Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

SỬA LỖI ANH EM

SỬA LỖI ANH EM
(Lc 18,15-17)
15 "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

Suy Niệm: Tuân Tử, một hiền triết Trung Hoa đã nói:
"Kẻ khen ta mà khen thật, mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại ta mà thôi".
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy phải sửa lỗi trong tình huynh đệ, vì là con người không ai mà không lầm lỗi. Thánh Gioan đã quả quyết:" Nếu chúng ta nói mình không có tội, thì đó là tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta". Sửa lỗi huynh đệ là việc cần thiết và phải có nghệ thuật từng bước sửa lỗi cho anh em, và mời gọi hãy cùng nhau cầu nguyện với đấng công chính, đó là Đức Giêsu Kitô.

Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ, vì sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải bất hòa giữa anh em. Chúng con tin và can đảm sống điều đó," Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ".Amen.



Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ
Kha-na-ni-a và Xa-phi-ra gian lận
Cv 5, 1-11
5 1 Có một người tên là Kha-na-ni-a cùng với vợ là Xa-phi-ra bán một thửa đất. 2Ông đồng ý với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông Đồ. 3Ông Phê-rô mới nói: "Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Xa-tan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? 4Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao? Sao anh lại rắp tâm làm việc ấy? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa ." 5Nghe những lời ấy, Kha-na-ni-a ngã xuống tắt thở. Tất cả những ai nghe kể lại chuyện này đều rất sợ hãi. 6Các thanh niên đến liệm xác ông và đem đi chôn.
7Khoảng ba giờ sau, vợ ông đi vào mà không hay biết chuyện đã xảy ra. 8Ông Phê-rô lên tiếng hỏi: "Chị nói cho tôi hay: anh chị bán thửa đất được bấy nhiêu, phải không? " Chị ta đáp: "Vâng, được bấy nhiêu thôi ." 9Ông Phê-rô liền nói: "Sao anh chị lại đồng lòng với nhau để thử thách Thần Khí Chúa? Kìa những người đã chôn cất chồng chị còn đứng ở ngoài cửa, họ sắp khiêng cả chị đi đấy! " 10Lập tức bà ta ngã xuống dưới chân ông Phê-rô và tắt thở. Khi vào, các thanh niên thấy bà đã chết, liền khiêng đi chôn bên cạnh chồng. 11Toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe kể chuyện này đều rất sợ hãi.

Không im lặng trước bạo quyền bất công
Không im lặng trước cường quyền, bất công, dối trá là xã hội đang tiến bước

'Cái giá của im lặng trước bất công'
"Nhưng tôi nghĩ rằng rồi đến lúc nào đó họ cũng phải cảm thấy cái giá họ sẽ phải trả cho việc thờ ơ đối với thời cuộc như thế nào và không dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ những người dám đấu tranh vì dân chủ, tự do, vì quyền con người, vì công lý,"
Ông Trần Tiến Đức nói với BBC hôm 20/12/2014.

 

Không im lặng trước tội lỗi và bất công


Kinh Thánh: Nê-hê-mi 5:6-13
Câu gốc:
“Tôi cũng giũ vạt áo tôi, mà rằng: Phàm ai không giữ làm theo lời hứa này, nguyện Đức Chúa Trời hãy giũ hắn khỏi nhà và khỏi hoa lợi của công lao hắn; nguyện hắn bị giũ sạch không như vậy!”
 (câu 13a).
Nê-hê-mi 5:6-13:
6 Khi tôi nghe các lời nầy và tiếng kêu la của họ, bèn lấy làm giận lắm. 7 Lòng tôi bàn tính về điều đó, cãi lẫy với những người tước vị các quan trưởng, mà rằng: Các người buộc tiền lời cho mỗi người anh em mình! Tôi nhóm lại một hội đông đảo đối nghịch chúng, 8 mà nói rằng: Cứ theo quyền chúng ta có chuộc lại anh em chúng ta, là người Giu-đa, mà đã bị bán cho các dân tộc, và các ngươi lại muốn bán anh em mình sao? Chớ thì họ sẽ bị bán cho chúng ta sao? Chúng bèn làm thinh chẳng biết nói chi nữa. 9 Tôi lại nói: điều anh em làm chẳng được tốt. Anh em há chẳng đáng lẽ ăn ở cách kính sợ Đức Chúa Trời, e bị sỉ nhục giữa các dân tộc, là thù nghịch của chúng ta, sao? 10 Tôi, anh em tôi, và các đầy tớ tôi cũng có cho họ vay mượn bạc và lúa mì vậy. Nhưng tôi xin anh em hãy bỏ cái ăn lời nầy. 11 Tôi xin anh em chánh ngày nay, hãy trả lại cho họ đồng ruộng, vườn nho, vườn ô-li-ve, và nhà cửa của họ, cùng lời một phần trăm về bạc lúa mì, rượu, và dầu, mà anh em đã bắt họ nộp. 12 Chúng nói rằng: Chúng tôi sẽ trả lại, và không đòi họ chi hết; chúng tôi sẽ làm như vậy y ông đã nói. Tôi đòi những thầy tế lễ, bắt chúng thề phải làm theo như lời hứa đó. 13 Tôi cũng giũ vạt áo tôi, mà rằng: Phàm ai không giữ làm theo lời hứa nầy, nguyện Đức Chúa Trời hãy giũ hắn khỏi nhà và khỏi hoa lợi của công lao hắn; nguyện hắn bị giũ sạch không như vậy! Cả hội chúng đồng nói: A-men! Chúng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Đoạn, dân sự đều làm theo lời hứa ấy.”

Câu hỏi suy ngẫm:
Ông Nê-hê-mi làm gì khi biết được trong đám dân Giu-đa có nạn người bóc lột người?
Giới quyền thế đã đáp ứng thế nào trước sự khiển trách và lời kêu gọi của ông Nê-hê-mi?
Chúng ta thường làm gì khi thấy tình trạng bất công, sai trái trong Hội Thánh?

Khi nghe và chứng kiến tình trạng người nghèo bị bóc lột, ông Nê-hê-mi đã vô cùng căm phẫn và mạnh mẽ lên tiếng bênh vực những người cô thế bị chèn ép. Ông Nê-hê-mi đã không ngần ngại khiển trách hành vi xiết nợ của giới quyền thế. Ông phân tích vấn đề để những người giàu có này thấy rằng, ông và nhiều người khác đã phải cất công chuộc lại người Giu-đa từ những người ngoại quốc khác. Vậy thì không có lý do gì mà giới quyền thế lại muốn bán anh em mình cho người ngoại quốc, để ông Nê-hê-mi lại phải chuộc họ lần nữa sao? Ông Nê-hê-mi cũng mạnh dạn chỉ trích hành vi của giới quyền thế là không đẹp lòng Chúa, và điều đáng đau buồn hơn là hành vi vô nhân của họ sẽ bị các dân tộc thù nghịch sỉ nhục và chê cười (câu 9). Không dừng lại ở những lời lên án, ông Nê-hê-mi cũng đứng ra khuyên giới quyền thế hãy bỏ thói lấy lãi khi cho vay vì Đức Chúa Trời cấm điều đó (Phục Truyền 23:19-20). Đồng thời, ông cũng kêu gọi giới quyền thế hãy trả lại ruộng vườn, nhà cửa cùng tiền lãi trước kia họ đã bắt người nghèo phải nộp cho mình. Điều đáng mừng là giới quyền thế đã đồng ý làm theo những điều ông Nê-hê-mi kêu gọi. Ông lại cũng bắt họ phải hứa nguyện trước Chúa rằng họ sẽ làm y như những gì họ đã hứa. Và quang cảnh trong câu 13 dường như sáng sủa hẳn lên khi mọi người đồng thanh nói A-men và ai nấy đều chúc tụng Đức Giê-hô-va.
Có thể lắm chúng ta vô cùng ngưỡng mộ trước hành động nghĩa hiệp của ông Nê-hê-mi vì ông không yên lặng trước tội lỗi của anh em mình. Nhưng trớ trêu thay, chúng ta lại thường im lặng không dám có ý kiến khi nhìn thấy những điều sai trái trong Hội Thánh. Chúng ta lắm lúc cũng không đủ can đảm lên tiếng bênh vực những người cô thế vì sợ quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Hay tệ hại hơn nữa là chúng ta chấp nhận lối sống cầu an vì nghĩ đó không phải là chuyện của mình. Bài học hôm nay thách thức những ai bấy lâu nay chỉ biết sống yên ổn cho chính mình mà lại vô tâm trước sự bất công, sai trái đang xảy ra quanh mình. Im lặng trước sự sai trái cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang dung túng hay âm thầm đồng lõa để tội lỗi tiếp tục diễn ra.
Bấy lâu nay bạn đã có thái độ và hành động gì trước những bất công, sai trái xảy ra quanh mình?
Lạy Chúa, xin dạy con yêu mến sự chánh trực và công bình. Xin cho con có đủ can đảm bênh vực những người cô thế đang cần sự giúp đỡ quanh con.


SỰ TÀN NHẪN CỦA IM LẶNG

SỰ TÀN NHẪN CỦA IM LẶNG

Tục ngữ Việt Nam có câu “im lặng là vàng”, “một điều nhịn, chín điều lành” hay “dĩ hòa vi quý”. Bản chất của những lời răn này là dạy con người ta tiết chế cảm xúc, biết hành xử vừa phải, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Đáng tiếc thay, “một bộ phận không nhỏ” trong chúng ta đang vận dụng lời răn này một cách sai lệch. Đó là sự im lặng tuyệt đối trước sự thật, im lặng nhu nhược trước cái ác hay im lặng nhẫn nhục trước bất công.
Phải chăng, ban đầu thói quen này xuất phát từ sự cả nể, tâm lý xuê xoa, ngại va chạm? Phải chăng, đâu đó không ít trong chúng ta quan niệm rằng “nói ra chẳng phải đầu cũng phải tai” trong khi “chẳng được lợi lộc gì”? Để rồi vì thế, lựa chọn im lặng được đưa ra để khỏi mất lòng ai, tránh mâu thuẫn, thù oán.
Phải chăng đó là biểu hiện của sự bất lực hay một tâm thế phản ứng tiêu cực với cái sai, nơi mà người ta lựa chọn im lặng thay vì hùa theo nó. Liệu ta có thể hài lòng khi lựa chọn im lặng trước khuyết điểm của đồng nghiệp và tự nhủ chỉ cần ta không tung hô họ đã là đủ. Liệu ta có thể thuyết phục được ta rằng chỉ bản thân sự im lặng của mình đã là thông điệp đủ mạnh để thay đổi cái sai và chỉ với chừng ấy ta cảm thấy không hổ thẹn với chính mình?
Phải chăng chúng ta không có niềm tin vào hiệu ứng từ sự lên tiếng của mình? Hay đã quen với việc tự nhủ “một cây làm chẳng lên non” dẫn đến lo sợ bị đánh giá là “ngựa non háu đá”? Có phải ai ai trong chúng ta cùng tự nhủ “mình nhường để người khác nói”, để rồi cứ im lặng chờ đợi trong…im lặng? Có lúc nào đó chúng ta tự biện hộ cho việc im lặng của bản thân mình như một sự “hy sinh thầm lặng” cho sự bình yên của chính bản thân và gia đình chúng ta?
Phải chăng đó chính là sự đầu hàng với chính bản thân mình, với cái sai, cái ác. Hay im lặng là sự hoài nghi của chúng ta vào chân lý, vào niềm tin cái thiện sẽ thắng cái ác, dù có phải trải qua một quá trình tranh đấu lâu dài? Hãy cứ dành thời gian lắng nghe câu chuyện từ những bàn nhậu, quán cà phê hay quán trà chanh “chém gió” bên vỉa hè, tôi tin chúng ta sẽ được nghe thôi thì cơ man là những bất công, bất bình, phản biện được người ta lôi ra với bạn hữu. Người ta hăng say, hằn học, hậm hực, day dứt, trì triết, mỉa mai một ai đó, một quyết định sai nào đó đã được đưa ra ở cơ quan mình dù cho khi quyết định ấy được đưa ra, họ hoàn toàn im lặng, họ giơ tay biểu quyết và thực tế, họ là một phần của quyết định đó.
Sự tàn nhẫn của im lặng là ở chỗ bên cạnh việc phó mặc cho cái sai tồn tại, nó tạo ra một hiệu ứng im lặng có tốc độ lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng. Để rồi đến một lúc nào đó, im lặng lại được coi là cách hành xử khôn ngoan, chuẩn mực. Và như thế, im lặng chính là sự tàn nhẫn với sự thật, với điều đúng, và với cả vận mệnh của chính bản thân, gia đình và thậm chí cả một dân tộc.

Hãy phá vỡ sự im lặng.
Đã đến lúc chúng ta cần phải đối diện với sự thật rằng, im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác. Đã đến lúc chúng ta không thể trốn tránh được thực tế nghiệt ngã rằng im lặng có thể cho ta sự yên ổn tạm thời, nhưng dần dần nó sẽ xói mòi lương tâm, làm thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta. Sự yên ổn ấy, đáng tiếc thay chắc chắn sẽ không kéo dài lâu. Nó sẽ mau chóng qua đi và trả lại cho ta những mất mát, tổn thương với cấp số nhân so với chút yên bình giả tạo.
Phá vỡ thói quen im lặng là một quá trình đấu tranh dai dẳng và khắc nghiệt trong bản thân mỗi chúng ta. Hãy bắt đầu bằng việc lục vấn bản thân mỗi khi dằn lòng im lặng trước cái sai. Hãy kiên trì tìm đáp án cho câu hỏi “cái sai ấy, nếu mãi tồn tại, sẽ dẫn chúng ta về đâu?”. Hãy thử đặt câu hỏi liệu có một ngày nào đó, sự im lặng khiến chúng ta hay những người thân của chúng ta trở thành nạn nhân của một quyết định sai lầm nào đó được nuôi dưỡng bởi chính sự im lặng của chúng ta? Hãy thử mường tượng đáng nhẽ viễn cảnh đó sẽ không xảy  ra nếu sự im lặng của chúng ta được thay thế bằng những góp ý, việc làm cụ thể.
Hãy bắt đầu phá vỡ thói quen im lặng bằng những lời nói, việc làm cụ thể để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những sự thật mà trái tim bạn luôn gọi tên. Hãy bắt đầu từ việc ca ngợi những giá trị tốt đẹp, cốt lõi, hướng thiện được hun đúc bởi cả cộng đồng, được dàn trải qua nhiều thế hệ. Hãy bắt đầu bằng việc lên tiếng bảo vệ, đứng về phía những người/nhóm người thiệt thòi, yếu thế. Hãy đấu tranh, phản biện lại mọi hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử, góp phần đem lại sự công bằng, sự thừa nhận của cộng đồng.
Hãy bắt đầu phá vỡ sự im lặng trước cái sai bằng những đốm lửa nhỏ, bằng tình yêu với lẽ phải, bằng việc hòa mình vào một dòng chảy lớn hơn. Hãy bắt đầu bằng việc thôi cho ta thói quen thỏa hiệp với cái sai, hãy nhìn thẳng vào cái sai nhưng đừng với tâm thế hằn học, nhỏ nhoi, cực đoan và bạo lực. Hãy kiên trì, mềm dẻo cảm hóa cái sai với niềm tin một lúc nào đó chính cái sai cũng lên tiếng, hòa vào bản giao hưởng của Chân - Thiện - Mỹ, phá vỡ sự im lặng vốn ngự trị bấy lâu nay.

Tôi đã từng im lặng, và tôi bắt đầu bước ra khỏi nó.


Nguyễn Công Thảo