01/10/23 CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – A
Mt
21,28-32
LÀM THEO Ý CHA
“Một người kia có hai con trai.
Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’
Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.” (Mt 21,28-29)
Suy niệm: Người cha trong dụ ngôn hẳn đã rất hụt hẫng trước cách cư xử
của hai cậu quý tử của mình. Đứa thì tỏ vẻ ngoan ngoãn vâng lời đi làm vườn
nho, nhưng lại nuốt lời, cho cha mình ‘leo cây’. Đứa kia lại phũ phàng nói
“không” với cha; nhưng đáng mừng là sau đó nó “hối hận, nên lại
đi” làm theo lời cha. Chúa Giê-su muốn minh hoạ hai thái độ của con
người trước lời mời gọi của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúa cho con người được
tự do đáp lại hay chối từ lời Ngài, và may thay, Chúa cho phép chúng ta rút lại
lời nói ‘không’ và sửa lỗi lầm bằng hành động “thi hành ý muốn của
Thiên Chúa là Cha mình”.
Mời Bạn: Hẳn chúng ta có thể nhận ra mình nơi hai người con trong dụ
ngôn: lắm khi chúng ta cãi lệnh Chúa, hoặc tệ hơn nữa, không nhìn nhận Thiên
Chúa là Cha, Đấng Tạo thành nên chúng ta. Ngài sai Con Một là Đức Giê-su Ki-tô
đến cứu độ và nêu gương cho chúng ta khi Ngài luôn vâng phục chu toàn thánh ý
Chúa Cha là hiến thân chịu chết trên cây thập giá (x. Pl 2,6-8). Điều Chúa mong
mỏi là chúng ta dù đã lỡ lời nói không cũng hãy dám sửa lỗi mà thưa “có”
và “vâng nghe lời” Đức Giê-su Con yêu dấu của Chúa (x. Mt
17,5).
Sống Lời Chúa: Bạn có thói quen dừng lại trước, trong và sau mỗi hành động
để phân định xem mình có đang vâng theo ý Chúa hay không? Nếu chưa, mời bạn tập
cho được thói quen ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con noi theo Đức Giê-su, Con yêu dấu của
Chúa để con đừng hành động theo ý con, nhưng theo ý Chúa mà thôi. Amen.
02/10/23 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Các thiên thần hộ thủ
Mt 18,1-5.10
VÂNG NGHE CÁC THIÊN THầN
“Các thiên thần của họ ở trên
trời không ngừng chiêm ngưỡng Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)
Suy niệm: “Ma quỉ đã tung ra một mạng lưới ảo tưởng trên chúng ta,
mạng lưới này tuy vô hình, nhưng rất mãnh liệt. Nó làm cho ta yêu chuộng giây
phút chóng qua hơn sự sống vĩnh cửa, khuyến dụ ta chạy theo sự vô định hơn chân
lý, nó bảo ta chỉ có thể yêu mến tạo vật bằng cách thờ lạy chúng mà thôi” (Triết
gia Raissa Maritain). Khắc tinh của ma quỷ là các hiệp sĩ thiên thần hộ thủ,
những người bạn thân vô hình được Thiên Chúa sai đến ở bên cạnh, hộ giúp ta đêm
ngày. Vai trò của các ngài là giúp ta phá đi mạng lưới ảo tưởng, đưa ta đến môi
trường của sự thật giải thoát của Tin Mừng Nước Trời. Các ngài nhắc nhở ta cài
“phần mềm” sự sống vĩnh cửu trong mọi việc ta làm, phụng thờ Thiên Chúa và phục
vụ tha nhân trong mọi dự tính đời ta.
Mời Bạn: Các hiệp sĩ vô hình ấy chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó
hay không tùy thuộc nơi thái độ của bạn. Nếu bạn ngoan ngoãn vâng theo sự soi
sáng hướng dẫn của các ngài, dù phải trầy da tróc vẩy, bạn sẽ thoát vòng vây
của quỷ ma và đạt đến cùng đích đời mình là hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe tiếng nhắc nhở của thiên thần hộ thủ, và ngoan ngoãn
làm theo, dù phải hy sinh ý riêng, sở thích riêng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã sai các thiên thần hộ thủ nâng đỡ
chúng con trên hành trình đi về quê trời. Xin cho chúng con biết vâng theo sự
hướng dẫn của các ngài, và cảnh tỉnh trước những hiểm họa do ma quỷ, xác thịt
và thế gian đang cản trở bước đường của chúng con. Amen.
03/10/23 THỨ BA TUẦN 26 TN
Lc 9,51-56
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CHÚA ĐI
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được
rước lên trời, người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi
trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.
Nhưng dân làng không đón tiếp Người. (Lc 9,51-53)
Suy niệm: Thánh Lu-ca mô tả hành trình lên Giê-ru-sa-lem lần này của
Chúa Giê-su thật long trọng như một vị vua chiến thắng tiến về thành đô của
mình trong vinh quang với đầy đủ triều thần tiền hô hậu ủng. Nhưng thật bẽ bàng
cho các sứ giả đi dọn đường: dân một làng Sa-ma-ri nọ không đón tiếp Chúa. Thủ
lãnh của mình mà họ đã coi thường thì bản thân mình là những người thuộc hạ hẳn
họ cũng chẳng coi ra gì. Các môn đệ cũng muốn chứng tỏ mình bằng cách diệu võ
dương oai tí chút: xin Thầy ban quyền cho mình “khiến lửa từ trời
thiêu huỷ chúng nó” vì thái độ hỗn xược đó.
Mời Bạn: Câu chuyện đó thật đáng cho chúng mình suy gẫm, bạn nhỉ! Hoá
ra con đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem để “được rước lên trời” không
phải là con đường trải đầy hoa hồng và vang dội những lời tung hô vạn tuế, mà
là con đường tủi nhục, con đường thập giá đấy bạn ạ. Mời bạn chiêm ngắm Đức
Giê-su khiêm nhu lặng lẽ tìm đường qua làng khác mà đi, đang khi các môn đệ có
lẽ đang tiu nghỉu lẽo đẽo đi theo sau Thầy mà suy gẫm về thái độ quá ư trần tục
vừa qua của mình. Con đường Chúa đi là thế đó, Ngài đang mời gọi chúng ta bước
theo. Phần bạn, bạn có dám đi theo con đường của Ngài không?
Sống Lời Chúa: Xét mình xem bạn có bao giờ nóng vội và sử dụng những biện
pháp cứng cỏi, áp đặt, thậm chí bạo lực để đối xử với người khác hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chỉ cho con, đường đi của Chúa, để con dấn
bước theo chân lý của Ngài.
04/10/23 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Phan-xi-cô Át-xi-di
Lc 9,57-62
KHÓ NGHÈO NHƯ CHÚA
Đang khi Thầy trò đi đường thì
có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người
trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa
đầu.” (Lc 9,57-58)
Suy niệm: Đi theo Chúa, dù là “xin đi theo” hay
được Chúa gọi, thì điều kiện đầu tiên Chúa đưa ra không phải là hứa hẹn một
cuộc sống ‘an cư lạc nghiệp’ mà là thách thức đi theo Đấng “không có
chỗ tựa đầu”. Chúa không chủ trương hành xác, nhưng Ngài muốn các môn
đệ của Ngài cũng sống nghèo như Chúa, tự nguyện sống khó nghèo để cảm thông với
con người và để cứu độ muôn người. Ngài là Con Thiên Chúa, “vốn giàu
sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của
mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).
Mời Bạn: Lý tưởng sống nghèo như Chúa đã khơi nguồn cảm hứng
hấp dẫn cho biết bao người, mà nổi bật trong số đó là thánh Phan-xi-cô
Át-xi-di. Ngài yêu mến sống nghèo đến mức ngài gọi nhân đức khó nghèo là “Bà
Chúa Nghèo”. Để sống khó nghèo cách triệt để điều thiết yếu là phải từ bỏ lòng
tham lam thể hiện qua việc quá bận tâm lo lắng thu tích của cải và rồi keo kiệt
giữ cho thật chặt những gì mình chiếm hữu được hoặc sử dụng chúng một cách ích
kỷ. Bạn nhớ rằng càng từ bỏ “chỗ tựa đầu” nơi của cải vật
chất đời này, bạn càng tự do, nhẹ nhàng thanh thoát để loan báo Tin Mừng Nước
Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: “Từ bỏ” một chi tiêu không thiết yếu để dành cho việc chia
sẻ với một gia đình nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dẫn dắt con cùng Mẹ sống nghèo với Chúa
như Mẹ đã sống nghèo khi sinh Chúa nơi hang đá Bê-lem xưa. Amen.
05/10/23 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Faustina Kowalska, trinh nữ
Lc 10,1-12
SỨ GIẢ BÌNH AN
“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên
hãy nói : Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5)
Suy niệm: Lời nói cửa miệng của người Do Thái khi gặp nhau là:
“Shalom” nghĩa là “bình an”. Đó là lời cầu chúc tốt đẹp nói lên ước muốn trao
cho nhau món quà quý giá nhất là sự bình an. Khi sai các môn đệ đi trước “đến
các nơi mà Chúa sẽ đến”, Đức Giê-su muốn rằng điều đầu tiên các môn
đệ đem đến cho người ta là lời cầu chúc: “Bình an cho anh em”. Bình an
là sứ điệp khởi đầu của Tin Mừng trong ngày Chúa giáng sinh (x. Lc 2,14). Đó là
bình an sâu thẳm, không phải thứ bình an theo kiểu thế gian (x. Ga 14,27); bình
an Chúa ban vẫn ở lại với các môn đệ dù người đời không đón
nhận nó; bình an của Chúa sẵn lòng chấp nhận bị gươm giáo, vác thập giá (x. Mt
10,34; 26,55); bình an đó sẽ là món quà đầu tiên và trọn vẹn của Chúa Ki-tô
trong ngày Ngài từ cõi chết trỗi dậy (x. Ga 20,19-21).
Mời Bạn: Mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta vẫn được nghe lặp lại lời
chúc này: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, và chúng ta cũng được
mời gọi: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Bạn là người môn đệ
thừa sai của Chúa hôm nay, bạn được mời gọi là sứ giả bình an của Chúa cho mọi
người bạn gặp gỡ trong cuộc đời. Khi bạn sống thân thiết với Chúa và lòng bạn
tràn ngập bình an của Ngài, thì ở đâu có sự hiện diện của bạn, ở đó cũng sẽ
tràn ngập bình an của Chúa.
Sống Lời Chúa: Trong bất cứ cuộc gặp gỡ giao tiếp nào, tôi quyết loại trừ
những thái độ hay lời nói khó nghe, có tính bạo lực, thay vào đó là sự ôn hoà,
vui tươi, bầu khí yêu thương, hiệp nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
06/10/23 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Bru-nô, linh mục
Lc 10,13-16
NHỮNG TÂM HỒN CHAI ĐÁ
“Khốn cho ngươi, hỡi
Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-xai-đa! Nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà
được làm tại Tia và Xi-đon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ
lòng sám hối rồi.” (Lc 10,13)
Suy niệm: Chúa Giê-su sai 72 môn đệ ra đi cộng tác với Ngài trong sứ
vụ rao giảng. Với tất cả tâm huyết, Ngài căn dặn các ông thật chu đáo: phải nói
những gì, cư xử làm sao, cảnh giác với những hiểm nguy nào; Ngài còn trao cho
các ông quyền năng chữa bệnh và trừ quỷ nữa. Các ông ra đi và gặt hái được
nhiều thành quả: Rao giảng, làm phép lạ, chữa bệnh thì được, thậm chí “cả
ma quỷ cũng phải khuất phục” (Lc 10,17). Ấy thế mà có một điều chính
Chúa Giê-su cũng phải bó tay, nếu không nói là thất bại, đó là sự chai đá của
nhiều tâm hồn. Họ nghe lời dạy của Chúa và chứng kiến những phép lạ Ngài làm
nhưng họ vẫn không hoán cải. Chúa đã phải than khóc vì những tâm hồn chai đá
như thế.
Mời Bạn: Sự cứng lòng là căn bệnh nghiêm trọng nhất vì nó bịt kín mọi
ngõ ngách tâm hồn khiến cho Lời Chúa không thể thấm vào và giúp con người hoán
cải. Chúa có phải than khóc vì tâm hồn chai đá của bạn không? Để bạn hoán cải,
Ngài cần bạn cộng tác bằng việc sẵn sàng lắng nghe ơn soi sáng của Chúa và cũng
sẵn sàng sửa đổi nữa.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa và xét mình mỗi ngày để bạn có một tâm hồn
mềm mại sẵn sàng để Lời Chúa thấm sâu giúp bạn hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa như mưa từ trời thấm vào mảnh đất tâm hồn
đầy sỏi đá của con. Xin cho con biết siêng năng lắng nghe Lời Chúa, và xin biến
đổi tâm hồn con nên mềm mại sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và mau mắn làm mọi việc
theo thánh ý Chúa. Amen.
07/10/23 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
LẶP LẠI LỜI SỨ THẦN
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân
sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Suy niệm: Sứ thần Gáp-ri-en khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a đã chào Mẹ
bằng một lời tán dương ca ngợi đặc biệt: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân
sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Lời chào này ngày nay chúng ta vẫn đọc lên
trong kinh Kính Mừng: “Kính Mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở
cùng Bà.” Như thế, mỗi khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được diễm
phúc lập lại chính lời của sứ thần Gáp-ri-en, đồng thời chúng ta làm sống động
lại khung cảnh sứ thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a. Chúng ta làm điều này không
phải trong tư cách như sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho
Đức Ma-ri-a xưa, nhưng như người con yêu mến Mẹ và dâng lên Mẹ lời kinh thiêng
liêng mà Mẹ yêu thích.
Mời Bạn: Việc chúng ta yêu mến dùng lời sứ thần Gáp-ri-en để cầu
nguyện với Đức Ma-ri-a là một việc đáng khuyến khích. Chính Đức Ma-ri-a khi
hiện ra với các thiếu niên Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta ở
Sống Lời Chúa: Suy niệm kinh Mân Côi phải là việc không thể thiếu
trong đời sống hằng ngày của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp chúng con say mê yêu mến kinh Mân
Côi, để khi chúng con đến với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn chúng con đến với Chúa. Amen.
08/10/23 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – A
Mt 21,33-43
DỤ NGÔN THỜI KHỦNG BỐ
“Có một gia chủ kia trồng được
một vườn nho;… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho,
ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi…” (Mt 21,33-34)
Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì phải gọi những người thợ làm
vườn nho trên đây là những người khủng bố. Dùng bạo lực để chiếm đoạt hoa lợi,
đã thế họ còn tính toán cả việc giết người và qua mặt pháp luật để cướp luôn cả
vườn nho: “Bọn tá điền thấy người con (của chủ vườn nho), thì bảo
nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Chúa
Giê-su không chỉ tố giác một xã hội nhiễu nhương đầy bất công áp bức, Ngài muốn
vạch rõ gốc rễ của sâu xa của chúng chính là lòng tham vọng muốn chiếm đoạt chủ
quyền của Thiên Chúa. Những hệ thống kinh tế, những cung cách làm ăn tạo ưu thế
cho người giàu có, thế lực, làm cho người nghèo càng nghèo hơn và tạo hố ngăn
cách giàu nghèo ngày càng cách biệt, đó chính là chiếm đoạt chủ quyền của Thiên
Chúa trên những tài nguyên mà Chúa trao cho con người quản lý. Những hình thức
xâm phạm đến sự sống con người là chiếm đoạt chủ quyền của Ngài là Đấng tạo
dựng nên sự sống. Chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa, người ta trở thành những
kẻ khủng bố đối với anh em mình.
Mời Bạn kiểm điểm đời sống xem mình có đang trở
thành kẻ khủng bố cho anh em mình hay không.
Chia sẻ: Thảo luận đề tài: “Yêu thương và kính trọng nhau là vũ khí
tốt nhất để chống khủng bố”.
Sống Lời Chúa: Tìm dịp để thăm viếng hoặc giúp đỡ một người, một gia đình
đang gặp khó khăn và vày tỏ lòng yêu thương kính trọng đối với họ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
09/10/23 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Th. Đi-ô-ni-xi-ô, giám mục và các bạn tử đạo
Lc 10,25-37
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI LÀ…
“…Nhưng một người Sa-ma-ri kia
đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy
dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên
lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…” (Lc 15,33-34)
Suy niệm: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã! Người Việt Nam,
vốn đề cao tinh thần nghĩa hiệp, chắc chắn cảm thấy rất gần gũi và rất dễ cảm
nhận câu chuyện ‘Người Sa-ma-ri tốt lành’ hôm nay. Mà đây chính là một tóm kết
giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giê-su! Thật vậy, bối cảnh dẫn vào câu chuyện cho
thấy rõ: con đường dẫn tới ‘sự sống đời đời’ là như thế; ‘mến Chúa
yêu người’ là như thế. Chung qui có 2 loại người: loại người “tránh
qua bên kia mà đi” và loại người “dừng lại” ra tay
cứu vớt người đồng loại đang lâm nạn. Chàng thanh niên là thánh Phan-xi-cô
Át-xi-di đã “dừng lại” như thế. Ngày nọ, đang cưỡi ngựa băng
qua cánh đồng Um-bri-a, chàng trông thấy một người cùi rách nát nằm thoi thóp.
Tự nhiên chàng cảm thấy kinh tởm, nhưng Phan-xi-cô biết mình phải làm gì. Chàng
xuống ngựa, ôm hôn kẻ bất hạnh, và dốc hết tất cả số tiền của mình trao cho
người ấy.
Mời Bạn: Tự vấn xem mình có ‘mến Chúa yêu người’ theo cách này không.
Chia sẻ: Thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”,
còn người dừng lại cứu nạn là một người Sa-ma-ri! Sự kiện này có thể có những
hàm ý gì cho hôm nay?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với bạn: “Bạn hãy đi,
và cũng hãy làm như vậy.”
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát “Kinh Hoà Bình”: Lạy Chúa từ nhân, xin
cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…
10/10/23 THỨ BA TUẦN 27 TN
Lc 10,38-42
CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
“Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất
và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 18,42)
Suy niệm: Thời nay người ta chuộng lối sống thực dụng: “Có thực mới
vực được đạo”. Câu nói của thánh Gia-cô-bê tông đồ cũng thường được viện
dẫn: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,17).
Nhưng xem ra có vẻ Chúa Giê-su ủng hộ Ma-ri-a người không làm gì chỉ ngồi bên
chân Chúa mà nghe lời Ngài. Xem ra Ngài không quan tâm mấy đến việc Mác-ta lo
phục vụ Ngài, cho dù công việc của Mác-ta cũng cần thiết không kém. Chúa Giê-su
cho rằng Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất không phải là vì Ngài coi thường việc
làm của Mác-ta, nhưng là nhắc nhở Mác-ta, làm gì thì làm nhưng đừng quên rằng
sự hiện diện của Ngài mới là quan trọng nhất. Nếu Mác-ta ý thức được sự hiện
diện của Chúa Giê-su là thiết yếu, thì cô đã không còn bắt Thầy để ý đến mình,
cũng không còn ganh tỵ với em. Ma-ri-a đã không chọn điều gì khác mà chọn chính
con người Giê-su. Đó là phần tốt nhất nên không ai lấy mất được.
Mời Bạn: Con người ngày nay có xu hướng đánh giá một người theo giá
trị kinh tế chứ không theo phẩm giá nhân linh, chọn cuộc sống chạy theo lợi
nhuận hơn là sống vì tình vì nghĩa. Còn bạn là Ki-tô hữu, bạn có dám chịu thiệt
thòi để chọn lựa cách sống như một người có Chúa Giê-su không?
Chia sẻ: Khi làm việc bạn sẽ gặp những trường hợp sống trái ngược với
sự thật, với Tin Mừng, bạn sẽ phản ứng như thế nào ?
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần với sự xác quyết: “Không gì có
thể tách tôi ra khỏi lòng mến Chúa Ki-tô” (x. Rm 8,39)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong
mọi người.
11/10/23 THỨ TƯ TUẦN 27 TN
Th. Gio-an XXIII, giáo hoàng
Lc 11,1-4
ĐƯỢC GỌI THIÊN CHÚA LÀ CHA
Khi cầu nguyện, anh em hãy nói
: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” (Lc 11,2)
Suy niệm: Trong dân gian phổ biến một cách chữa trị mắt tai hại, là hễ
ai có bệnh gì về mắt hay muốn cho mắt tốt hơn, cứ nhìn vào mặt trời trưa ngày
mồng 5 tháng Năm (â.l.), Tết Đoan Ngọ, sẽ được lành. Thực ra, chưa nói đến ánh
sáng chói chang tác hại đến mắt, mặt trời làm nước mắt ràn rụa gây đau nhức. Có
người đã ví sự thánh thiện của Thiên Chúa tựa ánh sáng mặt trời khiến chúng ta,
những tội nhân không dám đến gần. Phê-rô đã từng xin Chúa tránh xa ông vì ông
là kẻ tội lỗi. Hay như người thu thuế chỉ dám đứng xa xa, cúi đầu thống hối,
không dám ngước nhìn Thiên Chúa. Đã thế, làm sao họ dám gọi Thiên Chúa là Cha?
Trong Cựu Ước, không có chỗ nào người ta dám gọi Thiên Chúa là Cha, mặc dù
trong thâm tâm vẫn nhận biết sự thân thiện cha-con Thiên Chúa dành cho con
người. Nay nhờ ơn cứu độ của Đức Giê-su, khi nên một với Ngài trong tư cách là
Con Một Chúa Cha, nhờ lời Ngài dạy và nhờ Thánh Thần gợi hứng, nhân lọai mới có
thể kêu lên Thiên Chúa “Áp-ba”, Cha ơi!
Mời Bạn: Mỗi khi cầu nguyện, mời bạn mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su
dâng lên Cha, Đấng mà Ngài yêu thương, và luôn tin tưởng, phó thác.
Chia sẻ: Gọi Thiên Chúa là Cha, điều đó đòi hỏi bạn liên lạc thường
xuyên với Chúa. Bạn sẽ làm gì để nối kết mối liên hệ này?
Sống Lời Chúa: Bạn đọc kinh Lạy Cha cách chậm rãi, với tâm tình tin yêu.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con xin hiệp ý với Chúa Giê-su để thưa: Lạy Cha,
con xin phó thác đời con trong tay Cha. Cảm tạ Cha đã mạc khải đức tin cho
những kẻ bé mọn. Cảm tạ Cha đã nhận lời con.
12/10/23 THỨ NĂM TUẦN 27 TN
Lc 11,5-13
CỨ XIN THÌ SẼĐƯỢC
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ
tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)
Suy niệm: Ngày kia, thánh Clément Hofbauer (+1820) đi xin đồ viện trợ
cho các cô nhi. Ngài vào một quán ăn, có ba người đang đánh bạc, xin họ góp
phần vào công việc từ thiện. Một người chửi bới, rồi nhổ vào mặt ngài. Thánh
nhân lặng lẽ rút khăn tay lau mặt và nhẹ nhàng nói: “Đó là phần ông cho tôi.
Còn phần cho các cô nhi của tôi đâu?”
Mời Bạn: Có hai lý do để bạn cầu xin với Chúa: trước hết để nói lên
niềm tin của bạn vào Thiên Chúa. Thứ đến, để bạn thú nhận sự giới hạn và bất
toàn của mình, rất cần được trợ giúp của Chúa để vượt qua. Phần Chúa, Ngài sẵn
sàng ban ơn cho những ai kêu cầu Người. Vậy tại sao bạn lại chần chừ cầu
nguyện? Chẳng những bạn cầu xin cho những chính bạn, và cho chính bạn, bạn đừng
“quên” cầu nguyện người khác, nhất là những người đau khổ, bị bỏ rơi.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng, phó thác và kiên trì cầu nguyện.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.
13/10/23 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Lc 11,15-26
NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN RỒI
Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Nếu
Tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả thật Triều Đại Thiên Chúa đã
đến giữa các ông.” (Lc 11,20)
Suy niệm: Ma quỷ là những thiên thần sa ngã, nhất quyết chối bỏ Thiên
Chúa và chống phá Nước của Ngài. Vì thế, không lạ gì, chúng luôn ra sức tìm mọi
cách cám dỗ, quấy phá, lôi kéo khiến con người bất tuân ý Chúa để rồi lìa xa
Ngài và cũng chịu chung số phận giống như chúng (x. GLHTCG, 391-394). Bởi vậy,
khi Đức Giê-su ra tay chế ngự ma quỷ, trục xuất chúng ra khỏi những người chúng
đang khống chế, Chúa chứng tỏ rằng Ngài đích thực là Thiên Chúa, có quyền năng
tuyệt đối trên ma quỷ, đến để giải thoát con người khỏi quyền lực của
chúng; đó là dấu chỉ Nước Trời đã ở đây rồi, đang Triều đại Thiên Chúa đang
hiển trị ở giữa chúng ta rồi.
Mời Bạn: Mang danh là Ki-tô hữu nghĩa là chúng ta đón nhận Nước Chúa
hiển trị ngay trong tâm hồn, trong toàn bộ cuộc sống của mình. Một khi đã là
công dân trong Nước Chúa, chúng ta lắng nghe hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
được kết hợp nên một với Đức Ki-tô và sống theo Lời Ngài. Chúng ta cũng góp
phần làm cho Nước Chúa hiển trị, Triều đại của Chúa hiện diện, bằng cách xua
đuổi những gì thuộc về ma quỷ ra khỏi tâm hồn mình, khỏi môi trường sống của
mình.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, mời bạn duyệt xét xem trong ngôi nhà tâm hồn bạn,
trong môi trường bạn đang sống, điều gì là thuộc về ma quỷ, bạn cương quyết
loại bỏ nó một lần thay tất cả.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đuổi xa những gì là ma quỷ khỏi tâm hồn chúng
con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, để Nước Chúa hiển trị ngay ở thế
gian này, trong cuộc sống chúng con. Amen.
14/10/23 THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Th. Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,27-28
HAI LỜI CHÚC PHÚC
“Phúc thay người mẹ đã cưu
mang…. Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27.28)
Suy niệm: Ở đây có hai lời chúc phúc. Trước tiên là lời người phụ nữ
chúc mừng cho người được phúc “cưu mang và cho Thầy bú mớm”, tức là lời ngợi
khen Chúa Giê-su bằng cách chúc mừng Đức Ma-ri-a là người mẹ thể lý của Ngài.
Nhưng Chúa Giê-su cho biết có một lời chúc phúc còn lớn hơn, đó là: “Đúng
hơn, phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”.
Mới nghe, ta tưởng dường như Chúa Giê-su không đánh giá cao mối phúc làm mẹ.
Đúng ra, không ai biết rõ Đức Ma-ri-a bằng Chúa Giê-su về ơn phúc cao trọng Mẹ
lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Ngài biết rõ tâm hồn Mẹ tràn đầy ân sủng của Thiên
Chúa và Mẹ là người số một luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cuộc đời Mẹ là
lời xin vâng thánh ý Chúa liên lỉ và sống động. Chính vì thế, mẹ đón nhận ở đây
lời chúc phúc của người phụ nữ và cả lời chúc phúc lớn hơn nữa của Đức Giê-su,
Con của Mẹ.
Mời Bạn: Phúc làm mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa làm người chỉ dành cho
Đức Ma-ri-a. Nhưng “nghe và giữ lời Chúa” là phúc Chúa dành cho hết mọi người,
ai cũng có thể đón nhận. Phúc lớn dành cho bạn, nhưng bạn có biết không? Và bạn
có đón nhận diễm phúc đó không?
Sống Lời Chúa: Mời bạn bắt đầu bằng việc mở cuốn Kinh Thánh để đọc Lời
Chúa, riêng mình bạn, và cùng với gia đình bạn, trong giờ cầu nguyện của gia
đình mình. Và khi đọc Lời Chúa, bạn dành thời gian thinh lặng để suy gẫm, để
đưa Lời Chúa vào thực hành trong đời sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh
sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105).
15/10/23 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – A
Mt 22,1-14
VÌ ĐƯỢC TRỞ NÊN XỨNG ĐÁNG
Nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới
đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi
ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22,8-9)
Suy niệm: Chúa Giê-su dùng dụ ngôn để sánh ví Nước Trời như một tiệc
cưới linh đình. Nhưng những khách mời ưu tiên, là dân Ít-ra-en, dân được tuyển
chọn của Thiên Chúa, và thành phần ‘chóp của đỉnh’ trong số đó là các thượng tế
và kỳ mục, tưởng rằng mình ‘ngon ăn’ nhưng lại bị coi là “không xứng
đáng”, lại ‘bắt hụt’ bữa tiệc cưới của Nước Trời. Ngược lại, những kẻ
vô danh đang xuôi ngược ở “khắp các ngả đường” lại được mời
vào thành thực khách ngồi đầy phòng tiệc. Những vị khách VIP kia bị loại ra ngoài
chỉ vì “không đếm xỉa” tới vinh dự mình được hưởng, vì đã
không coi trọng bữa tiệc cao quý mình được mời, mà chạy theo những mối bận tâm
tầm thường của họ. Họ đã coi khinh chính Vị Vua Cao cả đã coi trọng họ khi mời
gọi họ đến dự tiệc cưới con của ngài.
Bạn thân mến, không ai trong chúng ta xứng đáng trước mặt Thiên Chúa.
Chúng ta ‘được coi là xứng đáng’, đúng hơn, ‘được trở nên xứng
đáng’ hưởng Tiệc Cưới Con Chiên trên Nước Trời (x. Kh 19,6-9)
không phải vì công trạng của chúng ta mà là nhờ tình yêu bao dung của Thiên
Chúa. Khi biết mình thật diễm phúc và vinh dự được Chúa mời gọi dự phần với
Ngài, bạn sẵn sàng ưu tiên chọn Chúa làm gia nghiệp trên mọi sự chóng qua đời
này chứ?
Sống Lời Chúa: Bạn dành cho việc thờ phượng Chúa, cầu nguyện,… chỗ ưu tiên
nhất trước mọi việc khác trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chọn con không phải vì con xứng đáng. Xin cho
con biết chọn chính Chúa là điều tốt nhất mà Chúa ưu ái dành cho. A-men.
16/10/23 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc
Lc 11,29-32
DẤU LẠ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Thế hệ gian ác này sẽ không
được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)
Suy niệm: Dấu lạ ông Giô-na không chỉ dừng lại ở việc ông nằm trong
bụng cá ba ngày mà vẫn còn sống sót, mà còn tiếp diễn nơi thái độ thống hối
quyết liệt của dân thành Ni-ni-vê đã lay chuyển được lòng thương xót của Thiên
Chúa khiến Ngài bỏ ý định trừng phạt. Lòng thương xót cũng chính là trung tâm
điểm của mọi dấu lạ mà mỗi khi Đức Giê-su làm phép lạ chữa lành bệnh tật, trừ
quỷ, hoá bánh ra nhiều… Đặc biệt hơn cả, dấu lạ lớn nhất của lòng thương xót
chính là cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Nhờ thánh giá Chúa, mỗi người
chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hoà với Thiên Chúa. Chúng ta
được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được
tái sinh trong sự chết và sống lại của Đức Giê-su. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ
trên chúng ta lớn lao biết ngần nào!
Mời Bạn: Bạn thấy gì nơi thánh giá Chúa? Bạn có thấy mình được đánh
động tâm hồn và thống hối khi nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên
Chúa không? Hay bạn mượn thập giá để lấy cớ lên án, phán xét người khác? Trong
sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hôm nay hãy mở trái tim
bạn ra cho Đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên nhớ đến Đức Ki-tô trên thập giá để cảm nhận
được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng nhân từ của Chúa vượt quá trí hiểu của
con. Xin thương xót con và cho con nhận biết và thống hối tội con.
17/10/23 THỨ BA TUẦN 28 TN
Th. I-nha-xi-ô, giám mục An-ti-ô-ki-a, tử đạo
Lc 11,37-41
SẠCH TỪ TRONG LÒNG
“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở
bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (Lc 11,41)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một ông Pha-ri-sêu mời Chúa
Giê-su đến nhà dùng bữa: ông ta rất ngạc nhiên vì Chúa Giê-su không rửa tay
trước khi ăn. Cứ sự thường đây cũng là điều dễ hiểu vì rửa tay là một thói
quen tốt giúp an toàn vệ sinh, là bài học cơ bản được dạy ngay từ trường mẫu
giáo. Tuy nhiên, đối với người Pha-ri-sêu thì rửa tay là việc hết sức quan
trọng không thể thiếu trong luật Mô-sê: phải rửa tay theo đúng những nghi thức luật
định để có thể tẩy xoá mọi dơ bẩn trong tâm hồn và nhờ đó người ta nên thanh
sạch. Chúa Giê-su xác định sự thanh sạch đích thực phải phát xuất từ tâm hồn,
và để có sự thanh sạch đó, các nghi thức bên ngoài là không đủ, mà phải có sự
hoán cải từ tận đáy lòng, phải từ bỏ những chuyện “cướp bóc, gian tà” bằng
việc tẩy rửa những tư tưởng, ước muốn điều đó ngay từ trong lòng con người.
Mời Bạn: Trong lòng đầy những tư tưởng gian tà, tình cảm thù hận và
toan tính xấu xa, thì tất nhiên sẽ nảy sinh những việc làm đen tối, xâm phạm
đến chính mình cũng như tha nhân; trên hết chúng là những hành động xúc phạm
đến chính Thiên Chúa. Tiến trình cần thiết để thanh tẩy từ tâm hồn đó là “bố
thí những gì ở bên trong” và chứa đầy tâm hồn bằng “lẽ công
bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42).
Sống Lời Chúa: Làm việc gì hãy xét xem việc đó có “lẽ công bình và
lòng yêu mến Thiên Chúa” hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con đừng chỉ quan tâm làm đẹp bề
ngoài, mà cần lo làm thanh sạch linh hồn con trước mặt Chúa, bằng việc thực thi
công bình và bác ái đối với tha nhân. Amen.
18/10/23 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
CUNG CÁCH NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
“Này Thầy sai anh em đi như
chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng
đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an
cho nhà này!” Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì sự bình an của anh em đã
cầu chúc sẽ ở lại với người ấy… Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và
nói với dân chúng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (Lc 10,3-9)
Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta về cung cách của
người được sai đi loan báo Nước Trời. 1/ Cung
cách khiêm nhu, hiền lành “như con chiên ở giữa bầy sói”, một
sự hiện diện khích lệ chứ không áp đặt niềm tin cho ai. 2/ Cung
cách nghèo khó, không ỷ lại vào phương tiện con người và các động cơ trần
thế. 3/ Cung cách của người được Thánh Thần sai
đi mang bình an và niềm vui đến cho mọi người. 4/ Cung
cách sứ giả phúc lành và an ủi, khử trừ những sự dữ, đau khổ thân xác cũng
như tinh thần. 5/ Cung cách ưu tiên dành
cho Thiên Chúa và sự hiển trị của Nước Chúa. Nước Trời đã gần kề và đang tới
rất nhanh. Việc loan báo Nước Trời quá khẩn cấp và quá quan trọng, không được
phí thời giờ vào những việc vô bổ!
Mời Bạn: Mời bạn đọc cẩn thận và suy gẫm kỹ những lời tuyệt diệu trên
đây của Đức Giêsu và dưới ánh sáng của Lời Chúa, hãy kiểm điểm lại cung cách
đời sống chứng tá của mình!
Chia sẻ: Cụ thể bạn làm gì để đạt được một trong những cung cách
trên?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một cung cách mà bạn tâm đắc nhất và áp dụng
vào cuộc sống tông đồ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương huấn luyện và biến đổi con làm
môn đệ của Chúa với cung cách sống như lòng Chúa mong ước.
19/10/23 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Phao-lô Thánh giá, linh mục
Lc 11,47-54
BÀI HỌC LỊCH SỬ
“Khốn cho các người! Các người
xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy. Như
vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người , vì
họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.” (Lc 11,47-48)
Suy niệm: “Vì họ đã giết chết các vị ấy, còn các người thì xây
lăng”. Tại sao Chúa lại khiển trách các nhà thông luật và Pha-ri-sêu?
Việc “xây lăng” xuất phát từ lòng tôn kính hay từ thói giả hình? “Xây lăng” cho
các tiên tri nhưng lời giáo huấn của các ngài còn đó mà họ không tuân giữ thì
quả thật họ đã không học được bài học của lịch sử mà trái lại còn tiếp tục sự
cứng lòng mà họ thừa hưởng từ cha ông.
Mời Bạn: Chỗ khác, Chúa nói: “Các người giống như mồ mả tô
vôi, bên ngoài thì đầy vẻ đẹp, nhưng bên trong…” (Mt 23,27). Nước sơn
tô điểm cho gỗ thêm giá trị hay để che lấp những chỗ sù sì, nứt nẻ? Bài học quá
khứ sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp nếu đó là một cơ hội để sửa mình. Nhưng nếu
“nước sơn” lấp liếm kia quá dày, nó sẽ ngăn cản tiếng gọi của Chúa thấm vào tâm
hồn để biến đổi bạn trong phút giây hiện tại. Sống phút giây hiện tại dưới cái
nhìn thấu suốt nhưng đầy nhân lành của Thiên Chúa.
Chia sẻ: Việc “thanh tẩy ký ức” mà Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đề
ra giúp bạn sửa chữa thế nào những lỗi lầm của bạn, của cộng đoàn bạn?
Sống Lời Chúa: Bạn đừng bao giờ bỏ việc kiểm điểm đời sống mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phó dâng quá khứ của con cho lòng
Chúa thương xót, biết đón nhận tương lai trong niềm cậy trông vào Chúa và xin
giúp con biết nên thánh trong mỗi phút giây hiện tại. Amen.
20/10/23 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Lc 12,1-7
ĐỪNG CHẾT HAI LẦN!
“Anh em đừng sợ những kẻ giết
thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải
sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy
nói cho anh em biết: hãy sợ Đấng ấy.” (Lc 12,4-5)
Suy niệm: Thế giới ngày nay đang có khuynh hướng huỷ bỏ án tử hình.
Tại Việt
Mời Bạn: Còn bạn, bạn biết cái chết thứ hai ấy chứ? Có người đã chết
thay cho bạn rồi. Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa Làm Người vì yêu
thương bạn. Bạn hãy kính sợ Đấng ấy.
Chia sẻ: Trân trọng cuộc sống hôm nay, chính là chuẩn bị cho cuộc sống
vĩnh hằng. Làm giàu của cải thiêng liêng trong cuộc sống hôm nay, bạn sẽ hưởng
dùng cho cuộc sống mai sau. Ngược lại, Bạn sẽ mất tất cả…
Sống Lời Chúa: Mến Chúa yêu người, chắc chắn Bạn chỉ phải chết một lần để
bước vào hạnh phúc vĩnh cửu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống, để con không còn lo sợ
chết. Xin cho con can đảm chọn lựa nền văn minh tình thương, tích cực sống và
xây dựng thế giới theo Tin Mừng, để không còn ai bị kết án phải chết hai lần.
21/10/23 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12
TUYÊN NHẬN HAY KHƯỚC TỪ
“Ai tuyên bố nhận Thầy trước
mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên
thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)
Suy niệm: Để đón nhận Nước Chúa, chúng ta không chỉ âm thầm chu toàn
những việc phải làm, nhưng còn phải công khai tuyên xưng niềm tin của mình vào
Thiên Chúa nữa. Tuyên tín là bản năng và là điều thuộc về căn tính của người
tín hữu, là điều kiện để Đức Ki-tô nhìn nhận họ “trước mặt các thiên
thần của Thiên Chúa”. Tuyên tín cũng là cách ta công khai bày tỏ món
quà đức tin Chúa ban cho người chung quanh, để họ cũng có được món quà quý giá
ấy như mình. Ơn đức tin tựa như nén bạc Chúa trao, ta không được chôn dấu đi,
nhưng phải “sinh lời” bằng cách loan báo cho người lân cận. Nếu xao lãng, chểnh
mảng sứ mạng làm chứng ấy, ta sẽ bị Chúa coi là đầy tớ lười biếng. Do đó, loan
báo Tin Mừng là tên gọi khác của tuyên tín. Chúa Giê-su xác nhận giá trị của
lời tuyên tín: họ sẽ được Ngài long trọng khen ngợi trong ngày sau hết.
Mời Bạn: Như vậy bạn và tôi phải biết tận dụng mọi cơ hội để làm
chứng cho Chúa, bằng lời nói cũng như hành động. Lời nói và hành động luôn đi
với nhau như hình với bóng. Ý thức được điều này sẽ giúp ta biết phân định phải
nói gì, nói ở đâu và nói lúc nào là tốt nhất có thể. Vấn đề là ta biết rằng
loan báo, làm chứng cho Chúa không phải là chuyện được chăng hay chớ, nhưng là
bổn phận số một của người Ki-tô hữu.
Sống Lời Chúa: Tuyên xưng mình là Ki-tô hữu bằng cách thực hiện Tám Mối
phúc thật và các giá trị Tin Mừng cách công khai trong đời sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con luôn biết ngợi khen
Ngài. Amen.
22/10/23 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – A
CHÚA NHậT TRUYềN GIÁO
Mt 22,15-21
TRÁNH NHẦM LẪN ĐÁNG TIẾC
“Của Xê-da, trả về Xê-da; của
Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21)
Suy niệm: Lập trường rõ ràng, dứt khoát của Chúa Giê-su đối với Thiên
Chúa và tiền của giúp các môn đệ khỏi đánh đồng, nhầm lẫn các giá trị phải chọn
lựa trong cuộc sống. Lắm khi người môn đệ khó phân định rạch ròi đâu là ý Chúa,
lãnh vực nào thuộc về Ngài và đâu là ý cũng như lãnh vực của Xê-da – đại diện
cho tiền của và danh vọng. Hiện nay chủ nghĩa quốc gia-tôn giáo đang trỗi dậy
đó đây, đề cao quyền của quốc gia trên tôn giáo, sự tự trị của tôn giáo tại đất
nước mình. Người môn đệ dễ bị cám dỗ ngã theo rồi hành động theo chủ nghĩa quốc
gia-tôn giáo ấy, phản lại tính phổ quát của đức tin, đức ái. Lúc đó họ trở
thành những tín đồ cuồng tín, không chinh phục được ai, trái lại, làm cho nhiều
người lìa xa Thiên Chúa. Tín hữu là người vừa mắc nợ tổ quốc về lòng trung
thành, vừa mang ơn Thiên Chúa về tình yêu cứu độ. Người tín hữu phải chu toàn
cả hai vai trò, không được bỏ vai này phò vai kia.
Mời Bạn: Chúa bảo môn đệ phải nộp thuế phần đời cũng là cách Chúa
muốn môn đệ lưu ý đến đưa giá trị Nước Trời vào xã hội trần thế. Thế giới này
do Chúa dựng nên, Ngài mơ ước xã hội ấy trở thành Vương quốc của công lý, tình
yêu, sự thật, tình phụ tử với Thiên Chúa chi phối đời sống con người. “Của
Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” là thế đó.
Sống Lời Chúa: Là Ki-tô hữu, Chúa bảo ta không được trốn thuế; là công dân
Nước Trời, Chúa bảo ta đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của Giáo hội
nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng lòng con, cho con biết mến yêu và
phụng sự Chúa trong mọi người anh chị em, để Nước Chúa được hiển trị mọi ngày.
23/10/23 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Ca-pét-ra-nô, linh mục
Lc 12,13-21
LÀM GIÀU TRƯỚC THIÊN CHÚA
“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho
mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế
đó.” (Lc 12,21)
Suy niệm: Một người muốn lôi Chúa Giê-su vào vai trò “người xử kiện”
cho vụ việc chia gia tài nhà ông ta. Ông này đã hành động dưới sự thúc đẩy của
lòng tham chứ không phải để đòi lại sự công bằng. Đó là lý do Chúa kể câu
chuyện người phú hộ. Ông không phải tranh dành của cải với ai. Nhưng lòng tham
khiến ông chỉ nghĩ tới một mình ông. Ông độc thoại: “tự nhủ… nghĩ bụng… tự
bảo…” Ông tìm sự an toàn nơi của cải, ông tính toán hưởng thụ: nghỉ ngơi,
ăn uống, vui chơi cho đã. Cả hai người, ai có lý? Đức Giê-su cho chúng ta câu
trả lời: “Đồ ngốc,… những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Và Ngài
kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước
mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Mời bạn: “Không ai có thể trưởng thành hay tìm thấy sự viên mãn bằng
cách rút lui khỏi những người khác” (Fratelli Tutti 50).
Thiên Chúa giao cho con người quản lý của cải để họ phục vụ thiện ích chung.
Nhưng trở thành người quản lý trung tín là điều chẳng dễ dàng chút nào, vì ta
luôn bị cám dỗ bởi lòng tham. Đâu là những “của cải” Thiên Chúa giao
cho bạn và tôi? Phải chăng đó là của cải vật chất, môi trường sống, tha
nhân sống quanh tôi, thời gian tôi đang có, và cả ơn đức tin? Tôi đã
làm gì với những thứ ‘của cải’ đó? Có làm giàu chúng trước mặt Thiên Chúa
không?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian, tình yêu và sự quan tâm để chia sẻ với người
thân cận, người đang “túng thiếu.”
Cầu nguyện: Xin cho con biết chia sẻ cho nhau những ‘của cải’ Chúa
ban cho con, để con có được ‘của cải’ quan trọng nhất là sự sống trong Chúa. Amen.
24/10/23 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục
Lc 12,35-38
HẠNH PHÚC NGƯỜI TÔI TRUNG
“Nếu canh hai hoặc canh ba ông
chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,38)
Suy niệm: Chủ nhân các công ty, xí nghiệp muốn tăng hiệu suất làm việc
của công nhân thường tạo cho họ có tình cảm gắn bó như là gia đình của mình.
Còn người tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su không phải là người thợ làm công
ăn lương sau khi lao động ngày tám tiếng rồi về nhà mình; trái lại, người ấy ở
luôn tại nhà chủ như người ăn kẻ ở trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai
hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Hạnh phúc cho kẻ phụng
sự Chúa như người tôi trung không phải là sẽ được lên chức, tăng lương mà thật
bất ngờ: chủ sẽ đổi thân phận làm đầy tớ phục vụ họ: “Chủ sẽ thắt
lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.
Mời Bạn: Phải chăng Chúa đã không gọi các môn đệ Ngài là bạn hữu đó
sao? Ngài đã không thân hành rửa chân cho họ đó sao? Và phải chăng Chúa đã
không yêu các bạn hữu Ngài đến nỗi chịu chết vì những người Ngài yêu đó sao?
Thật phúc dường nào khi được phụng sự Chúa và được Ngài đối xử như bạn hữu, như
con cái, được thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Ngài.
Chia sẻ: Chúa muốn bạn làm gì khi nói: “Các con cũng hãy rửa
chân cho nhau”?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn thật tốt việc bổn phận của bạn với tấm
lòng tận tuỵ của người tôi trung.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, kể sao cho xiết ơn Chúa dành cho con; tình yêu
Chúa đánh động tận đáy lòng con. Con sẽ bội bạc với Chúa biết chừng nào nếu con
không yêu Chúa với tất cả con người của con. Lạy Chúa, con xin dâng hiến cuộc
đời con để phụng sự Chúa như người tôi trung.
25/10/23 thứ tư TUẦN 29 Tn
Lc 12,39-48
CÒN LÂU!
“Người đầy tớ nghĩ bụng: “Chủ
ta còn lâu mới về” và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa.” (Lc 12,42)
Suy niệm: Cứ nghĩ “chủ ta còn lâu mới
về,” nên người đầy tớ trong Tin Mừng “đánh đập tôi trai tớ gái,”
“chè chén say sưa,” phung phí, gây thiệt hại tài sản của chủ,
thay vì chăm sóc gia nhân, “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ.” Thái độ
ấy dẫn đến cái kết khủng khiếp là “bị loại bỏ” không thương tiếc khi
chủ nhân thình lình trở về. Tất cả cũng vì chủ quan Còn lâu,
khinh suất, “không biết ý chủ” làm anh đánh mất sự trung tín vốn có để
trở thành kẻ bất tín đáng chê trách. Khi lần lữa, chần chờ chưa muốn thực hiện
một công việc hay bổn phận, ta thường dựa vào hai chữ Còn lâu. Hai
chữ Còn lâu ấy đã gây bao thất bại, thậm chí thảm bại cho
rất nhiều người. Trong đời sống thiêng liêng, tâm thế Còn lâu ấy
chặn đứng khả năng tỉnh thức của ta trước tiếng Chúa gọi.
Mời Bạn: “Thật bất ngờ” là câu nói trên môi miệng ta về sự ra đi
đột ngột của một người, đồng thời là lời nhắc nhở người còn sống phải sẵn sàng.
Ki-tô hữu là người biết ý của chủ nên cần ở trong tư thế chờ
đợi liên lỉ để không phung phí ân sủng và thời gian Chúa ban. Loại bỏ ý
nghĩ Còn lâu và sống tỉnh thức là điều bạn cần phải có.
Chia sẻ: Tâm thức Còn lâu có là phong cách sống lâu nay
của bạn không? Bạn có muốn điều chỉnh cái nhìn đó cho phù hợp với Tin Mừng?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chu toàn công việc được giao phó như thể ngày cuối
cùng của cuộc đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không đợi chờ, con
quyết sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương… Sống mỗi phút cho tốt,
đời sẽ thánh. (ĐHY P.X. Nguyễn Văn Thuận).
26/10/23 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Lc 12,49-53
CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ
“Thầy còn một phép rửa phải
chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,50)
Suy niệm: Nơi mỗi người chúng ta luôn tồn tại hai thái cực đối lập:
ánh sáng và bóng tối. Cả cuộc đời ta là cuộc chiến dai dẳng, đấu tranh trường
kỳ giữa ánh sáng và bóng tối ấy. Mang thân phận làm người, Đức Giê-su cũng đã
phải “khắc khoải” trong cuộc đấu tranh này. Để hoàn tất ý
định của Chúa Cha, Người phải đương đầu với cám dỗ (x. Mt 4), chọn lựa ý Cha
trước cuộc Tử nạn (x. Mt 26,42), nhất là khi hấp hối trên thánh giá (x. Mc
15,34). Ngài đã sẵn lòng chịu “phép rửa” ấy, để cứu độ nhân
loại.
Mời Bạn: Là người Ki-tô hữu từ khi lãnh nhận phép Thánh tẩy, ta nỗ lực bảo
vệ chiếc áo trắng Thánh tẩy ấy trong cuộc chiến chống lại bóng tối tội lỗi, thế
gian. Ta mong muốn hoàn toàn thuộc về Chúa, ánh sáng Ngài luôn chiếu tỏa trong
cuộc đời mình. Tâm tình ấy có thể được diễn tả một cách trọn vẹn nơi thánh
Augustinô: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho
đến khi nghỉ yên trong Ngài.” Ắt hẳn bạn đang phải đấu tranh một mất
một còn để ‘ánh sáng’ (sự thiện) đẩy lùi ‘bóng tối’ (sự ác) trong mình.
Bạn có mang nỗi khắc khoải như Thầy Giê-su không, hay cũng chỉ chiến đấu ‘cầm
chừng’ theo bản tính tự nhiên?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm mỗi sáng thức dậy: tôi sẽ luôn chọn những giá trị
của Nước Trời hơn là những gì thuộc về thế gian.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn muốn nhân loại trở về với Chúa là cội
nguồn mọi sự thiện hảo. Xin cho chúng con luôn biết hướng về Chúa trong mọi
hoàn cảnh, để cũng sẽ chiến thắng, cùng với Đức Ki-tô, trong cuộc chiến trần
gian này. Amen.
27/10/23 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Lc 12,54-59
CHẬM LẠI ĐỂ SUY XÉT
“Sao các người không tự mình
xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,57)
Suy niệm: Ngày xưa Chúa Giê-su trách người Do Thái sáng suốt đoán
trước thời tiết qua hiện tượng thiên nhiên, nhưng lại mù tối không biết suy
xét, nhận ra những dấu chỉ Chúa đang ngỏ với họ qua các phép lạ và giáo lý của
Ngài. Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhở: “Sao các người không tự mình xét xem cái
gì là phải?” Ngày nay ta đang sống trong nền văn hóa mới, tạm gọi là
văn hóa “lướt qua”: lướt mạng, lướt Facebook, lướt web. Ta nhìn xem, hối hả thu
thập bao hình ảnh, thông tin, nhưng chẳng bao giờ dừng lại, ngẫm nghĩ,
xét mình xem Chúa muốn ta làm gì trong hoàn cảnh hôm nay. Do đó, ta lướt qua
rất nhiều thứ, nhưng lại bỏ qua cái quan trọng. Ta có thể nắm rõ tỏ tường tình
hình thế giới, sự kiện xã hội, nhưng lại mù mờ về chính tâm hồn, cuộc sống đức
tin của mình. Ta không dành đủ thời gian cho Chúa, người thân, cũng như cho
chính tâm hồn mình. Từ đó, đánh mất chính mình, mối tương quan với Chúa, và
những người thân của mình.
Mời Bạn: Dành thời gian dừng lại, xem xét lại các mối tương
quan với Chúa, người thân và với chính mình đang có những trục trặc nào, để tìm
phương cách điều chỉnh.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian trò chuyện với một người thân trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong một thế giới đang diễn tiến quá nhanh, con
cũng bị lôi kéo chạy theo. Xin giúp con biết dừng lại, suy xét xem đâu là đích
điểm tối hậu của cuộc đời. Để rồi con sẽ dành thời gian để bồi đắp cho đời sống
đức tin, cũng như sống tốt đẹp các mối tương quan quan trọng cho cuộc đời mình.
Amen.
28/10/23 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Th. Si-mon và Giu-đa Tông đồ
Lc 6,12-19
LÀ TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA KI-TÔ
Người kêu các môn đệ lại, chọn
lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ. (Lc 6,13)
Suy niệm: “Tông đồ mà không cứu các linh hồn và thiết lập Giáo hội
thì tựa nông dân không sản sinh ra mùa gặt” (D. Cannistraci). Tông đồ
là người ở với Đức Giê-su, rồi được Ngài sai đi. Như vậy, điều kiện đầu tiên là
ở với Đức Giê-su: học hỏi, chiêm ngắm, sống mối tương quan thân thiết với Ngài
như người môn đệ, tựa người bạn thân. Một khi đã là môn đệ thân tín của Ngài,
ta sẽ tiến thêm bước nữa: nhận sứ vụ Tông đồ loan báo Ngài cho người lân cận.
Si-mon và Giu-đa (hay Ta-đê-ô) đã lần lượt thực hiện hai bước này: ở với Thầy
trong ba năm, rồi được Thầy sai đi đến tận cùng trái đất. Si-mon rao giảng Tin
Mừng ở Ai Cập, sau đó sang Ba Tư; Giu-đa loan báo Tin Mừng ở Mêsôpôtamia; rồi
cả hai vị cùng lãnh triều thiên tử đạo ở Ba Tư.
Mời Bạn: Hãy đến nhà thờ học biết về lòng tha thứ; để rồi trở về trở
thành người thứ tha. Hãy đến nhà Chúa học biết về sự tốt bụng; rồi trở về trở
thành người tốt bụng. Cứ như thế sau mười lần đến nhà thờ trong mười Chúa Nhật,
bạn sẽ là hình ảnh thật của Chúa Ki-tô (theo I. Ayivor). Trong Thánh lễ, bạn ở
lại với Chúa Ki-tô, đặc biệt trong hai phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh
Thể: học với Chúa Ki-tô, nhìn ngắm Ngài, ghi nhớ Lời Ngài trong phần đầu, rồi
hiệp thông, kết hợp với Ngài ở phần sau. Để rồi kết thúc Thánh lễ, bạn được sai
đi, là Tông đồ của Tin Mừng yêu thương, tha thứ, tốt bụng.
Sống Lời Chúa: Tôi tập ở lại với Chúa mỗi ngày trong kinh nguyện, rồi ý
thức được sai đi đến với người khác, làm Tông đồ của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tin tưởng sai con đi làm Tông đồ giữa đời.
Xin cho con ghi nhớ sứ mạng ấy. Amen.
29/10/23 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – A
Mt 22,34-40
GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” (Mt 22,36)
Suy niệm: Yêu mến một Thiên Chúa duy nhất hết lòng hết dạ, hết sức lực, là
lời kinh rất quen thuộc người Do Thái vẫn đọc sáng tối hằng ngày. Lời kinh này
được dân Chúa lặp lại mỗi ngày không chỉ để cầu nguyện, hay chỉ để nhắc nhở
nhau phải ghi tạc vào lòng, thực thi giới răn Thiên Chúa, nhưng còn giúp định
hướng ngày sống, toàn bộ đời mình vào Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa duy
nhất, là Đấng con người phải đặt để trên tất cả mọi sự, và lòng yêu mến Thiên
Chúa ấy sẽ giúp người ta nhận ra việc phải làm để sống đẹp lòng Ngài. Nói khác
đi, khi yêu mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự thì con người sẽ lắng nghe, thi
hành mọi điều Thiên Chúa truyền dạy để tôn vinh Ngài.
Mời Bạn: Thánh Gio-an đã xác quyết rằng: “Ai yêu mến Thiên
Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”… “vì ai không yêu thương
người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không
trông thấy” (Ga 4,20b-21). Bạn xét xem bạn đã yêu mến Thiên Chúa đủ
để giúp bạn yêu thương người thân cận như Chúa muốn không? Nếu chưa, bạn làm gì
để thêm lòng yêu mến Chúa hơn trong đời mình?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm ít nhất một việc bác ái cho người thân cận để tỏ
lòng yêu mến Chúa, chứ không vì một động lực nào khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con
đến cùng. Xin giúp chúng con ngày càng cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu ấy. Nhờ
đó, chúng con nỗ lực gắn kết với Chúa mỗi ngày, biết sống yêu thương, quảng đại
với mọi người để làm vinh danh Chúa. Amen.
30/10/23 THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17
ĐỪNG ĐẠO ĐỨC GIẢ!
Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả
kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng
cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã
mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày
sa-bát sao?” (Lc
13,15-16)
Suy niệm: Ông chủ tịch hội đường này cũng ‘né’ Chúa Giê-su, không dám
trực tiếp hạch sách Ngài, nhưng lại quay qua ‘bắt nạt’ dân chúng, những người
đang chen chúc đến xin Chúa chữa bệnh trong ngày sa-bát. Thật mỉa mai thay vì
người ta lắm khi coi trọng những hệ thống luật pháp hơn cả lòng nhân đạo, thậm
chí coi trọng súc vật hơn chính con người. Và đáng ngại hơn nữa, người ta quan
tâm tháo gỡ những chướng ngại để thụ hưởng vật chất cho thật nhiều trong khi đó
vẫn tiếp tục duy trì những trói buộc khiến con người tâm linh cứ phải “còng
lưng” mãi không thể “đứng thẳng” lên được.
Mời Bạn suy nghĩ về cách thức bạn “giữ ngày Chúa
Nhật.” Có thực sự bạn không thể “kiêng việc xác” ngày Chúa Nhật vì cuộc sống
bạn quá khó khăn không hay chỉ vì bạn bị trói buộc quá nhiều vào cuộc sống vật
chất? Hay ngược lại bạn nghỉ cả ngày thứ bảy lẫn Chúa Nhật nhưng chủ yếu tập trung
cho vui chơi giải trí và chỉ dành cho Chúa một chút thì giờ khít khao cho việc
“đi lễ” để gọi là có “giữ ngày Chúa Nhật”?
Sống Lời Chúa: Bạn lập chương trình cho ngày Chúa Nhật của bạn sao cho ngày
đó bạn được thực sự giải phóng khỏi mọi ràng buộc để có một một ngày thật trọn
vẹn dành cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng phụng sự Chúa với tất cả
lòng trung tín và sẵn sàng phục vụ tha nhân với tất cả lòng quảng đại.
31/10/23 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
MỘT CHÚT MEN, TÁC DỤNG LỚN
“Nước Thiên Chúa giống như
chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy
men.” (Lc
13,21)
Suy niệm: Một nắm men nhỏ có thể làm cho cả khối bột nở ra, trở thành
tấm bánh thơm ngon. Nắm men trong dụ ngôn làm cho ba thúng bột, tương đương 50
kg, dậy men, đủ cho cả trăm người ăn no. Chúa dùng “nắm men” làm
ẩn dụ nói lên sự tác động diệu kỳ từ bên trong, đem lại hiệu quả gấp nhiều lần
từ những gì rất nhỏ bé. Chẳng hạn: người ta tin rằng lòng quyết tâm như men làm
cho sự nỗ lực phát huy, tăng trưởng, hay lòng nhiệt thành tựa men giúp niềm hy
vọng bay cao như những vì sao. Đức Giê-su cũng sử dụng hình ảnh men như tác
động của Nước Trời từ bên trong, âm thầm, lặng lẽ, nhưng tạo hiệu quả sâu đậm
trong thế giới con người. Ta nhận ra nắm men Nước Trời ấy đã tạo ra rất nhiều
thay đổi tích cực nơi xã hội nhân loại từ hơn 2.000 năm nay.
Mời Bạn: “Đời sống sinh động với nụ cười tựa như cho men vào tô
bột, thêm chút nước ấm, rồi chờ bột dậy men. Bột sẽ nở ra gấp nhiều lần” (J.
Templeton). Các nghĩa cử bác ái, hy sinh quên mình, dấn thân vì Nước Trời của
đời Ki-tô hữu thường rất bình dị, nhỏ nhoi, không mấy người quan tâm, nhưng lại
có tác dụng diệu kỳ nơi người khác, đem lại những hiệu quả tích cực bạn không
ngờ. Vì thế, bạn hãy tiếp tục thực hiện các nghĩa cử tựa như men Nước Trời ấy.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi thực hiện một nghĩa cử yêu thương, một việc tốt
đẹp cho vài ba người lân cận của mình, với ý hướng vì Tin Mừng Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống hết mình, chết trọn tình để
Nước Trời hiện diện giữa chúng con. Xin cho con làm chứng cho Nước Trời bằng
chút men yêu thương mỗi ngày. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét