GIÁO LÝ HÔN NHÂN
130
NỘI DUNG
I. Chuẩn bị
II. Quan niệm Hôn Nhân
III. Bí tích Hôn Phối
IV. Sự ưng thuận
V. Tính Dục
VI. Tình Yêu
VII. Mục đích Hôn Nhân
VIII. Sinh sản có trách nhiệm
IX. Gia Đình
X. Bổn phận Vợ Chồng
XI. Bổn phận làm Cha Mẹ
XII. Một số nguyên tắc Sống Đạo
I. CHUẨN BỊ
1. Khi muốn kết hôn, bạn trẻ Công giáo phải làm gì ?
- Phải suy nghĩ chín chắn, cầu nguyện, bàn hỏi và tìm hiểu nhau.
2. Vì sao phải suy nghĩ chín chắn ?
- Vì là việc rất hệ trọng trong cuộc đời hai người nam nữ. Nếu không suy nghĩ chín chắn, không cân nhắc cẩn thận, không lựa chọn chu đáo mà lập gia đình cách vội vàng, hấp tấp, liều lĩnh thì sẽ mang lấy hậu quả tai hại cho mình, cho con cái, cho xã hội và cho Giáo Hội nữa.
3. Vì sao phải cầu nguyện ?
- Vì hai người nam nữ phối hợp nên vợ nên chồng là điều bí nhiệm, chỉ mình Chúa biết và se định, nên cần phải cầu nguyện như Tôbia toan cưới Sara, để xin Chúa soi sáng hướng dẫn hầu chọn được người bạn trăm năm hợp thánh ý Chúa và đúng ý nguyện của mình.
4. Tại sao phải bàn hỏi ?
- Vì mình không đủ khôn ngoan sáng suốt, nên dễ bị sai lầm. Đàng khác, kinh nghiệm cho thấy, nhận xét khách quan thường đúng hơn nhận xét chủ quan và “việc mình thì tối, việc người thì sáng.”
5. Phải bàn hỏi với ai ?
- Bàn hỏi với những người cao niên khôn ngoan, đạo đức, có nhiều kinh nghiệm mà mình tín nhiệm như : cha mẹ, ông bà, cha giải tội, giáo lý viên hôn nhân…
6. Vì sao phải tìm hiểu nhau ?
- Vì hai bên phải chung sống với nhau trọn đời nên cần tìm hiểu để biết những gì có thể hoà hợp hầu xây dựng một gia đình hạnh phúc. Những yếu tố phải tìm hiểu là tình yêu chân thành, tính nết, lòng đạo đức, trình độ học thức, hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội, tài sản đôi bên, tuổi tác, sức khoẻ…
7.Tìm hiểu nhau bao lâu?
- Khoảng hai năm hay lâu hơn tuỳ trường hợp. Càng tìm hiểu nhau lâu chừng nào, càng biết rõ thì càng chắc chắn tránh được những sai lầm và nhiều đổ vỡ sau này.
8. Có cần học hỏi gì thêm nữa không ?
- Rất cần, việc học giáo lý chuẩn bị hôn nhân là bắt buộc. (Gl.1063) Bởi để xây dựng một gia đình mới, bạn trẻ cần có những kiến thức cần thiết cho việc sống đời vợ chồng, giáo dục và nuôi dưỡng con cái theo đúng ý Hội Thánh.
II. QUAN NIỆM HÔN NHÂN
9. Giáo Hội dạy gì về đôi bạn ?
- “Người nam và người nữ được mời gọi ngay từ đầu không những sống bên cạnh nhau hay sống chung với nhau nhưng còn được mời gọi để sống cho nhau " (MD.7)
10. Hai người có bình đẳng nhau không ?
Thánh Phaolô nói : “Trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. Thật thế, người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra, và mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có.” ( 1 Cr 11, 11-12) Còn sách Giáo Lý Toàn Cầu dạy :
- “ Thánh Kinh khẳng định người nam người nữ được tạo dựng cho nhau : "Con người ở một mình thì không tốt". Người nữ là "xương thịt bởi xương thịt" người nam, ngang hàng và gần gũi với người nam.” (GLTC.1605)
11. Hôn nhân có phải là do ngẫu nhiên không ?
- Không, “Hôn nhân không phải là do ngẫu nhiên hay sự biến hoá của các sức mạnh vô tri trong thiên nhiên tạo thành. Hôn nhân là do sự sắp đặt khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá để thực hiện ý định của Ngài giữa nhân loại.” (HV.6)
12. Vậy nó có nguồn gốc từ đâu ?
- “Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau. Ngài đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng “(GS.48). Quan niệm truyền thống dân gian vẫn còn chuyện vợ chồng là do “trời se duyên”.
13. Tội lỗi ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân ?
- “ Tương quan giữa hai người bị xáo trộn do việc đổ lỗi cho nhau (x. St 3,12); sự hấp dẫn phái tính là hồng ân riêng của Đấng Sáng Tạo (x. St 2,22) biến thành tương quan thống trị và ham muốn (x. St 3,16b); việc sinh sôi nảy nở và thống trị mặt đất (x. St 1,28) vốn là ơn gọi cao đẹp của người nam và người nữ, trở nên nặng nề vì những đau đớn khi sinh con và cực nhọc khi kiếm ăn (x. St 3,16-19).”(GLTC..1607)
14. Hôn nhân có cần ân sủng không ?
- “ Để chữa lành những vết thương do tội lỗi, người nam cũng như người nữ cần đến Chúa trợ giúp bằng ân sủng mà với lòng nhân hậu vô biên, Người không bao giờ từ chối ban cho họ (St 3,21). Không có sự trợ giúp này, người nam và người nữ không thể đạt tới sự hoà hợp trong cuộc sống như Thiên Chúa đã muốn ngay từ "ban đầu khi dựng nên họ".”(GLTC.1608)
15. Những sách nào trong Cựu Ước nói nhiều đến hôn nhân ?
- “ Sách Rút và Tô-bi-a đã nêu lên những chứng từ cảm động về ý nghĩa cao qúy của hôn nhân, của lòng chung thủy và sự âu yếm của vợ chồng. Truyền thống luôn nhận thấy trong sách Diễm Ca lời diễn tả tình yêu con người theo nghĩa là phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu "mãnh liệt như sự chết" mà "thác lũ không dập tắt được" (Dc 8,6-7)”(GLTC.1611)
III. BÍ TÍCH HÔN PHỐI
16. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với hôn nhân ?
- “ Khởi đầu đời sống công khai, Đức Ki-tô thực hiện dấu chỉ đầu tiên trong lễ cưới, theo lời yêu cầu của Mẹ Ma-ri-a (x. Ga 2,1-11). Hội Thánh coi việc Đức Ki-tô hiện diện trong tiệc cưới Ca-na có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Ki-tô.”(GLTC.1613)
17. Bí tích hôn phối là gì ?
- Là bí tích Đức Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
18. Bí tích hôn phối ban cho vợ chồng những ơn ích nào ?
- Ban cho vợ chồng ơn biết yêu nhau như Chúa Kitô yêu Hội Thánh, nhờ đó họ trung thành và giúp nhau nên thánh trong bậc sống gia đình.
19. Bí tích hôn nhân buộc giữ điều gì ?
- Buộc giữ một vợ một chồng, và phải chung sống với nhau mãi cho đến chết, như lời Chúa phán : “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân li”(Mt19, 6). Đây cũng chính là 2 đặc tính : Đơn hôn và Vĩnh hôn của hôn nhân Công giáo.
20. Tính bất khả phân li còn được nhắc lại ở đâu ?
- Đứng trước thực trạng nhiều gia đình phân li, ĐTC Gioan Phaolô II đã tái khẳng định đặc tính này : “Sự hiệp thông vợ chồng được đánh dấu không những do sự duy nhất, nhưng còn do tính bất khả phân ly của nó : “sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hòan tòan trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau cách bất khả phân ly.” (FG. Số 20)
21.Vì sao buộc ngặt như vậy ?
- Buộc ngặt như vậy để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Vì nếu được tự do li dị rẫy bỏ nhau, thì vợ chồng không còn ràng buộc, do đó gia đình dễ tan vỡ, con cái bơ vơ không nơi nương tựa, không ai nuôi dưỡng và giáo dục…ảnh hưởng tai hại cho xã hội và Giáo Hội.
IV. SỰ ƯNG THUẬN
22. Đâu là yếu tố làm nên hôn nhân ?
“Hội Thánh coi việc hai người bày tỏ sự ưng thuận kết hôn là yếu tố cần thiết làm nên hôn nhân. Thiếu sự ưng thuận thì không có hôn nhân” (GLTC.1626)
23. Phải hiểu sự ưng thuận là gì ?
“Sự ưng thuận phải là hành vi ý chí của mỗi người phối ngẫu, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ ngoại tại. Không có thế lực nhân loại nào có thể thay thế sự ưng thuận này. Thiếu sự tự do, hôn nhân không thành” (GLTC.1628)
24. Cha mẹ có quyền ép duyên, hay cản trở việc hôn nhân của con cái mình không ?
- Cha mẹ không được làm như vậy vì trái luật hôn nhân (điều 4) trái ý Chúa và Hội Thánh.
25. Để có sự ưng thuận, tối thiểu phải biết điều gì ?
- “Để có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người phải biết ít ra rằng : hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.”(Gl.1096)
V. TÍNH DỤC
26. Ta phải quan niệm tính dục thế nào ?
- Tính dục là một điều tự nhiên được ghi trong bản tính của chúng ta và do chính Thiên Chúa muốn như thế. Chính Thiên Chúa sáng tạo nên tính dục : “Người dựng nên con người có nam có nữ.” (St 1, 27)
- Tính dục là điều tốt vì Thiên Chúa không sáng tạo cái xấu và tính dục không có gì là xấu hổ cả.
27. Thái độ của Giáo Hội thế nào về tính dục ?
- Chính ĐTC Gioan Phaolô II, năm 1960, lúc đó là Hồng Y Tổng Giáo Phận Krakow, Ba Lan đã khuyến khích việc học hỏi, tìm hiểu về tính dục “để biết cách cư sử trong các vấn đề liên quan đến dục tính. Cần phải nhấn mạnh rằng sự ghê tởm về thể lý không nên tồn tại trong hôn nhân, vì chưng đó không những là yếu tố thiết yếu, mà còn là qui luật phải ánh phụ, mà đối với người phụ nữ, đó chính là cách phản ứng lại với sự ích kỷ, hẹp hòi và tàn bạo ; còn đối với người nam thì đó chính là sự phản ứng lại với sự lãnh cảm và lạnh nhạt.” (Thần Học Về Thân Xác, trang 35)
28. Sự khác biệt giới tính có ý nghĩa gì ?
- Nó hỗ trợ và bổ túc cho giới khác. “Mỗi người nam cũng như nữ phải nhìn nhận và chấp nhận phái tính của mình. Sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến đời sống hôn nhân và gia đình. Sự hoà hợp của đôi vợ chồng và của xã hội tuỳ thuộc phần nào vào việc hai bên nam nữ bổ túc cho nhau, đáp ứng và hổ trợ cho nhau.” (GLTC.2333)
29. Tính cách bổ túc và nên một này còn được nói ở đâu nữa ?
- Trong bức thư dài của ĐTC Gioan Phaolô II, gởi cho các gia đình trên toàn thế giới dịp Năm Gia Đình-1994, ngài viết : “Vốn là nam và là nữ là do cấu tạo thể lý và vốn khác biệt nhau về mặt cơ thể, cả hai chủ thể nhân linh cùng chia sẻ đồng đều khả năng sống “trong chân lý và tình yêu”. . .Cũng qua con đường thân xác mà người nam và ngưởi nữ được chuẩn bị để tạo thành một “mối hiệp thông ngôi vị” trong hôn nhân. Một khi , do bởi giao ước phu thê, hai người kết hợp với nhau đến độ trở thành một huyết nhục (St 2, 24), sự kết hợp của họ phải được thực hiện “trong chân lý và tình yêu”.
30. Ta phải có thái độ nào đối với tính dục ?
- Vì là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, nên ta phải đón nhận với tất cả sự trân trọng và có trách nhiệm, nghĩa là phải sử dụng nó cách đúng đắn, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
31. Phải sử dụng cách nào cho hợp ý Chúa?
- Phải hiểu tính dục được dựng nên nhằm mục đích hôn nhân, mọi hành vi tính dục thực hiện không nhằm hôn nhân và ngoài hôn nhân đều bị lên án.
32. Quan hệ xác thịt trước hôn nhân hay hôn nhân thử nghiệm có hợp lý không ?
- Không, đó là sai phạm nghiêm trọng. Hôn nhân có tính linh thiêng, cao thượng chứ không phải là món hàng cho ta thử nghiệm. Việc quan hệ giới tính trước hôn nhân là tội năng để lại những hậu quả tai hại sau này.
33. Thánh Phaolô lên án tội tà dâm thế nào ?
- “Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian. . .sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6, 9-10)
34. Tại sao tà dâm là tội nặng ?
- Thánh Phaolô nói rõ : “Anh chị em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác.” (1 Cr 6, 18)
35. Sự trinh tiết ngày nay có còn giá trị không ?
- “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Nó luôn có giá trị cho mọi thời và mọi quốc gia, nhất là những con cái Chúa. Vì vậy các bạn trẻ phải luôn giữ gìn sự trong sáng trong quan hệ bạn bè. Tránh những nguy cơ làm mình thiếu tự chủ, liều lĩnh đi quá giới hạn cho phép khi thể hiện những cử chỉ gần gũi về xác thịt.
36. Quan hệ giới tính trước hôn nhân có hại gì không ?
- Về luân lý Công Giáo, đó là tội rất năng. Về sinh lý, quan hệ như vậy cũng không có giá trị cho đôi bạn nếu sau này nên vợ nên chồng với nhau. Càng tai hại hơn khi đã quan hệ rồi mà không nên vợ chồng được thì bạn gái mất đi trinh tiết, cái quí giá đáng trân trọng của thiếu nữ, sau này lập gia đình thật khó đẹp lòng người chồng tương lai của mình. Nếu có thai trước lại là sự hổ thẹn cho gia đình, cản trở việc học hành và hướng nghiệp, hôn nhân tương lai mờ tối.
37. Lập trường của Giáo Hội về hôn nhân thử nghiệm thế nào ?
- “Hôn nhân thử mà ngày nay nhiều người đang muốn biện minh bằng cách gán cho nó một giá trị nào đó, thật là điều không thể chấp nhận được. Chỉ nguyên lý trí con người cũng cho thấy điều đó, khi cho thấy rằng chẳng có mấy lý do khiến cho ta có thể nói đến việc “thử nghiệm” nhân vị, đòi hỏi nó phải là luôn luôn là và chỉ có thể là đích điểm của tình yêu trao hiến không trừ một giới hạn nào, dù là giới hạn thời gian hay bất cứ giới hạn nào khác.” (FG. 80)
38. Quan hệ giới tính trước hôn nhân còn đưa đến tội gì nữa không ?
- Đưa đến tội phá thai, giết con thơ mình và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Có người phá thai rồi, sau này không thể sinh con được nữa.
39. Đâu là nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn trọng thân xác mình và người khác để tránh tội lỗi đức trong sạch ?
- Có thể coi lời thánh Phaolô nhắn gởi cộng đoàn Corinthô : “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. . .Anh em chẳng biết rằng thân xác anh chị em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ (gái điếm) sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng : ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao?” (1 Cr 6, 15-16)
40. Nam nữ muốn sống đứng đắn, trong sáng trong quan hệ và trong sạch phải làm gì ?
- Phải tránh xa dịp tội như sách báo phim ảnh dâm ô. Nhất là theo lời dạy của thánh Phaolô : “ Tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè, hoặc trộm cắp ; anh em cũng hãy đừng ăn uống với những người như thế.. . hãy khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh em”. (1 Cr 7, 11-13)
41. Vậy việc dựng vợ gả chồng và quan hệ vợ chồng có gì xấu không ?
- Thưa không, đó là điều tự nhiên. “Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? đừng tìm cách gỡ ra... Nếu bạn cưới vợ thì chẳng có tội gì. Và người con gái lấy chồng thì chẳng có tội gì.” (1 Cr 7, 28) ; “Nếu ai đang lúc quá dồi dào khí lực mà mình nghĩ rằng khó có thể tôn trọng vị hôn thê của mình, và cho rằng chuyện thường tình sẽ phải xảy ra, thì người ấy cứ làm như ý mình muốn, không mắc tội đâu : họ cứ việc lấy nhau. Còn ai đứng vững, lòng không nao núng, cũng chẳng miễn cưỡng, lại làm chủ được ý chí của mình, và quyết tâm tôn trọng người trinh nữ, thì người ấy làm một việc tốt. Như thế, ai cưới người trinh nữ của mình thì làm một việc tốt, nhưng ai không cưới thì làm việc tốt hơn” (1 Cr 7, 36-38)
Vậy sự âu yếm và những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng.
42. Vợ chồng có được từ chối việc vợ chồng không ?
- Khi một bên đòi hỏi, nếu bên kia từ chối mà không có lý do chính đáng thì mắc lỗi. Vì “Thân xác vợ không còn thuộc quyền vợ mà thuộc quyền chồng, cũng vậy, thân xác chồng không thuộc quyền chồng mà thuộc quyền vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện ; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ.” (1 Cr7, 4-5) Lý do chính đáng là tiết dục để hy sinh cầu nguyện, là khi đau yếu, bịnh tật, khi hai bên đồng ý kiêng cữ. . .
43. Các vị chủ chăn có đề cập gì đến vấn đề này không ?
- Chính ĐTC Gioan Phaolô II, năm 1960, lúc đó là Hồng Y Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Krakow, Ba Lan đã viết : “Từ quan điểm của người khác phái, cũng như từ quan điểm của lòng vị tha, chúng ta cần phải biết rằng việc giao hợp tình dục, không chỉ là phương cách thỏa mãn dục tính tầm thường, thấp kém của riêng mình (tức của người nam) so với người bạn đời của mình, mà là đạt đến sự khoái lạc hài hòa giữa hai cơ thể, với sự tham gia trọn vẹn của hai cơ thể. Đây chính là một nguyên tắc tiềm ẩn. Trong trường hợp mà chúng ta bàn đến lúc này thì tình yêu đòi hỏi những phản ứng qua lại của người khác phái, đòi hỏi sự tham gia trọn vẹn của người bạn tình”. (Thần học về Thân Xác, trang 32-33)
44. Sự hài hòa khi trao hiến cho nhau để nên một thân xác phải thực hiện theo nguyên tắc nào ?
- “Người nam phải nhận biết sự khác biệt giữa họ và người nữ (sự kích thích của người nữ dâng lên chậm hơn người nam) để biết vị tha chứ không không phải để thỏa mãn niềm vui khóai lạc của riêng mình. Tuy nhiên nó cũng còn bị ức chế bởi sự nhịp nhàng tự nhiên mà cặp vợ chồng phải biết khám phá ra để sự khóai lạc cao điểm diễn ra cả nơi người chồng lẫn người vợ, diễn ra cùng lúc, đồng thời và hòa nhịp với nhau. Hạnh phúc chủ quan mà họ sẽ chia cho nhau mang ý nghĩa khóai lạc rõ ràng mà chúng ta thường hay gọi đó chính là kết quả về “hoa trái” của niềm vui, mà cả hai cùng biết cho đi và lãnh nhận. Sự hẹp hòi ích kỷ, trái lại thường có khuynh hướng xảy ra nơi người nam, vì lẽ, họ chính là người luôn luôn đòi hỏi được thỏa mãn, bằng bất cứ giá nào, mặc kệ cho người bạn đời của mình.” (sđd. Trang 33)
45. Hôn nhân có liên quan gì đến đức khiết tịnh không ?
- “Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng ; người độc thân giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục” (GLTC.2349)
46. Đức khiết tịnh là gì ?
- “Đức khiết tịnh đòi hỏi phải biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải lựa chọn : hoặc chế ngự các đam mê và được bình an ; hoặc nô lệ chúng và trở nên bất hạnh.” (GLTC.2339)
47. Đức khiết tịnh của vợ chồng thế nào ?
- “Những bậc làm cha mẹ biết rằng điều kiện chắc chắn nhất để giáo dục cho con cái tình yêu khiết tịnh và đời sống thánh thiện là ở chỗ chính họ sống đức khiết tịnh của vợ chồng. Điều này bao hàm rằng họ phải nhận thức rằng tình yêu của họ có tình yêu của Thiên Chúa hiện diện. Do đó sự hiến trao cho nhau giới tính của họ phải được sống trong sự kính trọng Thiên Chúa và tôn trọng kế họach tình yêu của Ngài, với sự trung thành, trân trọng và quảng đại đối với người phối ngẫu và đối với sự sống sẽ phát sinh ra từ sự giao hợp của họ.” (Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Gia Đình-Chân Lý và Ý Nghĩa Giới Tính Con Người, số 20)
VI. TÌNH YÊU
48. Tính dục liên quan thế nào đến tình yêu ?
- Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu nên chỉ trong tình yêu, tính dục mới có giá trị ; ngoài tình yêu, tính dục bị lệch lạc, mất phẩm chất và phản tự nhiên.
49. Tình yêu đóng vai trò nào trong hôn nhân ?
- Theo pháp lý, tình yêu không phải là yếu tố chủ chốt làm cho hôn nhân thành sự, nhưng nó là động lực mang lại sự hoàn hảo cho hôn nhân.
50. Tình yêu này bắt nguồn từ đâu và thế nào ?
- “Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St 1,27) là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8.16). Vì Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa thì tình yêu này tốt, rất tốt (x. St 1,31). Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu hôn nhân để nó được trở nên sung mãn và thể hiện trong việc bảo tồn công trình sáng tạo : "Thiên Chúa chúc phúc cho họ, Người phán : hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1,28).(GLTC.1604)
VII. MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN
51. Mục đích của hôn nhân là gì ?
-Có hai mục đích là giúp nhau phát triển con người ; sinh sản và giáo dục con cái. “Trong hôn nhân, vợ chồng dâng hiến thân xác cho nhau bằng một cử chỉ đặc biệt và giới hạn giữa hai người, để kết hợp với nhau nên một, với mục đích giúp nhau phát triển con người và cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục những sự sống mới” (HV. 8)
52. Giúp nhau phát triển con người thế nào ?
- Đó là mục đích mà giáo luật gọi là “hướng về thiện ích của đôi bạn” (Gl. 1055. #1). Thiện ích này được thể hiện qua tình yêu, lòng chung thửy, sự tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt đời. “Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ không còn là hai nhưng là một xương một thịt (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và cả hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu biết được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn” (GS. 48)
53. Sinh sản và giáo dục con cái làm sao ?
- “Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản chất qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái” (GS. 50). Nhưng không theo kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ” mà phải “Sinh Sản Có Trách Nhiệm”
VIII. SINH SẢN CÓ TRÁCH NHIỆM
54. Sinh sản có trách nhiệm là gì ?
- Theo định nghĩa của ĐGH Phaolô VI, đó là : Hiểu biết phận vụ và tác động của các cơ năng sinh sản, tức là hiểu biết sinh lý và tác động sinh lý trên con người ; làm chủ được bản năng tính dục ; phán đoán và thẩm định xem có nên sinh con nữa hay không.
55. Phải dựa vào đâu để phán đoán và thẩm định ?
- Dựa vào điều kiện vật lý, kinh tế, tâm lý và xã hội... “Sinh sản có trách nhiệm” tức là biết quyết định một cách có suy nghĩ và quảng đại về việc sinh thêm con cho gia đình đông đúc, hay vì những lý do chính đáng tránh sinh thêm con cách tạm thời hay vô hạn định mà vẫn tôn trọng luật luân lý của Hội Thánh .
56. Đâu là những lý do vợ chồng thôi không sinh thêm con ?
- Vì lợi ích của mình và của những đứa con đã sinh hoặc sẽ sinh ra như khi kinh tế eo hẹp, thiếu thốn ; tình trạng sức khỏe của người mẹ, nếu sinh thêm có khi nguy hiểm đến tính mạng ; không thể giáo dục con cái tốt được.
- Vì lợi ích của gia đình, cũng như xã hội và Giáo Hội nữa.
57. Phải hạn chế việc sinh con cách nào ?
- Chỉ ăn ở với nhau trong những ngày không thể thụ thai, còn những ngày người nữ có thể thụ thai thì kiêng cữ giao hợp. Đó là ngừa thai bằng phương pháp tự nhiên và sống đức khiết tịnh trong hôn nhân.
58. Có phương pháp nào dễ thực hiện không ?
- Phương pháp Ogino-Knauss và Billings: chu kì kinh nguyệt 28 ngày sẽ gồm:3 ngày kinh nguyệt - 3 ngày an toàn khô ráo - 15 ngày có chất nhờn có thể thụ thai- 7 ngày không thụ thai.
59. Giáo Hội cấm những biện pháp ngừa thai nào ?
- Mọi biện pháp nhân tạo đều bị cấm. Cụ thể : dùng thuốc hoá học, các loại kích thích tố, các vật dụng : vòng xoắn, bao cao su, mũ âm đạo ; buộc hay cắt ống dẫn tinh, buộc hay cắt buồng trứng ; xuất tinh ra ngoài khi giao hợp, rửa âm đạo sau giao hợp, thụ tinh nhân tạo. . .
60. Uống thuốc phá thai có tội không ?
- Uống thuốc trực tiếp phá thai là tội nặng, lỗi điều răn thứ năm chớ giết người mà người đó là con thơ vô tội của mình. Còn khi uống thuốc để chữa mẹ khỏi chết mà chẳng may gián tiếp chết thai nhi thì không có tội.
61. Khi sẩy thai có phải rửa tội bào thai không ?
- Có, bằng cách cho bào thai vào thau nước, rồi xé màng bọc thai cho nước thấm vào thai mà đọc rằng : Nếu có thể thì ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
62. Phá thai có mắc vạ không ?
- Phá thai không chỉ là tội rất nặng mà còn mắc vạ tuyệt thông, nghĩa là không được chịu các bí tích. Phải nhờ cha giải tội tha tội và giải vạ này.
63. Những ai mắc vạ ấy ?
Người thiếu phụ, các người cộng sự như khuyến khích, chỉ đường lối, cách thức mua thuốc…đều mắc vạ tuyệt thông. Tòa Thánh vừa chỉ thị cho những chính trị gia nào công khai ủng hộ phá thai sẽ không đươc phép rước Mình Thánh Chúa.
64. Vì sao ta phải tôn trọng sự sống, và tội phá thai bị phạt nặng ?
Vì :
- “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1, 5). “ ”Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.” (Tv 139, 15)
- “Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống và quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội.” (GLTC. 2270)
- “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác. Giáo huấn ấy bất biến, không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai dù là mục đích hay phương tiện, đều vi phạm nghiêm trọng luật luân lý.” (GLTC. 2270)
65. Nguy cơ tiêu diệt sự sống chỉ có ở xã hội Âu Mỹ mà thôi ?
- Không, nó đã lan tràn khắp thế giới tạo thành cái mà Giáo Hội gọi là “văn minh sự chết”. Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã họp nhau tại Hàn Quốc tháng 8 năm 2004 với định hướng “Gia Đình Á Châu hướng đến Nền Văn Hóa Sự Sống Tòan Diện” và Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn đã có Kinh Cầu Cho Gia Đình :
Bạn trẻ hãy thuộc lòng và năng đọc kinh nguyện này.
IX. GIA ĐÌNH
66.Gia đình là gì ?
- Gia đình là cộng đoàn yêu thương căn bản mà Tạo Hoá đã xếp đặt cho nhân loại, là tế bào đầu tiên và là nền móng để xây dựng một xã hội vững bền.
67.Gia đình Kitô giáo có những ý nghĩa nào ?
- Gia đình Kitô giáo là một cộng đồng tình yêu theo hình ảnh hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thứ đến, gia đình Kitô giáo thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Kitô giáo được gọi là “Hội Thánh tại gia”
68. Giáo Hội nhìn nhận gia đình thế nào ?
- “Vì biết rằng hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quí giá nhất của nhân lọai, Hội Thánh muốn ngỏ lời là đem lại sự nâng đỡ cho những người đã biết được giá trị của hôn nhân cũng như gia đình và cố gắng sống trung thành với các giá trị đó, những người đang sống trong ngập ngừng lo âu và đang đi tìm chân lý, cho những người đang bị ngăn cản cách bất công, không được tự do sống những dự phóng của gia đình họ.” (FC. Số 1)
69. Hoàn cảnh gia đình trong thế giới ngày nay ra sao ?
- “Hoàn cảnh các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh cho thấy ơn cứu độ của Đức Kitô đang tác động trong thế gian ; một số khía cạnh cho thấy sự từ chối của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.” (FG. 6)
70. Dấu hiệu nào là tích cực :?
- Đó là: ý thức về tự do, chú ý nhiều đến phẩm chất các tương quan từng thành viên trong hôn nhân gia đình, đề cao phẩm giá phụ nữ, nâng cao giáo dục trẻ em, tính hỗ tương trợ giúp giữa các gia đình với nhau về tinh thần cũng như vật chất, khám phá lại vai trò của Hội Thánh đối với gia đình, ý thức trách nhiệm gia đình trong việc xây dựng xã hôi. (x. FG. 6)
71. Còn đâu là dấu tiêu cực ?
- Đó là “Quan niệm sai lầm về sự độc lập giữa vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ li dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp triệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.” (FG. 6)
72. Trước tình hình đó, người sống đời hôn nhân gia đình phải làm gì ?
- Phải can đảm “lội ngược dòng” để vượt qua những khuynh hướng xấu xâm hại gia đình hầu tích cực bảo tồn “đạo lý gia phong”, trung thành sống theo những ưu tư và chỉ dạy của Hội Thánh.
73. Qua tông huấn Gia Đình, ĐTC Gioan Phaolô II đã định nghĩa gia đình là cộng đoàn thế nào ?
- Ngài mời gọi mọi người hãy nhớ 3 đặc tính này : “Gia đình Kitô hữu-một cộng đoàn đức tin và rao giảng Tin Mừng ; Gia đình Kitô hữu-một cộng đồng đối thọai với Thiên Chúa ; Gia đình Kitô hữu-cộng đồng phục vụ con người.” (x. FG. Số 54-64)
74. Có phương thế nào giúp nuôi dưỡng đạo lý gia đình ?
- Đó là kinh nguyện gia đình được tổ chức đều đặn hằng ngày trong đời sống. “Kinh nguyện gia đình có đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung : vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà bí tích Rửa Tội và Hôn Phối đã đem lại. (FG. 59) và “Gia đình mà cầu nguyện thì ở chung với nhau” (RVM. 41)
75. Cầu nguyện gia đình cách nào ?
- Ngoài những kinh nguyện tối sáng, rất nên bằng việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa cùng đọc kinh Mân Côi.Vì “Kinh rất thánh Mân Côi, với truyền thống lâu đời đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các gia đình lại gần nhau.” (RVM. 41)
76. Kinh Mân côi có giá trị trong việc giáo dục con cái không ?
- “Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi cho con cái và hơn thế nữa, với con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình…là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá” (RVM. 42)
X. BỔN PHẬN VỢ CHỒNG
77. Bổn phận vợ chồng là gì ?
- Phải chu toàn 4 điều sau : yêu nhau, hoà thuận, trung thành và giúp đỡ nhau.
78. Phải yêu nhau thế nào ?
- Yêu nhau cách thật lòng, cao thượng, trong mọi hoàn cảnh. Yêu vì Chúa dạy, vì tình nghĩa vợ chồng chứ không vì duyên sắc, của cải, tài ba. Yêu “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe.” (Nghi Thức Hôn Phối). “Chồng phải yêu vợ như Chúa Kitô yêu Hội Thánh” (Eph 5, 25)
79. Để nuôi dưỡng tình yêu ta phải làm gì ?
- Quan tâm săn sóc lẫn nhau đặc biệt trong những dịp quan trọng như sinh nhật, lễ bổn mạng, ngày kỷ niệm thành hôn. Đón nhận nhau với lòng bao dung, quảng đại và tha thứ. Xác tín rằng : vợ chồng là quà tặng của Thiên Chúa, phải biết gìn giữ trong tâm tình biết ơn và nhất là phải biết siêng năng cầu nguyện.
80. Vì sao phải hòa thuận ?
- “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng can”(Tục ngữ), “Nhà nào bất thuận sẽ tự tan rã”(Mc 3,26). Nên phải cố gắng hòa hợp bằng việc nhịn nhau, bàn bạc trong công việc, và lấy mọi sự làm của chung : “của chồng công vợ”.
81. Thánh Phaolô khuyên bảo vợ chồng cư xử với nhau thế nào để bảo đảm sự hòa thuận ?
- Thánh nhân khuyên : Vợ hãy phục tùng chồng như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô…Người chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Chồng hãy yêu vợ như yêu chính mình chứ đừng cay nghiệt với vợ. (x.Eph 5,21-33 ; Cl 3,18-21)
82. Trung thành thế nào ?
- Trung thành trong tư tưởng lẫn hành động và kéo dài mãi đến trọn đời. “Ai bỏ vợ mà lấy người khác thì phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9). Ngoại tình là tội rất nặng lỗi đức trong sạch và công bình đối với bạn mình.
83. Vì sao phải giúp đỡ nhau ?
- Đó là ý Chúa “Ta hãy làm cho nó một trợ tá” (S t2,18) và là mục đích của hôn nhân nên phải giúp đỡ nhau tận tình và thành thật, phần hồn phần xác, khi còn sống, nhất là lúc ốm đau cũng như lúc qua đời, vì lòng mến Chúa và tình nghĩa vợ chồng.
XI. BỔN PHẬN CHA MẸ
84. Cha mẹ có bổn phận nào đối với con cái ?
- “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận rất quan trọng trong việc giáo dục chúng. Vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng…gia đình là trường học đầu tiên…mà không một đoàn thể nào có thể vượt qua” (Vat.II. Tuyên ngôn giáo dục Kitô giáo, 3)
85. Đâu là những phương diện phải giáo dục con cái ?
- Phải giáo dục đầy đủ cả ba phượng diện : thể dục, trí dục và đức dục.
86. Phải giáo dục thể dục thế nào ?
- Phải giữ gìn sức khoẻ cho con cái bằng cách cho ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh ; quần áo sạch sẽ lành lặn ; thuốc men khi đau yếu, tránh bắt con cái làm việc quá sức mình.
87. Về trí dục, cha mẹ phải dạy con cái thế nào ?
- Phải cho con cái được học tập văn hoá và hướng nghiệp đến nơi đến chốn theo hết khả năng mình. Tránh để con mù chữ, thất học và vô công rỗi nghề.
88. Về đức dục, phải dạy làm sao ?
- Phải giáo dục tôn giáo bằng việc dạy giáo lý ngay từ ấu nhi cho đến trưởng thành ; giáo dục những đức tính nhân bản và xã hội…để con cái nên công dân tốt, thành một Kitô hữu đạo đức sốt sắng.
89. Bộ khung luân lý Á Đông được diễn đạt cách nào ?
- Đó là Ngũ Thường : Nhân-Nghĩ-Lễ-Trí-Tín ; Tứ Đức : Công-Dung-Ngôn-Hạnh ; Cần-Kiệm- Liêm-Chính. (xem theâm phaàn boå sung trang 30)
90. Trên mọi phương diện, phải giao dục thế nào ?
- Phải giáo dục thường xuyên và trường kỳ, kết hợp với việc hiểu biết tâm lý lứa tuổi của chúng để uốn nắn cho thích hợp, nhưng cần nhất là cha mẹ phải làm gương sáng cho con.
91. Thánh Phaolô dạy gì về cách cư xử của cha mẹ đối với con cái ?
- Ngài khuyên : “Hỡi những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Eph 6, 4)
XII. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC SỐNG ĐẠO CẦN NHỚ
92. Sau khi sinh con, ta phải lo việc gì ?
- Phải lo rửa tội cho con. “Cha mẹ có bổn phận lo cho con mình được rửa tội ngay trong những tuần lễ đầu tiên.” (Gl. 867). Cha mẹ chọn tên thánh, người đỡ đầu, liên hệ với Giáo Xứ (Họ) để đăng ký cho con được rửa tội sau khi sinh 1 tháng.
93. Đâu là tiêu chuẩn để chọn người đỡ đầu ?
- Những người đã đủ 16 tuổi trọn, là người Công Giáo, đã chịu bí tích Thêm Sức và Mình Thánh Chúa, có đời sống xứng hợp với đức tin và chức vụ sắp lãnh nhận. (x. Gl. 874)
94. Trường hợp nguy tử thì sao ?
- “Nếu hài nhi nguy tử, phải rửa tội cho nó ngay không chút trì hoãn” (Gl. 867 ), bằng việc đổ nước lã trên đầu và đọc : Tên thánh (tự đặt cho em) Ta rửa con, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
95. Tuổi nào cho con bắt đầu đi lễ và học giáo lý ?
- Giáo luật buộc 7 tuổi là phải giữ việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc. Đây cũng là tuổi cho phép được rước lễ nếu học xong giáo lý. Vậy nên cho con học giáo lý khoảng 6 tuổi, hay 5 tuổi đối với những em có trí khôn đặc biệt, bắt đầu là lớp Khai Tâm.
96. Những mức tuổi nào cần ghi nhớ theo luật ?
-07 tuổi : Tuổi khôn, buộc giữ lễ Chúa Nhật, có thể cho xưng tội và rước lễ.
-14 tuổi : Kiêng thịt các ngày luật định (các ngày Thứ Sáu không trùng với lễ trọng, Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh-Gl.1252), làm chứng (Gl. 1550)
-16 tuổi : Có thể đỡ đầu rửa tội và thêm sức nếu mình đã thêm sức xong
-17 tuổi : Vào nhà tập (Gl.643)
-18 tuổi : được coi là trưởng thành, buộc phải giữ chay những ngày luật định (Gl 98.1252), người nữ được phép lập gia đình theo luật hôn nhân nước ta.(điều 5)
-20 tuổi : người nam đủ tuổi lập gia đình theo dân luật (điều 5)
-21 tuổi : Khấn trọn đời trong dòng tu (Gl.658)
-23 tuổi : lãnh chức Phó tế (Gl. 1031)
-25 tuổi : Lãnh chức Linh mục hay phó tế vĩnh viễn độc thân (Gl. 1031)
-30 tuổi : Đại diện Giám mục (Gl. 478)
-35 tuổi : Phó tế vĩnh viễn có gia đình, Giám mục, Giám quản giáo phận (Gl.1031.378)
-60 tuổi : Hết 60 tuổi không buộc ăn chay. ( luật buộc ăn chay 18-60 tuổi.Gl.1252)
-75 tuổi : Linh mục và Giám mục đệ đơn nghỉ hưu.
97. Tại sao phải cần làm phép nhà ?
- Làm phép nhà là nghi thức xin Chúa chúc lành và hiện diện trong gia đình chúng ta, chia vui sẻ buồn và đồng hành với mọi sinh họat của cuộc sống. Qua nghi thức này ta cũng có ý dâng gia đình ta cho Chúa và quyết tâm biến ngôi nhà mình thành nơi thờ phượng, nơi biểu lộ tình yêu.
98. Nên trang hoàng bàn thờ thế nào cho hợp lý ?
- “Hãy trang trí cho tôn nghiêm, sạch sẽ, và đúng phụng vụ. AÛnh Chúa Giêsu và ảnh Chuộc Tội (Thánh giá có tượng Chúa) phải được đặt nơi trung tâm và cao nhất. Nếu có ảnh tượng Đức Mẹ và các Thánh thì đặt bên cạnh và bên dưới. AÛnh Thánh Gia Thất có thể đặt giữa vì có Chúa Giêsu ở giữa. Bàn thờ là nơi thờ phượng nên không để ảnh ông, bà, cha mẹ, những người đã qua đời hay đồ đạc gì ngoài hoa, nến, nhưng phải tươi tốt và sạch sẽ” (Đức Cha Nicolas, Thư Mục Vụ số 101-1.4.2003)
99. Có được phép lập “bàn thờ” Tổ tiên không ?
- “Bên cạnh bàn thờ Chúa có thể đặt một bên một bàn nhỏ hay một kệ trên đó có ảnh cha mẹ ông bà hay tổ tiên đã qua đời để kính nhớ và tỏ lòng hiếu thảo. Có thể đốt nến, nhang, hay dâng hoa trái trước ảnh tượng các ngài.” (Như trên)
100. Để “hội nhập văn hóa” cùng thực hiện tôn kính tổ tiên và người đã khuất ta có thể dựa vào đâu ?
- Theo chỉ dẫn của HĐGM Việt Nam năm 1974 :
* Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn bạch...
* Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
* Ngày giỗ cũng là ngày “Kị nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã...và giảm thiểu, cải cách những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
* Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
* Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
101. Luật buộc về Xưng Tội thế nào ?
- “Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ các tội trọng ít là mỗi năm một lần.” (Gl. 989)
102. Có nên thường xuyên đi Xưng Tội không ?
- Rất nên, việc giữ xưng tội một năm một lần là tối thiểu. Các linh mục và tu sĩ xưng tội hàng tháng. Trong các dịp lễ đặc biệt mà giáo xứ tổ chức, chúng ta nên đi xưng tội để tâm hồn càng xứng đáng đón nhận nhiều ơn Chúa.
103. Khi không thể đến nhà thờ để xưng tội thì làm thế nào ?
- Có thể mời Cha giải tội đến giải tội tại nhà và cho rước lễ.
104. Còn việc Rước Lễ thì sao ?
- Giáo luật điều 920 buộc “Mọi tín hữu, sau khi đã rước lễ vỡ lòng, phải rước lễ mỗi năm ít là một lần” và chu toàn luật ấy trong Mùa Phục Sinh.
105. Có nên Rước Lễ thường xuyên không ?
- Rất nên, như lời Chúa phán : “Ai ăn Bánh này sẽ được sống đời đời”. (Ga 6, 51) Giáo Hội khuyến khích các tín hữu dọn mình thường xuyên để khi đi lễ thì rước lễ, cũng như chúng ta dự tiệc cưới phải đồng bàn (cụng ly) chung vui với nhau vậy. Giáo Hội còn cho phép cả những người không đi lễ được cũng có thể xin Cha Xứ cho rước lễ. (x. Gl.918)
106. Việc rước lễ đối với bịnh nhân và người già ra sao ?
- “Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng. Cho dù ngày ấy họ rước lễ rồi cũng rất nên cho họ rước lễ nữa nếu mạng sống họ bị lâm nguy. Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần vào những ngày khác nhau.” (Gl. 921)
107. Chuẩn bị thế nào khi Thừa tác viên đem Mình Thánh đến cho bịnh nhân ?
- Dọn một cái bàn có trải khăn trắng, trên đó đặt 2 ngọn nến và tượng chịu nạn ở giữa. Nếu có một bình hoa càng tốt, mà phải là hoa thật, tươi. Người nhà tập họp lại cùng tham dự nghi thức, thưa kinh với nhau. Đương nhiên phải nhắc bệnh nhân dọn lòng trước khi rước Chúa.
108. Việc giữ chay một giờ trước khi rước lễ có buộc bịnh nhân không ?
“Những người cao niên, những người đau yếu và cả những người săn sóc họ, có thể rước lễ, cho dù đã ăn uống chút đỉnh trong vòng một tiếng đồng hồ trước đó.” (Gl. 919)
109. Có cần cho con lãnh Bí Tích Thêm Sức không ?
- Ngay sau khi được xưng tội lần đầu, là cho con em học giáo lý Thêm Sức. “Cha mẹ và các Chủ Chăn, nhất là các Cha Sở phải lo liệu để các tín hữu được dạy dỗ kỹ lưỡng để lãnh nhận Bí Tích, và được lãnh nhận vào thời gian thích hợp.” (Gl. 890)
110. Những ai được lãnh Bí Tích Xức Dầu Bịnh Nhân ?
- Mọi tín hữu đã biết sử dụng trí khôn khi họ lâm cơn hiểm nghèo vì bịnh tật hay già yếu. Bí Tích này có thể lập lại nếu bệnh nhân, sau khi phục sức lại ngã bịnh nặng hay trong cùng một cơn bịnh kéo dài, bịnh tình trở nên trầm trọng hơn. (x. Gl. 1004)
111. Có phải đợi người nhà hấp hối mới xin cha xức dầu không ?
- Đợi như vậy là quá muộn (trừ những cơn nguy kịch bất tử). Vì đây không phải là “Bí tích sau cùng” như quan niệm xưa, mà Bí Tích này ban niềm an ủi và can đảm cho bịnh nhân chịu đựng những đau đớn, cũng có thể phục hồi thể xác cho bịnh nhân nếu Chúa muốn. Do đó nên liệu cho bịnh nhân được xức dầu khi còn tỉnh, hay trước khi đại phẩu thuật.
112. Khi nhờ cha xức dầu có chuẩn bị gì không ?
- Chuẩn bị như việc cho bịnh nhân rước lễ (câu 107). Nên xem kỹ coi người bịnh có thể rước lễ được không (Biết Mình Thánh và có thể nuốt Mình Thánh được) để báo cho cha. Còn nếu không thể rước lễ được, vẫn mời cha xức dầu.
113. Ngoài những người sống đời gia đình còn có bậc sống khác không ?
- Đó là bậc tu trì làm giáo sĩ hoặc tu sĩ, còn được gọi là những người sống đời thánh hiến.
114. Bậc tu trì hay những người sống đời tận hiến rất cao quí và cần thiết ?
- Đúng vậy. Chính ĐTC Gioan Phaolô II, trong Tông Thư viết ngày 22.05.1988, gởi tất cả những ngừơi tận hiến nhân dịp Năm Thánh Mẫu đã viết : “Cha muốn bày tỏ lòng ưu ái của Giáo Hội dành cho anh chị em, ơn gọi của anh chị em và sứ mạng mà anh chị em đang thực hiện giữa lòng Dân Thiên Chúa, ở nhiều nơi và bằng nhiều cách. Tất cả những điều đó là một HỒNG ÂN TRỌNG ĐẠI Chúa ban cho Giáo Hội. . . ơn gọi và sự phục vụ của anh chị em như là phản ánh sự hiện diện của Mẹ Maria.”
115. Cha mẹ có nên cổ võ ơn gọi tu sĩ linh mục trong gia đình mình không ?
- Cha mẹ nên cổ võ, nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho con cái sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi.
116. Dấu nào cho biết người có ơn gọi ?
- Một là có ý ngay lành và ước muốn dấn thân phục vụ Chúa. Hai là có đủ điều kiện Hội Thánh qui định (đạo đức, sức khỏe, học thức). Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn.
117. Cha mẹ có quyền ép buộc hay ngăn cản con cái đi tu không ?
- Cha mẹ không có quyền làm như vậy vì trái ý Chúa.
118. Để nuôi dưỡng ơn gọi cha mẹ phải làm gì ?
- Căn cứ vào tiêu chuẩn trên, cha mẹ phải cho con học hành đến nơi đến chốn, luyện tập nhân đức và khuyến khích con tham gia phục vụ Giáo Xứ trong các đoàn thể.
119. Người tín hữu có bổn phận gì đối với Giáo Xứ ?
- Phải ý thức mình “là người nhà chứ không phải là khách trọ” (x. Ep 2, 19) mà tích cực tham gia công tác chung. Phải luôn tự hỏi : Tôi đã làm gì cho Giáo Xứ thân yêu của tôi.
120. Giáo Hội dạy gì về điều này ?
- “Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình trong các hoạt động của Giáo xứ.” (CL. 27)
121. Có cần sinh họat đoàn thể không ?
- Đoàn thể là những tổ chức đạo đức giúp sống tình liên đới và họat động tông đồ. Lịch sử Giáo Hội cho thấy giá trị hữu ích của những đoàn thể này. Chúng ta đang sống trong một thế giới đại đồng, nhiều tổ chức, quốc gia liên kết với nhau, nên phải cho con em, và chính bản thân mình tham gia vào các đoàn thể chung của Giáo Phận.
122. Người tín hữu có quan tâm đến việc Truyền Giáo không ?
- “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. (AG. 2) Với Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, nên có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
123. Còn quan niệm thông thường “đạo nào cũng tốt” có làm ta thôi loan báo Tin Mừng không ?
- Chúng ta không theo quan điểm thông thường hòa đồng tôn giáo “đạo nào cũng tốt” để bằng lòng với việc thụ động trong nhiệm vụ rao giảng Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh tỉnh : “Ở đây tôi lập lại điều tôi đã viết gởi đến khóa họp khoáng đại lần thứ năm của Liên Đoàn các Hội Đồng Giám Mục Á Châu : “Cho dù Giáo Hội vui mừng công nhận bất cứ cái gì là chân thật và thánh thiêng trong các truyền thống đạo Phật, đạo Hindu và đạo Hồi như là một phải ánh của chân lý soi sáng cho muôn dân, điều đó không làm giảm nhẹ bổn phận của Giáo Hội và không đưa tới việc rao giảng không sai lầm về Chúa Giêsu Kitô, Người “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Sự kiện những kẻ theo các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ân sủng Chúa và được Chúa Kitô cứu vớt mà không bằng những phương cách mà Người đã sáng lập, sự kiện đó không bãi bỏ sự kêu gọi phải tin và chịu bí tích rửa tội mà Chúa muốn cho mọi người.” (Giáo Hội tại Á Châu, số 31)
124. Vậy là phải truyền giáo theo kiểu ép người ta vào đạo à ?
- Mọi người đều có quyền tự do tôn giáo, không ai có quyền ép người khác theo đạo; kể cả Thiên Chúa cũng không làm như thế : dù quyền năng, Ngài vẫn tôn trọng tự do của con người. Việc truyền giáo của người Kitô hữu không có nghĩa là “chiêu mộ tín đồ” là “cưỡng chế” bằng cách này hay cách khác cho người ta vào đạo mình ; mà nó phát xuất từ nhu cầu loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho tha nhân. Khi có tin vui, niềm vui, niềm hạnh phúc. . . con người tự nhiên thông truyền cho nhau để tin vui và niềm hạnh phúc được nhân lên. Vấn đề là bạn có thấy vui mừng và hạnh phúc là Người Công Giáo không ?
125. Giáo dân truyền giáo thế nào ?
- “Giáo dân cộng tác vào hoạt động rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội, đồng thời với tư cách chứng nhân và khí cụ sống động, họ tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, nhất là khi họ được Thiên Chúa kêu gọi và được Giám Mục thu nhận để làm việc đó.” (AG. 41)
126. Đâu là các việc cụ thể để truyền giáo ?
-“Cầu nguyện cho việc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu . . . Nêu gương sống lương tâm Công Giáo. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. . . Làm việc bác ái qua những cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo về mọi mặt” (Thư Mục Vụ HĐGMVN, ngày 10/10/2003. Số 10-12). “Ngày nay, người ta tin những chứng nhân hơn Thầy dạy. . .” (ĐTC Phaolô VI), nên điều quan trọng là người tín hữu phải minh chứng sự công chính, thánh thiện và tình thương tuyệt đối của Đức Kitô qua đời sống mình hằng ngày.
127. Lập trường của Giáo Hội thế nào đối với các tôn giáo bạn ?
- “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chây Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người.” (NA. 2)
128. Thái độ của ta thế nào đối với anh chị em không Công Giáo ?
- “Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn. . . Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài Công Giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn.” (Thư Mục Vụ HĐGMVN, ngày 10/10/2003. Số 11)
129. Ta phải làm sao với các lễ nghi không Công Giáo ?
- Theo hướng dẫn của HĐGM Việt Nam, ngày 14.11.1974 thì người Công Giáo “Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
…”. Cũng cần dựa vào nguyên tắc “liên tôn” của thánh Phaolô khi nhắc nhở cộng đoàn Corinthô : “Về việc ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất. Thật thế, mặc dù người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất-quả thật, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều-nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta ; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ người mà chúng ta được hiện hữu. . . Không ăn những của cúng, chúng ta chẳng thiệt ; mà có ăn cũng chẳng lợi gì. Nhưng hãy coi chừng, kẻo sự tự do của anh em làm cho những người yếu đuối sa ngã. . .” (1 Cr 8, 1-9).
130. Thánh Thể có vai trò nào đối với đời sống gia đình ?
- Giáo Lý Toàn Cầu số 1324 đã nhắn lại lời dạy của Hiến Chế Giáo Hội : “Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (x.Lumen Gentium.11). Tựa đề của Thông điệp thứ 14 : “Giáo Hội từ Thánh Thể” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm rõ hơn nữa tầm quan trọng số một của Bí Tích cực thánh này, rằng : “Giáo Hội múc nguồn sống từ Thánh Thể”, “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể”. Vậy đời sống cá nhân và Gia Đình phải được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể. Đó là lý do ĐTC Gioan Phaolô II, bằng kinh nghiệm thâm sâu của mình, vào những năm cuối triều Giáo Hoàng, luôn nhắc thế giới ý thức lại tầm quan trọng của Thánh Thể, đã chọn năm 2005 làm Năm Thánh Thể Thế Giới, để khuyến khích mọi tín hữu hãy năng đến với Thánh Thể, và noi gương Mẹ Maria- “Người Phụ Nữ Thánh Thể” .
KINH DÂNG GIA ĐÌNH
Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con tin thật Chúa là Đấng dựng nên mọi sự, và hằng chăm sóc mọi loài. Xin Chúa nhậm lời gia đình chúng con cầu nguyện. Chúa đã muốn cho chúng con làm thành một gia đình Công giáo, một cộng đoàn yêu thương, để làm bằng chứng tình thương của Chúa đối với mọi gia đình. Xin Chúa cho mọi người trong gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng kính mến Chúa, và hết lòng hòa thuận thương yêu nhau. Xin Chúa cho chúng con nhiệt thành sống đức tin, hôm sớm cầu nguyện chung với nhau, làm cho gia đình trở thành một đền thờ sống động của Chúa, siêng năng tham dự phụng vụ của Hội Thánh, chuyên cần học hỏi lời Chúa và đem ra thực hành. Trong khi mỗi người chúng con ra sức làm việc, cũng như lúc gia đình được vui mừng hoặc gặp thử thách, xin Chúa cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng. Đối với mọi gia đình xung quanh, xin Chúa cho chúng con biết thật tình yêu mến, sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần, nhất là chia sẻ Tin mừng tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Chúng con nguyện xin luôn sống theo gương Thánh Gia thất mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho mọi người trong gia đình chúng con, có mặt cũng như vắng mặt, còn sống hay đã qua đời, hầu bây giờ chúng con trở nên ánh sáng tình thương của Chúa, và ngày sau được phước sum họp với Chúa muôn đời. Amen.
Những chữ viết tắt :
1. AG. Ad Gentes, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, Vaticanô II, 7/12/1965
2. CL : Chiristifideles Laici, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, Gioan Phaolô II, 30/12/1988
3. DV : Donum Vitae, Huấn thị thánh bộ đức tin, Ratzinger, 22/2/1987
4. FC : Familiaris Consortio, Tông huấn về gia đình, Gioan Phaolô II, 22/7/1986
5. GS : Gaudium et Spes, Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vaticanô II. 7/12/1965
6. Gl : Bộ giáo luật 1983
7. GLTC : Giáo lý toàn cầu, 11/10/1992
8. HV : Humanae Vitae, Thông điệp Sự sống con người, Phaolô VI, 25/7/1968
9. MD : Mulieris digitatem, Tông thư về phẩm giá phụ nữ, Gioan Phaolô II, 15/8/1988
10. NA : Nostra Aetate, Tuyên ngôn về liên lạc với các tôn giáo khác, Vaticanô II, 28/10/1965
11. RVM : Rosarium Virginis Mariae, Tông thư Kinh Mân côi, Gioan Phaolô II, 16/10/2002
——————————————————————————————
CAÙCH XÖNG TOÄI
1. « Nhaân danh Cha, vaø Con, vaø Thaùnh Thaàn ».
2. Thöa Cha con xöng toäi laàn tröôùc caùch nay ñöôïc (moät thaùng).
3. Con coù toäi……………………… (…. laàn).
4. Thöa Cha con xöng toäi xong. Coøn nhöõng toäi queân soùt, con cuõng muoán xöng heát. Xin Cha tha toäi cho con.
5. Thinh laëng:
- Nghe Linh Muïc goùp yù.
- Ghi nhaän vieäc ñeàn toäi, ñeå laøm sau khi ra khoûi toaø giaûi toäi [baèng vieäc ñaùp: [VAÂNG].
- Nghe Linh Muïc ñoïc lôøi nguyeän tha toäi, [xong ñaùp: AMEN]).
6. Caùm ôn Cha. Xin Cha caàu nguyeän cho con .
(Ra khoûi toaø giaûi toäi, thì lo laøm vieäc ñeàn toäi sôùm heát söùc coù theå. Sau ñoù, daønh thôøi gian ñeå caùm ôn Chuùa, vì vöøa ñöôïc Chuùa tha toäi. Veà nhaø, nhôù töï yù laøm
theâm nhieàu vieäc ñaïo ñöùc nöõa tuyø saùng kieán cuûa mình ñeå ñeàn toäi theâm).
Chương Kết: NHỮNG VIỆC CẦN CHUẨN BỊ
I. Nhà Thờ
Chỗ cử hành lễ cưới theo "truyền thống" là nhà thờ thuộc xứ đạo mà cô dâu cũng như gia đình sinh hoạt ở đây. Trong xã hội ngày nay người ta thay đổi chỗ ở nhiều nên truyền thống này cũng thay đổi. Nhiều giáo xứ cũng uyển chuyển cho đôi tân hôn cử hành lễ cưới ở nhà thờ họ, dù rằng đôi này không đi lễ thường xuyên ở đây. Một cách lý tưởng, bạn nên chọn nhà thờ mà cả hai người đều hoạt động tích cực cho giáo xứ. Nếu bạn muốn cử hành lễ cưới ở một nhà thờ đặc biệt nào đó, một cách khôn ngoan bạn phải tiếp xúc với chỗ đó trước để biết những điều kiện của họ.
II. Liên Lạc Với "Cha xứ" (*)
và Chứng Minh Tình Trạng Tự Do Kết Hôn
và Chứng Minh Tình Trạng Tự Do Kết Hôn
Nếu bạn dự định cử hành lễ cưới theo nghi thức Công Giáo, điều đầu tiên phải làm là liên lạc với giáo xứ, nơi bạn sẽ làm đám cưới, và với "cha xứ" là người sẽ chứng hôn cho bạn, điều quan trọng nhất là phải nói chuyện với "cha xứ". Tại sao? Vì "cha xứ" là người có trách nhiệm phải biết chắc bạn không bị ngăn trở gì để kết hôn theo luật của Giáo Hội Công Giáo. Ðiều này có thể phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Bất cứ ai đã từng kết hôn, dù đó chỉ là "hôn nhân đời", thì rất có thể họ không được "tự do kết hôn" trong Giáo Hội Công Giáo.
(*) Cha xứ được hiểu theo nghĩa rộng, danh từ này có thể hiểu là cha phó, thầy sáu hay một giáo dân có trách vụ trong lễ cưới. Nó cũng có thể là một linh mục thân quen mà bạn yêu cầu họ cử hành lễ cưới cho bạn.
III. Gặp "Cha xứ" Và Bàn Về Cách Thức Chuẩn Bị Hôn Nhân
Nếu bạn đã có tự do để kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo mà hai người chưa thực sự gặp mặt "cha xứ", thì đây là bước kế tiếp. Nếu người bạn đời tương lai không thể cùng bạn gặp "cha xứ", vì phục vụ trong quân đội, ở xa, v.v., thì có thể hiểu được, tuy nhiên đó không phải là điều lý tưởng.
Cuộc gặp gỡ với "cha xứ" nhằm thực hiện một số điều. Trước hết, để ba người quen biết nhau và để biết cách làm việc với nhau. Giáo Lý Công Giáo dạy chính cô dâu và chú rể là những "thừa tác viên" Hôn Nhân Công Giáo, và "cha xứ" chỉ là "người chứng chính thức." Những cách thức chuẩn bị hôn nhân nhằm giúp bạn và người phối ngẫu tương lai hiểu rõ vai trò của mình trong lễ cưới và trong sự chung sống như một đôi vợ chồng. Cuộc gặp gỡ này giúp hai bạn biết có thể làm việc với "cha xứ" một cách tốt đẹp hay không. Cũng giống như chọn lựa bác sĩ hay luật sư, tốt nhất là hãy chọn "cha xứ" mà bạn cảm thấy thoải mái vì bạn sẽ phải bàn hỏi những vấn đề rất riêng tư với người này.
Thứ hai, cuộc gặp gỡ này giúp bạn có cơ hội để thảo luận và hoạch định tiến trình chuẩn bị hôn nhân mà cả hai bạn phải trải qua. Một số "cha xứ" có sẵn những chương trình mà họ muốn hai bạn phải theo; một số khác thì rộng rãi hơn, sẵn sàng hoạch định một chương trình phù hợp với tình trạng của bạn. Càng khởi sự sớm càng tốt.
Thứ ba, cuộc gặp gỡ này đem cho bạn cơ hội để đối phó với mọi vấn đề nếu có, thí dụ, ngày giờ đám cưới có được không, loại âm nhạc nào thì được phép dùng trong nhà thờ, và những quy tắc của giáo xứ về trang trí, chụp hình ảnh, v.v.
IV. Các Giấy Tờ
Thật hữu ích để thu góp các giấy tờ cần thiết trước khi gặp "cha xứ". Tuy nhiên, đôi khi bạn không biết phải có những giấy tờ gì. Sau đây là những giấy tờ tiêu biểu mà khi bạn gặp "cha xứ" ngài sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm.
- Nếu bạn là người Công Giáo, bạn phải có một bản sao chứng nhận rửa tội (không phải là bản chính). Có thể bạn phải liên lạc với giáo xứ cũ nơi bạn rửa tội để xin họ gửi cho một phó bản mới nhất. Tại sao? Khi bạn kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, chứng nhận hôn nhân sẽ được gửi về nơi bạn rửa tội và được lưu vào hồ sơ cùng với chứng nhận rửa tội. Và trong tương lai, chứng nhận rửa tội sẽ gồm cả chi tiết về hôn nhân của bạn. Nếu trong chứng nhận rửa tội không ghi chép gì về vấn đề hôn phối, thì đó là một bằng cớ chứng tỏ bạn được tự do kết hôn trong Giáo Hội.
- Nếu bạn không phải là người Công Giáo, bạn có thể bị đòi hỏi phải trưng ra một loại bằng chứng nào đó về việc rửa tội của bạn (theo các giáo phái Tin Lành), nhưng không buộc phải là một phó bản mới nhất, mà có thể là bản chính hoặc giấy viết tay xác nhận của cha mẹ bạn.
- Nếu bạn là người Công Giáo, bạn có thể buộc phải cho biết về ngày tháng, nơi chốn bạn đã Xưng Tội Lần Ðầu và chịu Phép Thêm Sức. Chỉ cần cho biết chi tiết, nếu không có giấy tờ.
- Nếu cả hai người đã từng kết hôn lúc trước, bạn phải trưng ra giấy tờ riêng biệt về mỗi một hôn nhân và án ly dị.
- Nếu một trong hai đã được Giáo Hội cho vô hiệu hoá hôn nhân cũ thì phải trưng ra giấy tờ này.
- Dĩ nhiên, bạn phải xin một chứng nhận hôn nhân dân sự. Nhớ đem chứng nhận này cho "cha xứ" trước khi cử hành hôn lễ. Không có giấy chứng nhận này sẽ không có đám cưới.
V. Ngày Giờ Tập Lễ Cưới và Ðám Cưới
Bạn sẽ không có nhiều lựa chọn vì rất dễ trùng hợp với đám cưới của người khác. Ðây lại là một lý do nữa để bạn phải chuẩn bị đám cưới càng sớm càng tốt.
VI. Những Khách Ðược Mời
Thật không dễ để quyết định phải mời những ai. Càng khó khăn hơn nữa khi cha mẹ bạn ly hôn hay tái hôn, hoặc một trong hai bạn đã có con của hôn nhân đầu. Thật quan trọng để lắng nghe người khác. Bạn có thể đồng ý hay không với những đề nghị của gia đình và bạn hữu, nhưng khôn ngoan hơn thì hãy để ý đến những lời khuyên bảo của họ. Ða số những người được mời đều cảm thấy vinh dự, và ít có ai muốn đến đám cưới để làm bạn phiền lòng.
VII. Tiệc Cưới
Mời những ai? Ðây cũng là điều khó khăn, nhưng sau đây là vài gợi ý. Nếu có thể, bạn cẩn thận mời rất ít người thì những người không được mời sẽ không cảm thấy bị "bỏ rơi." Hoặc bạn có thể giải thích cho người bạn thân rằng bạn rất muốn cô ta làm phù dâu, nhưng ông xã tương lai của bạn chỉ muốn có "ba" người mà thôi, nên có thể nhờ cô ta đọc sách (nếu có khả năng) hoặc dâng lễ vật trong Thánh Lễ. Có nhiều cách để nhận ra những người "đặc biệt" này.
Việc chọn các em mang nhẫn hay mang hoa cũng cần được lưu ý. Nếu các em quá nhỏ, và hay quên thì có thể các em sẽ làm chia trí cả nhà thờ. Tốt hơn hãy chọn các em khôn lớn một chút, và nếu bạn gặp khó khăn để thuyết phục gia đình về vấn đề này thì "cha xứ" sẽ áp dụng "chính sách" của ngài vì lợi ích cho bạn.
VIII. Trang Hoàng Nhà Thờ
Một số giáo xứ có quy tắc rõ rệt về những gì được phép hay không. Tuy nhiên, một cách tổng quát, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền và khỏi nhức đầu nếu bạn ít chú ý đến việc trang hoàng nhà thờ. Tâm điểm của một hôn nhân Công Giáo là cô dâu, chú rể và lời thề hôn nhân. Nếu bạn có nhiều tiền và muốn chi tiêu, hãy dùng tiền ấy cho vấn đề thực phẩm cho khách hay cho người nghèo hơn là trang hoàng nhà thờ quá mức.
IX. Âm Nhạc
Một số giáo xứ có những quy tắc nhất định; những giáo xứ khác lại rộng rãi hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong một giáo xứ dễ dãi, bạn cũng phải khôn ngoan để lựa chọn bài nào để khách tham dự có cảm tưởng đó thực sự là những bài "thánh ca."
X. Chụp Hình và Quay Phim
Một số giáo xứ có quy tắc nhất định cho vấn đề này. Nhưng cũng giống như việc trang hoàng nhà thờ, bạn phải khôn ngoan lựa chọn những gì bạn thực sự cần, chứ đừng để chuyên viên nhiếp ảnh thúc đẩy bạn. Sau đây là vài gợi ý:
- Với tình trạng kỹ thuật phim ảnh hiện nay, một nhiếp ảnh viên giỏi có thể chụp được những tấm ảnh đẹp mà không phải đi lên đi xuống cung thánh. Như thế, sự hoạt động của họ không làm mất đi tính cách linh thiêng của buổi lễ, hay làm người tham dự chia trí.
- Dùng thời giờ quá lâu để chụp hình sau lễ cưới thì không phải là điều hay ho để tiếp đãi khách được mời. Cách hay nhất là chụp hình trước khi cử hành lễ cưới, và sau lễ chỉ dành tối đa là 20 phút để chụp hình.
- Bạn cũng cần nghĩ đến vấn đề chụp hình trong tiệc cưới. Bạn muốn mất thì giờ để chụp những tấm ảnh kiểu cọ hay bạn muốn gặp mặt và chuyện trò với khách? Ðiều này cũng nên nói trước với nhiếp ảnh viên.
XI. Y Phục
Chắc chắn bạn phải chọn những y phục đẹp nhất, tuy nhiên, với cô dâu, hãy thận trọng chọn loại áo hở cổ nào thích hợp với một lễ cưới trong nhà thờ.
XII. Hãy Tùy Túi Tiền Và Biết Chừng Mực
Nếu bạn không nghĩ rằng một đám cưới có thể khiến bạn chi tiêu quá mức, hãy hỏi những người vừa mới đám cưới xong.
Dự định việc chi tiêu và theo dõi những chi phí là cơ hội tốt để cả hai học biết cách cùng nhau hoạch định. Hai bạn có thể nhận ra những khác biệt mà mỗi người muốn chi tiêu hay tiết kiệm ở lãnh vực nào đó. Có thể bạn muốn tốn nhiều tiền về hoa, trong khi người phối ngẫu lại muốn tiêu tiền về thực phẩm. Ðiều này đem lại cơ hội để hai người đối thoại với nhau và đạt đến kết quả mà cả hai đều hài lòng. Một danh sách chi tiết những gì phải chi tiêu trong đám cưới phù hợp với tình trạng tài chánh của hai người nói lên rằng hai bạn đang làm chủ vấn đề chi tiêu.
Danh Sách Những Gì Phải Làm
Có nhiều điều bạn phải liệt kê thêm vào danh sách dưới đây, nhưng hãy cố dành chút thì giờ để lướt qua những điều sau :
01.Gom góp giấy tờ để chứng minh tình trạng "tự do kết hôn."
02. Ngày giờ tập dợt lễ cưới
03. Danh sách những người khách
04. Mời người Ðọc Sách “lôøi nguyeän chung”
05. Mời người Dâng Của Lễ (tuyø moãi giaùo xöù)
06. Hoàn tất việc chuẩn bị hôn nhân
07. Hoạch định ngày cưới (xem thêm HD)
08. Chọn thợ chụp ảnh, quay video, ca đoàn
09. Giữ chỗ tổ chức tiệc cưới
10. Vấn đề thực phẩm, rượu, trang hoàng trong tiệc cưới
11. Vấn đề âm nhạc trong tiệc cưới
12. Vấn đề thiệp cưới, thiệp cám ơn, thực đơn
13. Quà cho khách tham dự
14. Lấy hôn thú (toà dân sự)
15. Tặng cha xứ
16. Quà cho ca đoàn, các em giúp lễ
17. Quà cho "người nghèo, người vô gia cư"
18. Y phục ngày cưới
19. Vấn đề trang hoàng nhà thờ
20. Tuần trăng mật và chi phí.
02. Ngày giờ tập dợt lễ cưới
03. Danh sách những người khách
04. Mời người Ðọc Sách “lôøi nguyeän chung”
05. Mời người Dâng Của Lễ (tuyø moãi giaùo xöù)
06. Hoàn tất việc chuẩn bị hôn nhân
07. Hoạch định ngày cưới (xem thêm HD)
08. Chọn thợ chụp ảnh, quay video, ca đoàn
09. Giữ chỗ tổ chức tiệc cưới
10. Vấn đề thực phẩm, rượu, trang hoàng trong tiệc cưới
11. Vấn đề âm nhạc trong tiệc cưới
12. Vấn đề thiệp cưới, thiệp cám ơn, thực đơn
13. Quà cho khách tham dự
14. Lấy hôn thú (toà dân sự)
15. Tặng cha xứ
16. Quà cho ca đoàn, các em giúp lễ
17. Quà cho "người nghèo, người vô gia cư"
18. Y phục ngày cưới
19. Vấn đề trang hoàng nhà thờ
20. Tuần trăng mật và chi phí.
NGƯỜI QUÂN TỬ
Quân tử (tiếng Trung: 君子) là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo phù hợp với phương thức cai trị xã hội đức trị (nhân trị) của học thuyết này. Nguyên nghĩa của quân tử là "kẻ cai trị", do những nghĩa phái sinh sau này mà quân tử mới có nghĩa đối lập với "kẻ tiểu nhân" và người quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời.
Thời nhà Chu, quân tử là cụm từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc. Đến thời kỳ Xuân Thu thì nó được dùng để chỉ các đại phu. Vì thế những người làm quan được gọi là quân tử, còn những người dân thường hay quan lại với phẩm hàm nhỏ hơn tự xưng là tiểu nhân (小人). Tuy nhiên, một số người cho rằng Khổng Tử là người đã sáng tạo ra từ này. Đối với Khổng Tử, các chức năng của nhà nước và sự phân cấp xã hội là các cơ sở của xã hội và được đảm bảo bằng các giá trị đạo đức. Vì thế con người lý tưởng đối với ông là quân tử. Quân tử còn có nghĩa là người tốt hơn, nghĩa là người hơn hẳn về mặt đạo đức, luân lí. Quân tử sau này đã trở thành một trong các khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng Nho giáo.
1* 5 đức tính của người quân tử
2* 9 tiêu chuẩn của người quân tử
3* 8 bậc thang hành động của người quân tử
NHAÂN—LE×NGHÓA—TRÍ—TÍN
5 đức tính của người quân tử
NHAÂN: người với người đối xử với nhau trên cơ sở tình thương yêu. Tình thương yêu được cụ thể hóa bằng những nguyên tắc sau:
Cái gì bản thân mình không muốn hoặc người không muốn thì không làm cho người. Cái gì người muốn thì tích tụ lại cho người.
Mình muốn đứng vững thì làm cho người khác đứng vững; mình muốn thành đạt thì giúp đỡ cho người khác thành đạt.
LEÃ: theo quan điểm của Nho giáo, Lễ bao gồm việc thờ cúng, lễ bái và cả những quy định có tính chất pháp luật, những phong tục, tập quán và kỷ luật tinh thần của cá nhân.
NGHÓA: chỉ làm và nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải.
TRÍ: tri thức để suy xét, hành động. Một trong những điểm quan trọng của Trí là phải nắm được mệnh trời.
TÍN: việc làm nhất quán với lời nói, giữ lời.
Người quy tụ các đức tính trên mà trong đó trung tâm là Nhân được coi là người có đức Nhân: tình cảm chân thật, ngay thẳng; hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.
9 tiêu chuẩn của người quân tử
1/Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật.
2/Thính giác tinh tường để nghe rõ vạn vật.
3/Sắc mặt luôn ôn hòa.
4/Tướng mạo luôn được giữ cho khiêm cung (cẩn trọng, cung kính với người trên; thân ái, hòa đồng với người dưới)
5/Lời nói luôn giữ bề trung thực.
6/Hành động phải luôn cẩn trọng.
7/Có điều nghi hoặc phải luôn hỏi han để làm cho rõ.
8/Kiềm chế: khi nóng giận phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra, không giận quá mất khôn.
9/Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa, có quyền lợi chính đáng phải biết nghĩ đến người khác (lộc bất tận hưởng).
8 bậc thang hành động của người quân tử
Theo quan niệm của Nho giáo, đã là người quân tử phải tỏ đức sáng ngày càng rộng, càng cao. Muốn làm được điều đó, người quân tử phải luôn phấn đấu theo 8 bậc thang dưới đây:
1-Cách vật: luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái.
2-Trí tri: luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được.
3-Thành ý: luôn chân thật, không dối người và cũng không dối mình.
4-Chính tâm: luôn suy nghĩ, hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân mình.
5-Tu thân: luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân.
6-Tề gia: làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong.
7-Trị quốc: lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước.
8-Bình thiên hạ: khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận.
CÔNG DUNG NGÔN HẠNH
Bốn đức tính căn bản của người phụ nữ truyền thống vẫn luôn là tiêu chuẩn đẹp nhất, lý tưởng nhất của những bạn gái hiện đại và tất nhiên nó cũng được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn thời nay...
Một nhạc sĩ nổi tiếng học ở nước ngoài về, khi được hỏi về tiêu chuẩn của cô gái mà anh muốn tiến đến hôn nhân, anh trả lời đó là: "Công dung ngôn hạnh".
Ngô Phương Lan, đang sống và học ở một nước phương Tây, là con gái một nhà ngoại giao. Cô vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi "Hoa hậu Thế giới người Việt" một cách thuyết phục, nhất là trong phần ứng xử cô đã chứng tỏ trí thông minh và nền tảng kiến thức vững chắc.
Phương Lan tiết lộ rằng mình được như thế là nhờ người cha, tuy sống ở nước ngoài nhưng luôn giáo dục con gái theo định hướng "công dung ngôn hạnh".
Hóa ra 4 đức tính căn bản của người phụ nữ truyền thống vẫn luôn là tiêu chuẩn đẹp nhất, lý tưởng nhất của những bạn gái hiện đại và tất nhiên nó cũng được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn thời nay...
Công:
Tứ đức hàng đầu ấy chữ công,
May đan nấu nướng phải nằm lòng.
Thêu hồng gắng luyện nghề tinh sảo,
Tỉa cúc cần rèn nghiệp thạo thông.
Gia chánh hoa tay làm chả phụng,
Nữ công khéo dệt tạo chim công.
Thêu thùa, canh cửi nghề nhi nữ,
Công hạnh dung ngôn rạng tổ tông.
Sự khéo léo luôn được đặt lên hàng đầu, vì người phụ nữ "vụng" hay đi đôi với "dại". Đã vụng dại thì làm sao sắp xếp được hạnh phúc, nuôi dạy con cái tốt và đảm đang công việc trong nhà?
Nhưng "công" ngày nay không chỉ bó gọn trong nội dung đó mà còn cần có nghề nghiệp. Làm tốt một nghề sẽ giúp người phụ nữ nâng cao giá trị bản thân, đóng góp được vào gia đình, xã hội và vẻ đẹp của họ càng tỏa sáng.
Dung:
Hằng nga cung quảng dáng tiên nga,
Dung mạo đoan trang đẹp mặn mà.
Mái tóc nhung huyền mềm tựa liễu,
Hàm răng hạt lựu óng như ngà.
Khăn đào, má phấn hình thanh thoát.
Yếm tía, lưng ong, dáng thướt tha.
Dáng đẹp nhưng cần trau chuốt nết,
Nụ cười chúm chím đẹp toàn gia.
Dung chính là dung mạo, vẻ đẹp bên ngoài và cũng phản ánh được vẻ đẹp bên trong. Một cô gái lúc nào cũng dễ cáu kỉnh, nhăn nhó, khi vừa ý thì nhảy cỡn lên, khi không ưng ý thì xịu mặt, khi xem những cuộc thi sắc đẹp thế giới ta thấy những người đẹp dù không đạt được danh hiệu cao vẫn vui vẻ, đến chia vui, chúc mừng những người chiến thắng một cách chân thành, đó chính là "dung".
Chứ không phải là khóc hu hu, tỏ ra thất vọng hoặc "mặt sưng mày sỉa". Theo nhà thơ Nguyễn Trãi thì người con gái luôn nhu hòa: "Dù no dù đói cho tươi mặt mày".
Ngôn:
Êm êm thánh thót giọng sơn ca,
Lời nói như ru, gió thoảng qua.
Thước ngọc trang hoàng từ dệt gấm,
Khuôn vàng chải chuốt ý thêu hoa.
Phun châu, yến hót lời đoan chính,
Nhả ngọc, oanh ca và giáo huấn
Âm sắc thanh tao, trang thục nữ,
Ngôn từ nhã nhặn ấm êm nhà.
Lời nói, ngôn ngữ của một bạn gái cũng phải giàu nữ tính, có sự mềm mại, dịu dàng, tinh tế và chọn lọc. Một cô gái có văn hóa không thể nói năng bỗ bã, vung vít, càng không thể văng tục chửi thề hoặc nói năng thiếu suy nghĩ.
Nhưng đó cũng chỉ là yêu cầu cơ bản, một bạn gái muốn vươn cao, thành đạt phải có khả năng ứng xử duyên dáng, thông minh và có tính thuyết phục trên nền tảng của sự hiểu biết sâu sắc và cái tâm trong trẻo. Người xưa có câu: "tú khẩu cẩm tâm", nghĩa là lời nói hay phải đi đôi với tấm lòng đẹp như hoa gấm.
Hạnh:
Máu đỏ lòng son vốn nếp nhà,
Nết na đằm thắm đạo tề gia.
Sinh thành hai chữ, ghi công mẹ,
Dưỡng giáo đôi đằng, khắc nghĩa cha.
Giá ngọc treo cao danh tiết hạnh,
Lầu vàng gìn giữ phận nho gia.
Yên vui gia đạo tròn dâu thảo,
Đức hạnh vuông tròn sánh Nguyệt Nga
Hạnh kiểm của một bạn gái thường bị suy giảm do cách yêu đương. Một cô gái yếu kém về năng lực làm việc thường được thông cảm, nhưng khi họ yêu đương bừa bãi, hết người này đến người khác thì lập tức bị “hạ điểm" hạnh kiểm. Cho nên dù ở thời đại nào thì tình yêu chân thành, lòng chung thủy của phái nữ luôn được đánh giá cao.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính
…. chỉ bàn luận về 4 đức đầu tiên đối với mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Cần : tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai (bạn rất thông minh hay sinh ra trong một gia đình trí thức và có điều kiện vật chất hoàn hảo để chỉ phải học mà không cần lo lắng gì về kinh tế?? có thể nhưng theo tôi điều kiện này chỉ đóng 30% trong thành công cá nhân, có một câu nói mà tôi thấy đúng - Cần cù bù thông minh)
Kiệm : là tiết kiệm vật tư, tiền bạc, của cải, thời gian, không xa xỉ, không hoang phí, có một câu nói mà tôi cho rằng rất đúng ‘vấn đề không phải là kiếm được bao nhiêu???mà là để dành được bao nhiêu?”
Liêm : là trong sạch, không tham lam tiền của địa vị, danh tiếng. Tham vọng, khát vọng là tốt, là động lực để bạn phấn đấu khẳng định vị trí của mình trong xã hội…mong muốn trở thành một người thành đạt, có tiếng nói…nổi tiếng và được ngưỡng mộ là chính đáng…có một câu nói mà tôi thấy đúng “tôi trở thành một vị tướng có thể là vì trong hòa bình, chiến tranh hay bất cứ hoàn cảnh nào tôi luôn nghĩ mình là một người lính…và cần làm tốt nhiệm vụ của mình”
Chính : là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn…đứng trước một sự việc, một hiện tượng..ai cũng có quan điểm của riêng mình và quan điểm ấy được cho là đúng đắn nếu đặt quan điểm đó phù hợp với quan điểm của xã hội mà bạn đang sống…có một câu nói mà tôi thấy đúng “trong một dá gạo có vài hạt thóc, ta sẽ nhặt bỏ những hạt thóc đó, nhưng trong một dá thóc có vài hạt gạo…ta sẽ không thể mãi mãi nhặt bỏ những hạt thóc đi, có thể phải nhặt bỏ những hạt gạo’,..
Các đức tính đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần mà không kiệm giống như một chiếc thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm.
Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn chỉnh.
Cần, kiệm, liêm, chính cần thiết cho tất cả mọi người, bác của chúng ta đã viết:
“Trời có bồn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”
Chúng ta thấy đấy, phấn đấu trở thành một con người đúng nghĩa tưởng chỉ gói gọn trong bốn chữ, nhưng hiều được và đặc biệt làm được theo được thật không đơn giản chút nào.
Vân Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét