Mc 6,1-6
ĐỨC TIN VÀ PHÉP LẠ
Chúa Giê-su đã không thể làm được phép lạ
nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy
làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6,5-6)
Suy niệm: Thánh sử Mác-cô đã gây “sốc” khi nói rằng
Chúa Giê-su “không thể” làm phép lạ tại Na-da-rét, quê hương
của Ngài. Ai dám nghĩ rằng Chúa không đủ quyền năng? Bằng chứng là Chúa đã làm
nhiều phép lạ đây đó. Phải chăng Chúa không thích làm phép lạ giữa những người
thân của Ngài? Không thể, vì Ngài từng bộc lộ tình yêu của Ngài cho người thân
rằng: “Bánh trên bàn cần phải cho con cái trước đã.” Vậy, vì lý do gì? Tin Mừng
đã trả lời: vì họ không tin. Như vậy, đối với Chúa Giê-su, đức tin và phép lạ
gắn chặt với nhau như hình với bóng. Có đức tin thì sẽ thấy phép lạ. Nói cách
khác, muôn vàn phép lạ Chúa làm không nhằm khoa trương quyền năng hay nhằm biến
đổi mọi sự bên ngoài, nhưng nhằm mục đích cứu độ, nghĩa là muốn chạm đến tâm
hồn con người, muốn khơi động tâm hồn thoát khỏi tình trạng ù lì để biến đổi
trái tim họ, củng cố đức tin của họ. Mục đích của phép lạ không nhằm mục đích
thay đổi lớp áo hời hợt bên ngoài mà là thánh hoá con người từ thâm tâm, để con
người yêu mến Chúa hơn.
Mời Bạn: Nhiều người muốn chứng kiến phép lạ của
Chúa, nhưng mong muốn các phép lạ ấy đừng chạm đến, đừng thay đổi cuộc đời họ.
Còn bạn, bạn muốn những việc Chúa làm trong năm mới này củng cố đức tin và làm
thay đổi cuộc đời bạn không?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm lời Chúa hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa cứ làm nơi con những gì
Chúa muốn, vì chỉ nhờ Chúa, con mới có sự sống đời đời.
Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh Lc 2,22-40
DÂNG CON CHO CHÚA MỖI NGÀY
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài
theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến
dâng cho Chúa. (Lc 2,22)
Suy niệm: Tại nhiều nước đã thành luật: cha mẹ ngược
đãi con cái sẽ bị luật pháp trừng phạt! Hợp lý thôi, thế nhưng, những cha mẹ
không chăm lo giáo dục con cái sẽ phải chịu hình phạt nào? Còn những cha mẹ
Công giáo chểnh mảng việc giáo dục đức tin cho con mình, Chúa xét xử thế nào?
Khi dâng Chúa Giê-su vào Đền thờ hôm nay, Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se không
coi đó như một nghi thức làm-một-lần-là-xong, nhưng việc dâng con ấy kéo dài
mãi suốt đời đến tận dưới chân thập giá. Chúng ta cứ hình dung dưới mái nhà
Na-da-rét, hai Đấng vẫn tiếp tục dâng hiến trẻ Giê-su cho Thiên Chúa, khi các
ngài dạy trẻ Giê-su bập bẹ từng lời kinh, từng cử chỉ tôn giáo, khi chăm sóc
từng lời ăn tiếng nói, dạy phép lịch sự, dạy các thói quen tốt cho trẻ Giê-su…
để rồi theo thời gian, là bé Giê-su ngoan, rồi trẻ Giê-su tốt, và chàng trai Giê-su hiền hoà,
hào hiệp, dễ mến, là trái ngọt từ một khởi điểm: dâng con cho Chúa ở Đền thờ.
Mời Bạn nhớ đến hình ảnh đẹp của ngày rửa tội: cha mẹ bồng con cái đến dâng cho
Chúa. Là bậc làm cha mẹ, bạn vẫn tiếp tục công cuộc dâng hiến con cái này trong
đời sống hằng ngày chứ ? Hình như nhiều vị phụ huynh Công giáo cũng chạy theo
trào lưu hiện nay: chỉ lo cho con cái có bằng cấp văn hóa, có của cải tiện
nghi, có nghề nghiệp địa vị mà quên mất một điều quan trọng hơn: giáo dục đức
tin và nhân bản cho con mình.
Sống Lời Chúa: Là cha mẹ, mỗi ngày tôi sẽ dành thời gian
dạy kinh, đọc Lời Chúa, phép lịch sự… cho con cái mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia đình (tr. 58).
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo Mc
6,14-29
CÁI CHẾT NGÔN SỨ
Vua Hê-rô-đê nói: “Ông Gio-an, ta đã cho
chém đầu, chính ông đã trỗi dậy !” (Mc 6,16)
Suy niệm: Kết thúc cuộc đời Gio-an Tẩy Giả là một bi
kịch mang tính ngôn sứ, nhưng là một bi kịch dễ hiểu. Là ngôn sứ, ông mạnh dạn
nói tiếng nói của công lý. Tiếng nói của ông đụng chạm đến người nắm giữ quyền
lực, người có quyền giết ông. Vì thế, điều xảy ra là ông… bị giết! Bị giết,
nhưng ông vẫn không ‘chết’. Thật vậy, Hê-rô-đê có chém đầu ông, nhưng vẫn bị ám
ảnh khôn nguôi rằng ông lại… tiếp tục xuất hiện: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu,
chính ông đã trỗi dậy!” Cái
chết của Gio-an, là một cái chết ngôn sứ vì nó tiên báo cái chết của Chúa
Giê-su. Bi kịch này dễ hiểu, vì trong suốt giòng lịch sử, không thời nào và
không nơi nào thiếu những cái chết ngôn sứ như thế, những cái chết vì bênh vực
công lý, vì bảo vệ sự thật, như cái chết của Martin Luther King (1968), của
Oscar Romero (1980)… và biết bao cái chết khác đầy tính ‘ngôn sứ’ nhưng rất âm
thầm, rất vô danh, không kể hết được.
Mời Bạn: Suy nghĩ về những cái chết ngôn sứ đó để thấy rằng “Đối với Chúa thật là đắt giá, cái
chết của những ai trung hiếu với Người” (Tv
116,15). Ngôn sứ có thể chết song
uy lực của tiếng nói ngôn
sứ không thể bị dập tắt
kể cả trong chính lương tâm của kẻ cường quyền làm điều bất công.
Chia sẻ: Ta có thể chết cái chết ngôn sứ mỗi ngày
không? Bằng cách nào?
Sống Lời Chúa: Tôi đặc biệt lưu ý sống thật trung thực
trong ý nghĩ và lời nói.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con được ơn cảm nếm được
mối phúc thật thứ tám để con dám chịu bách hại vì sống công chính làm ngôn sứ cho
Chúa mỗi ngày. (Hoặc đọc Tv 116)
Mc 6,30-34
KHAO KHÁT LỜI CHÚA
“Họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mc 6,34)
Suy niệm: Con người không chỉ có nhu cầu cơm bánh để
nuôi sống thân xác, mà còn cần được nuôi dưỡng bằng lương thực tinh thần. Như
thân xác biết đói và cần ăn, tâm hồn cũng biết khao khát và cần được bổ dưỡng.
Chúa Giê-su thấu hiểu nỗi lòng khao khát đó của đám đông dân chúng khi thấy họ
“từ khắp các thành chạy đến”
với Chúa (c. 33). Với cặp mắt
của người mục tử giàu lòng thương xót, Ngài thấy họ như “bầy chiên không người chăn dắt”. Và cũng với trái tim chạnh thương của
người mục tử, Ngài quên cả mệt nhọc, quên cả nghỉ ngơi ăn uống; Ngài chỉ nghĩ đến
tấm lòng khao khát của dân chúng và Ngài “bắt
đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
Mời Bạn: “Bầy chiên bơ vơ không người chăn dắt” đang khao khát nghe Lời Hằng Sống ngày nay thật đông đảo. Họ
chiếm đến 2/3 dân số thế giới, cũng như trên 90% dân số Việt Nam . “Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối
nước trong,” những con chiên
không người chăn dắt cũng khao khát được nghe Lời Chúa. Họ là lời mời gọi mỗi
Ki-tô hữu hãy nuôi dưỡng tấm lòng biết chạnh thương như Đức Giê-su để dấn thân
rao giảng Tin Mừng cho họ. Bạn có thấy lòng mình thao thức khắc khoải trước đòi
hỏi cấp bách đó không? Bạn có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu cấp bách này?
Sống Lời Chúa: Nhận một gia đình lương dân để thường xuyên
cầu nguyện và loan báo Tin Mừng bằng cách chia sẻ tình bác ái với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con được
chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Xin cho chúng con cũng
hăng say thi hành sứ vụ cao quý này bằng một tâm hồn giàu tình thương xót như
Chúa.
05/02/17 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – A
Mt 5,13-16
THẮP SÁNG NIỀM TIN
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mc 5,14)
Suy niệm: Chúa Giê-su mong mỏi các môn đệ của Ngài phải là muối và ánh sáng cho
thế giới. Những công việc tốt đẹp các môn đệ làm đó phải có sức toả lan như ánh
sáng, như muối để cho thế gian nhận ra tình thương Chúa mà tôn vinh Ngài. Cha
Anthony de Mello chỉ ra một cách sống để là muối, là ánh sáng: “Một tâm hồn không có gì cần bảo vệ
và không có tham vọng sẽ để cho tâm trí thảnh thơi, không bị xiềng xích, mạnh
dạn và tự do trong cuộc sống tìm kiếm sự thật. Tâm hồn này đã trở thành một
ngọn đèn soi sáng cho sự tăm tối của toàn nhân loại.” Trong thế giới coi trọng vật chất
và hưởng thụ, thái độ sống siêu thoát đó thực sự là một lời chứng, một luồng
sáng giúp nhân loại định hướng con đường tiến về Nước Trời.
Mời Bạn: Thắp sáng niềm tin chính là làm cho người ta thấy Chúa qua cách sống của
mình. Lời Chúa hôm nay Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta phải thắp sáng niềm
tin bằng làm những việc tốt đẹp. Tốt đẹp không theo kiểu con người, nghĩa là chỉ nhắm đến thành
công, danh dự của bản thân, mà quên đi tính chứng tá Tin Mừng phải có trong
công việc, cho dù giá phải trả là sự thất bại, thiệt thòi. Tư tưởng của cha
Anthony de Mello thật thâm thuý khi ngài diễn tả cách sống niềm tin không phải
chỉ bằng công việc được hoàn thành nhưng là bằng chính thái độ siêu thoát đó.
Chia sẻ: Thái độ siêu thoát hay của cải, thú vui,
danh vọng, cái gì là cần thiết nhất để thắp sáng niềm tin của mình cho thế giới
hôm nay?
Sống Lời Chúa: Tập từ bỏ bằng cách nhịn không nói một lời
gây hấn.
Cầu nguyện: Hát và suy gẫm lời kinh Hoà Bình của Thánh
Phan-xi-cô.
06/02/17 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo Mc
6,53-56
GIÊ-SU, NGÔI SAO CỦA CON
Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị
hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ,… bất cứ
ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,56)
Suy niệm: Một hình ảnh quen thuộc của thời đại, nhất
là nơi giới trẻ, đó là hiện tượng tôn sùng thần tượng: các ngôi sao âm nhạc,
điện ảnh, bóng đá đi đến đâu thì người hâm mộ tuôn đến, gào thét, xin chữ ký,
thậm chí hôn cả ghế ngồi… Thánh Mác-cô kể: sau khi Chúa làm phép lạ cho bánh
hoá nhiều, dân chúng đông đảo đến với Ngài không khác gì người hâm mộ chạy theo
các ngôi sao: “Thầy trò vừa ra
khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su… Nghe tin Người ở đâu thì
bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.” Nhưng
Chúa Giê-su đâu có phải là một “siêu sao” chỉ nhằm quy tụ thật nhiều “vệ tinh”
những người hâm mộ vây quanh mình. Ngài là Chúa, là Đấng Thánh, Ngài nâng những
động lực ban đầu đậm màu thế tục ấy lên cấp độ siêu nhiên, đến vô cùng. Ngài
đụng chạm đến ai, người ấy được chữa lành, không
chỉ tật bệnh thể xác, mà còn cứu sống cả linh hồn. Ngài mời gọi đừng chỉ “tìm của ăn mau hư nát,” mà
phải tìm thứ “lương thực thường tồn, đem lại
phúc trường sinh”(x. Ga 6,27).
Mời Bạn: Đời sống đạo của tôi, tôi theo Chúa Giê-su.
Tôi có khao khát tuôn đến với Thánh lễ, với Thánh thể để được gặp Chúa chưa?
Tôi có kinh nghiệm gặp Chúa Giê-su, Đấng tôi tôn thờ chưa, hay Chúa Giê-su vẫn
còn mơ hồ trong tôi?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ đến với Thánh lễ, Thánh Thể để được
gặp gỡ, đụng chạm đến Chúa của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là “Ngôi Sao” quyền
năng và hằng quan tâm và yêu thương con. Con xin đội ơn Chúa, và yêu mến Chúa!
07/02/17 THỨ BA TUẦN 5 TN
Mc 7,1-13
THỜ KÍNH CHÚA TẬN ĐÁY LÒNG
Chúa Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn
của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.” (Mc 7,8)
Suy niệm: Các bé mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo cũng đã
biết phải rửa tay trước khi ăn. Không phải các tông đồ không biết bài học vệ
sinh thân thể sơ đẳng đó. Việc rửa tay ở đây là một cử chỉ tượng trưng nói lên
ý nghĩa tinh thần, chẳng hạn như Phi-la-tô rửa tay có ý nói ông không chịu
trách nhiệm trong việc kết án Chúa Giê-su. Việc rửa tay trước bữa ăn theo tập
tục Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên ước muốn thanh tẩy tâm hồn. Các ông
Pha-ri-sêu và kinh sư coi trọng các nghi thức đó, nhưng chỉ làm theo hình thức,
còn trong lòng thì không có chút tâm tình hoán cải nào. Thế nên Chúa mới khiển
tráchhọ thờ kính Chúa bằng môi bằng miệng mà tâm hồn thì xa Chúa. Từ chỗ thờ kính Chúa cách giả dối
ngoài môi miệng đến chỗ “gạt bỏ điều răn Thiên Chúa để duy trì truyền thống
của người phàm” không xa bao
nhiêu.
Mời Bạn: Chúng ta ngỡ ngàng đến độ kinh hoàng khi
thấy người ta có thể đưa ra nhiều lý lẽ, luật lệ để biện minh cho việc khủng
bố, phá thai, để gây áp bức bất công cho nhiều người. Nhưng bạn cũng nhớ rằng
những tội ác tày trời vi phạm điều răn Chúa dạy đều đã bắt đầu từ lối sống giả
dối. Là con cái Chúa và là anh chị em với nhau, mời bạn hãy thờ phượng Chúa với
tất cả tấm lòng, đối đãi với nhau cũng với tất cả tấm lòng, dẫu có vì thế mà
bạn phải vác thập giá cho nhau vì nhau.
Sống Lời Chúa: Xét mình để loại bỏ hẳn lối sống giả dối ra
khỏi cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Chúa đã kêu gọi con làm con cái Chúa. Xin
giúp con dám sống và dám liều thân cho công bằng và sự thật.
08/02/17 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Th. Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-nô Mc
7,14-23
CẦN CẢI HÓA TÂM HỒN
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con
người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người
xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Ngày nay nhiều người ngày nay cố tránh một
số thức ăn thức uống như thịt đỏ, tôm, cua, cá nhiễm độc, rượu bia v.v, những
thứ gây béo phì nguy hại cho sức khoẻ. Có những người khác, chẳng hạn như người
Do Thái, lại kiêng cữ những thức ăn như thịt heo, thịt của những con vật bị
chết ngạt, vì lý do tôn giáo. Họ cho rằng những thứ thức ăn đó là dơ bẩn sẽ
khiến cho người ăn chúng không còn thanh sạch và bị liệt vào hàng những kẻ tội
lỗi. Chúa Giê-su khẳng định, điều làm cho con người ra tội lỗi không phải do
những gì chúng ta ăn vào miệng, nhưng do tà tâm của mỗi người như tham lam,
lòng độc ác, tính dâm đãng, kiêu ngạo…, những tính xấu đưa con người đến giết
người, ngoại tình, trộm cướp, lường gạt… Những thứ đó làm cho con người trở nên
kẻ tội lỗi. Vì thế, nếu muốn trở
nên người thanh sạch, điều cần thiết là trở về với Chúa và nhờ ơn Chúa, chúng
ta được thanh tẩy khỏi tính mê tật xấu đó. Cải hóa tâm hồn luôn là bước đi
trước hết trong hành trình thánh thiện.
Mời Bạn: Con người đôi khi được đánh bóng, “xi mạ”
bởi chức vị, của cải, danh tiếng nên không nhận ra con người thật của mình,
trong khi đang bị han rỉ, dơ bẩn từ bên trong. Bạn dám để lời Chúa soi vào lòng
và sẵn sàng theo lời Chúa dạy mà hoán cải tâm hồn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi tuần quyết tâm sửa một nết xấu và tập
một nhân đức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con thuộc về Chúa hoàn
toàn, cả linh hồn và thể xác. Con xin dâng lên Chúa mọi sự cuộc đời con.
09/02/17 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Mc 7,24-30
SỨC MẠNH TÌNH YÊU
Chúa Giê-su nói với bà: “Phải để cho con
cái ăn nó trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó
con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn
những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7,27-28)
Suy niệm: Thật khó mà hiểu tại sao người đàn bà
Hy-lạp này có thể chịu đựng được câu nói của Chúa nghe như thể xúc phạm đến bà,
nếu không biết rằng bà đến gặp Chúa với mục đích xin Chúa cứu lấy đứa con bị
quỷ ám của bà. Tình yêu đối với con của bà lớn hơn thử thách trong câu nói bà
nghe và bà biết rõ chỉ nơi Chúa Giê-su bà và con gái của bà mới tìm được ơn
lành. Có những người mẹ ngày nay sống như thế. Chị Nguyễn Thị Yên ở thôn Đông
Lao, ngoại thành Hà Nội, tuy bị ung thư giai đoạn cuối, đã khước từ phác đồ
điều trị để sinh con, chấp nhận khả năng tử vong. Tương tự, thánh Gianna cũng
từ chối chữa trị ung thư để cứu lấy sinh mạng của người con trong bào thai. Tất
cả họ đặt niềm tin vào Chúa cách tuyệt đối, tin rằng Chúa luôn dủ lòng xót thương,
xin Chúa thương đến con của họ. Tình yêu dành cho con cái khiến họ bất chấp mọi
nghi nan và càng gia tăng lòng tín thác vào Chúa hơn.
Mời Bạn: Tình thương của bạn dành cho người thân
trong gia đình thế nào? Có thúc đẩy bạn đến một hành động tín thác vào Chúa
không?
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa lời nguyện cầu cho một người
thân trong gia đình đang cần đến ơn Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, Chúa
không quản ngại tự hủy chính mình trên thánh giá. Xin cho con theo gương Chúa,
biết chấp nhận mọi khốn khó và kiên trì cầu nguyện cho người thân của con được
ơn Chúa.
10/02/17 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh
nữ Mc 7,31-37
XIN MỞ TAI VÀ MIỆNG CON
Chúa Giê-su ngước mắt lên trời, rên một
tiếng và nói: “Ép-pha-tha,” nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi
như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,34-35)
Suy niệm: Tờ báo Daily Yomiuri nhận định, giới trẻ
ngày nay mở điện thoại từ 110 đến 150 lần một ngày, đôi khi không vì mục đích
gì cả và họ hoảng hốt khi mở ra mà không có tin nhắn hay cú điện thoại nào cho
mình. Có như thế chúng ta mới hiểu được tâm trạng người câm điếc trong Tin Mừng
này. Anh buồn vì tai không nghe được, miệng anh không nói được rõ ràng. Đau khổ
hơn, người chung quanh không hiểu anh và anh cũng chẳng làm cho người khác hiểu
được anh. Sự cô đơn bên trong đau đớn hơn sự cô độc bên ngoài. Nhưng lòng
thương xót của Chúa cứu độ anh. Chúa Giê-su kéo anh riêng ra và phán:
“Ép-pha-tha”: hãy mở ra! Quyền năng Chúa chữa lành, cho anh vừa nghe được vừa
nói được. Ngài chữa lành “hai trong một.” Không có gì vui hơn lần đầu tiên được
nghe và được nói. Chúa làm biến đổi cuộc đời anh.
Mời Bạn: Về mặt thiêng liêng, không ít lần chúng ta
tự nguyện trở nên người câm điếc. Lắm khi ta muốn điếc để không nghe lời Chúa,
không muốn nghe Chúa đòi hỏi: nghe băng đĩa hàng giờ, nhưng lại không dành được
vài phút để nghe lời Chúa! Miệng nói chuyện phiếm bất tận, nhưng lại không nói
được một vài lời Chúa cho người thời đại! Nghe lời Chúa hôm nay, bạn có quyết
tâm gì?
Sống Lời Chúa: Thực hành hằng ngày “hai trong một”: đọc
lời Chúa và nói lời Chúa cho người khác mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương chữa lành khuyết tật
của con, xin nói lời “Ép-pha-tha” khai mở tai miệng con ra, hầu con nghe và làm
vang lời Chúa.
11/02/17 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ
Đức
Mc 8,1-10
CHÚA NUÔI SỐNG DÂN NGƯỜI
Đức Giê-su gọi các môn đệ lại và nói “Thầy
chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có
gì ăn.” (Mc 8,1b -2)
Suy niệm: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn
chi… Ngài dọn sẵn cho tôi bữa tiệc…” Lời Thánh Vịnh 22 trên đây chẳng xa lạ gì
đối với dân Ít-ra-en, diễn tả niềm tin vào một Thiên Chúa đầy tình yêu thương
đối với dân riêng của Ngài, lời ấy giờ đây được hiện thực cụ thể, bằng xương
bằng thịt nơi Đức Giê-su, Đấng Chúa Cha sai đến. Ngài đến để giải thoát con người khỏi
tội lỗi và đưa dẫn đến sự sống đời đời, nhưng không vì thế mà Ngài không cảm
thương trước những nỗi cùng khổ nhọc nhằn của cuộc sống đời này. Ngài chạnh
lòng thương đám đông vì “đã ba
ngày họ không có gì ăn;” thế
rồi, chỉ với vài chiếc bánh và một ít cá nhỏ Ngài cho đoàn dân đang đói được no
thoả, và qua đó, Ngài báo trước tấm bánh trường sinh Ngài sẽ ban cho nhân loại
sau này.
Mời Bạn: Để là môn đệ của Chúa Ki-tô, chúng ta mang
trong mình trái tim của Chúa, một trái tim luôn biết chạnh lòng thương với mọi
nỗi khổ cực của tha nhân: biết sẻ chia, cảm thông và góp phần làm vơi đi những
khổ đau, khốn khó của anh em mình.
Chia sẻ: Bạn có nhạy bén để nhận thấy và cảm thông
những nỗi khốn khó, ngặt nghèo của anh chị em mình không? Và bạn đã làm gì để
giúp họ?
Sống Lời Chúa: Đọc kinh “Thương
Người Mười Bốn Mối” và chọn
một việc có thể làm ngay để làm theo kinh đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho ban con trái tim
của Chúa, để con biết chạnh lòng thương như Chúa đã chạnh thương, và xin đổ
tràn Thần Khí Chúa trên con, để con có nghị lực làm theo điều mà trái tim của
Chúa mách bảo.
12/02/17 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – A
Mt 5,17-37
CÔNG CHÍNH HƠN
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các
kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
Suy niệm: Các kinh sư và biệt phái là những người giữ
luật rất đúng, và cũng rất kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng
nhắc, khắt khe. Là bậc thầy trong dân, thay vì dạy dân sống tinh thần của Giao
Ước thì, qua cách sống của mình, họ làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính
chỉ gói gọn trong việc chu toàn lề luật. Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ không
dừng lại ở những việc làm vụ hình thức mà phải “công chính hơn” tới mức
hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48); cụ
thể là:
- sâu hơn, không chỉ bề ngoài mà
tận trong tâm hồn: có lòng
giận ghét đã là đã giết người, có ý muốn ngoại tình đã là ngoại tình trong tư
tưởng rồi.
- bao dung hơn: không còn “mắt
đền mắt, răng đền răng,” nhưng
đưa cả má phải khi bị vả má trái.
- triệt để hơn: nếu mắt, tay nên dịp tội cho mình thì hãy chặt nó đi.
Mời Bạn: Quan niệm sai lầm và hẹp hòi về đức công
chính vẫn tiếp tục trong chúng ta, nếu bạn và tôi vẫn cứ coi việc sống đạo chỉ
là đi nhà thờ, xem lễ và giữ những việc luật buộc. Đức công chính của người môn
đệ Chúa Ki-tô đòi hỏi chúng ta vượt qua những hình thức bên ngoài để đạt đến
điều cốt lõi là “Mến Chúa yêu người.”
Chia sẻ: Hành vi, cử chỉ nào của bạn và cộng đoàn
đang cần “công chính hơn”?
Sống Lời Chúa: Làm việc bổn phận hoặc việc bác ái với lòng
yêu mến chứ không vì bắt buộc hoặc vì lý do gì khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con tự mãn vì đã giữ
những gì luật buộc, nhưng xin giúp con biết làm mọi việc chỉ vì mến Chúa và yêu
người.
13/02/17 THỨ
HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13
TIN DẤU LẠ
CHÚA LÀM
Người thở dài
não ruột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông
biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã từng làm biết bao nhiêu điềm
thiêng dấu lạ làm bằng chứng cho thấy thời đại Thiên sai đang tới (x. Mt
11,2-6). Thế nhưng khi những người Pha-ri-sêu đòi hỏi Chúa làm cho họ dấu lạ,
không phải vì họ chưa thấy hay vì họ khao khát muốn thấy uy quyền của Thiên
Chúa; trái lại, vì tấm lòng chai đá, họ đã không chấp nhận những việc lạ lùng
Chúa đã thực hiện giữa họ. Chính vì thế, trong khi những người nghèo khó khiêm
tốn thấy và tin dấu lạ Chúa làm, lòng họ đầy hân hoan ca tụng Thiên Chúa, thì
những người xin dấu lạ này, do lòng dạ kiêu căng, trở nên kẻ mù lòa đáng thương
vì như thể mầu nhiệm Nước Thiên Chúa bị che khuất mắt họ.
Mời Bạn: Thiên Chúa đã, đang, và sẽ còn dùng những dấu
chỉ trong thiên nhiên, và trong lịch sử để bày tỏ quyền năng và tình yêu thương
của Ngài đối với chúng ta. Trong cuộc sống Giáo Hội của Chúa Ki-tô, Lời Chúa và
các bí tích là những “dấu chỉ” đơn sơ để mọi người có thể gặp gỡ và kết hiệp
với Ngài. Vấn đề là chúng ta có đủ khiêm tốn và mau mắn để tin và tiếp nhận hay
không.
Sống Lời Chúa: Coi trọng và tìm gặp Chúa qua việc đọc các
“dấu chỉ” của Ngài, cách riêng qua việc siêng năng đọc Lời Chúa trong Kinh
Thánh.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con
đừng sợ hãi ánh sáng của Chúa, ánh sáng… đòi buộc con hoán cải. Xin cho con
đừng cố chấp ở lại trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm
tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi
ngày.” (Thắp sáng niềm tin, tr. 170)
14/02/17 THỨ
BA TUẦN 6 TN
Th. Xy-ri-lô
và Mê-tô-đi-ô Mc 8,14-21
MUỐN LÀ MEN
TIN MỪNG
“Anh em phải
coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.” (Mc 8,15)
Suy niệm: Có thứ men là men Tin Mừng làm cho hũ bột nhân
loại dậy lên. Hũ bột có bị hư thối cũng là vì men, nhưng ở đây là “men
Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê”. Men Pha-ri-sêu là lối sống giả hình, chuộng hư
danh: giữ luật bề ngoài thật chi li nhưng lại không sống đạo đức, công bằng,
nhân ái thật lòng (Mt 23,1-36). Men Hê-rô-đê là lối sống xảo trá, chạy theo
quyền thế, danh vọng, hưởng thụ khoái lạc, chà đạp lên các giá trị đạo đức và
phẩm giá con người. Có vẻ như hai thứ men ấy không đội trời chung với nhau,
nhưng thực tế cho thấy những người Pha-ri-sêu đã cộng tác với phe Hê-rô-đê để
giăng bẫy hại Chúa Giê-su - trong vấn đề nộp thuế cho Xê-da (x. Mt 22,15-22).
Nguy hiểm biết bao khi chúng phối hợp với nhau để làm hư hỏng con dân Nước
Trời!
Mời Bạn: Sự thâm nhập và tác hại của những loại ‘men
thối’ này thường âm thầm và tiệm tiến nên khó nhận biết. Bạn có nhận thấy lối
sống giả hình, tôn sùng vật chất, óc hưởng thụ ích kỷ đang len lỏi, thấm nhiễm
vào lối sống, não trạng các ki-tô hữu ngày nay không?
Chia sẻ: Thảo luận để cả cộng đoàn có một ý niệm rõ
ràng về tính chất và mối nguy hiểm của tinh thần Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê.
Sống Lời Chúa: Biện pháp phòng chống ‘men thối’: - thường
xuyên kiểm điểm đời sống cách riêng về cách mua sắm, sử dụng của cải xem có đúng
tinh thần Tin Mừng không; - tích cực làm dậy men Tin Mừng bằng cách thực hiện
những hành vi công bình, bác ái một cách có ý thức.
Cầu nguyện: Hát: “Vì
con muốn là men…”
15/02/17 THỨ
TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26
ĐỂ NGÀI CHẠM
ĐẾN LẦN NỮA
Chúa Giê-su
lại đặt tay trên mắt người mù, anh trông rõ và khỏi hẳn. (Mc 8,25)
Suy niệm: Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thường thấy
Chúa Giê-su chỉ cần quát một tiếng: “Im đi!” thì tức khắc sóng gió liền câm
lặng (Mc 4,39); hoặc chỉ cần nói nhẹ nhàng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã
cứu anh” là người mù ở
Giê-ri-khô liền nhìn thấy được như lòng mong ước (Mc 10,52). Thế nhưng lần này,
Ngài phải khá là vất vả: nhổ nước miếng vào mắt người mù ở Bết-xai-đa và đặt
tay trên anh, thế mà anh chỉ có thể thấy lờ mờ. Phải đợi tới lần thứ hai Chúa
đặt tay trên mắt anh, anh ta mới nhìn thấy tỏ tường. Quyền năng Chúa thì vô
biên nhưng tội lỗi có khi đã “di căn” trầm trọng trong tâm hồn con người. Chúa
vẫn nhẫn nại không mệt mỏi để chạm đến chúng ta, đặt tay trên chúng ta lần nữa,
và lần khác nữa. Phần chúng ta muốn được Chúa chạm đến và chữa tận căn tật bệnh
tâm hồn, không phải chỉ đến lãnh nhận ơn tha tội một lần là đủ mà phải kiên trì
và nỗ lực để sám hối và thăng tiến mỗi ngày.
Mời Bạn: Bạn có chấp nhận thứ hoán cải nửa vời, để chỉ
nhìn thấy tha nhân “lờ mờ như
cây cối biết đi” thay vì nhìn
họ rõ nét như những người anh chị em rất thân thương hay không? Hay bạn nản
lòng buông xuôi trước những nết xấu thâm căn cố đế của mình? Xin bạn đừng ngại
đến với Chúa trong bí tích hoà giải để Ngài chạm đến bạn lần nữa, và chữa lành
bạn.
Chia sẻ: Chúa nhẫn nại và bao dung với bạn. Còn bạn đối với tha nhân thì sao?
Sống Lời Chúa: Sám hối về những tội mình cứ tái phạm nhiều lần và thành tâm đến lãnh nhận bí tích
hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nguyện
thương con theo lòng nhân hậu Chúa. Xoá tội con theo lượng cả đức từ bi.
(Tv 50)
16/02/17 THỨ
NĂM TUẦN 6 TN
Mc 8,27-33
TÔI TIN KÍNH ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ
Đức Giê-su hỏi
các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là
Đấng Ki-tô.” (Mc 8,29)
Suy niệm: Đối với Đức Giê-su, việc các môn đệ chỉ lặp
lại quan điểm của người ta “nói
Con Người là ai” thì vẫn còn
thiếu sót; cũng thế, đánh đồng Ngài với Ê-li-a, hay Gio-an Tẩy Giả hay với bất
cứ một tiên tri nào khác, là chưa nhận thức đúng căn tính của Ngài. Thật vậy,
tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô không phải là trích dẫn lời tuyên bố của “ai
đó” về một vị chúa chung chung, hay “một tiên tri nào đó.” Ngài đòi hỏi các môn
đệ tuyên xưng với sự xác tín của chính bản thân mình: “Còn các con, các con nói Thầy là
ai?” Mặt khác, lời tuyên xưng
của Phê-rô “Thầy là Đấng Ki-tô” cũng
chưa đủ rõ; Đức Giê-su còn minh giải: Quả thật, Ngài đúng là Đấng Ki-tô, nhưng
là một Đấng Ki-tô sẽ phải chịu khổ hình, chịu đóng đinh thập giá, chết và ngày
thứ ba sẽ sống lại, nhờ đó, những ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ.
Mời Bạn: Kinh Tin Kính được đọc chung trong Thánh lễ,
nhưng phải nhớ rằng kinh ấy bắt đầu bằng những lời: “Tôi tin kính,” nghĩa là nó phải là lời tuyên xưng đức
tin xuất phát từ sự xác tín đầy ý thức và tự do của chính bản thân mình. Hơn
nữa, khi tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chịu đóng đinh vào thập giá, tôi đoan
hứa “từ bỏ mình, vác thập giá
mình hằng ngày mà đi theo Người” (x.
Mc 8,34).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm việc hy sinh hãm mình để kết hiệp
với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin
ban Thánh Thần soi lòng mở trí cho con, để con thêm hiểu biết về Chúa, và nhờ
đó thêm lòng yêu mến và vui lòng vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa.
17/02/17 THỨ
SÁU TUẦN 6 TN
Bảy Thánh Lập
Dòng Tôi Tớ Đức Meï Mc 8,34-9,1
MẤT ĐỂ ĐƯỢC,
THUA ĐỂ THẮNG
Đức Giê-su
nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống
mình vì Tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”(Mc 8,35)
Suy niệm: “Được ăn cả, ngã về
không” là lẽ thường
trong cuộc sống; ban nhạc Abba lừng danh cũng có một bài hát với tựa đề: “The
winner takes it all” – Người chiến thắng
được tất cả (1980). Tuy nhiên, người môn đệ Đức Giê-su thì không chịu “lép một
bề” như vậy, bởi vì theo Đức Giê-su: mất để
được, và muốn được, phải chịu mất! Thoạt nghe có vẻ chói tai, thế nhưng, ngẫm
nghĩ kỹ, lại không nghịch lý chút nào. Người môn đệ Chúa sẵn sàng chịu mất của cải dễ mục nát để được tài sản
không hư hoại, mất sự sống mong manh để được sự sống vĩnh cửu, mất lạc thú mau
qua để được niềm vui
bất diệt, mất cái tôi hẹp hòi
để được Đấng vô cùng. Càng dám mất nhiều lại càng đạt được nhiều hơn, đó chẳng
phải là cách ứng xử khôn ngoan, nhìn xa thấy rộng hay sao?
Mời Bạn: Nhớ rằng khi theo Chúa phải chấp nhận thua để
thắng, mất để được, miễn là thua, mất vì Đức Ki-tô và Tin
Mừng của Người. Phải là người “ghiền” Đức Ki-tô, say mê yêu mến Người với tất
cả con tim, bạn mới dám mạnh dạn xác tín như vậy.
Chia sẻ: Tôi có can đảm chấp nhận “mất để được” như
Chúa dạy không?
Sống Lời Chúa: Tập chịu mất một thú vui không lành mạnh để
được Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa
cho chúng con thấy đi theo làm môn đệ Chúa không thể là chuyện nửa vời. Xin cho
chúng con vui lòng chịu mất tất cả, nhất là mất cái tôi ích kỷ, để chúng con có
được niềm vui, an bình thật sự khi sống trọn vẹn cho Chúa. Amen.
18/02/17 THỨ
BẢY TUẦN 6 TN
Mc 9,2-13
Ở LẠI VỚI CHÚA
Ông Phê-rô
thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con
xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Mô-sê một cái và ông Ê-li-a một cái.” (Mc 9,5)
Suy niệm: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an vừa hãi hùng vừa
quá đỗi hân hoan khi được chứng kiến cảnh Chúa Giê-su biến hình và đàm đạo với
Môi-sen, Ê-li-a. Vượt qua nỗi sợ hãi vì thấy vinh quang Thiên Chúa, các ông cảm
thấy hạnh phúc bởi được ở gần và nhận biết rõ thầy mình. Chính kinh nghiệm quý
báu này đã nâng đỡ, động viên các ngài trong đời sống rất nhiều. Các ông muốn sống
mãi giây phút này, muốn được kinh nghiệm như Mô-sê từng trải qua trong Lều Hội
Ngộ khi đàm đạo với Thiên Chúa (Xh 33,9). Niềm vui và lòng ao ước sống gần Chúa
phát sinh trong các ông sáng kiến dựng lều để giữ Chúa ở luôn với các ông.
Nhưng, ơn cứu độ không dành riêng cho các ông hay một dân tộc nào, mà cho tất
cả. Các ông không thể giữ riêng Chúa cho mình. Vì thế, Chúa Giê-su dẫn các ông
xuống núi, để như các ông, mọi người cũng được gần gũi và trò chuyện với Ngài.
Nói cách khác, Chúa Giê-su đã xuống núi để dựng lều và ở lại với mọi người.
Mời Bạn: Tâm tình mến Chúa sau khi rước Chúa hoặc cầu
nguyện là động lực giúp bạn thêm hăng hái truyền giáo. Chúa Giê-su mời bạn đồng
hành với Ngài trong hành trình truyền giáo.
Chia sẻ: Làm thế nào để ở lại trong Chúa?
Sống Lời Chúa: Nhắc lại lời Chúa sau đây nhiều lần trong
ngày, “Lạy Thầy, chúng con ở
đây, thật là hay,” để luôn
biết sống giây phút hiện tại với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, được ở lại
bên Chúa là điều con hằng mơ ước. Xin cho con nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh.
19/02/17 CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – A
Mt 5,38-48
LUẬT BAO DUNG CỦA CHÚA
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng
loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu
nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,43-44)
Suy niệm: Báo chí mới đưa tin một vụ án mạng kinh
hoàng vừa xảy ra, lập tức hàng trăm, có khi hàng ngàn “còm sĩ” anh hùng bàn
phím lao lên mạng “ném đá” đòi xử thật nặng; có người còn tiếc rẻ vì hung thủ
chưa đủ 18 tuổi để lãnh án tử hình. Đành rằng tội phạm thì phải xét xử theo
pháp luật đúng người đúng tội, thế nhưng hiện tượng trên đây tố giác rằng vẫn
tồn tại trong con người thời nay một não trạng bất nhẫn và bất khoan dung đối
với đồng loại. Luật Mô-sê được kể là khá khoan dung: trong một xã hội mà người
ta đòi trả thù gấp 7 lần (St 4,15) thì Luật chỉ đòi “mắt đền răng”. Nhưng như thế vẫn còn là lạc hậu so
với luật Tân Ước của Chúa Ki-tô. Ngài dạy “yêu
kẻ thù” và “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi
anh em”. Có như thế, chúng ta
mới trở nên hoàn thiện giống như Cha chúng ta là Thiên Chúa, Đấng ngự trên
trời.
Mời Bạn: Lấy oán báo oán chỉ khơi sâu thêm vực thẳm hận thù. Chỉ có tình
yêu mới có thể lấp đầy “hố tử thần” của hận thù đó. Lý thuyết là như vậy, các
nhà hiền triết, các vị sáng lập các tôn giáo đều đồng ý như thế. Thế nhưng tội
ác loài người quá lớn, sự thù hận đã ăn rễ quá sâu trong con tim con người, nên
chỉ có tình yêu vô cùng lớn của Thiên Chúa và cái chết của Đức Ki-tô, vị Thiên
Chúa làm người, mới đủ sức đền bù mọi thứ oán thù đó.
Sống Lời Chúa: Kết hợp với Chúa Ki-tô luôn tha thứ cho kẻ
xúc phạm bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã tha thứ tội nợ của
chúng con, chúng con cũng tha cho kẻ xúc phạm chúng con.
20/02/17 THỨ
HAI TUẦN 7 TN
Mc 9,14-29
XIN BAN THÊM
LÒNG TIN
Chúa Giê-su
nói với cha đứa bé: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể, đối với
người tin”. Lập tức, ông kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu
kém của tôi!” (Mc 9,23-24)
Suy niệm: Nhà bác học Pascal nói rằng: “Để có niềm tin, con người phải quỳ gối
cầu xin.” Người cha của đứa
bé bị kinh phong quả thật đã quỳ gối cầu xin, chẳng những xin cho con mình được
khỏi bệnh, nhưng còn xin được thêm lòng tin. Trước khi cử hành bí tích Thánh
tẩy, linh mục hỏi: “Con xin gì cùng Hội Thánh?” Chúng ta hay người đỡ đầu và
cha mẹ đã trả lời: “Thưa con xin đức tin”. Thế nhưng, qua bao năm tháng, ta
thấy hình như đức tin của mình vẫn nhạt nhoà, vẫn mơ hồ, vẫn còn yếu kém! Rất
nhiều anh chị em đã nói: “Con thấy đức tin của mình yếu quá!” Câu trả lời thật
đơn giản: Để có niềm tin, để đức tin mạnh hơn, phải quỳ gối cầu xin, nghĩa là
phải siêng năng cầu nguyện, gặp gỡ tiếp xúc với Chúa mỗi ngày.
Mời Bạn nghiêm túc xét xem bạn đã tin vào Chúa như thế
nào? Những lo toan công ăn việc làm, tình cảm, thú vui trần thế... có làm bạn
xao lãng việc quỳ gối cầu nguyện mỗi ngày không?
Chia sẻ: Tôi đã làm gì để niềm tin vào Chúa ngày càng
mạnh mẽ hơn?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm trung thành dành ít nhất 5 phút mỗi
ngày để đọc và cầu nguyện với Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con
thấy mình không có giờ để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. Thật ra, mỗi ngày
chúng con đã bỏ phí biết bao giây phút có thể gặp Chúa: khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư… Xin cho chúng con yêu mến Chúa hơn và tận dụng mọi giây
phút để gặp Chúa, nhất là những giây phút cuối ngày. (Delbrel)
21/02/17 THỨ
BA TUẦN 7 TN
Th. Phê-rô
Đa-mi-a-nô, gm, tiến sĩ HT Mc 9,30-37
MUỐN LÀM LỚN,
HÃY PHỤC VỤ
“Ai muốn làm
người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”(Mc 9,35)
Suy niệm: Chúa Giê-su muốn làm một cuộc cách mạng triệt
để và cũng khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại: thay đổi não trạng và cách
ứng xử thông thường của thế gian là ai làm lớn thì phải được phục vụ. Phục vụ
hay được phục vụ cho thấy người lãnh đạo thật sự là loại người nào. Người độc
tài, độc đoán không muốn phục vụ ai, chỉ muốn mọi người phải phục vụ mình; còn
người mục tử thì luôn sẵn sàng phục vụ đàn chiên, vì ý thức rằng nếu không phục
vụ chiên, vai trò mục tử trở nên lạc lõng, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Hơn
thế nữa, phục vụ cấp dưới, người kém hơn mình không hề là hèn kém, nhưng trái
lại, nói lên sự khiêm tốn và tình thương vô vị lợi, là hai phẩm chất đủ bày tỏ
sự cao cả của người lãnh đạo cộng đoàn.
Mời Bạn: Khi phục vụ người dưới mình bạn vui hay buồn?
Nếu vui, bạn đã tìm được ý nghĩa đích thực của công việc mình đang làm, cũng
như đang sống đúng vai trò người làm lớn trong Nước Trời. Nếu buồn hay không vui
lắm, bạn đang đi xa hay đi hướng ngược lại con đường trở thành người lãnh đạo
mẫu mực theo gương Chúa Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Hãy tập khiêm tốn cúi xuống: cúi xuống rửa
chân, cúi xuống nâng đỡ, cúi xuống băng bó những vết thương của người anh em
như Chúa đã nêu gương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa
dạy con muốn làm lớn trong Nước Trời thì phải làm người rốt hết và khiêm tốn
phục vụ người anh em. Xin cho con vui vẻ đóng vai người rốt hết trong anh chị
em để dễ dàng phục vụ mọi người. Amen.
22/02/17 THỨ
TƯ TUẦN 7 TN
Lập Tông Tòa
Thánh Phê-rô Mt 16,13-19
XÂY TRÊN NIỀM
TIN
Ông Phê-rô
thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông:
“Anh thật là người có phúc... Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá
này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,16-18)
Suy niệm: Khi xây nhà, yếu tố người ta quan tâm hàng đầu
là tính bền vững: phải chịu được nắng mưa, chống đỡ nổi các tác động từ bên
ngoài và có thể đứng vững với thời gian. Vì thế, người khôn thường chọn xây nhà
trên đá (Mt 7,24). Để xây toà nhà Hội Thánh, Chúa Ki-tô cũng chọn “nền đá” là
thánh Phê-rô, một nền tảng vững chắc không do khí huyết con người, nhưng nhờ
tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Bởi theo lời Ngài dạy, ai tin vào
Ngài, người đó chẳng những làm được những việc Ngài làm, mà còn làm được những
việc lớn lao hơn nữa (Ga 14,12).
Mời Bạn: Nếu tòa nhà Hội Thánh được xây trên niềm tin,
thì các bộ phận cũng cần niềm tin để kết dính. Nhưng tin không phải do khả năng
vốn có của khí huyết con người, mà do ánh sáng mặc khải đến từ Chúa Cha. Vì
thế, chúng ta cần mở lòng để đón nhận, bởi “gió
muốn thổi đâu thì thổi” (Ga
3,8).
Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm về những lần được tác động bởi Thần Khí.
Sống Lời Chúa:
Dành những phút cuối ngày để
lắng đọng trong tĩnh nguyện hầu nghe được tiếng nói của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa
hứa rằng Hội Thánh của Chúa sẽ đứng vững trước sự công phá của quyền lực tử
thần. Xin cho chúng con vững tin vào lời Chúa hứa, để dù qua cảnh thăng trầm
hay bất cứ thử thách nào, chúng con vẫn một lòng gắn bó với Hội Thánh. Bởi
trong Hội Thánh, chúng con tìm được ơn cứu độ muôn đời. Amen.
23/02/17 THỨ
NĂM TUẦN 7 TN
Th. Pô-li-cáp,
giám mục, tử đạo Mc 9,41-50
KHỐN CHO KẺ
LÀM GƯƠNG XẤU
“Ai làm cớ cho
một trong những kẻ bé
mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống
biển còn hơn.” (Mc 9,42)
Suy niệm: Trẻ nhỏ giống như mầm non mới mọc, lộc chồi
mới nhú. Thật tinh khiết đến độ gần như linh thánh, và cũng thật nhạy cảm và
rất dễ bị tổn thương bởi những tác động xấu của môi trường. Chúa Giêsu đã lên
án rất nặng với những người làm gương xấu cho trẻ nhỏ - cột cối đá ném xuống biển – vì nó gây tác hại rất lớn
trong đời sống, không những cho chính người đó, người tín hữu khác và nhất là
cho những anh em lương dân đang muốn tìm biết Thiên Chúa. Gương xấu là bản chỉ
dẫn sai đường, là ngọn đèn đã cháy luôn cả tim. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu
dùng lời nói thật nặng nề – móc
mắt, chặt tay, chặt chân – để diễn tả đến thái độ dứt
khoát quyết liệt đến tận cùng đối với gương xấu.
Mời Bạn: Chắc chắn là bạn lên án những người gây gương
mù gương xấu cho người khác, đặc biệt là cho các em nhỏ. Nhưng bạn nên tự vấn
lương tâm có thể cũng có những lúc bạn đã từng trở thành gương xấu cho người
khác.
Sống Lời Chúa: Trước hết, bạn làm gương tốt cho những người
thân trong gia đình bạn bằng cách chu toàn bổn phận của người cha, người mẹ
thật tốt, của người con ngoan, bạn hiền.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhìn đến
gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết
yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ. Xin Chúa hãy đến như ngọn lửa
hồng chiếu sáng đời con để chúng con luôn mang trong tim một ước mơ nóng bỏng
đó là trở thành một tấm gương sáng phản chiếu ngọn lửa tình yêu của Chúa. Amen.
24/02/17 THỨ
SÁU TUẦN 7 TN
Mc 10,1-12
HÔN NHÂN BÍ
TÍCH
“Sự gì Thiên
Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)
Suy niệm: Hôn nhân Công giáo xưa nay vẫn được tiếng tốt,
vì các cặp vợ chồng tín hữu đã nỗ lực sống lòng chung thủy theo luật một vợ một
chồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời đại, nét son ấy đang dần dần bị mai
một. Ở Việt Nam, ta chưa có con số thống kê chính thức, nhưng chắc hẳn tỉ lệ ly
dị của các cặp đôi Công giáo không phải là ít trong thời đại hôm nay. Đó là dấu
chỉ cho thấy người ta mất dần ý thức về sự thánh thiêng của bí tích hôn phối,
cũng như sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân. Thiên Chúa đã
nâng hôn nhân lên hàng bí tích, cho thấy đời sống vợ chồng là chuyện linh
thiêng, cũng như qua đó, ban đặc sủng cho người sống đời gia đình. Thế nhưng,
con người lại thích ra luật hôn nhân riêng cho mình, và vì thế, mới có đổ vỡ,
ly dị, con cái mất cha thiếu mẹ. Cần lắm thay cho sự hiện diện của Thiên Chúa
trong đời sống gia đình!
Mời Bạn: Giáo Hội Việt Nam đề xướng kế hoạch ba năm
chuẩn bị cho hôn nhân và củng cố đời sống gia đình. Bạn có quan tâm, tìm cách
đưa vào đời sống gia đình, giáo xứ, giáo phận không, hay chỉ coi đó là công
việc của các vị chủ chăn chứ chẳng ăn nhập gì đến mình?
Chia sẻ: Bạn làm gì để vượt qua những thách đố trong
bậc sống của mình?
Sống Lời Chúa: Duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình
bằng những giờ cầu nguyện chung với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã có một gia đình như chúng con;
Chúa, Mẹ Ma-ri-a, thánh cả Giu-se đã sống thánh thiện trong gia đình ấy. Xin
cho chúng con luôn biết mời Chúa đến ở cùng, để chúng con cũng được thánh hóa
như Thánh Gia. Amen.
25/02/17 THỨ
BẢY TUẦN 7 TN
Mc 10,13-16
NHẬN LẤY TÌNH THƯƠNG
“Cứ để trẻ em
đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như
chúng.” (Mc 10,14)
Suy niệm: Thời đó, người ta không coi trọng con trẻ, cho
rằng sự hiện diện của trẻ em chỉ thêm quấy rầy người lớn. Vì thế, ta dễ hiểu lý
do tại sao các môn đệ ngăn cấm các em đến với Thầy mình. Thế nhưng, chỉ với bốn
câu ngắn thôi, Tin Mừng hôm nay đã cho ta cảm nhận được tình thương rất thật
của một vị Thiên-Chúa-làm-người dành cho trẻ em: Thầy Giê-su đã “ôm lấy” các em, “đặt tay chúc lành” cho chúng;
Ngài còn lấy trẻ em làm hình mẫu cho việc đón nhận Nước Trời. Qua bài học cụ
thể này, Thầy Giê-su dạy rằng muốn là công dân Nước Trời cao quý, ta phải có
tâm hồn khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng cậy trông với Chúa là Cha như con trẻ.
Ước gì mỗi người chúng ta có thể thốt lên: “Phận
nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” khi
nhận ra các ân huệ của Thiên Chúa ban cho mình trong đời.
Mời bạn đến với Thầy Giê-su! Để kiến tạo mối tương
quan thân thiết giữa một bên là người cảm nhận được tình thương và bên kia,
Đấng trao ban tình thương, mời bạn cũng đưa dẫn đến với Thầy Giê-su những người
mà bạn thương mến và gợi nhắc với họ rằng, họ cũng được Tình Thương ấy đợi chờ.
Bạn cũng đừng quên dẫn trẻ em đến với Thầy Giê-su, dạy cho các em biết mình
được Thiên Chúa yêu thương biết bao!
Sống Lời Chúa – Cầu nguyện với Thánh vịnh 131: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con
chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ
vượt sức chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao
thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui.”
26/02/17 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – A
Mt 6,24-34
LO LẮNG
“Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và
đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
Suy niệm: Làm người, mấy ai mà không có lần than thở: “Một mình lo bảy lo ba”. Đây
không phải là chuyện “lo bò
trắng răng” mà là những nỗi
lo chính đáng, xuất phát từ trách nhiệm của mình: lo cơm ăn áo mặc, lo gia
đình, nhà cửa, sức khỏe, bệnh tật… Thiên Chúa không muốn ta sống vô lo, vô
trách nhiệm, Ngài muốn chúng ta phải biết “lo”: biết tính toán, biết hoạch
định, biết phòng xa để ta cộng tác với Người hoàn thiện thế giới này và góp
phần vào công cuộc cứu độ thế giới. Điều Chúa mong muốn là chúng ta đừng quá lo
lắng về đời sống vật chất, vì chưng, có lo lắng mấy “cũng chẳng kéo dài đời sống mình
thêm được dù chỉ một gang tay;” trái
lại hãy biết sắp xếp mọi sự vào đúng bậc thang giá trị của Nước Trời: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.
Mời Bạn: Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa
đang tỏ mình hoàn toàn cho chúng ta trong tư cách là Thiên Chúa quyền năng và
tràn đầy ân nghĩa, Đấng luôn đón nhận và yêu thương che chở chúng ta trong sự
hiệp thông vào sự sống của chính Người. Với tất cả lòng tin, lòng cậy và lòng
yêu mến, bạn hãy luôn hướng về Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của cuộc
sống để Nước Chúa luôn được tỏ hiện.
Sống Lời Chúa: Nhận biết và làm theo ý Chúa trong
hiện tại của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó thác đời con trong
tay Chúa và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, xin Chúa Giêsu đưa con vào
trong tình yêu của Chúa Cha. Amen.
Mc 10,17-27
MỐI ƯU TƯ CHÍNH ĐÁNG
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để
được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17)
Suy niệm: Dù đủ điều kiện để vui hưởng một cuộc sống
sung túc, tốt lành, nhưng người thanh niên này vẫn cứ băn khoăn về cuộc sống
đời đời. Chỉ nguyên nỗi ưu tư ấy đã là điểm son cho hành trình làm người của
anh, bởi thông thường ít ai nghĩ đến cuộc sống đời đời ấy trong khi thủ đắc
ngần ấy những tiêu chí thành đạt cho cuộc sống trần thế. Ai là người có đủ khả
năng giải đáp cho ưu tư của anh? Anh đã may mắn gặp được Đức Giê-su, Người Thầy
sẽ chỉ dẫn anh phương cách đưa đến sự sống đời đời. Tiếc thay anh bỏ cuộc vì
chính sự sung túc của mình! Mối ưu tư của anh ban đầu là chính đáng và hợp lý,
nhưng anh không đủ dũng khí sử dụng đến cùng phương tiện đưa đến mục tiêu sự
sống đời đời ấy. Rồi đây anh cứ phải mãi ưu tư về sự sống đời đời của mình cùng
với đống của cải trước mắt.
Mời Bạn: Muốn được sự sống đời đời thì cũng phải
chấp nhận phương thế để đạt được nó: Tuy nhiên, từ bỏ của cải vật chất để sống
tinh thần siêu thoát, sử dụng của cải ấy để mua lấy Nước Trời là việc chẳng dễ
dàng chút nào. Với sức riêng, ta khó cưỡng lại sức lôi cuốn của tiền bạc của
cải. Thế nhưng, với ơn Chúa nâng đỡ, mọi sự đều có thể.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày tôi sẽ suy niệm câu Lời Chúa: “Vì được cả thế giới mà thiệt mất
mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc
8,36)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con của
cải vật chất để con sử dụng hằng ngày. Xin ban cho con biết sử dụng của cải
mình đang có - vật chất cũng như tinh thần - để giúp đỡ anh chị em bên cạnh
đang cần tới sự cho đi của con. Amen.
28/02/17 THỨ BA TUẦN 8 TN
Mc 10,28-31
PHẦN THƯỞNG LỚN NHẤT
“Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em,
cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời
này, lại không nhận được… gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu
ở đời sau.” (Mc 10,29-30)
Suy niệm: Để tăng sức mua, các nhà doanh nghiệp vẫn tổ chức trúng thưởng. Giải
thưởng, dù lớn dù nhỏ, luôn là món hàng hấp dẫn những “thượng đế” của thời đại.
Ngoài những loại giải thưởng có tính may rủi ấy, còn có thứ phần thưởng đòi
phải nỗ lực mới đạt được còn hấp dẫn hơn, dù đó chỉ là một lời khen, hay một
món quà lưu niệm… Đức Giê-su cũng hứa ban phần thưởng cho ai bỏ mọi sự theo
Ngài. Khác một điều là phần thưởng của Ngài vừa ở đời này vừa ở đời sau, là
niềm vui tinh thần vô hạn nhưng cũng kèm theo bị ngược đãi bách hại. Và dĩ
nhiên, phần thưởng lớn nhất, vượt xa mọi phần thưởng là chính Ngài.
Mời Bạn: Nhớ rằng bạn đang đi theo Đức Giê-su, bạn
có nhận ra phần thưởng vô giá mà Ngài dành cho bạn không? Kèm theo phần thưởng
là giá phải trả, bạn có chấp nhận giá đắt mất mát, bị ngược đãi không? Tôi có
nhắm tới phần thưởng cao quý nhất là chính Chúa hay tôi còn đang tìm kiếm phần
thưởng nào khác: tiền bạc, danh vọng, tiếng khen?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi sẽ nhìn lại mình, xem tôi đang
theo Chúa hay theo các thần tượng khác; và tôi quyết tâm theo Chúa cách triệt
để hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới đề cao
quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say
mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương và tự hiến. Giữa một
thế giới đầy phe phái và chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm
và coi mọi người như anh em. Amen.
Kinh Gia Đình
Lạy Chúa là Cha chúng con,
chúng con tin thật Chúa là Đấng dựng nên mọi sự và hằng thương yêu săn sóc mọi
loài. Xin Chúa nhận lời gia đình chúng con cầu nguyện. Chúa đã muốn chúng con
làm thành một gia đình công giáo, một cộng đoàn yêu thương, để làm bằng chứng
tình thương của Chúa đối với mọi gia đình. Xin Chúa cho mọi người trong gia
đình chúng con sốt sắng thờ phượng kính mến Chúa và hết lòng hòa thuận thương
yêu nhau. Xin Chúa cho chúng con nhiệt thành sống Đức Tin, hôm sớm cầu nguyện
chung với nhau, làm cho gia đình trở thành đền thờ sống động của Chúa, siêng
năng tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, chuyên cần học hỏi lời Chúa và đem ra thực
hành.
Trong khi mọi người
chúng con vất vả làm việc, cũng như lúc gia đình gặp vui mừng hoặc gặp thử
thách, xin Chúa cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng. Đối
với mọi gia đình chung quanh xin Chúa cho chúng con biết thật tình yêu mến, sẵn
sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần, nhất là chia sẻ Tin Mừng tình thương
của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con xin
dâng gia đình chúng con cho Chúa. Chúng con nguyện sống theo gương Thánh Gia
Thất mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho mọi người trong gia đình chúng con, có
mặt cũng như vắng mặt, còn sống hay đã qua đời. Hầu bây giờ chúng con trở nên
ánh sáng tình thương của Chúa, và ngày sau được phúc sum họp với Chúa muôn đời.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét