Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ THƠ TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON




PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ THƠ TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON

 

Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục sớm và triết lý giáo dục: “Mọi đứa trẻ đều khác biệt và tất cả đều có quyền học những điều chúng cần trong cuộc sống”, Tân Thời Đại xác định giáo dục 10 năm đầu đời là 10 năm quan trọng nhất, tạo nền tảng tri thức, cảm xúc và kỹ năng xã hội để trẻ tự tin, chủ động phát triển năng lực bản thân trong suốt cuộc đời, theo cách mà trẻ thích để thành công, hạnh phúc.

Tại Hệ thống giáo dục Tân Thời Đại, giáo dục sớm được triển khai ngay từ bậc học Mầm non với đội ngũ chuyên gia cố vấn hàng đầu trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tổ chức các hội thảo tư vấn giáo dục sớm cho cha mẹ trẻ, trong khi hầu hết các hệ thống ngoài công lập lựa chọn đón trẻ từ 18 hoặc 24 tháng tuổi – khi trẻ đã khá thành thạo các kỹ năng vận động, giao tiếp, Tân Thời Đại thực hiện đón trẻ từ 12 tháng tuổi. Với sự cố vấn của TS. Chu Thị Hồng Nhung – Trưởng phòng Phát triển Chương trình GDMN của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tân Thời Đại xây dựng Chương trình riêng cho trẻ 12 - 18 tháng tuổi với hơn 200 hoạt động, bao quát các lĩnh vực và mức độ phát triển của trẻ.

Với quan điểm đồng hành từ nhận thức đến hành động, Tân Thời Đại mở chuyên mục GIÁO DỤC SỚM. Tại đây, Tân Thời Đại và các chuyên gia sẽ chia sẻ và cập nhật các kiến thức về giáo dục sớm để Quý Phụ huynh cùng tham khảo.

 

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ THƠ TRONG THỰC HIỆN

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON

NGND. PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh

1. Mở đầu

Giáo dục Mầm non (GDMN) là bậc học đầu tiên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Nhà Nước ta. Phát triển toàn diện trẻ thơ trong giai đoạn này mang lại đóng góp to lớn trong việc gắn kết xã hội, xây dựng hòa bình và thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và thế giới. Đây là “giai đoạn vàng”, “cửa sổ của cơ hội”, là thời kỳ quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong cuộc đời của mỗi người. Ở giai đoạn này trẻ rất dễ bị tổn thương, trừ phi có sự chăm sóc, giáo dục phù hợp về thể chất và tinh thần. Vì vậy, nếu được gia đình, nhà trường và cộng đồng quan tâm phát triển toàn diện trẻ thơ trong giai đoạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn góp phần đào tạo ra những công dân ưu tú cho tương lai với thể lực cường tráng, trí tuệ vượt trội, thông minh, sáng tạo, có những tính cách, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng sống phù hợp nhằm nâng cao tiềm lực, tầm vóc con người cũng như vị thế của Việt Nam trên thế giới; góp phần bảo vệ sức khỏe, cải tạo nòi giống, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

2. Nội dung tầm quan trọng của phát triển trẻ thơ trong những năm đầu đời

2.1. Não bộ của trẻ phát triển nhanh và mạnh

Các bài báo của hai tạp chí nổi tiếng của Mỹ: Tạp chí Newsweek (Special Ed.) năm 1997 và tạp chí chuyên môn Carnegie, năm 1994; Newberger, 1997, đã làm bùng lên cuộc tranh luận của công chúng về tầm quan trọng của những tháng năm đầu tiên của cuộc sống đứa trẻ. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của trải nghiệm từ rất sớm trên các hệ thống thần kinh của bộ não con người. Trước đây người ta cho rằng não phải và não trái hoạt động theo cùng một nguyên lí giống nhau. Nhưng thực tế lại không phải như vậy, những khả năng chưa được khai phá của con người đều nằm ở não phải. Ngay trong bụng mẹ, não phải của con người đã được hình thành trước, sau đó não trái mới hình thành. Trong ba năm đầu đời, não trái chưa bắt đầu hoạt động tốt và não phải đóng vai trò là não chủ đạo. Từ ba đến sáu tuổi, vị trí chủ đạo của não phải dần chuyển sang não trái. Đến sáu tuổi, não trái bắt đầu đóng vai trò chủ đạo và nó sẽ khống chế sự hoạt động của não phải. Đó là lý do tại sao cần tận dụng kích hoạt não phải trong giai đoạn trước 3 tuổi khi não phải vẫn đóng vai trò chủ đạo [1].

Não là cơ quan phát triển nhanh và mạnh nhất trong những năm đầu đời. Lúc mới sinh trọng lượng não chiếm 25% trọng lượng não của người trưởng thành, đến 1 tuổi chiếm 50%, 2 tuổi là 75%, lúc 3 tuổi đã 90%, thời gian còn lại cho đến khi trưởng thành não chỉ tăng thêm 10% nữa thôi. Từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 của thai kỳ, não phát triển 100 tỷ tế bào thần kinh (TBTK). Mỗi TBTK lại kết nối với 10.000 TBTK khác để tạo ra 1 triệu tỷ kết nối. Trong năm đầu bộ não làm việc tích cực để kết nối với tốc độ kinh ngạc khoảng 700 -1000 kết nối TBTK được hình thành trong 1 giây (Konkoff 2009) và vào khoảng 3 tuổi, não tạo ra nhiều kết nối, sau đó thì kết nối chậm lại ... ( trẻ 8 tháng tuổi có 1 triệu tỷ KNTK, đến 10 tuổi chỉ còn 500 nghìn tỷ). Một trẻ 3 tuổi khỏe mạnh bình thường có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp hai lần so với người trưởng thành. Quá trình cắt tỉa các kết nối thần kinh là biểu hiện của tính mềm dẻo cao (khả năng thích ứng) của não trẻ, mà điều đó bị ảnh hưởng bởi các môi trường nuôi dạy trẻ. Một trẻ 3 tuổi khỏe mạnh bình thường có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp hai lần so với người trưởng thành. Điều này là bởi vì sau 10 đến 11 tuổi, não trẻ bị mất đi các khớp thần kinh mà chúng không sử dụng đến. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”. Bộ não con người được lập trình để tìm kiếm trải nghiệm. Khi sự tương tác và chăm sóc không được đáp ứng, não bộ sẽ phát triển không đồng bộ và hiệu quả vì các kết nối thần kinh phụ thuộc vào sự đáp ứng, chăm sóc ngay từ giai đoạn đầu đời này [1] .

2.2. Trẻ học từ rất sớm trong những năm đầu đời

Tất cả những gì trẻ có thể học được, ngay giai đoạn rất sớm, những kết nối ban đầu của các tế bào thần kinh hình thành cách suy nghĩ, cảm nhận thế giới xung quanh, ứng xử và học hành ngay từ khi sinh ra, thậm chí từ khi còn trong bụng mẹ. Bé có các trải nghiệm khác nhau và lặp đi lặp lại nhiều lần, các kết nối trong não sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Chính các kết nối não quyết định mỗi cá nhân sẽ trở thành người thế nào? Nếu những người chăm sóc trẻ biết quan tâm chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cùng tương tác và giáo dục sớm phù hợp và đúng đối với tất cả trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh bất lợi cũng sẽ tạo ra những đứa trẻ tương lai phát triển toàn diện. Khi não của trẻ không nhận được sự chăm sóc cần thiết, đặc biệt là trong các giai đoạn phát triển đầu đời nhạy cảm và nhịp độ nhanh, thì về sau sẽ cần rất nhiều nỗ lực để giúp não của trẻ có thể phát triển đúng tốc độ và nhiều khả năng sẽ không đạt được kết quả tối ưu. Phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề trong tương lai của trẻ liên quan tới những thiếu hụt trong nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục sớm ở những năm đầu đời.

* Nguồn:C.A. Nelson (2000).

2.3. Đầu tư chăm sóc và giáo dục sớm cho trẻ sẽ có hiệu quả cao

Đầu tư chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, tương tác và giáo dục sớm cho trẻ trong những năm đầu có hiệu quả to lớn với sức khỏe, tầm vóc, khả năng học tập, lao động trí tuệ, tâm hồn và tình cảm của trẻ không những trong ngắn hạn mà còn là các kết quả dài hạn trong phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia cũng như của một gia đình. Nghiên cứu mới nhất của Giáo sư James J. Heckman, một chuyên gia kinh tế và phát triển con người từng đoạt giải Nobel về “Lợi ích trọn đời của chương trình trẻ thơ” cho thấy các chương trình có chất lượng cao dành cho trẻ em bị thiệt thòi từ lúc sơ sinh đến 5 tuổi có lợi tức đầu tư kinh phí là 13%/năm – cao hơn so với tỷ xuất lợi tức 7 – 10% của các Chương trình Mẫu giáo dành cho trẻ 3 – 4 tuổi. Heckman, cùng với đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu thấy những lợi ích vượt trội Chương trình phát triển trẻ thơ toàn diện đem lại trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, hành vi xã hội và việc làm. [7]

Như vậy, đầu tư vào PTTTTD những năm đầu đời còn có thể giúp giảm thiểu nhu cầu chi tiêu khác của Chính phủ, cộng đồng và các hộ gia đình trong các chương trình khắc phục hậu quả và dịch vụ khác trong tương lai thúc đẩy cải thiện nguồn nhân lực và ổn định xã hội.

* Nguồn: James Heckman, Giải Nobel Kinh Tế

3. Các yếu tố tác động đến sự phát triển toàn diện trẻ thơ

Sự phát triển toàn diện của trẻ thơ được bắt đầu từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi, nhất là trong 3 năm đầu đời (còn gọi là 1000 ngày đầu đời). Chất lượng các trải nghiệm trong giai đoạn đầu đời này sẽ hình thành nền tảng tối ưu hoặc chưa tối ưu cho sự phát triển não bộ trong suốt thời kỳ thơ ấu và vị thành niên. Sự tổng hòa giữa chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng đầy đủ, tương tác và kích thích tích cực, giáo dục sớm đúng cách cùng môi trường sống an toàn và được bảo vệ có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội, giúp trẻ có thể phát huy hết tiềm năng trong suốt cuộc đời.

3.1. Sức khỏe và dinh dưỡng

Trong ba năm đầu đời, chiều cao của trẻ sau khi sinh sẽ tăng lên gấp 2 lần, còn cân nặng sẽ tăng gấp 5 lần. Do đó, các can thiệp để trẻ đạt cân nặng và chiều cao tối ưu (theo tiềm năng di truyền) sẽ đạt hiệu quả nhất trong giai đoạn này. Vì vậy, không cung cấp các điều kiện phù hợp (dinh dưỡng, sức khỏe, tâm lý xã hội, kích thích giáo dục sớm ...) ở giai đoạn này sẽ làm giảm thiểu tiềm năng phát triển não bộ. Trên toàn thế giới hiện có 1/3 số trẻ em dưới 5 tuổi không phát triển được hết tiềm năng của mình do đói nghèo và không đủ dinh dưỡng [4].

Dinh dưỡng tạo nền tảng cho việc tăng số lượng kích cỡ tế bào thần kinh, cơ, xương, khớp, v.v. Trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, não bộ là một “cỗ máy năng lượng”, tiêu thụ khoảng từ 50 – 75% toàn bộ năng lượng cơ thể hấp thu từ thực phẩm. Dinh dưỡng không đầy đủ trong giai đoạn này có ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của não bộ mà sau này khó có thể bù đắp được. Ở trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu ăn sẽ để lại các dấu ấn thương tổn ở não do chậm phát triển hơn của các tế bào thần kinh, của các bó sợi trục thần kinh và các khớp nối dẫn truyền xung điện thần kinh. Trái lại, trẻ em trong 1000 ngày đầu đời nhận được sự chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng lành mạnh sẽ có khả năng phục hồi khỏi bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng gấp 10 lần so với các trẻ khác. Các thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn phù hợp với từng độ tuổi ở giai đoạn này giúp phát triển tốt các tiềm năng não bộ của trẻ. Ngược lại, nếu thiếu dinh dưỡng và các hậu quả có liên quan khác như thấp còi và nhẹ cân khi sinh có thể ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức và động cơ của trẻ. Trẻ bị hạn chế sự phát triển những kỹ năng này ở giai đoạn đầu đời sẽ có nguy cơ gánh chịu các vấn đề về thần kinh và tâm lý sau này, hay bỏ học sớm, lao động trình độ thấp... dẫn tới tình trạng nghèo vong niên từ đời này qua đời khác [5].

3.2. Tương tác và kích thích

Trẻ có thể cảm nhận thế giới xung quanh qua tất cả các giác quan của chúng như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác... kể cả biểu cảm không dùng ngôn ngữ về thế giới xúc cảm và tình cảm xã hội qua quan sát, trải nghiệm và học tập.

Tương tác và kích thích sẽ hoạt hóa các giác quan giúp não trẻ cảm nhận, trải nghiệm để phát triển. Bản chất đó là quá trình học của não về thế giới xung quanh được gọi là học tập sớm. Quá trình ấy diễn ra trong một tiến trình thời gian mà có hiệu quả cao nhất là trong 3 năm đầu đời. “Trẻ em cần được chăm sóc và kích thích phát triển một cách toàn diện từ trước khi được sinh cho tới những năm đầu đời để có thể lớn lên và phát triển hết tiềm năng của mình” [ 3].

Trẻ nhỏ thường đòi hỏi được tương tác sớm thông qua các hoạt động tự nhiên như nói, biểu cảm mặt, cử chỉ và người lớn phản ứng lại với cùng cử chỉ, ngôn ngữ tương tự như của trẻ. Quá trình tương tác qua lại này là nền tảng trong sự hình thành não bộ. Sự gắn kết và tương tác giữa trẻ và người mẹ/ người chăm sóc trẻ/ giáo viên mầm non sẽ kích thích giải phóng một loại hormone đặc biệt quan trọng là oxytocin, làm tác động đến thần kinh và hành vi ở trẻ. Điều này hỗ trợ não bộ của trẻ phát triển khỏe mạnh. Sự kích thích tương tác giữa trẻ nhỏ và cha mẹ/ người chăm sóc trẻ/ giáo viên mầm non giúp tăng cường khả năng học tập một cách tích cực và lâu dài - thậm chí có thể thay đổi chức năng của não bộ trọn đời.

Tăng cường thực hành tương tác sớm được xem như là tất cả cơ hội mà cha mẹ/ người chăm sóc trẻ/ giáo viên mầm non tạo cho các giác quan của trẻ được bộc lộ tiếp xúc với các tác nhân kích thích từ thế giới xung quanh để các giác quan của trẻ được trải nghiệm, phát triển, nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất là cách khêu gợi và thúc đấy sự phát triển của trẻ về vận động, nhận thức, trí tuệ, và kỹ năng tỉnh cảm xã hội [ 5 ].

3.3. Giáo dục sớm (giáo dục đầu đời)

Giáo dục sớm là một bước đột phá của khoa học giáo dục, nó tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng cho trẻ trong thời kỳ 0 tuổi (thai nhi) đến sáu tuổi. Đây là cơ hội vàng duy nhất để phát triển tiềm năng con người. Quá trình giáo dục được tiến hành sớm trong giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (Thời kỳ mẫn cảm), nên nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất. Giáo dục sớm chú trọng phát triển sự hiểu biết, năng lực bản thân, có khả năng làm chủ trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu, sở thích, khả năng riêng của mỗi trẻ, không áp đặt từ người lớn. Việc học của trẻ được tích hợp thông qua các hoạt động đa dạng trong môi trường sống. Các hoạt động được tổ chức lồng ghép, tác động một cách đồng bộ đến sự phát triển của trẻ. Giáo dục sớm còn là quá trình giáo dục nhằm khai thác tiềm năng tối đa của con người. Đặc biệt trong 3 năm đầu đời, nếu được sống trong môi trường giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú kích hoạt não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này sẽ hình thành nên hàng tỷ kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời và hình thành tính cách, phẩm chất, đạo đức của con người. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”.

 “Các cơ hội giáo dục được định hình từ lâu trước khi trẻ đến lớp. Các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và xã hội mà trẻ phát triển thời thơ ấu là trụ cột thực thụ cho việc học tập cả đời” [6] .

Đầu tư vào các dịch vụ giáo dục sớm những năm đầu đời với chất lượng cao trước khi tới trường giúp nâng cao kết quả học tập của trẻ. Đồng thời, giúp tăng cường hiệu quả của các trường học nhờ giảm tỷ lệ học lưu ban, bỏ học, ... Những năm đầu đời nếu cha mẹ/ người chăm sóc trẻ/ giáo viên mầm non chỉ chăm lo về sức khỏe và dinh dưỡng mà không quan tâm tới tương tác và giáo dục sớm thì phát triển của trẻ về nhận thức, vận động, và cảm xúc xã hội bị ngưng trệ. Khi kết hợp chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe với họat động tương tác và giáo dục sớm, thì những tác động này sẽ phát triển đạt hiệu quả vượt bậc các chăm sóc riêng lẻ, giúp trẻ lớn lên và phát triển toàn diện. Ngược lại, nếu sự tương tác, giáo dục sớm và chăm sóc không được đáp ứng, não bộ sẽ phát triển không đồng bộ và hiệu quả vì các kết nối thần kinh phụ thuộc vào sự chăm sóc, giáo dục từ giai đoạn đầu đời.

3.4. An toàn và bảo vệ

Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và bạo hành, được sống trong môi trường an toàn và bình đẳng không chỉ là nghĩa vụ nhân quyền; đó còn là cơ sở giúp trẻ em phát triển tối đa tiềm năng, có được sức khỏe tốt hơn, kết quả học tập và phát triển xã hội tốt hơn. Nhờ sự kết hợp các biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình và tăng cường tính phản hồi và trách nhiệm của các hệ thống, có thể bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bạo lực và mang lại cơ hội phát triển và tăng trưởng lành mạnh ngay những năm đầu đời của trẻ. Ngược lại, nếu trẻ tiếp xúc với hoàn cảnh thời thơ ấu bất lợi và bị các stress độc hại xảy ra và thường xảy ra cùng lúc như bạo lực, xâm hại, bỏ mặc, nghèo đói cũng như những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài... sẽ tạo ra cortisol liều cao – 1 loại hormone hạn chế sự phát triển của tế bào não, hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng học tập và hành vi, dẫn đến phá vỡ quá trình phát triển kiến trúc của não bộ.

Việc cải thiện hệ thống yếu tố môi trường của trẻ, bao gồm việc tạo ra các môi trường lành mạnh như nhà cửa và chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cơ bản và bảo vệ trẻ em cũng như hỗ trợ cha mẹ/ người chăm sóc trẻ/ giáo viên mầm non các kiến thức, thời gian và kỹ năng để nuôi dưỡng, giáo dục trẻ phát triển toàn diện là rất cần thiết.

Tiếp cận phát triển toàn diện trẻ thơ để xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục mầm non là việc làm không chỉ riêng của ngành giáo dục, mà còn là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng được dựa trên tính hiệu quả và đồng bộ của việc tạo môi trường phù hợp cho trẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. Charles H.Cranford. Right Brain for Kids - Phát triển não phải trẻ em. NXB Van hóa thông tin, năm 2014.

 [2]. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013.

 [3]. Kết nối ARNEC Mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho trẻ nhỏ, năm 2011.

 [4]. Luật trẻ em, năm 2016.

 [5]. Tài liệu Phát triển trẻ thơ toàn diện của UNICEF, Việt Nam, năm 2018.

 [6]. UNESCO - Báo cáo giám sát Tuần lễ giáo dục toàn cầu Việt Nam (GDMN) năm 2011.

 [7]. WWW.hecmanequation.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét