Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

BẨY CÁCH ĂN TỎI SAI LẦM NHIỀU NGƯỜI MẮC KHIẾN TỎI TỪ "THẦN DƯỢC" TRỞ THÀNH "THUỐC ĐỘC"


BẨY CÁCH ĂN TỎI SAI LẦM  NGƯỜI MẮC KHIẾN TỎI TỪ "THẦN DƯỢC" TRỞ THÀNH "THUỐC ĐỘC"

Tỏi vừa là gia vị, vừa là vị thuốc quý giúp chữa nhiều bệnh. Thế nhưng nó cũng có thể biến thành thuốc độc nếu bạn không biết cách sử dụng đúng cách.

Tỏi là một gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Thực tế, tỏi có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, có thể nói đây là loại thực phẩm ngừa ung thư rẻ nhất và phổ biến nhất, ngoài ra tỏi còn có rất nhiều dinh dưỡng và là một loại dược liệu giá trị.

- Các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng chống viêm và diệt khuẩn mạnh, tỏi cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

- Tỏi có thể ngăn ngừa sự lắng đọng chất béo trong mạch máu, điều hòa huyết áp, tăng tính thấm của mạch máu, từ đó ức chế hình thành huyết khối, phòng ngừa xơ cứng động mạch.

- Tỏi còn có thể phòng ngừa cảm lạnh, chống mệt mỏi. tỏi cũng đóng vai trò rất tốt trong việc ngăn ngừa viêm âm đạo do nấm ở phụ nữ.

Mặc dù tỏi có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu sử dụng tỏi sai cách thì sẽ rước bệnh vào thân.

1. Nấu quá chín tỏi

Tỏi khi đun quá chín, các hoạt tính là allicin sẽ bị phá huỷ, khi đó tỏi chỉ còn mùi mà không còn tác dụng tốt cho sức khoẻ.

Chất Allicin là một trong những hợp chất có chứa lưu huỳnh được tìm thấy trong tỏi giúp hạ lipid máu, chống đông máu, chống tăng huyết áp, chống ung thư, chống oxy hóa và tác dụng chống vi khuẩn.

2. Tỏi để lâu

Hãy đảm bảo rằng tỏi mà bạn dùng với mục đích chữa bệnh vẫn còn tươi, chứ không phải là loại tỏi đã để quá lâu. Các hoạt chất trong tỏi tươi mạnh hơn, hiệu quả hơn rất nhiều so với tỏi đã để lâu. Tỏi hữu cơ là một lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe.

3. Ăn thường xuyên, liên tục

Không ăn quá nhiều tỏi thường xuyên vì sẽ làm kích thích mắt, dễ gây ra viêm kết mạc mắt, dạ dày bị tổn thương. Mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 15g/ngày là đủ.

4. Ăn tỏi nướng

Tỏi nướng ở nhiệt độ cao sản sinh acrylamide, kết hợp với thực phẩm khác có thể tạo ra benzopyrene, hợp chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư cao gấp 2 lần.

5. Ăn tỏi lúc đang đói hoặc chỉ ăn tỏi mà không ăn kèm các loại thực phẩm khác

Tỏi là loại thực phẩm cay, có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng nếu bạn ăn tỏi nhiều khi đói sẽ có tác dụng ngược lại, khiến dạ dày của bạn bị kích thích mạnh, dẫn đến hiện tượng đau bụng. Nếu thường xuyên ăn lúc đói sẽ dẫn đến tổn thương dạ dày.

6. Ăn tỏi khi đang uống thuốc

Trong trường hợp đang uống một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị HIV/AIDS... người bệnh không nên ăn tỏi, vì nó có thể tạo ra một số tác hại cho sức khỏe.

7. Ăn quá nhiều tỏi sống

Hàm lượng allicin trong tỏi sống khá cao. Nồng độ allicin càng cao, tác dụng chống ung thư càng mạnh nên nhiều người nghĩ rằng ăn tỏi sống càng nhiều càng tốt. Thực tế, chính sự kích thích mạnh mẽ khiến nhiều người không phù hợp dùng tỏi sống.

Người cao tuổi, có hệ tiêu hóa yếu, nếu tiêu thụ tỏi sống quá mức sẽ kích thích dạ dày, gây viêm dạ dày mãn tính, thậm chí phát triển thành ung thư dạ dày.

Những người sau đây thì tuyệt đối không nên ăn tỏi bởi sẽ khiến tăng tình trạng của bệnh:

Bệnh nhân mắc các bệnh về mắt

Y học Trung Quốc cho rằng, tiêu thụ tỏi trong thời gian dài sẽ "làm tổn thương gan và mắt". Nghiên cứu y học hiện đại cũng phát hiện, những người mắc các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, khô mắt… dùng lượng lớn tỏi trong thời gian dài, sẽ xuất hiện các triệu chứng như thị lực suy giảm, ù tai, chóng mặt, suy giảm trí nhớ.

Bệnh nhân tiêu chảy không do vi khuẩn

Tỏi có tác dụng diệt khuẩn, ăn tỏi sống có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy do vi khuẩn. Tuy nhiên, khi mọi người bị tiêu chảy không do vi khuẩn, tuyệt đối không nên ăn tỏi, nguyên nhân là vì những bệnh nhân này ăn tỏi sẽ kích thích đường ruột, khiến niêm mạc ruột bị sung huyết và phù nề, từ đó làm nặng thêm tình trạng của bệnh.

Bệnh nhân viêm gan

Nhiều người nghĩ rằng ăn tỏi có thể phòng ngừa viêm gan, thậm chí còn có người vẫn ăn tỏi với số lượng lớn sau khi bị viêm gan, việc làm này hoàn toàn sai. Trước hết, tỏi không tiêu diệt được virus viêm gan. Thứ hai, một số thành phần trong tỏi có thể kích thích đường tiêu hóa của con người, ức chế sự tiết dịch tiêu hóa và khiến cho các triệu chứng như buồn nôn và đầy hơi ở bệnh nhân viêm gan ngày càng nặng hơn.

Ngoài ra, các thành phần dễ bay hơi trong tỏi có thể làm giảm số lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu, không có lợi cho việc phục hồi chức năng của bệnh nhân bị viêm gan.

Theo Lily (Gia đình & Xã hội)


CARLO ACUTIS VỊ CHÂN PHƯỚC 15 TUỔI ĐỜI (1991-2006) THIÊN TÀI TIN HỌC TUỔI THƠ Lê Thiên 31/10//2020







Lễ tuyên Chân phước cho Thiên Tài Tin Học Tuổi Thơ Carlo Acutis được long trọng cử hành ngày 10/10/2020 tại đền thờ thánh Phanxicô và Đức Mẹ các Thiên Thần ở Assisi do Đức Hồng y Agostino Vallini, Đại diện của Đức Thánh Cha chủ sự.

Carlo Acutis lìa đời năm 2006 khi vừa 15 tuổi. Đến năm 2013 (chưa tròn 7 năm sau khi Carlo qua đời), án phong thánh cho Carlo đã được mở; các cuộc điều tra bắt đầu tiến hành.

Năm năm sau, vào năm 2018, Carlo được tuyên là Đấng Đáng Kính, rồi chỉ 2 năm sau đó, vào ngày 10/10/2020, cậu thiếu niên 15 tuổi CARLO ACUTIS được Hội Thánh nâng lên hàng Chân phước.

Lễ kính Chân phước Carlo Acutis được định vào ngày 12/10 hàng năm

Tham dự Thánh lễ tuyên Chân phước cho Carlo Acutis có cha mẹ của ngài, ông Andrea và bà Antonia, cùng cặp em sinh đôi của ngài, một trai, một gái, Michele và Francesca.

Ngày 16/10/2020, nhân Đại Hội Thường Niên HĐGMVN, các Đấng Chủ Chăn tại Việt Nam đã gửi cho Cộng đồng Dân Chúa trong nước bức thư chung, trong đó các Đấng đặc biệt đề cập đến biến cố “ngày 10 tháng 10 năm 2020, tại vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô Assisi, Carlo Acutis (1991-2006) được tuyên phong Chân Phước”. Các ngài tuyên dương “vị tân Chân phước là mẫu gương tiêu biểu cho chúng ta trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại”, đồng thời kêu gọi giới trẻ học tập những đức tính nhân bản như trung thực, quảng đại, phục vụ, tinh thần trách nhiệm.

Chính ĐTC Phanxicô, sau lễ tuyên Chân phước cho Carlo Acutis, đã kêu gọi “giới trẻ khắp thế giới hãy nhìn vào Chân phước Carlo như tấm gương sáng về đời sống thánh hóa qua phương tiện truyền thông thời đại, coi ngài là Chứng nhân Đức Kitô cho mọi thê hệ trẻ”.

Những thông tin về Chân phước Carlo Acutis, chúng tôi thu thập từ các nguồn tin Công giáo, mạn phép cô đọng như dưới đây.

Cuộc sống của Thiếu niên Carlo Acutis

Sinh ra tại Luân Đô (London, nước Anh) nhưng lớn lên ở Milan (nước Ý), Carlo Acutis lãnh nhận bí tích Thêm Sức lúc 7 tuổi. Mẹ của ngài nhớ lại Carlo chưa bao giờ bỏ dự lễ hằng ngày: “Khi còn là một cậu bé, đặc biệt là sau khi Rước lễ lần đầu, Carlo không ngày nào bỏ Thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.”

Vốn yêu thiên nhiên và thích gần gũi với động vật, Carlo Acutis kết hợp tình yêu này với tình yêu dành cho người nghèo.

Thân mẫu của Carlo tâm sự, “Carlo sinh ra ở Luân Đôn, em không nhờ cha mẹ mà biết đức tin”: Bà mẹ khiêm tốn thú nhận: “Cả đời tôi, tôi chỉ đến nhà thờ vào ba dịp: rước lễ lần đầu, thêm sức và đám cưới. Khi tôi quen chồng tôi, anh đang học kinh tế ở Geneva, tôi không đi lễ. (…)”.

Lại cũng theo bà mẹ Antonia, Carlo có thiên hướng tự nhiên về thánh thiêng. Khi Carlo ba tuổi rưỡi, em xin vào nhà thờ để chào Chúa Giêsu. Ở các công viên ở Milan, em hái hoa để dâng cho Đức Mẹ. Khi lên 7 tuổi, em xin rước lễ lần đầu (thay vì 10).

Người mẹ, bà Antonia tâm sự: “Chúng tôi để con tự do. Chúng tôi thấy đó là đẹp và chúng tôi xin phép. (…)”. Bà còn thú nhận: “Carlo đã cứu tôi. Tôi mù về đức tin. Tôi đến gần với đức tin nhờ Linh mục Ilio Carrai, ‘Cha Piô’ của Bologna. Nếu không, tôi sẽ cảm thấy mình không có quyền làm cha mẹ! Đó là con đường vẫn còn cho đến bây giờ”. Bà còn khiêm tốn nói: “Tôi hy vọng ít nhất tôi sẽ vào luyện ngục”.

Thân mẫu của Carlo Acutis lại nói: “Carlo rất sớm trong mọi việc, ‘một em bé thông minh lạ lùng!’ Mới sáu tuổi, Carlo đã thành thạo máy tính, khiến trong nhà gọi đùa em là “Nhà khoa học máy tính”.

Năm 9 tuổi, Carlo Acutis viết lập trình điện tử nhờ mượn sách của thư viện Viện Bách khoa để đọc. Từ đó, Carlo bắt đầu dùng máy tính, dựng lên trang web, tìm cách truyền bá Tin Mừng.

Bà Antonia Salzano, thân mẫu của Carlo Acutis tâm sự: “Khi Carlo hấp hối, tôi đã đọc lời cầu nguyện của ông Gióp: ‘Chúa đã ban cho, Chúa đã lấy đi. Con chúc tụng danh Chúa!’”

Bà Antonia nhìn nhận: “Con cái chúng tôi không thuộc về chúng tôi, chúng được giao cho chúng ta. Tôi cảm thấy bây giờ Carlo còn có mặt hơn là khi em còn sống. Giờ thì tôi nhận ra điều tốt lành Carlo đã làm.”

Căn bệnh của Carlo Acutis thoạt đầu giống như bệnh cảm cúm thường, nhưng sau đó cậu cảm thấy rất mệt và đi tiểu ra máu. Carlo nói, “Con dâng đau khổ này để cầu nguyện cho Giáo hoàng (Đức Bênêđictô XVI lúc đó), cho Giáo Hội để đi thẳng lên thiên đường mà không qua luyện ngục”.

Carlo nhập viện và bác sĩ chẩn đoán, phát hiện ra căn bệnh khủng khiếp: “Bệnh bạch cầu tủy sống cấp tính”. Carlo nói: “Chúa đã cho con một sự thức tỉnh tuyệt vời”.

Được chuyển đến một bệnh viện khác, cậu Carlo Acutis nói, “Con sẽ chết ở đây”. Carlo bị hôn mê ngày 11 tháng 10 năm 2006 lúc 14 giờ và chiều hôm đó lúc 17 giờ, bác sĩ tuyên bố não của cậu thiếu niên đã chết.

Carlo Acutis lìa đời ngày 12 tháng 10, năm 2006, chỉ sau 15 năm hiện diện nơi cõi trần.

Là một cậu thiếu niên đam mê công nghệ, Carlo từng là một “game thủ”[1] và cũng là một lập trình viên (programmer) máy vi tính. Carlo đã sử dụng kỹ năng am hiểu công nghệ của mình để xây dựng toàn bộ danh mục trang web về các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới. Từ khi mới 11 tuổi, cậu đã bắt đầu dự án kéo dài nhiều năm này. Ngoài ra, Carlo còn muốn sử dụng công nghệ và trang web của mình để phục vụ truyền giáo.

Carlo Acutis là một thiếu niên mê máy tính, nhưng lại có đức tin tỏa sáng. Cậu đã không ngần ngại làm chứng về mối quan hệ giữa mình với Chúa qua các câu nói rất mạnh. Có người cho Carlo là “Thánh bổn mạng” của những người mê máy tính, có lẽ không sai, bởi vì máy tính là lãnh vực tỏ rõ tài năng của Carlo Acutis đồng thời nó cũng là phương tiện mà Carlo đã tân dụng cùng với năng khiếu của mình như là phương tiện để tôn thờ Thánh Thể và phục vụ việc truyền giáo.

Lời chứng của Linh mục Will Conquer

Linh mục Will Conquer, thuộc Tổng giáo phận Monaco (Ý), hiện đang làm việc truyền giáo tại Campuchia, là tác giả quyển “Carlo Acutis un Geek au Paradis – Carlo Acutis, một Chuyên viên vi tính ở Thiên đàng”.

Trả lời một cuộc phỏng vấn, vị linh mục nói: “Điều làm tôi ngạc nhiên, đó là lần đầu tiên chúng ta sắp có một chân phước trẻ mà cha mẹ còn sống – lần đầu tiên trong lịch sử thế giới - cũng là lần đầu tiên trong “thiên niên kỷ”, lần đầu tiên một người có địa chỉ e-mail sẽ được phong thánh”

Cha Will Conquer tiết lộ: “Điều đáng chú ý là mẹ của Carlo rất ít nói về anh, mỗi lần có ai hỏi về anh, bà đều nói về giới trẻ ngày nay”.

Cha Conquer nhấn mạnh: “Điều đáng kể với bà mẹ này không phải là có một vị thánh mới, nhưng là có một thế hệ thánh mới”.

Ngài xác quyết: “Những gì bà muốn, không phải là cổ động cho một vụ phong thánh, nhưng là cổ động cho mỗi chúng ta, qua Carlo, chúng ta có thể nhận ra mỗi người trong chúng ta, giới trẻ ngày nay cũng là chính Carlo, cũng được mời gọi để nên thánh”.

Linh mục Conquer không ngần ngại cho rằng “Người đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba có tên là Carlo Acutis: anh mở một đại lộ cho một thế hệ các thánh mới, và để mỗi chúng ta đi tới trên con đường thánh thiện của chính mình qua việc phong chân phước này. chúng ta không nên tuyệt vọng, vì ơn gọi của chúng ta là được nên thánh.”

Vị linh mục lại ghi nhận: Vài ngày trước khi qua đời ở dưỡng đường Monza, Carlo nói: “Con hài lòng khi chết vì con đã sống cả cuộc đời mà không bỏ qua một phút nào không làm đẹp lòng Chúa, luôn kết hợp với Chúa Giêsu, đó là kế hoạch cuộc đời của con”.

Theo tài liệu tuyên thánh, Đầy tớ Chúa Carlo Acutis được tôn vinh lên hàng Chân phước là nhờ phép lạ chữa lành cho một em bé tên Mattheus ở Brazil (Mỹ châu La tinh) khỏi một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng của các tuyến tiêu hóa… Bà mẹ bé và bé tha thiết cầu nguyện cùng Tôi tớ Chúa Acutis ơn chữa lành.

Đức Tin & Môi Trường Giáo Dục Công Giáo

Vị Chân phước về với Chúa khi đang vào tuổi 15, tức tuổi vị thành niên – chưa thành niên. Có nghĩa là trong cuộc sống, Carlo đã không tách rời khỏi vòng tay cha mẹ và gia đình, vậy là ngài chịu ảnh hưởng không nhỏ nền giáo dục gia đình mà cha mẹ ngài thực hiện cho ngài.

- Về người mẹ

Qua tiểu sử của Chân phước Carlo ghi nhận trên đây, chúng ta được biết thân mẫu của vị Á thánh đã thú nhận “cả đời tôi, tôi chỉ đến nhà thờ vào ba dịp […]. Khi tôi quen chồng tôi, […], tôi không đi lễ”. Cha Will Conquer lại tiết lộ: “Mẹ của Carlo rất ít nói về anh, mỗi lần có ai hỏi về anh, bà đều nói về giới trẻ ngày nay.” Như vậy, phải chăng thân mẫu của vị tân Chân phước đã tỏ ra khiêm tốn, tránh nói về mình?

Cha Will Conquer nêu rõ: “Điều đáng kể với bà không phải là có một vị thánh mới, nhưng là có một thế hệ thánh mới. Những gì bà muốn, không phải là cổ động cho một vụ phong thánh, nhưng là cổ động cho mỗi chúng ta, qua Carlo, chúng ta có thể nhận ra mỗi người trong chúng ta, giới trẻ ngày nay cũng là chính Carlo, cũng được mời gọi để nên thánh.”

Qua chứng từ của linh mục Will Conquer trên đây, chúng tôi tin chắc thân mẫu của vị Chân phước trẻ đã đóng vai trò then chốt và nền tảng cho sự trưởng thành của Chân phước Carlo Acutis cả về mặt kiến thức lẫn đạo đức.

- Về người cha

Về thân phụ của Chân phước Carlo Acutis, chúng tôi cũng không thấy tài liệu nào nhắc tới nhiều ngoài mẩu tin ngắn “Tham dự Thánh lễ tuyên Chân phước cho Carlo Acutis có cha mẹ của ngài, ông Andrea và bà Antonia.” Chính bà Antonia cũng không đề cập nhiều tới thân phụ của vị Chân phước: “Khi tôi quen chồng tôi, anh đang học kinh tế ở Geneva, tôi không đi lễ.”

Chắc chắn chúng tôi chưa tìm hiểu thấu đáo, nên chưa nhận thức đầy đủ vai trò của song thân vị Chân phước thời đại. Hy vọng, khi Chân phước Carlo Acutis được tuyển chọn vào hàng các Thánh, thông tin về các đấng sinh thành của ngài sẽ được đề cập sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, theo Cha Will Conquer, Chân phước Carlo Acutis “được sống trong một nền giáo dục tiến bộ với đời sống đạo đức đến từ cha mẹ. Cha mẹ đồng hành cùng con cái, giúp con cái lớn lên, đào tạo, huấn luyện con cái. Giáo dục của Carlo giúp anh lớn lên trong đời sống Kitô.”

Quả vậy, vì ngoài đặc sủng Thiên Chúa, cậu thiếu niên Carlo 15 tuổi dù thông minh đến đâu mà không được dạy dỗ, đào luyện chu đáo thì việc “sống đạo bình thường” đã khó, huống hồ “sống thánh”, được xã hội nhìn nhận và Giáo Hội tôn vinh như ngày nay?

Có người cho rằng, Chân phước Carlo Acutis đã “cảm hóa” chính cha mẹ mình qua cách sống thánh của ngài. Chúng tôi chưa được đọc tài liệu nào chứng minh điều đó. Nhưng điều chắc chắn là ngoài “đặc sủng” Chúa ban cho vị Chân phước trẻ ấy, chắc chắn nền giáo dục Kitô giáo đã góp phần không nhỏ, trong đó có trường học Công giáo, có cộng đồng tín hữu, cộng đồng giáo xứ, môi trường sinh hoạt giới trẻ Công Giáo qua sự dìu dăt của các linh mục, tu sĩ và Tông Đồ Giáo Dân..

Internet trở thành công cụ thánh

Ngày nay, rõ ràng không ít bậc cha mẹ thất vọng, thậm chí tuyệt vọng hoàn toàn vì mất khả năng “kéo” con cái mình ra khỏi “cái bẫy internet” và những vũng lầy “game, chat…” chất chứa đầy dẫy những cạm bẫy, những cám dỗ của tội lỗi, làm hư hỏng giới trẻ hơn là cải hóa.

Vậy mà Carlo Acutis chỉ mới 15 tuổi, đã không để đời mình bị hoen ố hay hư hỏng vì internet. Trái lại, như phép mầu, ngài biến công nghệ thông tin email và internet thành “xa lộ thông tin mạng” tuyệt vời dẫn dắt ngài hiên ngang tiến vào vườn hoa Bí Tích Thánh Thể Nhiệm Mầu cũng như thênh thang dong ruổi trên đường truyền bá Phúc Âm qua “mạng” điện toán.

Tiếc là thiên tài và bậc thánh như Carlo Acutis đã không lưu lại hậu thế một hồi ức về mẹ mình, bà Antonia, như Thánh Âugustinô, qua quyển Xưng Thú (Confessions), đã ghi lại cuộc đời mẹ ngài – Thánh nữ Mônica.

Tin chắc, một ngày không xa, Chân phước Carlo Acutis sẽ được Giáo Hội nâng lên hàng các Thánh. Bấy giờ chúng ta sẽ có một Thánh Quan Thầy Công nghệ Thông tin toàn cầu để cầu bầu và dìu dắt Giới trẻ mang Internet vào đời sống đạo của chính bản thân cũng như tha nhân.

SUY TÔN CÁC THÁNH TĐVN RƯỚC-THÁNH LỄ CN 15-11-2020 BỔN MẠNG LÀNG THƯỢNG MÔN








SUY TÔN CÁC THÁNH TĐVN

RƯỚC-THÁNH LỄ

CN 15-11-2020

BỔN MẠNG LÀNG THƯỢNG MÔN

 

        04g00 : Chuông nhất.

  04g30 : Chuông hai:                                                                      TRỐNG

 (Tập trung nhà thờ, ổn định chỗ ngồi, xướng kinh)

 01* Làm Dấu -Hát K.CTT-TIN-CẬY-MẾN-ĂN NĂN TỘI.

(Cha chủ sự xông hương Thánh Kiệu)

02* Hướng ý 1: (Một người đọc):

Kính Thưa cộng đoàn,

Kể từ khi các vị thừa sai Châu Âu đầu tiên đến giảng đạo ở nước ta, Giáo Hội Việt Nam đã có bề dày lịch sử dựng xây và phát triển qua gần 500 năm với biết bao biến đổi thăng trầm.

Từ những cộng đoàn rời rạc thời sơ khai với một vài chục người, dưới sự hướng dẫn của các Cha và Thầy giảng người Châu Âu. Sau đã phát triển thành hàng trăm, hàng ngàn xứ đạo đông đúc thuộc nhiều Giáo Phận, do chính hàng Giáo phẩm người Việt chăn dắt và coi sóc.

Năm thế kỷ đi qua quả là dài so với một đời người, nhưng lại là quá ngắn nếu so với dòng lịch sử. Vậy mà cũng chỉ trong năm thế kỷ dựng xây và phát triển ấy, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ bách hại đầy cam go trong suốt 261 năm: từ năm 1625 tới năm 1886.

Trong giáo sử Việt Nam, 117 Thánh Tử Đạo đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 chỉ là con số tượng trưng cho trên dưới 130.000 người đã anh dũng hy sinh trong suốt thời kỳ này. Và như thế, chúng ta có quyền tin tuởng rằng: Số các Thánh Tử Đạo Việt Nam chưa được tuyên phong còn rất nhiều.

Là con cháu của các ngài, chúng ta phải luôn biết học hỏi và noi theo những mẫu gương bất khuất và trung kiên ấy. Có nghĩa là chúng ta cũng phải biết chấp nhận vác những thập giá hàng ngày của mình mà theo Chúa.

Trong buổi phụng vụ sáng hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về “Thiên Hùng Sử của các Thánh Tử Đạo Việt Nam” qua bốn chủ đề:

 

SUY TÔN 1: “TỬ ĐẠO LÀ HẠT GIỐNG SINH NHIỀU HOA TRÁI”

SUY TÔN 2: “TỬ ĐẠO LÀ HIẾN TẾ TÌNH YÊU”

SUY TÔN 3: “TỬ ĐẠO LÀ CHỨNG NHÂN SỐNG ĐỘNG CỦA CHÚA”

SUY TÔN 4: “TỬ ĐẠO LÀ NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC SINH”



TRỐNG





03* Thông báo thứ tự cuộc rước:

(Trong khi đi rước tiếp tục Hát-Trống-Dẫn Ý...)

Máu hồng tử đạo thắm quê hương,

Bi đát làm sao những đoạn trường

Các Thánh Việt Nam cam hứng chịu,

Giờ đây công phúc được tuyên dương

Một lòng son sắt không nao núng,

Giữ vững niềm tin trước cực hình,

Mạng sống an toàn đâu sá kể,

Tiền tài danh vọng dám hy sinh.

Máu hồng đổ xuống nét son tô

Giải đất quê hương triệu tín đồ

Khơi dậy một mùa ơn cứu độ,

Khắp miền vang vọng tiếng tung hô.

Cung kính bái thờ Ngôi Thánh Phụ,

Ngợi khen Con Chúa Đấng Cao Minh,

Mừng kính Thánh Thần nguồn an ủi,

Muôn thuở ngàn đời mãi hiển vinh.

 

ĐK. Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam tấm lòng yêu mến con thiết tha hòa khúc khải hoàn ca. Đồng thanh ta hát khen mừng bao Đấng anh hùng xưa đã thắng gian nan tòa cao chói lói trên trời hiển vinh muôn đời. Đồng thanh ta hát khen mừng bao Đấng anh hùng nay chiến thắng khải hoàn trên chốn phúc vinh sáng ngời. Hãy lắng nghe tiếng con nài xin cho quê hương thoát cơn đau thương tới ngày bình an tươi sáng. Hãy lắng nghe tiếng con nài xin, qua gian nan Giáo Hội vinh quang tới ngày hạnh phúc thanh nhàn.

1. Kìa gương hiếu trung xưa đã nêu cao tinh thần chiến đấu đau đớn gian nan không thở than qua một lời ngày nay hiển vinh khắp trời Việt Nam ngàn thu lưu dấu muôn giới hỷ hoan mừng hát vang khắp trời.

Hôm nay chúng ta cùng nhau SUY TÔN CT TĐVN:

SUY TÔN 1 và SUY TÔN 3 hoặc: SUY TÔN 2 và SUY TÔN 4

 


SUY TÔN 1:

 

TỬ ĐẠO LÀ HẠT GIỐNG SINH NHIỀU HOA TRÁI

 

TIN MỪNG CHÚA  GIÊSU KITÔ  THEO THÁNH GIOAN

Ga 12:24-26

Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."

 

SN1:  Đối với chúng ta hôm nay, các Thánh TĐVN là những người đi gặt lúa cho Chúa như đã ghi trong thánh vịnh:

“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt,

Nhưng khi trở về, lòng thênh thang phấn khởi, vì ôm nặng nhiều bông lúa”.

Những lời trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị tử đạo trong Giáo Hội Việt Nam. Chính bằng những giọt máu đào, các ngài đã gieo xuống những hạt giống ân sủng, để rồi trở thành vô số bông hoa đức tin.

Điều này đã được minh chứng một cách rất rõ rệt trong lịch sử của Giáo Hội Việt Nam nói riêng, và của Giáo Hội toàn cầu nói chung. Chính sau những cơn bách đạo dữ dội nhất, số người xin gia nhập đạo Chúa chẳng những đã không giảm mà ngày lại càng tăng, và Giáo Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Thật đúng như lời Chúa đã nói trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu mục đi thì nó sẽ sinh nhiều hoa trái”.

 LN1: Lạy Chúa,xưa các Thánh TĐVN đã anh dũng hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin cho chúng con luôn giữ vững và phát triển đức tin ấy trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đồng thời còn biết truyền bá đức tin ấy tới mọi người chung quanh.

HÁT1:

1. Đây chốn huy hoàng chan hòa muôn ánh quang. Bao tiếng hát vang lừng tung hô ngày vinh thắng. Đây tấm bia vàng ghi ngàn năm chiến công, cờ phất phới oai hùng tiếng hát ca lừng bốn phương.

ĐK. Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam nơi vinh phúc chiếu soi rỡ ràng. Thương lắng nghe lời con kêu khấn. Ban xuống muôn phúc trên nước Nam.

TRỐNG




SUY TÔN 3:

                                  

                                   TỬ ĐẠO LÀ CHỨNG NHÂN SỐNG ĐỘNG CỦA CHÚA

 

BÀI TRÍCH THƯ THỨ I CỦA THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ

1 Pr 4:13-14

Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.

 

SN3:  Nguyên việc các Thánh Tử Đạo dám chấp nhận cái chết vì đức tin đã là một chứng từ vô cùng mạnh mẽ và sống động. Thế nhưng, ngoài chứng từ bằng máu đào, các Ngài còn là chứng nhân của Chúa trong đời sống thường ngày, và cả ngay khi đã bị bắt bớ, giam cầm, các ngài vẫn truyền giảng Phúc Âm trong ngục thất. Khi bị ép phải bước qua Thánh giá, Cha TRẠCH đã khẳng khái nói: “ Nếu quan muốn sự sống đời đời, hãy kính lạy Thánh giá này”.

Thánh MỸ thưa với quan tổng đốc rằng: “Tôi đã suy xét kỹ và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không bao giờ chối bỏ”.

Còn Thánh KIM THÔNG đáp lại quan tỉnh rằng: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được”.

Khi bị khắc lên má hai chữ “Tả Đạo”, Thánh ĐỔNG đã can đảm chịu đau để rạch bỏ những chữ đó và khắc thay vào là hai chữ “Chính Đạo”.

Nói tóm lại, các ngài luôn là những chứng nhân sống động của Chúa trong đời thường, khi bị bắt bớ giam cầm, và ngay cả khi cất bước ra pháp trường.

 

LN 3: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng. Xin cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

HÁT 3:   

1. Hồi chiêng dứt tiếng đầu rơi chốn pháp trường hồn thiêng lâng lâng về thiên quốc xa vời. Từ nay thôi những ngày tân khổ u buồn về quê phúc vinh hưởng nhan Chúa muôn đời.

ĐK. Muôn nghìn đau đớn nay đã theo ngày tháng trôi! Hy sinh vì lòng tin son sắt giữ câu đoan nguyền. Quyết tình trung tín lao khổ không hề dám phai, giữ tấm lòng hiếu trung lời thề xưa lẽ nào quên.

TRỐNG

 

04* K.CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN 1

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha Trên Trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, nay chúng con xin hợp với các Ngài, và với Đức Trinh Nữ Maria, là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả. Xưa Chúa đã ban cho các Ngài được vững tin vào lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các Ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá, và hy sinh đến giọt máu cuối cùng, các Ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào .

Nay Hội Thánh lại dâng các Ngài lên Chúa, như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân. Các Ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho đất nước được an vui hạnh phúc, và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình. Các Ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các Ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên Thiên Quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      05* Dâng Lễ Vật:  (nếu có)

Trong khi dâng lễ vật thì CĐ cứ tiếp tục hát bài Ca Nhập Lễ.

06* Thánh Lễ:

 










SUY TÔN 2 :

TỬ ĐẠO LÀ HIẾN TẾ TÌNH YÊU

BÀI TRÍCH THƯ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ GỬI TÍN HỮU ROMA

Rm 8:35-35

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?

Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

 SN 2 :  Đọc “Thiên Hùng Sử của các Thánh TĐVN”, chúng ta thấy các ngài đã không chết chỉ vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay vì một tham vọng nào cả. Đối với các ngài hằng yêu mến, chính là Đức GiêSu KiTô- Chúa chúng ta. Ông Năm Quỳnh khi bị xử giảo, nằm giang tay trên đất còn nói : “Xưa Chúa cũng giang tay thế này để chịu đóng đinh”. Đức Cha AN viết: “Chớ gì máu tôi hoà với máu Đức Kitô trên đồi Canvê, tẩy rửa tôi sạch muôn vàn tội lỗi”. Linh Mục KÍNH nói: “Tôi ước mơ trở thành tro bụi để kết hợp với Chúa Kitô. Tôi giã từ cõi đời này, không hề thương tiếc điều gì, chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi mọi đau khổ và kể cả cái chết nữa”. Linh Mục HIỂN lại nói: “Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”.

Tất cả các vị tử đạo đều coi cái chết của mình như một hiến tế. Tất cả đều cầu nguyện và dâng hiến đời mình trong những giây phút sau cùng.

  LN 2 : Lạy Chúa, các Thánh TĐVN đã đi theo Chúa trên con đường thập giá. Xin cho chúng con luôn được vững chí bền lòng trong những khi gặp thử thách gian nan với lòng yêu mến Chúa, để sau này chúng con đáng được hưởng tình yêu Chúa sẽ dành cho.

 BÀI CA  CHIẾN THẮNG   (G. LCDC. 120)

      Ngành vạn tuế trao tay bao thánh Tử Đạo Việt Nam. Đã hy sinh hiến máu xương vì danh Thiên Chúa. Dù cùm gông đau thương hay chốn pháp trường đẫm máu, vẫn hiên ngang giữ đức tin ngàn năm không sờn. Hòa niềm vui bao la đoàn con hát vang lời ca. Thắm thiết dâng lên bao thánh Tử Đạo Việt Nam. Cùng đồng thanh con dâng bài ca chiến thắng vẻ vang, kính chúc muôn muôn vị thánh Tử Đạo oai hùng.  Thành tâm xin thánh Tử Đạo Việt Nam,Thành tâm xin thánh Tử Đạo Việt Nam thương giúp quê hương trong cơn khó khăn nguy nan, cho dẫu khổ nhục đoàn con vẫn hằng tin yêu.

 


SUY TÔN 4 :

 TỬ ĐẠO LÀ NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC SINH

 BÀI TRÍCH SÁCH KHÔN NGOAN

Kn 3:7-8

Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời.

 SN 4 :  Thánh Phanxicô đã nói: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Với niềm tin mãnh liệt vào sự phục sinh, các thánh tử đạo coi cái chết là cuộc thử thách cuối cùng mà các ngài đã sẵn sàng mong đợi.

Thầy MẬU đã nói với quan: “Thưa quan, chúng tôi mong ước về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy”. Ông Án KHẢM vui vẻ nói với mọi người: “Cha con chúng tôi hôm nay vào nước Thiên đàng đây”.Ông CỎN nói với người anh em đang sụt sùi khóc: “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ?”. Linh mục XUYÊN diễn tả niềm tin này bằng câu: “Thưa quan, tôi chọn cái chết để được sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu rồi muôn đời bị tiêu diệt”. Linh Mục LÊ BẢO TỊNH thì nói: “Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm, nó chết đi nhưng sau này sẽ sống lại trong vinh quang”.

Những câu nói tiêu biểu ấy đã bộc lộ khá rõ rệt niềm tin vào sự sống lại của các ngài.

 LN 4 : Lạy Chúa, xin cho chúng con một niềm tin vững mạnh vào sự phục sinh mà Chúa đã hứa ban, để chúng con cũng biết anh dũng tuyên xưng danh Chúa trong cuộc sống thường ngày, hầu sau này chúng con được phục sinh vinh hiển bên Chúa đời đời.

 ANH HÙNG VIỆT NAM   (G)

ĐK. Nhạc chiến thắng vang dậy rền trời, dòng máu thắm tô đẹp cuộc đời, còn lưu danh thiên thu đây những anh hùng Việt Nam trung thành theo bước Chúa Giêsu gươm đao thêm dũng chí, nhục hình thêm can trường, từng lớp lớp tiến lên pháp trường.

1. Hân hoan khi lao tù, mừng rỡ lúc gươm vung. Nguyện theo Chúa đến cùng dù thịt tan xương nát bao nhiêu gian nan khốn khó, dệt thành chiến thắng quang vinh. Triều thiên Thánh Tử Đạo lấp lánh soi thiên đình.

2. Đi gieo trong châu lệ, về chiến thắng reo vui. Hạt hư thối chôn vùi rầy trổ xinh hoa trái bao con dân nay biết Chúa, nhờ dòng máu rắc gieo xưa. Và ca khúc khải hoàn sẽ tiếp liên vang hòa.

3. Ôi Cha Ông kiêu hùng, dù chết vẫn kiên trung. Rầy trên chốn cửu trùng phù trợ cho con cháu theo gương xưa luôn tiến bước, nhìn Thập Giá quyết hy sinh. Để tông giống anh hùng thắp sáng quê hương mình.

 KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha Trên Trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, nay chúng con xin hợp với các Ngài, và với Đức Trinh Nữ Maria, là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả. Xưa Chúa đã ban cho các Ngài được vững tin vào lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các Ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá, và hy sinh đến giọt máu cuối cùng, các Ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào .

Nay Hội Thánh lại dâng các Ngài lên Chúa, như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân. Các Ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho đất nước được an vui hạnh phúc, và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình. Các Ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các Ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên Thiên Quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.