Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Mồng Một Tết Nhâm Dần : XUÂN VỀ

Xuân về! Đất trời như mở hội, cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc, chim trời reo ca, tung tăng hót vang trên những khóm hoa, nụ mầm mới hé ngậm lấy những giọt sương long lanh, thưởng thức vị ngọt trong lành của hồng ân Thiên Chúa.

Có lẽ bởi sự biến hóa kỳ diệu của mọi vạn vật vào mùa xuân nên lòng người cũng hân hoan và trao gửi cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho nhau.

''Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà

Cành mai vàng, cành đào hồng thắm tươi

Chúc cụ già được sống lâu, sống thọ

Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang

Và kính chúc người người sẽ gặp lành

Tết sau được nhiều lộc hơn Tết nay.''

Quả thực, ngày xuân luôn mang lại cho chúng ta một niềm vui dạt dào. Ngày xuân ai cũng mong được sum vầy bên nhau, cùng  nâng ly rượu mừng chúc nhau hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày xuân mới. Cùng chúc nhau vạn sự như ý, chúc nhau luôn an khang thịnh vượng. Cuộc sống luôn chạy theo công việc, luôn bận rộn với tiền tài, danh vọng khiến chúng ta chẳng có giờ gần gũi người thân, thì ngày xuân ta có dịp đến  bên nhau để gắn kết tình bằng hữu, để tỏ lòng tri ân với ông bà cha mẹ, để cùng nhau hòa lên câu hát mừng xuân.

Ngày xuân chúng ta cũng không quên hướng về Đấng đã cho ta mùa xuân. Ngài là Đấng Tạo Thành. Ngài là Đấng Càn khôn đã cho con tạo xoay vần theo cung nhịp Xuân- Hạ - Thu - Đông. Ngài là Đấng tạo nên mùa xuân nên Ngài cũng tạo nên những thay đổi cho cuộc sống quanh ta thêm đẹp xinh hơn.

Xin tri ân Đấng Tạo Thành đã cho ta mùa xuân. Xin Chúa là Chúa mùa xuân chúc lành cho ngày xuân của chúng ta luôn tươi vui rộn ràng. Xin Chúa là Chúa mùa xuân ban cho chúng ta bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông muôn vàn hồng ân Chúa. Xin dâng lên Chúa bao công việc dự tính trong một năm cầu mong được mọi sự như ý. Bởi vì « nếu Chúa không phù trì thì thợ nề vất vả cũng bằng uổng công».

Nhưng người xưa còn có câu: “vô công bất thụ lộc” nghĩa là không có công thì không nhận bổng lộc. Muốn nhận được ân lộc của Chúa chỉ cần làm theo lời Mẹ Maria xưa đã nói với các gia nhân trong tiệc cưới Cana. “Người bảo gì anh em hãy làm như vậy”.

Xin Chúa là Đấng đã làm cho con tạo xoay vần xin cũng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta một năm bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe lời Chúa, biết mang ra thực hành để nhờ đời sống theo thánh ý Chúa mà chúng ta được nhận lãnh vô vàn ơn lộc của Chúa. Amen.         Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Mồng Hai Tết Nhâm Dần : ĐỪNG ĐỢI

Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ “đợi". Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn... Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Ở đời người ta nói có 5 điều không thể chờ đợi:

- Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

- Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

- Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

- Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

- Thời gian không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà chúng ta khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy!

Ngày xuân ta chúc cho người đang sống được bình an khỏe mạnh. Ta cũng nhớ đến những người đã chết. Thế nên, ngày xuân người Việt thường có thói quen ra viếng phần mộ của tổ tiên, của những người thân đã qua đời. Và mỗi khi:

Đứng bên những ngôi mộ

Nghiền ngẫm cuộc đời mình

Tưởng nhớ người quá cố

Ta thấy đời phù vân.

Đọc tên người trên mộ

Chợt như thấy tên mình

Mai này ra thiên cổ

Đi vào cõi lặng thinh.

Cầu cho người trong mộ

Là cầu cho chính mình

Hôm nay Mồng Hai tết chúng ta hãy nhớ tới cách đặc biệt là ông bà, cha mẹ, tổ tiên củachúng ta. Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:

 “Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”

Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.

Giáo huấn của Chúa cũng dạy rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi…” (Xh 20,12); Theo Sách Huấn Ca, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu, và khi cầu xin sẽ được Chúa nhận lời.

Trong tâm tình ấy chúng ta cùng mượn lời kinh nguyện Thánh Thể để cầu nguyện cho các bậc tiền nhân của chúng ta hôm nay: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (KNTT). Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Mồng Ba Tết : MANG GÌ VỀ CHO MẸ?

Khi những cánh hoa đua nhau khoe sắc khắp không gian là báo hiệu một mùa xuân mới lại về. Đây là lúc những người con xa quê, xa cha mẹ lại háo hức tìm kiếm, chọn lựa để mang gì về cho mẹ trong dịp tết cổ truyền.

Có lẽ vì thế mà Bài hát “Mang tiền về cho mẹ” đã trở thành một câu nói cửa miệng của nhiều bạn trẻ hôm nay.

“Mang tiền về cho mẹ, Đừng mang ưu phiền về cho mẹ

"Tiền" ở đây là minh chứng đứa con đã trưởng thành, có khả năng tự làm ra tiền và tự nuôi sống bản thân, thế nên, mẹ hãy yên tâm về con. Và giả dụ như năm nay làm ăn thất bại thì ít nhất concũng đừng mang ưu phiền về cho mẹ.

Lời hát là lời tự bạch của con kể về những hy sinh của mẹ đã làm nên cuộc đời con:

 “Ôi những ngày xám ngoét, gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so.

Có khi mẹ ngất giữa đường vì cả ngày chẳng có gì no.

Mẹ không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo cho con”.

Và tình mẹ thì vĩnh cửu nên cho dù thành đạt ra sao, dù “Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà vẫn là một đứa con ngoan”. Khi con nổi tiếng và có chỗ đứng trong xã hội thì cũng không quên lời mẹ dạy, phải luôn là một công dân tốt và là người lương thiện. Con của ngày hôm nay chính là được xây dựng từ những yêu thương, quan tâm và những lời mẹ dạy.

 “Mang tiền về cho mẹ” còn như là một lời nhắc nhẹ nhàng dành cho những đứa con xa quê là “sắp đến Tết rồi, về nhà đi thôi”. Một năm trôi qua với bao nhiêu phiền muộn, cảm xúc, giờ là lúc vứt bỏ hết mọi ưu phiền để trở về quây quần bên gia đình.

Qủa thực, năm nay nhiều người có lẽ không thể mang tiền về cho mẹ. Đại dịch dẫn đến phong tỏa kéo dài. Không được đi làm. Mất nguồn thu lại chi phí tăng cao. Có người hao hụt kinh tế. Có người nợ chồng chất vì làm ăn thất bại. Có người tan gia bạn sản. Vì thế, chỉ cầu mong không  mang ưu phiền về cho gia đình là hạnh phúc rồi!

Hôm nay Mồng Ba Tết. Ngày xin ơn Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Chúng ta tin rằng mọi sự đều cần phải nhờ ơn trên phù giúp, chúc phúc. Bởi vì:  “Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”. Kinh nghiệm người xưa cũng nói: “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên”.

Trong 2 năm qua chỉ vì một con virus nhỏ bé thế mà đã làm sụp đổ nhiều nền kinh tế, nó làm trì trệ biết bao công việc, nó phá vỡ biết bao dự định và kế hoạch của con người.

Thế nên, việc cầu Trời, khấn Trời dù ở khung trời văn minh hay chốn hồng hoang vẫn là cần thiết. Con người luôn bất lực trước sức mạnh của sự dữ. Con người như cảm thấy mình quả nhỏ bé so với vạn vật được tạo thành. Sự khiêm tốn đòi hỏi con người phải cần đến sự trợ giúp và chúc lành của Đấng Tạo Thành.

Và với lòng khiêm tốn, Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Xin Chúa ban cho một năm mưa thuận gió hòa, thế thài bình an, người người vui mừng vì nhìn thấy thành quả do công mình làm ra được Thiên Chúa chúc phúc. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

TẾT NĐ : XIN ĐỪNG GHÉT GHEN NHAU

Ở đời người ta thường nói: Ghen thường đi liền với ghét. Ghen là do ganh tỵ với thành công hay hạnh phúc của người khác. Ghen là không chấp nhận người khác xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, tài ba hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn, được người khác quý mến hơn,… Điều đáng buồn là họ không tìm cách tự vươn lên mà chỉ tìm cách “hạ bệ” người khác, sẵn sàng dùng thủ đoạn để kéo người khác xuống, lòng họ chứa đầy những ý đồ đen tối, có dịp là họ buông lời gièm pha, không ngần ngại “đổ vạ cáo gian”.

Câu chuyện Cain và Abel là một trường hợp điển hình.  Một ngày kia hai anh em dâng lễ vật cho Chúa. Kinh Thánh không nói rõ về lễ vật của Cain, nhưng lễ vật của Aben thì được xác định rõ “dâng những con đầu lòng của bầy chiên.” Ngụ ý này cho thấy lòng thành của Aben dành cho Đức Chúa rất rõ ràng. Điều đó cũng ám chỉ lễ vật của Cain rất mù mờ, và ý hướng dâng lễ của ông cũng không phải là từ lòng thành tâm. Ðức Chúa Trời nhậm lễ vật của Abel mà không nhậm của Cain, vì thế Cain rất giận gằm mặt xuống.  Vì không kiểm soát được sự ghen ghét nên Cain đã giết em mình.

Trong Tân Ước, Các nhà thông thái và phe Pharisiêu cũng ghen ghét khó chịu khi thấy quần chúng khắp nơi ùn ùn theo Chúa Giêsu, nghe Chúa giảng, tôn Chúa là tiên tri rồi tin Chúa là Ðấng Cứu Thế. Giới lãnh đạo Do Thái không thể chịu nổi khi thấy ảnh hưởng của họ bị giảm dần trong khi danh tiếng Chúa Giêsu ngày càng dâng cao. Chính lòng ganh tị đã khiến họ không còn nghĩ đến liêm sỉ hay niềm kiêu hãnh quốc gia khi mượn tay một tổng trấn ngoại bang của một đế quốc đang thống trị dân tộc giết Chúa Giêsu. Chúa Giêsu làm chi nên tội mà họ phải giết Chúa?

Trong đời sống cộng đoàn đôi khi khi cũng đầy sự chê bai, nói xấu nhau làm cho nạn nhân bất an, đau khổ vì những lời chê bai, vu khống bâng quơ, đầy ác ý.

Thật khó tin, nhưng vẫn có những người Kitô hữu bách hại anh em mình: Họ luôn làm mất bình an trong tâm hồn và thanh danh của người lối xóm bằng những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách, họ khinh dể những người khác địa vị xã hội và kinh tế, họ dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh,  kẻ thiếu thốn ngay bên cạnh mình. Họ sống như thể chưa bao giờ nghe Chúa nói: “hãy yêu mến người thân cận”, như thể họ chưa bao giờ nghe thánh Phaolô tông đồ khuyên: Tình yêu thì nhân hậu, khoan dung, không đố kỵ, ghen tương và luôn lấy mối dây thân ái để sống liên đới với tha nhân. Trái lại họ sống quá tàn nhẫn với người lân cận. Họ dùng thủ đoạn để lừa dối anh em, để kết  án, hạ bệ và xô đẩy anh em. Năm xưa Chúa Giêsu đã bị người đồng hương xem thường và vu khống đủ chuyện, phải chăng hôm nay vẫn còn đó những người Kitô hữu bị những người đồng đạo hãm hại, nhục mạ và đẩy vào đường cùng của lầm than?

Vâng, vẫn còn đó sự khinh dể, xa lánh của người đồng đạo với những người nghèo khổ, bệnh tật và lầm than. . .

Vẫn còn đó sự kết án vô căn cứ bằng lời ra tiếng vào, thêm mắm thêm muối để hại người vô tội.

Vẫn còn đó sự toa rập với nhau để loại trừ kẻ yếu, kẻ thân cô thế cô . ..

Và vẫn còn đó những giọt nước mặt bị hàm oan, bỏ rơi ngay giữa anh chị em mình .

Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa, vì nhân loại hôm nay vẫn còn có những con người đang cố gắng thực hành giới luật yêu thương với những người thân cận mình. Họ vẫn sống bao dung, độ lượng. Họ vẫn miệt mài xây dựng tình hiệp nhất cho cộng đoàn mình.

Xin cho cộng đoàn chúng ta luôn sống trao ban bình an cho nhau bằng đời sống khiêm nhường và ôn hòa với mọi người. Xin loại trừ những đố kỵ ghen ghét , những so sánh vô lý để sống kính trọng lẫn nhau. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

CN 04 TNC : NGƯỜI VIỆT HAY DÌM HÀNG

Người Việt có câu "thà chết cả đống còn hơn sống một mình". Đây là câu cô đọng về thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình, đôi khi lại còn muốn kéo mọi người xuống ngang bằng với mình. Tôi cũng từng nghe một người đã nói giỡn vui rằng: “nếu mỗi quốc gia đều có một chiếc chảo dầu dưới âm phủ cho những kẻ phạm tội bị thảy vào thì chắc chắn chảo dầu của người Việt Nam không cần đậy nắp. Đơn giản, nếu kẻ nào ngoi lên là ngay lập tức bị kéo xuống”.

Sự đố kỵ là lý do dẫn đến người Việt hay ghen tương, dìm hàng, nói xấu, tẩy chay nhau. Sự đố kỵ ấy lại thường xảy ra nơi những bà con láng giềng với nhau. Hai nhà đang sống cạnh nhau có thể rất thân thiết khi cơ hàn như nhau, nhưng chắc chắn sẽ có chuyện khi một nhà tự dưng phất lên. Sống trong một tập thể dường như có ai thành công thì ắt sẽ bị gièm pha, nhòm ngó.

Sự đố kỵ không chỉ muốn người khác thua kém mình mà thậm chí còn cầu mong cho họ gặp thất bại cay đắng mới hả dạ.

Có một nhà buôn rất sùng đạo. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả thế nào thì cũng không bỏ việc cúng vái thần thánh. Lời khẩn cầu vang lên tới trời, và thần tiên xuất hiện và ban cho ông ta những điều ước, nhưng với điều kiện sẽ cho hàng xóm ông được gấp đôi. Ông vui mừng, nhưng rồi lại buồn, vì nếu:

- Bây giờ mình xin một chiếc xe thì sợ tiên lại cho họ hai chiếc.

- Xin một căn nhà thì sợ họ được hai căn.

- Xin 1 tỷ thì hàng xóm được 2 tỷ.

- Và cứ thế, ông đưa ra đủ thứ ước muốn, nhưng lại không chọn gì cả, vì sợ mình được một thì người khác được hai.

- Cuối cùng ông quyết định: xin thần tiên cho con bị mù một mắt. Vì ông nghĩ nếu mình bị mù một thì người kia sẽ bị mù hai con mắt.

Những người biệt phái năm xưa dường như cũng muốn dìm hàng với Chúa Giêsu. Họ không muốn Chúa Giêsu nổi lên giữa họ. Họ chỉ muốn Chúa sống bình dị an phận trong sự dẫn dắt của họ. Đó là lý do họ gièm pha, khó chịu khi Chúa Giêsu nổi lên với lời giảng dạy và việc làm đầy uy quyền. Họ không phục vì bản tính cố chấp không muốn ai hơn mình. Họ đã đánh mất niềm vui khi nhìn thấy thành công của người đồng hương. Và dường như Chúa Giêsu cũng không thể làm điều gì cho họ vì họ quá cứng lòng tin.

Ở đời vẫn còn đó sự đố kỵ dẫn đến ghen tương mà làm hại lẫn nhau.

Tôi vẫn nghe những lời nói xấu ông A, bà B nhưng đều phát xuất từ ghen tỵ mà dựng chuyện bêu xấu nhau.

Tôi vẫn thấy những người làm việc tông đồ nhưng vẫn rỉ tai nhau để kết bè, kết phái để loại trừ nhau.

Tôi vẫn thấy những ý tốt bị mọi người loại trừ chỉ vì “trứng mà khôn hơn rận” nên cố chấp loại trừ nhau.

Tôi vẫn thấy những người môn đệ của Chúa vẫn đố kỵ dìm hàng nhau bằng nói xấu, gièm pha và bất hợp tác với nhau.

Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu sống bên nhau mà thôi đố kỵ nhau. Cuộc sống sẽ thăng tiến nếu ai cũng hợp tác và khích lệ nhau thay cho sự chê bai, dìm hàng nhau. Đặc biệt những người trong một tổ chức, một hội đoàn cần có tình yêu thương hiệp nhất với nhau. Xin đừng đố kỵ ghen tương với nhau nhưng luôn hợp tác và chia sẻ thành công và thất bại với nhau.

Xin Chúa giúp chúng ta học nơi Chúa Giêsu luôn hiền lành và khiêm nhường để hòa hợp với mọi người. Xin đừng vì cố chấp mà dèm pha lẫn nhau gây mất tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Xin loại bỏ trong chúng ta tính đố kỵ để sống hòa hợp với nhau. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

CN 04 TNC : KHỔ VÌ ĐỒNG HƯƠNG

Có hai thanh niên lớn lên trong gia đình có một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ, mỗi cậu sống theo ý riêng mình.

Nhiều năm sau, một cậu trở nên người nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu?” và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu?”

Cả hai có cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi?”

Đôi khi gia đình có thể trở thành trợ lực cho ta thăng tiến, nhưng cũng có thể là trở lực khiến ta không thể làm người. Gương sáng hay gương mù của người thân luôn ảnh hưởng đến chúng ta. Sự khích lệ hay chê bai cũng ảnh hưởng đến công việc của chúng ta.

Trong đời sống tôn giáo, cộng đoàn đôi khi cũng giúp cho một con người nên thánh nhưng cũng có thể đẩy một người lao xuống hảo ngục. Nhất là thực trạng “Bụt nhà không thiêng” đã khiến bao nhiêu người không thể phát huy tài năng ngay giữa anh em mình. Sự chê bai, xem thường còn làm cho chính những người đang sống với mình luôn cảm thấy bất an, đau khổ vì những lời chê bai, vu khống bâng quơ, đầy ác ý.

Thật khó tin, nhưng vẫn có những người Kitô hữu bách hại anh em mình: Họ luôn làm mất bình an trong tâm hồn và thanh danh của người lối xóm bằng những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách, họ khinh dể những người khác địa vị xã hội và kinh tế, họ dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh, kẻ thiếu thốn ngay bên cạnh mình. Họ sống như thể chưa bao giờ nghe Chúa nói: “hãy yêu mến người thân cận”, như thể họ chưa bao giờ nghe thánh Phaolô tông đồ khuyên: Tình yêu thì nhân hậu, khoan dung, không đố kỵ, ghen tương và luôn lấy mối dây thân ái để sống liên đới với tha nhân. Trái lại họ sống quá tàn nhẫn với người lân cận. Họ dùng thủ đoạn để lừa dối anh em, để kết án, hạ bệ và xô đẩy anh em nhằm thỏa mãn tính tự tôn tự đại của mình. Năm xưa Chúa Giêsu đã bị người đồng hương kết án, phải chăng hôm nay vẫn còn đó những người Kitô hữu bị những người đồng đạo hãm hại, nhục mạ và đẩy vào đường cùng của lầm than?

Vâng, vẫn còn đó sự khinh dể, xa lánh của người đồng đạo với những người nghèo khổ, bệnh tật và lầm than...

Vẫn còn đó sự kết án vô căn cứ bằng lời ra tiếng vào, thêm mắm thêm muối để hại người vô tội.

Vẫn còn đó sự toa rập với nhau để loại trừ kẻ yếu, kẻ thân cô thế cô...

Và vẫn còn đó những giọt nước mắt bị hàm oan, bỏ rơi ngay giữa anh chị em mình.

Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa, vì nhân loại hôm nay vẫn còn có những con người đang cố gắng thực hành giới luật yêu thương với những người thân cận mình. Họ vẫn sống bao dung, độ lượng. Họ vẫn miệt mài xây dựng tình hiệp nhất cho cộng đoàn mình.

Ước gì những người mang danh Kitô hữu đừng bao giờ hạ thủ anh em mình chỉ nhằm thoã mãn thói kiêu căng, tự cao tự đại của mình. Xin đừng tiếp tay với những kẻ muốn xô đẩy Đức Kitô xuống vực thẳm bởi hành vi tàn bạo với người lân cận. Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết sống theo lòng nhân hậu của Chúa để mở rộng đôi tay đón nhận anh em, để nâng đỡ, bảo vệ anh em và biết nắm lấy tay nhau tạo thành một vòng tròn thân ái, hiệp nhất và yêu thương. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

CN 04 TNC : ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NHAU VÌ QUÁ KHỨ

Khi đọc câu lời Chúa: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24) cho tôi nhớ lại câu chuyện của người bạn kể với tôi rằng:

Một lần họp lớp trước khi ăn, mình lấy thuốc đau bao tử ra uống, liền được một cô bạn học hướng dẫn tôi cách dùng thuốc như sau:

 “Nếu bị đau bao tử, bạn đừng uống thuốc này, sẽ có nhiều tác dụng xấu…” . Cô bạn ấy chỉ dẫn cho tôi cách cặn kẽ, tự tin.

Thật không ngờ cô bạn ấy lại có phong thái tự tin, vững vàng đó. Năm lớp 9, cô ấy chỉ là cô bé nhút nhát có phần chậm hiểu nữa. Có những lần tôi đã phải mất hàng giờ để giảng cho cô ấy một bài toán đơn giản. Vậy mà trong lần gặp gỡ này, cô ta lại khác hẳn.

Chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì cô bạn tôi có một kiến thức thực phong phú, sâu rộng. Có nhiều điểm trong học tập tôi chiếm ưu thế; thế mà bây giờ chưa chắc tôi đã hiểu được chuyên môn cách sâu sắc như vậy. Tự nhiên tôi cảm thấy tức tối. Thay vì biết xấu hổ vì mình thụt lùi, tôi lại tự mãn nghĩ rằng “Dẫu sao nó cũng chỉ học đến Trung cấp y tế thôi”.

Đây là lối nhìn của người hẹp hòi, cố chấp và lạc hậu. Họ đâu nghĩ rằng mình đã lạc hậu và bạn bè chung quanh đã tiến xa và vượt trội mình. Với cái nhìn hẹp hòi sẽ nảy sinh tính ghen tị, cáu giận, gièm pha, đôi khi còn hại người vô tội.

Nhà văn Balzac từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.

Cuộc sống đôi khi vì thành kiến chúng ta cũng phán xét anh em mình một cách bất công. Chúng ta không nhìn nhận cái tốt, cái hay nơi anh em mà còn hạ bệ bêu xấu về những tiêu cực quá khứ của anh em. Họ không biết rằng: sông có khúc người có lúc, để biết có cái nhìn nhận tích cực về hiện tại của nhau hơn là đánh giá nhau dựa trên quá khứ.

Thật khó tin, nhưng vẫn có những người Kitô hữu sống thiếu yêu thương và bởi ghen ghét đã gây nên biết bao phiền muộn, đau khổ, bất an cho anh em mình. Họ luôn làm mất bình an trong tâm hồn và thanh danh của người lối xóm bằng những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách, họ khinh dể những người khác địa vị xã hội và kinh tế, họ dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh, kẻ thiếu thốn ngay bên cạnh mình. Họ sống như thể chưa bao giờ nghe Chúa nói: “hãy yêu mến người thân cận”, như thể họ chưa bao giờ nghe thánh Phaolô tông đồ khuyên: Tình yêu thì nhân hậu, khoan dung, không đố kỵ, ghen tương và luôn lấy mối dây thân ái để sống liên đới với tha nhân. Trái lại họ sống quá tàn nhẫn với người lân cận. Họ dùng thủ đoạn để lừa dối anh em, để kết án, hạ bệ và xô đẩy anh em nhằm thỏa mãn tính tự tôn tự đại của mình. Năm xưa Chúa Giêsu đã bị người đồng hương kết án, phải chăng hôm nay vẫn còn đó những người ki-tô hữu bị những người đồng đạo hãm hại, nhục mạ và đẩy vào đường cùng của lầm than?

Vâng, vẫn còn đó sự khinh dể, xa lánh của người đồng đạo với những người nghèo khổ, bệnh tật và lầm than. . .

Vẫn còn đó sự kết án vô căn cứ bằng lời ra tiếng vào, thêm mắm thêm muối để hại người vô tội.

Vẫn còn đó những sự ghen ghét để rồi không nhìn nhận sự thăng tiến của bạn bè, người thân mà chỉ nhìn quá khứ của họ để khinh chê coi thường.

Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa, vì nhân loại hôm nay vẫn còn có những con người đang cố gắng thực hành giới luật yêu thương với những người thân cận mình. Họ vẫn sống bao dung, độ lượng. Họ vẫn miệt mài xây dựng tình hiệp nhất cho cộng đoàn mình.

Ước gì những người mang danh Kitô hữu đừng bao giờ hạ thủ anh em mình chỉ nhằm thoã mãn thói kiêu căng, tự cao tự đại của mình. Xin đừng cố chấp để rồi đả phá anh em mình mà hãy đón nhận anh em với tất cả khả năng và giá trị của họ. Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết sống theo lòng nhân hậu của Chúa để mở rộng đôi tay đón nhận anh em, để nâng đỡ, bảo vệ anh em và biết nắm lấy tay nhau tạo thành một vòng tròn thân ái, hiệp nhất và yêu thương. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

  

CN 04 TNC : TA VỀ TA TẮM AO TA

Theo báo chí nhận xét: "Tết năm nay (2010) lượng trái cây của Trung Quốc nhập về giảm mạnh. Các năm trước, đến thời điểm này, hàng trái cây Trung Quốc đã chất hàng ngàn tấn tại chợ nhưng năm nay thì lại chưa thấy gì". Có người còn độc miệng nói rằng: các loại trái cây của Trung Quốc chủ yếu là lê, táo, nho... màu đẹp, bóng, để được lâu (khoảng tháng rưỡi) nên một số người mua để cúng chứ không dám ăn. Không chỉ trái cây nhưng rất nhiều mặt hàng Trung quốc đến nay người dân đã tẩy chay vì hàng kém chất lượng, nhất là lại chứa nhiều độc tố. Điều đó dẫn đến một làn sóng trở về với dân tộc: "Ta về ta tắm ao ta - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".

Thực vậy, với xu hướng xính ngoại, lâu nay nhiều người không dùng hàng Việt. Thích dùng hàng ngoại. Hậu quả là hàng ngoại kém chất lượng, quá date, hàng giả... tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ dừng lại ở hàng hóa mà ngay cả trong vấn đề hôn nhân cũng vậy. Nhiều cô gái thích lấy chồng ngoại. Đến nỗi có cả một thị trường tuyển chọn cô dâu. Nhưng có mấy ai lấy chồng ngoại được yên bề gia thất? Có mấy ai thực sự hạnh phúc với hôn nhân thiếu vắng tình yêu?

Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng từng cay đắng để thốt lên rằng: "không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình". Người ta dễ "gần chùa gọi Bụt bằng anh". Người ta xem thường đồng hương. Dù biết rằng tình đồng hương rất cần vì "tối lửa tắt đèn có nhau". Dù biết rằng kẻ láng giềng rất cần thiết, cần thiết hơn là anh em ruột thịt mà ở xa, như lời cha ông đã nói: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Thế nhưng, thực tế cho thấy, người hàng xóm lại dễ mất lòng nhau. Người hàng xóm lại dễ ganh tỵ với nhau. Thay vì sống với nhau để mang lại sự chia sẻ, cảm thông, nhưng lại gây sóng gió cho nhau. Có mấy ai ở bên nhau mà không lời qua tiếng lại? Có mấy ai ở bên nhau mà đùm bọc lấy nhau như là bí với bầu "tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"? Chúa Giêsu cũng từng bị đồng hương tìm cách loại trừ. Đã có lần người ta cho rằng Người đang bị mất trí. Chính vì cái nhìn thiển cận và đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình. Hôm nay, sau thời gian dài, Ngài đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, Ngài trở về dưới cái nhìn xem thường của đồng hương. Họ không tin một Giêsu con bác thợ mộc lại có thể làm nhiều phép lạ như lời đồn. Nói đúng hơn, là họ không thể chấp nhận sự thật về con người Giêsu mà họ đã biết từ khi ấu thơ, nay lại có thể có những khả năng phi thường như vậy. Họ đã bị vấp phạm vì Người. Họ đã tìm cách loại trừ Chúa Giêsu, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi.

Vâng, cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi người người biết tôn trọng lẫn nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn, hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những thành quả, những đóng góp của anh em, thay vì ghen ghét, dửng dưng.

Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để bổ túc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái cần đến cha mẹ để nương nhờ cậy trông. Hàng xóm cần đến nhau để "tối lửa tắt đèn có nhau". Và một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy sống tôn trọng và kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho nhau những niềm vui và hạnh phúc. Amen.

Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

 

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG NHỮNG NGÀY TẾT

 









NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG NHỮNG NGÀY TẾT

Người Công Giáo Việt Nam là một bộ phận của Dân Tộc Việt Nam, các tập tục văn hóa Việt từ lâu đời vốn in sâu vào tâm thức Người Việt. Những Lễ Hội trong những ngày Tết cổ truyền có rất nhiều ý nghĩa thâm sâu và hướng thiện mỗi người. Với tâm tình tạ ơn Trời đất vì  những an lành trong năm qua  và xin cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc đạt kết quả tốt đẹp, cuộc sống an vui. Cũng trong dịp Tết, con cháu  quy tụ về gia đình trong tinh thần hiếu kính ông bà tổ tiên  đang còn sống hay đã qua đời và nối kết  tình liên đới ông bà anh chị em Dòng họ.

Với Đức tin Thiên Chúa là chủ thể trời đất vạn vật, việc hội nhập Sứ Điệp Kitô Giáo vào môi trường Văn hóa , dùng chính Văn hóa Việt để chuyển tải và sống Tin Mừng. Vì vậy, các tập tục những ngày Tết được Người Công Giáo thực hiên đời sống Đức Tin trên nền Văn hóa Việt.

Trồng cây Nêu và Táo Công về chầu trời: quan niệm dân gian trồng cây Nêu (cây tre hoặc trúc cao, trên ngọn treo những vật dụng như chuông gió, phát ra tiếng kêu leng keng khi  gió thổi, đồng thời  buộc vào những vật dụng có tính biểu tượng từng Dân tộc trong cộng đồng Việt)  từ ngày 23 tháng chạp để xua đuổi tà ma quỷ sứ, trong thời gian Ông Táo về trình báo với Ngọc Hoàng về mọi việc xảy ra trong gia chủ.  Người Công Giáo Tin rằng Thiên Chúa thấu suốt và an bài mọi sự, không lo sợ tà ma ám hại, cũng không cần Vị nào trình báo. “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.”(Tv 23,4).

 

1. Cúng tất niên: Theo tín ngưỡng dân gian, nơi ở, nơi làm việc đều có một vị thần canh giữ. Cuối năm là dịp tạ ơn trời đất, Vị Thần đã gìn giữ thôn xóm, nơi ở, chỗ làm ăn… tất cả con người đều phải cúng tạ ơn. Với người Công Giáo  xin lễ  và tham dự Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa, đã  ân ban muôn ơn cho mỗi người trong năm qua, cám ơn anh chị em hàng xóm, đồng nghiệp, cám ơn từng thành viên trong gia đình với nhau…làm hòa cùng Thiên Chúa và làm hòa với nhau.

 

2. Cúng Ông Bà, rước Ông Bà về ăn Tết với con cháu: người Công Giáo tin rằng hương linh người quá cố không thể hưởng dùng những của ăn vật chất. Giáo Hội cho phép lập bàn thờ Ông Bà, và người Công Giáo vẫn chưng hoa quả trên bàn thờ Ông Bà, nhưng chỉ với tâm tình  tôn kính và biết ơn Ông Bà Tổ Tiên, chứ không phải để ông bà hưởng dùng.

 

3. Cúng giao thừa: Theo phong tục truyền thống của người Việt, cúng giao thừa (lễ trừ tịch) là nghi thức quan trọng, với ý nghĩa bỏ đi những điều không tốt từ năm cũ và đón những điều tốt đẹp, mới mẻ trong năm mới. giao thừa là thời khắc các Thiên binh(12 vị Hành khiển) đi thị sát hạ giới rất nhanh chóng nên không thể vào từng nhà, vì thế mâm cỗ cúng thường được đặt ở ngoài trời, trước cửa chính ngôi nhà. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cai quản Hạ giới năm cũ sẽ bàn giao cho vị Hành khiển mới, mỗi năm một vị, sau 12 năm ứng với 12 con giáp, các vị sẽ luân phiên trở lại.

Người Công Giáo không cúng, nhưng đi tham dự Thánh Lễ Giao thừa. Trong khoảnh khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới này, mỗi người đến với Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài, Đấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Ngài về 365 ngày sắp qua, và xin Ngài giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày sắp đến theo đúng thánh ý  Chúa. Giáo Hội mời gọi Tín Hữu nhìn lại những lỡ lầm thiếu sót đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em với nhau. Cần nổ lực hoán cải tốt hơn cho năm mới. Thông thường kết thúc Thánh Lễ Giao thừa trước 24 giờ, để các thành viên trong gia đình về quây quần bên bàn thờ trong gia đình của mình. Dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, con cháu mừng tuổi Ông Bà Cha Mẹ và Ông Bà Cha Mẹ mừng tuổi con cháu. Trong dịp này, các thành viên xin lỗi và làm hòa vì những  lỡ lầm làm mất lòng nhau trong năm qua, tình cảm gia đình sống động gắn bó, các thành viên chia sẻ những vui buồn, đây là dịp buông xả cõi lòng, làm cho tình cảm gia đình gắn kết thắm thiết.

 

5. Mồng 1 Tết :

Thánh Lễ Minh Niên: Người Công Giáo đến nhà thờ hiệp dâng Thánh Lễ cầu bình an cho năm mới, cầu nguyện cho đất nước được thái hòa, cho con người được an nhiên, tín thác năm mới trong tay Thiên Chúa  đồng thời  với nỗ lực sống mỗi ngày một tốt hơn cho gia đình, cho Giáo Hội và xã hội” Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”(Tv 36, 5).

 

Tục xông nhà: Người ta tin rằng trong ngày Mồng Một, Người xông nhà là người đến thăm nhà đầu tiên sẽ đem đến vận may hay không may cả năm cho gia chủ. Cũng có người kiêng quét nhà suốt ba ngày Tết vì sợ sẽ quét hết tài lộc ra ngoài. Trong ba ngày Tết họ dồn hết rác vào một góc nhà chờ qua ngày Mồng Ba mới hốt rác đổ đi. Những điều kiêng kỵ này hoàn toàn không phù hợp với niềm tin Kitô Giáo.

 

Hái lộc xuân:  Người Công Giáo không hái Lộc Xuân là những chồi lá non, nhưng Lộc Xuân là nhận những câu Lời Chúa. Có nhiều cách nhận khác nhau, có thể Linh mục hoặc Vị thừa hành trao cho từng người, cũng có thể treo trên cành cây để mỗi gia đình tự đến hái. Lời Chúa được để trên Bàn Thờ gia đình, hoặc  nơi trang trọng trong nhà, và là ý lực sống của  các thành viên trong gia đình cho cả Năm Mới.

 

Người Công Giáo vẫn giữ tập tục lì xì, thăm viếng và cầu xin Chúa chúc phúc và ban an lành cho nhau trong tuổi mới. Nhưng tuyệt đối không xem quẻ xem bói, xem tử vi, xin xăm bói toán, xem tình duyên gia đạo, xem đường công danh làm ăn….là trái với niềm tin Kitô Giáo, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự.

 

6. Mồng 2 Tết: Giáo Hội dành riêng ngày Mồng Hai Tết để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên đã qua đời, xin Lòng Thương Xót Chúa tha thứ những lỡ lầm khi còn sống các Ngài mắc phải và sớm đưa các Ngài vào Nhà của Thiên Chúa (Miền cực lạc). Người Công Giáo được dạy phải hiếu kính với Ông Bà Cha Mẹ còn sống cũng như đã qua đời (Điều Răn thứ 4 của 10 điều răn). Đối với người đã qua đời,  tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài trong tất cả các Thánh Lễ thường ngày, trong  ngày kỵ giỗ, ngày lễ các Linh Hồn ngày 2 tháng11 và trong suốt tháng 11 hàng năm.

 

7. Mồng 3 Tết: Giáo Hội dành riêng ngày Mồng Ba Tết để thánh hóa công ăn việc làm, người Kitô hữu cần hiểu rõ giá trị của lao động: lao động trí óc và bàn tay. Mọi công việc đều do ân sủng của Chúa và do sự cố gắng, trí tuệ, phấn đấu của mỗi người. Con người không chỉ làm việc lao động thuần túy, để kiếm ăn hay vì kế sinh nhai. Nhưng con người còn có sứ mạng cộng tác với Chúa trong công việc sáng tạo và cứu độ. Chính vì thế, lao động làm thăng tiến con người, làm giàu cho xã hội, làm đẹp và phong phú cuộc đời. Lao động làm phát triển tình yêu thương, tình liên đới tương quan với anh chị em, tính kỷ luật.  Thánh Phaolô nói “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

 

9. Cúng Tiễn Ông Bà: Thông thường, vào Mồng Ba Tết hàng năm, các gia đình sẽ làm lễ hóa vàng mã (đốt vàng mã)  để tiễn Tổ Tiên sau lễ cúng tất niên mời Ông Bà  về ăn Tết cùng gia đình vào 30 Tết trước đó. Người Công Giáo không có nghi lễ này, với niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng hằng sống, Ông Bà được ân thưởng và ở với Thiên Chúa, độ trì cho con cháu bằng việc  chuyển lời cầu nguyện của con Cháu đến với Thiên Chúa.

Kết:

Mặc dù  thuộc những thành phần xã hội khác nhau, dù có chính kiến khác nhau, dù theo tín ngưỡng Tôn Giáo  khác nhau… cũng đều coi Tết là những  ngày trọng đại, cũng đều có chung một niềm hân hoan đón mừng ngày Tết. Tết đã thấm vào con tim khối óc mỗi một người Việt Nam. Nhưng Người Công Giáo Việt nam có những cách thế riêng diễn tả niềm tin trong văn hóa Việt Nam trong những ngày Tết.

Tôma Trương Văn Ân

 

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022




XƯỚNG KINH VÀ NGHI THỨC

 

NGÀY TẾT

XƯỚNG KINH TRƯỚC LỄ TẤT NIÊN

Lễ Sáng: 04g30 Thứ Hai 29 TẾT

31-01-2022

 

Làm Dấu – Hát Kinh CTT + TIN + CẬY + MẾN

 

LỜI DẪN (MC: Đội Phụng Vụ)

 

MC A: Truyền thống VN vốn có sự tích ÔNG TÁO VỀ TRỜI, để báo cáo cho Ngọc Hoàng, về tình hình cuộc sống của nhân thế, mà trọng tâm là những vấn đề nóng bỏng liên quan đến cõi nhân sinh. Nhưng đối với Kitô Giáo, thì ngày Tất Niên, chính là ngày để TẠ LỖI và TẠ ƠN với Thiên Chúa về cuộc sống của mỗi tín hữu trong một năm qua.

(theo tài liệu đọc-suy niệm hết Giờ Kinh Tất Niên…...đi vào Thánh Lễ...)

.........................................................................................................................

 

 

* Hát kết:                                 "Kinh hoà bình" (đứng)

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người………….

Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con,xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình.

 

IV.  THÁNH LỄ TẤT NIÊN

 

1.  XƯỚNG TM: Lc 17, 11-19

 

2.  K.DÂNG LỄ MISA

 

3.  HÁT ĐẦU LỄ

XƯỚNG KINH TRƯỚC LỄ GIAO THỪA

Lễ Tối: 18g00 Thứ Hai 29 TẾT

31-01-2022

 

KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH LÚC GIAO THỪA

Ngay sau chuông hai xướng kinh:

 

01. Làm Dấu – Hát Kinh CTT + TIN + CẬY + MẾN

 

02. ĐỌC KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH:

1 K.Lạy Cha+1 K.Kính Mừng+1 K.Sáng Danh.

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,/ là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất./ Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại/ mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất./ Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hoá mọi gia đình,/ giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ,/ là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,/ vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con./ Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,/ mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,/ ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích, /thành trì che chở phẩm giá của mọi người./ Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,/ mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình./ Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,/ nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người./ Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con,/ vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,/ và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới,/ cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi./- Amen.

 

03. HÁT: Cầu cho cha mẹ

1. Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Còn sinh đến trong đời: An vui nhờ có ơn Trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.

ĐK. Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình luôn sống trong tình người con ngoan.

2. An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh giữa trời. Dù xa vô bờ vẫn nhớ đến tình mẹ cha.

 

04.  XƯỚNG TM: Mt 5, 1-10

 

05.  K.DÂNG LỄ MISA

 

06.  HÁT ĐẦU LỄ

 

KINH TRƯỚC LỄ MỒNG MỘT TẾT VÀ NGHI THỨC HÁI LỘC THÁNH

 

 

01. DẤU ĐƠN – K.CHÚA THÁNH THẦN – TIN – CẬY – MẾN

02. CẦU CHO GIA ĐÌNH

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu/ là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất/

Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại/ mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất/

Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-Hoá mọi gia đình/ giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ/ là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an/ vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con/ Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống/ mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất/ ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích/ thành trì che chở phẩm giá của mọi người/ Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng/ mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình/ Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ/ nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người/

Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con/ vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách/ và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới/ cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi/ Amen. (Trích Thư gởi các Gia đình CG của HĐGMVN)                  

 

03. XƯỚNG TIN MỪNG (Mt 6, 25-34) (trang 20 KTN GĐSLC T2/22)

04. SUY NIỆM

05. DÂNG LỄ MISA

06. HÁT ĐẦU LỄ

07. ĐẠI DIỆN CỘNG ĐOÀN CHÚC TUỔI CHA XỨ

08. THÁNH LỄ TÂN NIÊN

 

09. NGHI LỄ HÁI LỘC THÁNH

 

1. LÀM PHÉP LỘC THÁNH

Sau lời nguyện hiệp lễ, CHỦ TẾ mặc nguyên áo lễ tiến về cây lộc thánh đích thân cử hành nghi lễ hái lộc. Cần phải giữ trang nghiêm, không nên biến thành một tiết mục văn nghệ. Sau khi đã chuẩn bị mọi sự, CHỦ TẾ dẫn nhập vào nghi lễ làm phép lộc thánh như sau:

Anh chị em thân mến, Người Việt Nam chúng ta có tục “hái lộc” vào dịp đầu xuân. Sau khi đi lễ chùa đền ngày minh niên, người ta hái một cành cây mang về đặt trước bàn thờ và để đó cho đến hết tết. Lộc non tượng trưng cho ơn trời giúp con người phát đạt thịnh vượng.

Tập tục đó đã được hội nhập vào sinh hoạt đầu năm của người Công Giáo chúng ta. Thay vì hái cành cây, chúng ta nhận một câu Lời Chúa. Câu Lời Chúa này sẽ trở thành phương châm sống đức tin cho chúng ta trong năm Canh Tý và suốt đời chúng ta. Như vậy, “hái lộc xuân” đối với người Công Giáo là “hái lộc thánh”.

Qua nghi lễ “hái lộc thánh” sắp cử hành, chúng ta tin tưởng rằng câu Lời Chúa chúng ta nhận được chính là Lời Chúa muốn gửi riêng cho từng người và cho gia đình chúng ta. Chúng ta cũng tin tưởng rằng khi suy niệm và sống theo lời nhắn nhủ đó, ân phúc Chúa sẽ đổ chan hòa lai láng trên năm mới của chúng ta. Giờ đây xin mời anh chị em cùng tham gia nghi lễ làm phép lộc thánh. Đoạn chủ tế bắt đầu nghi lễ như sau:

CHỦ TẾ: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

CĐ: Amen.

CHỦ TẾ: Ơn phù trợ chúng con ở nơi danh Chúa,

CĐ: Là Đấng tạo thành trời đất.

CHỦ TẾ: Chúng ta dâng lời cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa phán ra tạo thành trời đất mọi loài và gieo mầm sự sống cho nhân loại. Xin làm phép thánh hoá + và đổ tràn ơn Chúa xuống trên những Lộc Thánh này. Xin cho Lời Chúa chúng con nhận được luôn luôn vang vọng trong tâm trí chúng con, nhắc nhở chúng con luôn trung thành thực thi ý Chúa. Ước gì những Lộc Thánh này trở thành khí cụ đem lại phúc lộc bình an cho chúng con trong năm mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ: Amen. CHỦ TẾ rảy nước thánh trên lộc thánh.

 

2. HÁI LỘC THÁNH

Để bắt đầu, CHỦ TẾ có thể nhắc nhở giáo dân những điều sau đây hoặc những lời khác tương tự.

Anh chị em thân mến, Trong Hiến Chế Tín lý về Mặc Khải số 11, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải “Luôn luôn tôn kính Lời Chúa như chính Thân Thể Chúa”. Tôi kêu gọi anh chị em hãy thực hiện lời nhắc nhở đó bằng cách tham dự nghi lễ hái Lộc Thánh một cách nghiêm trang và trật tự. Mỗi gia đình (hoặc mỗi người) chỉ nhận một Lộc Thánh. Vai lớn nhất trong nhà xếp hàng tiến về cây Lộc Thánh.

Để nói lên tình hiệp thông và trân trọng Lời Chúa, xin mọi người ở lại cho đến cùng.

Đem Lộc Thánh về nhà, xin anh chị em đặt vào nơi xứng đáng và dễ nhìn thấy nhất.

 

Giờ đây để tỏ lòng cung kính đối với Lời Chúa chúng ta sắp lãnh nhận, chúng ta hãy cùng với ca đoàn hát lên lời nguyện XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE. Mời anh chị em đứng.

 

Sau bài hát, Chủ Tế, Quý Chức Cựu Tân lên hái lộc trước và Đại Diện mỗi GĐ lần lượt xếp hàng lên hái Lộc như lên Rước Lễ.

 

Phát Lộc Thánh xong, CHỦ TẾ tùy nghi nói mấy câu chúc mừng năm mới rồi ban phép lành cuối lễ.

 

 

 

KINH TRƯỚC LỄ MỒNG HAI TẾT

 

 

 

01. DẤU ĐƠN – K.CHÚA THÁNH THẦN – TIN – CẬY – MẾN

02. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN-ÔNG BÀ-CHA MẸ

 

MỘT NGƯỜI ĐỌC:

Kính thưa cộng đoàn.

Khởi đầu từ năm mới Nhâm Dần, cũng là năm Giáo Hội Việt Nam hướng về người trẻ, chúng ta được mời gọi, gẫm suy cùng xác định lại vị trí của mình. Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, các bậc tiền nhân là tuyên xưng niềm tin và nói lên niềm tri ân với các ngài và với Đấng là căn nguyên của sự sống, là chủ của thời gian để không quá muộn màng và lòng tiếc nuối.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì hồng ân sự sống mà Chúa đã ban tặng cho chúng con, qua trung gian của cha mẹ, ông bà tổ tiên, và các bậc tiền nhân. Xin cho chúng con ý thức rằng chính qua đạo hiếu mà chúng con tôn thờ Chúa. Vì Chúa mới thật là tổ tiên của chúng con.

Hướng lòng kính nhớ tổ tiên:

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau hướng lòng kính nhớ tổ tiên và thắp nén hương lòng để tưởng nhớ về nguồn cội. Bởi, cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tông, như cây có cội như sông có nguồn. Bước vào năm mới, chúng ta tưởng nhớ đến các vị tiền nhân đã có công với xứ sở, với Giáo Hội và quê hương là những người đi trước, các ngài đã dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Trải qua mọi thời đại và mọi thời kỳ. Các Ngài đã để lại một gia tài công đức vô cùng quý báu. Nào là công đức sinh thành dưỡng dục, nào là bao tấm gương anh dũng vì đạo Chúa, nào là tình thương lai láng như bể khơi, nào là cuộc sống thánh thiện muôn đời ngời sáng. Do đó, uống nước phải nhớ đến nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Chúng ta đây đàn con lũ cháu, đừng chỉ đánh trống khua chiêng, nhưng phải gắng giữ cho vuông tròn đạo hiếu, sớm chiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm cần thể hiện lòng kính mến, biết ơn đối với các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, làn hương mà chúng ta kính dâng trước anh linh các bậc tổ tiên. Các vị tiền nhân, đâu phải làn hương của sự mê tín nhất thời, nhưng là ngàn lần biết ơn, ngàn đời nhớ ơn của con cháu.

Con ơi giữ lấy lời cha,

Chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm,

Đèn soi trong chốn tối tăm,

Ấy là chính những lời răn lệnh truyền,

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên,

Khắc ghi công đức một niềm tri ân(s. Cn).

Nguyện xin Chúa Xuân sớm đưa các ngài vào hưởng mùa xuân vĩnh cửu với chư thánh nơi cõi vĩnh hằng bất diệt. Sau đây để bày tỏ tấm chân tình với lòng thảo kính. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện:

 

CỘNG ĐOÀN CÙNG ĐỌC:

Lạy Chúa là Cha nhân từ. Chúa là cội nguồn đích thật của muôn loài, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất, Chúa dạy con phải hiếu thảo, biết ơn các bậc tiền nhân, tổ tiên ông bà cha mẹ. Xin ban cho các ngài:

- Những người đã qua đời, được thanh luyện khỏi mọi vướng mắc trước tình yêu bao la của Chúa, để các ngài sớm hưởng nhan thanh thánh Chúa.

- Những người còn sống, được an khang trường thọ nên gương sáng cho con cháu trong mọi việc lành phúc đức.

Lạy chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh và lòng nhẫn nại, để con có thể biết gánh vác tuổi già của ông bà cha mẹ con trong năm mới này và xin ban cho con lòng cậy trông để con sẵn sàng hy sinh và nêu gương lành cho con cháu trong gia đình con, để mọi người trong gia đình con biết sống tròn và giữ trọn chữ hiếu như lời Chúa dạy. Amen.

 

03. XƯỚNG TIN MỪNG (Ga 5, 16-20)

04. TIẾN RA ĐẤT THÁNH. HÁT: KÍNH NHỚ TTÔBCM (TLễ ban sáng không có phần này)

05. K.DÂNG LỄ MISA.

06. THÁNH LỄ KÍNH NHỚ TỔ TIÊN-ÔNG BÀ-CHA MẸ.

 


KINH TRƯỚC LỄ MỒNG BA TẾT

 

 

01. DẤU ĐƠN – K.CHÚA THÁNH THẦN – TIN – CẬY – MẾN

 

02. CẦU CHO VIỆC CÀY CẤY+ THÁNH HÓA SỨC LAO ĐỘNG

Lạy Chúa là Thiên Chúa quảng đại khôn lường, xin đổ tràn ân phúc trên dân thánh Chúa đây, và xin cho ruộng đất chúng con đem lại hoa trái thật dồi dào. Xin dạy chúng con biết sử dụng như những người con thảo để tôn vinh Danh Thánh.

 

Lạy Chúa Cha toàn năng, Chúa đã cho chúng con được dùng sức lao động mà góp phần với Chúa trong công việc sáng tạo vũ trụ. Xin Chúa dạy chúng con biết quảng đại chấp nhận những khó nhọc hằng ngày, để kết hợp với công nghiệp cứu chuộc của Con Chúa mà mang lại lợi ích cuộc sống cho chính mình và cho anh em. Xin cho các công việc chúng con làm đều nên dịp liên kết chúng con lại trong tình yêu Chúa, để chúng con cùng nhau xây dựng thế giới này cho tới khi Chúa Giêsu Kitô Con Chúa trở lại, đem chúng con vào trời mới đất mới, hưởng hạnh phúc vinh quang của Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

03. XƯỚNG TIN MỪNG (Ga 5, 16-20)

04. SUY NIỆM

05. DÂNG LỄ MISA

06. HÁT ĐẦU LỄ

07. THÁNH LỄ CẦU CHO CÔNG VIỆC LÀM ĂN.