Thứ sáu -
25/09/2015 17:08 7041
Vị chủ chăn
giáo phận mong muốn các tín hữu luôn biết đáp tình Chúa yêu thương qua công
trình Sáng tạo, công ơn Cứu chuộc và công cuộc Thánh hóa của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ngài cũng cũng ước mong dân Chúa ngày càng thêm lòng sùng kính mến yêu Bí tích
Thánh Thể bằng việc siêng năng tham dự Thánh lễ, rước lễ và chầu Thánh Thể.
Nay Đức Cha
nhắc lại những quy tắc chung của Giáo hội và một số quy định riêng của giáo
phận về Thừa Tác Viên ngoại thường (TTV) cho rước lễ và đặt Thánh Thể chầu. Rất
mong các TTV thi hành đúng các quy định của Giáo hội, ý thức sâu xa về “Phép
Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội”[1].
Đồng thời hy vọng rằng “nhờ ân cần áp dụng những quy tắc được nhắc lại nơi đây
mà hoạt động của Bí tích Thánh Thể Chí Thánh ít gặp trở ngại do sự yếu đuối của
con người gây nên, và, nếu mọi lạm dụng được loại bỏ và mọi sự sử dụng trái
phép được khử trừ, nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria hồng phúc, “người phụ
nữ Thánh Thể”, sự hiện diện sinh ơn cứu độ của Đức Kitô được sáng ngời trên tất
cả mọi người trong Bí tích Mình và Máu của Người” (x. HTBTCĐ 185).
1. Thừa Tác Viên Ngoại Thường trao Mình Thánh Chúa là ai?
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh là những ai được thẩm quyền kêu mời thi hành, chỉ
như là bổ sung mà thôi, những nhiệm vụ do chức thánh (officia) như: chủ tọa các
buổi kinh phụng vụ, thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, trao Mình Thánh Chúa, ban Bí
tích Rửa Tội (GL 230 § 3), trưng bày và cất Mình Thánh mà không ban phép lành
(GL 943) và chứng hôn (GL 1112).
Theo các quy
tắc của giáo luật, ai đã lãnh nhiệm vụ trao Mình Thánh Chúa, được gọi là thừa
tác viên ngoại thường Trao Mình Thánh, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh Lễ (x.
HTBTCĐ 155) và “Chức vụ này phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi
là thừa tác viên ngoại thường Trao Mình Thánh, chứ không phải “thừa tác viên
đặc biệt cho rước lễ”, cũng không phải là “thừa tác viên ngoại thường của Thánh
Thể”, hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể”. Bởi chưng, các danh xưng
đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó một cách vừa không đúng phép vừa
không thích hợp" (x. HTBTCĐ 156).
Giáo luật điều
943 viết rằng: “Thừa tác viên đặt Mình Thánh để chầu và ban phép lành Thánh Thể
là tư tế hay phó tế; trong những hoàn cảnh riêng, Thừa Tác Viên Giúp Lễ, Thừa
Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh hay một người nào khác được Đấng Bản
Quyền địa phương ủy quyền, có thể đặt và cất Mình Thánh, mà không ban phép
lành, nhưng vẫn phải giữ những quy định của Đức Giám Mục Giáo phận”.
2. Tiêu chuẩn làm Thừa Tác Viên Ngoại Thường
Để làm thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh trong Thánh Lễ và mang Mình Thánh cho
bệnh nhân, người già yếu không thể đến nhà thờ được, Giáo Hội đặt một số điều
kiện trong việc chọn lựa họ như sau:
Ứng viên phải
là những người đã chịu các bí tích khai tâm (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể), đã
gia nhập Giáo Hội ít là một năm, sống đạo tích cực, thuộc một giáo xứ, đã được
huấn luyện và sẵn sàng phục vụ cộng đoàn khi cần [2].
Ứng viên thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa phải được Linh mục chính xứ mời gọi,
đề cử. Họ phải có lòng tự do sẵn sàng đón nhận chức vụ này trong tâm tình ngay
lành, tự nguyện phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn.
Thừa tác viên
ngoại thường trao Mình Thánh Chúa phải là người có hình thức dễ nhìn, ăn mặc
sạch sẽ, có thanh danh tốt trong gia đình và trong cộng đoàn, không quá trẻ
cũng không quá già yếu mà run rẩy đi lại không vững vàng.
“Người được
tiến cử làm TTV phải tỏ hiện sự tốt lành của mình qua Đức Tin, nếp sống và Phẩm
Hạnh; phấn đấu để được xứng đáng với tác vụ cao trọng này, vun trồng sự sùng
kính Mầu Nhiệm Thánh Thể và hành động nêu gương cho các tín hữu khác qua lòng
mộ đạo và sự tôn kính dành cho Hy Lễ Thánh Thiện Cực Trọng này nơi Bàn Thánh.
Không nên lựa
chọn bất kỳ một cá nhân nào có thể gây tai tiếng trong cộng đoàn tín hữu” [3].
3. Việc đề cử và thời hạn phục vụ của TTV
Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa có hai
loại: có thời hạn (ad tempus) và từng lần (ad actum).
Cha xứ viết đơn và kê khai danh sách các ứng viên để xin
Đức Cha Giáo phận ban phép cho họ được thi hành Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao
Mình Thánh Chúa trong giáo xứ của mình. Nếu trong xứ có các nữ tu hay chủng
sinh giúp, cha xứ muốn họ làm thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa
thì viết đơn và kê khai danh sách để xin Đức Cha giáo phận ban phép cho họ thi
hành tác vụ đó.
Nếu ứng viên Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh
Chúa là các nữ tu, thì Bề trên Hội dòng viết đơn và kê khai danh sách các ứng
viên ấy để xin Đức Cha Giáo phận ban phép cho họ được thi hành Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện chính tại nhà mẹ của hội
dòng.
Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa có thời
hạn (ad tempus) được Đức Cha Giáo Phận ban phép cho thi hành tác vụ trong vòng
1 năm và sau thời gian đó sẽ được cứu xét lại (qua đơn của Cha xứ hay bề trên)
về tình trạng phục vụ của họ để có thể cho phép tiếp tục trong vòng 1 năm tới
hoặc là chấm dứt tác vụ của họ.
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa từng lần (ad actum) được cho phép bởi linh
mục chủ sự Thánh lễ trong những trường hợp giáo dân rước lễ quá đông không thể
thấy trước được mà không có hay không đủ các linh mục, phó tế hay thừa tác viên
ngoại thường cho rước lễ vì thế mà làm cho thánh lễ kéo dài quá mức (x. HTBTCĐ 155).
Cha xứ nên có buổi giới thiệu các tân Thừa Tác Viên Ngoại
Thường Trao Mình Thánh Chúa trước cộng đoàn giáo xứ bằng một nghi thức trong
Thánh lễ (theo mẫu), để cộng đoàn cầu nguyện và đón nhận họ trong tác vụ mà họ
cộng tác phục vụ dân Chúa.
4. Phẩm phục và hình thức bề ngoài của TTV
Người giáo dân
không bao giờ được phép đảm trách các chức vụ của phó tế hay linh mục, và mặc
những y phục dành riêng cho các ngài, kể cả những y phục tương tự (x. HTBTCĐ
153). Bởi vậy, các Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa không được
mặc các thứ áo của các linh mục hoặc những áo dài giống như áo lễ hay áo alba
của các linh mục.
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa có áo dành riêng. Hình thức của áo này đã
được Đức Giám Mục Giáo phận ấn định (xem mẫu áo chung dành cho các Thừa Tác
Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa của Giáo Phận).
Huấn Thị Bí
Tích Cứu Độ cũng lưu ý cho cả các em nhỏ hay những người lớn giúp lễ cũng không
được mặc những phẩm phục dành riêng cho linh mục hoặc những y phục tương tự của
các ngài. Hiện nay, nhiều giáo xứ đã may các y phục cho các người giúp lễ có
hình thức như áo alba, cũng đủ các màu phụng vụ (trắng, xanh, đỏ, tím). Điều đó
phải được xem xét lại (xem mẫu áo giúp lễ chung).
Cũng lưu ý tại
vài giáo xứ trong giáo phận, nhóm giáo dân đóng vai 12 tông đồ trong thánh lễ
Rửa Chân Thứ Năm Tuần Thánh đã mặc các y phục và tay cầm gậy y như các đức giám
mục. Họ không xứng hợp và không được phép mặc phẩm phục như thế trong cử hành
phụng vụ.
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa khi thi hành tác vụ cần mặc quần áo chỉnh tề
và mặc thêm áo Thừa Tác Viên bên ngoài, nên đi giày hay dép có quai hậu, các
móng tay cắt ngắn, bàn tay sạch sẽ.
5. Những điều TTV phải tuân thủ hay phải xa lánh
Tại một số nơi
trong hoàn cảnh và thời điểm nào đó do nhu cầu của Giáo Hội đòi hỏi, vì thiếu
thừa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể thay thế trong một số chức
vụ phụng vụ, theo các quy định của giáo luật. Các tín hữu này, được gọi và được
cử để thi hành một số chức vụ được xác định, ít nhiều quan trọng, nhưng không
bao giờ được đảm nhận những chức năng thuộc riêng sứ vụ của các thừa tác viên
có chức thánh (x. HTBTCĐ 147, 149).
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa, hoàn toàn có tính cách bổ sung, sự cộng tác
của các vị không được làm cớ để chính sứ vụ của các linh mục (in persona
Christi) bị phai nhạt, đến nỗi các linh mục này vì có thừa tác viên ngoại
thường mà chểnh mảng không lo cử hành Thánh Lễ, không đặt Mình Thánh Chầu, không
tự mình chăm lo rửa tội cho các trẻ em, không chứng hôn phối, không chăm sóc bệnh nhân và cử
hành an táng theo nghi lễ Kitô giáo, đó là những lãnh vực thuộc quyền trước hết
của các linh mục, với sự trợ giúp của các phó tế. Vì thế, đừng bao giờ lẫn lộn
và trao đổi các chức vụ của linh mục với chức vụ của phó tế hoặc của giáo dân
(x. HTBTCĐ 152).
Khi có số đông
thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong thánh lễ đồng tế, thì không được
phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Nói cách khác, trong trường
hợp ấy, những thừa tác viên ngoại thường không được thi hành tác vụ của mình.
Vậy, phải lưu ý thái độ của các linh mục tuy có mặt ở buổi cử hành lại không
cho rước lễ, mà để cho giáo dân đảm nhận một chức vụ như vậy (HTBTCĐ 157).
Thừa tác viên
ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không có linh
mục hay phó tế, hay khi linh mục bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi hay vì
một lý do khác nghiêm trọng, hay nữa khi số tín hữu đến rước lễ quá đông, có
thể kéo dài quá đáng việc cử hành Thánh Lễ [4] (x. HTBTCĐ 158).
Thừa tác viên
ngoại thường cho rước lễ không bao giờ được phép uỷ quyền trao Mình Thánh Chúa
cho một người nào khác. Ví dụ: như ủy quyền cho người cha hay người mẹ, người
phối ngẫu, hay người con của một bệnh nhân (HTBTCĐ 159).
Vào ngày Chúa
Nhật hay lễ trọng mà do hoàn cảnh thiếu vắng linh mục, phải cẩn thận tránh xa
mọi hình thức lẫn lộn giữa những buổi họp cầu nguyện hay cử hành phụng vụ Lời
Chúa do thừa tác viên ngoại thường (họ là phó tế hay giáo dân) chủ sự với việc
linh mục cử hành thánh lễ (x. HTBTCĐ 164, 165).
Giám Mục giáo
phận có quyền quyết định những buổi cử hành như nói trên, nhưng không dễ dàng
cho phép những cử hành loại đó được tổ chức vào các ngày thường trong tuần,
nhất là, hơn nữa, cho rước lễ; việc này liên quan nhất là đến những nơi mà ngày
Chúa nhật trước hoặc sau, đã có hay sẽ có cử hành Thánh Lễ (x. HTBTCĐ 166).
Không được
tiếp tục Thánh lễ, nếu các tín hữu chưa rước lễ xong. Các thừa tác viên ngoại
thường có thể giúp linh mục chủ tế, theo đúng các qui định của luật lệ, và chỉ
trong trường hợp cần thiết” (x. HTBTCĐ 88).
Khi linh mục
hay phó tế vắng mặt hay bị ngăn trở, thì thừa tác viên ngoại thường đem Mình
Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được
lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy
để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng một lòng hết sức tôn kính Mình
Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã
ấn định trong sách Nghi Thức Rôma (x. HTBTCĐ 133).
6. Cách thức trao Mình Thánh Chúa và một số lưu ý
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa phải nghiêm trang đi lại trên cung thánh.
Bình có đựng
Mình Thánh, chén thánh có Máu Thánh và đĩa thánh có đựng Mình Thánh hay còn
những miếng vụn luôn phải được đặt trên khăn thánh, thậm chí ngay cả khi các
bình, các chén và đĩa thánh ấy chưa tráng cũng phải được đặt trên khăn thánh
tại bàn thờ chính hay tại bàn phụ.
Thừa Tác Viên
Ngoại Thường không được dồn Máu Thánh từ các chén lại, việc này tuyệt đối cấm
đối với cả các linh mục, phó tế và các thầy giúp lễ (x. HTBTCĐ 106). Thừa Tác
Viên Ngoại Thường không được dồn Mình Thánh từ các bình đựng lại và tráng bình
hay tráng chén. Đó là việc của linh mục, của phó tế hay của thầy đã nhận tác vụ
giúp lễ [5].
Phải cung kính
mỗi khi cầm bình đựng Mình Thánh Chúa, không cầm thấp ngang bụng hay ngang thắt
lưng, nhưng phải cầm cao ngang ngực hay ngang với cằm.
Mỗi lần trao
Mình Thánh Chúa cho giáo dân thì Thừa Tác Viên giơ Mình Thánh lên và nói “Mình
Thánh Chúa Kitô” rồi trao cho người rước lễ [6]. Lưu ý không cầm nhiều Mình
Thánh một lần và đưa liên tục cho các người rước lễ, giống như chia thẻ bài.
7. TTV đặt Mình Thánh Chúa để chầu
Việc đặt Mình
Thánh Chúa Giêsu để chầu có 3 hình thức dành cho thừa tác viên:
Hình thức I:
Mở của Nhà tạm có chứa bình đựng Mình Thánh Chúa để cộng đoàn chầu.
Hình thức
II: Mở cửa nhà Tạm, đưa bình đựng Mình Thánh ra và đặt trên bàn thờ cho
cộng đoàn chầu.
Hình thức
III: Mở của Nhà tạm, lấy Mình Thánh đưa vào mặt nhật rồi đặt trên bàn thờ
hay tòa để cộng đoàn chầu.
Khi không có
linh mục hay phó tế hiện diện, khi có phép của cha xứ hay bề trên, Thừa Tác
Viên Ngoại Thường được làm cả 3 hình thức nói trên, nhưng phải thực hiện các
quy luật phụng vụ. Riêng ở hình thức III (theo nghi thức), trước khi cất Mình
Thánh có thể đọc lời nguyện nhưng không ban phép lành Thánh Thể (x. GL. 943),
cũng không được nâng cao Mặt Nhật lên và rung chuông.
Khi có linh
mục hay phó tế hiện diện, Thừa Tác Viên Ngoại Thường không được làm cấp nào cả,
nhất là hình thức III: mở cửa Nhà Tạm lấy Mình Thánh đặt vào mặt nhật để trưng
ra cho cộng đoàn chầu hay cất Mình Thánh vào Nhà Tạm[7].
Khi trưng Bình
đựng Mình Thánh hay Mặt Nhật chứa Mình Thánh cho cộng đoàn chầu luôn phải được
đặt trên khăn thánh tại nơi trang trọng xứng đáng. Cần có hoa, đèn nến đốt cháy
trang trí để tỏ lòng tôn kính và gây chú ý có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh
Thể.
[1].
Presbyterorum Ordinis, s. 5
[2]. GL. 230
§ 2
[3]. Immensae
Caritatis
[4]. Bộ Kỷ
Luật Bí Tích, Huấn thị Immensae caritatis, n. 1: AAS 65 (1973) tr. 264-271, ở
đây tr. 265-266; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio
ad propositum dubium, 1/6/1988 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị
Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 8 § 2: AAS 89 (1997) tr.
871.
[5]. QCTQSLRM
số 279
[6]. QCTQSLRM
số 244
[7]. Lưu ý:
ngày chầu lượt tại một số giáo xứ trong giáo phận hiện nay, khi có cha xứ, thầy
phó tế, hay các cha khách hiện diện, thừa tác viên ngoại thường vẫn ngang nhiên
đặt và cất Mình Thánh.
Tác giả bài
viết: Lm. Giuse Trần Thiện Tĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét