Xã hội thời
hiện đại tạo ra rất nhiều điều thuận lợi cho cuộc sống của con người, nhưng nó
cũng gây nên biết bao những thách đố khiến gia đình bị rạn nứt và đổ vỡ trong
các mối tương quan. Người ta có thể nhận ra được điều này qua các con số thống
kê. Thật vậy, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng chóng mặt. Nếu năm 2000
chỉ có 51.361 vụ, thì đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ. Trong số
những trường hợp ly hôn này, người ta nhận thấy rằng số năm sống trước khi ly
hôn của các cặp vợ chồng ngày một giảm. Nếu như ở các thành phố lớn số năm sống
trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, thì ở ở các khu
vực nội thành của các thành phố lớn chỉ 8 năm. Hệ quả của các cuộc ly hôn là số
trẻ em bị bỏ rơi cũng tăng, riêng ở TP.HCM, các số liệu thống kê xã hội học cho
thấy mỗi năm có hơn 50.000 trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau. Ngoài ra,
tỷ lệ trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm cũng tăng lên không ngừng…
Vậy đâu là
những thách đố đã gây nên những vấn nạn vừa nói cho đời sống hôn nhân gia đình
của người trẻ?
Thiết tưởng
khi đi tìm những thách đố đối với các gia đình nói chung và gia đình Công Giáo
nói riêng, chúng ta không thể nào liệt kê hết được vì chúng rất đang dạng và
phức tạp. Thế nên, trong bài dưới đây, người viết chỉ nêu ra vắn gọn mười thách
đố căn bản.
01. THAY ĐỔI
VỀ MÔI TRƯỜNG SỐNG: Các thế hệ tiền nhân, là ông bà, cha mẹ chúng ta, bao đời
đã quen sống với văn hóa làng xã. Với nền văn hóa này, mọi người thấy mình được
bao bọc trong thuần phong mỹ tục từ trong gia đình cho đến ngoài làng xã.Vì
thế, cái “ngoại lai” rất khó xâm nhập. Nhưng nay, bối cảnh đã khác rất nhiều,
vẫn trên mảnh đất mà các thế hệ tiền nhân đã sống, rất nhiều cái “ngoại lai” đã
xâm nhập vào khiến môi trường sống bị “ô nhiễm”, ví dụ như lô đề, mãi dâm, ma
túy, trò chơi điện tử – “game”,cách hành xử dùng bạo lực, buôn lậu, ngoại tình,
nạo phá thai, cá độ, cờ bạc, rượu chè, đua xe…
02. THAY ĐỔI
VỀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM: ngày xưa, đa số mọi thành viên trong gia đình đều làm
chung một nghề, ví dụ như làm nông nghiệp, làm gia công, làm các việc tại gia
đình. Việc làm chung này tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia
đình chia sẻ công việc cho nhau, đặc biệt hơn là họ có thể dễ dàng sắp xếp thời
gian chung cho các sinh hoạt trong gia đình, ví dụ như ăn cơm chung, đọc kinh,
cầu nguyện chung, đi lễ chung, vui chơi chung… Ngày nay thì khác, mỗi người
trong gia đình làm một nghề khác nhau. Giờ làm việc nhiều khi ngược nhau: chồng làm ca đêm, vợ làm ca ngày. Vì thế họ
hầu như họ không có những sinh hoạt chung trong gia đình. Gia đình giờ đây chỉ
còn là quán trọ. Nơi ấy được họ sử dụng để nạp năng lượng và nghỉ ngơi, dưỡng
sức để tiếp tục việc làm ăn.
03. KHÔNG CÓ
THỜI GIAN DÀNH CHO NHAU: Chính những khác biệt về nghề nghiệp đã khiến các
thành viên trong gia đình không có thời gian dành cho nhau. Vì thế họ ít cảm
nhận được tình thân thương, ấm áp nơi gia đình. Bên cạnh đó còn có một lý do
khác nữa là họ bị nô lệ hóa cho những phương tiện hiện đại của truyền thông:
như các chương trình giải trí hấp dẫn trên truyền hình, những trò tiêu khiển
trên internet, hoặc tán gẫu với bạn bè qua điện thoại di động, hoặc các trang
mạng xã hội….Họ có thế bỏ ra hàng giờ để thưởng thức và sử dụng những phương
tiện đó, nhưng nhiều khi không có giờ để tâm sự, trò chuyện hay bàn bạc những
vấn đề khúc mắc trong gia đình với các thành viên khác.
04. THAY ĐỔI
VỀ QUAN NIỆM SỐNG: Trước kia, quan niệm sống chủ đạo là “ăn no mặc ấm”. Quan
niệm sống này xuất phát từ nhu cầu tồn tại. Nhu cầu tồn tại thì dễ đáp ứng hơn,
và ít thay đổi. Còn nay, quan niệm sống
chủ đạo là “ăn ngon mặc đẹp”. Quan niệm sống này xuất phát từ nhu cầu hưởng
thụ. Nhu cầu hưởng thụ thì luôn phải thay đổi. Không những thế nhu cầu này
không chỉ dừng lại ở chuyện ăn, nhưng còn là nhu cầu sở hữu các đồ vật khác như
điện thoại xịn, xe xịn, đồng hồ xịn…. Một khi quan niệm sống này được mọi người
sùng bái cách thái quá thì giá trị của con người được thẩm định cách sai lệch:
Ai càng sở hữu đồ mới và xịn sẽ được xem là người có giá trị cao, là sành điệu.
Hệ quả là người ta phải luôn sống trong tình trạng “chạy đua” để sở hữu bằng
được cái mới và xịn.
05. THAY ĐỔI
VỀ NHU CẦU CUỘC SỐNG: Ngày xưa nhu cầu cuộc sống thật đơn xơ, nhiều khi người
ta đến với nhau không phải bằng món quà vật chất quý giá, cũng không phải nhằm
được thết đãi những món ăn cao sang mỹ vị, mà chỉ bằng một tấm lòng với một tấm
lòng. Ngày nay thì khác, nhu cầu sống quá nhiều. Người ta mong ước sống tiện
nghi bao nhiêu có thể. Người ta cứ nghĩ rằng cuộc sống sẽ là hạnh phúc hơn nếu
được sống một cuộc sống có nhiều tiện nghi hơn.
06. THAY ĐỔI
TRONG TRẬT TỰ GIA ĐÌNH: Ngày xưa đa phần người cha và người chồng trong gia
đình là người gánh vác và điều khiển công việc làm ăn trong gia đình. Người
vợ ở nhà lo cho con cái và gia đình được
tươm tất. Ngày nay cả hai vợ chồng đều
đi làm. Mọi vấn đề trong gia đình được chia đều cho cả hai. Bên cạnh đó, việc
hiểu sai về khái niệm bình đẳng (bình đẳng được hiểu như là cào bằng) đã làm
cho gia đình không còn giữ được tính tôn ty, trật tự. Những thành viên trong
gia đình không còn biết sống khiêm tốn, sống tôn trọng thành viên khác, sống
đúng vị trí và vai trò của mình.
07. THAY ĐỔI
VỀ KHẢ NĂNG TƯƠNG GIAO XÃ HỘI: Ngày xưa, đa phần các mối tương giao chỉ ở trong
thôn, xóm, làng. Ngày nay, người ta có thể tương giao với bất cứ ai và bất cứ
nơi nào trên thế giới. Người ta làm được
điều này là nhờ sự phát triển của phương tiện giao thông và các phương tiện
nghe, nhìn hiện đại. Việc mở rộng các mối tương giao cho phép người ta có nhiều
khả năng chọn lựa những ai mà người ta cảm thấy hợp với mình. Mặt trái của việc
chọn lựa này làm cho người ta ít có khả năng chịu đựng lẫn nhau (nhất là những
khi xảy ra xung đột giữa các thành viên trong gia đình). Do vậy, người ta dễ bỏ
nhau hơn.
08. THAY ĐỔI
NƠI SINH SỐNG: Ngày xưa, đa phần việc dịch chuyển nơi sinh sống chỉ là dọn ra ở
riêng ở một nhà khác, nhưng vẫn sống trong một làng. Các thành viên của gia
đình mới vẫn được bao bọc trong cùng một văn hóa, trong thuần phong mỹ tục của
gia đình, làng xã. Ngày nay thì khác, nhiều bạn trẻ thoát ly gia đình từ rất
sớm để học hành, hoặc làm ăn. Sau đó họ lập gia đình với nhau, vì kế sinh nhai
họ đành phải ở các nơi xa lạ để sinh sống. Nơi ấy có rất nhiều sự khác biệt về
văn hóa, tôn giáo. Hệ quả, việc dịch chuyển này gây nên nhiều xáo trộn trong
gia đình. Một hiện tượng khác nữa là, có những gia đình không phải di chuyển cả
tất cả mọi thành viên đến sống ở một nơi xa lạ, nhưng vợ hay chồng phải đi làm
ở một nơi xa, thậm chí ở nước ngoài. Điều này tạo nên sự thuận lợi hơn về mặt
kinh tế cho gia đình, nhưng lại tạo ra một sự thiệt thòi về đời sống tình cảm
giữa vợ, chồng và con cái, vì họ phải sống xa cách nhau trong thời gian rất
dài. Sự thiệt thòi này nhiều khi không thể bù đắp bằng các giá trị vật chất.
Một thực trạng
khác nữa là các bạn trẻ, nhờ những mối tương quan rộng, đã lập gia đình với
những người rất khác biệt với nền văn hóa vốn có của mình. Điều này đòi hỏi họ
phải rất nỗ lực rất nhiều trong việc hội nhập, nếu không sẽ có rất nhiều xung
đột sẽ xảy ra.
09. SỐNG THẾ
GIỚI ẢO: Các phương tiện điện tử hiện đại giúp con có nhiều trò giải trí hoặc
người liên đới, thông tri với nhau cách dễ dàng, nhưng khi chúng ta lạm dụng
nó, chúng ta phải lãnh hậu quả là mất khả năng tương giao trực tiếp giữa người
với người. Có rất nhiều em thiếu nhi bỏ quên gia đình, quên việc học, hằng ngày
chỉ miệt mài với trò chơi điện tử- game. Có nhiều bạn trẻ chỉ mải mê với các
thông tin trên internet nhằm thỏa mãn trí tò mò, hoặc mong cho được nhiều người
để ý đến trang mạng của mình (mong nhiều người ấn nút like-thích). Chúng ta có
thể gặp tình trạng này hầu như ở khắp mọi nơi đặc biệt ở những nơi công cộng
như trường học, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trên xe buýt.. . Trong khi đó các
bạn lại rất ngại nói chuyện với người khác thậm chí ngay với người thân của
mình. Tệ hơn nữa có nhiều em bồng bột đã kết thân với những người nặc danh, lạ
mặt và bỏ nhà ra đi theo họ ngay khi tuổi đời còn rất trẻ.
10. SỐNG GẤP:
Ngày nay nhiều người làm công ăn lương dường như không còn làm chủ được thì giờ
làm của mình. Các nhà máy, xí nghiệp đua nhau đạt năng xuất tối đa, nhằm mang
lại khoản lợi nhuận kếch xù. Vì thế, họ bắt những người làm công phải làm việc
tăng ca nhiều. Điều này khiến những người công nhân luôn sống trong trạng thái
vội vã, mệt mỏi: “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Bên cạnh đó người ta cũng bắt đầu làm quen
với nếp sống “mì ăn liền”- đòi hỏi là phải có ngay. Điều này gây cho con người
mất đi đức tính kiên nhẫn. Người ta không còn đủ chín chắn cho những phân định
và quyết định của mình. Thái độ sống “mì ăn liền” nhiều khi khiến con người không còn đủ trân
trọng những gì mình có nữa.
Có lẽ bất kỳ
một người trẻ nào đang và sẽ sống đời hôn nhân gia đình, chắc hẳn phần nào cảm
nghiệm những thách đố vừa nêu trên.
Về phần mình,
Giáo Hội Công Giáo cũng nhận diện được những thách đố này của những người trẻ sống
đời hôn nhân. Vì thế trong Thư Chung Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Gửi Cộng
Đồng Dân Chúa, Sau Đại Hội Lần Thứ XIII (Năm 2016), các Giám Mục cũng đề ghị
chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm:
– NĂM
2016-2017: CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN.
– NĂM
2017-2018: ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ
– NĂM
2018-2019: ĐỒNG HÀNH VỚI NHỮNG GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN.
Ước mong với
sự đồng hành của Giáo Hội, những bạn trẻ sẽ và đang sống đời hôn nhân gia đình
biết cách để khắc phục những thách đố, và tìm ra được những phương thế thích
hợp để bảo và thăng tiến mọi thành viên trong gia đình, được hưởng một cuộc
sống yên bình, hạnh phúc.
Phao-lô
Nguyễn Văn Chí, S.J
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét