TIẾP TỤC ĐỨNG SAU KHI HÁT LONG TRỌNG BA
LẦN ALLELUIA
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Hỏi: Trong Lễ Đêm Canh Thức Vượt Qua, cộng đoàn
tiếp tục đứng hay ngồi xuống khi hát Thánh vịnh 117/118 sau phần hát long
trọng 3 lần Alleluia?
Đáp: Sở dĩ có câu hỏi này vì rất nhiều cộng đoàn phụng
vụ bị lúng túng/phân vân không biết ở phần này, tức là sau khi hát long trọng
3 lần Alleluia và khi bắt đầu hát Thánh vịnh [Tv 117/118, 1-2. 16ab-17.
22-23], thì nên ngồi xuống hay tiếp tục đứng. Kết quả là có nơi thì ngồi có nơi
lại đứng mà hầu hết đã chọn tư thế ngồi vì nghĩ rằng như trong mọi Thánh Lễ
khác, cứ khi đọc/hát “Thánh vịnh Đáp ca” thì cộng đoàn phải ngồi.
Đúng là trong mọi Thánh Lễ, cộng đoàn ngồi khi đọc/hát Thánh vịnh Đáp
ca, thậm chí cũng phải áp dụng như thế cho cả phần Phụng vụ Lời Chúa trước Kinh
Vinh Danh trong chính Lễ Đêm Vọng Phục Sinh mà chúng ta đang bàn. Tuy nhiên,
trong Đêm Canh Thức Vượt Qua này, ngay sau khi vừa hát xong Alleluia 3 lần
cách long trọng, cộng đoàn phải tiếp tục đứng chứ không ngồi xuống để hát
Thánh vịnh 117/118 cùng với đáp ca Alleluia. Đây là những lý do:
1/ Thứ nhất, Hội Thánh hướng dẫn trong Lễ Đêm Vọng Phục Sinh rằng “Sau
bài Thánh thư, mọi người đứng lên. Linh mục, nếu cần thì phó tế hoặc
ca viên giúp, long trọng xướng Alleluia và mọi người lặp lại. Hát ba lần, mỗi lần
lên giọng cao hơn. Giáo dân đáp theo giọng được xướng. Rồi ca viên hát Thánh
vịnh Đáp ca và dân chúng hát Alleluia đáp lại.”[1] Như vậy, chúng
ta được mời đứng lên để long trọng hát Alleluia và tất nhiên cộng đoàn
vẫn tiếp tục đứng để công bố Thánh vịnh 117/118 cùng với đáp
ca (Alleluia, Alleluia, Alleluia) bởi lẽ luật chữ đỏ đã không nói gì đến việc
cộng đoàn ngồi xuống lúc này, ngoại trừ ĐGM ngồi xuống vào lúc bỏ hương vào
bình hương, chúc lành cho hương trong thinh lặng cũng như chúc lành cho thầy
phó tế trước khi thầy di chuyển sang giảng đài để công bố Tin Mừng. Sau những
lễ nghi này, ĐGM cũng đứng lên có thể là giữa lúc cộng đoàn vẫn
đang còn hát Thánh vịnh 117/118.[2]
2/ Thứ hai, do vị
trí [ở trước phần công bố Tin Mừng] cũng như do cấu trúc [Alleluia (3
lần) + Tv 117/118 [= câu xướng] + Alleluia (3 lần) + Tv 117/118 + Alleluia (3
lần) + Tv 117/118 + Alleluia (3 lần)], cả 3 lần hát Alleluia cách long trọng
cùng với Thánh vịnh [117/118] được cộng đoàn hát tiếp ngay sau đó gộp lại
được coi là tương đương với yếu tố Tung Hô Tin Mừng điển hình của bất cứ Thánh
Lễ nào.[3] Nhưng còn hơn
thế nữa, đây như thể là một loại Tung Hô Tin Mừng đặc biệt dành riêng cho Đêm
Canh Thức Vượt Qua bởi lẽ cấu trúc của nó không đơn thuần bao gồm Alleluia
[1] + Alleluia [2] + Câu xướng trước Tin Mừng [3] + Alleluia [4] mà đã tăng lên
đến 3 lần hát Alleluia cách long trọng [mỗi lần lên giọng cao hơn] và hát thêm
cả 3 triệt của Thánh vịnh 117/118 nữa xét như là 3 câu tung hô trước
Tin Mừng cùng với đáp ca là 3 tiếng “Alleluia, Alleluia, Alleluia” được lập
lại sau mỗi triệt/đoạn của Thánh vịnh.[4] Chúng ta càng
thấy rõ hơn phần hát Thánh Vịnh Đáp Ca này như thể là một Tung hô
Tin Mừng trong các trường hợp sau. Một là khi ca viên giúp vị chủ tế
long trọng xướng Alleluia cũng chính là người hát Thánh vịnh 117/118
luôn: “[Ca đoàn hoặc] ca xướng viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát,
và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì [ca đoàn hoặc] ca xướng viên hát.”[5] Hai là âm
nhạc của Alleluia được hát 3 lần cách long trọng cũng như của đáp ca
Alleluia là như nhau và âm nhạc cho cả phần Tung hô Tin Mừng này
(Alleluia + Tv 117/118 + Alleluia) có thể được sáng tác và tấu lên như
một bản nhạc/yếu tố âm nhạc duy nhất.[6] Chính vì thế
cha Edward McNamara cho rằng tư thế đứng trong khi hát Thánh vịnh 117/118
trong Đêm Vọng Phục Sinh là một ngoại lệ đối với quy tắc chung, vì nó đi theo
và mở rộng theo câu xướng ba lần Alleluia long trọng của linh mục (Zenit.org
11/06/2019).[7] Sau nhiều tuần
Mùa Chay vắng bóng tiếng Alleluia, nay trong niềm vui dạt dào của Lễ Đêm Vọng
Phục Sinh, tiếng Alleluia được chào đón trở lại, sẽ vang lên trở lại một
cách long trọng hơn, đặc biệt hơn và mạnh mẽ hơn so với mọi Thánh Lễ
khác trong cả năm phụng vụ.[8] Đây là bài ca
mới, bài ca khải hoàn mà cộng đoàn dưới thế hân hoan hát lên để tán dương
và ngợi khen Chúa vì Người đã chiến thắng tử thần và Satan, đã sống lại, đang
ngự bên hữu Chúa Cha, và cũng để hòa nhập với bài ca của các thần thánh trên
thiên quốc kính mừng hôn lễ của Con Chiên (Kh 19,1-16).[9] Đối với yếu tố
Tung Hô Tin Mừng của Thánh Lễ, chúng ta biết rằng nó phải được thực hiện ở
tư thế đứng. Do đó, sau phần hát Alleluia long trọng, mọi người vẫn phải tiếp
tục đứng để hát Thánh vịnh [117/118]/Tung Hô Tin Mừng, vì cộng đoàn tín hữu
chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca.[10]
3/ Thứ ba, hát 3 lần long trọng Alleluia xong, chắc chắn cộng đoàn
phải bắt đầu tiến hành một số hành động phụng vụ ngay lập tức hoặc trễ
hơn chút ít đang khi mọi người đứng công bố Thánh vịnh 117/118, và tốt
nhất, tất cả những hành động ấy nên nằm gọn trong phần Tung Hô Tin Mừng
chứ không chờ cho đến khi hát xong Thánh vịnh Đáp ca [117/118] thì mới
thực hiện những lễ nghi ấy.[11] Những hành
động đó là: (i) sự di chuyển của những người giúp lễ tiến đến vị chủ tế để
chuẩn bị hương; (ii) vị linh mục chủ tế đứng/ngồi[12] lấy hương bỏ
vào bình hương, chúc lành cho hương;[13] (iii) sự di
chuyển của thầy phó tế sắp công bố Tin Mừng đến xin vị chủ tế chúc lành, chủ
tế đứng chúc lành[14] cho thầy như
thường lệ đang khi giúp lễ cầm tầu hương và bình hương ra đứng trước
bàn thờ chuẩn bị cho cuộc rước sang giảng đài; (iv) sự di chuyển của
đoàn rước Sách Tin Mừng từ bàn thờ sang giảng đài, hay đơn giản hơn, chỉ là sự
di chuyển của vị linh mục tiến đến giảng đài để công bố Tin Mừng.[15] Ở đây, có hai
điều phải lưu ý. (i) Một là đoàn rước của phó tế/linh mục cùng với
những người giúp lễ tiến đến giảng đài không nên quá vội vã và không
nên diễn ra trong thinh lặng, vì theo truyền thống có từ thời thánh
Augustinô, đoàn rước nên đi trong âm nhạc và ca hát, cụ thể là di chyển
trong lúc cộng đoàn đang hát Tv 117/118 (Tung hô Tin Mừng).[16] (ii) Hai là cộng
đoàn không ngồi xuống để hát Thánh vịnh 117/118. Tư thế đứng của cộng đoàn
lúc này mới đúng ý nghĩa và phù hợp với những lễ nghi ấy. Nói cách khác,
việc cộng đoàn ngồi xuống hát Thánh vịnh 117/118 xét như là một Tung hô
Tin Mừng hay là thành phần của Tung hô Tin Mừng giữa những sự di chuyển
như vậy trên cung thánh, nhất là giữa cuộc rước kiệu Sách Tin Mừng sang giảng
đài đang diễn ra,[17] là không phù hợp
và thiếu ý nghĩa phụng vụ bởi lẽ cuộc rước này như là một sự biểu lộ ra
bên ngoài Đức Kitô đang đến, là một biểu tượng loan báo Ngài sẽ lại đến lần cuối
cùng trong vinh quang cũng như sắp đến ngay bây giờ trong Lời của Ngài.[18] Đối với cuộc
rước Sách Tin Mừng từ bàn thờ tới giảng đài, hoặc là cuộc rước sang giảng đài để
công bố Tin Mừng, mọi người phải đứng để chào đón Chúa Kitô, nhìn nhận và tuyên
xưng Đức Kitô đang hiện diện và nói với họ.[19]
[1] Sách Lễ
Rôma (1992), “Canh Thức Vượt Qua” số 34, 294; Sách Lễ Nghi
Giám Mục [= LNGM], số 352; Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại
Lễ Phục Sinh [= TLL] (1988), số 87.
[2] Quy Chế Tổng
Quát Sách Lễ Rôma [= QCSL], số 212; LNGM 353, 140.
[3] X. Ed
Broom, “Easter Vigil: Solemnity of Solemnities,” https://catholicexchange.com/easter-vigil-the-solemnity-of-solemnities/.
[4] Sách Lễ
Rôma (1992), “Canh Thức Vượt Qua” số 34; LNGM 352; TLL 87.
[5] X. QCSL 62.
[6] X. Jeremy
Helmes, Three Great Days: Preparing the Liturgies of the Paschal
Triduum (Collegeville: The Liturgical Press, 2016), 50.
[7] X. Edward
McNamara, “Có đặc quyền phụng vụ không? Nói thêm về tư thế đúng khi
đọc ca tiếp liên,” (Zenit.org 11-6-2019), https://dcvxuanloc.net/giai-dap-phung-vu-co-dac-quyen-phung-vu-khong-noi-them-ve-tu-the-dung-khi-doc-ca-tiep-lien/.
[8] X. I. H.
Dalmais, “Time in the Liturgy,” The Church at Prayer: The Liturgy and
Time, vol IV, ed. Martimort, trans. Matthew J. O’ Connell (Collegeville:
The Liturgical Press, 1986), 43; Bernard Raas, SVD, Liturgical Year,
vol. 2 (Manila: Logos Publications, Inc, 2006), 203.
[9] X. Clifford
Howell, SJ, Preparing for Easter (Collegeville: The Liturgical
Press, 1972), 110; Charles E. Miller, The Celebration of the
Eucharist (New York: Alba House, 2010), 123.
[10] QCSL 62; Mục Lục
Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ [= MLBĐ] (1981), số 23.
[11] X. Peter J.
Elliott, Ceremonies of the Liturgical Year (San Francisco:
Ignatius Press, 2002), no. 286.
[12] Khi bỏ hương
và chúc lành cho hương, QCSL [2002] số 212 nói linh mục đứng nhưng Chử
đỏ của Ordo Missae (Nghi thức Thánh Lễ) [1965] số 42
lại nói linh mục ngồi.
[13] QCSL 132.
[14] X. Cæremoniale
Episcoporum (1752 à 1948), II-V, n. 7, and II-VI, n. 12; Ordo
Missae [1965], n. 42.
[15] X. André Mutel et
Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, “La Vigile
pascale”; Sách Lễ Rôma (1992), “Canh Thức Vượt Qua” số 35.
[16] X. QCSL 62-63.
[17] X. Nghi Thức
Thánh Lễ (2002), số 14-15; QCSL 175; MLBĐ 17, 23.
[18] X. QCSL 62;
Reinhard Messner, “La Liturgie de la Parole,” 57, trích lại trong John D.
Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville:
The Liturgical Press, 2012), 136.
[19] Sách Giáo
Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1373; QCSL 60, 62, 131; MLBĐ 23.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét