Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Ý NGHĨA CỦA GIÚP LỄ - TRẺ EM PHỤC VỤ BÀN THỜ

 









Ý NGHĨA CỦA GIÚP LỄ  - TRẺ EM PHỤC VỤ BÀN THỜ

1. Chú giúp lễ (lễ sinh, thiếu nhi cung thánh) là ai?

Là những người được trao phó sứ mạng phục vụ Bàn Thờ để giúp cộng đoàn sốt sắng tham dự phụng vụ.

2. Việc phục vụ Bàn Thờ phát xuất từ đâu?

Mỗi tín hữu đều có bổn phận phục vụ cộng đoàn. Vì vậy việc phục vụ của chú giúp lễ phát xuất từ ơn gọi của bí tích rửa tội.

 3. Khi nào em được gọi là chú giúp lễ?

Sau khi em được học hỏi và huấn luyện để phục vụ cung thánh, thì em được gọi là chú giúp lễ.

4. Việc phục vụ tại cung thánh có ý nghĩa như thế nào?

Việc phục vụ tại cung thánh là dấu chỉ em được thay mặt cộng đoàn để phục vụ các cử hành phụng vụ.

5. Việc phục vụ bàn thờ có đem lại ích lợi gì cho em không?

Khi phục vụ bàn thờ em được gần gũi với Chúa và các cử hành thánh, giúp em tăng trưởng đức tin và lòng yêu mến Chúa.

6.  Phái nữ có được giúp lễ không?

Có thể được tuỳ theo nhu cầu, tùy theo sự xét đoán của Giám mục (RS 47), nhưng truyền thống của Giáo Hội vẫn ưu tiên trao sứ mạng này cho phái nam vì phận vụ của người giúp lễ có mối liên hệ chặt chẽ với thừa tác vụ thánh của linh mục.

 7. Việc giúp lễ có giúp ích gì cho ơn gọi linh mục không?

Giúp lễ là dịp tốt cho lễ sinh được ở gần Chúa hơn, được các linh mục dạy dỗ nhiều hơn, như cậu bé Samuen ngày xưa ở trong Đền thờ với Thầy Hêli (x. 1 Sm 3,3-19).

 8. Chú giúp lễ phải học những gì ?

Em phải học hỏi giáo lý đầy đủ, phải sống đức tin mạnh mẽ, phải tập kỹ lưỡng các nghi thức phụng vụ, đồng thời tập sống chung với các bạn lễ sinh khác.

9. Tại sao phải họp giúp lễ ?

Việc họp giúp lễ để các lễ sinh có chung một tinh thần phục vụ, tăng trưởng lòng đạo đức và giúp các em trau dồi về phụng vụ.

 10. Áo trắng dài của lễ sinh nói lên điều gì ?

Thường các lễ sinh mặc áo trắng dài để nhắc em nhớ đến chiếc áo ngày chịu phép rửa tội và em phải giữ tâm hồn sạch tội để xứng đáng phục vụ bàn thờ.

11.Tinh thần phục vụ của lễ sinh phải thế nào ?

Tinh thần phục vụ của lễ sinh phải hướng tới lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn và chính mình bằng đời sống đạo đức, khiêm tốn và sẵn sàng.

12.  Tại sao em phải cần tập giúp lễ ?

Việc tập giúp lễ giúp em nắm vững phần công việc của mình, loại bỏ những căng thẳng và lo lắng trong buổi lễ, làm cho tâm trí em được thanh thản mà cầu nguyện và giúp cộng đoàn phụng vụ thêm sốt sắng.

 

13. Lễ sinh phải đi đứng thế nào ?

Em bước đi trong tư thế nghiêm trang, ngang hàng với người bên cạnh và bước thẳng theo người đi trước, không quay ngang quay ngửa.

 

14. Lễ sinh phải ngồi thế nào ?

Lễ sinh luôn chờ vị chủ tế ngồi trước rồi hãy ngồi. Cần ngồi thẳng lưng, hai tay đặt trên hai đầu gối.

 

 15. Tư thế đôi tay của lễ sinh thế nào ?

Tư thế đôi tay thông thường là :

      Chắp tay khi đứng và quỳ.–  Khi làm công việc với một tay, thì tay kia để trước ngực.

      Khi ngồi hai tay để trên đầu gối.

 16. Cúi mình khi nào và cúi đầu khi nào ?

     Cúi mình (cúi sâu, gập cả phần thân) khi tỏ lòng cung kính trước bàn thờ hay Thánh Thể…, ví dụ : lúc đầu lễ, lúc cuối lễ, khi đọc kinh Tin Kính chỗ “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần… làm người”, khi dâng Mình và Máu Thánh Chúa, v.v…

      Cúi đầu khi kêu tên Chúa Giêsu-Kitô, tên Đức Maria và vị thánh được kính trong thánh lễ hôm đó, khi đi ngang qua trước vị chủ tế, v.v…

 

17. Chưởng nghi là ai ?

Là người có khả năng chuyên môn, để lo liệu cho các động tác phụng vụ được xếp đặt cách thích đáng và được các thừa tác viên chức thánh và các tín hữu giáo dân thực hiện cách trang nghiêm, trật tự và đạo đức (QCTQ/SLR 106).

 

18. Người cầm Thánh Giá và đèn hầu là ai ?

Người cầm Thánh Giá đi đầu đoàn rước tiến vào nhà thờ cũng như lúc ra về; còn hầu đèn là hai người cầm đèn đi bên cạnh khi đi rước đầu lễ và cuối lễ, lúc công bố Tin Mừng và, nếu cần thì làm một vài công việc khác trong buổi cử hành.

19. Người cầm hương có nhiệm vụ gì ?

Người cầm hương phải lo cho bình hương có than cháy để khi bỏ hương, khói hương nghi ngút nói lên kinh nguyện tỏa bay lên trước tôn nhan Chúa.

20. Có mấy lần bỏ hương trong lễ trọng?

Thường trong Thánh Lễ trong có 4 lần bỏ hương:

a) đầu lễ (khi đi kiệu vào nhà thờ, xông hương Thánh Giá và bàn thờ);

b) công bố Tin Mừng;

c) xông hương lễ vật, chủ tế và cộng đoàn;

d) lúc dâng Mình và Máu Thánh Chúa.

 

 

 



 

BAN MỤC VỤ ƠN GỌI—TÀI LIỆU HUẤN LUYỆN LỄ SINH

Tháng 10/2020                                                                                                                                                                                                                                                                               

A. NHÂN BẢN:

PHÉP LỊCH SỰ LÀ GÌ?

Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta (Lc 2, 52)

1. H. Lịch sự là gì?

T. Lịch sự là cách ăn nói và xử thế một cách tốt đẹp, nhã nhặn, lễ phép.

2. H. Tại sao phải giữ phép lịch sự?

T. Vì chúng ta sống là sống với người khác, và trong cuộc sống chung này, chúng ta phải làm thế nào, để trở nên một con người dễ coi, dễ mến, dễ thương.

3. H. Sự cần thiết của phép lịch sự?

T. Trong việc giáo dục nhân bản, phép lịch sự là phần quan trọng và căn bản nhất. Nó là nền tảng căn bản để xây dựng con người, rồi sau đó mới thành người kitô hữu.

4. H. Lợi ích của phép lịch sự?

T. Nhờ phép lịch sự, chúng ta sẽ gây được cảm tình với những người chung quanh. Và một khi đã chiếm được cảm tình, chúng ta sẽ dễ dàng tiến tới thành công. Vì thế, lịch sự là chiếc chìa khóa bằng vàng có thể mở được mọi khung cửa.

B. PHỤNG VỤ:

CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU

1. H. Cộng đoàn kitô hữu là gì?

T. Cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn dân thánh, được quy tụ có phẩm trật dưới quyền Đức Giám Mục (QCTQ/SLR91).

2. H. Nhìn vào đâu để nói lên cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật?

T. Nhìn vào buổi cử  hành thánh lễ. Trong buổi cử hành thánh lễ, thừa tác viên cũng như tín hữu giáo dân, không ai là khán giả câm lặng nhưng mỗi người đều tham gia tích cực vào buổi cử hành và thực hiện phận vụ của mình theo qui tắc phụng vụ.

3. H. Chủ tế là ai?

T. Chủ tế là người có chức thánh (Linh mục, Giám mục hay Giáo Hoàng) để dâng hy lễ nhân danh Đức Kitô, để chủ tọa cộng đoàn tín hữu được quy tụ (QCTQ/SLR 93); ngài thay mặt Đức Kitô là Đầu mà hành động (LM2).

4. H. Phó tế là ai?

T. Phó tế là người có chức thánh để phục vụ: thầy công bố Tin Mừng, đôi khi diễn giảng Lời Chúa, xướng các ý nguyện trong lời nguyện cho mọi người, giúp chủ tế khi chuẩn bị bàn thờ và khi cử hành hy tế, cho các tín hữu rước lễ, nhất là dưới hình rượu (QCTQ/SLR94).

C. LỄ SINH SỐNG NGÀY THÁNH THỂ:

NỘI DUNG SỐNG NGÀY THÁNH THỂ

 “Dù anh em ăn uống hay làm việc gì, anh em hãy làm tất cả vì Danh Chúa Giêsu Kitô” (1Cr 10, 31)

1. H. Sống ngày thánh thể gồm những việc nào?

T. Gồm những việc này: Dâng ngày; tham dự thánh lễ, rước lễ; hy sinh, làm tông đồ; cầu nguyện; dâng đêm.

2. H. Ngày thánh thể bắt đầu bằng việc nào?

T. Ngày Thánh Thể được bắt đầu bằng việc dâng ngày.

3. H. Tại sao phải dâng ngày?

T. Vì Chúa Giêsu là trung tâm của đời sống người kitô hữu, nên khi bắt đầu ngày sống, phút đầu tiên của ngày mới, người lễ sinh sẽ dâng ngày sống cho Chúa, dâng ngày mới cho Anh Cả Giêsu của mình.

4. H. Việc dâng ngày có ý nghĩa gì?

T. Dâng ngày có ý nghĩa là dâng đời sống, việc làm của ta trong ngày cho Chúa, dâng cả niềm vui và nỗi buồn, dâng cả yếu đuối và tội lỗi… để ta luôn sống và làm theo Thánh ý Chúa trong suốt ngày sống của ta.