Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

SÁM HỐI VỀ VIỆC SÁM HỐI










SÁM HỐI VỀ VIỆC SÁM HỐI

 Anh chị em thân mến!

Sáng nay rất đông anh chị em trong gia đình Giáo xứ  quy tụ về đây, để tham dự ngày tĩnh tâm, chuẩn bị tâm hồn mừng các ngày lễ trọng trong Tháng ......

 Dịp tĩnh tâm tâm này còn nằm trong bầu khí của lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mà chúng ta vừa cử hành. Vì thế, đây là dịp thuận tiện để cho Chúa Thánh Thần thổi bùng lên ngọn lửa đức tin, đức cậy và đức mến trong tâm hồn mỗi người chúng ta, như xưa Ngài đã ngự xuống trên các Tông đồ... Ước gì sau buổi tĩnh tâm này, mỗi người chúng ta cũng được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, nhất là ơn đổi mới tâm hồn, ơn sống lại thật về phần linh hồn.

Trong giây phút linh thánh này, chúng ta cùng cầu nguyện: Xin Trái Tim Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi cho ta. Đồng thời xin anh chị em cũng quảng đại tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm mà chính mình đã gây ra cho người khác, hoặc người khác đã gây ra cho mình. Cũng xin anh chị em tự tha thứ cho những lỗi lầm cắn rứt lương tâm mình bằng lòng sám hối ăn năn.

 (Mời cộng đoàn đứng, hát: Năm tháng dài êm đềm qua....”).

 NĂM THÁNG DÀI ÊM ĐỀM QUA MÀ CON KHÔNG CÓ ĐIỀU CHI DÂNG LÊN NGÀI ĐỂ GỌI LÀ ĐỀN ĐÁP TÌNH YÊU. BAO NHIÊU LẦN LẦM VỚI LỠ NAY CON ĂN NĂN HỐI HẬN MUÔN VÀN, DÁM XIN NGÀI  DỦ TÌNH THƯƠNG THA THỨ CHO CON.

1. Bao nhiêu phen ngụp lặn trong tội lỗi ê chề, nay con trở về hồn hoang sơ xác. Thì này đây con xin dâng những gì còn lại, trông mong ơn Chúa để làm lại đời con.

 2. Đêm năm xưa vì tình thương Con Chúa hiến mình, treo trên Thập hình mở nguồn ơn phúc. Thì ngày nay con xin dâng hiên cả cuộc đời, đem yêu thương nối lại tình người mọi nơi.

 3. Chung quanh con người khổ đau tha thiết van nài, xin chút thương tình hạt cơm manh áo. Vậy mà con sao đang tâm hất hủi người nghèo, sao không thương xót người bạc phận đìu hiu.

 4. Đây tim con dành để yêu thương hết mọi người, xin dâng cho Ngài nguyện xin thánh hóa. Dù từ lâu tâm can con ước mộng thật nhiều, nay tin theo Chúa vì một điều : TÌNH YÊU.

 (Mời cộng đoàn ngồi). Chúng ta cùng nhau xét mình.

 Thứ nhất: Đối với Chúa, chúng  ta cần  sám  hối về việc mình chưa sống Bí tích Giải tội. Chúng ta biết Bí Tích Giải Tội là cuộc gặp gỡ đầy tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, như Lời Chúa phán: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).

 Xét mình, ta thấy rất nhiều lần ta đã lợi dụng tình thương yêu của Chúa, sự tha thứ quá dễ dàng của Chúa, để ta lãnh nhận Bí tích Giải tội như một loại thuốc an thần, ru ngủ lương tâm của mình trong chốc lát, qua một cuộc lễ, rồi đâu lại vào đấy. Vũ như cẫn (vẫn như cũ). Ta không thực tình sám hối ăn năn, không thực tình thay đổi cuộc sống. Ta lại đi lên chính vết xe cũ trượt ngã của mình.

 Chúng ta nên nhớ mình là người con Chúa. Ta đã ký kết giao ước trọn đời thuộc về Chúa qua Bí tích Rửa tội. Cho nên khi ta phạm tội, thì không chỉ đơn giản là ta đã phạm một điều răn, mà còn vi phạm đến chính giao ước tình yêu, xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

 Suy nghĩ như thế, ta mới hiểu được lý do tại sao mình phải hết sức nghiêm túc khi lãnh nhận Bí tích Giải tội, để xin ơn tha thứ: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

 Chúng ta biết rằng, Bí tích Giải tội không phải là một chiếc đũa thần để tẩy trừ tội lỗi, cũng không phải là một thứ bột giặt để tẩy trắng chiếc áo dơ bẩn. Nhưng Bí tích Giải tội là khởi đầu của một quá trình đổi mới toàn diện đời sống. Trong đó có ơn Chúa trợ giúp và sự cố gắng hoán cải từng ngày của chính bản thân, như Lời Chúa nói: “Con hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Xét mình như vậy, ta mới khám phá ra điều này là: Rất nhiều lần mình đã xúc phạm đến Chúa, nhất là đã không lãnh nhận và sống Bí tích Giải tội một cách xứng đáng. Vì thế, xưa nay ta chẳng thay đổi đời sống được bao nhiêu, mặc dù ta vẫn xưng tội, vẫn rước lễ hằng ngày. Xưa kia, Chúa đã tha cho Phêrô có một lần; và đời Phêrô đã đổi thay hoàn toàn. Còn mình, thì Chúa tha bao nhiêu lần rồi? Anh chị em có nhớ hết không?

 Xưng tội mà không thay đổi đời sống là ta đã làm cớ vấp phạm cho nhiều người, nhất là cho giới trẻ. Họ nhìn vào cách sống đạo của người lớn chúng ta, họ không thấy ta thay đổi gì hết, ta không sống tốt hơn trước, ta sống nửa vời.... Nên giới trẻ vịn vào lí do đó mà không còn tin vào các Bí Tích. Cụ thể là họ không còn siêng năng đến với Bí Tích Giải Tội nữa. Họ bảo nhau rằng: “Xưng tội cũng vậy, mà không xưng cũng vậy. Cuộc sống có khác gì đâu!” Chúng ta hãy hết sức thành tâm xin lỗi Chúa về điều ấy.

(Thinh lặng giây lát, xét mình).

 LINH MỤC: Lạy Chúa, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn thống hối. Xin Chúa thương xót chúng con

CỘNG ĐOÀN: Xin Chúa thương xót chúng con.

 Thứ hai: Đối với anh chị em, chúng ta cần sám hối về những điều mình đã xúc phạm đến nhau. Khi ta phạm tội, ngoài việc mình xúc phạm đến giao ước tình yêu của Thiên Chúa, ta còn làm tổn thương đến sự thánh thiện của Giáo hội nữa. Bởi vì khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì không phải chỉ bản thân ta tin vào Chúa, mà ta còn trở thành thành viên trong đại gia đình Hội thánh Chúa.

Giữa các thành viên trong gia đình này luôn có một sự liên kết hết sức mật thiết và chặt chẽ với nhau. Mật thiết và chặt chẽ đến độ thánh Phaolô đã dùng hình ảnh thân xác mình để diễn tả: “Anh em là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô” (1Cr 13,27). Vì thế một ngón tay đau thì cả thân mình cũng đau. Một cái răng nhức cũng khiến cả thân mình đau đớn, nóng lạnh.

 Tương tự như thế, chúng ta là chi thể trong thân mình Hội thánh. Nếu ta sống thánh thiện đạo đức, thì sẽ có ảnh hưởng tốt đến tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ngược lại, nếu ta phạm tội, ta sẽ làm tổn thương đến sự thánh thiện của nhau, của cả Hội thánh.

Hơn nữa, hầu hết những tội ta phạm đều trực tiếp đụng chạm, gây thiệt hại, gây khổ đau tinh thần hay vật chất cho những người cùng sống với mình. Họ là xóm giềng, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và những người ta thường tiếp xúc... Thế nhưng, sau khi phạm tội, ta thường chỉ xin lỗi Chúa, mà quên xin lỗi người anh chị em.

 Tội phạm thì công khai, nhiều người biết; nhưng lại chỉ xưng thú một cách bí mật. Làm thiệt hại danh dự hay vật chất cho người khác mà không lo sửa chữa, hay đền bù cách cụ thể. Ta cần xem xét lại vấn đề này, để lương tâm mình được thanh thỏa trước mặt Chúa và trước mặt nhau

 Vì thế ta cần đến với Chúa qua Bí tích Giải tội, nhưng sau đó ta cũng phải đến với anh chị em của mình với cả tấm lòng khiêm tốn và thiện chí muốn hối cải, muốn ăn năn và sẵn sàng bù đắp những sự thiệt hại về tinh thần hay vật chất mà mình đã gây ra cho họ. Thánh Gioan bảo: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Chúa mà lại không yêu thương anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 1,20).

 Thế mới biết, rất nhiều lần chúng ta đã xúc phạm đến nhau và chưa thật lòng tha thứ cho nhau, chưa thật lòng bù đắp thiệt hại cho nhau. Bồi thường về vật chất xem ra còn dễ thực hiện, nhưng bồi thường danh dự là chuyện rất khó làm. Nhưng dù khó đến mấy, thì ta cũng phải làm. Không làm đời này thì đời sau cũng phải đền trả. Có khi còn khổ đời đời nữa. Chúng ta xin lỗi Chúa, và xin anh chị em trong gia đình Giáo xứ cũng rộng lượng tha thứ cho chúng ta. Phần ta, hãy quyết tâm đền bù cho cân xứng.

 (Thinh lặng giây lát, xét mình).

 LINH MỤC: Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến kêu gọi những người tội lỗi. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 CỘNG ĐOÀN: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 Thứ ba: Đối với xã hội, chúng ta cần sám hối về những điều thiếu sót. Sám hối và hòa giải là những yêu cầu rất khắt khe đối với bản thân mỗi người, để có thể trở nên người con của Chúa. Sám hối là dịp để mỗi người nhìn lại bản thân mình. Qua đó, ta điều chỉnh tư tưởng, lời nói, việc làm của mình, sao cho hợp với Thánh ý Chúa.

 Chúa đã dạy: “Điều gì các con không làm cho người anh em bé mọn của Ta, là các con không làm cho Ta” (Mt 25,45). Khi đi xưng tội, sự thường ta chỉ sám hối về những tội lỗi mình đã phạm, dựa vào Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Luật Hội Thánh, hay Bẩy Mối Tội Đầu... Nhưng chẳng mấy khi ta đau buồn, hay xưng thú những gì mình phải làm mà đã không làm; những cơ hội phục vụ mà mình đã bỏ qua; những lần tiếng Chúa thúc đẩy mà mình đã từ chối. Kinh Thánh kể:

 Ông nhà giàu kia có của ăn của để, nhưng không giúp cho Lagiarô được xóa đói giảm nghèo, nên ông đã bị quăng xuống hỏa ngục (Lc 16, 19-31).

 Thầy Tư Tế và Lêvi kia lên đền thờ dâng lễ, gặp người bị nạn dọc đường, họ không ở lại chăm sóc thuốc men, hay chở nạn nhân về trạm xá, nên họ đã bị Chúa lên án (Lc 10, 29-37).

 Người đầy tớ kia được chủ tín nhiệm giúp vốn cho một nén bạc. Nhưng anh đã lười biếng không chịu cố gắng làm ăn vươn lên, để làm giàu cho mình và bớt gánh nặng cho xã hội, nên anh đã bị ném vào ngục tối (Mt 25, 14-30).

 Hôm nay, nếu cần một thí dụ, có lẽ Chúa sẽ lấy chính bản thân ta mà nói. Ngài cũng khiển trách ta như Ngài đã khiển trách ông nhà giàu, khiển trách Thầy Tư tế, Lêvi, khiển trách người đầy tớ bất trung xưa kia.

 Và còn biết bao những thiếu sót trong bổn phận của ta đối với gia đình. Chẳng hạn như: thiếu trách nhiệm làm cha mẹ, vợ chồng; thiếu sự tôn kính, vâng lời, nhường nhịn lẫn nhau… Nhiều lắm, kể sao xiết!

 Ta cũng có những thiếu sót trong bổn phận đối với chính bản thân mình, như: ta thiếu trau dồi nhân bản, tri thức và đạo đức; thiếu làm gương sáng...

 Ngoài ra ta còn có những thiếu sót đối với xã hội, như chưa đồng hành với mọi người; chưa lo cái lo của mọi người phải lo; chưa làm cái mọi người nên làm, để cùng đồng hành với đồng bào mình, cụ thế là lo cho thôn ấp mình, lo cho Giáo xứ mình mỗi ngày được tốt đẹp hơn.

Xét mình kỹ, ta sẽ nhận ra: Rất nhiều lần ta đã xúc phạm đến nhau, trong tư tưởng, lời nói, việc làm và nhất là những điều thiếu sót. Chúng ta thành tâm xin lỗi Chúa. Đồng thời cũng xin mọi người tha thứ cho ta. Để từ nay ta quyết tâm làm mới lại cuộc đời, nhất là tránh những gì còn thiếu sót.

 (Thinh lặng giây lát, xét mình).

 LINH MỤC: Lạy Chúa, Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

CỘNG ĐOÀN: Xin Chúa thương xót chúng con.

(Mời cộng đoàn đứng, đọc kinh Tôi thú nhận”).

LINH MỤC:  Xin Thiên Chúa Toàn Năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta về cõi trường sinh.

 CỘNG ĐOÀN: Amen.

 Kết thúc giờ Tĩnh Tâm, hát: “Nguyện Chúa chí ái.

NGUYỆN CHÚA CHÍ ÁI HÃY LẮNG NGHE LỜI CHÚNG CON. RỦ TÌNH THƯƠNG XEM, VÌ CHÚNG CON PHẠM ĐẾN NGƯỜI.

1. Dòng suối lệ tuôn mãi, đoàn chúng con hướng lên Người, lạy Chúa đầy vinh quang, nguyện thương đến lời van nài.

2. Người chính đường sinh phúc, là cánh tay Chúa uy quyền. Chìa khóa trời cao quang nguyện thương xóa sạch lỗi lầm.

3. lạy Chúa Trời cao sáng nguyện đoái thương lắng nghe lời. Lòng Chúa đầy khoan dung, hằng tha thứ ngàn lỗi lầm.

4. Này cõi lòng nhơ uế, tội ác che lấp tâm thần. Cầu Chúa Trời khoan nhân rửa cho tuyết trinh trắng ngần.

GIỜ ĐÂY, CÙNG VỚI ƠN CHÚA GIÚP, 

TA THINH LẶNG XÉT MÌNH, ĂN NĂN TỘI, 

XƯNG TỘI VÀ ĐỀN TỘI CHO CÂN XỨNG.