Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

5 PHÚT LỜI CHÚA THÁNG 02/2022

5 PHÚT LỜI CHÚA THÁNG 02/2022

01/02/22 THỨ BA TUẦN 4 TN

Mồng Một Tết Nhâm Dần. Cầu bình an năm mới    
Mt 6,25-34

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA

“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)

Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau nững điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, – “ban thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.

Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để Chúa định liệu theo thánh ý Ngài.

Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.

 

02/02/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH

Mồng Hai Tết. Kính nhớ Tổ Tiên 
Lc 2,22-40

TIẾN DÂNG CHÚA

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)

Suy niệm: Việc dâng người con đầu lòng cho kết hợp với việc thanh tẩy sản phụ (x. Xh 13,2.11-16; Lv 12,2-8) là  việc làm theo luật Mô-sê, nhưng cụ Si-mê-on, được Thánh Thần soi sáng, lại thốt lên: “Mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ” (Lc 2,30). Ông thấy một người nữ được gìn giữ khỏi mắc tội tổ tông truyền dâng Đấng vô tội là trẻ thơ Giê-su lên Thiên Chúa. Và ông còn thấy tiền ảnh của cuộc Thương Khó: cũng người nữ ấy đứng dưới chân thập giá dâng cũng Người Con ấy, “Đấng xoá bỏ tội trần gian”, làm hy lễ đền tội nhân loại, để ứng nghiệm lời tiên tri của ông ngày hôm nay: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Mời Bạn: Lễ dâng Chúa trong đền thánh cũng là ngày Mồng Hai Tết kính nhớ ông bà tổ tiên, một dịp thuận tiện để bạn ý thức việc hiếu kính tổ tiên đưa dẫn chúng ta về tới cội nguồn đích thực là Thiên Chúa, nguồn mạch mọi ơn lành. Hiệp với lễ dâng tuyệt hảo là chính Đức Giê-su, Con yêu dấu của Chúa, mời bạn dâng chính mình, gia đình, mọi người bạn sẽ gặp gỡ, mọi việc bạn dự định và những gì xảy đến với bạn trong năm mới này, để xin ơn kiên trì tín thác vào Chúa và nhiệt thành loan báo Chúa cho tha nhân.

Sống Lời Chúa: Gẫm thứ tư mùa Vui: Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả đều là ân ban của Chúa, xin cho con biết trân quý và dâng lại cho Chúa đời sống của con để tạ ơn Chúa không ngừng. Nhất là con biết nói về Chúa cho người khác và trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa qua đời sống mến Chúa yêu người.

03/02/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mồng Ba Tết – Thánh hoá công việc
Mt 25,14-30

THÁNH HOÁ NGƯỜI LÀM VIỆC

“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Lc 25,21.13)

Suy niệm: Tấm bằng khen hay huân chương từ vị lãnh đạo cao nhất có giá trị hơn vô vàn phần thưởng vật chất. Chuyện đời là thế. Trước mặt Chúa, điều đó càng ý nghĩa hơn. Ông chủ trong dụ ngôn không thưởng cho những người đầy tớ chăm chỉ làm việc một phần số tiền họ sinh lợi được. Nhưng ông thưởng cho họ điều cao quý hơn nhiều, đó là lời khen: “Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành.” Và hơn nữa ông còn cho họ: “Hãy vào và hưởng niềm vui của chủ anh”, nghĩa là ông kể họ như người nhà của ông.

Mời BạnNhững ai lãnh nhận ơn Chúa, bất kể ít nhiều – bởi vì tất cả đều là hồng ân – nếu biết sử dụng những ơn ấy để sinh lợi cho Nước Chúa, đều được Ngài khen thưởng như “người tôi tớ tài giỏi và trung thành” và được đưa vào hưởng niềm vui của Chúa là hạnh phúc thiên đàng. Ngày Mồng Ba Tết, chúng ta xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm, nhưng đúng hơn là xin Chúa thánh hoá con người làm việc của mình để chúng ta trở thành người con trong nhà của Chúa và chung hưởng niềm vui của Ngài. Vấn đề không phải ở chỗ bạn nhận được mấy yến, 5 yến, 2 yến hay 1 yến, mà là bạn đã dùng chúng để sinh lợi với tất khả năng, sự khôn ngoan của  người tôi tớ trung thành hay chưa.

Sống Lời Chúa: Xét mình xem bạn sử dụng những khả năng Chúa ban để phục vụ và làm chứng cho Chúa như thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sức khỏe, tài năng… là những yến bạc Chúa trao cho chúng con và Chúa mong chúng con sinh lợi. Xin cho chúng con biết dùng ơn Chúa cho nên để nhờ đó, chúng con được Chúa thánh hóa.

 

 

04/02/22 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,14-29

ĐẶT CƯỢC CUỘC ĐỜI

Vua Hê-rô-đê sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” (Mc 6,17-18)

Suy niệm: Mục sư Martin Luther King, một nhà tranh đấu chống chính sách kỳ thị chủng tộc đã nói: Thảm kịch lớn nhất về mặt xã hội không phải là tiếng la ó của những người xấu, mà là một sự yên lặng đáng sợ của những người tốt. Ý thức về nhân cách như thế, ông đã dám nói sự thật và đã trả giá cho vai trò đó bằng 10 lần bị tống giam, 8 lần bị kết án và cuối cùng bị ám sát. Số phận của Gio-an Tẩy Giả, nhân chứng sự thật, cũng không ngoại lệ. Ông bị vua Hê-rô-đê chém đầu chỉ vì can ngăn vua phạm tội loạn luân. Nếu Gio-an và mọi tín hữu im hơi lặng tiếng trước những trò múa rối của thần giả trá, có lẽ nhiều người sẽ tưởng rằng trật tự thế giới này đã hoàn hảo không có gì cần thay đổi. Một khi con người sống không dám sống cho sự thật, người Ki-tô hữu không dám sống vai trò chứng nhân, thì một thảm kịch lớn xảy ra, đó là tối tăm sẽ thống trị địa cầu. Gio-an sống rao giảng sự thật, chết là để làm chứng cho sự thật. Trọn cuộc sống, ngài làm sáng tỏ chân dung Đấng là Sự Thật.

Mời Bạn: Với tư cách là Ki-tô hữu, người làm chứng cho sự thật, bạn làm được gì cho môi trường mình hiện diện ?

Chia sẻ : Lý do “chờ thời thuận tiện” làm chứng nhân có phải là thái độ của người có nhân cách Kitô giáo không?

Sống Lời Chúa: Tập sống trung thực trong lời nói việc làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương nâng đỡ những chứng nhân của Chúa, những người đang chịu bách hại vì dám làm chứng cho sự thật.

 

 

05/02/22 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo

Mc 6,30-34

NHIỆT HUYẾT TÔNG ĐỒ

Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,34)

Suy niệm: Có những lúc, vì áp lực và gánh nặng của biết bao công việc phải làm, chúng ta muốn đóng cửa để nghỉ ngơi, không muốn bị ai quấy rầy. Chúa Giê-su quan tâm đến sức khoẻ của các môn đệ, và hẳn Ngài cũng mệt nhọc như các ông sau những chuyến hành trình rao giảng. Chúa đề nghị các môn đệ đưa thuyền qua bờ bên kia tìm nơi thanh vắng “để nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ngay khi chứng kiến cảnh họ như bầy chiên bơ vơ không người chăn, lập tức Chúa đã chạnh lòng thương và Ngài tiếp tục dạy dỗ họ. Ngài cùng các môn đệ muốn nghỉ ngơi cũng không được. Bởi vì tình yêu của người Mục Tử nhân lành thúc bách Ngài hy sinh cho đoàn chiên, không chỉ hy sinh thời gian, sức khoẻ… mà còn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì đàn chiên ấy nữa.

Mời Bạn: Người môn đệ Đức Ki-tô được mời gọi noi gương Thầy, hăng say loan báo Tin Mừng tình yêu Chúa cho nhân loại đến mức dám hy sinh cả mạng sống vì đoàn chiên. Động lực nào để bạn có được tinh thần nhiệt huyết làm việc tông đồ như Chúa Giê-su? Động lực ấy chỉ có thể là tình yêu. Khi có lòng yêu mến thật sự thì mọi khó khăn, vất vả và gánh nặng đều sẽ trở nên nhẹ nhàng. Đúng như lời khuyên của thánh Augustinô: Bạn hãy yêu rồi làm.

Sống Lời Chúa: Đừng từ chối lắng nghe một người nào đó đang cần đến chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt qua sự ươn lười để mở lòng đến với tha nhân và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa với họ. Amen.

 

 

 

06/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C
Lc 5,1-11

BƯỚC THEO THẦY GIÊ-SU

Thế là họ đưa thuyền vào bờ và bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. (Lc 5,11)

Suy niệm: Chúa Giê-su xuống thế làm người không như một khách đến tham quan thoáng chốc rồi rời đi. Trái lại, Ngài đến để ở lại, đồng hành, và chia sẻ cuộc sống với con người và để nâng con người lên tầm cao mới. Ngài gặp gỡ dân chúng ngay giữa cuộc sống xô bồ của họ bên hồ Ghen-nê-xa-rét. Ngài kêu gọi các môn đệ khi họ vừa đánh cá về và đang giặt lưới. Ngài mượn thuyền của họ để hỗ trợ việc giảng dạy dân chúng. Thế rồi ngay trên con thuyền ấy, Ngài tỏ quyền năng qua mẻ cá lạ lùng, và các ông đã được Ngài thu phục. Bỏ mọi sự đi theo Chúa, các ông vẫn là ngư phủ, nhưng là ngư phủ của Nước Trời (x. Mt 13,47-50); các ông vẫn thả lưới, nhưng không phải bắt cá mà là “thu phục người ta” (Lc 5,10).

Mời Bạn: Chúa kêu gọi bạn làm môn đệ của Ngài ngay trong đời thường của bạn. Bạn được Ngài sai đi không phải đâu xa, mà ngay trong môi trường gia đình, nghề nghiệp đời thường của bạn. Qua Bí tích rửa tội, bạn được trở nên con cái Chúa, không phải để được cất lên trời mà là vẫn ở lại giữa trần gian nhưng được biến đổi lên “tầm cao mới”; nhờ đó, bạn vẫn là công nhân, nhưng là một công nhân tông đồ; vẫn là giáo viên, nhưng là giáo viên tông đồ… Bạn vẫn là bạn, nhưng mang sứ mạng tông đồ để loan báo Tin Mừng ngay trong môi trường đời thường của bạn.

Sống Lời Chúa: Lan toả tình yêu Chúa bằng cách chu toàn việc bổn phận hằng ngày với tinh thần phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Xin cho chúng con biết sống theo Thần Khí Chúa soi dẫn để trở nên chứng nhân cho Chúa trong ngày hôm nay. Amen.

 

 

 

 

07/02/22 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Mc 6,53-56

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

Đi đến đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Đức Giê-su cho họ ít là được chạm đến tua áo của Người; và bất cứ ai chạm đến thì đều được khỏi. (Mc 6,56)

Suy niệm: Trong Tông thư về Lòng Thương Xót, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng, lòng thương xót được biểu lộ đặc biệt bằng việc khôi phục các giá trị và giúp con người thăng tiến, vươn lên khỏi những điều ác. Nhìn vào Đức Giê-su, người ta mới nhận rõ nét mặt khả ái của lòng thương xót. Ngài thương nhận lời cầu xin đầy tin tưởng của nhiều người, dù họ lên tiếng rõ ràng như anh trộm lành hay như ông viên trưởng hội đường; hoặc họ chỉ im lặng đợi trông như người đàn bà bị bệnh loạn huyết hay như nhiều người bệnh khác mong chỉ chạm đến tua áo Ngài. Lòng thương xót của Ngài không dừng lại ở lòng trắc ẩn về thể lý hay vật chất, nhưng để cho họ được sống và sống dồi dào trong tư cách là con Thiên Chúa.

Mời Bạn: Lòng thương xót của Chúa thúc đẩy ta nhìn thấy tình trạng tâm hồn của ta và của tha nhân, xuyên qua cái nhìn đầy trắc ẩn của ta đối với họ. Nhiều người chưa biết Chúa là Đấng hay thương xót.

Chia sẻ: Những tặng phẩm mà bạn có thể mang đến cho người khác là gì? “Chất” Tin Mừng có thấm trong những tặng phẩm ấy không?

Sống Lời Chúa: Bạn nài xin Chúa cho gia đình bạn và gia đình người lương mà bạn kết nghĩa được những ơn cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đã hai mươi thế kỷ Chúa đến với nhân loại, nhưng nhiều người vẫn chưa biết đến Tin Mừng này. Xin cho con biết hăm hở loan báo lòng thương xót Chúa cho anh em con.

 

08/02/22 THỨ BA TUẦN 5 TN
Th. Giô-sê-phi-na Ba-khi-ta, trinh nữ

Mc 7,1-13 

LÒNG ĐẠO ĐỨC ĐÍCH THỰC

“Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa.” (Mc 7,13)

Suy niệm: Để tiếp thị một sản phẩm, yếu tố quyết định lắm khi không phải là chất lượng của sản phẩm mà là mẫu mã hấp dẫn, đánh động thị hiếu người tiêu dùng. Não trạng chuộng hình thức ấy lại càng nguy hiểm khi nó tiêm nhiễm vào cả trong cung cách sống đạo. Chúa Giê-su chống lại cung cách sống đó nơi người Pha-ri-sêu: Họ chú trọng truyền thống tiền nhân như rửa tay, rửa chén bát… nhưng lại lơ là điều quan trọng là giới răn của Thiên Chúa, mà cốt lõi ở tại tấm lòng. Nói cách khác, họ chăm chăm đến hình thức bên ngoài nên không còn nhận ra lòng đạo đức đích thực hệ tại điều gì. Lòng sùng đạo đích thực phải đưa người ta đến với Thiên Chúa và tha nhân trong tình mến, chứ không phải chỉ là thực hành nghi thức hay luật lệ. Đây mới là “chính đạo” mà Chúa mời gọi các môn đệ Ngài hướng tới.

Mời Bạn: Bạn có nghĩ việc sống đạo của mình đã ổn chỉ dựa vào việc thực hành bên ngoài không? Bạn ơi, hãy coi chừng việc đánh giá theo cung cách ấy sẽ rất phiến diện. Kỳ thực, vẻ bề ngoài tốt lành như siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ, làm việc tông đồ… vẫn chưa thể phản ảnh chính xác tâm hồn bên trong. Cần phải xét xem cách mình cầu nguyện, đối xử với tha nhân, cách phản ứng trước một quyền lợi nào đó có xuất phát từ lòng yêu mến để biết mình có lòng đạo đức đích thực hay không.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm các việc đạo đức với tình mến thực sự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con đâu là việc thờ phượng đích thực. Xin cho con biết lấy Luật Chúa làm cốt lõi của đời sống, chứ không chú tâm vào bề ngoài mà đánh mất ý nghĩa bên trong.

 

09/02/22 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23

TỐT XẤU HỆ TẠI TÂM

Đức Giê-su nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,20-22)

Suy niệm: Thiên Chúa là Đấng Thánh. Những gì thuộc về Ngài đều là thánh. Người Do Thái tự hào mình là dân thánh vì được thánh hiến cho Thiên Chúa (Xh 19,6). Sự thanh sạch được coi như là biểu hiện của sự thánh thiện. Vì thế, người Do Thái, đặc biệt giới kinh sư và Pha-ri-sêu, những thành phần được coi là có trách nhiệm bảo vệ ‘sự thánh’, rất chú trọng đến việc giữ mình khỏi sự ô uế. Họ đặt ra nhiều qui định như: “không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng” (Mc 7,3-4), vì tưởng rằng tẩy rửa bên ngoài đủ để thanh sạch cả trong tâm hồn. Nhưng họ đã lầm, bởi theo Chúa Giê-su, thanh sạch phải từ trong tâm hồn vì “chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).

Mời Bạn: Tâm tốt sẽ sinh ra hành vi tốt. Và để có được tâm tốt, cần bồi bổ những dưỡng chất tốt. Vậy, bạn thường nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những thứ gì? Là thần lương ban xuống từ trời, hay những thứ ô uế do ma quỉ bày ra?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã đến để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin hấp dẫn con bởi chính Chúa, để trong quyền năng, tâm hồn con được biến đổi, nhờ đó mà đời sống con sinh nhiều hoa trái tốt. Amen.

 

 

10/02/22 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ

Mc 7,24-30

ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU

Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. (Mc 7,25)

Suy niệm: Người đàn bà xứ Xy-ri này phải chịu đựng những thành kiến, dị nghị của người Do Thái đối với những người dân ngoại, khi bà đến xin Đức Giê-su cứu chữa đứa con gái bé bỏng của mình khỏi quỷ ám; giờ đây hẳn bà cảm thấy bất lực, tuyệt vọng không còn chỗ để bám víu trước những lời hắt hủi phũ phàng của Chúa: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Tình mẫu tử đã giúp bà tăng thêm lòng can đảm để vượt lên tất cả, bà vẫn “sấp mình dưới chân Chúa” và thưa lại với tất cả niềm tin, hy vọng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Những lời xem ra thử thách của Đức Giê-su lại càng tỏ lộ rõ lòng tin kiên trì của bà và nhất là lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhờ thế, con gái của bà đã được Chúa chữa lành.

Mời Bạn: Chúng ta khi đứng trước những khó khăn, đặc biệt của chính con cái, người thân của mình, có đến “sấp mình dưới chân Chúa” cầu xin Ngài với tất cả lòng thành và tin tưởng kiên trì phó thác hoàn toàn cho tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa? Bạn đừng ngại dâng lên Chúa những ưu tư, những nỗi khổ của mình, của người thân để được Chúa trợ giúp, an ủi, chữa lành.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi cầu nguyện, bạn dâng lên Chúa ý chỉ cầu xin cho những người đau khổ đang cần trợ giúp mà bạn quen biết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, biết tìm đến với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt những lúc khó khăn nhất trong đời sống chúng con. Amen.

 

 

 

11/02/22 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày quốc tế bệnh nhân

Mc 7,31-37

KHAI THÔNG BẾ TẮC

Đức Giê-su ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-ta,” nghĩa là hãy mở ra! Lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,34-35)

Suy niệm: Chứng câm điếc khiến khả năng giao tiếp, truyền thông với người  khác bị phế bỏ. Người câm điếc không thể biểu đạt tâm tư, suy nghĩ của mình, đồng thời cũng không thể tiếp nhận lời nói, tư tưởng của người khác. Đó là một tình trạng bế tắc và bị cô lập! Khi thi hành sứ vụ ở vùng đất dân ngoại, Chúa Giê-su đã chữa lành một người câm điếc. Chúa dẫn anh ta ra riêng một nơi, đặt ngón tay vào lỗ tai, bôi nước miếng vào lưỡi, rồi nói: “Ép-pha-ta, hãy mở ra!” Thế là sự bế tắc khoá chặt người câm điếc bấy lâu nay đã được phá vỡ. Anh ta nghe được và nói rõ ràng. Chúa Giê-su đã làm cho cuộc đời anh ta mở sang một trang mới.

Mời Bạn: Chứng câm điếc tâm linh là sự tối tăm, mù quáng của tâm hồn con người. Đó là lối sống cố thủ cực đoan, đóng kín nơi chính mình, không đón nhận Thiên Chúa đi vào tâm hồn mình cũng như không mở lòng ra với tha nhân. Chứng câm điếc tâm linh này dần dà sẽ hủy hoại đời sống Ki-tô hữu. Bạn hãy cho phép Chúa Giê-su dẫn riêng ra một nơi để Người chữa lành chứng bệnh câm điếc tâm linh, để khai thông sự bế tắc chết người này trong đời sống bạn.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn dành thời giờ riêng tư ở lại với Chúa Giê-su, và xin Người mở lòng bạn và chữa lành chứng câm điếc tâm linh cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin mở tai con để con biết chân thành lắng nghe Chúa và anh chị em mình. Xin mở miệng con để con cao rao tình thương của Chúa và nói những lời bác ái với tha nhân. Amen.

 

12/02/22 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Mc 8,1-10

NO THOẢ CƠN ĐÓI

“Đám đông đã ăn và được no nê.” (Mc 8,8)

Suy niệm: Để lại sau lưng mọi mối bận tâm cơm áo gạo tiền, đám đông dân chúng theo Chúa Giê-su vào “nơi hoang vắng” say mê lắng nghe Lời Chúa đến mức quên cả nhu cầu thiết yếu nhất: “suốt ba ngày mà không có gì ăn!” Họ đói khát Lời Chúa còn hơn cả đói cơm bánh. Phần Chúa Giê-su, với tấm lòng chạnh thương, miệt mài rao giảng Nước Trời, Ngài còn hóa bánh ra nhiều nuôi đoàn dân ăn no nê, không “để họ nhịn đói mà về kẻo họ xỉu dọc đường.” Ngài cung cấp lương thực dồi dào và cho họ no thỏa cơn đói tinh thần lẫn thể chất.

Mời Bạn: Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Ta sẽ đổ xuống muôn hồng ân, cho Xi-on được lương thực dồi dào, và ban cho kẻ nghèo hèn được no nê cơm bánh”. Nhưng Ngài còn mời gọi đừng theo Ngài chỉ vì thứ “lương thực mau hư nát” mà hãy tìm kiếm “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6,27). Mời bạn tự vấn xem việc bạn đi theo làm môn đệ Chúa Ki-tô đang bị lệch lạc bởi tinh thần thế tục như thế nào? Liệu bạn có vì lắng lo cho “những của cải chóng qua đời này” mà quên “gắn bó với của cải muôn đời tồn tại” hay không?

Chia sẻ: Bạn thường viện lý do bận rộn điều gì để thoái thác việc thờ phượng Chúa (thánh lễ Chúa Nhật, đọc kinh gia đình…)?

Sống Lời Chúa: Sắp xếp công việc để trung thành với việc cầu nguyện chung trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi con trú ẩn (Tv 90,1). Chỉ có Ngài mới thỏa mãn những khao khát sâu thẳm trong trái tim con. Xin giúp con luôn hướng về Ngài và làm việc vì vinh danh Ngài.

 

 

 

 

 

13/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – C
Lc 6,17.20-26

HẠNH PHÚC THẬT

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

Suy niệm: Chắc chắn Chúa Giê-su không có ý nói rằng cuộc sống lầm than túng thiếu, không xứng với phẩm giá con người lại là điều đáng chúc phúc. Vậy Chúa ám chỉ ai và điều gì khi Ngài nói “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”? Dĩ nhiên, nghèo khó trước hết nói về những người thiếu thốn về vật chất, người không có quyền lực, bị áp bức, bị bóc lột… Sau nữa, theo Thánh Kinh, người nghèo khó là những người luôn đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Khi không đặt cho mình chỗ dựa nào trong cuộc đời này, người ta mới khám phá hạnh phúc thật không thể tìm thấy ở của cải đời này mà là ở nơi Thiên Chúa. Và như thế, ngay cả những người có nhiều của cải vật chất cũng có thể trở nên nghèo khó bằng cách sống trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa và cảm thông chia sẻ với người đang gặp cảnh khó khăn.

Mời Bạn: Trở ngại lớn nhất khiến người ta không thể sống tinh thần nghèo khó không phải là vì ngày nay người ta có thể làm ra quá nhiều của cải, mà là vì người ta quá lệ thuộc của cải đến nỗi không thể chia sẻ cho nhau một cách quảng đại, và nhất là không thể sống trong niềm tín thác vào Chúa.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm để cảnh giác mình khỏi trở thành nô lệ cho của cải vật chất: – Tôi có cảm thấy mất bình an khi bị mất hay thiệt thòi về của cải không? – Tôi có cảm thấy ngần ngại do dự khi phải cho đi một cái gì không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy biết sống nghèo khó như Chúa, là biết luôn tựa nương vào Chúa là nguồn hạnh phúc chân thật vĩnh cửu.

 

 

 

 

14/02/22 THỨ HAI TUẦN 6 TN

Th. Xy-ri-lô và Mê-tô-đi-ô
Mc 8,11-13

DẤU LẠ GIÊSU

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)

Suy niệm: Chuyện kể rằng một vị thánh đang chầu Thánh Thể thì có người vào báo tin ở ngoài đang xảy ra một phép lạ và người ta kéo tới xem đông lắm. Vị thánh đã trả lời ở đây cũng đang diễn ra một phép lạ vĩ đại, đó là chính Chúa Giê-su hiện diện trong nhà chầu, nơi bí tích Thánh Thể và ngài đang chiêm ngắm. Người Do Thái đòi Chúa Giê-su làm một dấu lạ trên trời, nhưng chính Ngài là dấu lạ đang ở trước mặt họ thì họ không nhận biết: Ngài sẽ là Dấu Lạ đích thực cho họ, “dấu lạ Gio-na,” qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Biết bao phép lạ lớn lao Chúa đã thực hiện không phô trương ồn ào, mà kín đáo tế nhị, âm thầm khiêm tốn. Làm cho nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana, làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, Chúa đã làm như một việc bình thường, tự nhiên tới mức không ngờ! Và giờ đây, ngày ngày, Ngài vẫn hiện diện trong Lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể; bạn có ý thức sự hiện diện đó chưa?

Chia sẻ: Chúa Ki-tô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể nhưng lại có vẻ thầm lặng và quá tầm thường; điều đó có làm bạn quên lãng hoặc coi thường “dấu lạ” bí tích này không?

Sống Lời Chúa: Trong tuần dành thời gian đến chầu Thánh Thể ít là một lần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con nhưng nhiều khi con không nhận biết; và con cứ mãi tìm kiếm một giải pháp theo kiểu thế gian mà quên hành động trong sự kết hiệp với Chúa. Xin cho chúng con nhận ra rằng chính Chúa là dấu chỉ đích thực mang lại ơn cứu độ cho con mà thôi. Amen.

 

 

15/02/22 THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21

ĐỪNG CỨNG LÒNG

“Lòng anh em ngu muội thế?” (Mc 8,17)

Suy niệm: Các môn đệ quả là hậu đậu, ngần ấy người với biết bao lần đi biển mà chỉ mang theo một cái bánh! Thật ra chuyện nhỏ ấy đâu đáng để Chúa Giê-su bận tâm. Ngài vừa mới làm phép lạ hoá bánh ra nhiều đấy thôi! Chúa cảnh báo các ông “đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê” vì Ngài muốn các ông hướng lên tìm kiếm “lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6,27). Thế nhưng các ông chỉ nghĩ đến những chuyện ‘sàn sàn mặt đất’, đến tấm bánh vật chất đời tạm này. Chúa trách mắng các ông “ngu muội” quả là không oan. Hơn một lần Chúa Giê-su đã nặng lời quở trách các môn đệ như thế, lúc thì vì các ông tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất (x. Lc 22,24), lúc thì vì các ông kém lòng tin (x. Mt 17,20). Chính vì mang nặng tinh thần thế tục mà các môn đệ dù ở với Chúa đã lâu mà các ông chưa biết, chưa hiểu Ngài.

Mời Bạn: Chỉ cậy dựa vào sức riêng tự nhiên con người, chỉ chạy theo tính háo danh và lòng ham muốn hưởng thụ lạc thú, chúng ta dễ quên mất sự hiện diện của Đức Ki-tô và đánh mất niềm tin và trông cậy vào quyền năng của Ngài mỗi khi cơn thử thách tăm tối ập đến. Lúc đó chúng ta tưởng rằng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Những lúc đó chúng ta hãy nhớ lại những lần Chúa can thiệp trong cuộc đời mình để vững tin vào Ngài.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày, thường xuyên thầm thĩ lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những khi gặp khó khăn, thử thách, con lại bị cám dỗ xa rời Chúa mà chạy đến với các vị “thần” khác. Xin Chúa hãy mở lòng, mở mắt để con nhận ra tình yêu và quyền năng của Chúa trong đời mình mà một lòng tín thác vào Chúa. Amen.

 

 

16/02/22 THỨ TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26

TAY CON TRONG TAY CHÚA

Đức Giê-su và các môn đệ đi đến Bét-sai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, dẫn ra khỏi làng… (Mc 8,22-23)

Mời Bạn chiêm ngắm cảnh tượng cảm động này: Chúa Giê-su dắt anh mù, tay anh ta trong tay Ngài cả hai cùng đồng hành. Chúa thật kín đáo tế nhị. Người vẫn sẵn sàng chữa cho anh mù… nhưng bằng cách “cầm lấy tay anh và dẫn ra khỏi làng”… Cử chỉ thật đơn sơ những cũng thật cảm xúc… Mắt không thể nhìn xem thì bàn tay thay thế để cảm nhận. Bạn hãy nhắm mắt lại đặt mình vào địa vị anh mù ấy và thử hình dung Chúa đang nắm lấy tay mình và trên quãng đường đi ra khỏi làng đó, trong lòng mình rộn lên những tâm trạng nào.

Chia sẻ: Tin Mừng theo thánh Mác-cô là một Tin Mừng hướng nội tâm và quan tâm đến sự tăng trưởng thiêng liêng. Bạn hãy nêu rõ điều đó dựa vào đoạn Tin Mừng trên.

Sống Lời Chúa: Như anh mù nài xin Chúa sờ vào mình và đưa tay để Chúa dắt đi, bạn cũng hãy để Lời Chúa đụng đến mình, mỗi ngày chỉ 5 phút thôi, Lời Chúa sẽ dẫn dắt trí lòng bạn sống kinh nghiệm đức tin làm cho đức tin tăng trưởng từ chỗ u tối về phương diện thiêng liêng đến chỗ dần dần khám phá ra con người Đức Giê-su và ký thác niềm tin nơi Người.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con biết say mê Lời Chúa! Xin nắm tay con trong tay Chúa và dẫn con đi theo Lời Chúa, Ánh Sáng đời con, để nhờ đó mỗi ngày, nhờ được đụng chạm đến Lời Chúa, con được khơi dậy niềm tin và cậy trông vui sướng vì biết rằng Chúa thương con thật.

 

 

 

 

17/02/22 THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Bảy Thánh lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ

Mc 8,27-33

RAO GIẢNG CHÚA KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH

Chúa Giê-su dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều,…bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó không úp mở. (Mc 8,31-32)

Suy niệm: Các môn đệ, cách riêng là Phê-rô, không khỏi hụt hẫng bởi vì vừa tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô thì liền bị Thầy nghiêm cấm không được tiết lộ điều ấy cho bất kỳ ai; đã thế Ngài lại nói trắng ra cho họ – không chỉ một lần, mà tới ba lần – rằng Ngài sẽ “phải chịu đau khổ nhiều, chịu chết” và rồi sẽ phục sinh. Đấng Ki-tô, mà lại phải chịu khổ hình ư? Đầu óc nặng tinh thần thế tục của các ông không thể chấp nhận điều đó. Các ông lại càng không hiểu nổi “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì (Mc 9,30-32). Chỉ sau khi lời báo trước của Chúa trở thành hiện thực, và được Ngài giải thích Kinh Thánh cho các ông, các ông mới hiểu rằng “Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người” (x. Lc 24,26).

Mời Bạn: Quả thật, để cứu độ nhân loại, không chỉ đơn giản ‘xí xoá’ hình phạt do tội lỗi gây ra mà đủ. Trái lại, Đức Ki-tô, “Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29) phải gánh lấy thân phận tội đồ, chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá để đền bù hơn cả sòng phẳng mọi tội lỗi trần gian. Rao giảng Đức Ki-tô đích thực phải là “rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh”. Bạn không thể trở thành môn đệ loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô nếu bạn không đi theo Ngài trên con đường thập giá. Bạn có sẵn sàng “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày” mà theo Ngài chưa?

Sống Lời Chúa: Năng làm những việc hy sinh hãm mình (vui vẻ chấp nhận khó nhọc, làm chủ cảm xúc nóng giận…) là cách vác thập giá mình theo Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.

 

18/02/22 THỨ SÁU TUẦN 6 TN
Mc 8,34-9,1

ĐƯỢC VÀ MẤT TRONG ĐỜI

“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35)

Suy niệm: Tin Mừng của Chúa Ki-tô thường đưa ra những đòi hỏi xem ra thật nghịch lý. Theo xu hướng tự nhiên người ta hăm hở tìm kiếm những gì là có lợi cho mình: của cải, danh vọng, càng nhiều càng tốt. Thế nhưng càng tìm kiếm những thứ đó càng bị mất. Và ngược lại ai dám liều mạng sống mình thì lại được mạng sống ấy! Nhưng với một điều kiện dám liều “vì Chúa Ki-tô và vì Tin Mừng”. Lối sống tưởng chừng trái ngược tự nhiên, nhưng lại là giá trị sống đích thực, viên mãn không chỉ ở đời này mà vững bền mãi đến cả đời sau. Kinh Hòa Bình, được cho là của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, diễn đạt lại chân lý ấy: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời!”

Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi chúng ta dám ra khỏi chính mình, dám bỏ đi sự tự ái, ích kỷ, ganh tỵ, hận thù, tham lam, bạo lực, gian dối và biết mở lòng ra để Chúa đong đầy yêu thương, tha thứ, quảng đại, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Phải dám liều “mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng” khởi đi những việc nho nhỏ ngay trong đời thường. Cái chúng ta cần để cho mất đi là những tiêu cực trong cuộc sống và để được lại lối sống tích cực từ trong suy nghĩ lời nói và hành động.

Sống Lời Chúa: Dám liều “mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng” bằng cách suy nghĩ và nói điều tích cực, và biết quảng đại cho đi trong việc cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, Chúa đã chết để chúng con được sống. Xin cho chúng con biết chết đi cho những con người tội lỗi, để làm mới lại con người của chúng con trong Chúa.

 

 

19/02/22 THỨ BẢY TUẦN 6 TN
Mc 9,2-13

 

SẴN SÀNG VÁC THÁNH GIÁ

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (Mc 9,3)

Suy niệm: Chúa Giê-su ẩn giấu thiên tính của Ngài trong thân phận con người như bao người chung quanh. Qua biến cố biến hình trên núi, Chúa Giê-su tỏ mình trong khung cảnh uy nghi khiến các môn đệ phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!” Việc hiển dung chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng nhờ đó các ông thêm niềm tin hầu sẵn sàng đương đầu với cơn thử thách sắp đến. Quả thật, Chúa Giê-su đã chọn con đường thập giá để chu toàn ý Chúa Cha và để cứu rỗi nhân loại. Ngài biết chắc chắn rằng: chọn lựa đó sẽ làm cho các môn đệ chao đảo vấp ngã khi Thầy của họ dấn thân vào cuộc thương khó sắp tới. Trong biến cố này, Chúa Giê-su chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ của Ngài giữ vững niềm tin.

Mời Bạn: Thánh giá gắn liền với cuộc sống ki-tô hữu, như lời sách Gương Chúa Giê-su: “Bạn tiến lên hay lùi lại. Bạn ra ngoài hay vào trong bản ngã, ở đâu bạn cũng vẫn gặp thánh giá” (Q.II, Ch.12). Bạn có sẵn sàng đón nhận thánh giá Chúa gửi tới, với xác tín rằng: đây là phương dược Chúa ban để chữa lành, để uốn nắn, dạy dỗ hầu cho người của Chúa được nên giống Chúa hơn không?

Sống Lời Chúa: Xin ơn xác tín như thánh Phao-lô “cùng chịu đóng đinh thập giá với Đức Ki-tô” (Gl 2,19) để rao giảng thập giá là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho con sự sống của Chúa, sự sống làm cho đời con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Amen. (Rabbouni)

 

 

20/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – C
Lc 6,27-38

CÓ LÒNG NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

“Anh em có hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Chúa Giê-su dạy phải có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Nhưng “nhân từ như Chúa” là như thế nào đây? Thưa, khi dạy như thế, Chúa Giê-su cũng cho chúng ta câu trả lời bằng chính thân phận và cuộc sống của Ngài, đặc biệt “giờ” của Ngài là cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ngài thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn”, Ngài giảng dạy họ và còn cho họ ăn no. Ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ của những người bệnh tật, thổn thức trước người cha có đứa con bị quỉ ám, trước người mẹ có đứa con trai duy nhất phải chết đi. Và Ngài đã ra tay cứu giúp họ. Ngài không chỉ tuyên bố tha tội trong một số trường hợp, mà còn kêu cầu Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh Ngài.

Mời Bạn: Khi bị xúc phạm, bình thường, ta có thể biểu lộ sự bực dọc ra bên ngoài bằng những trận nổi trận tam bành, hay âm thầm nuôi dưỡng lòng thù hận và tìm dịp thuận tiện trả đũa. Nhưng hãy nhìn vào lòng nhân từ của Chúa, để tập biểu lộ tinh thần thiện chí, can đảm, kiên trì để tha thứ cho nhau.

Chia sẻ: Tôi có cảm nghiệm nào về lòng nhân từ Chúa tác động cách cụ thể đến đời sống tôi không?

Sống Lời Chúa: Quỳ dưới chân thập giá nhìn ngắm tượng Chúa chịu đóng đinh, để cảm nghiệm lòng Chúa nhân từ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi có người làm tổn thương đến con, bình thường con cảm thấy tức giận, lạnh lùng, nổi xung và nuôi động cơ trả thù. Nhưng từ rày về sau, xin cho con nhận ra lòng quảng đại tha thứ của Chúa để nhờ đó, con biết mở rộng con tim nhân ái đối với mọi người như Chúa đã dành cho con. Amen.

 

 

 

21/02/22 THỨ HAI TUẦN 7 TN
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT

Mc 9,14-29 

ĐỨC GIÊ-SU QUÁT MẮNG QUỶ

Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa.” (Mc 9,25)

Suy niệm: Hễ khi nào gặp trường hợp quỷ ám con người, Chúa Giê-su luôn quát mắng trừ khử chúng. Thái độ bất khoan dung của Ngài đối với Xa-tan là điều dễ hiểu, vì Xa-tan luôn mưu hại con cái Chúa dưới nhiều hình thức như gây ra bệnh tật, sự nghi ngờ, lời lộng ngôn, vô tín… Xa-tan ấy không chỉ xuất hiện thời Chúa rao giảng, nhưng chúng vẫn hoành hành từ ngàn xưa và ngay cả hôm nay trong cuộc sống chúng ta. Nếu không có thái độ dứt khoát với chúng như Chúa Giê-su, con người sẽ bị chúng khống chế, điều khiển, cuộc sống mình bị tê liệt, đi lệch hướng. Xa-tan ấy đang nhập vào thế giới ta sống và gây ra nhiều hệ lụy thương đau như sống thác loạn, hận thù vì tranh giành quyền lực, hưởng thụ bằng mọi cách, kiếm tiền bằng mọi giá, muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi sinh hoạt thường ngày…

Mời Bạn: Bạn cần phải tỉnh táo trước những cám dỗ đường mật, nhưng gây chết người của ma quỷ núp dưới vỏ bọc của lối sống văn minh thời thượng. Nguy hiểm hơn nữa khi nhìn chung quanh, bạn sẽ thấy nhiều người đang chạy theo lối văn minh thời thượng ấy, khiến bạn cũng bị lung lay, muốn sống thỏa hiệp giữa đức tin và chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng thụ.

Sống Lời Chúa: Chúa dạy bạn chỉ có chay tịnh và cầu nguyện mới trừ được thứ quỷ này mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng Xa-tan cám dỗ trong sa mạc. Xin Chúa nâng đỡ, hộ giúp con hằng ngày. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.” Amen.

 

22/02/22 THỨ BA TUẦN 7 TN
Lập Tông tòa thánh Phê-rô 
Mt 16,13-19

HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

“Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy.” (Mt 16,19)

Suy niệm: Ở Rô-ma, người ta còn giữ lại ngai tòa (chiếc ghế) mà thánh Phê-rô, vị giáo hoàng tiên khởi, đã ngồi để giảng dạy, chăn dắt cộng đoàn và toàn thể Hội Thánh. Lễ lập Tông tòa thánh Phê-rô gợi nhớ lại câu chuyện lịch sử này, đồng thời nhắc lại lời xác quyết của Chúa Giê-su: trên đá tảng Phê-rô, Chúa xây dựng Hội Thánh của Ngài và quyền lực Xa-tan không thắng nổi. Hội Thánh hôm nay tiếp tục cuộc lữ hành về Quê Trời với hướng đi Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Các giáo phận đang tổ chức công nghị để triển khai tiến trình hiệp hành. Một trong những thách đố ngày nay là phong trào đòi “dân chủ” trong Hội Thánh, nhưng người ta quên rằng Hội Thánh không tự ra đời do cơ chế loài người; Hội Thánh được sinh ra bởi “Thiên chủ,” Đấng quyền năng, đã phán: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy” (Mt 16,19).    

Mời Bạn: Sống trong lòng Hội Thánh, nhờ và qua Hội Thánh, bạn được biết phẩm giá mình là con cái Thiên Chúa. Với tâm tình biết ơn và yêu mến Hội Thánh, Công nghị về hiệp hành không phải là nghị trường để bỏ phiếu, nhưng là nơi bạn cùng bước đi, cùng tham gia. Đó sẽ là “lối sống” phát sinh hoa trái trong khi bạn dấn thân tông đồ.

Sống Lời Chúa: Bạn tạ ơn Chúa vì bạn được sống trong Hội Thánh của Chúa mà Xa-tan không thể thắng được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tất cả chúng con đang hướng về một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Xin Chúa gìn giữ và che chở Hội Thánh, xin giúp chúng con thêm yêu mến Hội Thánh. Amen.

 

23/02/22 THỨ TƯ TUẦN 7 TN
Th. Pô-ly-cáp, giám mục, tử đạo

Mc 9,38-40

MIỄN LÀ LÀM ĐIỀU THIỆN

“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,38-40)

Suy niệm: Muốn trừ quỷ, người ta phải nại vào một tên tuổi ‘cao tay ấn’ hơn, một ‘danh’ uy quyền hơn quỷ. Con người không tên này tin tưởng vào Đức Giê-su đến nỗi lấy danh của Ngài để trừ quỷ, dù chưa xin bản quyền của Ngài. Đức Giê-su tỏ ra bao dung và dễ dãi trong việc cho người ta mượn tên tuổi của mình. Ngài không muốn mình Ngài hay nhóm môn đệ ‘độc quyền’ trừ quỷ, Ngài sẵn sàng nhường hẳn ‘bản quyền’ độc đáo này cho bất cứ ai thành tâm thiện chí muốn chống lại quyền lực ma quỷ, tiêu diệt sự dữ. Đức Giê-su dạy các môn đệ gạt bỏ tinh thần hẹp hòi, phe nhóm, cục bộ, để có thể đón nhận tất cả những ai làm điều thiện. Ai làm không quan trọng, miễn là làm điều thiện, miễn là để tiêu diệt sự ác.

Mời Bạn: Gạt bỏ tinh thần phe nhóm hẹp hòi, chỉ biết đề cao đoàn thể, địa phương, gia đình của bạn… Bạn hãy có cái nhìn rộng rãi như Đức Giê-su: làm điều thiện, điều tốt không phải độc quyền của riêng một ai, một phe nhóm nào.

Chia sẻ: Tôi thường tỏ ra hẹp hòi, cục bộ trong những vấn đề gì? Tôi đã tìm cách nào để khắc phục chưa?

Sống Lời Chúa: Gạt bỏ tinh thần phe nhóm cục bộ hẹp hòi bằng cách nhận ra cái hay, điều tích cực nơi những người khác nhóm, khác đoàn thể với mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không muốn các môn đệ Chúa dành độc quyền trong việc trừ diệt sự dữ. Chúa không muốn chúng con sống cách hẹp hòi cục bộ, nhưng biết mở rộng đón nhận tất cả mọi người thiện chí. Amen.

 

24/02/22 THỨ NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50

PHẦN THƯỞNG MUÔN ĐỜI

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đức Ki-tô… người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc 9,41)

Suy niệm: Giải thưởng được trao cho những cá nhân, tập thể xuất sắc trong một lãnh vực nào đó như công nhận cũng như đền bù phần nào cho các nỗ lực đáng khen ấy. Người nhận giải thưởng thường đạt được các thành quả rực rỡ, nhờ đã nỗ lực hết mình. Đang khi ấy, Chúa lại thưởng ta không dựa trên các thành quả to lớn, nhưng căn cứ trên tấm lòng. Một chén nước lã hay một phần tư đồng xu của bà góa nghèo (x. Lc 21,2), hoặc năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ (x. Ga 6,9) có giá trị gì đâu, thế nhưng lại được Chúa đảm bảo cho một phần thưởng muôn đời. Đối với Chúa, làm cho Ngài, vì Ngài, mới là điều quan trọng, quyết định giá trị của công việc ta làm.

Mời BạnThiên Chúa tạo dựng nên bạn theo hình ảnh của Người. Rồi qua phép Thánh tẩy, bạn trở nên con Chúa, được thuộc về Đức Ki-tô hoàn toàn, phẩm giá của bạn trở nên cao quý vô cùng. Ý thức như thế, chúng ta cần phải làm nổi bật hơn nữa hình ảnh cao quý ấy bằng chính cuộc sống biết cho đi, dù chỉ là một ly nước lã, để Thiên Chúa được tôn vinh trong chính bạn.

Chia sẻ: Bạn đã nhiều lần làm việc bác ái, nhiều lần cho đi. Nhưng bạn có làm những việc ấy vì là danh nghĩa người con Chúa, hay chỉ vì sự thương hại theo kiểu ‘bố thí’?

Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm mỗi việc làm, lời nói, suy nghĩ trong ngày là dành cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con được làm con cái Chúa và là người em Chúa Ki-tô. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm giá cao quý này bằng việc cho đi như chính Chúa. Amen.

 

 

 

25/02/22 THỨ SÁU TUẦN 7 TN
Mc 10,1-12

 

HÔN NHÂN, GIAO ƯỚC VỮNG BỀN

“Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)

Suy niệm: Một thực trạng đáng báo động trong đời sống hôn nhân hiện nay, nhất là nơi các gia đình trẻ, đó là việc ly hôn. Có nhiều lý do đưa đến việc ly dị: kinh tế, ngoại tình, bạo hành gia đình… nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất là người ta coi hôn nhân như giao ước có tính tạm bợ, chỉ là cam kết riêng của hai người nam nữ. Chúa Giê-su khẳng định hôn nhân không chỉ là cam kết của riêng vợ chồng, mà còn là giao ước được Thiên Chúa thiết lập và chúc lành từ thuở ban đầu. Thiên Chúa nối kết người nam cùng người nữ trong hôn nhân để họ nên một về thể xác lẫn tinh thần: “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” Chính vì thế, giao ước giữa người nam và người nữ mang một giá trị vĩnh viễn, chỉ có cái chết mới có thể phá hủy mối dây liên kết vợ chồng ấy.

Mời Bạn: Nếu không có những ngày mưa bão, người ta sẽ chẳng quý trọng những ngày nắng đẹp. Cũng vậy, những khủng hoảng, khó khăn trong đời sống gia đình không phải là nguyên nhân để hôn nhân tan vỡ. Đúng hơn, những thách đố đó là để tinh luyện tình yêu vợ chồng, để vợ chồng biết quý trọng, nâng niu hạnh phúc, niềm vui bình an trong gia đình. Và nhờ ơn Chúa nâng đỡ, vợ chồng biết nỗ lực hy sinh cùng nhau để đưa gia đình vượt qua khó khăn và thăng tiến tình yêu phu phụ mỗi ngày.

Sống Lời ChúaMỗi ngày bạn làm ít nhất một việc tử tế với gia đình mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin hãy đến và ở lại với gia đình chúng con để dẫn dắt chúng con vượt qua các khủng hoảng, thách đố. Nhờ đó, chúng con biết hy sinh cho nhau và yêu thương nhau cho đến trọn đời. Amen.

 

26/02/22 THỨ BẢY TUẦN 7 TN
Mc 10,13-16

TÂM HỒN TRẺ THƠ

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,14-15)

Suy niệm: Các trẻ em được dẫn đến với Chúa Giê-su để được Ngài chúc lành nhưng lại bị chính các môn đệ xua đuổi. Thái độ của các ông cũng dễ hiểu vì trẻ con không được “hóng” chuyện của người lớn, chúng nên đi chỗ khác chơi trong lúc người lớn nói chuyện. Nhưng Chúa Giê-su coi trọng sự hiện diện của các em vì tâm hồn đơn sơ chân thành của các em là một bức minh họa tuyệt vời về thái độ phải có để tiếp nhận Nước Thiên Chúa. Quả vậy Nước Trời, ân huệ Thiên Chúa ban không do công trạng chúng ta, thuộc về những ai biết ân cần đón tiếp với tâm hồn đơn sơ như một em đón nhận tình thương của cha mẹ mình.

Mời Bạn: Là người con, bạn biết kêu cầu, van xin, nhưng cũng biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa quan phòng khi chấp nhận những đau khổ, rủi ro, những điều ta không thể hiểu được.

Chia sẻ: Theo Chúa mà đặt điều kiện với Chúa, giữ đạo mà chỉ mong lợi lộc vật chất, phải chăng như thế lòng đạo đức của ta mang tính vụ lợi, tính toán, xa lạ với tinh thần trẻ thơ? Ta có quá sợ Thiên Chúa phạt không hay ta có vui thích để Thiên Chúa yêu thương?

Sống Lời Chúa: Những thái độ như hôn ảnh thánh giá, đeo ảnh Chúa, bái đầu trước tượng Đức Mẹ… là những việc đạo đức bình dân mỗi người có thể làm nói lên lòng yêu mến đơn sơ của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống đơn sơ phó thác, để con được Chúa yêu thương ấp ủ trong Trái Tim chí thánh của Chúa. Amen.

 

 

 

27/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C
Lc 6,39-45

CHỮ TÂM HAY CHỮ TÀI?

“Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.” (Lc 6,45)

Suy niệm: Người tốt là người từ tâm. Tâm tốt được gọi là từ tâm, là kho tàng tốt để lúc nào cũng sẵn sàng phát ra những lời nói, hành vi tốt cho người cho đời. Người từ tâm nghĩ đến gánh nặng của người lân cận hơn của mình, suy nghĩ và hành động cho người khác hơn cho mình. Một người vừa có tâm vừa có tài – được gọi là hiền tài – thì còn gì tốt bằng! Chúa Giê-su muốn ta quan tâm, đi vào nội tâm của mình, được Ngài coi như kho tàng – có thể chất chứa bao điều tốt hay tràn ngập bao ý tưởng xấu xa – từ đó phát xuất ra bao lời nói, hành vi tốt hay xấu, quảng đại hay ích kỷ, vì Chúa hay vì mình. Người Ki-tô hữu chứng tỏ mình là người tốt thực sự khi biết hành động cho lẽ phải bằng một lương tâm đúng đắn và khách quan. Người tài có thể mang mặt nạ diễn tuồng hay, nhưng không bao giờ được nhìn nhận là người tốt nếu người ấy tri hành không hợp nhất.

Mời Bạn: Thi hào Nguyễn Du nhận thức rõ cái ‘thiện căn’ đó khi nói “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Bạn nghĩ sao bao người chung quanh ta cứ muốn chứng tỏ mình có tài mà không trau dồi tâm đức? Điều đó đang gây ra bao hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.

Sống Lời Chúa: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Vì thế, ta nên cẩn trọng trong lời nói, trong các xét đoán của mình để người khác thấy được lòng ta chứa đựng điều tốt lành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đưa con đi tận vào tâm hồn mình, để Chúa thanh lọc những tâm tư xấu xa, lấp đầy bằng tâm tình đạo đức. Xin cho con biết quan tâm đến kho tàng lòng mình, sống chân thực với Chúa và chân thành với mọi người. Amen.

 

 

 

 

28/02/22 THỨ HAI TUẦN 8 TN
Mc 10,17-27

KHẮC KHOẢI KIẾM TÌM

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17)

Suy niệmMột trình thuật thật đẹp về người sở hữu nhiều của cải nhưng vẫn khắc khoải kiếm tìm điều quan trọng hơn trong cuộc đời, đó là sự sống đời đời. Đẹp đến nỗi Thầy Giê-su “đưa mắt nhìn” và “đem lòng yêu mến.” Ánh mắt của Đấng Thiên-Chúa-làm-người dừng lại trên anh, và Ngài đang có một hoạch định cho người này: kêu gọi anh làm môn đệ. Thế nhưng, kế hoạch ấy bị chết yểu: câu chuyện rẽ sang một hướng khác khi anh “sa sầm nét mặt”  “buồn rầu bỏ đi,” ngược hẳn với sự hào hứng ban đầu. Anh không thể vươn cao hơn để có Chúa là gia nghiệp chỉ vì anh không thể từ bỏ, siêu thoát được với những tài sản anh cho là quý giá ở đời này.

Mời bạnSự giàu có là phúc lành của Thiên Chúa và phần thưởng chính đáng của lao động. Nước Thiên Chúa là của mọi người. Nhưng ai có thể vào? Chúa Giê-su nhấn mạnh: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Bởi vì, bao lâu bạn và tôi chưa thể thoát mình khỏi vật chất và làm chủ của cải đời này, ta cũng sẽ dừng lại như người giàu kia. “Khắc khoải đi tìm” phải thúc bách ta ra khỏi mình, đến với những ai cần một bàn tay, sự giúp đỡ từ kho tàng của mình: tài năng, trí tuệ, khả năng, của cải, tình yêu, lòng trắc ẩn…

Sống Lời Chúa: “Nếu chúng ta sở hữu cái gì đó, thì đấy chỉ là để dành phục vụ cho thiện ích của mọi người” (Fratelli Tutti, 122). Bạn hãy làm một cử chỉ bác ái với người gần bạn nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi ngày con có nhiều khắc khoải, con cứ kiếm tìm hoài. Xin cho con không chỉ dừng lại nơi chính mình, nhưng biết để ý đến nhu cầu của tha nhân và bén nhạy trước lời mời gọi của Chúa. Amen.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét