01/09/23 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 21 TN
Mt 25,1-13
AI DẠI? AI KHÔN?
“Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.
Trong mười cô đó thì có năm cô dại và năm cô khôn.” (Mt 25,1-2)
Suy niệm: Nhà thơ Trần
Tế Xương suy gẫm về lẽ dại khôn giữa một xã hội xô bồ:
Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết là ai dại biết ai khôn
Ông nghiệm ra rằng người giỏi mưu mẹo cờ bạc mà tự cho thế là khôn
thì thực ra lại là người dại; còn người mải học hỏi văn chương chữ nghĩa bị coi
là dại thì mới thực sự là khôn. Người khôn đích thực là người dám chịu thua
thiệt về những cái lợi ngắn hạn trước mắt để đạt được điều tốt đẹp bền vững lâu
dài. Trong dụ ngôn mười trinh nữ, năm cô khôn tượng trưng cho người biết nhắm
đến mục đích tối hậu của đời mình là được kết hợp với chàng rể là Đức Ki-tô
trong bữa tiệc hoan lạc trên thiên quốc; và vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận sự
bất tiện nhất thời vì phải mang thêm nhiều dầu, để ngọn đèn của họ có thể luôn
cháy sáng dù chàng rể đến bất kỳ lúc nào.
Mời Bạn: Thánh
Phao-lô nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời,” nơi Đức Ki-tô
đang ngự trị bên hữu Chúa Cha (Pl 3,20; Ep 1,20). Với tầm nhìn đó, chúng ta coi
tất cả mọi sự đều là thiệt thòi, là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được
biết, được ở với Đức Ki-tô (x. Pl 3,8). Vì thế, mọi sự đời này chỉ tốt đẹp khi
chúng được sử dụng để giúp chúng ta đạt tới mục đích tối hậu là cuộc sống vĩnh
cửu mai ngày.
Sống Lời Chúa: Trước khi
làm việc gì, bạn dừng lại một giây để xét xem việc bạn sắp làm có giúp bạn đạt
tới hạnh phúc đời đời không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin cho chúng con luôn biết ái mộ những sự trên trời, để “dầu sống giữa cảnh
thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật”.
Amen.
02/09/23 THỨ
BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 21 TN
Mt 25,14-30
LÀM GIÀU CHO NƯỚC CHÚA
“Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó
của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác
nữa một yến tuỳ theo khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14-15)
Suy niệm: Ai bảo rằng
Thiên Chúa không biết ‘làm kinh tế’? Thưa có chứ, nhưng cách ‘làm kinh tế’ của
Ngài khác lắm! Ngài cấp vốn cho chúng ta, kẻ nhiều người ít “tuỳ theo
khả năng mỗi người”. Số vốn mỗi người khác nhau, nhưng mục tiêu chung
thì giống nhau: mỗi người đều phải sinh lời từ khoản đầu tư ban đầu ấy. Người
được cấp một yến không phải là không quan trọng, bởi vì anh vẫn là một mắt xích
cần thiết trong toàn ‘chuỗi kinh doanh’ của Thiên Chúa. Khi đem yến bạc đi cất
giấu, anh đã làm đứt gãy mắt xích cần thiết ấy, và gây tác động xấu đến toàn hệ
thống kinh doanh của Ngài.
Mời Bạn: Trong kế
hoạch gọi là ‘nền kinh tế cứu độ’ của Ngài (economy of
salvation), Thiên Chúa đã ‘liều lĩnh’ đến độ hiến ban chính Con Một của
Ngài để chuộc lại nhân loại bị hư mất vì tội lỗi. Hơn nữa, Ngài còn mời gọi
chúng ta tham gia vào công cuộc “sinh lợi cho Nước Chúa” (x.
Mt 21,43; Lc 12,21) bất chấp nguy cơ là chúng ta có thể phá hỏng kế hoạch của
Ngài khi ‘chôn giấu những yến bạc’ Ngài giao phó. Mời bạn cảm tạ Chúa vì những
gì bạn có và chính sự hiện hữu của bạn đều là ‘những yến bạc’ Chúa ban, và bạn
đáp đền ơn Chúa bằng cách thực thi những hành động bác ái với tha nhân để ‘sinh
lợi cho Nước Chúa’.
Sống Lời Chúa: Cuối ngày,
bạn ‘tính sổ’ ngày vừa qua bạn đã sinh lời yến bạc của mình bằng những hành
động bác ái nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin giúp con làm việc gì trước tiên cũng nghĩ tới thiện ích cho tha nhân, để
con xứng đáng được Chúa gọi là tôi tớ trung thành và được hưởng niềm vui đời
đời với Chúa. Amen.
03/09/23 CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – A
Mt 16,21-27
TỪ BỎ CHÍNH MÌNH
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)
Suy niệm: Chúa không
“mị dân”, không chơi trò ú tim, nhưng đòi hỏi cách quyết liệt: “Ai muốn
theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hàng ngày mà theo”. Chúa
không chỉ nói mà nêu gương: 1/ “Phận là một vì Thiên Chúa, nhưng không đòi
hỏi được ngang hàng với Thiên Chúa, mà tự hạ, mang thân phận tôi đòi, vâng phục
đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8). 2/ Khi được dân ngưỡng mộ muốn
suy tôn, Chúa đã lánh đi nơi khác. 3/ Trong cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Chúa
vẫn quyết liệt từ bỏ tới cùng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi
phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt
26,39).
Mời Bạn: Để có thể từ
bỏ hoàn toàn, bạn phải tập từ bỏ dần dần, mỗi ngày một chút, từ những việc nho
nhỏ. Điều khó nhất là từ bỏ bản thân, ý riêng mình: “Chiến thắng chính mình
là chiến thắng vẻ vang nhất”.
Chia sẻ: Một nghịch
lý : càng “mất” thì lại càng “được”. Dám mất sự sống thì lại
được nó cách toàn vẹn. Các thánh là những người thành công trong việc từ bỏ:
Càng bỏ mình, các ngài càng giống Chúa. Tưởng rằng thánh giá đè bẹp con người,
không dè nó lại nâng con người lên. Chia sẻ cảm nhận của bạn về những tư tưởng
trên đây.
Sống Lời Chúa: Tập từ bỏ
bằng cách nén lại một tiếng than vãn, nhịn một câu nói trả đũa, kiềm chế một
phản ứng nóng giận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
Chúa đã dạy và nêu gương từ bỏ cho chúng con. Trên con đường đi theo Chúa, xin
giúp con quyết liệt và mau mắn đáp lại những khi Chúa muốn con từ bỏ một điều
gì khiến con không hoàn thiện. Amen.
04/09/23 THỨ
HAI TUẦN 22 TN
Lc 4,16-30
PHÁ ĐỔ THÀNH KIẾN
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý
vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra
từ miệng Người. (Lc 4,21-22)
Suy niệm: Dân làng
Na-da-rét vừa mới “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra
từ miệng Đức Giê-su”, thế rồi họ lại tức tốc ‘quay xe’ thái độ biến
thành ghen tức, phẫn nộ đến mức muốn xô Ngài xuống vực cho chết đi. Hòn đá vấp
phạm dẫn đến cơ sự ấy chính là cái nhìn thành kiến của họ về xuất thân của Ngài
là con bác thợ Giu-se và bà Ma-ri-a đang sống cuộc đời rất đỗi bình dị ở giữa
họ. Đã vậy, chẳng những Đức Giê-su không chiều ý họ để làm những phép lạ như
Ngài đã từng làm tại Ca-phác-na-um, Ngài còn đụng chạm đến lòng tự ái địa
phương của họ khi nói rằng “không ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê
hương của mình”.
Mời Bạn: Thành kiến
như bức tường đá ngăn cản chúng ta thấy được những điều tốt đẹp nơi người khác.
Nó còn đóng băng người khác trong những lỗi lầm khuyết điểm của họ, khiến chúng
ta không nhận ra được họ đã được biến đổi trở nên tốt đẹp như thế nào. Để phá
vỡ thành kiến, cần có thái độ của Na-tha-na-en, người vốn cho rằng “ở
Na-da-rét nào có chi hay” nhưng đã biết mở lòng đến gặp gỡ Đức Ki-tô
và được Ngài biến đổi cuộc đời.
Chia sẻ: Nhìn nhận và
trân trọng điều tốt đẹp nơi người khác là cách để phá vỡ thành kiến. Bạn có
nghĩ như vậy không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn
khám phá một ưu điểm của một người mà bạn không ưa thích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin biến đổi tâm hồn con nên hiền lành và khiêm nhường, và xin cho con biết
nhìn mọi người bằng cái nhìn của Chúa, để con nhận ra và quý trọng những điều
tốt đẹp nơi anh em con. Amen.
05/09/23 THỨ
BA TUẦN 22 TN
Th. Tê-rê-xa Can-cút-ta, nữ tu
Lc 4,31-37
BIẾT CHÚA
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên
rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu
diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa
!” (Lc 4,33-34)
Suy niệm: Ma quỷ tất
nhiên biết rõ Thiên Chúa hơn chúng ta, nhưng chúng rất tinh quái làm cho chúng
ta hiểu sai lệch về Ngài. Trong hội đường hôm ấy, mượn lời một người bị quỷ
nhập, chúng đóng vai kẻ bị hại tội nghiệp la to cho mọi người biết Ngài
là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” nhưng lại là kẻ độc ác “đến
để tiêu diệt chúng tôi”. Cũng thế, chúng đứng sau xúi giục những
người Do Thái vỗ ngực tự hào mình biết rõ Đức Giê-su xuất thân từ đâu “còn
Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga
7,27); nhưng cái biết của họ lại là biết theo tinh thần thế tục.
Mời Bạn: Chúng ta dễ
sa vào chước cám dỗ tự mãn rằng mình ‘biết’ Thiên Chúa như nắm rõ một thứ kiến
thức “khép kín mình lại trong một từ điển bách khoa về những khái niệm trừu
tượng” (ĐTC Phanxicô, Gaudete et Exsultate, 37) mà chúng ta
lại không có cuộc sống thân thiết với một vị Thiên Chúa siêu việt và đầy tình
yêu thương. Học biết về Chúa là bổn phận và niềm vui của người môn đệ, nhưng
trước tiên phải cảm nhận được Ngài đang hiện diện trong cuộc sống và nhất là
nơi “những người thân cận của mình” (x. Lc 10,25-37).
Sống Lời Chúa: Quyết tâm
không để một ngày trôi qua mà chưa dành thời gian tâm tình riêng tư với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, con ao ước được biết Chúa, qua những lần gặp gỡ thân tình giữa Chúa với
con. Xin cho con biết khiêm tốn chạy đến với Chúa thường xuyên để được Chúa
nâng đỡ và để được nhận biết Chúa cách đích thực.
06/09/23 THỨ
TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44
XIN CHỮA LÀNH CON, LẠY CHÚA
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh
hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. (Lc 4,40)
Suy niệm: Rao giảng và
chữa lành: đây là hai hoạt động chính của Chúa Giê-su trong sứ vụ công khai của
Người. Với lời rao giảng của mình, Chúa Giê-su công bố Nước Trời đã đến gần và
với việc chữa lành, Chúa Giê-su làm chứng cho lời giảng ấy. Người chữa lành đủ
mọi thứ bệnh hoạn: thể chất, tâm lý và tinh thần. Người dành sự ưu ái đặc biệt
đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, bị quỷ ám, bị gạt ra bên lề
xã hội. Người chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót
không đứng ngoài những đau khổ của con người nhưng ở trong cuộc. Người tỏ mình
ra là vị lương y đầy lòng trắc ẩn đối với con người qua việc đặt tay
trên từng bệnh nhân để cứu chữa họ. Điều đó minh chứng rằng Người
đích thực là Đấng Cứu Độ con người.
Mời Bạn: Tất cả chúng
ta đều có những vết thương của riêng mình: vết thương tinh thần, tội lỗi, thù
hằn, ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ. Và mỗi người đều biết vết thương đó nằm ở đâu.
Hãy để Chúa Giê-su chữa lành nó bằng cách mở lòng mình ra để Chúa chạm vào. Hãy
thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin chữa lành những vết thương đã mưng
mủ của con. Chắc chắn Ngài sẽ làm điều đó.
Sống Lời Chúa: Trong khả
năng, bạn hãy âm thầm trợ giúp cho một người nghèo hoặc người neo đơn ở gần
bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha
nhân lành, là sức mạnh của chúng con. Xin ban cho chúng con lòng kiên trì để
chịu đựng và vượt qua những đau khổ mà chúng con đang đối mặt. Xin xoa dịu
những đau đớn trong tâm hồn và thể xác của chúng con, để chúng con ngày càng
tín thác vào Chúa hơn. Amen.
07/09/23 THỨ
NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
BỎ MÌNH ĐỂ BIẾT MÌNH, BIẾT CHÚA
“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới… Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con
là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,5.8)
Suy niệm: Sau một đêm
đánh cá thất bại, ông Si-môn cùng với các bạn chài giặt lưới và chuẩn bị nghỉ
ngơi; chính lúc này Đức Giê-su lại bảo các ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà
thả lưới bắt cá.” Là dân thuyền chài lành nghề, ông Si-môn có kinh nghiệm
thả lưới bắt cá vào giờ nào, ở đâu thì có hy vọng bắt được cá. Thế nhưng, ông
không cậy dựa vào kinh nghiệm của mình, mà sẵn lòng nghe theo lời chỉ dẫn của
người thợ mộc Giê-su: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Kết quả là ông
bắt được một mẻ cá nhiều đến nỗi kéo lên muốn rách cả lưới, đổ lên hai thuyền
nặng gần chìm! Nhìn vào mẻ cá, Si-môn nhận ra Thầy mình là Chúa và nhận ra thân
phận tội lỗi của mình không xứng đáng với Chúa, nên ông thốt lên: “Lạy
Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”
Mời Bạn: Thánh
Au-gút-ti-nô đã để lại một lời nguyện bất hủ: “Xin cho con biết con, xin cho
con người biết Chúa.” Ai biết được mình và biết được Chúa có thể nói là người
đó có được cái biết đáng ước mong. Có lẽ mỗi người chúng ta đã từng cầu nguyện
như thánh Au-gút-ti-nô, nhưng làm sao để lời cầu nguyện ấy sinh hiệu quả? Câu
chuyện về ông Si-môn là một kinh nghiệm đồng thời cũng là một gợi ý. Ông đã bỏ
mình, và kết quả là ông biết mình biết Chúa đó bạn.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên
suy gẫm những biến cố trong cuộc đời mình và xin được ơn biết mình và biết
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
Chúa mời gọi chúng con theo Chúa với điều kiện chúng con phải bỏ mình. Xin cho
chúng con dám từ bỏ tất cả để chỉ thuộc về Chúa và chỉ làm những gì Chúa muốn.
Amen.
08/09/23 THỨ
SÁU TUẦN 22 TN
Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
Mt 1,1-16.18-23
TA LÀ ĐOÀN CON THIÊN cHÚA
Như thế tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là
mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon là mười bốn đời; và từ
thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời. (Mt 1,17)
Suy niệm: Nhờ còn giữ
được gia phả, một gia đình người Hàn Quốc đã tìm được nguồn gốc của mình là nhà
Lý ở Việt
Mời Bạn: Qua bí tích
Thánh Tẩy, bạn thuộc về gia đình Thiên Chúa, là dòng dõi các thánh. Có niềm
hạnh phúc và tri ân nào nơi tâm hồn bạn, khiến cuộc đời bạn nhảy mừng ngợi khen
Thiên Chúa như Đức Ma-ri-a không?
Chia sẻ: “Tôi thích
nhà nguyện nhỏ nơi tôi chịu phép Rửa tội hơn là nhà thờ lớn thành
Sống Lời Chúa: Bạn ghi nhớ
ngày rửa tội, tên thánh, nhà thờ nơi bạn được rửa tội, và người đỡ đầu của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con
cảm tạ Cha đã tái sinh và cho con trở nên con của Cha trong bí tích Thánh Tẩy.
Xin cho con biết hãnh diện tuyên xưng Cha trọn cả cuộc đời của con.
09/09/23 THỨ
BẢY TUẦN 22 TN
Th. Phê-rô Cla-vê, linh mục
Lc 6,1-5
CHẺ SỢI TÓC LÀM TƯ?
Có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được
phép làm trong ngày Sa-bát?” Đức Giê-su trả lời: “Con Người làm chủ ngày
Sa-bát.” (Lc 6,1-5)
Suy niệm: Người
Do-thái giữ rất nghiêm luật nghỉ ngày Sa-bát; ngày đó, không ai được phép lao
động, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi và thánh hoá ngày đó (x. St 2,2-3). Việc các
môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa rồi vò trong tay mà ăn bị người Pha-ri-sêu xem
như là đã “gặt lúa” và “xay lúa”, việc bị cấm trong ngày Sa-bát, thì quả thật
là quá đáng. Quả là các ông Pha-ri-sêu này đã “chẻ sợi tóc làm tư” khiến luật
nghỉ việc ngày Sa-bát đã trở nên gánh nặng và là cái cớ để bắt bẻ, kết án người
khác. Thay vì luật phục vụ con người thì nay con người thành nô lệ cho lề luật.
Chúa Giê-su đã phản đối lại thái độ đó và Ngài kết luận: “Con Người
làm chủ ngày Sa-bát”.
Mời Bạn: Thái độ ‘chẻ
sợi tóc làm tư’, xoi mói những tiểu tiết vụn vặt để bắt bẻ người khác là một
bằng chứng của người sống thiếu tình người. Nếu phải sống với một người như thế
thì thật là một ác mộng, phải không bạn? Thế nhưng không chừng bạn đang là ác
mộng cho những người sống quanh bạn đấy! “Nghiêm khắc với mình, khoan dung với
người”, đó là nguyên tắc sống để diệt trừ thói xấu ‘chẻ sợi tóc làm tư’.
Chia sẻ: Kiểm điểm
xem bạn có thói xấu chuyên làm ầm ĩ những sự cố lẻ tẻ để phủ nhận thành quả của
người khác không?
Sống Lời Chúa: Loại trừ
thói xấu bình phẩm vội vàng và chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực. Thay vào đó, hãy có
suy nghĩ hướng tích cực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
con vẫn thường đòi hỏi nơi người khác rất nhiều điều, nhưng lại nuông chiều bản
thân. Xin giúp con biết sống bao dung và yêu mến nhiều hơn để cuộc sống của con
trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn.
10/09/23 CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – A
Mt 18,15-20
NHỮNG ĐIỀU KHÓ NÓI
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó,
một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được
người anh em.” (Mt 18,15)
Suy niệm: Không gì khó
nói hơn việc đi sửa lỗi người khác. Vì nhiều lý do. Trước hết, lý do bản thân:
tôi cũng chẳng hay ho gì mà dám lên mặt dạy đời. Và bao nhiêu lý do khác. Nếu
cùng là người trong nhà với tôi: bụt nhà không thiêng. Nếu không phải là người
nhà với mình: thôi thì đèn nhà ai nhà nấy rạng. Bao giờ người ta cũng có lý do
để né tránh vấn đề gai góc này. Chắc phải ‘uống mật gấu’ mới đủ dũng khí để
“sửa lỗi cho người khác” bởi chưng cục tự ái của mỗi người chẳng khác nào trái
bom hẹn giờ không biết lúc nào sẽ nổ tung lên. Trên đây, Chúa Giê-su đưa ra qui
tắc vàng: muốn sửa lỗi cho nhau, phải được thúc đẩy bởi tình bác ái, phải tôn
trọng danh dự của nhau và nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Việc đi
gặp riêng “một mình anh với nó thôi” tạo điều kiện cho một
cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau nhận ra thánh ý Chúa.
Mời Bạn: Bạn có nghĩ
rằng 99% thất bại trong việc sửa lỗi phát sinh do việc nóng nảy, thiếu tế nhị,
thiếu tôn trọng nhau? Về phần mình, khi được người khác sửa lỗi, bạn đã phản
ứng thế nào?
Chia sẻ: Học hỏi cách
Chúa Giê-su sửa lỗi cho:
– người đàn bà
ngoại tình (Ga 8,1-11)
– cho Phê-rô (Ga
13,6-11.36-38; Lc 22,31-34.54-61; Ga 21,15-23).
Sống Lời Chúa: Suy niệm
nhiều lần những đoạn Tin Mừng trên.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, xin dạy con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng thương người có tội,
biết sẵn sàng hy sinh đền thay tội lỗi cho anh em mỗi khi con muốn sửa lỗi cho
nhau.
11/09/23 THỨ
HAI TUẦN 23 TN
Lc 6,6-11
NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ
Đức Giê-su nói: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay làm điều
dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)
Suy niệm: Có những
điều luật đạo đức thật chính đáng, thế nhưng khi áp dụng vào cụ thể lại bộc lộ
nhiều điều không chính đáng: thay vì giúp thăng tiến con người thì lại tạo điều
kiện cho bất công nảy nở, nhân phẩm bị hạ thấp, quyền làm người bị tước đoạt…
như trường hợp luật giữ ngày sa-bát. Tại sao vậy? Bằng một lời chất vấn, Chúa
Giê-su vừa giải đáp đưa ra một nguyên tắc chắc chắn lành mạnh để đánh giá, áp
dụng một điều luật: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay huỷ diệt?” Nguyên tắc đó phải đạt được hai yêu
cầu: – phải làm điều lành, do đó, phải tôn trọng mạng sống và phẩm giá con
người, vì đây là điều lành cao nhất; – không được biện minh vì nhắm đạt mục
đích tốt (giữ ngày sa-bát) mà dùng những phương thế xấu (bỏ qua việc cứu mạng
người).
Mời Bạn suy nghĩ,
vận dụng nguyên tắc này vào thực tế. Có được phép không: – dùng phương thế gian
lận để đạt điểm tốt trong học tập? – dùng phương thế làm ăn bất chính miễn sao
gia đình mình được sung túc? Và hơn nữa, mời bạn suy nghĩ về những vấn đề luân
lý thời sự nóng bỏng hiện nay: Có được viện lý do kinh tế, xã hội,… để chấp
nhận phá thai, tạo sinh vô tính, nghiên cứu tế bào gốc của người, dùng thuốc an
tử…?
Sống Lời Chúa: Vì tin vào
Đức Ki-tô mà tôi cương quyết tuân thủ những nguyên tắc luân lý mà Ngài đề ra.
Mỗi khi gặp những vấn nạn lương tâm, tôi suy nghĩ để áp dụng nguyên tắc trên
vào thực tế cuộc sống.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi
xin Chúa sáng soi”.
12/09/23 THỨ
BA TUẦN 23 TN
Thánh Danh Đức Ma-ri-a
Lc 6,12-19
ĐƯỢC CHỌN ĐỂ SỐNG HIỆP NHẤT
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu
nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai
ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Đức Giê-su
chọn các tông đồ nhưng không cất khỏi họ những yếu tố con người, cả những yếu
đuối. Điều lạ lùng, dẫu có nhiều khác biệt, thậm chí trái nghịch nhau nữa, các
tông đồ vẫn sống chung được với nhau và cùng thi hành sứ mệnh truyền giáo.
Chẳng hạn, giữa Mát-thêu và Si-mon “nhiệt thành”: Mat-thêu làm nghề thu thuế,
tiếp tay với người Rô-ma đô hộ; Si-mon chủ trương đối đầu với quân Rô-ma và
những người làm tay sai. Ấy thế mà khi thuộc về Nhóm Mười Hai của Đức Giê-su,
họ sống với nhau trong hòa bình và cùng chung lo công việc Chúa. Đúng như cha
Teilhard de Chardin nói: “Đăng giả hội”, những ai lên cao thì sẽ hội ngộ. Các
tông đồ càng vươn lên tới Đức Giê-su thì họ càng hiệp nhất với nhau trong Ngài.
Và chính đời sống hiệp nhất ấy đã là một bài rao giảng sống động về một Thiên
Chúa duy nhất là Cha mọi người.
Mời Bạn kiểm điểm: Trong gia
đình, trong nhóm hay trong cộng đoàn, bạn là tác nhân của sự hiệp nhất hay của
sự chia rẽ? Nếu trong nhóm bạn, có rạn nứt, mâu thuẫn thì đâu là nguyên nhân?
Nhóm bạn có cùng nhau tìm phương thế sửa chữa?
Sống Lời Chúa: Bạn gia nhập
một nhóm hoạt động tông đồ giáo dân trong giáo xứ và cùng làm việc với anh chị
em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, chúng con muốn được cùng với Chúa mà thân thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha,
xin cho chúng con hiệp nhất nên một”, ngõ hầu giáo xứ, cộng đoàn chúng con yêu
thương hiệp nhất, lánh xa những mưu mô chia rẽ, bè phái, hờn căm, để thế gian
tin rằng chúng con thuộc về Chúa.
13/09/23 THỨ
TƯ TUẦN 23 TN
Th. Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 6,20-26
NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚC PHÚC
Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho
anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các người là những kẻ giàu có.” (Mt 14,28)
Suy niệm: Khác với Tin
Mừng Mát-thêu khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Tin Mừng Lu-ca hôm nay khi ghi
lại lời công bố các mối phúc của Chúa thì có kèm theo những lời “chúc dữ” nữa.
Ở bản văn Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đưa ra lời chúc phúc để khuyến thiện và
thúc đẩy mọi người sống thánh thiện bằng cách vui vẻ đón nhận cuộc sống hiện
tại với những nghịch cảnh, khó khăn và coi đây là những cách thế để sống tốt
lời Chúa mời gọi nên thánh. Đồng thời Chúa Giê-su cũng nêu lên những lời cảnh
cáo khi đưa ra các “mối họa” để các tín hữu cần cảnh giác để phòng tránh trên
bước đường hoàn thiện của mình.
Mời Bạn: Bước theo
Chúa Giê-su là bạn đang đi con đường dẫn tới sự thánh thiện. Tuy nhiên, cuộc đời
lữ thứ có nhiều thử thách gian nan và chúng ta được mời gọi để “thánh hóa”
những nghịch cảnh đó để nên phương tiện đạt tới Nước Trời. Đồng thời chúng ta
cũng được nhắc nhở hãy cẩn trọng trước những thực tại trần gian bởi đó có thể
là mối nguy, là sự cản trở chúng ta trên bước đường theo Chúa.
Sống Lời Chúa: Mời bạn chọn
một trong bốn mối phúc để làm phương châm cho cuộc sống với hai điều quyết tâm:
một điều cần tránh và một điều phải làm để thăng tiến trên con đường nên thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, trên đường về quê trời, chúng con theo Chúa với nhiều thách thức và cơ
hội. Xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa và thánh ý Chúa trong mỗi ngày sống
của mình. Amen.
14/09/23 THỨ
NĂM TUẦN 23 TN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
THẬP GIÁ CỨU ĐỘ
“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào
Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14)
Suy niệm: Để giúp ông
Ni-cô-đê-mô hiểu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su lấy lại sự
tích ‘con rắn đồng’: xưa trong sa mạc khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người,
Mô-sê thừa lệnh Thiên Chúa cho đúc con rắn đồng treo lên cây, ai bị rắn cắn
nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống. Nay, chính Ngài sẽ chịu treo trên thập giá
để ai tin vào Ngài sẽ nhận được ơn cứu độ là sự sống vĩnh cửu. Mầu nhiệm thập
giá thật khó chấp nhận, đến nỗi Đức Giê-su trong thân phận con người cũng cảm
thấy “buồn rầu, xao xuyến… đến chết được” (x. Mt 26,37-38)
khi đối diện với cuộc khổ nạn. Nhưng Ngài đã vâng phục Chúa Cha, đón nhận cái
chết trên thập giá để mở ra nguồn ơn cứu độ cho cả nhân loại (x. Pl 2,8-11).
Mời Bạn: Thập giá Đức
Ki-tô là biểu tượng ô nhục (đối với người Do Thái) và ngu dại (đối với người Hy
Lạp), nhưng lại là khí cụ để Thiên Chúa biểu lộ quyền năng và sự khôn ngoan của
Ngài. Và qua hành động cứu độ đó, Ngài biểu lộ tình yêu tha thứ cho chúng ta và
nhờ đó, những hy sinh và đau khổ của chúng ta được Ngài thánh hoá. Thánh Giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Thực hiện cứu chuộc bằng đau khổ, Chúa Ki-tô
đã đồng thời nâng đau khổ của loài người lên để nó có giá trị cứu chuộc. Tất cả
mọi người đều có thể đem đau khổ của mình tham dự vào đau khổ cứu rỗi của Chúa
Giê-su.”
Sống Lời Chúa: Đón nhận
cách vui lòng những thánh giá Chúa gửi tới.
Cầu nguyện: “Lạy Cha,
xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha trong
mọi khổ đau của đời con và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá bao lâu
tuỳ ý Cha định liệu”. Amen.
(Karl Rahner)
15/09/23 THỨ
SÁU TUẦN 23 TN
Đức Mẹ sầu bi
Ga 19,25-27
MẸ SẦU VÌ AI?
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức
Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với
môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà
mình. (Ga 19,26-27)
Suy niệm: Những lời
trăng trối của Đức Giê-su nói với Mẹ và người môn đệ Ngài thương mến: “Đây
là con của Bà” và “Đây là mẹ của anh” trước khi
Chúa lìa trần không phải là kết thúc những đau khổ mà Đức Ma-ri-a chịu trong
lòng khi thông phần những cực hình Đức Giê-su, Con của Mẹ phải chịu. Giờ đây Mẹ
vẫn chưa thôi nỗi sầu nơi người môn đệ mà Mẹ nhận làm con, đó là Hội Thánh, là
người con được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Ki-tô, và nói rộng ra,
người con của Mẹ đó là toàn thể nhân loại.
Mời Bạn: Nỗi sầu của
Mẹ Ma-ri-a hôm nay, không chỉ vì chứng kiến nhân loại quằn quại trong đau đớn,
do bởi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, bóc lột, đàn áp… mà còn nhức nhối
hơn, khi con cái của Mẹ sa lầy trong vũng nhơ tội lỗi. Đã bao lần Mẹ đã hiện ra
ở nhiều nơi trên thế giới, Mẹ đã u sầu, đã khóc, đã van nài con cái Mẹ ăn năn
đền tội, cải thiện đời sống… Ai đã làm mẹ sầu, và liệu rằng, trong đó có tôi?
Sống Lời Chúa: Nhớ đến tội
mình đã phạm và khơi dậy tâm tình buồn sầu đau đớn, gớm ghét tội lỗi để cùng
thông hiệp với nỗi sầu bi của Mẹ và Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, trước khi rời trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã trối lại cho chúng con
Đức Ma-ri-a, Mẹ của Chúa để là Mẹ của chúng con. Xin cho chúng con, không chỉ
chạy đến cùng Mẹ mỗi khi cần cầu xin, mà còn biết sống thân tình với Mẹ, để
tránh làm cho Mẹ đau buồn vì những lỗi phạm cố tình của chúng con. Amen.
16/09/23 thứ bảy
tuần 23 tn
Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lc 6,43-49
CHÉN THÁNH CHỨA ĐẦY ĐỨC KITÔ
“Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45)
Suy niệm: Cổ nhân có
câu: “Hữu ư trung tất hình ư ngoại” thật đúng như Lời Chúa nói với chúng
ta: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Muốn nhận định tình
trạng tâm hồn mình thì cứ xét chất lượng những “sản phẩm” đầu ra của nó là
rõ. “Xem quả thì biết cây”: cây tốt thì sinh trái tốt. Tuy nhiên,
lắm khi chúng ta nhận định sai vì chỉ mới ‘xem mặt’ đã vội ‘bắt hình dong’: Có
những lời nói việc làm nhìn bên ngoài thật đẹp thật tốt, nhưng nếu xét đến động
cơ, ý hướng của chúng mới thấy thực ra đó là những viên thuốc độc bọc đường.
Mời Bạn “bắt mạch”
tâm hồn mình: Bạn có lỡ quen miệng, hễ mở miệng ra là nói tục? Bạn có thích mua
vui bằng cách kể chuyện tục tĩu hoặc nói xấu người khác? Bạn có ‘bệnh’ ăn nói
khoa trương quá sự thật? Hoặc ‘bệnh’ nặng đến độ “bề ngoài thơn thớt
nói cười, mà trong nham hiểm giết người không gươm” không? Nếu bạn
thấy những triệu chứng đó nơi mình, đó là dấu tâm hồn bạn đang bị nhiễm độc;
bạn cần “tẩy độc”, “thay máu” tâm hồn mình rồi đó. Cha Chautard có ‘kê đơn’ cho
những ai mắc bệnh này: “Hãy trở nên chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” bằng các ‘vị
thuốc’ thần hiệu: siêng năng nghiền ngẫm Lời Chúa và rước Thánh Thể. Lòng có
đầy Đức Ki-tô thì mới nói Đức Ki-tô cho người khác được.
Sống Lời Chúa: Dùng thang
thuốc của cha Chautard: mỗi ngày 5 phút suy niệm Lời Chúa và rước lễ hằng ngày,
nếu không thể rước lễ cách hữu hình thì ít là rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin Chúa chiếm ngự con bằng ý chí của Chúa, để con chỉ muốn điều Chúa muốn; xin
đổ đầy tâm hồn con bằng tình yêu của Chúa, để con chỉ yêu những gì Chúa yêu.
17/09/23 CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – A
Mt 18,21-35
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu
mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35)
Suy niệm: Mahatma
Gandhi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất
của người mạnh”. Đúng nhất phải nói rằng: “Tha thứ là phẩm
tính của Thiên Chúa.” Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ cho
điều đó. Ông chủ tha cho tên đầy tớ món nợ khổng lồ ngay tức khắc và vô điều
kiện chỉ vì ông chạnh lòng thương trước lời van nài của y. Tội lỗi chúng ta xúc
phạm đến Thiên Chúa là món nợ vô cùng lớn mà chúng ta hoàn toàn không có khả
năng chi trả. Dù vậy, Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta chỉ với một điều kiện là
chúng ta cũng tha thứ cho anh em mình.
Mời Bạn: Thiên Chúa
tha thứ vì Ngài là Cha giàu lòng thương xót. Chúng ta phải tha thứ cho nhau bởi
vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót và tha thứ. Càng cảm nhận mình
được Chúa xót thương và tha thứ nhiều, chúng ta càng thấy mình có nghĩa vụ cũng
phải tha thứ cho anh em nhiều, “không chỉ bảy lần mà là
bảy mươi lần bảy”. Khi cư xử như thế chúng ta không sợ phải thiệt thòi vì
Chúa dạy: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Chúa sẽ đong lại cho anh em
bằng đấu ấy, đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh
em” (Lc 6,38).
Sống Lời Chúa: Bạn có còn
giận ghét ai vì bị họ xúc phạm? Hãy tha thứ bằng cách bỏ đi thái độ hờn giận,
và thay vào đó là những cử chỉ, lời nói vui tươi và thân ái.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin ban cho chúng con niềm tin vào lòng thương xót Chúa, để chúng con dám
trở về hoà giải với Chúa mỗi khi yếu đuối lỗi lầm. Và cho chúng con một trái
tim yêu thương quảng đại, để chúng con luôn tha thứ cho nhau như Chúa tha thứ
cho chúng con.
18/09/23 THỨ
HAI TUẦN 24 TN
Lc 7,1-10
THÁNH HOÁ TRẦN THẾ
Viên đại đội trưởng nói : “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi
được khỏi bệnh.” (Lc 7,7)
Suy niệm: Quân đội đế
quốc Rô-ma một thời bá chủ thế giới nhờ kỷ luật chặt chẽ theo đúng ‘hệ thống
quân giai’. Viên đại đội trưởng này là mẫu mực cho hệ thống đó: “Vì
chính tôi đây, tuy dưới quyền người khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền
tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi; bảo người kia : ‘Tới !’ là nó tới.” Khi
ông áp dụng trật tự đó vào việc nài xin Chúa chữa lành cho người thuộc hạ của
ông: “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh”, ông
đã tự đặt mình dưới quyền chỉ huy trưởng của chủ tướng Giê-su, và mặt khác, ông
đã đem niềm tin Ki-tô vào trong nếp sống Rô-ma của ông, nếu nói theo ngôn ngữ
ngày nay, ông đã ‘rửa tội’ cho trật tự xã hội mà ông đang sống, ông đã mở cửa
để Đức Ki-tô vào thánh hoá những giá trị của trần thế mà ông đang theo đuổi.
Mời Bạn: Chúng ta
đang quan tâm đến việc hội nhập văn hoá trong cung cách sống đạo, truyền giáo.
Chúng ta chắp thêm những mái cong vào ngôi nhà thờ theo kiến trúc Tây phương,
mặc những y phục cổ truyền trong nghi thức phụng vụ… Phải chăng khi làm thế
chúng ta đang đi theo chiều “tự ngọn đến gốc” và đang dừng lại ở những yếu tố
hình thức?
Chia sẻ: Cách viên sĩ
quan Rô-ma đến với Đức Ki-tô có giúp bạn thấy được một nét lớn của việc truyền
giáo theo tinh thần hội nhập văn hoá? Áp dụng bài học kinh nghiệm ấy cho việc
truyền giáo như thế nào?
Sống Lời Chúa: Khi bắt đầu
việc gì, bạn nài xin Chúa “Xin Ngài cứ nói một lời”.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin Chúa hãy phán một lời để chữa lành linh hồn con và biến đổi con thành
khí cụ đem bình an của Chúa đến cho tha nhân. Amen.
19/09/23 THỨ
BA TUẦN 24 TN
Th. Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 7,11-17
THƯƠNG NGƯỜI, THƯƠNG THÂN
Đức Giê-su đến gần cửa thành (Na-in), đang lúc người ta khiêng một
người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà
góa. (Lc 7,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su
chạnh lòng thương tình cảnh của bà góa thành Na-in. Ngài đã làm cho người con
sống lại và đem trao lại cho người mẹ. Hoàn cảnh mẹ con bà góa Na-in báo trước
hình ảnh của chính gia đình Ngài mai này. Đức Ma-ri-a sẽ phải đau đớn nhìn
người con độc nhất bị giết chết và được đem đi chôn cất thế nào. Việc phục sinh
người thanh niên con của bà goá Na-in như dấu chỉ, như điềm báo về chính sự
Phục Sinh của Chúa Giê-su. Ngài sẽ bị người đời giết chết nhưng Thiên Chúa sẽ
cho Ngài sống lại và trao vào tận tay Mẹ của Ngài.
Mời Bạn: Chúa Giê-su
đã chạnh lòng thương và cứu giúp bà góa Na-in giữa cảnh đau thương. Ngài mời
gọi mọi người cũng hãy biết chạnh lòng thương và cứu giúp những người đau khổ,
cơ bần xung quanh. Ngài không chia sẻ nỗi đau của con người chỉ bằng một vài
phép lạ. Chính Ngài chia sẻ thân phận con người chúng ta kể cả cái chết, để đền
bù tội lỗi và đem lại sự sống cho muôn người. Mời bạn tự vấn: bạn có dám chấp
nhận phiền toái, thiệt thòi và vô vị lợi khi giúp đỡ người đau khổ, hay bạn chỉ
làm việc từ thiện kiểu “mượn đầu heo nấu cháo,” hay vì những mục đích vụ lợi,
ích kỷ?
Chia sẻ: Người đau
khổ đáng thương đang ở cạnh bạn là ai vậy? Bạn tính giúp người đó thế nào?
Sống Lời Chúa: Một ngày
không có một hành vi bác ái là một ngày vô vị.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin giúp con từ bỏ chính mình để trở nên như khí cụ tình thương của Chúa, để
con biết cảm thông và chia sẻ với những ai đang gặp đau khổ khốn khó trên đường
đời.
20/09/23 THỨ
TƯ TUẦN 24 TN
Th. An-rê Kim và Phao-lô Chung và các bạn tử đạo
Lc 7,31-35
ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN TRẺ CON
“Tôi phải ví thế hệ với ai? Họ giống ai? Họ giống lũ trẻ ngồi ngoài
chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than.” (Lc 7,31-32)
Suy niệm: Trò chơi của
đám trẻ nơi phố chợ ‘trẻ con’ thật đó, nhưng nó lại phản ảnh được thói tật đã
trở thành thâm căn cố đế nơi tâm thức con người ta. Đó là bệnh “đạo diễn”: muốn
biến mọi người khác thành con rối dưới sự điều khiển của mình. Và còn tệ hại
hơn, con người còn muốn đạo diễn cả Thiên Chúa nữa. Và khi sự việc không diễn
ra như lòng họ mong muốn, những “nhà đạo diễn” tự xưng ấy qui kết rằng tại
người khác, tại Thiên Chúa đã không ‘diễn’ theo đúng ‘kịch bản’
của họ. Và đó cũng là lý do tại sao họ chưa ăn năn sám hối, tại sao họ chưa
lãnh nhận được sứ điệp của Chúa.
Mời Bạn: Có hai thái
độ sống đối nghịch nhau: – thái độ của lũ trẻ con: muốn bắt ép cả Thiên Chúa
phải làm theo ý muốn của chúng; – và thái độ của người con: sẵn sàng tìm kiếm
và vâng phục ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giê-su đã thực hiện. Bạn chọn thái độ
nào?
Chia sẻ: Xem lại
cách sống của bạn, hay nhóm của bạn. Xét xem bạn hay
nhóm của bạn đang sống trong thái độ nào. Bạn hay nhóm của bạn hãy chọn
một thái độ sống và thể hiện thái độ đó bằng một việc làm cụ
thể.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt
đầu một ngày mới, bạn hãy nói lên với Chúa quyết chọn cơ bản của mình: vâng
phục ý Chúa Cha như một người con thảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, Người Con đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, xin ở với con luôn mãi và giúp
con trong mọi giây phút của cuộc sống đều biết thưa với Chúa Cha: “Xin cho ý
Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời”. Amen.
21/09/23 THỨ
NĂM TUẦN 24 TN
Th. Mát-thêu, tác giả sách Tin Mừng
Mt 9,9-13
LÒNG NHÂN TRỌNG HƠN CỦA LỄ
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế… Tôi đến để kêu gọi người tội
lỗi.” (Mt 9,13)
Suy niệm: Chúa Giê-su
nói cho ta biết Ngài trọng lòng nhân từ hơn của lễ; và nếu Ngài có trọng của
lễ, thì của lễ ấy phải được phát xuất từ lòng nhân từ. Từ tâm là thái độ, cách
hành xử của một vị Thiên Chúa tự định nghĩa mình là Thiên Chúa của tình yêu.
Mát-thêu, người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, là đối tượng của lòng từ
tâm ấy. Nghĩa cử ưu ái này của Ngài không chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên,
nhưng còn làm cho giới kinh sư bực tức hậm hực: “Sao Thầy các anh lại
ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Quả thật, Chúa
Giê-su cho thấy ưu tiên trong sứ vụ của Ngài là dành cho những người bị gán cho
cái mác tội lỗi, những kẻ bị bỏ rơi bên lề xã hội, chứ không phải dành cho
những người tự hào mình là người công chính.
Mời Bạn: Việc Chúa
Giê-su ưu ái chọn gọi Mát-thêu giúp ta thay đổi não trạng hẹp hòi vốn có, mở
rộng cái nhìn về người khác, mở toang cánh cửa cộng đoàn ta đang sống, để rộng
tay đón nhận mọi thành phần xã hội, đưa Nước Trời đến với họ, giúp họ đổi đời.
Không được biến đạo thành một loại pháo đài, vỏ bọc những gì ta gọi là tinh
hoa, mà trái lại đạo chính là con đường, ‘con đường hiệp hành’ mà trên đó, mỗi
người chúng ta cùng bước đi bên nhau. Bạn đang có thiên kiến về trong cộng đoàn
của mình? Làm cách nào vượt qua rào cản ấy?
Sống Lời Chúa: Rủ một người
trong cộng đoàn cùng bạn đi thăm viếng một gia đình lương dân hoặc một người
neo đơn trong giáo xứ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
Chúa luôn tỏ lòng từ tâm với chúng con. Xin biến đổi con, để con luôn cư xử với
mọi người bằng lòng từ tâm, kể cả những người hiểu lầm hoặc ác tâm với con.
Amen.
22/09/23 THỨ
SÁU TUẦN 24 TN
Lc 8,1-3
TIỀN CỦA VÀ TRUYỀN GIÁO
Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn
đệ. (Lc 8,3)
Suy niệm: Từ thời Chúa
Giê-su, việc dâng cúng của cải vật chất giúp Ngài và các môn đệ trong khi thi
hành việc truyền giáo đã được đề cập đến. Ta nhận ra giá trị của lòng hảo tâm,
việc quảng đại hiến tặng, đóng vai trò tích cực trong việc loan báo Tin Mừng
cho mọi thời và mọi nơi. Tuy nhiên, phải hết sức khôn ngoan cẩn trọng kẻo tiền
của làm cho những việc thánh thiêng mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Tiền của
chỉ hỗ trợ chứ không thay thế cốt lõi của việc loan báo Tin Mừng. Chúa đã từng
cảnh báo người giàu khó vào Nước Trời, khó hơn lạc chui qua lỗ kim đó sao! Ta
cảm kích, ghi nhận sự quảng đại của quí bà được Tin mừng ghi lại; mong ước luôn
có được những người thiện chí như thế giúp cho công cuộc truyền giáo hiện nay.
Mời Bạn: Tiền bạc là
phương tiện cần thiết cho các sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống. Ta không thể
sống mà không có tiền. Thế nhưng, đừng để việc kiếm tiền, tiêu xài, mua sắm,
xao lãng sứ mạng loan báo Tin Mừng của người Ki-tô hữu. Trái lại, bạn hãy dùng
tiền của đầu tư cho ngân hàng Nước Trời, mua lấy Nước Trời, chứ đừng bán Nước
Trời để chạy theo tiền của.
Sống Lời Chúa: Tập sống
Điều răn Thứ năm của Hội Thánh: “Góp công, góp của xây dựng Hội Thánh tùy theo
khả năng mình.” Tiết kiệm một số tiền cố định hằng tháng cho việc đóng góp này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, các bà đạo đức ngày ấy đã cụ thể hóa tấm lòng yêu mến Chúa bằng việc đi
theo, trợ giúp tài chánh cho Chúa và các môn đệ. Xin Chúa cũng mở rộng tấm lòng
những người tín hữu hôm nay, ngõ hầu họ quảng đại, tích cực đóng góp cho công
cuộc truyền giáo được tiến triển tốt đẹp. Amen.
23/09/23 THỨ
BẢY TUẦN 24 TN
Th. Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục
Lc 8,4-15
HÃY LÀ ĐẤT TỐT!
“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình.” (Lc 8,5)
Suy niệm: Có hai điều
chắc chắn và rõ ràng: (1) hạt giống được gieo là loại tốt nhất; (2) người gieo
giống này rất hào phóng. Cũng vậy, Đức Giê-su mời gọi chúng ta có hai thái độ
đáp ứng: (1) tạ ơn Chúa vì mình đang sở hữu mảnh đất tốt; (2) nỗ lực cải tạo
đất chưa tốt trở thành đất tốt. Bởi vì, trên mảnh đất tốt, chúng ta thu hoạch
vụ mùa bội thu; còn trên mảnh đất chưa tốt, chúng ta cần đổ thêm đất tốt, phân
bón, loại bỏ sỏi đá, dọn sạch những bụi gai. Thiên Chúa là Đấng luôn hào phóng;
Lời của Người là Đức Giê-su Ki-tô, hạt giống đã chịu mục nát khi được gieo vào
thế gian, đã trổ sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần lạc quan tin tưởng vào Thiên
Chúa, Người gieo hạt giống không mệt mỏi để mong có hạt rơi vào đất tốt, cảnh
giác để tránh cạm bẫy của kẻ cám dỗ, loại bỏ gai góc và sỏi đá.
Mời bạn: “Chúng ta hãy tự
hỏi xem lòng mình có mở ra để đón nhận lời của Chúa không. Chúng ta hãy tự hỏi
xem những tảng đá lười biếng của chúng ta còn nhiều và lớn không; hãy xác định
và gọi tên các bụi gai của tật xấu. Hãy can đảm khai hoang mảnh đất tâm hồn của
chúng ta. Mang tất cả những điều đó đến cho Chúa trong Bí tích Hòa giải và
trong cầu nguyện” (ĐTC Phanxicô).
Chia sẻ: Đâu là những
sỏi đá, gai góc từng có/đang có trong đời bạn? Kinh nghiệm của bạn trong khi
chiến đấu và loại bỏ chúng?
Sống Lời Chúa: Lãnh nhận Bí
tích Hòa giải; và tìm thời giờ ở lại với Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin giúp con can đảm loại bỏ những sỏi đá, gai góc trong cuộc sống, để
mảnh đất tâm hồn con sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và sinh hoa kết quả dồi dào.
Amen.
24/09/23 CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – A
Mt 20,1-16a
VÌ MỘT NỀN KINH TẾ CHIA SẺ
Khoảng giờ thứ mười một ông chủ trở ra và thấy còn có những người
khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì
hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” (Mt 20,6-7)
Suy niệm: Trong thời
đại toàn cầu hoá hiện nay, các sản phẩm càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao
với kỹ thuật tinh vi hiện đại. Vì thế, muốn có việc làm lương cao, phải có
trình độ chuyên môn cao. Muốn thế thì phải học hành cao mới đáp ứng nổi yêu
cầu. Thế nhưng chi phí đầu tư cho việc học hành lại vượt quá khả năng của những
người nghèo cơm ăn bữa no bữa đói. Thế nên, người nghèo bị bó chặt trong cái
vòng luẩn quẩn của kiếp nghèo, bị loại ra bên lề cuộc chơi ‘chất lượng cao’,
giống như những người thợ vườn nho đành đứng ngoài ngáp ruồi “vì không
ai mướn chúng tôi.” Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta nghĩ đến một
toàn cầu hoá không-loại-trừ thay vì một toàn cầu hoá ‘hoang dã’, một nền kinh
tế chia sẻ thay vì một nền kinh tế tiêu thụ ích kỷ.
Mời Bạn: Bác ái trong
thời đại toàn cầu hoá đòi hỏi bạn bước ra khỏi ‘căn nhà’ tiện nghi, và an toàn
của mình để tìm gặp những người đang bị gạt ra bên lề đó, không chỉ để bố thí
cho họ một chút cơm thừa, mà là tìm cách tốt nhất chia sẻ với họ cả những điều
kiện, những cơ hội để họ có thể thăng tiến cuộc sống.
Chia sẻ: Có nhiều
trường hợp đòi hỏi sự chia sẻ ‘tổng lực’ của cả cộng đoàn. Nhóm của bạn điểm ra
những trường hợp như thế và lên kế hoạch chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Luôn luôn
sẵn sàng và quảng đại hợp tác với những chương trình chia sẻ trong cộng đoàn
của bạn.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, vì Chúa đã mặc lấy thân phận người nghèo ở giữa chúng con, chúng con
không được phép làm ngơ trước những anh em nghèo đói chung quanh chúng con.
25/09/23 THỨ
HAI TUẦN 25 TN
Lc 8,16-18
SỨ MẠNG PHẢI TỎA SÁNG
“Chẳng ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng
đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8,16)
Suy niệm: Đèn được
thắp lên để chiếu sáng. Bao lâu không còn chiếu sáng, hoặc chỉ được thắp lên
rồi để dưới gầm giường hay lấy hũ che đi (Lc
8,16), thì đèn mất tác dụng chiếu sáng, nó không còn lý do hiện hữu. Người môn
đệ được Chúa Giê-su trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cũng giống như những
ngọn đèn ở giữa thế gian, phải sáng và có sức tỏa
sáng. Sứ mạng ấy không phải là đặc ân cho cá nhân, nhóm hay tổ chức đặc
quyền nào, mà là cho tất cả những ai đã lãnh Bí tích Thánh tẩy. Ý thức điều đó,
các môn đệ không giữ Tin Mừng cho riêng mình, nhưng chia sẻ cho người khác, bao
ngọn đèn khác cũng được thắp sáng từ ngọn đèn của người môn đệ.
Mời Bạn: Ngọn nến được thắp
sáng trong ngày lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy tượng trưng cho sứ mạng của bạn.
Ngọn nến ấy phải được thắp sáng, càng ngày càng sáng hơn suốt đời bạn, nhờ nỗ
lực sống chứng tá cho Tin Mừng. Bao lâu không trở nên và không muốn trở
nên chứng tá là bấy lâu bạn đang dập tắt ngọn đèn đang cháy sáng trong mình.
Chia sẻ: Khiêm tốn, bác ái,
dấn thân, phục vụ quên mình… là những “ngôn ngữ” sống động và có giá
trị của Tin Mừng. Bạn muốn thứ ngôn ngữ nào vang lên trong mình để tỏa sáng
ngọn đèn đức tin cho người khác?
Sống Lời
Chúa: Thực thi một việc bác ái cụ thể trong ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa Giê-su, xin cho con ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng cao quí như là lẽ
sống của cuộc đời, hầu con thắp lên, làm lan tỏa ngọn đèn sứ mạng ấy cho những
người mà chúng con gặp gỡ. Amen.
26/09/23 THỨ
BA TUẦN 25 TN
Th. Cốt-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo
Lc 8,19-21
MANG HỌ GIÊ-SU
Đức Giê.su đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe
Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Suy niệm: Đọc thoáng
qua, ta cảm tưởng như Đức Giê-su hơi “lơ là,” chưa quan tâm đến mẹ mình đủ.
Thực ra, đây là cách Ngài đề cao Đức Mẹ, một người luôn lắng nghe và làm theo
Lời Chúa dạy (x. Lc 1,38.45; 2,19.52). Đức Ma-ri-a hai lần là mẹ Đức Giê-su:
một lần sinh con về phương diện thể lý; lần khác là người mẹ luôn lắng nghe, ghi
nhớ và thi hành Lời Chúa. Đức Giê-su cho thấy trong đại gia đình thiêng liêng
mới, tình thân nghĩa họ hàng không còn giới hạn trong tương quan máu mủ ruột
thịt hay chủng tộc, nhưng mở rộng đến tất cả những ai nghe Lời Chúa và đem ra
thực hành. Họ trở thành người thân của Ngài, cùng mang họ “Giê-su,” sống theo
châm ngôn của Ngài: ‘lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng
đã sai Thầy’ (Ga 4,34). Họ xứng đáng được gọi là Giê-su hữu,
nghĩa là người thuộc về Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Chúng ta hẳn
phải tự hào, hạnh phúc khi được làm con cái Chúa, người nghĩa thiết của Đức
Ki-tô. Tuy nhiên, mang họ Giê-su đồng nghĩa với bổn phận làm sáng danh Thiên
Chúa bằng việc sống hiếu thảo với Người. Sự hiếu thảo ấy được cụ thể hóa bằng
chính lối sống mang đậm chất Tin Mừng. Hãy tập Tin Mừng hóa lối nghĩ, lối sống
của mình, bạn nhé!
Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời
Chúa luôn là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
Chúa mơ ước nhân loại trở thành anh chị em một nhà, con một cha. Xin cho chúng
con luôn ghi nhớ Lời Chúa, sống theo thánh ý Chúa. Nhờ đó, mỗi người chúng con
làm rạng danh dòng họ “Giê-su,” theo mẫu gương Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa. Amen.
27/09/23 THỨ
TƯ TUẦN 25 TN
Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lc 9,1-6
RAO GIẢNG
“Anh em đừng mang gì đi đường.” (Lc 9,3)
Suy niệm: Các môn đệ
được mời gọi bước theo Thầy, ở với Thầy, làm việc và chứng kiến Thầy thi hành
sứ vụ rao giảng, chữa bệnh. Hôm nay Đức Giê-su lại sai nhóm Mười Hai đi
loan báo Tin Mừng, ban cho họ quyền năng kèm theo việc loan báo, cùng với yêu
cầu: không mang gì khi đi đường. Tại sao vậy? Thưa, Ngài muốn người môn đệ ra
đi tay không, không ỷ lại vào phương tiện mình có, nhưng chỉ lệ thuộc vào quyền
năng, lòng yêu thương của Thiên Chúa. Nói cách khác, trong công cuộc loan báo
Tin Mừng, Ngài cần con người các môn đệ hơn là các phương tiện bên ngoài. Tác
nhân chính trong việc loan báo Tin Mừng là chính con người, đời sống chứng tá
của người môn đệ. Vì loan báo Tin Mừng là chia sẻ cảm nghiệm mình gặp gỡ Thiên
Chúa như thế nào, trải nghiệm tình yêu Ngài trong đời mình, và muốn cho người
khác cũng cảm nhận được điều đó. Điều đánh động, thuyết phục người khác hơn cả
là đời sống được biến đổi tận căn của người Ki-tô hữu chứng tá, như lời Đức
Phao-lô VI: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và
nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”
Mời Bạn: Mỗi hành
động, cử chỉ, lời nói, cách cư xử hàng ngày của bạn, dù nhỏ bé, cũng phải được
thực hiện với ý thức rằng bạn đang thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng Nước
Trời.
Sống Lời Chúa: Hãy nói một
lời chúc tốt đẹp với người mà bạn không thích với ý hướng loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy
dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con
biết chia sẻ Tin mừng với niềm vui…
(Rabbouni)
28/09/23 thứ năm
tuần 25 tn
Th.Lô-ren-xô Ru-y và các bạn tử đạo
Lc 9,7-9
LÀ CHÚA CỦA ÂN SỦNG
“Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết những gì đã xảy ra, thì phân vân
lắm.” (Lc 9,7)
Suy niệm: “Có 256
tên trong Kinh Thánh dành cho Chúa Giê-su Ki-tô, và tôi giả sử như vậy vì Ngài
hoàn toàn vượt quá mọi điều mà bất cứ một cái tên nào có thể diễn tả” (B.
Sunday). Người đương thời gán cho Đức Giê-su những cái tên khác nhau: Gio-an
Tẩy giả, Ê-li-a, hay một ngôn sứ nào đó. Với Hê-rô-đê, Ngài không thể là ông
Gio-an Tẩy giả, người đã bị vua chém đầu. Vậy Ngài là ai mà có thể làm được
những điều lạ thường như vậy? Hê-rô-đê háo hức muốn gặp mặt Đức Giê-su để được
xem vài phép lạ cho thỏa trí tò mò. Cuối cùng, điều mong ước của vua cũng đạt
được một nửa: gặp Đức Giê-su trong cuộc Khổ nạn, thế nhưng, Ngài không làm phép
lạ nào. Bực tức, ông xem Ngài như một người điên dại, không đáng quan tâm.
Mời Bạn: “Thiên
Chúa không chỉ ban cho ta ân sủng; Ngài ban cho ta Đức Giê-su, Chúa của ân
sủng” (J. Tada). Có thể bạn theo Chúa vì những lợi ích trần thế hôm
nay: của cải vật chất, học hành, thành công… Đừng theo Chúa theo kiểu Hê-rô-đê:
đòi Chúa làm phép lạ. Cũng đừng theo Chúa như dân Do Thái ngày xưa: để được ăn
no nê. Bạn hãy bước theo Chúa Giê-su vì Ngài là Chúa của ân sủng, thế mà ân
sủng lớn nhất là có Chúa hiện diện, và ơn ấy giúp ta trở nên đẹp lòng Thiên
Chúa, tựa như Đức Ma-ri-a.
Sống Lời Chúa: Tôi tập thờ
phượng Chúa vì lòng yêu mến, biết ơn với Ngài, chứ không phải vì bất cứ lợi lộc
nào của trần gian này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, cảm tạ Chúa đã là Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa-ở với-con người, để là
Ân sủng của Thiên Chúa giữa con người chúng con. Xin cho con nhận ra ân sủng
lớn nhất trong đời mình là có Chúa ở cùng. Amen.
29/09/23 THỨ
SÁU TUẦN 25 TN
Các Tổng Lãnh Thiên
SỨ MẠNG CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
Đức Giê-su nói: “Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời
rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con
Người.” (Ga 1,51)
Suy niệm: Con người
thời nay thích coi thiên thần như sản phẩm của trí tưởng tượng. Theo giáo lý,
thiên thần là thụ tạo thiêng liêng được tạo dựng để chuyên lo phụng thờ Thiên
Chúa, được sai đi để phục vụ giúp cho con người đạt được ơn cứu độ. Và vì hầu
cận Thiên Chúa trong triều đình Thiên quốc, các ngài phản ánh phần nào vinh
quang của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định sự hiện
hữu thực sự của các thiên thần gắn liền với chức vụ phụng thờ Thiên Chúa: “Các
thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Và đặc
biệt ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính với danh xưng gắn liền với sứ
mạng của các ngài: 1/ Mi-ca-en “Ai bằng Thiên Chúa” (Đn
10,13-21), là Đấng bảo trợ đặc biệt cho Hội Thánh. 2/ Gáp-ri-en: Anh hùng của
Thiên Chúa (Đn 8,16), vị sứ giả được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức
Trinh Nữ Maria. 3/ Ra-pha-en: Thiên Chúa chữa lành (Tb 3,17), vị lương y đã giữ
gìn và cứu chữa cho hai cha con Tô-bi-a.
Mời Bạn: Hướng về các
thiên thần, noi gương các ngài: tin yêu, trông cậy, phụng thờ Thiên Chúa để nhờ
đó bạn biết: – qui hướng mọi sự Chúa; – thuộc về Chúa trong mọi sự; – biết gắn
bó với Chúa trong mọi nơi mọi lúc.
Sống Lời Chúa: Mỗi chúng ta
có một thiên thần gìn giữ gọi là thiên thần bản mệnh, hãy nghe theo sự hướng
dẫn của ngài.
Cầu nguyện: Lạy các tổng
lãnh thiên thần, chúng con nguyện vâng nghe lời các Đấng. Xin các Đấng giúp
chúng con biết làm lành lánh dữ và phụng thờ Chúa.
30/09/23 THỨ BẢY
TUẦN 25 TN
Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ HT
Lc 9,43b-45
GIẢI PHÁP CỦA CHÚA
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu
lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn. (Lc 9,44-45)
Suy niệm: “Đang
lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các
môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp
bị nộp vào tay người đời.” Khi mọi người đang ngưỡng mộ, tán
dương Chúa, tại sao Ngài lại nói điều trái nghịch: Ngài sắp bị nộp vào tay
người đời? Chúng ta tìm thấy đáp án nơi lời truyền phép trong Thánh lễ: “Tất
cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Chúa
bị nộp vì chúng ta. Các môn đệ không thể nào hiểu được tại sao Thầy của
mình phải chịu như vậy. Nhưng đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa: mầu nhiệm bị nộp
vì yêu, trao hiến mạng sống vì mến. Một mầu nhiệm cho đến nay vẫn khó chấp nhận
với nhiều người.
Mời Bạn: Đâu là ý
nghĩa của việc bạn đi theo Chúa Giê-su? – Đó là đi lại con đường hiến trao sự
sống trong hy sinh từ bỏ, nhưng cuối con đường lại mở ra cuộc phục sinh vinh
quang. Nhiều người đã đưa ra các giải pháp cũng như dấn thân đem lại an vui
hạnh phúc cho thế giới, nhưng như ‘dã tràng xe cát’. Bạn có muốn thực thi con
đường cứu độ thế giới theo cung cách Giê-su không?
Sống Lời Chúa: Gia đình tôi
bất hòa, mâu thuẫn, đau khổ, tôi chọn giải pháp mầu nhiệm của Chúa: yêu đến
cùng, dâng hiến cho người mình yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, giữa bao nhiêu môi trường ưa thích để dấn thân tông đồ, xin cho con
chọn điều Chúa muốn, chọn giải pháp của Chúa. Xin cho con kiên trì thực hiện
con đường, giải pháp Chúa dạy. Amen.