Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

SỰ VỊ THA VÀ SỰ ÍCH KỶ

     Cuộc sống là chuỗi ngày mỗi con người tự hoàn thiện mình. Mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ. "Vị tha" là phẩm chất chúng ta cần rèn luyện. "Ích kỷ" là điều mỗi người nên tìm cách gạt bỏ.
Vậy thật ra thế nào là vị tha, thế nào là ích kỷ? Vị tha là chăm lo một cách vô tư đến người khác, vì người khác mà hy sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình. Ích kỷ nghĩa là chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình.
Người có lòng vị tha là người biết nghĩ đến người khác, biết tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Trong khi người ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình. Họ luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả. Và dĩ nhiên kẻ ích kỉ sẽ không dễ tha thứ nếu ai đó làm tổn thương mình.
Chúng ta biết "nhân vô thập toàn". Đã là người ai lại không có một lần phạm phải sai lầm. Nếu mọi lỗi lầm đều không được tha thứ thì mối quan hệ giữa người với người trên thế giới này sẽ như thế nào? Vị tha là một phẩm chất không thể thiếu để thắt chặt sợi dây thân ái giữa mọi người. Và ích kỷ là kẻ thù hùng mạnh nhất của lương tâm. Tại sao lại nói như vậy?
Trong mỗi con người, ai ai cũng tồn tại lòng ích kỷ. Người mạnh sẽ có khả năng đóng củi sắt con "quỷ" ích kỷ đó. Người yếu kém sẽ để nó tung hoàng tác oai tác quái. Nhưng chiếc "cũi sắt" nhốt lòng ích kỷ làm bằng "lương tâm" và "ý chí". Nếu con người không giữ vững được lương tâm và ý chí của mình thì lòng ích kỷ có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Vì thế nên mới nói ích kỷ là kẻ thù hùng mạnh nhất của lương tâm.
Mac-đen đã từng nói: "Tính ích kỷ là nguyên nhân của mọi sự tàn ác". Từ việc chỉ biết có bản thân, người ta dễ dàng lầm lạc bước vào con đường tội lỗi. Lúc đó họ không còn biết gì đến mọi người xung quanh. Thế mới thấy, ích kỷ thật là đáng sợ.
Không chỉ ảnh hưởng đến người xung quanh mà lòng ích kỷ còn làm hại chính người..."nuôi dưỡng" nó. Nó giống như ngọn gió sa mạc làm khô héo tất cả. Khô héo tâm hồn ta và khô héo tình cảm người khác dành cho ta nữa.
"Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ phải chỉ riêng mình" (Tố Hữu)
Con người sinh ra là để sống với cộng đồng. Kẻ ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân sẽ không thể tồn tại hay "chết" theo cách nghĩ nào đó mà Huy-gô đã từng nói: "Kẻ nào vì mình mà sống thì vô tình kẻ ấy đã chết đối với người khác". Nói cách khác, không phải họ đang sống mà đơn giản chỉ là tồn tại. "tồn tại" chỉ thật sự nâng lên thành "sống" khi nó được bao bọc bởi tình yêu thương. Những kẻ ích kỷ liệu có được mọi người yêu mến, quý trọng?
Vị tha là "người" đứng bên kia chí tuyến với lòng ích kỷ. Người vị tha luôn nhìn người khác bằng cái nhìn của lòng nhân từ, tình thương yêu. Họ luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và cảm nhận tình cảm vui buồn của những con người đó.
Trước hết cần nói rằng sống cho vị tha chính là tự tôn trọng mình như Vệ Bá đã từng nói:"Khoan dung, vị tha, bác ái là cái nền để kính mình". Để tha thứ và tỏ ra bao dung với người khác không phải dễ. Đơn giản hơn nghĩa là ai cũng biết đó là một điều tốt nhưng không phải tất cả đều làm được. Nó đòi hỏi người ta những phẩm chất nhất định. Có lẽ vì vậy mà Han-đa-rơ gọi những ai biết tha thứ là "những con người dũng cảm".
Như đã nói ở trên thì học cách sống cho vị tha không phải dễ. Nhưng để tha thứ cho kẻ thù của mình lại càng khó gấp bội. Khi ta tỏ ra bao dung trước tội lỗi của kẻ thù chính là ta đang tự chiến thắng bản thân mình. "Tha thứ là bông hoa thượng hạng của chiến thắng" (Arixtot) Người chưa từng biết tha thứ cho kẻ thù thì chưa từng nếm một trong những thú vui tuyệt trần của thế gian.
Khổng Tử dạy rằng "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân" Trước hãy trách mình, sau mới trách người khác). Người sống vị tha thường xét mình một cách nghiêm khắc và xét người khác một cách nhân ái, bao dung. Khắt khe với chính mình cũng là một trong những cách tiêu diệt lòng ích kỷ và xây dựng tính vị tha.
Ta tưởng tượng lòng vị tha giống như một khu vườn. "Vị tha" trong suy nghĩ là đất, "vị tha" trong lời nói là hoa và "vị tha" trong việc làm là quả. Từ lúc vun trồng cho tới khi ra hoa kết quả, lòng vị tha phải trải qua quá trình nuôi dưỡng lâu dài. Đồng thời cũng nên nhớ rằng người ta chỉ thật sự tha thứ khi học được cách để quên. Cũng như một cái cây làm sao có thể phát triển xanh tươi nếu mảnh đất nuôi lớn nó quá cằn cỗi. Vì thế khi nói rằng "Tôi có thể tha thứ nhưng tôi không thể quên" chỉ là một biến thể của câu "Tôi không thể tha thứ".
Tuy nhiên, việc gì cũng có giới hạn nhất định. Cái gì "quá" cũng không tốt. Vị tha không có nghĩa là hy sinh một cách mù quáng, nhắm mắt bỏ qua tất cả mọi tội lỗi. Đó gọi là ngu dốt. Hành động vị tha phải dựa trên sự dẫn dắt của lý trí. Ích kỷ cũng như vậy. Nói nó xấu không có nghĩa là bản thân chúng ta không được phép nghĩ cho riêng mình mà hãy nghĩ cho mình trên cơ sở lợi ích của người khác.
Trước những thử thách của cuộc sống ta cần phân định rõ đâu là ranh giới giữa đúng và sai. Từ đó lựa chọn cho mình một cách cư xử phù hợp. Phẩm chất thì không có chuẩn mực. Mỗi người phải có toà án lương tâm để định hướng cho hành động của mình. Nghĩ tới người khác không đồng nghĩa với việc tự lãng quên bản thân. Biết bảo vệ quyền lợi cá nhân không có nghĩa là đạp đổ hạnh phúc của người khác. Vị tha và ích kỷ cần áp dụng và hạn chế cho phù hợp. Làm được điều đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Nhắc đến vị tha và ích kỷ, tôi lại nghĩ về câu nói: "Thêm một chút vị tha và vứt đi một phần ích kỷ sẽ thấy cuộc sống là màu hồng".


Ý NGHĨA CỦA SỰ VỊ THA

Trước đây, Chap từng nghĩ vị tha mang một ý nghĩa to lớn lắm. Người có thể tha thứ cho kẻ thù hay những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình thì mới có lòng vị tha. Người luôn sống và nghĩ cho mọi người, không màng tới lợi ích cá nhân, đó cũng là người có lòng vị tha. Nếu là như vậy thì người vị tha trong xã hội này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Giờ nghĩ lại thấy ý nghĩa của sự vị tha vốn gần gũi hơn rất nhiều. Chẳng cần bạn phải làm những điều lớn lao mà chính từ những điều nhỏ nhất, chúng ta cũng có thể thực hiện sự vị tha rồi.
Bản chất của con người là vị kỷ, chỉ thích sống cho mình, vì lợi ích của mình trước. Không phải tham ô, tham nhũng mới thể hiện sự vị kỷ đó. Chúng ta vị kỷ từ trong mỗi suy nghĩ nhỏ nhất, từ việc giành chiếc áo này của tôi, điện thoại này của tôi, cho tới việc thể hiện mình, thích kể chuyện của mình hơn là lắng nghe người khác. Vị tha chính là thái cực đối lập với vị kỷ, nghĩa là vì người khác, vì tha nhân chứ không phải vì cá nhân, bản thân mình. Bạn thấy đó, vị kỷ len lỏi trong từng suy nghĩ, hành động, lời nói hàng ngày của chúng ta. Như vậy, vị tha cũng có thể thiết lập trong từng điều nhỏ bé ấy.
Vị tha, đó là khi bạn biết suy nghĩ cho người khác, biết đặt mình vào vị trí của người khác. Có những khi đau khổ, bạn cũng muốn người khác hiểu được suy nghĩ của mình để đồng cảm với mình. Thậm chí, bạn còn đòi hỏi người ta phải đặt mình vào vị trí của bạn mà nghĩ. Chính vì không ai hiểu và cảm thông nên vô tình hay cố ý gây cho bạn đau khổ. Vậy bạn xem, khi mà chính bạn cũng chẳng bao giờ biết đặt mình vào vị trí của người khác thì biết bao lần bạn cũng reo rắc khổ đau cho mọi người? Bạn chưa vị tha sao lại đòi hỏi sự vị tha ở người khác?
Biết đặt mình vào vị trí của người khác, bạn mới có thể hiểu họ cần gì và cảm thấy như thế nào. Nếu đã hiểu, bạn sẽ biết cách để nhường nhịn, giúp người khác vui vẻ và tránh gây ra sự khó chịu hay một cảm xúc tiêu cực nào nơi họ. Nghĩ cho người, sống cho người đó chẳng phải là lòng vị tha hay sao? Những việc này đâu cần chúng ta phải làm gì to tát, lớn lao. Ta có thể thực hiện ngay từ mọi suy nghĩ, hành động nhỏ nhất của mình. Chap đang nghĩ cho sự an lạc trong tâm bạn mà viết nên những chia sẻ này. Các bạn vì Chap mà đón nhận nó trong sự bình thản, không phân biệt, không phán xét. Nếu có góp ý, bạn dùng sự chân thành để nói với Chap thay vì lên án hay xúc phạm. Như vậy là bạn đang nghĩ cho sự bình yên trong tâm Chap, không gợi nên đau khổ hay hận thù. Ấy là chúng ta đang thực hiện sự vị tha.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta chỉ mải quan tâm tới vấn đề của bản thân hay vì thỏa mãn cá nhân mà không để ý tới suy nghĩ, tâm tư của người khác. Ai cũng vì lợi ích của bản thân nên chẳng muốn mình bị thua thiệt, dù là với người thân yêu. Mọi sự tranh đua, ganh ghét cũng từ đây mà nổi lên. Nếu bạn có thể nhường nhịn người khác, dù chỉ là một câu nói, thì hẳn mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ thở hơn biết mấy. Thay vì cố gắng để tranh biện đến cùng, bạn thử một lần đặt mình vào đối phương xem họ có đang khó chịu hay tức giận. Bạn sẽ biết mình cần nói tiếp hay im lặng. Thay vì mải mê kể câu chuyện của mình, bạn quan sát xem người kia đang vui vẻ tiếp nhận nó hay lắng nghe một cách miễn cưỡng, họ có điều gì muốn nói hay không. Bạn sẽ biết dừng lại đúng thời điểm. Thay vì tỏ ra khó chịu trước quan điểm của người khác và thể hiện nó bằng cách nào đó, bạn hãy xem người ta sẽ có thái độ ra sao trước phản ứng của bạn, dễ chịu hay cũng khó chịu không kém. Bạn sẽ biết mình phải làm gì để không đưa căng thẳng lên cao. Tránh cho người khác những khó chịu, khổ đau không đáng có thì tự bản thân bạn cũng an lạc, nhẹ nhàng hơn phải không nào?
Nhiều người bực tức trước những điều không vừa lòng ở người khác. Họ thể hiện nó ra bằng những câu nói khiếm nhã. Họ gắn cho chúng cái mác rằng nói như vậy thì người kia mới hiểu ra được vấn đề. Họ không để ý xem người ấy có đang đau khổ trước những câu nói đó hay không. Đây là vì người khác hay vì sự thỏa mãn cho lòng sân hận nơi tâm họ? Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta nghĩ rằng mình làm điều gì đó là để người khác tốt hơn. Song thực chất, ta đang nhầm tưởng rằng mình vốn chỉ đang thỏa mãn cho nỗi bức xúc trong tâm mình mà thôi. Nếu biết nghĩ cho người khác thì bạn sẽ không làm cho họ đau khổ hay thất vọng và quên đi sự có mặt của mình trong đó. Bạn còn nghĩ rằng mình đang giúp ai đó thì chẳng qua là bạn chỉ đang giúp cho chính bạn mà thôi. Cũng giống như khi viết những dòng này, nếu Chap có nổi lên ý nghĩ rằng mình đang làm điều tốt đẹp cho mọi người thì đó là Chap đang vì niềm vui của bản thân. Sự vị tha đã không còn tồn tại nữa. Chân thành và tự nhiên mới giúp cho lòng vị tha được hiển lộ.
Không gây nên đau khổ cho người khác thì tự bản thân chúng ta cũng tránh được rất nhiều xung đột không đáng có. Bởi sự ích kỷ của con người, khi bị ai đó làm cho khổ đau thì phải tìm cách trả đũa khiến người kia cũng khổ đau như vậy, thậm chí còn lớn hơn thế. Khi bạn biết nghĩ cho người khác, đem đến niềm vui cho họ thì chẳng có cớ gì để người kia làm hại bạn. Nếu họ vẫn đối xử không tốt với bạn thì chắc hẳn sự vị tha của bạn chưa đủ. Bạn vẫn cần vị tha hơn nữa. Càng thực hiện lòng vị tha ấy, tâm bạn sẽ càng được tưới tẩm sự bình an và hạnh phúc, bởi bạn biết mình không làm gì hổ thẹn với bản thân và cũng không nắm giữ điều gì cho riêng mình để mà phải hối hận, tiếc nuối. Bạn vì người khác một thì bạn nhận về gấp nhiều lần. Có khôn ngoan hơn là khư khư giành phần hơn cho mình rồi lo lắng về những mất mát, hơn thua?
Thực hiện lòng vị tha, đơn giản thôi, chỉ cần ta đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ cho sự an vui nơi họ. Không khó để thực hiện cũng không cần chúng ta phải làm công to việc lớn nào đúng không bạn? Có thể vị tha từ những điều nhỏ bé, tích lũy mỗi ngày, từng chút một, thì ta mới có thể thực hiện được sự vị tha lớn, cho những ai làm hại ta, khiến ta đau khổ hay có thể vì cả nhân loại hi sinh bản thân mình mà phụng hiến. Tương lai không nói trước được điều gì, chỉ cần hiện tại, bạn làm gì, nói gì, nghĩ gì cũng đặt mình vào vị trí của người sẽ tiếp nhận, không để họ bị tổn thương, thiệt hại, là bạn có được lòng vị tha ấy rồi.
Chap Zen