GHEN TƯƠNG
Ca
dao Việt
“Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”
Ghen tương, tị hiềm là một
mầm giống bệnh tật nằm trong bản tính con người. Từ nguyên thủy đã có ghen tị.
Cain vì ghen mà giết Aben, bởi em cậu đẹp lòng Thiên Chúa. Các anh em con của
Giacob ghen với Giuse vì em được cha thương nên bán em qua Ai cập làm nô lệ.
Vua Saolê ghen với Đavít vì dân chúng tín nhiệm Đavít, nên Saolê hai lần lấy
đao phóng đâm vào Đavít. Đavít ghen với Uria. Vì ông có vợ đẹp nên Đavít đã hãm
hại Uria để chiếm đoạt vợ của ông.
Có nhiều người ghen và cũng
có nhiều chuyện để ghen. Ghen tương thường đi đến kết thúc thật bi thảm. Thù
oán, giận hờn và đôi khi giết hại lẫn nhau mà vẫn không áy náy lương tâm.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ
kiện hai bà mẹ giành nhau đứa con trước tòa của Salômôn. Một bà nói: Hai chúng
tôi ở cùng một nhà, nhưng con của bà ta bị chết vì bà nằm đè phải đứa con nên
nó bị chết. Nửa đêm bà này thức dậy đánh tráo con tôi”. Nhà vua vung gươm sáng
loáng ra lệnh chặt đôi bé còn sống để chia cho mỗi bà một nửa. Nghe vậy, người
mẹ thứ hai thưa rằng: “Xin bệ hạ trả cháu nhỏ cho bà kia, đừng giết cháu tội
nghiệp”. Bà thứ nhất thưa: “Cháu bé không phải của chị cũng không phải của tôi.
Cứ phân đôi là công bằng”. Nhà vua liền trao cho người mẹ xin đừng giết đứa bé,
vì đó là người mẹ thật.
Quả thực lòng ghen đánh mất
tính người: “Không ăn thì hắt đổ đi”.
Lòng ghen tương cũng mất tình liên đới với tha nhân, không chấp nhận người khác
hơn mình. Và càng không chấp nhận người khác có mà mình lại không có. “Trâu buộc ghét trâu ăn” là thế.
Kẻ ghen tị không hề nghĩ tới
trách nhiệm về lời mình nói, việc mình làm có tổn hại đến tha nhân hay không?
Kẻ ghen tị càng không có
công lý và tình thương, họ chỉ mưu toan hạ bệ, chà đạp và làm hại người khác.
Với cá nhân, ghen tị biến
thành kẻ ác nhân, nơi đoàn thể biến thành kẻ giả hình. Bề ngoài niềm nở tay bắt
mặt mừng . . .. nhưng trong lòng lại “một bồ dao găm”, chỉ toan tính hại người.
Ở Ấn Độ có dụ ngôn như sau:
Trong triều đình có hai vị quan. Một người thì ganh tị, một người tham lam.
Để chữa trị những tật xấu
ấy, vua cho triệu vời cả hai vào triều đình. Nhà vua loan báo sẽ thưởng công
xứng đáng cho cả hai người vì đã có công phục vụ nhà vua nhiều năm qua. Họ xin
gì được nấy. Tuy nhiên người nào mở miệng trước thì sẽ được những gì mình muốn,
còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Cả hai viên sĩ quan lặng
thinh ngẫm nghĩ. Kẻ tham lam thầm nghĩ rằng. Nếu tôi nói trước thì sẽ được ít
hơn, còn người ganh tị thì lý luận, tội vạ gì mà mình xin trước để tên kia lãnh
gấp đôi. Cứ như thế chẳng ai dám xin trước. Cuối cùng nhà vua phải yêu cầu
người ganh tị nói trước. Hắn bèn dõng dạc tuyên bố: “Nếu thế thì xin vua cho
tôi được chặt đứt một cánh tay để tên kia bị gấp đôi”.
Sự ganh tị đã đánh mất tình
người. Con người dễ dàng trở thành kẻ thù của nhau chỉ một miếng ăn, một chén
gạo . . .
Dụ ngôn hôm nay muốn nói với
chúng ta rằng đừng có ganh tị tham lam ích kỷ. Hãy tập “có sao chịu vậy” và tốt
nhất là hãy vui mừng vì sự thành công của tha nhân. Đây là cách chiến thắng
lòng tham lam, bất mãn, càm ràm than phiền vô cớ. Hãy tập nhìn đời, nhìn người
một cách lạc quan, vui tươi hơn là soi mói, tọc mạch chuyện người khác, rồi bất
mãn đời, bất mãn người mà nguyên nhân chính chỉ vì ghen tương.
Hãy coi người thợ làm từ đầu
giờ và người thợ được mời vào giờ cuối cùng ai xứng đáng được thưởng một quan
tiền. Người thợ từ giờ đầu chịu nắng nôi vất vả, cực nhọc, còn người được gọi
vào giờ cuối thì âu lo thất nghiệp, vợ con cằn nhằn. Ai cũng có nỗi khổ riêng.
“Thuyền càng to sóng càng lớn”. Mỗi người đều có mối lo lắng riêng. Điều quan
yếu Chúa muốn chúng ta là hãy nhìn vào tình thương của Chúa đang dành cho bạn,
cho tôi. Mỗi người Chúa ban một khả năng. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người
một cuộc sống khác nhau hãy biết nhận ra ân huệ và tình thương của Chúa đang
che phủ trên cuộc đời chúng ta. Amen.
Lm.Jos Tạ duy Tuyền