Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Thánh lễ tạ ơn và tuyên hứa nhậm chức HĐMVGX khóa II nhiệm kỳ 2015 - 2019



Sáng nay 26/07/2015, tại Trung Tâm Hành Hương  Giáo xứ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu cùng quý cha đã dâng thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phê-rô Đoàn Công Quý và Emmanuel  Lê Văn Phụng, bổn mạng của Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ giáo phận Long Xuyên.

Trong ngày trọng đại này, Đức cha chính Giuse với tư cách là Chủ tịch UBGD trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cử hành nghi thức Tưởng Lệ và Tuyên Hứa Nhậm Chức HĐMVGX khóa 2 nhiệm kỳ 2015-2019. Toàn bộ 926 quý chức của 9 giáo hạt, 194 giáo xứ và giáo họ đã quy tụ về đây để tạ ơn Thiên Chúa và để được nghe lời chia sẻ của Đức cha Giáo phận như một lời nhắn nhủ và khích lệ các quý chức trong công việc phục vụ mới.

Nhiệm kỳ 4 năm làm việc của HĐMVGX là thời gian các quý chức phải hy sinh rất nhiều. “ Vì thế các quý chức hãy cố gắng bắt chước gương sáng của Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng- vị thánh mà khi còn sống cũng làm ông trùm, ông biện như các quý chức hôm nay, đó là hãy cố gắng hợp tác với cha xứ trong việc điều hành giáo xứ và giáo họ, đặc biệt là trong công việc truyền giáo”. Lời Đức cha nhắn nhủ trong thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc với nghi thức Đón Nhận Thánh Thần và Lời Nguyện Đặt Tay Sai Đi rất cảm động. Hy vọng qua thánh lễ và những nghi thức cử hành hôm nay, các quý chức sẽ biết tự đào luyện chính bản thân mình trở thành những người có tài đức trong công việc điều hành giáo xứ và  hăng say làm việc tông đồ.
BTT


























Chia sẻ:

Bài viết liên quan:

Lc 9, 23-26
Thứ sáu 31/07/2015 – Tinh thần đồng trách nhiệm.
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. Lễ nhớ.
Bổn mạng HĐMVGX / Giáo Phận Long Xuyên.
Bổn mạng Liên đoàn TNTT / Giáo Phận Long Xuyên.
"Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".

* Thánh Phêrô Đoàn Công Quí
Ngài là con của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Trường, sinh năm 1826, tại họ đạo Búng, Thủ Dầu Một ( Bình Dương).
Ngay từ nhỏ, cậu Phêrô đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Sau khi đã nhập vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse (Thị Nghè), Thầy Phêrô được gởi đi tu học tại đại chủng viện Thừa Sai Paris ở Pénang (Malaysia), năm 1848; hoàn tất chương trình đào tạo, trở về quê hương vào ngày 11/04/1855. Lúc bấy giờ các vua triều Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, đang cấm đạo rất gắt gao. Vào tháng 9 năm 1858, Thầy được chịu chức một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một; sau đó, được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, làm Cha Phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), và là Cha Sở họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang), từ ngày 27/12/1858, trú ngụ tại nhà ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.
Cùng với lòng nhiệt thành tông đồ, hăng hái phục vụ bổn đạo, Cha còn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhờ có tài hát xướng, Cha đã sáng tác những bài thánh ca để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ. Ngoài ra, Cha luôn khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, khi có dịp là cha sẵn sàng dâng hiến mạng sống, để làm chứng cho Chúa. Và Cha đã thực hiện được ý nguyện khi được Bề Trên cử về Cù Lao Giêng làm Cha Sở.
Về nhiệm sở mới được 10 ngày, Cha bị bắt cùng với ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và 32 giáo dân khác, vào ngày 07/01/1859 và bị giam giữ tại nhà tù Châu Đốc cho đến ngày 31/07/1859.

* Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng
Ngài sinh năm 1796, tại họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh An Giang, thuộc Trấn Châu Đốc.
Là một gia đình gương mẫu, cùng với vợ là bà Anna Của, ông đã nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người đạo đức, tốt lành. Với lòng bác ái cao quý, ông thường chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu,… nhất là trong thời dịch bệnh và ngay cả khi bị giam tù ở Châu Đốc.
Với tinh thần tông đồ cao, ông hăng say hy sinh, phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Trong thời gian cấm đạo rất gắt gao, ông vẫn âm thầm dâng đất cất nhà thờ, chủng viện và nhà các dì phước. Trong nhà ông, thường xuyên có các linh mục trú ngụ. Có thời gian, có 5 linh mục cùng một lúc; trong đó có các vị thừa sai nước ngoài (Tây dương đạo trưởng).
Ngoài ra, ông còn có tài ngoại giao rất đặc biệt. Ông có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, cụ thể là Quan Huyện. Nhờ đó, mà giáo dân Cù Lao Giêng vẫn được an bình trong thời điểm cấm đạo rất khó khăn.
 Vì có người tố cáo, ngày 07 tháng 01 năm 1859, Ông bị bắt cùng với cha Phêrô Đoàn Công Quí và 32 giáo dân khác. Các ngài bị điệu về Châu Đốc giam giữ.
Gương sáng tử đạo
Trong suốt 7 tháng trời, Tổng trấn và quan quân Triều đình ra sức dụ dỗ Cha Phêrô và ông Emmanuel bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức và tưởng thưởng. Nhưng các ngài vẫn một mực yêu mến Đức Kitô, nhiệt tình với Tin Mừng Phúc âm và trung thành với Giáo Hội.
Không thuyết phục được, Tổng Trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự Đức châu phê và gởi về Châu Đốc ngày 30/07/1859. Ngày hôm sau, 31/07/1859, tại Bến Chà Và (Bến Cây Mét), các ngài đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng Phúc âm.
Để tuyên dương công trạng, nhân đức và tinh thần tông đồ đầy nhiệt huyết, vào ngày 02/05/1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước (Á thánh).
Sau đó, vào ngày 19/06/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng các ngài lên bậc Hiển Thánh cùng với 115 vị tử đạo khác tại Việt Nam.
Các ngài đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đây còn là mẫu gương sống động về tinh thần đồng trách nhiệm giữa linh mục và giáo dân, giữa Cha sở và Hội Đồng mục vụ giáo xứ mọi thời và mọi nơi.
Cũng còn đúng với đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội Thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.

Lời Chúa: Lc 9, 23-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".

Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô
Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.
Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.
Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.
Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú  thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.
Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang. Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.
Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời  dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị  giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.
Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.
Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.
Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…
Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.

Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.