Thánh đường Cù Lao Giêng - ngôi thánh đường cổ xưa của đất Nam Kỳ
YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG Thứ tư, 06/07/2022 07:52 (GMT+7)
An Giang - Trên mảnh đất cù lao Chợ Mới, thánh đường Cù Lao Giêng, còn gọi là nhà thờ Đầu Nước, được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển của Pháp, đây là công trình di tích cổ xưa của lịch sử Giáo hội Thiên Chúa Giáo tại đất Nam Kỳ.
Từ TP.Long Xuyên (An Giang) chạy qua phà An Hòa đến thị trấn Mỹ Luông, rồi qua cầu Tấn Mỹ, chạy dọc theo con đường làng cù lao là bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngôi thánh đường Cù Lao Giêng, sở hữu lối kiến trúc độc đáo cổ xưa, với những hoa văn tinh tế và tỉ mỉ, tạo nên một không gian cổ kính giữa vùng đất cù lao. Theo "Lược sử nhà thờ cổ Cù Lao Giêng" được ghi lại ở phía trước cửa chính của nhà thờ, ngôi thánh đường này được các Linh mục người Pháp xây dựng từ thời vua Tự Đức năm 1875, khởi công xây dựng trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn 3 năm, đây được xem là ngôi nhà thờ cổ xưa của miền Nam Việt Nam. Được thiết kế theo phong cách kiến trúc Roman pha trộn nét kiến trúc Gothic, công trình thánh đường Cù Lao Giêng mang dáng dấp nguy nga, tráng lệ. Với tổng diện tích lên đến 7.367m2, dài 55m, rộng 18m, toàn bộ nhà thờ từ cổng chính, tháp chuông, mái nhà đến trang trí bên trong đều được thiết kế với phong cách đồng nhất, toát lên nét đẹp đậm chất Tây phương. Phía trước thánh đường là tháp chuông với độ cao 35m. Bên trong tháp chuông có 2 quả chuông đồng được đúc tại Pháp với niên đại trên 100 năm. Đa phần những vật liệu xây dựng, các pho tượng thờ tại thánh đường đều được mang từ Pháp sang, kể cả những người thợ đều là những kỹ sư, kiến trúc sư của Pháp thời bấy giờ. Bước vào bên trong, không gian nhà thờ rộng 16m ngang mang nét đẹp huyền bí và độc đáo, bởi có sự kết hợp của các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, cùng các cửa giả hình chữ U, cộng với những hàng cột uy nghi ở 2 bên. Tất cả đã tạo nên một không gian cổ kính giữa vùng quê cù lao bình dị. Chính giữa là Chánh điện thờ tượng Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Đây là một trong số rất ít thánh đường ở Việt Nam đặt tượng Đức Mẹ ngay giữa gian cung thánh. Tượng Đức mẹ cao khoảng 2m, được đúc và mang từ Pháp sang, đến nay vẫn nguyên vẹn về chất liệu, còn màu sắc bên ngoài vừa được người dân bản địa tô vẽ hoạ tiết lại một cách hài hoà. Chị Trần Ngọc Xuân Lãm - Huynh trưởng, phụ trách sinh hoạt tại nhà thờ chia sẻ, chị sinh ra từ bé tới lớn ở giáo xứ này, được nghe ông bà kể lại thánh đường Cù Lao Giêng là ngôi thánh đường có lịch sử lâu đời, vì vậy nên mới có tên là nhà thờ Đầu Nước. Chị Lãm nhấn mạnh, mọi vật liệu, hoạ tiết trong thánh đường đều mang kiến trúc độc đáo của Pháp, đặc biệt là bàn thờ cổ ngay giữa gian cung thánh vừa được Linh mục Nguyễn Đức Dũng sơn mới lại, đó là bàn thờ cổ đời đầu, dù có trùng tu nhưng sau bao nhiêu năm vẫn mang vẻ cổ kính được xếp vào loại bậc nhất. Chị Lãm cho biết thêm, hiện tại nhà thờ có 2 Cha phụ trách đó là Cha Sở Phêrô Nguyễn Đức Dũng và Cha Phó Giuse Nguyễn Quang Minh, cùng với 3 Soeur hỗ trợ phục vụ sinh hoạt của giáo xứ. Hiện nay, tổng giáo dân nơi đây là hơn 4.000 người. Hàng trăm năm qua, thánh đường Cù Lao Giêng không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo của người dân địa phương mà còn là công trình di tích cổ xưa của lịch sử Giáo hội Thiên Chúa Giáo, điêm nhấn đặc biệt trên vùng đất cù lao Chợ Mới – An Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét