được không? Tại sao?
           
Chúng ta là người Công Giáo, chúng ta hướng tới một hạnh phúc thật là được sống trong tình thân mật với Thiên Chúa. Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Vì vậy, khi hai người thực hiện hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa, chính là họ đang tiến đến gần Thiên Chúa.
Hôn nhân là một giao ước giữa người nam và nữ được ký kết trước mặt Thiên Chúa, được Thiên Chúa đóng ấn. Giao ước này được ký kết với đầy đủ tự do và ưng thuận của cả hai người để cam kết sống yêu thương và giúp đỡ nhau trọn đời. Vì vậy, khi đã lập thành Bí tích Hôn nhân, cả hai buộc phải sống với nhau trọn tình. Nếu một trong hai người có ý định muốn thay đổi, hay phát sinh tình yêu với một người khác thì đã đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, trái với luật định của Thiên Chúa và từ đó dễ làm cho họ xa rời Thiên Chúa. Bởi vì: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.”








Bài 2:                                        HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

Câu 1: Khi nhìn vào tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, anh chị học được điều gì cho tình yêu của anh chị?

Hôn nhân Công Giáo là hình ảnh của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Đức Kitô được ví như chàng rể, còn Hội Thánh được ví như cô dâu. Tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh là vô bờ bến, Ngài đã yêu thương đến nỗi chấp nhận từ bỏ thân phận cao quý của mình là Con Thiên Chúa để nhập thể làm người, và hy sinh chính mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại. Mặc dù tình yêu của Ngài bị con người chối bỏ nhưng Ngài vẫn yêu họ. Ngài đã trao ban tình yêu của Ngài cách nhưng không, trao ban mà không cần được đáp trả. Qua tình yêu của Người dành cho Hội Thánh, Đức Kitô muốn dạy cho nhân loại và muốn nhân loại cũng hãy yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương họ, yêu thương nhau như chính bản thân mình, biết chịu đựng và hy sinh vì nhau, vì chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu.

Câu 2: Trung thành với nhau đến chết phải chăng là một thách đố?
           
Khi ký kết giao ước hôn nhân trước mặt Thiên Chúa, hai người buộc phải thề hứa sẽ trung thành với nhau cho đến chết. Đó chính là những nghi thức, thủ tục cần thiết mà Thiên Chúa đã lập nên cùng với Bí Tích Hôn Phối. Người muốn nhờ vào đó có thể giúp họ bảo vệ được tình yêu của mình và chống lại mọi cám dỗ vốn luôn hiện diện trong cuộc sống nhân loại.
Khi hai người mới bắt đầu yêu nhau, họ sống dưới hai mái nhà riêng biệt, tất cả mọi sinh hoạt đều là riêng biệt và tự do. Và chỉ có thể gặp nhau trong nhớ nhung, trong sự chờ đợi và thời gian họ được ở bên nhau là những giây phút quý báu. Với họ, không gian lúc đó là tất cả những gì tươi đẹp nhất, là màu hồng, tất cả những gì nơi đối phương đều là tốt đẹp, là hoàn mỹ. Đến khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, họ mới nhận ra rằng người bạn của mình không tốt như họ nghĩ, không hoàn hảo như họ mong đợi và cảm giác thất vọng về người bạn đời bắt đầu xuất hiện nơi họ.
Một yếu tố luôn ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân nữa là sự nhàm chán. Khi yêu nhau người ta luôn tìm thấy ở nhau những điều hấp dẫn, cuốn hút nhưng khi đã sống chung thì những điều khác biệt, hấp dẫn đó sẽ dần tan biến và dần dần thay vào đó là những cảm giác nhàm chán, từ đó dễ dẫn đến con đường sa ngã, thiếu chung thủy.
Ngoài ra, cũng còn có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân như: vấn đề tài chính, sự khác biệt về văn hóa, trình độ,…
Yêu nhau, ai cũng nghĩ đến một cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng làm thế nào để có được một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn thì không dễ chút nào, nhất là trong cuộc sống muôn hình muôn dạng này,….?

Câu 3: Ân sủng bí tích Hôn Phối mang lại điều gì cho đời sống hôn nhân?
           
Bí tích hôn nhân là bí tích Thiên Chúa đã lập để ban cho những người lãnh nhận những ơn cần thiết nhằm giúp họ sống xứng đáng với ơn gọi của mình.
Hôn nhân phát xuất từ tình yêu, hôn nhân chính là nền tảng, là tấm màn bảo vệ cho tình yêu, giúp tình yêu có thể thăng tiến và ngày càng bền chặt hơn.
Hôn nhân là Bí tích thiêng liêng được thực hiện bởi những lời thề hứa của hai người trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, Bí tích Hôn nhân là sợi dây ràng buộc giữa hai người, giúp họ nhờ vào đó mà có thể đối mặt với những cám dỗ, sa ngã của cuộc sống nhân loại.
Hôn nhân là giao ước dựa trên sự tự do ưng thuận và tinh thần trách nhiệm. Vì vậy, Bí tích Hôn nhân giúp kết hợp hai người lại với nhau để họ cùng giúp đỡ nhau, kiện toàn nhau trong tinh thần trách nhiệm của mình.
Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, Bí tích Hôn phối giúp con người biết luôn nhìn vào tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh mà học hỏi và thực hành cho tình yêu của mình.






Bài 3:                                 GIÁO LUẬT VỀ BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Câu 1: Vì sao Hội Thánh lại có những điều luật về hôn nhân? Đâu là mục đích của những điều luật đó?

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy.” Bất cứ một tổ chức nào cũng có những giới luật riêng của nó. Từ khi xã hội hình thành thì đã có luật lệ hình thành theo. Những luật lệ này được tạo ra nhằm giúp ổn định xã hội và hoàn thiện xã hội hơn. Con người sống trong xã hội nào thì phải tuân theo luật lệ của xã hội đó.
Khi kết hôn, hai người không chỉ sống riêng cho họ mà còn sống cho gia đình, xã hội nữa. Trong chương trình của Thiên Chúa, chúng ta cũng nhận thấy mục đích chính của hôn nhân là để yêu thương và nâng đỡ nhau, đồng thời sinh sản và dưỡng dục con cái. Hơn nữa, đối với xã hội ngày nay, những Giáo Luật này càng trở nên quan trọng hơn, càng có ý nghĩa hơn khi sự rạn nứt trong tình yêu và hôn nhân Công Giáo đã dễ dàng nảy sinh những mâu thuẫn, có xu hướng kết thúc hôn nhân bằng việc ly thân hoặc đưa ra ly dị ở tòa án đời.
Vì vậy, đối với hôn nhân, Hội Thánh cũng quy định những giáo luật riêng để kiện toàn hơn đời sống hôn nhân của tín hữu mình. Giáo Luật hôn nhân được đặt ra nhằm bảo vệ và hỗ trợ đời sống hôn nhân và gia đình, để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của vợ chồng và con cái. Giáo Luật giúp họ không vi phạm những chuẩn mực đạo đức và dẫn dắt, hướng dẫn họ để họ thể hiện ơn gọi hôn nhân theo ý muốn của Thiên Chúa.
Nhưng luật lệ đặt ra không phải lúc nào cũng để cấm đoán hay ngăn cản, Giáo Luật của Hội Thánh đặt ra còn đóng vai trò là bản hướng dẫn để con người có thể giải quyết những vấn đề khúc mắc, những khó khăn khi họ gặp phải. Bên cạnh những điều cấm thì Giáo Luật cũng có những hướng giải quyết cho những vấn đề đó. Ví dụ như khi hai người mắc phải những ngăn trở kết hôn thì Hội Thánh cũng có những điều kiện miễn chuẩn để giúp họ có thể thực hiện ước muốn của mình.

Câu 2: Vì sao trong việc lập gia đình, Hội Thánh nhấn mạnh khía cạnh tự do ưng thuận?
           
Quyền kết hôn và lập gia đình là một quyền căn bản của con người được Giáo Luật và Dân luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó, những ai không bị luật cấm đều có quyền kết hôn. Đối với việc kết hôn, cả Giáo Luật và Dân luật đều nêu rất rõ điều kiện để có thể kết hôn là hai người phải hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Hội Thánh càng coi trọng yếu tố này hơn khi coi đây là một yếu tố cần thiết, là điều kiện làm nên hôn nhân, nếu thiếu sự ưng thuận này thì hôn nhân không thành. Mặt khác, khi họ tự nguyện cùng nhau lập nên lời thề hứa trước mặt Thiên Chúa, thì lời thề ấy sẽ có giá trị ràng buộc đối với họ hơn là lời thề không do bản thân họ mong muốn.
Tình yêu là nền tảng của hôn nhân, hôn nhân chỉ thực sự bền vững khi trong nó có sự tồn tại của tình yêu. Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Không những nâng đỡ nhau trong tình yêu, họ còn phải nâng đỡ nhau trong cuộc sống nữa. Bên cạnh những sở trường riêng thì người nào cũng có cái yếu kém, cái hạn hẹp của mình.  Khi hai người quyết định đến với nhau, là họ nhận thấy họ có thể chấp nhận được những thói quen cũng như tính cách của đối phương, họ cảm thấy có thể lấp đầy cho nhau, có thể bù đắp cái “thiếu” của nhau, có thể tương trợ nhau trong tình yêu. Và khi đó, cuộc sống hôn nhân của họ sẽ trở nên có ý nghĩa hơn vì họ được sống đúng với những gì họ muốn.
Trái lại, một cuộc hôn nhân không có tình yêu hay bị ép buộc sẽ làm cho cuộc sống hôn nhân trở nên vô vị, tẻ nhạt, làm cho hai người thiếu sự đồng cảm, họ không thể chia sẻ với nhau, không chịu đựng được nhau do họ không thực sự hiểu hết về nhau, không tận tình giúp đỡ nhau trong cuộc sống, thiếu tinh thần trách nhiệm vì giữa họ không có tình yêu. Trong họ lúc nào cũng bị đè nặng tâm lý rằng đó là một sự sắp đặt, một sự ép buộc và điều đó làm cho họ luôn cảm thấy mâu thuẫn. Từ đó, hôn nhân của họ không bền vững và dễ có xu hướng bị đổ vỡ.

Câu 3: Phải chăng Hội Thánh có thể miễn chuẩn mọi ngăn trở hôn phối?

Đối với hôn nhân Công Giáo, khi hai người muốn kết hôn với nhau nhưng mắc phải một trong những ngăn trở hôn phối theo luật Hội Thánh thì hôn nhân đó không được công nhận hay còn gọi là bất hợp pháp. Trong trường hợp này, không được cử hành Bí Tích Hôn Phối mà phải xin phép chuẩn để cuộc hôn nhân này thành sự. Nhưng không phải ngăn trở nào Hội Thánh cũng có thể miễn chuẩn được. Đối với những ngăn trở do luật Hội Thánh đặt ra thì Hội Thánh có quyền miễn chuẩn khi có lý do chính đáng. Còn đối với những ngăn trở do luật tự nhiên, Hội Thánh không có quyền miễn chuẩn.
Bởi vì: xác định gia đình chính là chiếc nôi và là môi trường để Hội Thánh hội nhập vào cộng đồng nhân loại, và ngược lại, để cộng đồng nhân loại có thể hội nhập vào Hội Thánh. Giáo Hội mong muốn người Kitô hữu phải là người Công Giáo tốt đồng thời là công dân tốt, điều đó không có nghĩa là Giáo Hội mong muốn người Kitô hữu phải theo chế độ nầy, chống chế độ kia, song Giáo Hội muốn xác định người Kitô hữu có bổn phận trở nên người Công Giáo tốt và công dân tốt trong mọi chế độ chính trị. Chính vì vậy, Hội Thánh cũng đưa ra những giáo luật của mình phù hợp với luật tự nhiên của xã hội để có thể cùng bổ túc cho nhau trong tinh thần liên đới, cùng nỗ lực vun đắp một xã hội mới nhân bản hơn, hoàn thiện hơn.






Bài 4 :                                   HÔN NHÂN KHÁC TÔN GIÁO

Câu 1: Vì sao Hội Thánh quan tâm đặc biệt đến những cuộc hôn nhân khác đạo?

Thật đúng để nhận định là mọi tôn giáo đều phải cố gắng giải quyết vấn đề hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Hôn nhân là ngưỡng cửa bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới cho những ai chuẩn bị bước vào đó. Vì vậy, để giúp con cái mình đưa ra những quyết định và chọn lựa đúng đắn cho cuộc sống sau này, Hội Thánh khuyên con cái mình không nên kết hôn với những người khác tôn giáo. Đối với những trường hợp không thể can ngăn, Hội Thánh buộc phải chấp nhận qua việc ban phép chuẩn cho họ. Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn đặc biệt quan tâm đến những cuộc hôn nhân khác đạo này bởi vì: hai người thực sự yêu nhau thì điều trước tiên phải hiểu và thông cảm cho nhau, quan tâm lo lắng cho nhau và phải có nếp sinh hoạt tương đồng. Một thực tế luôn xảy ra đối với những cuộc hôn nhân khác tôn giáo là sự không hòa hợp trong lối sống, đổ vỡ trong hôn nhân mặc dù trước kia họ yêu nhau thắm thiết.
Điều mà Giáo Hội quan tâm và không muốn xảy ra nhất đối với hôn nhân khác đạo là tình trạng đạo ai nấy giữ. Nhiều đôi nam nữ cho rằng họ có th sống hạnh phúc với nhau với quan điểm đạo ai nấy giữ, luôn tôn trọng và không xâm phạm vào quyền tự do tín ngưỡng của nhau. Tuy nhiên, vấn đề khác biệt về tôn giáo luôn làm cho họ có một khoảng cách vô hình và khoảng cách đó càng rộng hơn khi họ có con. Lúc này mọi mâu thuẫn mới bắt đầu hình thành. Mâu thuẫn phát sinh từ việc họ bắt đầu tranh luận về vấn đề cho con theo đạo nào, sẽ dạy bảo con cái về tôn giáo nào? Với những người theo đạo Công Giáo, khi kết hôn họ phải cam kết sẽ rửa tội cho con cái và giáo dục con cái trong đức tin Hội Thánh. Vì vậy, Hội Thánh lo ngại con cái mình sẽ không hoàn thành được sứ mệnh liên quan đến trách nhiệm của họ trong việc trao truyền lại đức tin cho con cái. Hơn nữa, việc dạy dỗ con cái về tôn giáo thì giống như một nghệ thuật, giống như việc uốn cây từ lúc còn non. Hội Thánh cũng lo sợ việc con cái họ lớn lên trong điều kiện này thường sẽ thiếu sự liên hệ chắc chắn với Thiên Chúa.
Một trường hợp nữa thường xảy ra đối với hôn nhân khác đạo là tình trạng người ngoại đạo theo đạo một cách đối phó. Nghĩa là họ đồng ý theo đạo để có thể thuận lợi kết hôn. Và thực tế thường xảy ra là khi đã thành vợ chồng theo ý muốn thì họ bắt đầu nhạt nhẽo và không còn hứng thú với việc theo đạo nữa. Không những thế, họ còn xúc phạm và ngăn cấm không cho người bạn đời giữ đạo nữa, và mỗi khi xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn thì họ lại đòi bỏ đạo.
Cũng vì lo lắng cho hạnh phúc của con cái mình, lo sợ con cái mình thiệt thòi nên Hội Thánh không khuyến khích việc con cái mình kết hôn với người khác đạo. Khi kết hôn với người ngoại đạo, nếu xảy ra đổ vỡ, ly hôn thì người Kitô hữu là người thiệt thòi hơn cả. Bởi vì, khi đã kết hôn, người Kitô hữu không được phép ly hôn cho dù vì bất cứ lý do nào. Và nếu có ly hôn, người Kitô hữu không có quyền tái hôn một khi người bạn của mình còn sống.

Câu 2: Theo anh chị hôn nhân hỗn hợp đem đến những thuận lợi và bất lợi nào?

Thuận lợi:
Hôn nhân hỗn hợp là hôn nhân của hai người đã được rửa tội. Do cùng được rửa tội trong Hội Thánh, cùng tin vào Thiên Chúa nên họ có cùng một đức tin, họ dễ cảm thông, chia sẻ và tôn trọng nhau trong việc giữ đức tin của nhau.
Khi hai người cùng được rửa tội, hôn nhân của họ trở thành một Bí Tích. Vì đã lập thành Bí Tích nên họ không thể tháo gỡ. Khi lãnh nhận Bí Tích Hôn Nhân họ buộc phải thề hứa sống trung thành với nhau trọn đời. Điều này, giúp bảo vệ hôn nhân của họ luôn bền vững và nhắc nhở họ sống với nhau có trách nhiệm hơn trong cùng tâm tình kính sợ Thiên Chúa.
Đối với hôn nhân hỗn hợp, hai người không phải lo lắng nhiều về trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo cho con cái được rửa tội. Bởi vì, tuy khác tôn giáo nhưng cả hai người đều được rửa tội và đều được giáo dục trong Hội Thánh và đương nhiên điều này đảm bảo con cái họ cũng sẽ được rửa tội, họ có thể chu toàn trách nhiệm của mình là chăm sóc và giáo dục con cái trong đức tin.
Bất lợi:
Mặc dù có cùng một niềm tin vào Chúa Kitô nhưng mỗi tôn giáo đều có những nét riêng của mình. Những bất lợi trong hôn nhân hỗn hợp cũng bị ảnh hưởng bởi những quan điểm bất đồng dẫn đến việc chia rẽ trong cộng đoàn Kitô hữu. Và đương nhiên những bất đồng về quan điểm đó cũng sẽ tồn tại mãi trong quan điểm tôn giáo của mỗi người. Mặc dù không phải tranh luận về vấn đề có rửa tội cho con cái họ hay không. Nhưng họ lại gặp phải khó khăn trong việc quyết định sẽ rửa tội và giáo dục con cái họ theo tôn giáo nào. Sứ mạng của người Kitô là phải tham gia vào cộng đồng đức tin và trao truyền cho con cái niềm tin tôn giáo đặc biệt mà mình đã thề hứa. Hôn nhân khác đạo thì tranh luận có cho con cái rửa tội hay không? Còn mâu thuẫn trong hôn nhân hỗn hợp là một người muốn nuôi nấng con cái theo đức tin Công Giáo; người kia lại muốn nuôi nấng con cái theo Tin Lành hay Chính Thống giáo…. Điều này làm cho họ không biết sẽ phải cầu nguyện thế nào trong một hôn nhân khác giáo hội và làm cho họ không biết sẽ rửa tội và dậy bảo đức tin của con cái như thế nào.

Câu 3: Anh chị có những người bạn nào lập gia đình với người khác đạo không? Kinh nghiệm của họ thế nào?

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, con người có nhiều điều kiện giao tiếp rộng rãi hơn qua các mối quan hệ xã hội: đi làm, đi học xa nhà… tình yêu cũng dễ phát sinh và không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Do đó, việc hôn nhân khác đạo đã trở thành chuyện bình thường và phổ biến hơn.
Qua kinh nghiệm thực tế của một số anh chị em kết hôn với người khác đạo cho biết: để có thể lập gia đình với một người khác đạo đã khó vì họ luôn gặp phải sự phản đối, ngăn cản từ phía gia đình, người thân. Không những thế, cuộc sống sau hôn nhân của họ còn gặp phải nhiều thử thách khác nữa. Họ cho biết, sống với người khác đạo, bản thân họ luôn luôn phải cố gắng và nỗ lực như cây đuốc để cháy sáng làm người dẫn đường cho người bạn kia, vì người ta không biết gì về đạo mình, phải cho người ta thấy đạo mình tốt thì người ta mới tôn trọng, mới có thể theo đạo mình được. Có một câu nói vui nhưng cũng là mối lo đối với hôn nhân khác đạo là: "Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngội, con lấy được vợ con thôi nhà thờ". Quả thật, đa số các cuộc hôn nhân khác đạo thường xảy ra tình trạng này, đó là khi chưa lấy được mình thì nói gì người ta cũng nghe, rất sốt sắng học giáo lý để theo đạo nhưng lấy xong lại dở chứng không chịu đi nhà thờ, không chịu đọc kinh, và thường hay đe dọa bỏ đạo mỗi khi có xích mích, cãi nhau, làm cho bên Công Giáo phải nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi chỉ vì muốn người kia giữ đạo. Một thực tế nữa thường hay xảy ra đối với những cuộc hôn nhân khác đạo là việc người Công Giáo dần trở nên nguội lạnh với đạo của mình. Nguyên nhân là do người bạn khác đạo không cho phép, không vui khi họ đến nhà thờ, không vui khi thấy họ thờ phượng Thiên Chúa và tệ hại hơn là ngăn cấm họ giữ đạo, không cho đi Lễ Chúa Nhật thường xuyên. Bắt phải tham gia việc thờ cúng theo đạo của bên họ.
Việc kết hôn khác đạo ngày nay tuy là một thực trạng phổ biến nhưng cũng là một vấn đề nan giải. Vì vậy, người Kitô hữu khi muốn kết hôn với người khác đạo cần phải cầu nguyện thật nhiều để xin ơn Chúa soi sáng, xin Chúa ban sức mạnh để trước tiên mình có thể vững lòng tin để giữ được đạo của mình, sau đó mới có thể làm cầu nối để đưa Chúa đến với người bạn của mình. Đồng thời cũng phải tham khảo ý kiến của người thân, những người có trách nhiệm trong giáo xứ để được hướng dẫn, giúp đỡ và thêm lời cầu nguyện cho mình.















THÔNG BÁO Văn phòng TGM ghi nhận 5 điểm chính yếu






THÔNG BÁO
Văn phòng TGM ghi nhận 5 điểm chính yếu
Kính thưa quý Cha.
Theo báo Tuổi Trẻ online (tuoitre.vn), sáng nay (7/5) thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì cuộc họp thường trực chính phủ về phòng chống dịch bệnh covid-19 đã cho phép mở các dịch vụ không thiết yếu.
Văn phòng TGM ghi nhận 5 điểm chính yếu. Xin chia sẻ với quý cha làm cơ sở để quý cha tổ chức các sinh hoạt tôn giáo cho cộng đoàn giáo xứ giáo họ của mình. 5 điểm đó là:
1/ Cách chung: Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế - xã hội để dần trở lại bình thường. Nhưng cũng không được chủ quan, coi thường dịch bệnh COVID-19.
2/ Với trường học: Không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay. Nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh, không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học…
3/ Với dịch vụ kinh doanh: Cho phép mở các dịch vụ kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke.
4/ Với phương tiện giao thông: Thủ tướng cũng đồng ý bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu hỏa, tàu thủy…) nhưng yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang.
5/ Với các sự kiện tập trung đông người: Cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người, khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.
Với những thông tin trên, và với trách nhiệm mục tử chăm sóc cộng đoàn, xin quý cha vận dụng để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cộng đoàn của mình, trong khi chờ đợi thông báo chính thức của Ban tôn giáo.
Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho giáo phận và cho toàn thể nhân loại sớm vượt qua đại dịch.
Xin cám ơn quý Cha.

Văn phòng TGM.