Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

CON TRẺ VÀ CÁC BÍ TÍCH






CON TRẺ VÀ CÁC BÍ TÍCH 

10 GỢI Ý CĂN BẢN GIÚP CON TRẺ SỐNG CÁC BÍ TÍCH

Con trẻ theo cha mẹ đến nhà thờ dự lễ thường tỏ ra không mấy thích thú. Điều đó tự nhiên chẳng có gì lạ lùng! Ở tuổi nô đùa và nghịch ngợm mà phải trang nghiêm quì ngồi quả là một cực hình. Tuy nhiên sự buồn chán sẽ giảm bớt khi các em hiểu việc mình làm và lại càng gắn bó nhiều hơn khi chúng được tập luyện và dần dà ý thức được bổn phận thiêng liêng ấy. Điều quan trọng là mỗi cha mẹ phải thực thi bổn phận của mình và giúp các em cùng tìm hiểu ý nghĩa việc mình làm.

Tốt nhất là giúp các em đến gần và sống với các bí tích với một sự nhận thức. Chúa Giêsu đến với các em khi cửa lòng dù chỉ là hé mở cũng là điều mà mỗi bậc phụ huynh Công Giáo phải quan tâm. Để các em có một nhận thức sâu sắc về các bí tích, chúng ta cần sống các bí tích ngay trong gia đình mình. Nói cách khác, chúng ta cùng nhau tham dự các bí tích với niềm tin và sự chân thành. Chúng ta hãy giải thích ý nghĩa các bí tích cho các em với tất cả kiến thức mình có và bằng chính ngôn từ thường ngày mình dùng.

Chúa Giêsu đã thiết lập 7 Bí Tích: Rửa Tội, Thêm sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Truyền chức, Hôn phối và Xức dầu. Tất cả bảy Bí Tích này đều được nhắc đến trong Kinh Thánh Tân Ước và cũng được các Giáo Phụ ghi lại bằng văn bản. Thánh Augustinô (430) đã định nghĩa Bí Tích là "thể thức hữu hình của ân sủng vô hình" và là "dấu chỉ của sự thiêng thánh". Ngài đã ứng dụng những từ ngữ này vào Kinh Tin Kính và Kinh Nhật Tụng. Sự ứng dụng rộng rãi này được tiếp tục đến thời Trung Cổ với nhà thần học Hugh of St. Victor (1142), người đã lập ra danh sách gồm 30 Bí Tích. Năm 1148, Peter Lombard đã phân biệt những Bí Tích do Chúa Giêsu thiết lập và những nghi thức khác (trước Công Đồng Vatican II, người ta hay gọi là Á Bí Tích). Danh sách 7 Bí Tích đã được Thánh Thomas Aquinas (1274) ủng hộ và sau này được Công Đồng Florence chính thức công nhận năm 1439. Sự kiện 7 Bí Tích đã không được định nghĩa rõ ràng trước đó chỉ mang một ý nghĩa giản dị rằng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tăng trưởng trong ý thức chân lý và được vun bồi dần cho đến khi có sự chuẩn xác về ngôn từ để đạt đến những định nghĩa rõ ràng như ngày nay.

Đưa các em đến với các Bí Tích hay nói rõ hơn là năng lãnh nhận Bí Tích tức là giúp các em biết đón nhận Chúa Giêsu và các Ân sủng của Ngài. Đó cũng là vấn đề mà chúng ta cùng nhau đề cập nơi đây: Chỉ và bảo. Chúng ta chỉ cho các em cách đến gần Thiên Chúa với đức tin và lòng mến. Chúng ta bảo các em những điều chúng phải mong đợi. Mười điều sau đây là những điều căn bản xin được gợi ý trong việc chỉ và bảo con trẻ của chúng ta:

01. Hãy giúp con trẻ hiểu rằng việc thờ phượng trong ngày Chúa Nhật là một truyền thống của gia đình. Chúng ta cả gia đình cùng đến thánh đường dự lễ với nhau. Việc tụ họp quanh bàn tiệc thánh chính là việc đem Đức Kitô vào làm trung tâm điểm trong cuộc sống gia đình của mình.

02. Hãy dạy con trẻ biết việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật không chỉ là một bổn phận mà còn là cơ hội tham dự bàn tiệc Thánh và cùng cử hành biến cố quan trọng nhất trong niềm tin Kitô giáo là cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Sự hiện diện của chúng ta chính là tham phần vào của lễ hiến tế làm đẹp lòng Thiên Chúa nhiều nhất.

03. Mỗi ngày Chúa Nhật, trên đường từ thánh đường về nhà, chúng ta cùng nhau trò chuyện về Thánh Lễ. Hãy hỏi các em về những điều các em học được từ các bài đọc hoặc bài giảng.

04. Khi một người trong gia đình được lãnh nhận một bí tích lần đầu chẳng hạn Rửa Tội, Thêm sức, Thánh Thể. Chúng ta hãy tổ chức liên hoan ăn mừng. Mọi người cùng nhau chuẩn bị bữa tiệc liên hoan. Hãy mời thêm bạn bè cho buổi liên hoan thêm phần trọng thể và để con em từ sự vui mừng bề ngoài mà nhận ra sự quan trọng và ý nghĩa biến cố trong đời của em.

05. Trong các buổi tiệc vui Sinh nhật, hãy cố gắng lồng chung niềm vui tái sinh trong Bí Tích Rửa Tội. Giữa những cây nến sinh nhật là cây nến Rửa Tội. Một người trong gia đình nên đứng ra hướng dẫn các em cầu nguyện và tạ ơn cho em đã được tái sinh trong Đức Kitô.

06. Nếu có thể, gia đình nên tổ chức việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, cùng giúp nhau xét mình và giải thích để con em hiểu rằng tội là căn nguyên làm hư hại tương giao của ta với Chúa. Chúng ta năng đến tòa cáo giải để sửa chữa lại những thiệt hại về tương giao này.

07. Trước khi con em lãnh nhận Bí Tích lần đầu chẳng hạn Rước Lễ, Thêm sức. hãy khuyến khích cả gia đình cùng nhau học hỏi về Bí Tích ấy và chia sẻ chung với nhau sự hiểu biết về Bí Tích em sắp lãnh nhận. Hãy chứng tỏ việc em lãnh nhận Bí Tích được mọi người quan tâm và là một biến cố quan trọng trong đời em.

08. Hãy coi việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội và thêm sức là cơ hội để cả gia đình cùng cảm nghiệm sự tái sinh trong tinh thần. Hãy cùng nhau cầu nguyện trong suốt cả tuần lễ trước biến cố. Hãy mời tất cả bạn bè tham dự ngày lãnh nhận Bí Tích để họ cùng có cơ hội canh tân đời sống Kitô hữu.

09. Tìm cơ hội để con em cùng tham dự các Bí Tích Hôn phối, Truyền chức và Xức dầu và giải thích ý nghĩa việc cử hành các Bí Tích này cho các em.

10.Tìm cơ hội thuận tiện để dạy bảo con em về 7 Bí Tích. Thiên Chúa dùng những dấu chỉ trọng đại này để ban sự sống cho linh hồn chúng ta. Bí Tích là cánh cửa dẫn vào sự thiêng thánh. Chúng ta muốn con em gõ vào cánh cửa ấy và hi vọng chúng sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu nơi đây.


ĐGH NHẮN NHỦ CÁC EM RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU







ĐGH NHẮN NHỦ CÁC EM RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU

Trong bài giảng, sau khi chào thăm mọi người và chúc mừng các em bé rước lễ lần đầu, ĐTC đề cao sự cộng tác của các em:

 Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng hôm nay (Xc Ga 6,1-15), một hôm Chúa Giêsu đã hóa 5 ổ bánh và 2 con cá ra nhiều, làm cho đám đông dân chúng đi theo và nghe Chúa được ăn no. Các con có nhận thấy phép lạ ấy xảy ra thế nào hay không? Phép lạ ấy bắt đầu với một trẻ em đã trao tặng tất cả những gì em có gồm 5 chiếc bánh và hai con cá (Xc Ga 6,9). Giống như trẻ em ấy, các con cũng đã giúp cho một phép lạ xảy ra ngày hôm nay. Phép lạ qua đó tất cả những người lớn ở đây nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, và tràn đầy lòng biết ơn vì ngày ấy.”

 Các em giúp người lớn tái cảm nghiệm niềm vui

 ĐTC cũng nhận xét rằng: Ngày hôm nay, các con đã làm cho mọi người ở đây có thể sống lại niềm vui và cử hành Chúa Giêsu hiện diện trong Bánh Sự Sống. Một số phép lạ chỉ có thể xảy ra nếu ta có một tâm hồn của các con: một con tim có khả năng chia sẻ, mơ ước, biết ơn, tín thác và tôn trọng người khác. Việc các con rước lễ lần đầu cho thấy rằng các con muốn ở gần hơn với Chúa Giêsu mỗi ngày, lớn lên trong tình bạn với Chúa và giúp người khác chia sẻ niềm vui mà chúng ta cảm thấy. Chúa đang cần các con, vì Chúa muốn làm phép lạ mang niềm vui của Ngài cho người nhiều trong số các bạn hữu và các thành phần gia đình các con”.

 Qui luật của tín hữu Kitô

 ĐTC nhắc nhở các em rằng: “Hôm nay là ngày được cử hành trong tinh thần thân hữu, trong vui mừng và huynh đệ. Một ngày hiệp thông giữa các con và với toàn thể Giáo Hội, đặc biệt biểu lộ qua Thánh Thể, sự hiệp thông làm cho tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Đây là thẻ căn cước công dân của chúng ta: Thiên Chúa là Cha chúng ta, Chúa Giêsu là Anh chúng ta, Giáo Hội là gia đình chúng ta. Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau và luật của chúng ta là tình thương”.

 Cha xin các con hãy luôn luôn cầu nguyện với cùng một lòng sốt sắng và vui mừng như các con cảm thấy hôm nay. Hãy nhớ rằng đây là bí tích Rước Lễ Lần Đầu của các con, lần đầu chứ không phải là lần chót! Các con cũng hãy nhớ rằng Chúa Giêsu luôn ở đó, chờ đợi các con...”

 Hãy nghĩ đến Chúa Giêsu

 Trước khi đích thân cho 245 em được rước lễ, ĐTC còn căn dặn các em rằng: “Giờ đây các con đón nhận Chúa Giêsu. Đừng chia trí, đừng nghĩ đến những sự khác, nhưng chỉ nghĩ đến Chúa Giêsu. Các con hãy tiến lên bàn thờ để rước Chúa Giêsu trong thinh lặng: hãy giữ thinh lặng trong tâm hồn và nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Chúa đến với các con. Và rồi Chúa sẽ đến bao nhiêu lần khác. Hãy nghĩ đến cha mẹ, các thầy cô giáo lý viên, nghĩ đến các ông bà, bạn hữu các con, và nếu các con đã cãi lộn với ai, hãy thành tâm tha thứ cho họ, trước khi im lặng đến gần Chúa Giêsu”.