Là những Giáo Hội Kitô giáo, chúng ta có
nước hằng sống, thứ nước mà Chúa Kitô đã hứa là dập hết mọi ngọn lửa và giải
hết mọi cơn khát. Nhưng vấn đề là: Chúng
ta không đem nước hằng sống đến nơi đang bùng lửa. Chúng ta cứ rảy nước lung
tung đủ mọi nơi, ngoại trừ nơi đang bốc cháy!
Chẳng còn gì
giấu diếm về việc sụt giảm trầm trọng số người đi lễ nhà thờ. Hơn nữa, sự sụt
giảm đang diễn ra trong Giáo Hội không song song với sự lan tràn của chủ nghĩa
vô thần và thuyết bất khả tri. Chính xác thì, ngày càng nhiều người nhận mình
có đời sống tâm linh nhưng không theo tôn giáo, đầy đức tin nhưng không đến nhà
thờ. Tại sao lại có cuộc đào thoát lớn
này trong các Giáo hội?
Nội bộ các
nhóm tôn giáo có khuynh hướng đổ lỗi chuyện này lên chủ nghĩa thế tục. Nhiều
người lập luận rằng, văn hóa thế tục có lẽ là thứ thuốc phiện mạnh nhất từng
hoành hành trên địa cầu này, nó vừa tốt vừa xấu. Nó nuốt chửng chúng ta trong
những hứa hẹn đầy cám dỗ về thiên đàng ngay đời này. Trong thế giới thế tục
hóa, mưu cầu một cuộc sống sung túc đơn giản gần như cuốn bay tất cả mọi khát
khao tôn giáo thâm sâu hơn. Điều đáng chú ý vì đây cũng là điểm chính mà các
nhóm Hồi giáo cực đoan phê phán nền văn hóa Tây phương. Với họ, đây là thứ
thuốc phiện, một khi đã uống vào, thì vô phương cứu chữa. Đó là lý do vì sao họ
muốn giữ giới trẻ tránh xa ảnh hưởng Tây phương.
Nhưng liệu
điều này có đúng không? Văn hóa thế tục là kẻ địch ư? Liệu chúng ta, những
người đi nhà thờ, có phải là dấu tích đích thực cuối cùng của Thiên Chúa và
chân lý còn tồn tại, những người ngôn sứ và bị loại ra ngoài rìa của một xã hội
nông cạn, không tôn giáo, và vô đạo?
Nhiều người, kể cả tôi, sẽ cho rằng lập luận này đi quá xa, quá đơn
giản. Xã hội thế tục, có thể nông cạn, không tôn giáo, vô đạo, và có đủ bằng
chứng để nói như thế, nhưng, bên dưới sự nông cạn và sự dị ứng bản chất của nó
với các Giáo hội, là một khao khát tôn giáo thực sự vẫn đang âm ỉ cháy, và các
Giáo Hội phải tự hỏi mình:
* Tại
sao không còn nhiều người tìm đến chúng ta khi họ đối diện với các khao khát
tôn giáo của họ?
* Tại
sao quá nhiều người tìm đường thiêng liêng không có hứng thú nhìn về những gì
Giáo Hội đang mời gọi?
* Tại
sao, thay vào đó, họ lại hướng về mọi sự, ngoại trừ Giáo hội?
* Tại
sao, quả thật, có quá nhiều người mang thái độ này: “Giáo Hội chẳng làm gì mời
gọi tôi: Tôi thấy nó chán ngán, không phù hợp, cứ luẩn quẩn với những chuyện
nhỏ nhặt của mình, và chẳng chút hy vọng gì có thể bắt nhịp với cuộc sống của
tôi cả”.
Chắc chắn, chủ
nghĩa thế tục, phần nào có lỗi, nhưng chính các Giáo Hội chúng ta cũng có lỗi.
Có câu châm ngôn rằng: Tất cả mọi chủ
nghĩa vô thần là một ký sinh trên chủ nghĩa hữu thần tồi tệ. Lập luận này
cũng đúng khi bàn về các thái độ người ta dành cho Giáo Hội: Các thái độ xấu
nhắm đến Giáo Hội, được nuôi dưỡng, bởi những việc làm xấu của Giáo Hội.
Học giả Do
Thái lừng danh, giáo sĩ Abraham Joshua
Heschel, hẳn cũng đồng ý như thế. Trong quyển sách Thiên Chúa Tìm kiếm Con
người (God In Search of Man), của
mình, ông viết: “Việc đổ lỗi cho khoa học
thế tục và triết học phản tôn giáo về sự lu mờ của tôn giáo trong xã hội hiện
đại, đã thành một lề thói. Phải thành thật mà nhận, chính tôn giáo có lỗi cho
thất bại của mình. Tôn giáo suy thoái, không phải vì bị bắt bẻ, nhưng là vì nó
trở nên không phù hợp, ù lì, ngột ngạt, và vô vị. Khi đức tin hoàn toàn bị thay
thế bởi tín lý, thờ phượng theo quy chuẩn, yêu thương theo thói quen, khi cuộc
khủng hoảng thời nay bị lờ đi vì ánh hào quang quá khứ, khi đức tin trở thành
của gia truyền thay vì suối nguồn sống động, khi tôn giáo chỉ lên tiếng bằng
thẩm quyền thay vì tiếng nói say mê, thì lúc đó, thông điệp của tôn giáo trở
nên vô nghĩa”.
Tiểu thuyết
gia Marilynne Robinson, người tận
tâm và đồng cảm sâu sắc với Giáo Hội, cũng đồng ý với Heschel. Với bà, trong
Giáo Hội ngày nay, chúng ta không tỏa ra sự vô biên của Thiên Chúa và mầu nhiệm
lớn hơn Giáo Hội chính là Chúa Kitô. Thay vào đó, chúng ta, dù có thiện ý, quá
gò bó mầu nhiệm Chúa Kitô vào trong tinh thần co cụm, phẫn uất, sợ hãi, và tự
vệ. Đây là một trong những nguyên do chính khiến chúng ta bị cho ra rìa. Bà cho
rằng, Kitô giáo “là một trình thuật quá
vĩ đại nên không thể bị hạ giá phục vụ cho bất kỳ lợi ích hạn hẹp nào, hay được
bảo đảm bởi bất kỳ truyện kể kém cỏi hơn nào”. Bà tin rằng, chính thái độ hẹp
hòi của chúng ta đã bôi xấu thông điệp Kitô giáo và khiến cho Giáo Hội, vì
những lý do chính đáng, bị loại ra ngoài rìa: “Một tinh thần Kitô giáo mất phẩm
chất, ngu dân và bài ngoại đã đóng lại con đường đến với Giáo Hội của nhiều
người”. Bà cho rằng, đổ lỗi cho thế gian về các vấn đề của chúng ta, chẳng có
ích gì để khiến cho thế giới tôn trọng tôn giáo và tôn trọng Kitô giáo cả. Sự
sút giảm số lượng người đi nhà thờ, phần lớn là do lỗi của chúng ta, vì chúng
ta quá thường không thể hiện được một Giáo Hội với vòng tay ôm đầy cảm thương,
và chúng ta không thực sự xác định được những sinh lực thật sự đang bừng bừng
bên trong con người. Với Robinson, thế giới thế tục, tự bản chất, không vô tôn
giáo. Nhưng nó thấy Giáo Hội chúng ta thật tự quy, không thông hiểu, và không
đồng cảm với các khát khao, các thương tích, và nhu cầu của thế giới này. Và do
đó, thách thức của thế giới thế tục đối với chúng ta, những người đi nhà thờ
là: “Tất cả những ai tự nhận mình là Kitô hữu, bất kỳ tổ chức nào nhận mình là
Giáo Hội, phải có trách nhiệm, giữ giá trị cho đức tin, ít nhất là đừng ngăn
trở hay bôi nhọ đức tin. Biến Thiên Chúa thành một thần riêng, thành một thần
Baal riêng, chính là ngăn trở và bôi nhọ”.
Vài năm về
trước, tôi có nghe một mục sự phái Phúc âm trình bày vấn đề này như sau: Là những Giáo Hội Kitô giáo, chúng ta có
nước hằng sống, thứ nước mà Chúa Kitô đã hứa là dập hết mọi ngọn lửa và giải
hết mọi cơn khát. Nhưng vấn đề là: Chúng ta không đem nước hằng sống đến nơi
đang bùng lửa. Chúng ta cứ rảy nước lung tung đủ mọi nơi, ngoại trừ nơi đang
bốc cháy!
Ông ấy đã nói đúng. Để trả lời cho cuộc
đại đào thoát khỏi các Giáo Hội của chúng ta, đừng đổ lỗi cho nền văn hóa,
nhưng hãy làm cho Giáo Hội trở nên tốt đẹp hơn.
Ronald
Rolheiser,
J.B. Thái Hòa
dịch (phanxico.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét