Các biểu tượng và ý nghĩa thiêng liêng
của Mùa Vọng
Cây nến màu tím đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chúa
Nhật I Mùa Vọng. Màu tím tượng trưng cho thời gian chuẩn bị, ăn năn
hối cải, tỉnh thức. Cây nến thứ nhất chiếu ánh sáng Hoà bình cho những tâm hồn
có lòng khoan dung nhân ái.
Mùa Vọng có nhiều biểu tượng. Tại Âu Châu có tập tục văn
hóa, vào Mùa Vọng họ bện đan một vòng tròn bằng cành lá cây thông
còn tươi xanh, chung quanh có bốn cây nến hoặc mầu trắng hoặc mầu đỏ hoặc mầu tím tùy nơi, dựng treo trên cung thánh hay tại phòng
khách ở nhà riêng. Vòng hoa cũng như những ngọn nến có những ý nghĩa thiêng
liêng.
1. Vòng Hoa
Từ thời xa xưa, vòng hoa tượng trưng cho sự chiến thắng.
Hình tròn của vòng hoa nhắc nhở cho biết về tình yêu thương bất tận của Thiên
Chúa dành cho nhân loại.
Những cành lá thông nhỏ được đan bện liền vào nhau nói lên ý
nghĩa cùng chung hợp gắn bó lại làm nên một vòng tròn. Ý týởng này gợi nhớ lời
suy niệm của Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn
Thuận: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu
phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời hy vọng do mỗi phút
hy vọng.” (Ð.Hy Vọng số 978)
2. Màu Xanh của Vòng Hoa
Vòng tròn bện bằng những cành lá thông màu xanh nói lên ý
nghĩa sự sống và niềm hy vọng Thiên Chúa mang đến cho trần gian.
Màu xanh lá cây chính là màu chỉ năm phụng vụ, diễn tả niềm
hy vọng trong tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Quanh năm, những cành lá
cây thông luôn xanh tươi. Những cành lá xanh tươi cùng đan kết
lại với nhau hình thành nên một vòng hoa với ý nghĩa: Thiên Chúa và Lời Mạc
Khải không bao giờ thay đổi “Trời đất qua đi, nhưng những Lời Thầy nói sẽ chẳng
qua đâu” (Lc 21, 33).
3. Các Ngọn Nến
Có 4 cây nến thắp lên trong thời gian của Mùa Vọng. Mỗi cây
nến tượng trưng cho một ngàn năm suốt dọc dài lịch sử đợi chờ Ðấng Cứu Thế.
Bốn Cây Nến Mùa Vọng loan báo sứ mạng của Chúa Giêsu xuống
trần gian làm người ở giữa với loài người và cho con người.
Cây nến màu tím
đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chúa
Nhật I Mùa Vọng. Màu tím tượng trưng cho thời gian chuẩn bị, ăn năn hối cải,
tỉnh thức. Cây nến thứ nhất chiếu ánh sáng Hoà bình cho những tâm hồn có lòng
khoan dung nhân ái.
Cây nến màu tím
thứ hai được thắp sáng lên vào Chúa Nhật II
Mùa Vọng. Ánh sáng thêm lên, giống nhý lòng mong chờ dâng cao ngày Đấng Cứu Thế
hạ sinh nơi lòng người. Cây nến thứ hai mang ánh sáng Niềm Tin
cho những tâm hồn khao khát tìm về với Chúa là cội nguồn của đời sống.
Chúa Nhật III Mùa Vọng. Cây nến màu hồng được
thắp sáng lên cùng với hai cây nến màu tím. Màu hồng tượng trưng cho niềm vui hân hoan đợi chờ Chúa đến.
Cây nến thứ ba chiếu toả hõi ấm Tình Yêu cho những tâm hồn tìm sống tình
liên đới với người khác.
Chúa Nhật IV Mùa Vọng. Cây nến thứ tư mang niềm Hy Vọng cho những tâm hồn cần niềm vui phấn khởi.
Cây nến màu trắng (thêm vào) được thắp sáng lên trong Ngày Giáng Sinh và
trong suốt Mùa Giáng Sinh nhằm nhắc nhở cho chúng ta biết và ý thức hơn về ánh sáng vẹn toàn và nguyên thủy của Chúa Kitô.Trong tư cách là những người Kitô hữu, chúng ta đón
nhận và đem ánh sáng đích thực của Chúa Kitô
vào trong thế giới, để cùng sẻ chia
những niềm vui và ơn phúc mà chúng ta đã lãnh
nhận được từ chính Ngài.
Mùa Vọng chính là mùa của Sự Đợi Chờ cùng với
niềm Hy Vọng về Ánh Sáng của Chúa Kitô.
Bốn cây nến được lần lượt thắp sáng trong bốn tuần lễ muốn
nói lên ý nghĩa: Nước Thiên Chúa cũng triển nở lần lượt như bốn cây nến được thắp lên cho tới
ngày lễ Chúa Giêsu giáng sinh, Ðấng là ánh sáng trần gian. Ánh sáng bốn cây nến
toả ra bốn phương trời đất trong công trình sáng tạo của Thiên
Chúa.
Cây nến là hình ảnh Chúa Giêsu, ánh sáng trần gian (Gioan
8,12).
Khi cây nến được đốt lên cũng cắt nghĩa về hình ảnh Chúa
Giêsu. Chất sáp làm nên cây nến là hình ảnh thân xác con người của Chúa Giêsu. Thân xác con người được Thiên Chúa dựng nên có khởi đầu, có phát triển, có những yếu đuối bệnh tật giới hạn và
sau cùng có ngày cùng tận. Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, sống cuộc sống hy sinh của con người như chất sáp bị cháy hao mòn
thiêu huỷ.
Còn ngọn lửa đốt sáng cây nến là hình ảnh bản tính Thiên
Chúa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa và cũng là người, nên ngài có hai bản tính: Thiên Chúa và con người. Ngọn lửa đốt cháy
chất sáp và tỏa ra ánh sáng hơi ấm tình yêu cho mọi người.
Lm
Giuse Nguyễn Hữu An, sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét