XƯỚNG KINH THÁNH LỄ KHAI MẠC CHẦU LƯỢT
CHẦU THAY GIÁO PHẬN
01. LẠY CHÚA GIÊSU CHÚNG CON THỜ LẠY CHÚA .
02. NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN. AMEN.
03. ĐỌC K.TRUYỀN TIN-C.THÁNH THẦN-TIN-CẬY-MẾN-ĂN NĂN TỘI.
04. RAO LỊCH
05. NGUỒN GỐC TUẦN CHẦU LƯỢT
1.H: "Chầu lượt" được bắt nguồn từ đâu, và từ khi nào?
Đ: Việc Chầu Thánh Thể mà chúng ta quen gọi là Chầu Lượt là một hình thức đặt Thánh Thể để cho người tín hữu thay nhau chầu liên tiếp trong nhiều giờ.
Tại các giáo phận, Chầu lượt là chầu Mình Thánh Chúa lần lượt theo phiên thứ từ xứ này qua xứ khác trọn 52 ngày Chúa Nhật trong năm. Việc chầu này đã có một lịch sử lâu dài. Người ta có thể quả quyết việc này đã phát xuất từ Milanô, một thành phố ở Bắc Nước Italia (Ý) vào năm 1534 do một Linh mục dòng Phanxicô tên là Cha Giuse Piantanida da Fermo. Trong thời gian đó, thành Milanô phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn tệ, Cha Giuse đã yêu cầu các công dân của thành hãy ngước mắt lên trời để tìm sự giải cứu. Ngài đã tổ chức việc Chầu Thánh Thể liên tiếp 40 giờ liền (ngày nay người ta vẫn gọi việc Chầu này là “Qua rant' ore” tiếng Ý có nghĩa là 40 giờ. Sở dĩ 40 giờ có ý tưởng nhớ Chúa nằm trong mồ hay chết khoảng 40 giờ (từ 3:00 giờ chiều Thứ Sáu, tới 6:00 giờ sang Chúa Nhật) trước khi phục sinh. Việc chầu bắt đầu từ nhà thờ chính tòa Milanô và lan sang các nhà thờ khác luân phiên nhau. Các tín hữu tích cực tham gia việc cầu nguyện trước Thánh Thể, việc tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trong thời gian chầu lượt. Trời Cao đã không trì hoãn và đã đáp lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa qua việc Thờ Chầu này. Hoàng Đế Charles V và Francis Vua Nước Pháp đã tới cửa Thành Milanô để ký kết hiệp ước hòa bình. Đến khoảng năm 1548-1550, Thánh Philiphê Nêri và Inhaxiô Loyola đã phổ biến việc chầu này tại giáo đô Rôma và Đức Thánh Cha Clementê VIII, qua Tông Chiếu “Graves et diuturnae” ban hành ngày 25 tháng 11 năm 1592, đã phê chuẩn việc thánh thiện này bằng cách ban ân xá, đại xá cho những ai xưng tội, rước Lễ và viếng những nhà thờ đang có cuộc Chầu Lượt. Trong tài liệu ấy, Đức Thánh Cha đã viết rằng: “Ta quyết định cách công khai rằng trong Mẫu Thành Rôma (Mother City of Rome) một cuộc cầu nguyện không ngừng như thế được thực hiện trong các nhà thờ vào những ngày ấn định tại đó cử hành việc sùng kính đạo đức Bốn Mươi Giờ, xếp đặt thế nào để các nhà thờ và thời gian mọi giờ, mọi ngày và đêm, cả năm tròn làn hương cầu nguyện được dâng lên không gián đoạn trước Thiên Nhan.”
2. H. Chầu lượt ra đời trong hòan cảnh nào?
Đ. Năm 1900, dưới thời Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, Thánh Bộ Lễ Nghi đã ban bố Sắc lệnh chấp thuận hình thức chầu lượt này. Nội dung chính của Sắc lệnh này dạy phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong 40 giờ liên tiếp. Việc thực hành ấy (Chầu Lượt Bốn Mươi Giờ) còn tồn tại cho tới ngày nay trong khắp Giáo Hội.
3. H: Ngoài ý nghĩa, tôn thờ Thánh Thể, Chầu lượt con mặc lấy ý nghĩa của việc hội nhập văn hóa hay không?
Đ: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập tới việc Chầu lượt này trong Tông Thư Dominicae Cenae: “Việc thờ chầu Chúa Kitô trong Bí Tích Tình Yêu này phải được biểu lộ qua nhiều hình thức: Cầu nguyện tư trước Thánh Thể, làm Giờ Thánh, những cuộc tôn thờ định kỳ - ngắn, dài, hàng năm (Bốn Mươi Giờ) – Phép lành Thánh Thể, Rước Thánh Thể, Đại Hội Thánh Thể.” Giáo Luật cũng đề cập tới việc này: “… Hằng năm vào thời gian thuận tiện, nên tổ chức ngày chầu trọng thể Bí tích cực Thánh Chúa, dù không phải là chầu lượt, để cộng đoàn địa phương có thể suy niệm và tôn thờ Mầu Nhiệm Thánh Thể cách chuyên chú hơn”(Giáo Luật khoản 942). Việc Chầu Lượt là một hình thức tôn thờ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, mục đích không phải là một cuộc trình diễn văn nghệ hay văn hóa. Tuy nhiên, trong phạm vi Phụng vụ cho phép, cũng có thể có những nét văn hóa cá biệt của dân tộc, cao dâng tình Chúa, xây dựng tình người và tôn vinh Chúa trong mọi sự.
4. H: Hình thức sinh hoạt Chầu lượt, nhất là ở miền Bắc như thế nào?
Đ: “Ở Việt Nam, truyền thống Chầu lượt cũng đã có từ gần 100 năm nay với những tên gọi khác nhau như: Chầu phước chuyển (cách gọi của các giáo phận thuộc miền cao nguyên trung phần), Chầu Mình Chúa (cách gọi của các giáo phận từ Đà Nẵng trở vào). Riêng giáo phận Vinh, việc tổ chức Tuần chầu lượt có quy củ và long trọng hơn, được ví như cuộc tổ chức Đại hội Thánh Thể miền, ngày Tết của giáo xứ: Các Linh Mục trong hạt buộc phải tập trung về Giáo Xứ có phiên thứ Tuần Chầu, chia sẻ và ngồi tòa giải tội giúp giáo dân có dịp thuận tiện đến tòa cáo giải làm hòa với Chúa và chuẩn bị xứng đáng cho Tuần Chầu; khách từ các giáo xứ bạn cũng tới hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với giáo xứ thực hiện phiên thứ Tuần Chầu. Có giáo xứ vì đông giáo dân, chia làm nhiều giáo họ nên Tuần Chầu được chia phiên thứ từ ngày... thứ hai đầu tuần. Theo truyền thống thì bắt đầu sáng thứ sáu khai mạc tuần chầu và bế mạc vào ngày Chúa Nhật. Tuần chầu lượt ở giáo phận Vinh có từ năm 1918, dưới thời Đức Cha Anrê Lêông Giuse Bắc, tuần chầu được chính thức quy định trong Thư chung đề ngày 19/06/1918”.
06. XƯỚNG TM
07. K.DÂNG LỄ MISA
08. CA HIỆP LỄ
09. K. DỌN MÌNH RƯỚC LỄ
10. K. CÁM ƠN RƯỚC LỄ:
11. SAU PHÉP LÀNH + CHÚC BÌNH AN
12. ĐẶT MẶT NHẬT
13. HÁT KÍNH MÌNH THÁNH: “SUỐI THIÊNG”
14. BẮT ĐẦU GIỜ CHẦU KHU THÁNH TÂM
BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO
(Giờ Thánh cho giới Gia Trưởng)
I. Khai mạc :
§ Đặt Mình Thánh Chúa.
§ Hát : “ Con quỳ gối”
II. Lời Chúa và suy niệm
III.Suy niệm và cầu nguyện theo gương Thánh cả Giuse.
1. Thánh cả Giuse, Đấng bảo trợ Giáo Hội Việt Nam
§ Lời Chúa : Mt 2, 19-23
§ Suy niệm 1 :
Thánh Matthêu vừa cho chúng ta thấy một trong những cảnh gian nan thử thách mà Thánh Giuse phải gánh chịu trong những năm đầu của cuộc sống gia đình. Nhưng vì Ngài là người luôn âm thầm vững vàng trong đời sống đức tin và tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa, hơn nữa Ngài đang mang một trách nhiệm lớn lao là nuôi dưỡng và bảo vệ Con Thiên Chúa, chính điều đó đã giúp Ngài thêm can đảm, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Bối cảnh của lịch sử Giáo Hội Việt Nam thuở sơ khai cũng cho chúng ta thấy, bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đã giúp các nhà truyền giáo vượt qua gian nan thử thách như thế nào. Và cũng chính Thánh Giuse là người được Thiên Chúa dùng để thực hiện sự quan phòng đó. Qua biến cố thoát chết giữa phong ba bão táp nơi biển khơi, ngày lễ Thánh Giuse 19.3.1627, hai nhà truyền giáo dòng Tên, cha Đắc Lộ và cha Marquez, đã tin rằng Thánh Cả đã che chở các ngài, và các ngài đã dâng vùng đất mà các ngài mới đặt chân lên, cũng như đã dâng công cuộc truyền giáo trên vùng đất ấy cho Thánh Cả. 33 năm sau, khi triệu tập công đồng Dinh Hiến ngày 14.02.1670, Đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte cũng đã nhận Thánh Giuse làm Bổn mạng xứ truyền giáo Việt Nam.
§ Cầu nguyện 1 :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao nhiêu ơn lành Chúa đã tuôn đổ trên Giáo Hội Việt Nam và trên Giáo phận chúng con, nhờ sự cầu bầu, che chở của Thánh Cả Giuse – chúng con luôn tin tưởng vững bước và hy vọng vào tương lai. Xin cho chúng con tiếp tục được sự phù trợ của Ngài, cách đặc biệt trong Năm Thánh 2010 này, để chúng con trở nên khí cụ của Chúa, đem Tin Mừng cho mọi người anh em bằng một đời sống thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, làm cho mọi người nhận ra Chúa chính là Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. A-men.
§ Hát : “Phút than thở”
2. Thánh Giuse, người tín hữu gương mẫu.
§ Lời Chúa : Lc 2, 23-24
§ Suy niệm 2 :
Chữ “luật” được thánh sử Luca nhắc đi nhắc lại 3 lần trong 3 câu Kinh Thánh ngắn ngủi, như muốn nói lên rằng, Thánh Giuse, vị gia trưởng của thánh gia Nadaret, mặc dù đã được mặc khải về nguồn gốc của Hài nhi Giêsu mà Ngài được chọn làm cha nuôi, ngài vẫn một dạ trung thành tuân theo lề luật của Thiên Chúa mà cha ông truyền lại.
Khi đã về ở Nadaret, thánh nhân vẫn tiếp tục coi sóc thánh gia trong khuôn khổ của lề luật, như việc hằng năm Ngài đưa Đức Maria và Chúa Giêsu hành hương Giêrusalem mừng lễ Vượt qua. Hài nhi Giêsu lớn lên và trưởng thành, không những đã học biết các điều sách luật dạy, mà còn học được tinh thần yêu mến lề luật theo gương người cha thiêng liêng của mình. Mặc dầu khi sắp từ giã thế gian, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ một giới răn mới và duy nhất là giới răn yêu thương : “Đây là điều răn của Thầy ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em” (Ga. 15,12), nhưng Người đã tuyên bố một cách quả quyết rằng : “Thầy đến không phải để bãi bỏ (lề luật Mô-sê và lời các ngôn sứ) nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Kiện toàn bằng cách nào? Chắc hẳn Người đã học được với Thánh Giuse cách thức kiện toàn lề luật của Thiên Chúa bằng tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với đồng loại, như Người đã có lần nói : “Ngày Sa-bat (hay lề luật) được làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sa-bat” (Mc 2,27).
§ Cầu nguyện 2 :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa, Chúa đã chấp nhận sống dưới chế độ lề luật của đạo cha ông, từ khi còn là thai nhi trong lòng Đức Trinh nữ Maria đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Đặc biệt trong gần 30 năm sống tại Nadaret, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, bên cạnh Thánh Giuse, chắc hẳn Chúa đã được hướng dẫn rồi sau đó noi gương người cha thiêng liêng, rất mực đạo đức, khôn ngoan, thánh thiện, để trung thành giữ những gì được ghi chép trong Sách Luật. Xin Chúa cho các bậc làm cha mẹ, cũng như những vị lãnh đạo cộng đoàn, biết noi gương Thánh Giuse, thực thi luật pháp của Đạo Thánh Chúa, cách riêng luật yêu thương, được thể hiện bằng tấm lòng quảng đại bao dung đối với đồng loại của mình. Ngoài việc Ngài là Đấng bảo trợ đầy uy quyền, Hội Thánh toàn cầu cũng như Hội Thánh Việt Nam, rồi Giáo phận chúng con, giới gia trưởng chúng con, và bản thân mỗi người chúng con, khi nhận thánh Giuse làm Bổn mạng, còn muốn chạy đến với ngài như gương mẫu người tín hữu hoàn hảo. Hôm nay, trước Nhan Thánh Chúa, chúng con xin ngài chuyển cầu cho chúng con bên cạnh Chúa, để chúng con luôn được ngài phù trì dẫn dắt, trong cuộc sống trần gian đang nhiều cám dỗ làm chúng con dễ đi sai đường lối Chúa, dễ phạm tội nghịch với lề luật của Chúa. Amen.
§ Hát : Nguồn yêu thương
3. Thánh Giuse, Đấng cộng tác vào ơn cứu chuộc.
§ Lời Chúa : Ga 6, 41-42
§ Suy niệm 3 :
Có lẽ đây là lần duy nhất Thánh Giuse được nhắc đến trên bước đường 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu. Câu 42 chương 6 của Tin Mừng theo Thánh Gioan được trích dẫn trên đây cho thấy sự tương phản giữa nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu : Là con của ông Giuse nhưng Đức Giêsu đồng thời khẳng định mình là Bánh từ trời. Quan hệ tương phản này, ngoài việc xác định bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu, còn cho thấy địa vị hết sức cao trọng của Thánh Giuse trong công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu, dù ngài rất khiêm tốn, có vẻ lu mờ và ít được nhắc tới.
Thật vậy, địa vị trần gian của Thánh Giuse rất khiêm tốn. Tuy thuộc dòng tộc Đavít, nhưng đến thời La Mã đô hộ này, Giuse chỉ là người thợ mộc, một người lao động, làm chủ một gia đình bé nhỏ, khó nghèo ở Nadaret ; đối với con mắt của người đương thời, Giuse là chồng của bà Maria, là cha của Đức Giêsu.
Nhưng trên bình diện lịch sử cứu độ, ngay từ ngày chấp nhận đón Đức Maria về ở với mình, Thánh Giuse đã có một vị trí hết sức đặc biệt và một vai trò quyết định. Nếu như Thánh Giuse đã không chấp nhận Đức Maria và Hài Nhi bà đang cưu mang, thì sự thể sẽ ra sao ? Có thể nói Thánh Giuse đã cùng Đức Maria cộng tác trong chương trình cứu độ. Nếu Eva xưa ăn trái cấm đã kéo Ađam vào con đường tội lỗi và sự chết, thì thánh Giuse, khi chấp nhận Đức Maria, cũng đã âm thầm thốt lên hai tiếng “Xin vâng”.
§ Cầu nguyện 3 :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây chúng con rất hạnh phúc được quỳ gối thờ lạy Chúa. Những người Do Thái xưa không nhận ra Chúa khi Chúa nói : “Ta là bánh từ trời xuống”. Nhưng chúng con giờ đây tin thật Chúa đang ngự giữa chúng con trong hình bánh.
Và trong không gian tràn ngập yêu thương này, chúng con được chiêm ngắm khuôn mặt đẹp đẽ lạ thường của Thánh Cả Giuse, người cha thiêng liêng của Chúa ngày xưa. Chúng con ca ngợi Thánh Cả đã âm thầm “Xin vâng” để chương trình cứu độ được thực hiện. Xin cho chúng con, cách riêng những người làm cha trong gia đình, biết bắt chước Thánh Giuse, luôn nói “Xin vâng” trong cuộc sống để góp phần vào việc loan báo Tin Mừng. Chúng con thật bất xứng, nhưng ơn cứu độ của Chúa, cùng với lời chuyển cầu của Thánh Giuse, sẽ làm cho việc phục vụ của chúng con, qua những đóng góp, hy sinh nhỏ bé, mang lại hiệu quả tốt đẹp cho gia đình cũng như cho cộng đồng xã hội.
Xin cho mọi thành phần dân Chúa trên phần đất thân yêu này, biết ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần lôi cuốn và thúc đẩy làm cho hạt giống Tin Mừng đơm hoa kết trái sung mãn. Amen.
III. Phép lành Mình Thánh Chúa. (Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kết thúc)
§ Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
§ Hát : “Đây nhiệm tích”
§ Lời nguyện.
§ Phép lành Mình Thánh Chúa.
GIỜ THÁNH TRUYỀN GIÁO
1. KHAI MẠC
· Đặt Mình Thánh(Khi Chầu Lượt không có mục này. Chỉ hát kính TT)
· Hát : Thờ Lạy Chúa (HCĐ.488)
Lời dẫn của chủ sự : (hoặc người hướng dẫn)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con yêu mến và tôn vinh tình yêu Chúa. Chúng con suy tôn Thánh Thể, vì Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, là sự sống của chúng con. Chúng con cùng quỳ bên cung thánh Chúa để cùng nhau cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, đặc biệt là việc truyền giáo của Giáo phận.
Chúng con ý thức sâu xa về trách nhiệm, bổn phận trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ; như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định trong thông điệp truyền giáo năm 2009 : “Sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một điều tất nhiên căn bản trong đời sống Hội Thánh. Đối với chúng ta việc loan báo Tin Mừng phải là một nghĩa vụ chính yếu không thể tránh né.”
Xin Chúa cho chúng con biết can đảm làm chứng nhân và chiếu tỏa ánh sáng Lời Chúa để chân lý của Chúa được mọi người biết đến và tin yêu.
2. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM
· Tin Mừng Lc 9,1-6
(Một người đọc hoăc cộng đoàn cùng đọc)
· Suy Niệm 1 : Loan Báo Tin Mừng là sống chứng nhân
Lạy Chúa, chúng con hiểu rằng việc Chúa Giêsu chọn các Tông Đồ và sai các ngài đi loan báo Tin Mừng về tình thương của Thiên Chúa, làm phép rửa cho họ, làm chứng về những gì Chúa Giêsu đã dạy : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20 ; Mc 16,15).
Trong bối cảnh xã hội hôm nay đa tôn giáo, đa văn hóa và nhiều kênh truyền thông internet tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu, làm cho người Kitô hữu không biết đâu là sự thật, đâu là chân lý của Tin Mừng, làm cho việc định hướng loan báo Tin Mừng gặp nhiều khó khăn ; đã không ít người “thầm lặng” cho yên phận, thay vì lên đường làm chứng cho Chúa thì chỉ lo giữ đạo, giữ đức tin sao cho vững là đủ. Trong khi ấy mệnh lệnh của Chúa Giêsu không chỉ là lời huấn giáo, càng không phải là một học thuyết nhưng hơn hết là một chân lý của đời sống : Sống làm chứng cho Chúa trong môi trường mình đang sống, sống làm chứng tá trong Giáo Hội, giữa cộng đoàn, giữa cộng đồng giáo xứ, bởi Chúa muốn anh em làm men, muối, ánh sáng cho trần gian.
Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng đòi hỏi người Kitô hữu dấn thân “đi tới”, chứ không thể ngồi yên một chỗ chờ đợi người ta đến với mình. Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cứu độ, làm chứng cho muôn dân về tình thương Thiên Chúa, về Nước Trời cận kề. Gương thánh tông đồ Phêrô, thánh Phaolô vị tông đồ dân ngoại đã để lại bài học lên đường đi tới các cộng đoàn, mỗi chuyến đi của các ngài là một lời loan báo, lời chứng cho Tin Mừng trước mặt muôn dân. Gần nhất là các cha Thừa Sai đã đặt chân lên miền đất thân yêu của Giáo Hội Việt Nam cách đây 350 năm để loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa, việc đi đến với muôn dân làm chứng cho Tin Mừng đòi hỏi chúng con phải kiên trung, cởi mở trong tinh thần đón nhận mọi rủi ro khổ đau. Điều này không phải dễ dàng khi chúng con sống trong một môi trường thù nghịch với Giáo Hội, trong một thế giới trần tục hóa ngày nay. Xin Chúa Thánh Thần giúp sức chúng con.
· Hát : “Đẹp thay” (HCĐ.439)
· Suy niệm 2 : Loan Báo Tin Mừng là phục vụ con người
Lạy Chúa, mục đích của việc truyền giáo trong Giáo Hội là phục vụ con người. Đó cũng là ý tưởng then chốt của Công Đồng Vaticanô II khi bàn về mối tương quan giữa Hội Thánh và thế giới. Phục vụ con người để họ nhận biết Thiên Chúa là Cha và nhìn nhận nhau là anh em trong một ngôi nhà chung.
Có thể nói tiếng vọng Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 vẫn còn âm vang đến hôm nay “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Việc truyền giáo bằng cách phục vụ con người trong nhiều lãnh vực của cuộc sống nhằm thánh hóa nhân loại trong chân lý Tin Mừng, để họ được tham dự vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. Với điều này mà Giáo Hội trở nên “Bí Tích”, nghĩa là dấu chỉ kết hợp với Thiên Chúa và liên đới cuộc sống của con người. Vì thế trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người : “Con người là con đường của Giáo Hội”. Nghĩa là mọi con đường của Giáo hội đều dẫn tới con người. Đặc biệt là những người nghèo khổ, bị xã hội bỏ rơi, cần được quan tâm hơn hết, để họ được sống đúng với phẩm giá của mình.
Người Kitô hữu tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng đến để phục vụ con người, chứ không phải để được người ta hầu hạ. Đây cũng là điểm giao thoa gữa Hội thánh và xã hội trần thế, giữa người Kitô hữu với người ngoài Kitô giáo. Nhằm góp phần xây dựng một thế giới văn minh tình thương thay thế cho một nền văn hóa chủ nghĩa thực dụng và cá nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống yêu thương và phục vụ vì đó là cách thế truyền giáo hữu hiệu mà chính cuộc sống của các Thánh Phanxicô Xaviê, Mẹ Têrêsa Calcutta… đã để lại cho Giáo Hội. Xin cho mọi việc chúng còn làm đều tôn vinh Chúa để người khác có thể nhận ra Chúa qua cuộc đời của chúng con.
· Hát : Kinh Hòa Bình (HCĐ.363)
·SN3: Loan Báo Tin Mừng là đem Lời Chúa đến với mọi người
Nhiệm vụ căn bản của Giáo Hội là truyền giáo, làm cho Tin Mừng của Chúa lớn lên trong trần thế này. Đời Kitô hữu thiết yếu là một đời làm chứng cho Chúa. Chúa Giêsu làm chứng cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và ngược lại Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu trong sứ vụ của Ngài. Chứng đó là gì nếu không phải là LỜI CHÚA được loan báo bằng chính đời sống chứng tá.
Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định : “Điều chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là LỜI SỰ SỐNG . Quả vậy, sự sống ấy đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời” (1Ga 1,1-3). Do đó, người Kiô hữu làm chứng cho Tin Mừng vì đã thực nghiệm Tin Mừng và xác tín đó là chân lý. Đó cũng là niềm vui, bổn phận phải chia sẻ cho người khác về niềm hy vọng đó.
Sứ điệp truyền giáo năm nay Đức Thánh Cha đã nói lên ý nghĩa của Ngày Thế giới Truyền giáo như sau : “Tháng 10, với việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo, là cơ hội để các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các hội dòng đời sống thánh hiến, các phong trào Giáo hội, và toàn thể Dân Thiên Chúa làm mới lại mối cam kết rao giảng Tin Mừng…”.
Muốn đem Lời Chúa đến với mọi người, thì có ba cách làm chứng : nói – làm và sống. Và ai cũng biết nói thì dễ, làm khó nhưng sống như những gì mình nói lại càng khó hơn hết. Chính việc sống và tuân giữ Lời Chúa để người khác tin cậy vào Chúa là điều con người thời nay chờ đợi hơn cả. Đức Phaolô VI đã từng nói : “Ngày nay con người cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Mọi nỗ lực truyền giáo không có nghĩa là chạy theo con số, tức rửa tội cho nhiều ; điều quan tâm hơn cả là đưa tinh thần Tin Mừng thấm vào đời sống hoạt động của con người. Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng cho rằng : “Rao giảng Tin Mừng nhằm tạo nên một nhân loại mới, nhờ được hoán cải bởi bí tích Thánh Tẩy và đời sống Phúc Âm”. (Số 18).
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con dấn thân vào từng môi trường của cuộc sống, văn hóa, xã hội, kinh tế với tinh thần Tin Mừng như là men trong đời.
· Hát : Bài ca phục vụ (HCĐ.364)
3. PHÉP LÀNH THÁNH THỂ (Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kết thúc)
· Hát : Cầu cho Đức Giáo Hoàng
· Hát : Đây Nhiệm Tích
· Phép Lành Mình Thánh Chúa
IV.Kết thúc
§ Hát : (TCCĐ.trang 200)
THÁNH THỂ VÀ SỰ SỐNG TRƯỜNG SINH
I.Khai mạc :
§ Đặt Mình Thánh Chúa ((Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kính Thánh Thể)
§ Hát thờ lạy Thánh Thể
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúng con cung kính sấp mình thờ lạy Chúa, chúng con tin thật Chúa luôn hiện diện trước mặt chúng con trong Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng con yêu mến Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa, là lương thực thần linh, bảo đảm cho chúng con mai sau sẽ thông phần vào sự sống vinh quang với Chúa.
II.Lời Chúa và suy niệm :
§ Hát : “Xin cho con biết lắng nghe”
§ Công bố lời Chúa : Ga 6,51-58.
§ Gợi ý 1 :
Bí tích Thánh Thể là Bí tích của tình yêu. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến thật tuyệt vời là lấy chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn, của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định : Chính Ngài là của ăn và của uống để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Dân Do Thái khi xưa đã ăn manna và uống nước từ tảng đá trong sa mạc mà vẫn chết. Còn của ăn và của uống Chúa Giêsu ban hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc : “Ai ăn Bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói, cái khát của thể xác. Thế nên Ngài xác quyết : “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống”. Vậy Bánh Ngài ban là Thịt Máu Ngài. Kiểu nói “Thịt máu”ở đây không những chỉ về Lương Thực thần thiêng, đem đến cho con người sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã Nhập Thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người, và đã đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Thân Mình Ngài ban cho chúng ta làm của ăn, cũng chính là Thân Mình Ngài đã trao hiến trong cuộc Khổ Nạn, Máu Ngài ban cũng là máu đã tuôn trào tự cạnh sườn, khi Ngài được giương cao trên Thập Giá, trở nên Đấng Khơi Nguồn Sự Sống cho chúng ta.
Vì lý do đó, Thánh Gioan đã nhấn mạnh đến việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, đồng hoá với Ngài, nên một với Ngài : “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”. Thật vậy, không Bí tích nào giúp chúng ta sống với Chúa, sống nhờ Chúa và trong Chúa như Bí tích Thánh Thể. Từ đó mà chúng ta mới có thể khẳng định như Thánh Phaolô : “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga l2,20).
§ Thinh lặng giây lát
§ Hát : “Ta là Bánh hằng sống” (pk 1)
§ Gợi ý 2 :
Mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh thâm tín rằng : Chúa đã đến và đang hiện diện thực sự giữa chúng ta, nhưng hiện diện của Người đồng thời là hiện diện dấu ẩn dưới hình bánh hình rượu. Vì thế, chúng ta vẫn đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta ngự đến, và chúng ta khẩn nguyện Thiên Chúa Cha trong thánh lễ mỗi ngày : Xin thương nhận tất cả vào nước Cha, nơi chúng con hy vọng được vui hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, bấy giờ chúng con sẽ được chiêm ngưỡng Cha tường tận, nên muôn đời sẽ được giống như Cha là Thiên Chúa chúng con và sẽ dâng lời ca ngợi Cha khôn cùng, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Quả vậy, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô viết, trong thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể số 18 : “Bí tích Thánh Thể là hướng đến điểm chung kết, một sự kiện trước niềm vui sung mãn Chúa Kitô đã hứa (Ga 15,1). Bí tích Thánh Thể theo một nghĩa nào đó là sự nếm trước niềm vui thiên đàng, đảm bảo cho vinh quang sẽ tới. Trong Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự chờ đợi đầy tin tưởng này : “Chúng con mong ước niềm hạnh phúc mà Chúa đã hứa và sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con”.
Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể sẽ không cần đợi tới thế giới bên kia mới lãnh nhận sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu ngay từ đời này, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn đã tới, liên hệ đến toàn thể con người. Thật vậy, trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta cũng nhận được sự đảm bảo về việc thân xác sống lại trong ngày sau hết, như lời của chính Đức Giêsu đã nói trong Tin Mừng Gioan : “Ai ăn thịt tôi và uống máu Tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và Tôi, Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,54). Bảo đảm về sự phục sinh trong tương lai đến từ việc thịt của Con Người, được trao ban làm của ăn, cũng chính là thân xác vinh quang của Đấng Phục Sinh. Có thể nói, với Bí tích Thánh Thể, người tín hữu như nắm được bí quyết của sự Phục Sinh. Vì thế, Thánh Inhaxiô thành Antôkia đã định nghĩa một cách hết sức chính xác : Bí tích Thánh Thể như liều thuốc trường sinh, một phương thuốc diệt trừ sự chết.
§ Thinh lặng giây lát.
§ Hát : “Ta là Bánh hằng sống” (pk 2)
III. Lời nguyện
§ Cầu nguyện riêng ít phút. (Thinh lặng)
§ Lời nguyện chung.
Hội Thánh luôn thiết tha mời gọi con cái mình tham dự Bí tích Thánh Thể một cách ý thức , sốt sắng và có hiệu quả. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho lời mời gọi của Hội Thánh được các tín hữu lắng nghe và thực hiện.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Ai ăn Bánh này sẽ sống đời. Xin cho những người sắp từ giã cuộc đời dọn mình xứng đáng rước Mình Máu Thánh Chúa, để được nâng đỡ trong đau đớn và thêm sức mạnh trên đường về quê trời.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Hiện nay trên thế giới có biết bao người đói khát không chỉ cơm bánh mà còn khao khát sự sống thần linh. Chúng ta cầu xin Chúa cho con người biết tìm đến với Chúa và biết khao khát đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa như của ăn đảm bảo cho sự sống muôn đời.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Đức Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng người tín hữu. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người chúng ta biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, đợi chờ ngày được tham dự vào sự sống viên mãn mai sau.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
IV.Phép lành Mình Thánh Chúa ((Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kết thúc)
§ Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
§ Hát : “Đây nhiệm Tích”.
§ Lời nguyện.
§ Phép Lành Mình Thánh Chúa.
[
V. Bế mạc § Hát kết thúc.
GIỜ THÁNH HIỀN MẪU
I. KHAI MẠC
Đặt Mình Thánh Chúa (Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kính TT)
Hát Kính Thánh Thể
Thinh lặng giây lát
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa không ngừng kêu gọi chúng con tìm kiếm Chúa để chúng con được sống và đạt được hạnh phúc.
Xin ban cho chúng con biết nỗ lực, có ý ngay lành, một tấm lòng thành đi tìm kiếm Chúa. Chúng con có thánh Monica, thánh Augustino và các thánh tử đạo Việt Nam là những bài học sống động, đang dạy chúng con tìm kiếm Chúa. Chúng con đang sống trong Năm Thánh. Đây là năm cứu độ, là cơ hội thuận tiện và là bầu khí thánh thiện thúc đẩy chúng con lên đường tìm kiếm Chúa. Và chính Chúa thúc giục để chúng con vui thích ca tụng Chúa. Bởi vì, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa (GLCG 30).
Hát: Xin cho con biết lắng nghe.
II. SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN
Lời Chúa: đọc thư Colose 3, 12-17
Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
Suy niệm
TU THÂN – TÍCH ĐỨC
Con người được tạo dựng để sống hiệp thông với Thiên Chúa. Nơi Ngài, con người tìm được hạnh phúc. Khi con người gắn bó hết mình với Thiên Chúa, họ sẽ không bao giờ còn phải đau đớn và vất vả nữa, và được tràn đầy Chúa, đời họ sẽ trở nên sống động (GLCG 45).
Chính nơi Chúa, con người sống, cử động và hiện hữu (Cv 17, 28). Thiên Chúa thâm sâu hơn sự thâm sâu nhất của tôi và cao vời hơn tột đỉnh của tôi. Thánh Augustinô đang truyền đạt chính kinh nghiệm cuộc sống của ngài như vậy (GLCG 300).
Quả thật, Thiên Chúa vô cùng tốt lành. Mọi công trình của Ngài đều tốt đẹp. Tuy nhiên không ai thoát được kinh nghiệm về đau khổ, về những sự dữ trong thiên nhiên – những sự dữ coi như gắn liền với những giới hạn riêng của các thụ tạo – và nhất là vấn nạn về sự dữ luân lí.
Thánh nữ Monica đã từng dãi dầu trong đau khổ. Ngài phải đối đầu với sự dữ triền miên ngay trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Phần Augustino, ngài đã có những giây phút hồi tâm và kiểm điểm đời sống. Ngài nói: Tôi đã đi tìm xem sự dữ từ đâu và không thấy câu giải đáp. Cuộc tìm kiếm đau thương riêng của thánh nhân chỉ tìm được câu giải đáp _ lúc mà Ngài hối cải trở về với Thiên Chúa hằng sống. Bởi vì: “Mầu Nhiệm của sự gian ác chỉ được sáng tỏ dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm đạo thánh.
Việc mạc khải Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kytô đã biểu lộ tình trạng lan tràn của sự dữ và đồng thời là sự đầy tràn chứa chan ân sủng.
Vì vậy chúng ta phải xem xét vấn nạn về nguồn gốc của sự dữ với cái nhìn đức tin _ hướng về Đấng duy nhất đã chiến thắng sự dữ (Lc 11, 21-22) _ GLCG 385”
Cho nên, con đường duy nhất tìm về gặp gỡ Đức Kytô là con đường hoán cải. Đức Kytô đã mở ra ngay con đường này vào lúc đầu đời của cuộc sống công khai. “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Mẹ Fatima đã tiếp nối với lời nhắn nhủ:
- Hãy ăn năn hối cải
- Cải thiện đời sống
Rồi, chính Đức Kytô sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta như đã biến đổi cuộc đời ông Patriciô và của Augustinô. Gặp gỡ Đức Kitô trong giờ chầu Thánh Thể này, chúng ta được ơn biến đổi là có quyết tâm tu thân.
Tu thân là gì?
Thánh Augustinô giải thích:
Nhờ sự tiết dục, chúng ta được quy tụ lại và tìm lại được sự thống nhất bản thân _ mà từ đó chúng ta đã bị phân tán thành nhiều mảnh. (GLCG 2340)
Về điểm này Thánh Augustino nói lên kinh nghiệm của bản thân rút ra từ trái tim của người mẹ hiền.
Con cứ tưởng tiết dục được là do tự sức của riêng mình. Nhưng, thực ra con đâu có biết. Con quá khờ dại nên không biết rằng: nếu Chúa không ban ơn, thì không ai có thể sống tiết dục được. Con chắc chắn _ Chúa sẽ ban ơn, nếu con tha thiết kêu cầu và vững tin phó thác nơi Chúa. (GLCG 2520)
Rồi, để cộng tác với ơn Chúa, việc tìm kiếm Chúa đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực của bản thân muốn biến đổi không ngừng. Và đây chính là bàn đạp đẩy tới việc tề gia.
GIA ĐÌNH LÀ CUNG THÁNH SỰ SỐNG
Các thành viên trong gia đình mà khởi xướng là người mẹ _ có một tầm nhìn chung về định hướng xây nhà trên nền đá vững chắc là Lời Chúa. (Mt 7, 24-25) thì gia đình sẽ trở thành mái ấm tình thương _ trở thành cung thánh sự sống.
Thánh Phaolô đề ra phương hướng cụ thể: “Với lòng tri ân, anh em hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca để hát mừng cảm tạ Thiên Chúa trong lòng anh em”(Cl 3, 12-17)
Thánh Augustino đã có một cảm thức thiêng liêng này: “ Bao lần con đã rơi lệ khi nghe các thánh thi, thánh ca của Chúa, những âm thanh dịu dàng vang lên trong thánh đường của Chúa, con đã xúc động biết bao! Các âm thanh đó rót vào con, từ đó niềm hưng phấn đạo đức sục sôi lên và nước mắt tuôn trào, những điều đó làm cho con hạnh phúc.”(GLCG 1157)
Chúng ta có thể đồng cảm với tâm tình của Thánh Augustino khi liên tưởng tới, khi nhớ lại những bài ru con của người mẹ, sự đong đưa của người chị bé bỏng bên chiếc nôi em mình. Những điệu ru dệt nên từ ca dao tục ngữ, từ những vần thơ đã ăn sâu vào lòng người tự bao giờ.
GIÁO XỨ LÀ CỘNG ĐỒNG THÁNH THỂ VÀ LÀ TRỌNG TÂM CỦA CÁC GIA ĐÌNH
Lời mẹ nhắn nhủ _ trối trăng “Các con hãy chôn xác này ở bất cứ nơi đâu. Đừng lo lắng gì về chuyện đó, mẹ chỉ xin các con điều này, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ tới mẹ nơi bàn thờ của Chúa.”
Đời ta là Thánh lễ nối dài. Thánh lễ hôm nay nơi trần thế là sự nếm cảm trước, là việc hướng đến Thánh lễ đời đời nơi thiên quốc _ thúc giục chúng ta tham dự ngày càng trọn vẹn hơn vào Hy tế của Đấng Cứu Chuộc mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ.
Thánh Augustinô dạy rằng: “Chính toàn thể đô thành đã được cứu chuộc, tức là cộng đoàn và tập thể các thánh, là một hy tế phổ quát được dâng lên Thiên Chúa nhờ vị Thượng Tế, Đấng trong hình dạng một kẻ nô lệ, đã tự hiến mình chịu khổ nạn vì chúng ta, để chúng ta trở thành Thân Thể của Đấng là Đầu cao cả dường ấy”… Đây là hy tế của các kitô hữu: “Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô” (Rm 12, 5). Hy tế này được Hội Thánh tiếp tục cử hành qua các bí tích bàn thờ mà các tín hữu đã biết, trong đó Hội Thánh hiến dâng chính mình trong hy tế mà Hội Thánh tiến dâng (GLCG 1372)
- Thinh lặng giây lát
- Hát : Tim con dâng ý thơ.
3. Lời Chúa. Đọc Tin Mừng Lc 11, 27-28
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."
4. Suy niệm
Khát vọng sâu xa và rất là tự nhiên của con người là được hạnh phúc. Khát vọng này có nguồn gốc Thần linh. Thiên Chúa đã đặt khát vọng này trong trái tim con người, để lôi kéo họ đến với Người. Và Thiên Chuá trực tiếp đụng chạm và đánh động trái tim con người. Các lời hứa ban “Sự sống đời đời” đáp lại khát vọng này _ vượt quá mọi hy vọng. Và duy chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn khát vọng này mà thôi. (GLCG 1718)
Thánh Augustino nói:
“Chắc chắn mọi người đều muốn sống hạnh phúc, trong dòng giống loài người, không ai không đồng ý về điều này, ngay cả trước khi nó được phát biểu cách rõ ràng.”
Vậy lạy Chúa, con phải tìm Chúa thế nào đây?
Quả thật, khi con tìm Chúa là Thiên Chúa của con, là con tìm đời sống hạnh phúc. Con muốn tìm Chúa để linh hồn con được sống. Bởi vì, thân xác con sống là nhờ linh hồn và linh hồn con sống là nhờ Chúa. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới làm cho no lòng thỏa dạ những khát mong tìm kiếm.
Và, lạy Chúa, sau những công trình rất tốt đẹp của Chúa, mặc dầu Chúa đã thanh thản làm nên chúng, Chúa đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy, chính là để nói trước với chúng con qua tiếng nói trong sách của Chúa rằng: sau những công trình tốt đẹp của chúng con mà Chúa đã ban cho chúng con, thì chúng con sẽ nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát của đời sống vĩnh cửu trong Chúa.
- Hát : Trong Trái Tim Chúa Yêu
- Đọc Chung : Kinh Cầu cho gia đình.
III. KẾT THÚC. ((Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kết thúc)
1. Hát : Này con là đá
2. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng.
3. Hát : Đây nhiệm tích
4. Lời nguyện và phép lành Mình Thánh Chúa
5. Hát : Xin Vâng
HIỆP NHẤT TRONG HOÀ BÌNH
I. Khai mạc
§ Đặt Mình Thánh ((Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kính TT)
§ Hát Kính Thánh Thể
§ Lời nguyện mở đầu :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, lời cuối cùng Chúa nói với các môn đệ trước khi Chúa về trời là : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lời đó vẫn luôn mới mẻ và vang vọng trong tâm hồn mỗi người chúng con. Chúa hiện diện với chúng con trong Hội Thánh, Chúa hiện diện với chúng con trong từng biến cố của cuộc sống, Chúa hiện diện với chúng con trong những người anh em đồng loại, và đặc biệt Chúa hiện diện với chúng con trong Bí tích Thánh Thể, để mỗi ngày chúng con được đón rước Chúa. Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể là vì Chúa yêu thương chúng con, Chúa muốn gần gũi chúng con, Chúa muốn chia sẻ sự sống cho chúng con và Chúa muốn cứu độ chúng con. Thánh Thể Chúa là nguồn ơn thiêng phong phú cho con người ở khắp nơi và cho mọi thời đại.
Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con hướng về sự hiệp nhất của Hội Thánh và của mọi người trên thế giới, xin Chúa tuôn đổ tình yêu của Chúa xuống và biến đổi mọi người, mọi dân nước trên thế giới này biết sống thân thiện, hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa.
II. Lắng nghe Lời Chúa và suy niệm
§ Bài đọc 1 : 1Cr 10,15-17
§ Suy Niệm :
Lạy Chúa, chúng con được Chúa qui tụ trong Hội Thánh để làm nên một thân thể duy nhất, Hội Thánh là nơi Chúa đang hiện diện và ở giữa chúng con. Lời của Thánh Phaolô nhắc cho chúng con biết ý thức lại, Hội Thánh là thân thể của Chúa mà mỗi Kitô hữu chúng con là chi thể của thân thể Chúa. Bàn tiệc Thánh Thể mà chúng con tham dự mỗi ngày làm nên sự hiệp nhất và đồng thời là dấu chỉ của hiệp nhất, vì tất cả mọi Kitô hữu đều thông phần vào Mình và Máu Thánh Chúa, làm thành thân thể duy nhất.
Đó là điều chúng con xác tín và tuyên xưng trong đức tin. Vì thế để cho Hội Thánh được duy nhất và nên một thì tất cả mọi Kitô hữu chúng con phải có bổn phận yêu mến Hội Thánh, trung thành và xây dựng Hội Thánh trong tinh thần hiệp nhất và huynh đệ, như lời thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô : “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa và gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4,2-6)
Lạy Chúa, nhìn vào thế giới chúng con đang sống, một thế giới đang bị phân hóa, chia rẽ, một thế giới đang lan tràn những hiểm hoạ đe dọa đến sự sống con người: đói kém, chiến tranh, hận thù và cả những tai hoạ thiên nhiên nữa. Tất cả xảy ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, là vì con người vẫn tiếp tục tranh giành quyền lợi, kỳ thị, nghi kỵ lẫn nhau, và dường như con người ngày càng nhẫn tâm hơn, càng đối xử tàn tệ hơn với đồng loại của mình, nhất là với bao nhiêu hình thức nô lệ mới, nô lệ trẻ em, nô lệ phụ nữ. Quả thật, đau khổ và chết chóc vẫn tiếp tục đè nặng và đe doạ đời sống của tất cả nhân loại chúng con.
Lạy Chúa, đứng trước những thống khổ đặc biệt do sự chia rẽ của con người, chúng con càng muốn cậy trông vào Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, muốn qui tụ tất cả nên một, như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh. Xin Chúa đừng để lịch sử nhân loại đi vào ngõ cụt, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con một trái tim biết yêu thương tha thứ. Chúng con tin rằng, chỉ có lòng nhân từ và quảng đại thứ tha, phát xuất từ trái tim yêu thương của Chúa, chúng con mới có thể hàn gắn và xây dựng tinh thần đối thoại hiệp nhất với nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết loại bỏ những gì gây chia rẽ ngay trong đời sống chúng con : ghen ghét, bất công, hiềm thù, nghi kỵ, và cổ võ những gì kiến tạo cho sự hiệp nhất như sống hòa thuận, tương trợ, cố gắng hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trong lòng mến chân thành. Vì chỉ có tình thương mới có sức mạnh nối kết và xây dựng.
§ Hát …
§ Bài đọc 2 : Ga 17, 17-23
§ Suy niệm :
Lạy Chúa, lời cầu nguyện của Chúa trong bữa tiệc ly là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và cho tất cả những người tin vào Thiên Chúa. Chúa đã cầu nguyện cho tất cả chúng con được trở nên một, như các chi thể trong một thân thể duy nhất là Hội Thánh của Chúa. Cũng như Chúa kết hợp với Chúa Cha, nên một với Cha trong tình yêu thương, chúng con cũng được Chúa kêu gọi hiệp nhất nên một trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa yêu thương chúng con và kết hợp với chúng con, để qua đó chúng con được kêu gọi sống hiệp nhất yêu thương nhau.
Lạy Chúa, Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng con với tất cả quyền năng và tình yêu, Chúa là cùng đích các ý hướng và là mẫu mực cho các hành động của chúng con. Tình yêu của Chúa luôn khơi lên trong tâm trí chúng con ý thức về sự hiệp nhất, như Chúa đã luôn cầu xin với Chúa Cha cho tất cả các tín hữu Kitô được nên một trong Chúa. Xin đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa, để chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, một chứng tá thật cần thiết giữa thế giới còn đầy bất hòa này. Như Thánh Gioan đã nói : “chính nơi điều này mà mọi người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa là chúng con yêu thương nhau.” (Ga 13,35), xin Chúa cho chúng con cũng biết kiểm điểm lại bản thân chúng con, xem mình đã sống luật yêu thương của Chúa như thế nào, vì bao lâu còn bất hòa, còn chia rẽ giữa chúng con, thì bấy lâu chúng con không thể loan báo Tin Mừng hiệp nhất cho bất cứ ai.
Lạy Chúa, Chúa đã đến thế gian qui tụ tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, và chính tình yêu thương của Chúa liên kết chúng con lại với nhau, giúp chúng con vượt qua mọi khác biệt về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, để tất cả chúng con đều có thể là anh em với nhau trong cùng một đại gia đình và cùng một Cha trên trời. Chúa luôn mời gọi chúng con lấy niềm tin và tình yêu thương để củng cố sự hiệp nhất đó. Tình yêu của Chúa là mẫu mực, Chúa yêu thương chúng con trước để chúng con biết yêu thương nhau. Tình yêu của Chúa cũng thúc đẩy chúng con biết trải rộng tình yêu đến với mọi người. Ước gì, trong đại gia đình nhân loại, mọi người biết nhận ra nhau như anh em và nhận biết Thiên Chúa là Cha đích thực của tất cả mọi người.
III. Kết thúc ((Khi chầu lượt không có mục này. Chỉ hát kết thúc)
§ Hát : “Này con là đá”.
§ Lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.
§ Hát “Đây nhiệm tích”.
§ Lời nguyện và Phép Lành Mình Thánh Chúa.
§ Hát kết thúc.
LỜI NGUYỆN KẾT THÚC CHẦU LƯỢT: “GIA ĐÌNH"
CỘNG ĐOÀN CÙNG ĐỌC:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là vua tình thương của gia đình, Chúa đã sáng tạo nên gia đình khi dựng nên nguyên tổ loài người chúng con. Vì gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, cho nên Chúa đã chúc phúc và thánh hoá gia đình, khi đi dự tiệc cưới tại Cana. Chúa đã sống trong một gia đình gương mẫu. Ðức Maria và Thánh Cả Giuse đã hứa ban tràn ngập ơn lành cho những gia đình biết tôn kính thờ lạy Trái Tim Chúa. Và Chúa đã tuyên bố: "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, không ai có quyền phân ly".
Như thế là Chúa đã yêu thương các gia đình cách đặc biệt, và Chúa khát khao cho mọi gia đình chúng con được hạnh phúc thật trên cõi đời và trên nước trời. nhưng muốn cho gia đình chúng con được an vui hạnh phúc bền vững, Chúa dạy chúng con phải xây dựng và thánh hoá gia đình trên nền tảng vững chắc là tinh thần Phúc âm. Thánh Augustinô nói: Tình yêu chân thành là tìm sự lành thánh cho nhau. Thánh Phaolô cũng nói: Tình yêu chân thành thì quảng đại, hy sinh, nhịn nhục, vợ chồng chịu đựng lẫn nhau.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và thực hiện được điều đó cho gia đình chúng con. Bởi vì có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, chúng con mới có thể thông cảm tha thứ, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau, chúng con mới có thể chu toàn nhiệm vụ gia đình là tận tâm giáo dục con cái, trung thành với nhau. Và gánh gia đình mới trở nên dịu dàng êm ái.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy chắc chắn gia đình chúng con sẽ được sống hạnh phúc tốt đẹp trong tình thương vô biên của Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, THÁNH GIA THẤT: “Giêsu-Maria-Giuse”. Xin THÁNH GIA THẤT đoái thương chúng con là những kẻ nghèo khổ, vô công ít đức, xin THÁNH GIA THẤT cho chúng con vào ẩn náu dưới chân THÁNH GIA THẤT phù trì, chúng con quyết tâm bước theo chân THÁNH GIA THẤT chí thánh với tất cả niềm rung động mến yêu, với tất cả ân tình và trọn đời chúng con. Vì thánh ý Chúa muốn gia đình chúng con, Giáo Xứ chúng con nhất là “các Gia Đình Trẻ gặp khó khăn” và nước Việt Nam chúng con đặt dưới sự bảo trợ của THÁNH GIA THẤT, vậy giờ đây chúng con xin phó trót tất cả cho THÁNH GIA THẤT bầu chữa và phù trợ chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét