CA ĐOÀN MỘT NHÂN TỐ SỐNG ĐỘNG
CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Ngay từ những ngày đầu thuở Giáo Hội mới khai sinh, mỗi khi
có dịp hội họp lại với nhau để cử hành Phụng vụ, các tín hữu luôn dùng lời ca
tiếng hát để tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Từ đó đến nay, vai trò của Thánh
Nhạc trong Phụng Vụ vẫn được Giáo Hội đề cao và quan tâm cách đặc biệt, cho đó
là ngôn ngữ và là thành phần thiết yếu của Phụng vụ trọng thể. Trong “Huấn Thị
Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” được ban hành ngày 05 tháng 03 năm 1967, Thánh bộ
Nghi lễ còn đòi hỏi Thánh nhạc phải biểu lộ được sự thánh thiện và diễn tả được
hình thức nghệ thuật cao. Để đáp ứng đòi hỏi này, trong tất cả các nghi lễ
Phụng vụ do Cộng đồng dân Chúa cử hành, dưới quyền chủ toạ của Đức Giám mục,
Linh mục, hoặc các thừa tác viên có chức thánh, Ca đoàn, với khả năng ưu tú của
họ, đã được chọn làm một thừa tác viên, một nhân tố sống động của Cộng đồng dân
Chúa, với nhiệm vụ làm cho các nghi lễ thêm rực rỡ vui tươi và giúp cho giáo
dân tham gia tích cực vào việc ca hát (1).
I. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA CA ĐOÀN
1. Định Nghĩa:
Ca đoàn là một tập thể các tín hữu, nhờ vào khả năng chuyên
môn của họ về âm nhạc, được tuyển chọn giữa Cộng đồng dân Chúa để thi hành thừa
tác vụ ca hát trong các nghi lễ Phụng vụ.
2. Vai Trò:
Là những người cử hành Phụng vụ cùng với Linh mục và các
thừa tác viên khác, Ca đoàn đóng một vai trò nồng cốt là làm thế nào để lời ca
tiếng hát của mình tăng thêm sự tưng bừng và linh động mà không làm mất đi vẻ
tôn nghiêm, trang trọng và đạo đức của các nghi lễ Phụng vụ.
Vai trò ca hát này đã được Thánh bộ Nghi lễ đề cao trong số
5 của “Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” như sau: “Lễ nghi Phụng Vụ sẽ mang
hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên
chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự. Thật vậy, dưới
hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm Phụng vụ với
những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng
người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của
con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật
thánh mà vươn tới những thực tại vô hình”. (2)
Ở số 16, Thánh bộ Nghi lễ còn xác nhận thêm: “Thật không có
gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành Phụng vụ mà toàn thể cộng
đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát”. (3)
3. Nhiệm Vụ:
Để có thể sắm đúng vai trò nồng cốt trên đây, Ca đoàn phải
chu toàn ba nhiệm vụ Phụng vụ chính của mình, đó là hát đúng những phần dành
riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, hát thay cho Cộng đoàn khi họ chưa
được tập luyện đủ và giúp cho Cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát. (4)
Không phải ngẫu nhiên mà Thánh bộ Nghi lễ đã qui định nhiệm
vụ của Ca đoàn một cách rõ ràng như thế! Nhìn vào giòng lịch sử Thánh nhạc, xưa
nay vẫn còn tồn tại một vài quan niệm cực đoan sai lầm.
Có nhiều Ca Xướng viên, nhiều Ca đoàn quá nặng phần trình
diễn, chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã gạt bỏ Cộng đoàn sang một bên và
độc quyền dành lấy phần ca hát. Họ thích chọn những bài đa âm hợp xướng, những
bài hát khó, có tính cách chuyên nghiệp, vượt quá tầm hiểu biết và khả năng
trình tấu của Cộng đoàn. Trong một cuộc thuyết trình tại Đại học Lausanne vào năm 1897,
Giáo sư Eugène Rapin đã đưa ra nhận xét này: “Công giáo đẩy dân chúng tới chỗ
thụ động, câm lặng... Họ ở trong Nhà Chúa để im lặng, để nghe, để tuân lệnh...
Ngoài một vài trường hợp như rước kiệu, hành hương, họ hát đôi bài ca, sự tham
dự của họ vào tác vụ thánh rất ít, hầu như không có; chỉ có tiếng Chủ tế, và
trong lễ trọng, tiếng Ca đoàn hoặc Đơn xướng, đôi khi với sự phụ hoạ của dàn
nhạc, được vang dậy để mọi người cùng nghe...” (5) . Thiết tưởng nhận xét đau
lòng trên đây vẫn còn giá trị thực tiễn trong một số Giáo xứ và Cộng đoàn hiện
nay!
Ngược lại, có những Cộng đoàn chủ trương “hát hay không bằng
hay hát” đã loại bỏ tính nghệ thuật của Thánh nhạc. Họ chỉ thích hát cộng đồng,
viện cớ rằng để giáo dân tham gia một cách tích cực và như thế, phủ nhận sự tồn
tại hữu ích của Ca đoàn. Phải chăng đây là một xu hướng tầm thường hoá vai trò
của Thánh nhạc trong Phụng vụ, đồng thời đi ngược lại đường hướng của Giáo hội
vốn đòi hỏi “Thánh nhạc phải là nghệ thuật đích thực” (6) và “phải diễn tả được
hình thức nghệ thuật cao”? (7) Hơn nữa, sự kiện một Cộng đoàn chỉ
hay-hát-mà-hát-không-hay có thể dẫn đến sự lo ra chia trí, sự bực bội khó chịu
của giáo dân, và còn có thể làm mất đi bầu khí thánh thiện và trang nghiêm của
buổi cử hành Phụng Vụ.
Bên cạnh đó, cũng có không ít những Cộng đoàn lại quá ù lì,
thụ động, không muốn tham gia vào việc ca hát dù có được khuyến khích, cổ võ,
mời gọi đến mấy đi chăng nữa! Họ thích nghe hơn thích hát, thích làm những khán
giả thụ động hơn làm những người dự phần tích cực vào các nghi thức Phụng vụ.
Thiết tưởng những lời khuyến cáo và niềm mong ước của Đức Giáo Hoàng Piô XII
trong Thông điệp Mediator Dei cần được lập lại nơi những Cộng đoàn này: “Tín
hữu luôn tham dự các cử hành Phụng vụ thánh không thể là những khán giả câm
lặng và xa lạ... Họ phải cảm nhận sâu xa nét thẩm mỹ của Phụng vụ; họ phải lần
lượt -theo luật định- góp tiếng với Chủ tế và Ca đoàn... Ước gì tiếng của toàn
dân vọng lên tới trời, đồng nhất và mạnh mẽ như tiếng sóng đại dương, biểu lộ
nhịp nhàng và sinh động sự hiệp nhất một trái tim, một tâm hồn, phù hợp với
tình huynh đệ của các con một Cha chung” (8).
Vì thế, trong những buổi cử hành Phụng vụ, Ca đoàn chỉ nên
đảm nhận phần chính yếu của việc ca hát, như hát những câu Phiên khúc (và hát
câu Điệp khúc chung với Cộng đoàn), như khi phải sử dụng những bài hát đa âm,
hoặc khi Cộng đoàn chưa được chuẩn bị kịp thời. Với vai trò là một thành phần
nồng cốt -chứ không phải là toàn thể Cộng đoàn-, Ca đoàn như một hạt nhân, một
chất xúc tác, một nhúm men trong đấu bột, có nhiệm vụ trợ giúp, nâng đỡ tiếng
hát cho Cộng đoàn. Bên cạnh đó, Ca đoàn còn phải luôn cổ võ và khuyến khích
Cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát, nêu gương cho họ bằng sự chuyên
cần tập luyện, sự trau giồi học hỏi và sự trình tấu chu đáo các bài thánh ca
(9). Đừng quên rằng: không riêng gì Chủ tế và Ca đoàn, mà tất cả Cộng đồng dân
Chúa đều được mời gọi tham gia vào Phụng vụ một cách linh động và tích cực,
nhất là bằng lời ca tiếng hát, bởi vì “tiếng hát của Cộng đoàn là ưu việt và
không thể bỏ được” (10).
4. Tầm Quan Trọng:
Nếu nói rằng “tiếng hát của Cộng đoàn là ưu việt và không
thể bỏ được”, người ta càng phải chân nhận ra giá trị lớn lao và tầm mức quan
trọng của Ca đoàn. Sự hiện diện của họ trong các Cộng đoàn là điều cần thiết và
tất yếu, như “Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” số 19 đã qui định rõ: “Phải
có một “Ca đoàn”, hoặc “Những Ban hát Nhà Nguyện”, hoặc “Các Nhóm Ca viên”, và
phải nghiêm túc phát triển những ban đó, nhất là ở các nhà thờ chánh toà và các
đại thánh đường khác, cũng như trong các chủng viện và học viện. Trong các
thánh đường nhỏ cũng nên thành lập những ca đoàn như vậy, dù là dưới hình thức
khiêm tốn” (11).
Trong bài diễn từ nhân dịp Đại Hội lần thứ 10 của Các Ca
Đoàn Hát Thánh Ca Trong Nhà Thờ, ngày 06 tháng 04 năm 1970, Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI còn xác quyết thêm rằng vai trò của các Ca đoàn thực sự rất hữu ích
và bất khả thay thế, không chỉ trong lãnh vực ca hát mà còn trong lãnh vực sinh
hoạt Cộng đoàn: “Ở cấp bậc nào, người ta cũng cần đến sự hiện diện của các bạn.
Khả năng, óc nhận xét, thiện chí của các bạn lúc nào cũng có thể giúp ích cho
nhà thờ hay cho họ đạo của các bạn, ngay cả những khi các bạn không họp nhau
lại để ca hát hay trình tấu. Nhiệm vụ của các bạn vẫn quí giá và bất khả thay
thế... Các bạn hãy vui vẻ, phấn khởi, ân cần và nhiệt tâm chu toàn sứ mệnh
này!” (12)
Với một vai trò và trách nhiệm có tầm mức quan trọng như
thế, Ca đoàn thực sự cần được các vị chủ chăn hướng dẫn, nâng đỡ và quan tâm
cách đặc biệt, cũng như chính bản thân họ phải luôn hăng say tập luyện và
chuyên cần trau giồi nghệ thuật. Như vậy, họ mới có thể chu toàn được sứ mạng
“làm cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh thêm rực rỡ vui tươi, đượm nhuần bầu
khí linh thiêng” và “là nét biểu dương linh động về niềm vui Phục Sinh” (13).
II. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CA ĐOÀN
1. Thành Phần:
Trước kia, thành phần của Ca đoàn chỉ gồm các giáo sĩ hoặc
các giáo dân nam giới. Giới phụ nữ không được thâu nhận. Mãi đến năm 1967, khi
ban hành “Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ”, Thánh bộ Nghi lễ dưới triều Đức
Giáo Hoàng Piô XII mới cho phép mở rộng thành phần Ca đoàn đến mọi tầng lớp
giáo dân: “Tùy theo tập quán của mỗi quốc gia, và tùy theo những trường hợp
khác nữa, Nhóm Ca viên có thể gồm hoặc nam giới và thiếu nhi, hoặc chỉ toàn nam
giới, hoặc chỉ toàn thiếu nhi, hoặc nam giới và nữ giới, hoặc nơi nào hoàn cảnh
đòi hỏi thực sự, chỉ có nữ giới mà thôi” (14).
Về mặt nhân sự, con số ca viên thay đổi tùy theo hoàn cảnh
của từng Giáo xứ hoặc từng Cộng đoàn. Ở quốc nội, một Ca đoàn trung bình -nói
về lượng- gồm khoảng 30-50 ca viên và một Ca đoàn lớn có đến 60-70 ca viên. Ở
hải ngoại, con số ca viên còn khiêm tốn hơn nhiều, chiêu mộ được 40 ca viên đã
là một điều may mắn!
Về mặt chuyên môn, các ca viên được sắp xếp vào các bè khác
nhau, tùy theo âm sắc và âm vực của giọng hát. Thông thường, mỗi Ca đoàn gồm có
4 bè chính (15):
- Bè Soprano (giọng kim) gồm các giọng nữ cao.
- Bè Alto (giọng mộc) gồm các giọng nữ thấp.
- Bè Tenore (giọng thủy) gồm các giọng nam cao.
- Bè Basso (giọng thổ) gồm các giọng nam trầm, thấp.
2. Vai Trò Và Trách Nhiệm Của Các Thành Viên:
Vì là một đoàn thể với các sinh hoạt vừa có tính cách tôn
giáo vừa có tính cách xã hội, Ca đoàn cũng cần được tổ chức theo một cơ cấu
hành chánh, gồm có Ca trưởng, Ca phó, Thư ký, Thủ quỹ, Trưởng nhóm hoặc Trưởng
bè và các Trưởng ban. Mỗi thành phần đều có vai trò và trách nhiệm của riêng
mình.
a) Ca trưởng:
Trong vài ba thập niên gần đây, Ca trưởng thường được chỉ
định làm Ủy viên đặc trách Thánh nhạc của Giáo xứ. Như vậy, nhiệm vụ trước hết
và trên hết của Ca trưởng phải là hướng dẫn Ca đoàn chu toàn thừa tác vụ Phụng
vụ của mình, đồng thời là gạch nối giữa Cha xứ, Hội đồng Mục vụ và Ca đoàn. Ca
trưởng có bổn phận điều hành, tuyển chọn và huấn luyện các ca viên không những
về kỹ thuật chuyên môn mà còn về tác phong đạo đức nữa. Để hoàn thành những
trách nhiệm trên đây, Ca trưởng phải tạo cho mình một tư cách đứng đắn, một bản
lĩnh đáng nể phục và một uy tín đáng tin cậy. Ngoài ra, phần vụ chuyên môn của
Ca trưởng là soạn bài, tập hát, và điều khiển Ca đoàn trong các nghi lễ Phụng
vụ.
b) Ca phó:
Là người phụ tá cho Ca trưởng trong công việc điều hành,
soạn bài, tập hát và điều khiển Ca đoàn, đồng thời thay thế Ca trưởng trong
chức vụ Ủy viên đặc trách Thánh nhạc khi cần thiết.
c) Thư ký và Thủ quỹ:
Thư ký có nhiệm vụ lập danh sách Ca đoàn , lập biên bản các
phiên họp, soạn thảo thư tín, thông tư, các giấy tờ liên hệ, và nếu cần, viết
sổ tay nhật ký cho Ca đoàn.
Thủ quỹ có nhiệm vụ lập sổ chi thu, bảo trì tài sản và phát
triển ngân quỹ cho Ca đoàn.
d) Trưởng nhóm hoặc Trưởng bè:
Để tiện việc sinh hoạt, các thành viên của Ca đoàn thường
được chia thành những nhóm nhỏ (hoặc theo vùng họ ở, hoặc theo bè họ hát) và do
các Trưởng nhóm hoặc Trưởng bè hướng dẫn. Nhiệm vụ của Trưởng nhóm hoặc Trưởng
bè bao gồm sự cộng tác đắc lực với Ca trưởng trong việc điều hành Ca đoàn; kêu
gọi, đốc thúc và khuyến khích các nhóm viên tham gia đều đặn những sinh hoạt
của Ca đoàn; thông tin, thu thập các ý kiến đóng góp; phân phát và thu nhặt các
sách hát dùng khi sinh hoạt; đồng thời, lưu tâm đến đời sống tinh thần của từng
nhóm viên -trong chừng mức giới hạn- để kịp thời nâng đỡ họ khi cần thiết.
Riêng các Trưởng bè còn có bổn phận phụ giúp Ca trưởng và Ca phó trong việc tập
bè các bài hát đa âm hợp xướng.
e) Các Trưởng ban:
Các Trưởng ban là những người phụ trách các công việc đòi
hỏi nhiều kiến thức và kỹ thuật chuyên môn, như Phụng vụ, Sinh hoạt, Ẩm thực,
Tiếp tân, Báo chí và Liên lạc, Văn nghệ, Dàn nhạc, Âm thanh v.v...
- Trưởng ban Phụng vụ phụ trách việc dẫn lễ, cắt cử người
đọc Sách Thánh, Lời Nguyện Giáo Dân, người dâng của lễ trong các dịp lễ riêng
của Ca đoàn; chuẩn bị sách hát, tổ chức và tập dợt các chương trình Dâng Hoa
trong Giáo xứ.
- Trưởng ban Sinh hoạt phụ trách lên chương trình, tổ chức
và làm hoạt náo viên cho các sinh hoạt vui chơi ngoài trời và thể thao cho Ca
đoàn như liên hoan, picnic, cắm trại, đi du ngoạn xa... và đồng thời có nhiệm
vụ cắt cử và điều động nhân lực vào các công tác chung của Giáo xứ.
- Trưởng ban Ẩm thực phụ trách việc giải lao cho Ca đoàn
trong những buổi tập hát, hội họp, hoặc việc bếp núc trong những cuộc vui chơi
và liên hoan.
- Trưởng ban Tiếp tân phụ trách việc đón tiếp các quan khách
trong những dịp lễ.
- Trưởng ban Báo chí và Liên lạc phụ trách việc thông tin,
soạn lịch hát lễ, lịch sinh hoạt, cập nhật thường xuyên danh sách các thành
viên của Ca đoàn, viết báo, làm nội san và phát triển trang nhà -home page-
(nếu có).
- Trưởng ban Văn nghệ phụ trách việc soạn thảo, dàn dựng các
tiết mục văn nghệ, sau đó phân công, tập dợt và tổ chức các chương trình văn
nghệ trong Giáo xứ.
- Trưởng ban Nhạc phụ trách việc phối khí, tập luyện, phân
công phân nhiệm cho các nhạc công và lo bảo trì các nhạc cụ.
- Trưởng ban Âm thanh phụ trách việc điều chỉnh âm thanh và
chuẩn bị sao cho đủ micro dùng trong các buổi lễ.
Ở các Ca đoàn lớn, đông nhân lực, còn có thêm những Trưởng
ban khác như Trưởng ban Đồng phục (phụ trách về đồng phục và phù hiệu của Ca
đoàn...), Trưởng ban Tài liệu (phụ trách in ấn, sắp xếp sách hát...) v.v...
f) Ca viên và Nhạc công:
Được tuyển chọn từ Cộng đồng dân Chúa, các Ca viên và các
Nhạc công gồm những người có khả năng đàn hát, đến với Ca đoàn bằng một sự tự
nguyện và hy sinh vô vị lợi (tuy nhiên, sự tự nguyện này không thể là một cái
cớ để bào chữa cho sự lơ là, biếng nhác của mình!). Trách nhiệm trước hết của
các Ca viên và các Nhạc công là sự hiện diện đông đủ, tham dự thường xuyên và
đúng giờ các buổi tập hát, các nghi lễ Phụng vụ và các sinh hoạt của Ca đoàn.
Ngoài khả năng đàn hát ra, mỗi Ca viên và mỗi Nhạc công còn được mời gọi nhiệt
tình đóng góp thời giờ và ý kiến xây dựng vào sự thăng tiến và thành công của
Ca đoàn.
Phần đông các Ca đoàn thường qui tụ những chức vụ đầu não
vào một ban, gọi là Ban Điều Hành hoặc Ban Đại Diện, gồm có Ca trưởng, Ca phó,
Thư ký và Thủ quỹ. Ban Điều Hành có những phiên họp định kỳ hằng tháng, hoặc
hằng tam cá nguyệt để kiểm điểm, đúc kết và soạn thảo kế hoạch cho thời gian
tới. Có nơi còn tổ chức một Ban Điều Hành mở rộng, qui tụ tất cả các Trưởng
ban, để có thể gom góp thêm nhiều ý kiến, đồng thời có cơ hội đi sâu đi sát vào
từng lãnh vực sinh hoạt của Ca đoàn.
3. Vị Trí của Ca Đoàn Trong Nhà thờ:
Xưa nay, Ca đoàn thường được sắp xếp ở gác đàn, tầng lầu
phía cuối nhà thờ. Ở một vài Giáo xứ, Ca đoàn được đưa về một bên cánh ở phía
trước gian cung thánh. Thực ra, không có một vị trí bó buộc nào cho Ca đoàn.
“Tuỳ cách xếp đặt ở mỗi nhà thờ, Ca đoàn sẽ được xếp chỗ thế
nào:
a) Để cho bản tính của Ca đoàn được tỏ hiện, nghĩa là Ca
đoàn vừa là thành phần của Cộng đoàn tín hữu, vừa phải chu toàn một nhiệm vụ
đặc biệt.
b) Để các ca viên có
thể chu toàn cách tốt nhất chức năng Phụng vụ của mình.
c) Để mỗi người trong nhóm có thể dễ dàng tham dự đầy đủ
thánh lễ, nhờ việc rước lễ. Khi Ca đoàn gồm phái nữ thì phải xếp ngoài gian
thánh ” (16).
III. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA CA ĐOÀN
1. Đối Nội:
Hoạt động đối nội của Ca đoàn là mối tương quan giữa Ca
trưởng với Ban Điều Hành, giữa Ca trưởng với các Ca viên, và giữa các Ca viên
với nhau. Mặc dù mỗi thành viên đảm nhận một chức vụ, một trọng trách khác
nhau, nhưng tất cả làm thành một tập thể, một gia đình mà nền tảng là Đức Ái.
Là thành phần lãnh đạo, là bậc cha mẹ, mối tương quan giữa
Ca trưởng và Ban Điều Hành là tinh thần hiệp nhất.
Là thành viên trong một gia đình, cư xử với nhau như anh chị
em, mối tương quan giữa các Ca viên với nhau là tinh thần hiếu hoà.
Là thành phần chỉ huy hay chỉ là những người thừa hành, mối
tương quan giữa Ca trưởng và các Ca viên là tinh thần khiêm hạ.
2. Đối Ngoại:
Hoạt động đối ngoại của Ca đoàn là mối tương quan giữa Ca
đoàn với Giáo xứ, với các đoàn thể trong Giáo xứ và với các Ca đoàn bạn.
Với Giáo xứ, Ca đoàn cần giữ một thái độ tôn kính và vâng
phục, để sẵn sàng cộng tác với Cha xứ và Hội đồng Mục vụ, cũng như đóng góp tài
năng và công sức vào những hoạt động của Giáo xứ.
Với các đoàn thể khác trong Giáo xứ (như Đoàn Thanh niên,
Đoàn Liên minh Thánh Tâm, Hội các bà mẹ Công giáo, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể
v.v…), thái độ phải có của Ca đoàn là sự hoà đồng và sự khiêm tốn. Ngoài thừa
tác vụ ca hát hay ngoài những hoạt động tông đồ, một thành viên Ca đoàn hoặc
một thành viên Liên minh Thánh Tâm cũng chỉ là những giáo dân bình thường
(không có gì để tự phụ khoe khoang) với cùng một sứ mạng: đồng lao cộng khổ cho
sự thăng tiến của Giáo xứ.
Với các Ca đoàn bạn, sự ngưỡng mộ và sự chia sẻ là những
thái độ cần thiết. Phải biết ngưỡng mộ để nhận ra những nét hay vẻ đẹp của bạn
mà khen ngợi, học tập và bắt chước; đồng thời phải biết chia sẻ những hiểu biết
và những kinh nghiệm cho nhau.
IV. NHỮNG YẾU TỐ CĂN BẢN
1. Giá Trị Đạo Đức và Nhân Bản:
Để có thể chu toàn thừa tác vụ Phụng vụ một cách hiệu quả,
Ca đoàn trước hết phải là những con người đạo đức, có đức tin và biết sống xứng
đáng niềm tin của mình. Đây là điều kiện tiên quyết, bởi vì nếu là những người
không có đức tin, làm sao họ có thể hiểu thấu để rồi diễn tả lời kinh Phụng vụ
được. Các thành viên của Ca đoàn cũng cần phải có đời sống cầu nguyện, để những
lời ca tiếng hát họ cất lên trong tâm tình cầu nguyện sẽ có giá trị và giúp
Cộng đoàn cùng cầu nguyện với họ. Mặc dù khi thi hành thừa tác vụ Phụng vụ, Ca
đoàn chỉ phục vụ nhưng không (không nhận thù lao), họ vẫn phải luôn ý thức về ý
nghĩa cao cả của sự hy sinh dấn thân này để làm việc hăng say hơn trong tinh
thần đạo đức sốt sắng.
“Hội Thánh quí trọng và sẽ không ngừng tuyên dương và vui
sướng nhìn nhận sự hỗ trợ lớn lao của họ (Ca đoàn) mang lại, giúp cho công việc
Tông đồ của Hội Thánh được hữu hiệu… Khi họ chu toàn đầy đủ phận sự Phụng vụ
của họ, họ không những chỉ đem lại vẻ mỹ quan hơn cho tác động thánh và gương
mẫu tuyệt hảo cho tín hữu mà thôi, nhưng họ còn đem về cho chính họ một lợi ích
thiêng liêng đích thực” (17).
Bên cạnh những phẩm giá đức tin và tinh thần cầu nguyện, Ca
đoàn còn phải mặc lấy cho mình những giá trị nhân bản. Họ phải là những con
người lịch sự, biết tôn trọng kẻ khác qua cung cách cư xử lịch thiệp, tế nhị,
qua lời ăn tiếng nói thanh tao, nhã nhặn, và ngay cả qua cách ăn mặc trang nhã,
kín đáo. Tưởng cũng cần nhấn mạnh thêm rằng tính ích kỷ, ghen tỵ và thói ưa chỉ
trích, phe đảng là mầm mống của sự bất hoà cần phải khai trừ và loại bỏ, nếu
không, Ca Đoàn sẽ tự hủy diệt mình!
2. Chuyên Môn và Kỹ Thuật:
Một khuyết điểm dễ nhận thấy của những người có trách nhiệm
thâu nhận Ca viên là ít để ý đến khả năng ca hát của họ, sau đó lại không quan
tâm đến việc huấn luyện cho họ về chuyên môn và kỹ thuật. Thực ra, muốn cho Ca
đoàn mình đạt tới một trình độ cao và hát cho đúng nghệ thuật theo yêu cầu của
Giáo hội là “âm nhạc dùng trong Phụng vụ phải có tính nghệ thuật đích thực”
(18), mỗi thành viên phải tự học hỏi, tự huấn luyện mình thêm về những chuyên
môn và kỹ thuật mà vị trí của mình đòi buộc.
Ngoài một giọng hát tốt, mỗi Ca viên cần có một trình độ căn
bản về nhạc lý, về xướng âm, và họ phải luôn chuyên cần luyện tập để có được
một làn hơi phong phú và một lối phát âm chính xác, rõ ràng. Trong Thông Điệp
Annus Qui (09-02-1749), Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV có nhắc nhở về việc ca hát
phải giúp cho giáo dân hiểu rõ được lời ca như sau: “Thánh Augustinô đã khóc vì
xúc động khi nghe lời kinh của Hội Thánh được hát lên du dương... Nhưng nếu vị
Giám Mục thành Hippone sống ở thời chúng ta, Ngài sẽ còn khóc hơn nữa, không
phải vì xúc động, nhưng là đau đớn bởi nghe nhạc mà không rõ lời!” (19)
Nói về các Nhạc công, những kinh nghiệm chuyên môn và kỹ
thuật đệm đàn theo đúng qui luật của Thánh nhạc cũng rất cần thiết. Họ phải
thành thạo các qui luật thánh ca và các qui luật về việc sử dụng nhạc khí, biết
dùng những nhạc khí thích hợp cho Phụng vụ, những nhạc khí có âm thanh đượm màu
trang trọng, trong sáng, dễ khơi dậy lòng sốt sắng cho giáo dân (20). Hơn nữa,
vai trò chính yếu của tiếng đàn là nâng đỡ tiếng hát, vì vậy, các Nhạc công
cũng không nên quá phô trương để tiếng đàn của mình lấn át tiếng hát, làm cho
giáo dân không nghe rõ lời ca, cũng không cảm nhận được tâm tình cầu nguyện mà
Ca đoàn muốn truyền đạt.
Đối với Ca trưởng là người trước hết chịu trách nhiệm về sự
thành công hoặc thất bại của Ca đoàn, mức độ đòi hỏi về chuyên môn và kỹ thuật
càng cao hơn, nhất là nghệ thuật điều khiển và sự hiểu biết tường tận về Phụng
vụ và Thánh nhạc. Hiện nay, đa số các Ca đoàn chỉ phải phụ trách việc ca hát
trong các Thánh lễ, vì thế, Ca trưởng phải biết đầu tư nhiều thời giờ và công
sức vào việc nghiên cứu và học hỏi những vấn đề liên quan đến Thánh lễ như:
Phải chuẩn bị một Thánh lễ như thế nào? Cách chọn bài hát ra sao? Đâu là những
tiêu chuẩn cần thiết cho việc chọn bài hát đúng theo quan điểm của Giáo hội?
v.v...
Sau cùng, tưởng cũng cần lưu ý các Ca trưởng điều này là
ngay từ buổi đầu khi mới gia nhập, các thành viên của Ca đoàn cần được hướng dẫn
cho biết rõ vai trò và trách nhiệm của họ trong các nghi lễ Phụng vụ. Mỗi buổi
tập hát, ngoài phần luyện giọng và luyện cách phát âm, cũng nên dành riêng
khoảng 10-15 phút để cùng nhau học tập về Phụng vụ và Thánh nhạc, tìm hiểu thêm
về những vấn đề liên quan đến việc ca hát trong nhà thờ, qua các Thông điệp,
các Huấn thị, các Thông cáo v.v… Có ý thức và hiểu thấu được vai trò của mình,
Ca đoàn mới hứng thú để thực hiện đúng và tốt sứ vụ thiêng liêng đó.
V. NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH HIỆN NAY CỦA CÁC CA ĐOÀN TẠI HẢI
NGOẠI
1. Ưu Điểm:
Sinh hoạt Ca đoàn tại các Giáo xứ và Cộng đoàn Việt Nam ở hải ngoại
hiện nay, nhìn chung, có rất nhiều điểm thuận lợi. Nếu biết khai thác và tận
dụng đúng mức, các Ca đoàn có thể dễ dàng gặt hái được nhiều thành công.
a) Về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, các Ca trưởng, Ca
viên và Nhạc công ở hải ngoại ít nhiều đều đã được huấn luyện qua các trường
lớp, như các khoá huấn luyện Ca trưởng hoặc các lớp âm nhạc tại các trường
Trung Học và Đại Học.
b) Nhờ vào các phương tiện và kỹ thuật thông tin hiện đại,
các Ca đoàn đã có thể tiếp cận với các nguồn tài liệu dồi dào và phong phú về
Phụng vụ và Thánh nhạc, về ca mục các bài hát và rất nhiều những bài nhận định,
chia sẻ và hướng dẫn về Thánh Nhạc. Có thể liệt kê ra đây một vài địa chỉ rất
hữu ích như : Trang Hát Lên Mừng Chúa
(http://vietcatholic.net/communio/thanhnhac/index.html),Trang Thánh Nhạc
Vietcatholic (http://www.vietcatholic.net), Trang Nhóm Ca Trưởng
(http://www.catruong.com) v.v…
c) Phần lớn các nhà thờ được trang bị đầy đủ các loại nhạc
cụ và âm thanh hiện đại giúp cho việc thông đạt được dễ dàng. Tuy nhiên, đây
chính là con dao hai lưỡi, nếu không biết cẩn thận khi sử dụng, việc trình tấu
của Ca đoàn sẽ ồn ào náo nhiệt, vừa thiếu nghệ thuật vừa làm mất đi đặc tính
Phụng vụ của buổi lễ vốn dĩ cần sự tôn nghiêm và sốt sắng.
d) Phương tiện tài chánh dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi
cho các sinh hoạt: in ấn tài liệu, sách hát, may sắm đồng phục, huy hiệu, và tổ
chức các cuộc vui chơi gây thêm tình đoàn kết và sự cộng tác chặt chẽ.
2. Khuyết Điểm:
Bên cạnh những ưu điểm trên đây, Ca đoàn cũng không thể
tránh khỏi có những khuyết điểm và những sai lầm đáng tiếc. (Ước mong sao mỗi
thành viên, trong khả năng khiêm tốn của mình, biết nhiệt tâm đóng góp vào sự
chỉnh đốn lại những sai sót này!)
a) Về mặt tổ chức:
- Một số Ca đoàn vì không soạn thảo nội qui, hoặc có nội qui
nhưng không dám áp dụng (sợ mất đi nhân lực), đã gặp phải trở ngại này là tình
trạng sinh hoạt “mưa nắng thất thường” của một số thành viên làm ảnh hưởng đến
việc tập hát và trình tấu của Ca đoàn. (Ước mong sao các thành viên ý thức rõ
vai trò và trách nhiệm cao quí của mình, để biết hy sinh và dấn thân phục vụ
hơn, dù vẫn biết sự phục vụ này hoàn toàn chỉ có tính cách tự nguyện!)
- Tình trạng một số Ca viên thiếu trưởng thành, ù lì thụ
động, phó thác mọi công việc cho Ca trưởng dễ làm họ nản chí, bỏ cuộc vì phải
gánh vác quá nhiều trách nhiệm, có khi tệ hại hơn, làm cho họ trở nên độc
quyền, độc đoán. (Ước mong sao mọi thành viên biết cộng tác, chia sẻ vào công
việc chung và sẵn sàng đóng góp nhiều ý kiến xây dựng, phê bình và sửa sai, nếu
cần!)
b) Về mặt chuyên môn và kỹ thuật:
- Hiện trạng tiếp tục sử dụng những bài hát không đúng qui
định về Phụng vụ và Thánh nhạc (như một vài Bộ lễ, một số bài hát đời...) hoặc
cách chọn bài hát chưa thực sự phù hợp với chủ đề của Thánh lễ, không đúng với
các nghi thức hoặc tác động Phụng vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều Ca đoàn, do Ca
trưởng thiếu nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi về các Thông điệp, Huấn thị và
Thông cáo, hoặc giả có biết nhưng không muốn thay đổi. (Ước mong sao các Ca
trưởng, dù ở trình độ nào, vẫn luôn có tinh thần học hỏi và biết phục vụ trong
tinh thần khiêm tốn và vâng lời!)
- Chủ trương “duy ca đoàn” xưa nay vốn đi ngược lại với huấn
thị của Giáo hội về việc phải để Cộng đồng dân Chúa tham gia tích cực vào việc
ca hát, nhất là ở những phần thuộc về họ như những lời tung hô, những câu đối
đáp, và đặc biệt là các Thánh Vịnh Đáp Ca. (Ước mong sao các Thánh lễ ở nhiều
Giáo xứ và Cộng đoàn được sống động và tưng bừng hơn, nhờ vào việc tham gia của
toàn thể Cộng đồng dân Chúa qua sự nâng đỡ của chính Ca đoàn!)
- Ở một vài Ca đoàn mà thành phần đa số gồm những người trẻ
được lớn lên ở nước ngoài, giọng hát có mạnh, vang, nhưng vẫn chưa có hồn và
cách phát âm vẫn chưa đạt. (Ước mong sao họ được huấn luyện nhiều hơn về kỹ
thuật, cũng như được giải thích cặn kẽ hơn về ý nghĩa của lời ca, để có thể
diễn đạt một cách thật tâm tình và đầy nghệ thuật!)
Tóm lại, bất cứ một đoàn thể sinh hoạt nào, dù là đoàn thể
tôn giáo như Ca đoàn, cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của nó. Việc nhận
thức được những điểm mạnh hoặc điểm yếu này không phải để Ca đoàn tự cao, tự
đại, cũng không phải để tự ái, tự trách, nhưng là để biết phát huy thêm những
nét hay, vẻ đẹp, đồng thời biết phục thiện, tu sửa những sai trái, thiếu sót,
giúp cho Ca đoàn ngày càng được kiện toàn và thăng tiến hơn lên.
Dịp lễ Thanksgiving 2001
Đỗ Vy Hạ
ĐỀ CƯƠNG CẨM NANG CA TRƯỞNG
(những thắc mắc thường gặp)
NỘI DUNG
I. Về các Văn kiện
1. Có những Văn kiện nào của Giáo Hội liên quan đến Thánh nhạc?
2. Có những Thông cáo nào của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam liên quan
đến Thánh nhạc?
II. Về Thánh ca
1. Thánh ca nói chung gồm có mấy loại?
2. Thế nào là thánh ca Vào đời? Có được phép sử dụng thánh ca Vào đời trong
Phụng vụ không?
3. Làm thế nào để có thể nhận diện một bài hát Vào đời?
4. Làm thế nào để phân biệt một bài Phụng ca hoặc một bài Thánh ca với một
bài hát Vào đời?
5. Có được phép dùng những bài ca trong các CD nhạc Thánh ca để hát trong
Phụng vụ không?
6. Thế nào là bản văn cố định?
7. Thế nào là bản văn được thích nghi?
8. Thế nào là bản văn được thay thế?
9. Bài ca được phép Chuẩn ấn nghĩa là gì?
III. Về Thánh lễ
1. Trong Thánh lễ nên hát những phần nào?
2. Những bài ca nào trong Thánh lễ nên cho Cộng đoàn tham gia một cách tích
cực?
3. Chọn bài hát như thế nào mới đúng Phụng vụ?
4. Bài Ca nhập lễ phải chọn làm sao?
5. Bài Thánh vịnh Ðáp ca phải chọn làm sao? Có thể thay thế bài Thánh vịnh
Đáp ca bằng một bài hát nào khác không?
6. Ca tiếp liên là gì và hát vào lúc nào?
7. Alleluia nghĩa là gì? Trong mùa Phụng vụ nào không hát Alleluia?
8. Bài Ca dâng lễ phải chọn làm sao?
9. Bài Ca hiệp lễ phải chọn làm sao?
10. Thế nào là bài Ca suy niệm sau phần Hiệp lễ?
11. Im lặng thánh là gì? Trong thánh lễ, những lúc nào nên giữ im lặng
thánh?
12. Ở phần Hiệp lễ trong thánh lễ Hôn phối, có nên hát những bài mang ý
tưởng vinh danh, tri ân cảm tạ cha mẹ hoặc cầu nguyện cho họ không?
13. Ca đoàn nên rước lễ trước hay sau Cộng đoàn?
14. Bài Ca tạ lễ phải chọn làm sao?
15. Bộ lễ gồm những kinh nào? Có thể tổng hợp nhiều Bộ lễ lại với nhau
thành một Bộ lễ để hát không?
16. Có thông cáo hoặc chỉ thị nào của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức
ngăn cấm việc sử dụng một vài Bộ lễ đang thịnh hành có bản văn không đúng với
bản văn qui định không?
17. Kinh Vinh danh được dùng trong những Thánh lễ nào?
18. Có được phép hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Hôn Phối không?
19. Rung chuông khi hát kinh Vinh danh trong những thánh lễ nào?
20. Kinh Tin kính được dùng trong những thánh lễ nào?
21. Có thể hát bài “Tôi tin kính” của Hoài Đức thay cho kinh Tin kính được
không?
22. Lời Tung hô tưởng niệm trong Thánh lễ có mấy công thức?
23. Kinh lạy Chiên Thiên Chúa hát vào lúc nào?
IV. Về Ca đoàn
1. Vai trò và sứ mạng của Ca đoàn đối với Cộng đoàn trong việc ca hát như
thế nào?
2. Có nên để một mình Ca đoàn phụ trách hát hết mọi bài ca trong Thánh lễ
không?
3. Làm thế nào để Cộng đoàn tham dự một cách tích cực vào việc ca hát và để
việc tập hát cho Cộng đoàn đạt được hiệu quả?
4. Vị trí nào trong nhà thờ là thích hợp nhất cho Ca đoàn?
5. Ngoài Thánh nhạc, Ca Đoàn có cần học hỏi thêm về Phụng vụ không?
6. Ca đoàn có cần trau giồi thêm về nhạc lý, xướng âm và thanh nhạc không?
7. Một ca
viên lý tưởng cần phải có những khả năng và đức tính nào?
V. Về Nhạc cụ
1. Giáo Hội cho phép và cấm sử dụng những loại nhạc cụ nào trong Phụng vụ?
2. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho phép sử dụng những loại nhạc cụ nào trong
Phụng vụ?
3. Có được phép độc tấu nhạc cụ trong thánh lễ không? Cách thức sử dụng
nhạc cụ trong mùa Vọng và mùa Chay như thế nào?
4. Vai trò của nhạc cụ gồm những gì?
5. Có được phép sử dụng nhạc thu âm trước để phụ đệm cho Ca đoàn hay Cộng
đoàn không?
6. Có nên dùng tiết điệu để phụ đệm cho các bài Thánh ca trong Phụng vụ không?
CẨM NANG CA TRƯỞNG
Những thắc mắc thường gặp
I. Về
các Văn kiện
1. Có những Văn kiện nào của Giáo Hội liên quan đến Thánh nhạc?
Có những văn kiện tiêu biểu sau đây:
- Thông điệp “Annus qui” của Đức Bênêdictô XIV ban hành ngày 19/02/1749.
- Tự sắc “Tra le Sollecitudini” do Đức Piô X ban hành ngày 22/11/1903.
- Thông điệp “Divini Cultus” do Đức Piô XI ban hành ngày 20/12/1928.
- Thông điệp “Quy luật về Thánh nhạc” (Musicae sacrae disciplina) do Đức
Piô XII ban hành ngày 25/12/1955.
- “Huấn thị về Thánh nhạc” (Instructio de musica sacra) do Thánh bộ Lễ nghi
ban hành ngày 03/09/1958.
- Hiến chế Phụng vụ, chương VI, của Công đồng Vaticanô II, ban hành ngày
04/12/1963.
- “Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ” (Instructio de musica in sacra
liturgia) do Thánh bộ Lễ nghi ban hành ngày 05/03/1967.
- Qui chế tổng quát Sách lễ Rôma do Đức Phaolô VI công bố ngày 06/04/1969.
2. Có những Thông cáo nào của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam liên quan đến
Thánh nhạc?
- Thông cáo số 1 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Về Thánh nhạc”, do Đức Cha
Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc trách Thánh nhạc, ký ban hành ngày 24/09/1994.
- Thông cáo số 2 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Góp ý về việc chuẩn nhận
các bài thánh ca dùng trong Phụng vụ”, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc
trách Thánh nhạc, ký ban hành ngày 24/09/1994.
- Thông cáo số 3 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Hướng dẫn sáng tác và sử
dụng các bài hát trong Thánh lễ”, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc trách
Thánh nhạc, ký ban hành ngày 24/09/1994.
II. Về Thánh ca
1. Thánh ca nói chung gồm có mấy loại?
Thánh ca nói chung gồm có ba loại: Phụng ca, Thánh ca và Giáo ca.
- Phụng ca là những bài hát dùng trong các thánh lễ và nghi thức Phụng vụ
có lời ca là bản văn Phụng vụ, ví dụ như Ca nhập lễ, Đáp ca, Ca hiệp lễ, Bộ lễ,
các bài thánh thi, các Tiền xướng, v.v…
- Thánh ca là những bài hát có lời ca không phải là bản văn Phụng vụ, nhưng
đã được Giáo quyền cho phép sử dụng trong các thánh lễ và nghi thức Phụng vụ,
ví dụ như những bài hát thay thế Ca nhập lễ, Ca dâng lễ, Ca hiệp lễ, v.v…
- Giáo ca là những bài hát diễn tả các chân lý trong đạo hoặc mang tâm tình
đạo được dùng ngoài thánh lễ và nghi thức Phụng vụ, trong các sinh hoạt tôn
giáo, trong các lớp giáo lý hoặc trong các buổi tĩnh tâm, hội thảo, v.v…
2. Thế nào là thánh ca Vào đời? Có được phép sử dụng thánh ca Vào đời trong
Phụng vụ không?
- Thánh ca Vào đời là những bài ca mang tâm tình đạo giáo hoặc là những bài
ca lấy cảm hứng từ Thánh kinh, được sáng tác bằng những giai điệu và tiết tấu
trẻ trung, có khi kích động của nhạc Rock và nhạc Nam Mỹ.
- Vì mục đích của những tác giả khởi xướng dòng nhạc này (gồm một nhóm các
thầy thuộc Học viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt) vào mùa hè năm 1966 là để đưa
đạo vào đời, giới thiệu Chúa đến với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội đời
thường, nên thánh ca Vào đời được xếp vào loại Giáo ca, chỉ nên được sử dụng
ngoài Phụng vụ mà thôi. (Xem thêm “Nói với các bạn tôi về Nhạc Vào Đời”).
3. Làm thế nào để có thể nhận diện một bài hát Vào đời?
Một vài sắc thái đặc biệt của những bài ca Vào đời là:
- tiết điệu Twist, Rhumba, SlowRock, Tango... được ghi ở đầu bài hát;
- tính cách kịch trường, dùng nhiều quãng lớn liên tiếp (Alleluia Hát Lên
Người Ơi) với nhịp phách bất thường, như đảo phách, nghịch phách (Người Gieo
Giống, Xuất Hành) của giai điệu;
- lời ca mới lạ, nếu không là những chuyện kể từ Tin Mừng (Vào Đời, Người
Gieo Giống... ) theo một lối diễn tả mới, một văn phong mới, thì là những tâm
tình cầu nguyện qua những hình ảnh rất đời thường, đôi khi mang tính cách cá
nhân (Sao Đêm, Tôi Tin, Làm Sao Dám Mơ... );
- giai điệu và tiết tấu của bài ca tạo sự thuận tiện cho ban nhạc với
trống, keyboard, guitars, accordion, saxophone, trumpet... khi trình tấu.
4. Làm thế nào để phân biệt một bài Phụng ca hoặc một bài Thánh ca với một
bài hát Vào đời?
Dựa trên những quy chế và huấn thị của Giáo Hội về Phụng vụ và Thánh nhạc,
chúng ta có thể liệt kê ra một vài điểm dị biệt đưới đây:
- ý tưởng và lời ca của một bài Phụng ca hoặc một bài Thánh ca thường là
bản văn Phụng vụ do Giáo Hội soạn thảo, hoặc được rút tỉa từ Thánh kinh, Thánh
vịnh; còn ý tưởng và lời ca của một bài hát Vào đời thường là do cảm hứng hoặc
tự sáng tạo;
- tâm tình thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ và cầu xin của những bài Phụng ca và
Thánh ca mang nhiều tính cách cộng đoàn hơn so với tính cách thiên về cá nhân ở
những bài hát Vào đời;
- giai điệu và tiết tấu của những bài Phụng ca và Thánh ca có tính cách đơn
sơ, bình dị, trang nghiêm và phù hợp với khả năng ca hát của cộng đoàn, khác với
giai điệu và tiết tấu ở những bài hát Vào đời có tính cách cầu kỳ, sôi nổi,
phóng khoáng và đôi khi chỉ thích hợp cho ca sĩ hoặc cho một nhóm ca viên có
khả năng;
- một bài Phụng ca hoặc một bài Thánh ca luôn đòi buộc sự kiểm duyệt của
đấng Bản quyền trước khi được phép in ấn, phổ biến rộng rãi và sử dụng trong
Phụng vụ; nhưng một bài hát Vào đời chỉ sử dụng ngoài Phụng vụ thường không có
sự đòi buộc này.
5. Có được phép dùng những bài ca trong các CD nhạc Thánh ca để hát trong
Phụng vụ không?
- Được phép, nếu những bài ca này là những bài Phụng ca có lời ca là bản
văn Phụng vụ, hoặc là những bài Thánh ca đã được Giáo quyền chuẩn ấn và cho
phép sử dụng trong Phụng vụ.
- Không được phép, nếu những bài ca này là những bài Giáo ca, những bài ca
Vào đời, hoặc là những bài Tâm tình ca chỉ thích hợp cho những sinh hoạt ngoài
khung cảnh Phụng vụ.
Cũng cần lưu ý điều này là những bài Phụng ca và Thánh ca được trình bày
trong các CD nhạc có thể có những sắc thái không hoàn toàn phù hợp với khung
cảnh Phụng vụ, như lối phụ đệm “kích động” của ban nhạc hoặc như lối trình tấu
nhiều “luyến láy” của một vài ca sĩ. Vì thế, khi áp dụng vào khung cảnh Phụng
vụ, chúng ta cần biết thanh lọc, tu chỉnh lại, sao cho lối phụ đệm và trình tấu
mang tính cách thánh thiện và trang nghiêm, phù hợp với khung cảnh Phụng vụ và
tâm tình cầu nguyện hơn.
6. Thế nào là bản văn cố định?
Bản văn cố định là những bản văn buộc phải được giữ đúng nguyên bản đã được
Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận và được Toà Thánh châu phê.
Các bản văn cố định trong Nghi thức Thánh lễ gồm có: các Lời cầu nguyện của
chủ tế, Bộ lễ, Thánh vịnh Đáp Ca, các Lời tung hô, các Lời đối đáp giữa Linh
mục hoặc Phó tế với cộng đoàn, kinh Tiền Tụng, kinh Nguyện Thánh Thể, kinh Lạy
Cha.
Điều 3 trong “Huấn thị thứ ba nhằm áp dụng đúng Hiến chế Phụng vụ” do Thánh
bộ Phụng tự ban hành ngày 05/09/1970 viết: “Các bản văn Phụng vụ do Giáo Hội
soạn thảo cần phải được sử dụng một cách hết sức kính cẩn. Vì thế, không ai
được tự ý huỷ bỏ, bày đặt thêm bớt hay thay đổi gì. Riêng đối với Nghi thức
Thánh lễ, phải đặc biệt tôn trọng. Trong các bản dịch chính thức, tuyệt đối cấm
không được thay đổi các công thức trong Nghi thức, dù lấy lý do phải thay đổi
cho dễ làm bài hát trong thánh lễ” (Tài liệu Thánh Nhạc - 1994).
7. Thế nào là bản văn được thích nghi?
Bản văn được thích nghi là những bản văn có thể thay đổi hoặc sắp xếp lại
một vài từ ngữ hoặc câu cú để tiện việc dệt nhạc, nhưng vẫn phải giữ đúng ý
nghĩa của bản văn gốc in trong Sách lễ Rôma.
Các bản văn được thích nghi gồm có: Ca nhập lễ, Ca dâng lễ và Ca hiệp lễ.
8. Thế nào là bản văn được thay thế?
Bản văn được thay thế bao gồm các bài Ca nhập lễ và Ca hiệp lễ in trong
Sách lễ Rôma. Có thể thay thế những bản văn gốc này bằng những nội dung khác,
nếu ý nghĩa thực sự phù hợp với phần thánh lễ, với chủ đề ngày lễ hoặc với mùa
Phụng vụ.
Riêng bản văn Thánh vịnh Đáp ca, vì thuộc thành phần Phụng vụ Lời Chúa nên
không được thay thế bằng một bản văn không-phải-là-Thánh-kinh; nhưng có thể
được thay thế bằng một trong các bản văn Thánh vịnh Đáp ca và Thánh vịnh mà
Giáo Hội đã chọn cho từng mùa Phụng vụ hoặc cho từng loại thánh lễ (xem thêm
chương III, 5 dưới đây).
9. Bài ca được phép Chuẩn ấn nghĩa là gì?
Một bài thánh ca, muốn được sử dụng trong Phụng vụ, cần phải có phép Chuẩn
ấn của Ðức Giám Mục địa phương. Nếu là những cung hát dành cho Chủ tế hoặc các
Tá viên, những cung hát này phải do Hội Ðồng Giám Mục của một quốc gia ban phép
Chuẩn ấn.
Phép Chuẩn ấn (Imprimatur: cho phép in) là sự chuẩn nhận của Đức Giám Mục
địa phương, sau khi đã cùng với Ban Kiểm duyệt của Giáo phận duyệt xét và xác
nhận không có điều gì sai lầm hoặc nghịch với tín lý của Giáo Hội, cho phép một
tài liệu hay một cuốn sách về Tín lý, về Luân lý, về Thần học, về Phụng vụ, về
Thánh nhạc, v.v... được in ra và phổ biến rộng rãi, được dùng để giảng dạy hoặc
được sử dụng trong Phụng vụ.
Tiến trình xin phép Chuẩn ấn như sau:
a) Tác phẩm xin phép Chuẩn ấn gồm hai bản sao trước hết được gởi đến Ban
Kiểm duyệt của Giáo phận để các bộ phận chuyên môn duyệt xét và xác nhận Nihil
obstat (không có gì ngăn trở).
b) Sau đó, Ban Kiểm duyệt sẽ đệ trình tác phẩm xin phép Chuẩn ấn lên Đức
Giám Mục để châu phê Imprimatur (cho phép in).
Nếu tác giả của tác phẩm xin phép Chuẩn ấn là một Tu sĩ Dòng, trước khi gởi
tác phẩm đến Ban Kiểm duyệt của Giáo phận, vị ấy có thể trình qua đấng Bề trên
Dòng để được duyệt phê Imprimi potest (có thể in).
Trong tiến trình kiểm duyệt Nihil obstat -> Imprimatur hoặc Imprimi
potest -> Nihil obstat -> Imprimatur, chữ ký Imprimatur của một Đức Giám
Mục hay của Hội Đồng Giám Mục thực sự quan trọng và cần thiết để một tác phẩm
được in ấn, được phổ biến, được dùng để giảng dạy hay được sử dụng trong Phụng
vụ.
III. Về Thánh lễ
1. Trong Thánh lễ nên hát những phần nào?
Theo “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma”, trong thánh lễ có cộng đoàn tham dự,
nên hát những bài ca sau đây:
- Ca nhập lễ
- Bộ lễ (gồm kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin kính, kinh Thánh
Thánh Thánh và kinh Lạy Chiên Thiên Chúa)
- Thánh vịnh Đáp ca và Alleluia hoặc Tung hô Tin Mừng.
- Ca tiếp liên (trong các lễ Phục Sinh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ
Mình Máu Chúa và lễ Đức Mẹ sầu bi)
- Ca dâng lễ
- Lời tung hô tưởng niệm
- Vinh tụng ca (Amen)
- Kinh lạy Cha
- Ca hiệp lễ
- Ca tạ lễ
2. Những bài ca nào trong Thánh lễ nên cho Cộng đoàn tham gia một cách tích
cực?
- Thánh vịnh Ðáp ca, Alleluia hoặc Tung hô Tin Mừng
- Bộ lễ, Lời tung hô tưởng niệm, Vinh tụng ca, Kinh lạy Cha
- Ca nhập lễ
- Ca tạ lễ
3. Chọn bài hát như thế nào mới đúng Phụng vụ?
Những tiêu chuẩn để chọn bài hát đúng Phụng vụ là:
a) bài hát có lời ca là bản văn Phụng vụ.
b) bài hát có ý nghĩa và tâm tình phù hợp với chủ đề ngày lễ hoặc mùa Phụng
vụ.
c) bài hát có ý nghĩa phù hợp với tác động Phụng vụ hoặc phần cử hành Phụng
vụ.
d) bài hát đã được phép Chuẩn ấn của Thẩm quyền địa phương.
4. Bài Ca nhập lễ phải chọn làm sao?
Có thể chọn:
a) bài hát có bản văn phù hợp với Ca nhập lễ được soạn in trong Sách lễ
Rôma;
b) bài hát có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ (như lễ Chúa Kitô là
Vua, lễ Mẹ vô nhiễm nguyên tội, v.v...);
c) bài hát có ý nghĩa và tâm tình phù hợp với mùa Phụng vụ (như mùa Vọng,
mùa Chay, v.v...);
d) bài hát có ý nghĩa phù hợp với tác động Phụng vụ (như rước Linh mục tiến
lên bàn thờ).
5. Bài Thánh vịnh Ðáp ca phải chọn làm sao? Có thể thay thế bài Thánh vịnh
Đáp ca bằng một bài hát nào khác không?
Có thể chọn:
a) bài hát có bản văn phù hợp với Thánh vịnh Đáp ca trong Sách Bài Đọc (Lưu
ý: mỗi bản văn Thánh vịnh đều liên quan trực tiếp đến các Bài Đọc, nên cần lựa
chọn đúng bản văn đã được chỉ định và không được sử dụng
bài-hát-không-phải-là-bản-văn-Thánh-Kinh để thay thế Thánh vịnh Đáp ca);
b) bài hát có bản văn phù hợp với những Thánh vịnh Đáp ca đã được Giáo Hội
lựa chọn và cho phép sử dụng theo từng mùa Phụng vụ hoặc theo từng loại lễ dưới
đây:
- Mùa Vọng: TV.24 (như CN 1 Vọng-C); TV.84 (như CN 2 Vọng-B);
- Mùa Giáng sinh: TV.97 (như lễ Giáng sinh-ban ngày);
- Tuần lễ Hiển linh: TV.71
- Mùa Chay: TV.50 (như thứ Tư lễ Tro); TV.90 (như CN 1 Chay-C); TV.129 (như
CN 5 Chay-A);
- Tuần Thánh: TV.21 (như CN lễ Lá);
- Mùa Phục sinh: TV.117 (như CN Phục sinh); TV.65 (như CN 6 PS-A);
- Mùa Thường niên: TV.18B (như CN 3 TN-C); TV.26 (như CN 3 TN-A); TV.33
(như CN 19 TN-B); TV.62 (như CN 12 TN-C); TV.94 (như CN 4 TN-B); TV.99 (như CN
11 TN-A); TV.102 (như CN 7 TN-A); TV.144 (như CN 14 TN-A).
c) bài Ca tiến cấp (Graduale) in trong Sách lễ Rôma.
6. Ca tiếp liên là gì và hát vào lúc nào?
Hiểu một cách đơn giản, bài Ca tiếp liên là một thánh thi hoặc một vịnh ca
được hát trước Alleluia và bài Tin Mừng. Bài thơ thường có nội dung phù hợp với
ý nghĩa của ngày lễ.
Các lễ dưới đây có bài Ca tiếp liên:
- lễ Phục Sinh,
- lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống,
- lễ Mình Máu Thánh Chúa,
- lễ Đức Mẹ sầu bi (15/09),
- lễ Cầu hồn - An táng.
Hiện nay Giáo Hội chỉ buộc đọc hoặc hát Ca tiếp liên trong hai lễ Phục Sinh
và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (trước khi hát Alleluia); còn Ca tiếp liên
trong lễ Cầu hồn - An táng đã được loại bỏ, và trong lễ Mình Máu Thánh Chúa và
lễ Ðức Mẹ sầu bi thì được tuỳ ý.
7. Alleluia nghĩa là gì? Trong mùa Phụng vụ nào không hát Alleluia?
- Alleluia là một từ ghép của Allelu (hãy ngợi khen) và Ia (Thiên Chúa).
- Alleluia là lời tung hô cần được biểu hiện bằng tiếng hát của cả Cộng
đoàn, vì thế, nếu không hát có thể bỏ, không đọc.
- Trong mùa Chay không hát Alleluia.
8. Bài Ca dâng lễ phải chọn làm sao?
Có thể chọn:
a) bài hát có ý nghĩa và tâm tình phù hợp với ngày lễ hoặc mùa Phụng vụ;
b) bài hát có tâm tình chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa (như TV. 140);
c) bài hát thích hợp với phần thánh lễ: dâng bánh rượu, dâng hồn xác, tâm
tư...;
d) hoặc có thể giữ thinh lặng;
e) hoặc dạo một khúc nhạc để giáo dân nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
9. Bài Ca hiệp lễ phải chọn làm sao?
Có thể chọn:
a) bài hát có bản văn phù hợp với Ca hiệp lễ được soạn in trong sách lễ
Rôma;
b) bài hát có ý nghĩa và tâm tình phù hợp với ngày lễ hoặc mùa Phụng vụ;
c) bài hát thích hợp với phần thánh lễ: kết hiệp với Chúa, ngợi khen và cám
tạ ơn Người;
d) bài hát biểu hiện tình bác ái huynh đệ giữa những người đang cùng chia
sẻ một tấm bánh;
e) hoặc hát Thánh vịnh 33 (Hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện
hảo nhường bao... )
Lưu ý: Không nên chọn những bài hát thuần túy ca ngợi Đức Mẹ và Chư thánh để hát thay thế Ca hiệp lễ.
10. Thế nào là bài Ca suy niệm sau phần Hiệp lễ?
Sau khi hoàn tất việc rước lễ, vị Chủ tế và Cộng đoàn có thể tuỳ nghi giữ
im lặng trong một khoảng thời gian, hoặc có thể hát một bài Ca suy niệm là một
Thánh thi, một Thánh vịnh, hay một bài ca mang tâm tình ngợi khen, tán tụng
Thiên Chúa.
Lưu ý: Nếu có ý định hát bài Ca suy niệm sau phần Hiệp lễ thì phải liệu kết
thúc bài Ca hiệp lễ cho đúng lúc, nghĩa là vừa khi vị Chủ tế và các thừa tác
viên Thánh Thể cho giáo dân rước lễ xong.
11. Im lặng thánh là gì? Trong thánh lễ, những lúc nào nên giữ im lặng
thánh?
Im lặng thánh, một thành phần của việc cử hành thánh lễ, là khoảng thời
gian ngắn dành để hồi tâm, suy niệm, ngợi khen và cầu nguyện.
Trong thánh lễ, cộng đoàn được mời gọi giữ im lặng:
- trong Nghi thức sám hối, sau lời mời cầu nguyện (để mọi người cùng hồi
tâm lại);
- sau mỗi Bài đọc và sau bài giảng thuyết (để suy niệm về những điều vừa
nghe);
- sau phần Hiệp lễ (để ngợi khen Chúa và cầu nguyện).
12. Ở phần Hiệp lễ trong thánh lễ Hôn phối, có nên hát những bài mang ý
tưởng vinh danh, tri ân cảm tạ cha mẹ hoặc cầu nguyện cho họ không ?
Bài Ca hiệp lễ cần biểu hiện tâm tình kết hiệp với Chúa, ngợi khen và cám
tạ ơn Người, hoặc nói lên tình bác ái huynh đệ giữa những người đang cùng chia
sẻ một tấm bánh, vì thế, hát bài ca vinh danh, tri ân cảm tạ cha mẹ và cầu
nguyện cho họ trong phần Hiệp lễ thì không thích hợp.
Cũng không nên dùng những bài ca loại này để hát thay thế bài Ca suy niệm
sau phần Hiệp lễ vốn phải là một Thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài ca ngợi
khen Chúa.
(Khung cảnh thích hợp nhất cho những bài ca vinh danh, tri ân cảm tạ cha mẹ
và cầu nguyện cho họ là những buổi lễ Gia tiên hoặc những giờ kinh nguyện trong
gia đình).
13. Ca đoàn nên rước lễ trước hay sau Cộng đoàn?
Theo “Quy chế Sách lễ Rôma” (số 86: Đang khi vị tư tế rước lễ thì bắt đầu
hát Ca hiệp lễ), Ca đoàn nên rước lễ sau khi giáo dân rước lễ xong. Như vậy,
trong lúc Ca đoàn rước lễ, Cộng đoàn có thể giữ một khoảng im lặng thánh để suy
niệm, ngợi khen và cầu nguyện, trước khi hát bài Ca suy niệm, nếu cần.
14. Bài Ca tạ lễ phải chọn làm sao?
Có thể chọn:
a) bài hát có ý nghĩa và tâm tình phù hợp với mùa Phụng vụ (như mùa Vọng,
mùa Chay, mùa Phục Sinh, v.v...);
b) bài hát có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ (như lễ Thánh Tâm, lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống, v.v...);
c) bài hát có ý nghĩa ra đi sống đức tin giữa đời, ra đi rao giảng Tin
mừng;
d) bài hát về Ðức Mẹ, về Thánh Giuse, về Thánh Tâm... trong những tháng
dành riêng để tôn kính các ngài.
15. Bộ lễ gồm những kinh nào? Có thể tổng hợp nhiều Bộ lễ lại với nhau
thành một Bộ lễ để hát không?
Bộ lễ (dịch từ tiếng La-tinh “Missa”) là một tổng hợp các kinh Thương xót,
kinh Vinh danh, kinh Tin kính, kinh Thánh Thánh Thánh và kinh Lạy Chiên Thiên
Chúa.
Đúng như tên gọi của nó, Bộ lễ phải được sáng tác trong một tổng thể, với
một bố cục, một cấu trúc đồng nhất, các phần đều phải liên quan và kết hợp chặt
chẽ với nhau, từ nhạc đề, âm thể đến giai điệu, nhạc sắc, v.v... Mỗi phần tự nó
không thể được tách rời để làm một toàn phẩm, nhưng tất cả phải được liên kết
lại với nhau để cấu tạo nên một toàn phẩm (xem “Tự sắc Tra le Sollecitudini”,
số 11a).
Vậy thì khi trình tấu, chúng ta cũng phải hát Bộ lễ trong một toàn phẩm, bộ
nào ra bộ nấy, không nên pha trộn các Bộ lễ lại với nhau, cho dù những Bộ lễ ấy
có cùng một âm thể, mang cùng một giai điệu, hay của cùng một tác giả.
16. Có thông cáo hoặc chỉ thị nào của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức
ngăn cấm việc sử dụng một vài Bộ lễ đang thịnh hành có bản văn không đúng với
bản văn qui định không?
Không thấy hoặc chưa thấy có thông cáo hoặc chỉ thị nào của Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam đề cập trực tiếp đến việc ngăn cấm một Bộ lễ nào đó, ngoại trừ
trong Thông cáo số 3 “Hướng dẫn sáng tác và sử dụng các bài hát trong Thánh
lễ”, khi nói về bản văn cố định, đề mục 3a có viết: “Với các bản văn thuộc nghi
thức Thánh lễ như: các lời cầu nguyện của chủ tế, bộ lễ, các lời tung hô, các
lời đối đáp giữa Linh mục hoặc Phó tế với cộng đồng, kinh Tiền tụng, kinh
nguyện Thánh Thể, kinh Lạy Cha... phải theo sát bản văn đã được HĐGM chuẩn nhận
và được Toà Thánh châu phê, in trong sách lễ Rôma: không được thay đổi vì bất
cứ lý do gì” ; và trong Thông cáo số 2 “Góp ý về việc chuẩn nhận các bài thánh
ca dùng trong Phụng vụ”, khi nói về bản văn Phụng vụ, đề mục 4a cũng đã có nhấn
mạnh: “Trong Phụng vụ, nhất là trong thánh lễ, một số bản văn có tính cách cố
định thì không ai được thay đổi vì bất cứ lý do gì, dù để dễ hát…”.
Như vậy, mặc dù không có lệnh cấm, chúng ta vẫn bắt buộc phải hiểu rằng
những Bộ lễ có bản văn không đúng với bản văn qui định thì không được phép dùng
trong Phụng vụ.
17. Kinh Vinh danh được dùng trong những Thánh lễ nào?
Kinh Vinh danh được hát hoặc đọc trong các thánh lễ Chúa nhật (ngoại trừ
mùa Vọng và mùa Chay), trong các lễ Trọng, lễ Kính và trong các dịp lễ khá long
trọng (như lễ Cung hiến thánh đường, lễ Truyền chức Linh mục, v.v…).
18. Có được phép hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Hôn Phối không?
Lễ Hôn Phối được xem như một lễ ngoại lịch hoặc lễ cử hành theo ý chỉ, vì
thế, theo qui định, không được cử hành kinh Vinh danh trong các thánh lễ này.
Tuy nhiên, một số linh mục, vì dễ dãi hoặc muốn buổi lễ được thêm phần long
trọng, thường vẫn cho phép hát kinh Vinh danh trong những thánh lễ Hôn Phối các
ngài cử hành.
19. Rung chuông khi hát kinh Vinh danh trong những thánh lễ nào?
Rung chuông khi hát kinh Vinh danh trong lễ Ðêm Giáng sinh, lễ Tiệc ly
chiều thứ Năm tuần thánh và lễ Đêm thánh vọng Phục Sinh.
20. Kinh Tin kính được dùng trong những thánh lễ nào?
Kinh Tin kính được hát hoặc đọc trong các thánh lễ Chúa nhật, trong các lễ
Trọng và trong các dịp lễ khá long trọng (như lễ Cung hiến thánh đường).
Tuy nhiên, không hát hoặc không đọc kinh Tin kính trong Đêm thánh vọng Phục
Sinh và trong các ngày lễ hoặc dịp lễ buộc phải hát hoặc đọc kinh này, khi
trong thánh lễ có ban Bí tích Rửa tội hoặc Bí tích Thêm sức, vì trong cả ba
trường hợp đều đã có nghi thức tuyên xưng đức tin trước đó.
21. Có thể hát bài “Tôi tin kính” của Hoài Đức thay cho kinh Tin kính được
không?
Không thấy có Huấn thị hoặc Thông cáo về Thánh nhạc nào của Hội đồng Giám
mục Việt Nam đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, qua bản tin tháng 12/2006
(http://www.usccb.org/liturgy/innews/December2006.pdf), Uỷ ban Phụng vụ trực
thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (HÐGMHK) cho biết: vào ngày 26/09/2006, khi
thông báo cho Ðức cha William Skytad, chủ tịch HÐGMHK, về “Bản dịch mới của
Nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Việt” để nhờ ngài phổ biến rộng rãi đến cộng đồng
tín hữu Việt Nam, Ðức cha Nguyễn Văn Hoà đã đồng thời nêu rõ ra kinh Tin kính
của Hoài Ðức vốn chỉ bao gồm có hai đặc tính của Giáo Hội và khuyên không nên
sử dụng bản kinh này nữa.
22. Lời Tung hô tưởng niệm trong Thánh lễ có mấy công thức?
Có ba công thức như sau:
a) Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống
lại cho tới khi Chúa đến.
b) Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa
chịu chết cho tới khi Chúa đến.
c) Lạy Chúa cứu thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để
giải thoát chúng con. Xin cứu độ chúng con.
23. Kinh lạy Chiên Thiên Chúa hát vào lúc nào?
Kinh lạy Chiên Thiên Chúa hát vào lúc vị Chủ tế bẻ bánh và bỏ một phần vào
trong chén thánh. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại cho tới khi vị Chủ tế
hoàn tất việc bẻ bánh, và kết thúc bằng câu “Xin ban bỉnh an cho chúng con”.
IV. Về Ca đoàn
1. Vai trò và sứ mạng của Ca đoàn đối với Cộng đoàn trong việc ca hát như
thế nào?
Là một thành phần được tuyển chọn giữa Cộng đoàn nhờ vào khả năng chuyên
môn về âm nhạc, Ca đoàn đóng một vai trò nồng cốt làm một nhân tố, một chất xúc
tác, có nhiệm vụ hỗ trợ, nâng đỡ tiếng hát của Cộng đoàn, đồng thời điều khiển,
hướng dẫn và cổ vũ Cộng đoàn tham gia một cách tích cực vào việc ca hát trong
Phụng vụ.
2. Có nên để một mình Ca đoàn phụ trách hát hết mọi bài ca trong Thánh lễ
không?
Không! Lý do là vì Ca đoàn chỉ là một thành phần nhỏ của Cộng đoàn, mà các
cử hành Phụng vụ lại luôn đòi hỏi tính cộng đoàn, nghĩa là tất cả mọi thành
phần dân Chúa đều được mời gọi tham dự một cách tích cực, trọn vẹn và linh động
vào việc cử hành Phụng vụ.
Trong Thông điệp “Đấng trung gian của Thiên Chúa” (Mediator Dei) ban hành
ngày 20/11/1947, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã viết: “Tín hữu tham dự các cử hành
Phụng vụ thánh không thể là những khán giả câm lặng và xa lạ… Họ phải cảm nhận
một cách sâu xa nét thẩm mỹ của Phụng vụ: họ phải lần lượt, theo luật định, góp
tiếng với Chủ tế và Ca đoàn…”.
Vì thế, nhất thiết phải để Cộng đoàn tham dự vào việc ca hát, đặc biệt là
những phần của họ như Đáp ca, Alleluia, Bộ lễ, v.v… (xem thêm Chương III, 2
trên đây).
3. Làm thế nào để Cộng đoàn tham dự một cách tích cực vào việc ca hát và để
việc tập hát cho Cộng đoàn đạt được hiệu quả?
- giáo huấn cho Cộng đoàn hiểu thấu được tầm quan trọng của Thánh nhạc và
vai trò của họ trong Phụng vụ;
- cho Cộng đoàn thường xuyên tham gia vào việc ca hát, đặc biệt là những
phần của họ;
- chuẩn bị đủ sách hát hoặc các tài liệu cần thiết;
- chọn những bài hát tâm tình, mang tính cộng đoàn, nhất là phải phù hợp
với ý nghĩa Phụng vụ của ngày lễ;
- chọn những bài hát đơn giản, có một hoặc hai bè, với âm vực vừa phải, hạn
hẹp trong một bát độ (đồ - đố) để mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tham gia;
- người tập hát cho Cộng đoàn phải luôn luôn chuẩn xác khi hát mẫu, cũng
như Ca đoàn cần phải tích cực dự phần vào việc tập hát để nâng đỡ tiếng hát của
Cộng đoàn.
4. Vị trí nào trong nhà thờ là thích hợp nhất cho Ca đoàn?
Từ xưa nay, Giáo Hội vẫn không xác định một vị trí cố định cho Ca đoàn, mặc
dù đa số các Ca đoàn thường được xếp chỗ trên “gác đàn” (tầng lầu ở phía cuối
nhà thờ). Vị trí cách biệt với Cộng đoàn này xem ra không phù hợp với những chỉ
dẫn ở số 23 của “Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ" (Instructio de Musica
in Sacra Liturgia) do Thánh Bộ Nghi Lễ ban hành ngày 05/03/1967, như sau:
"Tùy cách xếp đặt ở mỗi nhà thờ, nhóm Ca viên sẽ được xếp chỗ thế nào:
- để cho bản tính của Ca đoàn được tỏ hiện, nghĩa là Ca đoàn là thành phần
của cộng đoàn tín hữu và chu toàn một nhiệm vụ đặc biệt;
- để Ca viên có thể chu toàn cách tốt nhất chức năng phụng vụ của mình;
- để mỗi người trong nhóm có thể dễ dàng tham dự đầy đủ thánh lễ, nhờ việc
rước lễ. Khi Ca đoàn gồm phái nữ thì phải xếp ngoài gian thánh."
Vì thế, một khoảng không gian giữa hai khu vực bàn thờ và cộng đoàn, hoặc ở
một bên cánh, gần gian cung thánh và những hàng ghế đầu của giáo dân là những
vị trí thích hợp nhất cho Ca đoàn.
5. Ngoài Thánh nhạc, Ca Đoàn có cần học hỏi thêm về Phụng vụ không?
Trước kia, trong Thông điệp “Qui luật về Thánh nhạc” (Musicae Sacrae
Disciplina) ban hành ngày 25/12/1955, Đức Piô XII gọi “Thánh nhạc là trợ tá của
Phụng vụ” . Nhưng gần đây, trong “Hiến chế về Phụng vụ thánh” (Hiến chế
Sacrosanctum Concilium), số 112, Công đồng Vaticanô II đã thay đổi quan niệm về
Thánh nhạc, cho rằng Thánh nhạc không chỉ làm cho các lễ nghi Phụng vụ thêm
phần long trọng hoặc giúp cho các tín hữu thêm sốt sắng mà Thánh nhạc còn là
chính Phụng vụ.
Vì thế, việc Ca đoàn tìm hiểu và học hỏi thêm về Thánh nhạc cũng như về
Phụng vụ là điều đáng khuyến khích và cổ võ.
a) Kiến thức về Thánh nhạc và những qui luật của nghệ thuật thánh này giúp
cho Ca đoàn biết lựa chọn, sử dụng và trình bày đúng đắn những bài thánh ca sao
cho phù hợp với các cử hành Phụng vụ theo qui định của Giáo Hội.
b) Kiến thức về Phụng vụ giúp cho Ca đoàn hiểu biết một cách sâu xa và đầy
đủ về ý nghĩa, tâm tình và mục đích của Phụng vụ, để họ không những khơi dậy
được lòng sốt sắng và niềm tin nơi Cộng đoàn tín hữu mà chính bản thân họ còn
được thôi thúc trở nên thánh thiện và gương mẫu hơn qua những bài ca nguyện họ
trình tấu.
6. Ca đoàn có cần trau giồi thêm về nhạc lý, xướng âm và thanh nhạc không?
Một trong hai đặc tính của Thánh nhạc là “thể hiện một hình thức nghệ thuật
cao” (Instructio De Musica In Sacra Liturgia, số 4a), vì thế, mọi thành viên
của ca đoàn, từ ca trưởng đến ca viên, đều phải học hỏi, trau giồi và tập luyện
không ngừng để nâng cao trình độ âm nhạc và để có thể giúp cộng đoàn một cách
hữu hiệu hơn.
Lợi ích thiết thực của việc trau giồi và tập luyện gồm có:
a) Nhạc lý: giúp hiểu rõ bài hát, bản nhạc để trình bày một cách đúng đắn
và có tâm tình.
b) Xướng âm: giúp trình bày một cách chính xác bốn đặc tính của âm thanh là
cao độ, trường độ, cường độ và các sắc thái của âm thanh.
c) Thanh nhạc: giúp cho giọng hát được tròn trịa, đầy đặn, ngân vang và
nhất là rõ lời, yếu tố quan trọng nhất của việc ca hát trong Phụng vụ.
7. Một ca viên lý tưởng cần phải có những khả năng và đức tính nào?
Là thành phần được tuyển chọn để chu toàn một nhiệm vụ đặc biệt và cao quí
trong Phụng vụ, một ca viên lý tưởng cần phải đáp ứng được những nhu cầu thiết
yếu của Thánh nhạc là “biểu lộ sự thánh thiện và thể hiện một hình thức nghệ
thuật cao” .
- Muốn biểu lộ được sự thánh thiện, bản thân ca viên phải là một người đạo
đức và gương mẫu, có tinh thần hy sinh, yêu mến và phục vụ tha nhân.
- Muốn thể hiện được hình thức nghệ thuật cao, bản thân ca viên phải có
kiến thức âm nhạc, khả năng ca hát, và siêng năng trau giồi, tập luyện.
V. Về Nhạc cụ
1. Giáo Hội cho phép và cấm sử dụng những loại nhạc cụ nào trong Phụng vụ?
Tài liệu đề cập đến việc sử dụng nhạc cụ trong Phụng vụ một cách chi tiết
nhất là “Tự sắc Tra le sollecitudini” của ĐGH Piô X ban hành năm 1903 (số 19 và
20), trong đó Giáo Hội:
- Cho phép và đặc biệt khuyến khích sử dụng đại phong cầm (đàn ống: pipe
organ).
- Cho phép sử dụng với số lượng hạn chế trong một số trường hợp đặc biệt
với sự chấp thuận của Thẩm quyền địa phương các loại phong cầm và các nhạc cụ
nhỏ chơi bằng vĩ như vĩ cầm (violin).
- Cấm sử dụng dương cầm (piano) và những nhạc cụ gây ồn ào huyên náo khác
như guitars, trống, chũm choẹ (cymbals), trống lục lạc (tambourines), chuông.
- Cấm sử dụng ban nhạc, các nhạc cụ chơi tự động và nhạc thu âm.
Tuy nhiên gần đây hơn, trong “Hiến chế Phụng vụ” của Công đồng Vaticanô II,
số 120 (ban hành ngày 04/12/1963) và trong “Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ”
của Thánh bộ Lễ nghi, các số 61-67 (ban hành ngày 05/03/1967), bên cạnh việc
tiếp tục đề cao đại phong cầm, Giáo Hội để các Thẩm quyền địa phương tuỳ nghi
phán đoán và phê chuẩn những nhạc cụ nào khác được phép sử dụng, miễn là các
nhạc cụ này có thể phục vụ một cách hữu hiệu cho việc cử hành Phụng vụ, thích
hợp với sự trang nghiêm của thánh đường và thực sự giúp cho Cộng đoàn được sốt
sắng hơn.
2. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho phép sử dụng những loại nhạc cụ nào trong
Phụng vụ?
Trong “Thông cáo số 1 của HĐGM Việt Nam về Thánh nhạc” do Đức cha Phaolô
Nguyễn Văn Hoà ký ban hành vào ngày 24/09/1994, HĐGM Việt Nam cổ vũ việc sử
dụng đại phong cầm trong Phụng vụ và “trong khi chờ đợi những quy định cụ thể”
, cho phép sử dụng những nhạc cụ khác để nâng cao tiếng hát.
Bản Thông cáo không ngăn cấm một nhạc cụ nào, kể cả piano, keyboard,
guitars, dàn trống, dàn kèn, dàn nhạc hoà tấu..., mà chỉ lưu ý không nên sử
dụng những kỹ thuật không phù hợp với khung cảnh Phụng vụ dưới đây:
- không đệm át tiếng hát;
- không vuốt tay trên phím đàn piano hoặc keyboard;
- không dùng những nút “điệu” tự động;
- không dùng những âm thanh xa lạ với khung cảnh thờ phượng;
- không chơi các điệu nhạc Jazz;
- và không hoà tấu các bản nhạc đời, nhạc thời trang.
3. Có được phép độc tấu nhạc cụ trong thánh lễ không? Cách thức sử dụng
nhạc cụ trong mùa Vọng và mùa Chay như thế nào?
- Theo “Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ” của Thánh bộ Lễ nghi, các số
64-65 (05/03/1967), trong thánh lễ, được phép độc tấu đại phong cầm hoặc một
nhạc cụ nào khác đã được chính thức thừa nhận trước khi vị Chủ tế đến bàn thờ,
lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ khi ra về. Tuy nhiên, không
được phép độc tấu nhạc cụ trong mùa Vọng, mùa Chay, trong tuần Tam nhật Vượt
qua và trong nghi thức An táng hoặc trong thánh lễ An táng.
- Theo Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 313, trong mùa Vọng được phép sử
dụng đại phong cầm và các nhạc cụ khác một cách vừa phải, sao cho phù hợp với
đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Giáng Sinh.
Trong mùa Chay, chỉ sử dụng đại phong cầm và các nhạc cụ khác để trợ giúp tiếng
hát mà thôi, ngoại trừ Chúa Nhật Laetare (CN IV mùa Chay), các lễ trọng và lễ
kính. Như vậy, trong mùa Vọng vẫn có thể độc tấu nhạc cụ một cách hạn chế,
nhưng trong mùa Chay thì tuyệt đối cấm.
4. Vai trò của nhạc cụ gồm những gì?
Nhạc cụ độc tấu hoặc phụ đệm cho tiếng hát làm tăng thêm sự trang trọng và
vẻ đẹp của Phụng vụ, đồng thời giúp cho Cộng đoàn tham dự phụng vụ được sốt
sắng, thánh thiện và linh động hơn.
Tuy nhiên, khi nhạc cụ được trình tấu quá ồn ào, lấn át tiếng hát và làm
cho bản văn Phụng vụ trở nên khó hiểu, thì việc sử dụng nhạc cụ một cách không
xứng hợp này đã làm mất đi vẻ đẹp của Phụng vụ và đã phá vỡ bầu khí cầu nguyện
của Cộng đoàn.
5. Có được phép sử dụng nhạc thu âm trước để phụ đệm cho Ca đoàn hay Cộng
đoàn không?
Tinh thần phụng vụ đòi buộc sự tham gia tích cực của một con người trọn
vẹn, cả thể xác lẫn tâm tư. Vì thế, tiếng hát sống động của các tín hữu, cho dù
chưa được điêu luyện, vẫn luôn có giá trị trước mặt Chúa hơn là những thứ máy
móc tự động. Giáo Hội xưa nay vẫn không cho phép sử dụng các nhạc cụ và các máy
tự động, như trong “Huấn thị về Thánh nhạc” ban hành ngày 03/09/1958, số 71,
Thánh bộ Lễ nghi đã khuyến cáo: “Các nhạc cụ và các máy tự động như đại phong
cầm tự động, máy ghi âm, máy thu thanh, máy quay đĩa hát và các loại tương tự
đều không được phép dùng trong các cử hành Phụng vụ và các việc đạo đức, dù diễn
ra ở ngoài hay trong nhà thờ, kể cả việc sử dụng để truyền thông những lễ nghi
hay âm nhạc, hoặc chỉ để nâng đỡ hay yểm trợ tiếng hát của Ca đoàn hoặc Cộng
đoàn” .
6. Có nên dùng tiết điệu để phụ đệm cho các bài Thánh ca trong Phụng vụ
không?
Không nên dùng tiết điệu để phụ đệm cho các bài hát trong Phụng vụ.
Không nói đến vấn đề kỹ thuật vốn đòi buộc các ca viên phải thực sự vững
vàng về nhịp phách mới có thể hát theo tiết điệu của nhạc cụ, việc sử dụng tiết
điệu để phụ đệm cho các bài Thánh ca làm cho tập thể Ca đoàn dễ trở nên như một
thứ máy móc, hát xướng không có hồn, không có tình cảm, và như thế không biểu
hiện được tâm tình cầu nguyện, có khi còn gây thêm lo ra, chia trí.
Ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô 2007
Đỗ Vy Hạ
Nhóm Ca
trưởng Chia Sẻ
Ca trưởng
chuẩn bị cho một buổi tập hát như thế nào?
Muốn cho ca đoàn hát hay, việc đầu tiên người Ca Trưởng phải để ý là việc
tập hát. Ca đoàn nên tập hát ít là một tuần một lần. Hát trong ca đoàn không
giống như các ca sĩ hát văn nghệ, mọi sự phải ăn khớp với nhau thì mới hay
được. Phải có sự hòa hợp và ăn khớp giữa ca trưởng với ca viên, giữa người đệm
đàn và người hát..., nói chung là mọi thành phần trong Ca Đoàn đều quan trọng
và phải "ăn rơ" với nhau. Muốn được như vậy thì phải tập dợt, dợt
càng nhiều càng tốt... Cổ nhân có câu "Trăm hay không bằng tay quen"
đó mà. Áp dụng vào trong Ca Đoàn nó cũng giống giống như vậy, một Ca Đoàn có
nhiều người có giọng hát tốt, nhưng mạnh ai nấy hát, hồn ai người đó giữ, thì
làm sao bằng một ca đoàn với những giọng hát bình thường mà khi hát biết nghe
nhau, biết tập dợt để phân chia lúc mạnh lúc yếu?
Nên chọn một ngày nào thích hợp và tiện lợi cho mọi người. Việc chọn ngày
tập dợt phải theo ý kiến đa số chứ không theo ý kiến riêng của Ca Trưởng hay ai
đó được. Theo kinh nghiệm, tránh tập hát vào những buổi chiều Thứ Bảy, vì ở bên
Mỹ này hầu như tiệc tùng hay lễ bái gì cũng tổ chức ăn uống vào chiều Thứ Bảy.
Sau đây là một vài đề nghị cho người Ca Trưởng trong một buổi tập hát:
1. Nên hoạch định một chương trình tập hát. Mỗi ca đoàn nên có một chương
trình tập hát, nghĩa là có những hoạt động nối tiếp nhau một cách rõ ràng.
Chương trình tập hát chung chung như sau:
a) Đọc kinh khai mạc. Nên bắt đầu chương trình tập hát bằng một ít giây
phút cầu nguyện và dâng giờ tập hát cho Chúa, xin Chúa thánh hóa và chúc lành.
Việc Tông Đồ không thể thiếu Cầu Nguyện được. Nên đọc kinh khai mạc đúng giờ đã
quy định, không nên trễ giờ kẻo ca đoàn trở thành thói quen khó sửa, rất nguy
hiểm, có thể làm nản chí những người đi đúng giờ.
b) Nếu tập hát vào buổi sáng, nên cho ca đoàn tập những bài xướng âm để
thông giọng.
c) Nếu có thời giờ, bỏ ra chừng 10 phút cho ca đoàn học nhạc lý và xướng âm
căn bản.
d) Nên ôn những bài hát quen và dễ trước (không cao qúa hoặc thấp qúa, hoặc
không có nhiều bè) những bài hát nhiều bè ôn sau để có đầy đủ người hơn. Con
người ta không phải là cái đàn, muốn hát nốt nào là được nốt đó. Đang không mà
hát cao qúa hoặc thấp qúa sẽ dễ bị đau cổ, phải "warm up" từ từ. Cái
nạn đi muộn là cái nạn không tránh được. Nên "take it easy" và khoan
dung cho những người lâu lâu đi muộn một lần; nhưng Ca Trưởng phải nhắc nhở
luôn luôn!
e) Khi tập một bài hát mới, nếu không có người giúp tập các bè, cũng nên
tập các bè dễ trước.
f) Nên có những phút (khoảng 10 phút) giải lao cho mọi người đi restroom,
trò chuyện, vv...
g.) Sau lúc giải lao, thường là lúc mọi người còn lo ra, nói chuyện chưa
chán... Nếu có thông báo gì thì nói ở lúc này để kéo Ca Đoàn vào trật tự dần.
h) Trước khi ra về nên dặn dò những điều quan trọng (nếu có) và đọc kinh
cám ơn Chúa và Đức Mẹ.
2. Trước khi tập hát, ca trưởng cần nắm vững bài hát bằng cách tập cho mình
trước:
a) Để biết được bài hát thuộc loại dị giọng hay đồng giọng. Để phân chia
các bè hát sao cho hợp giọng với các bè. Nói về giọng hát, một ca đoàn phải
luôn luôn có 4 giọng, 2 giọng cao
(soprano và tenore) và 2 giọng trầm (alto và basso), đừng cứ nốt cao thì bắt
con gái hát, còn nốt trầm thì bắt con trai hát, như vậy thì tội nghiệp cho
những người có giọng Alto và Tenore lắm. Nên nghiên cứu âm vực của các giọng
cẩn thận.
b) Để biết được tiết tấu và tâm tình của bài hát. Mỗi dòng nhạc có một nét
diễn tả riêng, mỗi lời hát có một ý nghĩa khác nhau.
c) Để biết được các chỗ cần hát nhẹ hay mạnh. Dựa vào cường độ nốt của tác
gỉa đã ghi sẵn, hoặc tiết tấu lên xuống của câu nhạc, hoạc ý nghĩa của câu văn
mà định.
d) Để biết những chỗ cần tập cho ca đoàn khép âm cho đều và đúng. Cần mở
miệng cho đúng các chữ A, O, U, hay kép âm cho đều các chữ M, N hoặc chÚA, ƠI,
vân vân..
e) Để phân chia các câu solo, hoặc phiên khúc cho các bè, các giọng. Phân
tích âm sắc của bản nhạc, cao độ nốt, hoặc lời ca, để phân chia solo, các bè,
các giọng cho đúng. Thí dụ, những câu nhạc nhẹ nhàng thanh thót thì cho
soprano; khúc nhạc trầm buồn, u tối thì cho alto; mạnh mẽ cường tráng thì cho
tenore; và ấm áp đầy tràn thì cho basso, vv...
f) Để phối khí cho bản nhạc. Biết được những chỗ ngân dài, những câu lập
lại, những chỗ chuyển bè vv... để dạo nhạc, phân khối nhạc cụ, chuyển điệu cho
đúng và cho hay.
3. Ca trưởng cần phải chuẩn bị xa, để xem có những lễ quan trọng nào sắp
đến, rồi tính xem buổi lễ đó cần phải chuẩn bị bao nhiêu lâu. Không nên để sát
ngày mới tập, như vậy sẽ làm cho ca trưởng dễ nổi nóng, mất bình tĩnh khi không
chuẩn bị kịp.
4. Ca trưởng cần liệt kê những bài hát và thứ tự của các bài hát sẽ tập ra
một tờ giấy. Đừng để đến lúc tập hát rồi mới giở sách tìm bài hát để tập, như
vậy sẽ làm mất thời giờ của mọi người và làm cớ cho ca viên nói chuyện.
5. Cũng không quên liệt kê những thông báo hoặc những điều cần nhắc nhở ra
một tờ giấy, kẻo quên mất đi.
6. Khi đã có các bài hát để tập, ca trưởng cần báo cho người lo Tài Liệu để
chuẩn bị các bài hát sẵn sàng. Đừng để đến lúc tập mới đi kiếm tài liệu.
7. Ca trưởng nên đến phòng tập hát sớm ít là 15 phút để chuẩn bị: ghế ngồi,
setup đàn, gía nhạc, sách hát, vân vân... Đừng để đến giờ mới tới.
8. Nên có một cây đàn (organ) để tiện việc bắt âm cho ca đoàn và để ca đoàn
nghe quen khúc dạo, để giúp ca trưởng khi phải tập những nốt qúa cao hay qúa
trầm, ngoài tầm cữ tiếng của ca trưởng. Không quên nhắc cho các nhạc công biết:
Khi tập cho một bè hoặc một bài hát lần đầu tiên thì đàn chỉ đánh các cao độ
nốt thôi, chứ chưa cần đệm các hợp âm hoặc nhạc điệu vào. Người đệm đàn lúc tập
hát rất quan trọng, nếu đánh ấm a ấm ớ, sai nốt, làm cho ca viên
"confuse", tập lâu hơn là không có đàn.
9. Trước khi tập một bài hát, ca trưởng cần "hát mẫu" cho ca
viên. Nên nhớ rằng mình hát sao thì ca viên sẽ hát như vậy, nên để ý các tiết
tấu, nhanh chậm, mạnh nhẹ, khép âm, ngay từ những phút đầu tiên. Khi ca đoàn
hát, không quên dặn dò và giải thích lý do tại sao phải hát mạnh nhẹ, nhanh
chậm vv... Muốn ca đoàn nhớ lâu và hát đúng, đôi khi ca trưởng cũng cần phải
nói ra những bối cảnh, tâm tình của tác giả (nếu biết).
10. Điểm quan trọng người ca trưởng phải nhớ khi tập một bài hát mới: Phải
tôn trọng các cao độ và trường độ nốt của tác giả viết nhạc. Nếu không hát thì
thôi, không nên sửa chữa thêm bớt. Nếu không, mỗi ca đoàn sẽ hát một kiểu.
11. Khi ca viên đã hát được rồi thì ghép toàn bài từ đầu đến cuối. Lúc này
ca trưởng sẽ đề nghị các khúc dạo để ca viên có dịp làm quen.
12. Thời gian một buổi tập hát không nên lâu qúa, trung bình khoảng 2 tiếng
đồng hồ. Tập ít giờ qúa thì không bõ, riết hồi ca viên cảm thấy biếng nhác hơn.
Tập lâu qúa cũng khiến ca viên mệt mã, mất tiếng, ngại đi tập hát. Trước những
ngày lễ lớn không nên tập hát lâu giờ, nên để thời giờ "relax" trước
khi hát, kẻo đến lúc hát thì qúa mệt hoặc khan tiếng... thì cũng như không!
GIAO LƯU CA
ĐOÀN GIÁO HẠT ĐƠN DƯƠNG
(Ngày 05 - 01 - 2014)
14h30 Chủ nhật ngày 05-01-2014, buổi ca nguyện sinh hoạt giao lưu các ca
đoàn Giáo hạt Đơn Dương được diễn ra nhân dịp lễ Chúa Hiển Linh. Chương trình
bao gồm 3 phần chính: Mở đầu là phần chia sẻ của cha trưởng ban thánh nhạc Giáo
phận, kế đến là phần trình bầy các bài hát của các ca đoàn trong Giáo hạt, kết
thúc bằng giờ chầu Thánh Thể và chuyển sang phần ẩm thực, văn nghệ.
Bắt đầu chương trình, cha quản hạt Phaolô Phạm Công Phương lên phát biểu
chào mừng các ca đoàn đã về tham dự, thay lời ban tổ chức, cha cám ơn tất cả
anh chị em đã về tham dự buổi họp mặt hôm nay, Cha cũng trân trọng cám ơn sự lỗ
nực cố gắng của anh chị em vì đã góp phần vào các buổi lễ phụng vụ, giúp cộng
đoàn giáo dân có những thánh lễ sốt sáng. Cha chúc cho buổi giao lưu diễn ra
tốt đẹp, ý nghĩa. Cha hy vọng tiếng hát của mọi người sẽ mãi bay cao bay xa và
tiếp tục cộng tác vào công cuộc phục vụ cộng đoàn.
Cha quản hạt cùng toàn thể anh chị em ca viên hát múa cộng đồng bài NỐI
VÒNG YÊU THƯƠNG để bắt đầu chương trình ngày truyền thống ca đoàn.
I/ CHIA SẺ
CỦA CHA TRƯỞNG BAN THÁNH NHẠC GIÁO PHẬN:
Tiếp theo chương trình, cha trưởng ban thánh nhạc Giáo phận - Đa Minh
Nguyễn Mạnh Tuyên - đã chia sẻ cùng anh chị em ca viên 7 điều về vị trí, vai
trò của ca đoàn:
1. Tham gia ca đoàn là cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa:
Cha chúc mừng và cám ơn các ca đoàn vì các ca viên đã và đang cộng tác với
Giáo Hội phục vụ phần rỗi các linh hồn, đó là một giá trị rất lớn. Ca hát hòa
vào phụng vụ để tôn thờ Thiên Chúa, làm cho thánh lễ trở nên long trọng giúp
cộng đoàn thêm sốt sáng và cảm nhận được ơn Chúa một cách rõ ràng hơn. Cha nhấn
mạnh đến yếu tố tâm tình phục vụ, thái độ phục vụ, chúng ta phải cố gắng cử
hành một cách nghiêm trang để xứng đáng cộng tác vào mầu nhiệm của ơn cứu độ.
2. Phụng vụ cử hành gì?
Phụng vụ không cử hành một buổi văn nghệ, kịch hay vũ khúc mà cử hành mầu
nhiệm đức tin, cử hành hoạt động cứu độ của Thiên Chúa. Trong phụng vụ, ca đoàn
như là một thừa tác viên, cộng tác trực tiếp vào công cuộc cứu rỗi. Ca đoàn
mang một giá trị rất quan trọng. Ca đoàn có thể làm hỏng thánh lễ, làm cho mọi
người chia trí nhưng cũng có thể làm thánh lễ trở nên sốt sáng long trọng. Vậy
nên các ca viên hãy tham dự thật tích cực, sốt sáng.
3. Hát đúng, hát hay, hát thánh thiện:
Ý thức được vai trò và nghĩa vụ của mình, anh chị em ca đoàn cần chú ý hát
đúng, hát hay, hát thánh thiện. Hát làm sao cho chân thành, hát hết tâm hồn chứ
không phải "hát cho đã".
4. Ca đoàn có cần thiết không?
Ca đoàn là rất cần thiết. Một thánh lễ long trọng không thể thiếu đi những
lời ca tiếng hát, lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Anh chị em ca đoàn có một
vị trí rất quan trọng giúp cho các nghi thức phụng vụ được trở nên hoàn thiện
hơn, trang trọng hơn. Chính vì vị trí quan trọng ấy, mỗi chúng ta phải biết yêu
thương, trân trọng, xây dựng, và gìn giữ để ca đoàn ngày một tốt hơn, phát
triển hơn.
5. Ca đoàn dành cho giới nào?
Ca đoàn không thuộc về một giới nào mà là cả cộng đoàn, là toàn thể dân
Chúa. Chính vì vậy mà chúng ta không nên loại bỏ hay phân biệt đoàn thể, giới
tính, tuổi tác hay chủng tộc. Giáo xứ luôn cố gắng xây dựng và đón nhận mọi
thành phần dân Chúa.
6. Thập giá trong sinh hoạt ca đoàn.
Tham dự sinh hoạt ca đoàn là phải hy sinh nhiều thời gian, tiền bạc, tình cảm...
Vượt qua tất cả những khó khăn đó là chúng ta đã và đang vác thập giá, nhưng
chính thập giá này làm cho lời ca tiếng hát trở nên giá trị hơn, ý nghĩa hơn,
hòa vào với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô.
7. Khiêm nhường và vâng phục.
Chấp nhận thập giá, tự nguyện chịu thập giá đã là tốt rồi, nhưng các ca
viên còn phải phục vụ trong tâm tình khiêm nhường và vâng phục. Chúng ta cần
phải lắng nghe Giáo Hội, các mục tử, những người có trách nhiệm. Như vậy, việc
phục vụ của chúng ta sẽ mang một ý nghĩa đầy đủ hơn, đẹp hơn.
Kết thúc bài chia sẻ, cha chúc các ca đoàn càng lớn sẽ càng thêm khôn
ngoan, thánh thiện, hiểu được vai trò, vị trí của mình và tiếp tục cố gắng phấn
đấu nỗ lực cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.
II/ CHƯƠNG TRÌNH CA NGUYỆN:
Cha Gioan Nguyễn Trọng Thành, trưởng ban thánh nhạc Giáo hạt Đơn Đơn Dương,
mời gọi mọi người bước vào giờ ca nguyện bằng bài hát "Loài người ơi, tới
Bê Lem kính thờ Ngôi Hai" trước khi trình bày và lắng nghe các bài hát.
Các bài hát của các ca đoàn được diễn ra theo trình tự như sau:
1. AVE MARIA.
(Liên khúc, G.X Lạc Viên)
2. VỊ CỨU
TINH. (G.X Suối Thông)
3. TIẾNG MUÔN
THIÊN THẦN. (G.X Kađơn)
4. KINH CẦU
GIÁNG SINH. ( G.X Tutra)
5. MÙA XUÂN
CỨU THẾ. (Liên khúc, G.X Diom)
6. CHÚA ĐÃ
XUỐNG ĐỜI (Vũ khúc, G.X Lạc Nghiệp)
7. ADESTE
FIDELES. (G.X Proh)
8. BÊN TRONG
MÁNG CỎ. (G.X Lạc Sơn)
9. NIỀM VUI
GIÁNG SINH. (G.X Thạnh Mỹ)
10. TÌNH YÊU
GIÁNG SINH. (G.X Lạc Hòa)
11. MÀN ĐÊM
TỎA LAN. (Liên khúc, G.X Lạc Lâm)
12. VỊ CỨU
TINH, (GX Lạc Nghiệp)
Nhìn chung, năm
nay các ca đoàn tham gia đông hơn mọi năm, con số các ca viên là 510 người, dù
rằng còn vắng bóng một xứ nữa. Khung cảnh của Giáo xứ Lạc Nghiệp trở nên bé nhỏ
khi phải tiếp đón một lượng người lớn như vậy nhưng bầu khí lại rất ấm cúng,
không cần micro, âm thanh vẫn ngọt ngào đi vào lòng mọi người. Phần ca nguyện
kết thúc, các ca đoàn đã cố gắng hết sức để thể hiện ca khúc của mình một cách
tốt nhất, hay nhất với tinh thần giao lưu và học hỏi. Các ca viên làm khán giả
chắc hẳn rất vui vì bình thường ca đoàn chỉ hát cho giáo dân nghe, còn hôm nay
đây, mọi người lại được nghe, được thưởng thức những bài hát rất hay được chuẩn
bị rất kỹ càng của các ca đoàn bạn.
Sau những phút
được hòa mình vào không khí của những bản ca nguyện, mọi người đã có thời gian
cùng nhau ngồi lại bên Thánh Thể Chúa Giêsu để có thể tĩnh tâm, lắng đọng và
cùng nhau dâng lên Chúa những lời tâm sự, cầu nguyện.
Khép lại chương
trình là phần ẩm thực và văn nghệ giao lưu kết thúc. Sau ngày hôm nay, dư âm
của buổi ca nguyện giao lưu chắc chắn sẽ đọng lại trong mỗi người chúng ta. Đây
là nơi mà mỗi chúng ta sau một năm phục vụ, có thời gian dành cho chính mình,
để nhìn lại những gì đã đạt được và có sự chuẩn bị định hướng cho một năm tiếp
theo. Ở đây, mỗi chúng ta có cơ hội để thể hiện khả năng của mình, để có thể
học hỏi và rút ra những bài học kinh nghiệm, đó chính là hành trang quý báu để
mỗi người có thể tiếp tục dấn thân phục vụ, tiếp tục tham dự vào công cuộc cứu
độ của Thiên Chúa.
Phạm Đức Hiệu
Ca Đoàn Giới Trẻ Chiến
dịch Trái Tim Xanh 6
Lòng Chúa Thương Xót
“Tình yêu mến chúng
ta dành cho nhau không thể đong đo bằng GIÁ TRỊ món quà, nhưng chúng ta có thể
trao cho nhau Ý NGHĨA của món quà đó.”
Khởi sự từ Xuân Ất
Mùi 2015, chuyến đi chúc Tết gia đình các ca viên mang lại bao niềm vui ý nghĩa
của những ngày xuân, nhưng bên cạnh đó là những tâm tư trăn trở suốt đường về,
ý tưởng thôi thúc làm một việc thiết thực cho chính anh chị em của mình lại một
lần nữa được thắp lên và bài học về “Lòng Nhân Ái” lại một lần nữa được nhắc
nhớ.
Sau cuộc họp biểu
quyết của Ban Điều Hành, kế hoạch cải thiện lại mái nhà cho ca viên được thông
qua, mỗi người một việc để bắt tay vào thực hiện, từ việc thông báo vận động
hưởng ứng qua “Thư ngỏ” đến Quý Ân nhân, Thân nhân cho đến việc trao đổi bàn
bạc với gia chủ để thống nhất nội dung công việc, đội ngũ khác thì tham vấn anh
em kiến trúc sư thân hữu góp ý chỉnh sửa bản vẽ thiết kế, nhóm thì tìm và
thương thuyết với đội ngũ thi công, nhóm thì ngoại giao và tìm nguồn vật tư…
21g00 Chúa Nhật V
Mùa Chay, sau thánh lễ Giới Trẻ ngày 29/3, anh chị em tập trung trước linh đài
Đức Mẹ tạ ơn và phó thác, xin dâng lên Mẹ những công việc chúng con sắp thực
hiện và nhận lời chúc lành từ cha đặc trách lên đường ngay trong đêm tiến về
Long Hải (BRVT) cho kịp sáng ngày khởi công. Đến nơi, đồng hồ đã điểm 1g30
sáng, gió biển thổi về ngày một lớn và khủng khiếp, cánh cửa mỏng manh va đập
liên hồi, mái nhà trống trải bị rung lên bần bật như sắp bị cuốn phăng đi, trú
ngụ trong bốn bức tường mỏng manh mà cảm giác nó có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, khiến
suốt cả đêm anh em không thể nào chợp mắt được, đó là cảm giác rất thật !
Sáng ngày 30 tháng
3, công trình chính thức khởi công, mỗi người một việc cùng chung tay cho công
việc chung với mong muốn thời gian hoàn thành sớm nhất, người thì chạy đôn chạy
đáo để mua vật tư, người thì gia cố, chắp nối những vật dụng còn có thể sử dụng
lại, rồi sơn phết, làm sắt, đào móng, xây kè, dầm nền, người thì đảm trách việc
hậu cần, ẩm thực …; Nhìn những giọt mồ hôi trên những gương mặt và thấm đẫm cơ
thể mới thấy thương sao những hy sinh của các thành viên, có khi phải nghẹn
ngào cảm động vì những đôi tay, bàn chân không biết tự lúc nào đã bật máu, chai
sờn, đau đớn…
Sau 2 tuần thi
công, ngôi nhà giờ đã khoác cho mình một diện mạo mới vững chắc hơn, đẹp đẽ
hơn. Bao hy sinh, khó nhọc giờ hóa nên những cảm xúc dạt dào, đầy ắp tiếng reo
vui và đôi dòng lệ của gia chủ trong niềm... hạnh phúc khôn nguôi.
Chúa Nhật
12.4.2015, mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, cũng là ngày Ca Đoàn chính thức
bàn giao công trình. Quả thật, đúng với ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, sự tín
thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa nơi gia đình đã được Thiên Chúa xót
thương, qua công việc của anh chị em Ca Đoàn càng nói lên tinh thần của “Lòng
Nhân Ái”, và đó là bài học căn bản mà chúng ta có thể gửi trao cho nhau, để làm
đẹp cho Đời – cho Người. Xin tạ ơn Thiên Chúa.
Ca đoàn Giới Trẻ
xin chân thành cảm ơn quý cha, quý ân nhân, thân nhân đã động viên tinh thần và
giúp đỡ vật chất giúp chúng con hoàn thành công việc một cách tốt đẹp. Bên cạnh
đó, chúng con cũng xin cảm ơn mọi thành phần sở tại đã cộng tác, giúp đỡ chúng
con thực hiện chiến dịch này. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn ban nhiều
ơn lành và trả công bội hậu cho quý vị.
Nguyện xin Thiên
Chúa của lòng xót thương tiếp tục bổ trợ và đồng hành với chúng con trong những
kế hoạch còn lại và vẫn đang còn chờ kinh phí để thực hiện. Chúng con rất mong
một phép màu.!!!
Chúng con xin hết
lòng ghi ân.
Đaminh, ngày 13
tháng 4 năm 2015
TM.Ca Đoàn Giới Trẻ
Giuse Nguyễn Tấn
Đoàn trưởng – Ca
trưởng
Chia sẻ bài viết
này:
DANH SÁCH
CA ĐOÀN TÊRÊSA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét