Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021



HỎI ĐÁP VỀ THÁNH LỄ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

WHĐ (5.2.2021) – Trong những ngày chuẩn bị mừng tết Tân Sửu, một vài câu hỏi được đặt ra cho các cử hành phụng vụ theo truyền thống Việt Nam. Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng giới thiệu tài liệu giải thích của linh mục Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, thành viên Uỷ ban Phụng tự.

 

Câu hỏi 1: Trong Sách Lễ Rôma [bản Việt ngữ 1992], liên hệ đến Tết Nguyên Đán, có những Thánh lễ đặc biệt của riêng Hội Thánh Việt Nam phải không?

 

Trả lời: Đúng vậy. Dựa theo văn hóa và truyền thống riêng của dân tộc Việt Nam cũng như dựa trên tinh thần của Hiến chế “Phụng vụ Thánh” [= PV] (số 40), Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra hai quyết định (vào 16/08/1971 và 04/1991) để hình thành một số lễ đặc biệt cho Hội Thánh Việt Nam được gọi là lễ cầu mùa hay lễ theo truyền thống dân tộc.[1] Những Thánh lễ đó là:

 

- 5 lễ vào dịp Tết Nguyên Đán: Tất Niên (tâm tình tạ ơn cuối năm); Giao Thừa (cầu bình an cho năm mới); Mùng Một/ Tân Niên (cầu bình an); Mùng Hai (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ); Mùng Ba (thánh hóa công ăn việc làm).

 

- 1 lễ vào dịp Tết Trung Thu (cầu cho thiếu nhi)

- 1 lễ vào ngày 05/05 Âm lịch (cầu mùa)

- 1 lễ vào dịp Quốc Khánh 02/09 (cầu cho tổ quốc)  

 

Câu hỏi 2: Có cần thay đổi gì trong phụng vụ để làm nổi bật nét văn hóa Việt Nam trong các Thánh lễ vào dịp Tết cổ truyền không?

 

Trả lời: Cho đến nay, trong tinh thần hội nhập văn hóa một cách thận trọng mà vẫn diễn tả đúng đức tin Kitô giáo và nghệ thuật thánh đích thực, chúng ta có thể tác động trên một số các yếu tố phụng vụ để tạo ra khung cảnh và bầu khí của ngày Tết cổ truyền như: [i] Môi trường phụng vụ: trang trí thánh đường với các thực thể hoặc biểu tượng của ngày tết như “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, chưng các loại hoa như: mai, đào, lan, cúc, trạng nguyên… (QCSL 305); [ii] Cuộc rước nhập lễ (chứ không phải tiến lễ) với bánh chưng bánh dày trong các lễ Tất Niên, Giao Thừa, Mùng Một/ Tân Niên, với các sản phẩm do địa phương làm ra trong Thánh lễ Mồng Ba Tết như biểu tượng cho một công việc đặc biệt hoặc căn tính của cộng đoàn địa phương (CHTL 180);[2] [iii] Âm nhạc: sử dụng các bài thánh ca phụng vụ mang âm điệu dân gian Việt Nam (QCSL 393; MVTN 90).   

  

Ngoài ra, khi cử hành những Thánh lễ trên đây, vì phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư nhưng là cử hành của toàn thể Hội Thánh (nói đúng hơn đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Hội Thánh và của Hội Thánh Người mà thừa tác viên cử hành là đại diện) cũng như nhằm tránh ngộ nhận và gìn giữ sự hiệp nhất trong Hội Thánh, “tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong phụng vụ” mà phải sử dụng một cách đúng đắn các yếu tố sau cho phù hợp với ngày lễ/mùa phụng vụ (x. PV 22, 26): [i] Bài lễ/ bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn nằm trong Sách Lễ Rôma. Nên nhớ rằng bài lễ của các lễ theo truyền thống dân tộc cũng đích thực là yếu tố phụng vụ đặc sắc và đậm chất văn hóa Việt Nam; [ii] Bài đọc Kinh Thánh riêng của ngày lễ nằm trong Sách Bài Đọc (QCSL 362, 390); [iii] Bài hát/thánh ca phù hợp với ngày lễ và nghi thức cử hành (QCSL 47-48, 74, 86-87, 367, 393; MVTN 73, 133, 162, 179, 180, 183); [iv] Phẩm phục phụng vụ: Theo QCSL 342, tại Việt Nam, đang khi còn cần phải nghiên cứu về lễ phục phụng vụ sao cho hợp với truyền thống dân tộc, trong khi cử hành Thánh lễ, không được sử dụng những lễ phục chưa được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận và Toà Thánh châu phê. Vì vậy, trong dịp Tết, các tư tế không nên tự tiện sử dụng các loại áo tụng/ áo dài khăn đống… mà nên mặc phẩm phục được quy định cho những ngày lễ này là màu trắng hoặc mặc lễ phục màu vàng vốn được coi là lễ phục long trọng tại Việt Nam vì là màu vương giả quý phái (QCSL 346g, 390).

 

Câu hỏi 3: Tết cổ truyền năm nay vào dịp cuối tuần, vậy Thánh lễ chiều thứ bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết) được cử hành Lễ Chúa nhật hay không?

 

Trả lời: Chúng ta tham khảo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] tại các số sau:

373. Lễ cầu cho những nhu cầu khác nhau hoặc trong những hoàn cảnh khác nhau là những lễ được cử hành trong một số hoàn cảnh hoặc đôi lúc xảy ra hoặc vào những thời kỳ nhất định. Các vị có thẩm quyền có thể chọn trong các lễ cho các nhu cầu khác nhau làm lễ Khẩn Cầu (Supplicationibus), mà Hội Đồng Giám Mục ấn định phải cử hành vào những dịp nhất định trong năm. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ định những ngày khẩn cầu và sám hối trong năm như sau: a) Những ngày cầu mùa:  1. Mồng Một Tết: Cầu cho năm mới; 2. Mồng Hai Tết: Cầu cho ông bà tổ tiên; 3. Mồng Ba Tết: Cầu cho công việc làm ăn; 4. Tết Trung Thu: Cầu cho Thiếu nhi. b) Những ngày sám hối: 1. Thứ Sáu quanh năm và mùa Chay (GL điều 1250); 2. Thứ Tư lễ Tro. Vì Thứ Tư lễ Tro thường hoặc trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định và đã xin Toà Thánh phê chuẩn để được dời việc xức tro và ăn chay vào ngày thứ Sáu hoặc thứ Bảy tiếp theo. Khi phải dời, Hội Đồng Giám Mục sẽ có thông báo cụ thể (x. Notitiae số 35 năm 2000, p. 32).

 

374. Khi gặp một nhu cầu hoặc một lợi ích mục vụ quan trọng, Giám Mục giáo phận có thể ra lệnh hoặc cho phép cử hành một Thánh lễ thích hợp vào bất cứ ngày nào, trừ các lễ trọng, các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục Sinh, các ngày trong Tuần bát nhật Phục Sinh, ngày lễ mọi tín hữu đã qua đời (2-11), thứ Tư lễ Tro và Tuần Thánh.

 

Thông thường, như Lịch Những Ngày Lễ Công Giáo (2020-2021) đã ấn định: chúng ta được cử hành Thánh lễ Chúa nhật vào chiều thứ Bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết) trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Tuy nhiên, chiếu theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (các số 373-374) vừa trích dẫn ở trên, vào chiều thứ Bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết), chúng ta được phép và rất nên cử hành Thánh lễ Mồng Hai Tết (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ) vào cả ngày thứ Bảy và Thánh lễ Mồng Ba Tết (thánh hóa công ăn việc làm) vào Chúa nhật vì những Thánh lễ này được coi là ưu tiên hơn Thánh lễ Chúa nhật mùa Thường niên. Mặt khác, đó là những lễ theo truyền thống dân tộc và mỗi năm chỉ xảy ra một lần (xem phần trả lời câu hỏi 1).

 

Câu hỏi 4: Đối với các cộng đoàn nước ngoài cử hành Thánh lễ ngoại ngữ thì như thế nào?

 

Trả lời: Vì 5 lễ vào dịp Tết Nguyên Đán [là Tất Niên (tâm tình tạ ơn cuối năm); Giao Thừa (cầu bình an cho năm mới); Mùng Một/ Tân Niên (cầu bình an); Mùng Hai (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ); Mùng Ba (thánh hóa công ăn việc làm)] thuộc về những ngày lễ đặc biệt cho Hội Thánh Việt Nam được gọi là lễ cầu mùa hay lễ theo truyền thống dân tộc (dành cho tín hữu Việt Nam khắp nơi trên thế giới), cho nên cộng đoàn nước ngoài vẫn cử hành Thánh lễ Chúa nhật như thường vào chiều thứ Bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết).

 

Câu hỏi 5: Nhiều nơi có thói quen cử hành Thánh lễ mùng 2 tết tại đất thánh (nghĩa trang), xin giải thích và hướng dẫn cử hành này.

 

Trả lời: Như phần trả lời câu hỏi 1 cho thấy “Thánh lễ Mùng Hai Tết” thuộc về phụng vụ rất riêng biệt của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta hiểu Thánh lễ này được cử hành thích hợp tại nhà thờ/nhà nguyện chứ không thấy thẩm quyền Hội Thánh đề nghị hay quy định cử hành tại nghĩa trang/ đất thánh. Vì vậy, thực hành cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo là một sáng kiến mục vụ hơn là thực hành thuộc về luật pháp và phụng vụ đúng nghĩa.

 

Có lẽ thực hành này phát sinh bởi những lý do sau: [i] Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, là Ngày cầu Hòa Bình cho gia đình, dân nước và thế giới. Ngày mồng hai Tết, cầu nguyện cho tiên nhân, cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, theo tinh thần của Đạo Hiếu. Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt;[3] [ii] Bản văn phụng vụ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” có chỗ hướng chúng ta đến việc cầu nguyện cho tiền nhân, những người đã “ra đi” trước chúng ta: “Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân” (Ca nhập lễ); “Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi” (Ca nhập lễ); “Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài” (Lời nguyện tiến lễ); [iii] Bài đọc I trích trong sách Huấn Ca nói về tổ tiên và ông bà cha mẹ với “mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế”.

 

Thực hành cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo hiện đã lan truyền tại nhiều giáo xứ. Vậy có nên tiếp tục thực hành này không? Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần làm một so sánh:

 

“Thánh lễ Mùng Hai Tết” rất khác với “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” được cử hành vào ngày 02/11 hàng năm và vốn thường diễn ra tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo. Ngoài ngày 02/11 ra, giáo xứ có thể cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo (chẳng hạn hàng tháng) với bài lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời” (QCSL 355, 381) và với lễ phục màu tím/ màu đen (QCSL 346). “Thánh lễ Mùng Hai Tết” cũng khác với tất cả những “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” như thế.

 

Sở dĩ “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” (02/11) được cử hành [ngoài trời] tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo là vì hôm ấy có thể coi là “ngày của người quá cố”. Chúng ta hiện diện và cử hành Thánh lễ ở đây thì thật là thích hợp để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả anh chị em tín hữu đã an giấc ngàn thu, những người vẫn tiếp tục phải trải qua thanh luyện hầu đạt tới sự thánh thiện cần thiết để sớm bao nhiêu có thể họ sẽ là những cư dân nơi thiên quốc (Roman Martyrology). Hơn nữa, tất cả không gian/ khung cảnh bên ngoài tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo cho thấy chúng hoàn toàn phù hợp với:

 

[i] Bài lễ của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” trong đó chúng ta khẩn cầu Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại (Ca nhập lễ 1; Lời nguyện nhập lễ 1&2), đã toàn thắng tội lỗi và thần chết (Lời nguyện hiệp lễ 2; Lời nguyện nhập lễ 3), đã đổ máu ra làm lễ tế giao hoà mở lòng khoan dung, từ bi nhân hậu mà rửa các tín hữu đã ly trần sạch mọi vết nhơ tội lỗi (Lời nguyện tiến lễ 2; Lời nguyện hiệp lễ 3), xin Người cứu họ thoát khỏi vòng tội lỗi (Lời nguyện hiệp lễ 2), giải thoát họ khỏi tử thần giam hãm và được sống muôn đời (Lời nguyện tiến lễ 3)/ đem lại cho họ “sự sống mới” (Ca nhập lễ 3)/ “sự phục sinh vinh hiển” (Lời nguyện nhập lễ 1)/ “vinh phúc muôn đời” (Lời nguyện nhập lễ 2)/ giúp họ hưởng niềm vui muôn đời” (Lời nguyện hiệp lễ 3)/ “chung hưởng vinh quang với Con Một Chúa” (Lời nguyện tiến lễ 1)/ “vào nhà Chúa, nơi đầy tràn ánh sáng và bình an” (Lời nguyện hiệp lễ 1)/  “cùng Người hưởng vinh quang phục sinh” (Lời nguyện hiệp lễ 2)/ “muôn đời chiêm ngưỡng Chúa là Ðấng tạo thành và giải thoát họ” (Lời nguyện hiệp lễ 3);

 

[ii] Bài đọc Kinh Thánh được công bố nhằm giúp chúng ta thêm xác tín vào Thiên Chúa hằng sống (Bài đọc 1 - Lễ I), Đấng sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần (Bài đọc I – Lễ II; Bài đọc 2 – Lễ III), Đấng có ý định không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Bài Tin Mừng – Lễ I; Bài đọc 2 – Lễ III); xác tín vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người là sự sống lại và là sự sống (Bài Tin Mừng – Lễ III, nhờ Máu của Người đổ ra mà chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và được hoà giải cùng Thiên Chúa (Bài đọc 2 – Lễ I), Đấng có quyền năng làm cho những kẻ đã chết  sống lại trong ngày sau hết (Bài Tin Mừng – Lễ I); mời gọi về phía con người: ai tin vào Đức Giêsu thì dù đã chết, cũng sẽ được sống, còn ai sống và tin vào Người thì sẽ không bao giờ phải chết (Bài Tin Mừng – Lễ III), họ sẽ được sống muôn đời, được sống lại trong ngày sau hết (Bài đọc 1 – Lễ I), được ở với Người trên Thiên Đàng (Bài Tin Mừng – Lễ II), ai cùng chịu đau khổ với Người thì sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Bài đọc 2 – Lễ II); về các tín hữu đã qua đời: chúng ta đang dâng hy lễ để cầu cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi (Bài đọc 1 – Lễ III);

 

[iii] Bài hát/thánh ca được cất lên có chủ đề về cuộc vượt qua của Chúa Kitô, về lượng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta tràn đầy hy vọng về số phận của những anh chị em đã qua đời sẽ được thoát hình khổ, thoát vực sâu vô tận, được từ cõi chết trở về nguồn sống, nguồn sống mà Chúa đã hứa cho Abraham và con cháu Người để rồi được Thiên Chúa cho sống mãi bên Chúa (x. Ca nhập lễ - Ca hiệp lễ và Ca tiến lễ ngày lễ 02/11 trong Graduale Romanum / Graduale Simplex).

 

Như vậy hầu như mọi yếu tố trong phụng vụ cho đến khung cảnh tại nghĩa trang/ đất thánh đều phù hợp với ý nghĩa và tâm tình của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là “Hy lễ Thánh Thể tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa Kitô, cầu cho những người đã qua đời, để nhờ sự hiệp thông giữa các chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, thì điều mang lại ơn trợ giúp thiêng liêng cho các chi thể này cũng đem lại niềm an ủi cậy trông cho các chi thể khác” (QCSL 379).

 

Trong khi đó, “Thánh lễ Mùng Hai Tết” hướng chúng ta về tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những đấng cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục chúng ta thành người (Lời nguyện nhập lễ). Trong ý hướng kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” thì việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất chỉ là một phần vì đây không hẳn là ngày của người quá cố/ chỉ tập trung vào những người đã ly trần. Phần còn lại, lớn hơn và quan trọng hơn chính là giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến đạo hiếu dành cho những người đang sống như một hình thái của sự thực hành đức tin đích thực: không được sống dựa vào truyền thống mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Bài Tin Mừng: Mt 15, 4-6). Đạo hiếu ở đây có thể được hiểu như trong Cổ thư (Hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, hai là không làm nhục cha mẹ, ba là có thể phụng dưỡng cha mẹ) vì những lời răn dạy này hoàn toàn phù hợp với thông điệp của Bài Tin Mừng ngày lễ Mùng Hai Tết nói riêng và tinh thần của Kitô giáo nói chung: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh”.[4] Đạo hiếu là hiếu nghĩa cả với những đấng bậc đã qua đời và những đấng bậc còn sống nữa. Đối với những bề trên đã qua đời, Hội Thánh khuyến dụ chúng ta biết tôn kính và noi gương các bậc tiền nhân vì các ngài là những người đạo hạnh, biết xót thương, tuân giữ Lề Luật, luôn tín trung son sắt đến cùng trong đức tin vào Chúa (Bài đọc I: Hc 44,10-15). Đối với bậc bề trên còn sống, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta biết sống đạo làm con trong việc vâng lời cha mẹ và tôn kính các ngài như một bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa (Bài đọc II: Ep 6, 1-3), “Con ơi giữ lấy lời Cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm” (Ca nhập lễ). Lời nguyện chúng ta dâng lên Chúa cũng chính là cam kết của chúng ta trong cuộc sống: “xin giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài” (Lời nguyện nhập lễ), “xin giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ” (Lời nguyện hiệp lễ).

 

Với những lý giải vừa trình bày, có lẽ sẽ không thích hợp lắm nếu chọn cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo. Hơn nữa, trong một cử hành đặc biệt khá long trọng như “Thánh lễ Mùng Hai Tết”, cùng với bản văn phụng vụ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết”, chúng ta được phép và rất nên hát kinh Vinh Danh (QCSL [1970] số 31; Notitiae 6 [1970] 263, no. 33; (QCSL [2002] số 53). Nhưng nếu hát kinh Vinh Danh ngay tại nghĩa trang thì thật là bất thường (QCSL 53). Dường như cũng bất thường không kém khi vào dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta lại không theo chỉ dẫn của Lịch Những Ngày Lễ Công Giáo mà đổi sang cử hành “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” tại nghĩa trang với lễ phục tím (QCSL 355, 381, 346), và nếu còn lôi cả bộ lễ mồ/cầu hồn ra hát vào dịp này nữa thì thật là thảm họa. Sự thay đổi bài lễ/ áo lễ/ nơi cử hành Thánh lễ như thế thực sự là không cần thiết và không thuộc ý định của Hội Thánh.

  

Để tránh những gì là không thích hợp và bất thường trên, nhiều nơi tiến hành cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” với bản văn phụng vụ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nhà thờ vào buổi sáng. Còn vào buổi chiều thì cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang với bản văn phụng vụ và bài đọc Sách Thánh của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”. Tuy nhiên, sáng kiến/ thực hành này nên tránh vì đụng phải hai vấn đề: [i] Thứ nhất, [theo như bản trả lời câu hỏi 2 ở trên], vào ngày Mùng Hai Tết, tất yếu chúng ta nên cử hành Thánh lễ với đúng áo lễ màu trắng/ áo vàng, đúng bản văn phụng vụ và đúng bài đọc Kinh Thánh riêng của ngày lễ Mùng Hai Tết vốn được soạn thảo và quy định chỉ để sử dụng một ngày trong năm. Điều này có nghĩa là không được thay thế áo lễ/ bài lễ/ bài đọc của Thánh lễ Mùng Hai Tết; cũng không được “trộn lẫn” theo kiểu mặc áo tím rồi sử dụng bài lễ và bài đọc của Thánh lễ Mùng Hai Tết; [ii] Thứ hai, “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” với bản văn phụng vụ và bài đọc Kinh Thánh riêng của nó đã được cử hành cách long trọng tại nghĩa trang vào ngày 02/11. Không những thế, chúng ta vẫn có thể cử hành “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” tại nghĩa trang nhiều lần khác nữa trong năm phụng vụ mỗi khi cần thiết. Hơn nữa, ngày nào chúng ta cũng cầu “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể). Vậy hà cớ gì lại dùng bài lễ của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” để thay thế cho bản văn phụng vụ và bài đọc Kinh Thánh riêng của ngày lễ Mùng Hai Tết.

 

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta rút ra kết luận thực hành cho phụng vụ ngày Mùng Hai Tết như sau:

 

[i] Thứ nhất, cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nhà thờ với lễ phục màu trắng/ vàng, với bản văn phụng vụ và bài đọc Sách Thánh của “Thánh lễ Mùng Hai Tết”;

 

[ii] Thứ hai, không nên cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo dù là với bản văn phụng vụ và bài đọc Sách Thánh của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” hay “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”;

 

[iii] Thứ ba, không được mặc lễ phục tím trong khi cử hành Thánh lễ với bài lễ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết”;

 

[iv] Thứ tư, các tín hữu nên đến nghĩa trang/ đất thánh để thăm viếng, chăm sóc mộ phần, tưởng nhớ và đọc kinh cầu nguyện cho tất cả những người thân yêu đã được Chúa gọi về như một việc đạo đức cá nhân mà không cần thiết phải có một thay đổi nào về phụng vụ (x. Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ (2001), số 260).

 


[1] “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma” [2002] (= QCSL), các số 373, 26, 395-399); “Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma”, các số 45-46.

[2] Xc. Catholic Bishops’ Conference of England Wales, Celebrating the Mass (Catholic Truth Society, 04/2005), 180.

[3] Đường Thi Trương Kỷ, Ý Nghĩa Linh Thiêng Ngày Tết Nguyên Đán”, < https://gpcantho.com/y-nghia-linh-thieng-ngay-tet-nguyen-dan/>

[4] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 48.

 

SỚ TÁO QUÂN MỪNG XUÂN QUÝ TỴ GIÁO XỨ THÁNH GIA K1B






SỚ TÁO QUÂN

MỪNG XUÂN QUÝ TỴ 

GIÁO XỨ THÁNH GIA K1B

 

NHÂN VẬT:

      -Ngọc Hoàng

      -Nam Tào

      -Bắc Đẩu

      -Lính hầu(2)

      -Các Táo (gồm Táo xứ và 4 Táo Làng)

CẢNH: Cảnh dinh Ngọc Hoàng trên Thiên đình

 

NỘI DUNG:

     Khi mở màn thì trên sân khấu có Ngọc hoàng ngồi giữa quay xuống-dáng vẻ rất uể oải, phía sau có 2 lính hầu đứng quạt. Hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu đứng quay ngang phía dưới.

NGỌC HOÀNG: (Vươn vai một cái trước khi nói)

Này hỡi các khanh

Chỉ còn vài canh

Là qua năm mới

Trẫm đây chỉ đợi

Vừa tới giao thừa

Hết việc bẩm thưa

Về cưa một giấc (ngáp thật dài)

BẮC ĐẨU: (Hướng về phía Ngọc Hoàng, hai tay thi lễ nói)

Muôn tâu Ngọc Đế

Thần xin báo để

Ngọc Đế tỏ tường

Các Táo bốn phương

Đến dường đã đủ

Chỉ còn mấy chú

Giáo Xứ Thánh Gia

Vạn dặm đường xa

Vẫn vô âm tín

 (Vừa lúc đó có tiếng điện thoại reo vang)

NAM TÀO: (móc túi lấy điện thoại di động nghe)

Alô- đây là tư dinh Ngọc Hoàng, Nam Tào đang nghe… Vậy hả! (Nói xong cất DT vào túi hướng về NH thi lễ nói)

Muôn tâu chúa thượng

Ngọ môn vừa điện

Hiện có năm tên

Mình mẩy tèm lem

Xem chừng giống táo

Chúng vừa trình báo

Vì giáo xứ xa

Không có xe nhà

Thành ra đi trễ

NGỌC HOÀNG: Truyền cho chúng vào

NAM TÀO: (Lại móc ĐT ra định bấm)

NGỌC HOÀNG: (Vỗ bàn thật mạnh)

Này hỡi Nam Tào

Chỉ thị thế nào

Tại sao không nhớ?

NAM TÀO: (Dáng khúm núm)

Dạ- Thần chẳng nhớ điều chi ạ!

NGỌC HOÀNG:

Từ lâu ta ước

Sắm chiếc phôn tay

Để mà ra oai

Với bày cung nữ

Nhưng phu nhân cứ

Cự nự chẳng cho

Vì nàng cứ lo

Hao cho ngân qũi

Nên ta cáo thị

Cấm chỉ các quan

Đến dinh Ngọc Hoàng

Mà mang di động

NAM TÀO: (Cất ĐT vào túi rồi nói to)

Ngọc Hoàng thứ lỗi

Thần già quá đỗi

Nên vội hay quên

Xin hãy khai ân

Cho thần một chuyến

NGỌC HOÀNG:

Được, ta tha cho khanh lần cuối đó

BẮC ĐẨU: (Hướng ra phía ngoài nói to)

Truyền cho chúng vào

CÁC TÁO: (Cả 5 táo cùng đi vào và đồng thanh nói)

Chúng thần là táo

Giáo xứ Thánh Gia

Ra mắt long nhan

Thánh Hoàng vạn tuế-vạn vạn tuế

NGỌC HOÀNG: (Đập bàn quát to)

Hay cho Thánh Gia, giỏi cho Thánh Gia

Ta nhớ hàng năm

Cứ “hăm ba” Tết

Táo quân về hết

Chúc Tết Ngọc Hoàng

Chỉ riêng mấy chàng

Táo Xứ Thánh Gia

Ta đây rất bực

Vì chứng rùa bò

Họp nhỏ họp to

Chuyên mò đến trễ

Mình mẩy hem hễ

Chẳng nể thánh hoàng

Không trị đàng hoàng

Chúng càng quá quắt.

 


TÁO XỨ: (Run rẩy bước ra trước qùi xuống)

Muôn tâu Ngọc Đế

Xin đổ hồng ân

Chúng táo dưới trần

Vô vàn cảm tạ

Bao nhiêu vất vả

Biết tả sao đây

Con đã định ngày

Đường dài đặt định

Nhưng ngoài dự tính

Lỉnh kỉnh thế gian

Chướng ngại muôn vàn

Đường đi xa lắc

Ngúc ngắc giấy tờ

Nếu gặp tay mơ

Trễ giờ bệ kiến

Nhờ ơn trời khiến

Mọi sự trôi xuôi

Tưởng đã sướng đời

Lơi khơi tiến tới

Trước thềm năm mới

Chờ đợi từ xa

Kẻ chạy xe ra

Nếu mà quên lãng

Thiếu mũ bảo hiểm

Khó kiếm đường đi

Phải vội quay về

Liệu bề tiến thủ

Cái khâu mượn mũ

Đã đủ lao đao

Xăng nhớt tiêu hao

Ruột nào chẳng xót

Chúng thần như một

Hạn chót tới đây

Khốn khổ đường dài

Xin ngài thương xót

 

 


NGỌC HOÀNG:

Này hỡi các con

Còn núi còn non

Còn lòng thương xót

Cay bùi chua xót

Từng giọt đau thương

Trăm dạ đoạn trường

Hằng thương kẻ khó

Giờ đừng méo mó

Truyện nhỏ chuyện to

Thành thật khai ra

Từ nhà đến xứ

Ngon thiu chẳng cứ

Bé bự ngắn dài

Một hai ngàn chuyện

Tất bật diễn biến

Tiệm tiến bẩm nhanh

Trẫm xét lòng thành

Liệu phần luận thưởng

BẮC ĐẨU:

Nay táo Thượng Môn

Chớ giả ngây ngô

Mau ra tấu sớ

Không được nhí nhố

 




TÁO Làng Thượng Môn 

(bước ra phía trước báo cáo, NH nghe tỏ vẻ rất thú vị)


LÀNG THƯỢNG MÔN

 

Muôn tâu Ngọc Đế

Mùa xuân đã về

Táo đây xin kể

Tổng thể tình hình

Trong làng của táo

Số hộ năm bảy

Khẩu lẻ ba chín

Còn chẵn hai trăm

Mai này thêm nữa

Vừa đủ bảy đôi

Chung tay chung sức

Xây dựng họ nhà

Vui tươi hạnh phúc

Kinh tế mọi nhà

Năm qua phát triển

Điển hình như lúa

Hai mùa bội thu

Năm nay tăng vụ

Làm nên ba vụ

Tệ nạn lai rai

Đường xá rộn ràng

Đi lại dễ dàng

Tình làng nghĩa xóm

Hoà thuận thương yêu

Muôn điều êm đẹp

Dẹp tan hận thù

Giúp cho giáo họ

Một năm hạnh phúc

Còn về sống đạo

Siêng năng đi lễ

Không hề chậm trễ

Lớn bé chuyên chăm

Lúc đọc Phúc Âm

Khi phần ngắm nguyện

Cùng nhau vững tiến

Phát triển bền lâu

Cùng nhau hồ hởi

Thêm nhiều cái mới

Kẻ ở người đi

Di dời không có

Đến để nhập cư

con số là một

Ra đời sồn sột

Tính được 7 em

Ra đi là bốn

Nhiều điều khốn đốn

Kể siết không xong

Truyện đời long đong

Thế rồi cũng xong

Nay đến vụ này

Tham gia phục vụ

Phân công nhân sự

Không ai cãi cự

Vui vẻ nhận lời

Trước khi thần biến

Kính chúc Ngọc Hoàng

Cùng toàn Giáo Xứ

 Năm mới an khang

Muôn vàn phúc lộc.

 


NGỌC HOÀNG:

Làng này ít người

Nhưng chớ có lười

Kéo vời người khác

Nay ta thêm việc

Nối tiếp dân cư

Hãy gắng cần cù

Đền bù xứng đáng

NAM TÀO:

Đến Táo Sơn Hà

Chớ vội kề cà

Mọi điều tốt xấu

Thực lòng bẩm tấu

Chớ láo mà nguy

Sổ sách đã ghi

Mọi vịêc chi ly

Đừng ỳ ra đó

TÁO Làng Sơn Hà 

(Bước ra trước báo cáo, NH nghe vẫn còn có vẻ tỉnh táo)






LÀNG SƠN HÀ

 

Tấu trình Ngọc Đế

Từ nơi trần thế

Thần kíp về đây

Trình bức sớ này

Cho ngài được rõ

Tình hình nhân sự

Số hộ tram mười

Từ già đến bé

Vừa đủ bốn trăm

Số lẻ là năm

Năm nay học hành

Chẳng kém hai mươi

Đại học mười ba

Khi ra thành phố

Thi thố tài năng

Sĩ tử kháo rằng

Chỉ bằng chúng nó

Thật khó chẳng chơi

Học nơi thị trấn

Là đám cấp ba

Tính ra số bốn

Chẳng ngán đường xa

Từ nhà ra phố

Vẫn cố học chăm

Cho bằng thiên hạ

Là cấp một hai

Chưa rõ anh tài

Ngày mai ngày mốt

Đã học khá tốt

Như chị như anh

Văn hoá nói chung

Không ngừng phát triển

Chỉ tiến không lùi

Người người an vui

Xây đời sống mới

Ai nấy phấn khởi

Hồ hởi trong lòng

Đề phòng tệ nạn

Cái nạn xì ke

Rượu chè be bét

Số đề số đéc

Cũng có sơ sơ

Khắp nơi trong xóm

Sản xuất tăng gia

Từ gà ngan vịt

Đến thịt heo hơi

Cung cấp nhiều nơi

Tiền lời đáng kể

Hiện ít hộ nghèo

Không còn hộ đói

Nghĩa xóm tình làng

Nhịp nhàng gắn bó

Khốn khó có nhau

Giàu sang chia sẻ

Cho kẻ còn nghèo

Neo đơn hoạn nạn

Đấy là việc đời

Giờ thời đến đạo

Để tạo gia đình

An hòa thánh thiện

Trong ấm ngoài êm

Mọi người chẳng quên

Noi gương gia thất

Lao động rất chăm

Bụng dạ thật thà

Tránh xa dịp tội

Lần chuỗi Môi Khôi

Cầu kinh sớm tối

Như lời chủ chăn

Sang năm Quý Tỵ

Mọi người nhất trí

Đi tới các nơi

Có người khốn khó

Thăm viếng hỏi han

Ân cần giúp đỡ

Những kẻ cơ hàn

Nghèo nàn bệnh tật

Một miếng khi đói

Bằng gói khi no

Tiền của không lo

Tấm lòng rộng mở

Nhắc nhở lẫn nhau

Sống đúng Phúc Âm

Giữa lòng dân tộc

Phúc lộc từ Trên

Tự nhiên sẽ tới

Trước thềm năm mới

Táo có đôi lời

Chúc tiên trên trời

 Tới người trong xứ

 Mọi sự an lành

Muôn vàn ân phúc

Kết thúc là đây

Táo này xin kiếu.


 

NGỌC HOÀNG:

Tấu nghe cũng được

Thôi ta châm chứơc

Hãy vượt thắng lên

Bền bỉ triền miên

Trung kiên truyền giá

Sống đời thiện hảo

Cố gắng đổi trao

Kinh nghiệm dồi dào,

Thôi mau lui xuống

BẮC ĐẨU:

Lượt làng Hiệp Hoà

Đừng có lè nhè

Căn me lém lỉnh

Không nên lỉnh kỉnh

Bất tuyệt thao thao

Mau hãy dập đầu

Không cần văn vẻ

TÁO Làng Hiệp Hoà: 

(Bước ra báo cáo, trong khi đó thì NH bắt đầu ngủ gật, lính hầu phải lay dậy và sau khi nghe NH nói nhỏ thi vào bưng ra cho NH một ly cà phê)





LÀNG HIỆP HÒA

 

Muôn tâu Thánh Thượng

Dưới tướng Gioan

Năm cũ an khang

Táo thần xin báo

Tình hình họ đạo

Số hộ chín ba

Nhân danh trăm bốn

Lẻ vừa chục sáu

Tính hết cả làng

Bốn trăm sáu chục

Cấp một bề bề

Cấp hai vô số

Học sinh trung học

Chỉ số là ba

Chục dư đại học

Đặc biệt tu trì

Tổng số một Dì

Đi tu ba chị

Thần xin chuyển mục

Đến khúc tình ca

Đám cưới làng nhà

Được là chín cặp

Tân tòng không có

Trụ cột vững vàng

Ít kẻ lang thang

Đạo dòng đạo gốc

Nhiều người như một

Phục vụ yêu thương

Cố gắng nêu gương

Một đường tấn tới

Càng thêm phấn khởi

Mục vụ luân phiên

Chuyển nhóm liên miên

Xướng kinh đọc sách

Kể như vanh vách

Nhà sạch đường vui

Giảm hẳn lôi thôi

Vui đời đạo đức

Cũng còn hơi bực

Các đấng đàn ông

Đôi lúc chơi ngông

Đi rông nhậu nhoẹt

Say sưa be bét

Bốc phét ngang trời

Lũ trẻ ham chơi

Lôi thôi biếng học

Bệnh gần trổ nóc

Mới phát giác ra

Sản xuất tăng gia

Nhiều nhà khấm khá

Kẻ ra phố xá

Mua đất dựng nhà

Kẻ đến đồng xa

Bôn ba thuê ruộng

Đời thêm vui sướng

Máy cắt máy cày

Lao động miệt mài

Tương lai hạnh phúc

Bởi nhiều tài lộc

Đôn đốc lẫn nhau

Kinh nghiệm đổi trao

Tươi màu xuân mới

Hướng về năm tới

Giáo dục cháu con

Bồi dưỡng mầm non

Điểm son cố gắng

Bốn mùa mưa nắng

Vượt thắng khó khăn

Tự dựng xóm làng

An khang thịnh vượng

Muôn tâu thánh thượng

Sự việc còn nhiều

Tổng kết ít điều

Xin liều báo cáo

Thần xin trọn đạo

Dâng tới long nhan

Thánh đức muôn vàn

Đầy tràn vinh hiển

Cho thần xin biến…(í a) xin biến.

 




NGỌC HOÀNG:

Hẩu lớ hẩu lớ

Làng này vẫn khớ

U ớ mà hay

Đời đạo ngày ngày

Miệt mài vững bước

Tinh thần hài hước

Muôn sự đều vui

Cho phép thoái lui

Về vui đón tết

NAM TÀO:

Đến táo Tân đê

Ngủ gật ngủ mê

Mau ra bẩm rõ

Trong ngoài cho tỏ

Đường ngõ dọc ngang

Chớ có vênh vang

Đàng hoàng báo cáo

TÁO Làng Tân Đê: (Bước ra báo cáo)




LÀNG TÂN ĐÊ

 

Muôn tâu Ngọc Hoàng

Mùa Xuân đã đến

Xin để thần tâu

Tổng thể tình hình

Trong họ của thần

Có hơn trăm hộ

tổng số khẩu là

bốn trăm chín bảy

Học sinh sinh viên

Hai sáu em tròn

Kinh tế trong làng

Mỗi ngày phát triển

Máy nhỏ máy to

Hoạt động thay người

Cuộc sống thanh nhàn

Lúa trúng bể bồ

Nhà nhà hạnh phúc

Còn về tệ nạn

Cũng có lai rai

Đá gà chơi số

Kể ra cũng khớ

Ngoài ra thì khá

Chỉ có anh em

Vui vẻ bên nhau

Tính chuyện về sau

Làm ăn tấn tới

Đường phố rộn ràng

Qua lại dễ dàng

Tình làng nghĩa xóm

Hoà thuận thương yêu

Mọi điều tốt đẹp

Giúp cho hàng  xóm

Mỗi ngày phát triển

Tốt đạo đẹp đời

Về đời sống đạo

Siêng năng mỗi ngày

Kinh Thánh đủ đầy

Đời thêm vững tiến

Xin chuyển báo qua

Đạo đức làng ta

Nhà nhà phấn khởi

Tâm tình đổi mới

Sớm tối học hành

Phân nhóm rành rành

Tới quanh mục vụ

Nào cô nào cụ

Tuần tự xướng kinh

Nay chị mai anh

Phúc Âm hát đáp

Tuy còn vấp váp

Chuyện khác tấu ra

Là các quý bà

Vào hai giờ đúng

Có giờ nguyện ngắm

Xin Chúa xót thương

Còn về việc chung

Có phần lúng  túng

Phân công chưa đúng

Nên sượng chưa thông

Được như ước mong

Phải còn phấn đấu…..

 

Nay thần xin tấu

Đến việc số dân

Chúa đã gọi dần

Về chầu không có

Đếm trong sổ bộ

Sinh được hai mươi

Lập sổ hôn nhân

Hai mươi chín chẵn

 

Trước thềm năm mới

Hướng tới ngày mai

Giáo dục lâu dài

Miệt mài đèn sách

Nhà thơm đường sạch

Trúng cách văn minh

Trai gái đẹp xinh

Giữ gìn nề nếp

Mừng xuân hoa đẹp

Dọn dẹp trong ngoài

Nay kính bẩm Ngài

Đôi vài chi tiết

Trước khi chấm hết

Lết bết đôi hàng

Dâng trước thánh nhan

Xin ngàn phước lộc

 

Giờ thần xin chúc

Vĩnh phúc thánh quân

Trường thọ luôn luôn

Xin chuồn một mạch….








NGỌC HOÀNG:

Nghe ra cũng được

Hãy vượt thắng lên

Những kẻ trung kiên

Vẫn luôn được phúc

BẮC ĐẨU: Táo xứ báo cáo 

(Táo Xứ khép nép bước ra báo cáo) 






TÁO XỨ THÁNH GIA

 

Muôn tâu Ngọc Đế

Thời giờ đã trễ

Xin để thần tâu

Những chuyện cần hầu

Táo “dâu” đã kể

Thần đây chỉ đệ

Tổng thể tình hình

Thế sự nhân sinh

Kính trình Ngọc Đế.

………………

Trước tiên thần kể

Về chuyện cha Tâm

Ngài đã bao năm

Chăm lo xứ đạo

Ra công kiến tạo

Chuyện đạo chuyện đời

Nêu gương sáng ngời

Từ nơi cuộc sống

Nhưng do tuổi lớn

Đau ốm thất thường

Lượng cả bề trên

Cho ngay Cha Phó

……………

Rất may đã có

Cha Phó về liền

Bàn giao trách nhiệm

Họ lẻ Kitô

Độc lập mọi bề

Gắng sức duy trì

Thăng tiến tùy nghi

Sao cho hợp lý

Các làng các giới

Giúp ngài thực hiện

Nhiệm vụ được giao

Dù có lao đao

Gắng mà bươn chải

…………..

Thánh hóa năm qua

Tổ chức tại gia

Nhà nhà học tập

Thi đua tấp nập

Bài cấp hằng tuần

Từng làng đưa quân

 Luân phiên ứng thí

Đề tài dựa ý

Quản lý gia đình

Đừng để phát sinh

Tình hình tệ nạn

Cùng nhau mạnh dạn

Như đạn phòng không

Truyền thống tổ tông

Phải trông phải giữ

Thế gian muôn sự

Nhưng tự người ta

Cuộc sống sa đà

Tách xa Lời Chúa

Một điều cần nữa

Sống gữa thế nhân

Phải biết góp phần

Khi cần có mặt

…………

Riêng khâu phục vụ

Xem ra xôm tụ

Vì vụ phân công

Làng giới đều đồng

Thông phần đóng góp

Điều này rất tốt

Cốt để người ta

Có dịp nhận ra

Đây là trách nhiệm

Thực hiện việc xong

Luôn cảm thấy lòng

Được mong gần Chúa

…………………

Tuy vào mùa lúa

Mừng Chúa Giáng Sinh

Tổ chức linh đình

Với nhiều hình thức

Về mặt đạo đức

Đánh thức nội tâm

Thành thật chờ mong

Hướng lòng đón Chúa

Ngoài ra còn có

Hang đá nhỏ to

Đến cho thật đẹp

Xứ Đoàn được phép

Diễn tập Thánh Kinh

Thật là vui vẻ

Thiếu nhi giới trẻ

Hiền mẫu phụ thêm

Gia trưởng tiếp liền

Xa gần náo nhiệt

………………….

Một điều đặc biệt

Cà phê hiệp thông

Càng lúc càng đông

Không màng tốn phí

Mục tiêu cao quý

Cốt chỉ làm sao

Mục vụ tuần nào

Cũng vào chia sẻ

Bàn nhau cặn kẽ

Lẽ sống cuộc đời

Phát triển nơi nơi

Cho đời thêm đẹp

………………..

Muôn tâu Ngọc Đế

Thường vào dịp tết

Rượu chè bê bết

Tệ nạn diễn ra

Cờ bạc đá gà

Thật là quyết liệt

Tấn công tiêu diệt

Đặc biệt thể thao

Sức khỏe dồi dào

Tạo bầu khí tốt

Gây tình đoàn kết

Đăng ký ghi tên

Vui vẻ cả làng

Thêm đàng truyền giáo

……………….

Muôn tâu Ngọc Đế

Về mặt xã hội

Cuối năm đã vội

Thêm tội không tiền

Nhà nước ưu tiên

Làm đường làm xá

Tuy dân phải trả

Nhưng đã được vay

Trả góp lâu ngày

Nên ai cũng thích

……………..

Một điều đáng nói

Là ở xứ thần

Bà con giáo dân

Đa phần sống tốt

Nhưng nay nhiễm mốt

Bấm đốt chơi đề

Chơi riết đâm mê

Trăm bề khốn khổ

Thần xin thố lộ

Cùng với ngọc hoàng

Chỉ lối chỉ đàng

Để thần khắc phục

……………

Muôn tâu Ngọc Đế

Đôi điều thần báo

Táo nói đã xong

Chúng thần quyết tâm

Đức Tin truyền đạt

Thi đua sống đạo

Sao đáng chứng nhân

Cầu nguyện viếng thăm

Chăm làm bác ái

Cùng nhau hăng hái

Ra sức dựng xây

Giáo xứ mỗi ngày

Càng thêm phát triển

Trước khi thần biến

Kình chúc ngọc hoàng

Năm mới an khang

Muôn vàn phúc lộc

………………..



 


Ngọc Hoàng tỉnh táo lại

NAM TÀO:

Truyền cho các táo

Giáo Xứ Thánh Gia

ra nhận tiếp chỉ


NGỌC HOÀNG:

Này hỡi các khanh

Ta cũng muốn dành

Vài canh tâm sự

Nhưng thời gian cứ

Tuần tự trôi qua

Chẳng còn bao xa

Đã qua năm mới

Sức ta đã đuối

Vì tuổi qúa cao

Ta chỉ mong sao

Được vào ngơi nghỉ

      *

Trước khi từ giã

Ta mong tất cả

Phải hạ quyết tâm

Năm mới vươn lên

Trên đường thánh đức

Ra công góp sức

Xây dựng xứ nhà

Phát động rộng ra

Nhà nhà truyền giáo

Đó là huấn đạo

Giáo hội đã khuyên

Theo lời Chúa truyền

Khi còn dưới thế

      *

Ngoài ra phải tính

Phát triển tài chính

Điều chỉnh chi tiêu

Cố gắng làm sao

Nâng cao đời sống

Tệ nạn quyết chống

Truyền thống phát huy

Vững bước tiến đi

Không gì lay chuyển

      *

Trước thềm năm mới

Cho ta nhắn gởi

Lời chúc qúi cha

Sức khỏe thêm ra

Để mà phục vụ

Kế là các cụ

Vạn sự bằng an

Giáo dân cả làng

Khang an hạnh phúc

Nhân đây ta chúc

Qúi chức đạo đời

Lãnh đạo nơi nơi

Tốt đời đẹp đạo

Trên đường thánh đức

Góp công góp sức

Xây dựng xứ nhà

Trên dưới thuận hòa

Thật là phấn khởi

      *

Thời giờ đã tới

Năm cũ sắp qua

Các khanh về nhà

Để mà chuẩn bị

Cùng nhau đi dự

Phụng vụ giao thừa

Hết việc trình thưa

Đưa ta vào nghỉ

-TRUYỀN BÃI TRÀO