Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

LỄ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN 24-07-2020












XƯỚNG KINH LỄ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN 24.07.2020

01. LẠY CHÚA GIÊSU CHÚNG CON THỜ LẠY CHÚA. 

02. NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN. AMEN.

03. ĐỌC KINH TRUYỀN TIN–CHÚA THÁNH THẦN–TIN –CẬY–MẾN –ĂN NĂN TỘI.

04. ĐỌC SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN:
 
MỘT NGƯỜI ĐỌC 1:
CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN
Thày Giảng (1625-1644)

Vinh dự cho người thanh niên đất Việt
Trong lá thư gửi đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 17 tại Canada, một thanh niên Việt Nam được Đức Gioan Phaolô II nêu danh ở vị trí thứ hai trong số 10 vị thánh trẻ gương mẫu. Nhân vật có vinh dự lớn lao ấy chính là chân phước Anrê Phú Yên, một thanh niên trẻ trung đất Việt đã làm chứng cho Chúa vào tuổi 19, cũng là vị tử đạo tiên khởi trong số 118 chứng nhân đức tin tại Việt Nam được suy tôn trên bàn thờ.
Anrê Phú Yên sinh khoảng năm 1625, là con út trong một gia đình nghèo tại thôn xóm nhỏ ven biển, thuộc tỉnh “Ranran” tức tỉnh Phú Yên. Sinh quán của anh hiện nay thuộc về giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, giáo phận Quy Nhơn.
Năm 15 tuổi, cùng với thân mẫu, anh đón nhận đức tin với tên thánh là Anrê. Không có tài liệu nào về tên thật của anh, nên mọi người gọi anh bằng tên thánh: Anrê Phú Yên.

Thày giảng trẻ tuổi
Tuy góa bụa nhưng bà Gioanna đã giáo dục con với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Hai năm sau, bà nài xin và được chính cha Đắc Lộ, vị thừa sai dòng Tên nổi tiếng tại Việt Nam, nhận lời cho con của bà là Anrê khi đó mới 17 tuổi, được gia nhập vào tổ chức thày giảng. Sau một thời gian được huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê đã tuyên khấn tại Hội An năm 1643, và bắt đầu thi hành công tác thầy giảng, theo chân cha Đắc Lộ trên bước đường truyền giáo từ Phú Yên lên Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình.
Dựa theo tài liệu do chính cha Đắc Lộ viết về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong, bên cạnh hai kitô hữu trưởng thành, còn có một nhóm những người trẻ hơn, cũng tuyên thệ công khai tại nhà thờ, hứa cộng tác vào việc cứu vớt các linh hồn, dưới sự hướng dẫn của các thừa sai hoặc bề trên do các ngài chỉ định. Trong số những người trẻ tuổi ấy có thầy Anrê, đã tận hiến đời mình bước theo dấu chân Thày Chí Thánh.
Một số nhân chứng đã gặp thầy tại nhà của cha Đắc Lộ, hoặc chứng kiến cách thức thầy phục vụ cộng đoàn ở Hội An; đều ca ngợi thày là người nhiệt thành và hăng say, khi giảng dạy về đức tin cũng như khi chủ sự các giờ kinh cộng đoàn. Nhiều người xác định thày siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa giải và  Thánh Thể.

MỘT NGƯỜI ĐỌC 2:

Đón nhận những khó khăn cách tự nguyện
Tháng 7 năm 1644, Quan nghè Bộ đang trấn nhiệm tỉnh Phú Yên nhận được sắc chỉ từ phủ chúa Nguyễn ra lệnh cấm truyền bá đạo. Ông tỏ ra hăng say tuân theo mệnh lệnh này. Ông cho lệnh bắt giam một thày giảng lớn tuổi cũng có tên là Anrê và bao vây nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt một thầy giảng khác có tên là Ignatio.
Cha Đắc Lộ nghe biết chuyện đã đến gặp viên quan này để tìm cách thương thảo, nhưng quan trấn khẳng định quyết tâm thi hành lệnh nhà chúa. Ông yêu cầu cha trở về Macao và báo trước sẽ trừng phạt nặng nề các tín hữu dám theo đạo mới. Thế nên cha Đắc Lộ chỉ còn cách đi vào nhà giam để thăm thầy già Anrê. Cha xin ở lại một đêm với thày nhưng không được phép.
Khi quân lính tới nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt thầy giảng Ignatio thì cả nhà đều đi vắng. Thầy Anrê trẻ là người duy nhất có mặt. Thày đứng ra nhận hết trách nhiệm, nên quân lính bắt trói thày sau khi đã lục lọi các ảnh thánh và đồ thờ đem về trình cho quan trấn. Anrê vui vẻ đi theo họ, và trên suốt quãng đường "không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục và được lên trời” [2]
Sau khi bị điệu đến quan, bị tố cáo là giáo dân và là thày giảng, thày Anrê bị nhốt chung với thày già Anrê. Cả hai thức suốt đêm mà họ coi như đêm cuối cùng của cuộc đời, cả hai yên ủi nhau với niềm tin tường ngày mai cả hai sẽ về thiên quốc[3]. Theo cha Đắc Lộ: "Thật không thể giải thích được niềm vui của hai tù nhân này lớn lao dường nào khi thấy mình được liên kết với nhau, được vinh dự mang gánh nặng của Thập Giá vì niềm tin nơi Chúa Kitô : những lời chúc tụng của họ liên tục dâng lên Thiên Chúa vì ân huệ ấy, trong cuộc nói chuyện đầy thương mến, họ khích lệ và nhắn nhủ nhau sẵn sàng cho trận chiến tương lai"
Sáng hôm sau, quan truyền đưa hai thày giảng Anrê ra tòa để kết án. Hai vị bị áp tải qua các đường phố, cổ mang gông, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn. Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới gặp quan để tìm cách can thiệp. Nhưng quan chỉ chấp nhận tha cho thày già Anrê và kết án chàng thanh niên 19 tuổi cố chấp, dám dõng dạc thưa với quan : “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống để hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa hầu đền đáp ơn Người”.
Khi nghe bản án tử hình, thầy Anrê tỏ ra thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô. Thày khích lệ những người đến thăm. Thày xin họ cầu nguyện cho mình được ơn trung thành với Chúa, và nói lên ước nguyện được dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người... Lời thầy lập lại nhiều lần nhất là: "Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống".

MỘT NGƯỜI ĐỌC 3:

Lấy tình yêu để đáp lại tình yêu
Vào khoảng 5 giờ chiều, một toán lính khoảng 30 người vào tù áp tải thầy Anrê đi tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người bạn tù, thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính bao vây chung quanh và dẫn thầy đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành, [4]. Cha Đắc Lộ, nhiều tín hữu Việt Nam và Bồ Đào Nha cùng một số dân trong vùng đã đi theo chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.
Đến nơi hành hình, quân lính đẩy thầy Anrê quì xuống, rồi đứng vây chung quanh, sau đó họ tháo gông và trói hai tay thầy lại. Cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới chân thầy Anrê để hứng máu, nhưng thầy Anrê từ chối, thầy muốn máu mình rơi xuống đất như máu cực trọng Chúa Kitô thuở xưa. Cha Đắc Lộ tôn trọng quyết định của thầy và đứng bên cạnh. Trong khi đó, thầy Anrê nhắn nhủ các tín hữu đang hiện diện, hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của thầy, và hiệp lời cầu cho thầy được trung thành tới cùng.
Cuộc hành quyết thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát giáo đâm thấu cạnh sườn bên trái. Thày Anrê vẫn nhìn về phía cha Đắc Lộ như âu yếm nói lời vĩnh biệt, nhưng cha nhắc thày ngước nhìn lên trời nơi thày sắp tới và có Chúa Giêsu đón thày. Thày ngước mắt lên cao và không nhìn xuống nữa. Cuối cùng, khi một người lính dùng đao chém đầu, thầy vẫn lớn tiếng kêu lên danh thánh "Giêsu". Hôm ấy là ngày 26 tháng 7 năm 1644.
Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô. Cha Đắc Lộ, sau khi chứng kiến tất cả diễn tiến cuộc hành quyết, đã xin được lãnh thi hài của Thầy Anrê. Ít ngày sau ngài đưa thi thể thày đưa xuống tàu mang sang Macao ngày 15 tháng 8 năm 1644. Các tu sĩ dòng Tên tại đây đã đón rước linh cữu thày và an táng tại đây. Riêng thủ cấp của vị chứng nhân đức tin được cha Đắc Lộ đưa về tận Rôma. Dựa vào các tài liệu của cha viết về cái chết của Thày Anrê, ngay cuối năm 1644, tòa thánh đã bắt đầu khởi sự án phong chân phước cho thày.
Với các tín hữu Việt Nam, Thầy Giảng Anrê Phú Yên chính là vị tử đạo đầu tiên của Đàng Trong, là mẫu gương ngời sáng của một người con Chúa trung thành sống đời kitô hữu. Họ tin tưởng xin Thầy chuyển cầu cho họ nơi tòa Chúa để được sức mạnh can đảm sống phù hợp với đức tin và trung thành với ơn gọi Kitô. Các giám mục Việt Nam khi đi dự Công Đồng Vatican II, đã xin Đức Phaolô VI mở lại án phong chân phước cho Thầy Giảng Anrê. Các vị nhấn mạnh tấm gương của thầy Anrê, qua thái độ bình thản và cương quyết chấp nhận tử đạo, là một trợ lực mạnh mẽ cho những ai giống như thầy, đang chịu đau khổ để bảo vệ đức tin và trung thành với Chúa Kitô và với Giáo hội.
Giữa năm đại thánh 2000, vào ngày 5 tháng 3, Đức Gioan Phaolô II đã suy tôn Thày Anrê Phú Yên lên bậc chân phước.
CỘNG ĐOÀN:
Lạy Chúa, xin cho các giáo lý viên và các bạn trẻ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nơi bị cấm cách hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến rũ, biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải cùng trung kiên theo Chúa Giêsu, sẵn sàng hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài. Amen.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP 

05. KINH Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

CỘNG ĐOÀN:

Thân lạy Á Thánh Anrê, là Chứng Nhân tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam. Xưa Người đã hiến trọn tuổi xuân và mạng sống, để đáp đền tình Chúa yêu thương, góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam thưở ban sơ. Là giáo lý viên nhiệt tình và quảng đại, không ngại gian nan rao giảng Tin Mừng. Sau hết, người đã lấy máu đào, minh chứng tình yêu son sắt dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh. Nay trên thiên quốc, xin người đoái thương nguyện giúp cầu thay, cho quê hương Việt Nam rạng ngời Danh Chúa, cho giáo dân Việt Nam biết mến Chúa yêu người, cho các bạn trẻ Việt Nam nhiệt thành thánh thiện, cho các giáo lý viên, biết hết lòng phục vụ trong niềm tin yêu phó thác. Thân lạy Á Thánh Anrê, xin cho mọi người chúng con, luôn ghi nhớ và thực hiện nguyện ước của người: đem tình yêu đáp trả tình yêu, hiến dâng mạng sống báo đền mạng sống. Quyết một lòng trung nghĩa với Chúa Giêsu, cho đến trọn đời. Amen.

06. Xướng TM cho CĐ cùng đọc.
07. K.DÂNG LỄ MISA  (KTN.8. Đ.3)(Rước chủ tế từ cuối nhà thờ  và dâng lễ vật)
08. CA HIỆP LỄ  NHD Bắt cho cộng đoàn cùng đọc  
09. K. DỌN MÌNH RƯỚC LỄ 
10. K. CÁM ƠN RƯỚC LỄ:  Bắt cho cộng đoàn cùng đọc:
11. CÂU GLGĐ + CÂU TM + LN
12. HÁT TẠ LỄ   
13. LÀM DẤU KÉP TRƯỚC KHI RA VỀ.
Theo giọng truyền thống, chậm vừa để cho cộng đồng cùng đọc.Vừa cúi mình vừa đọc:
LẠY CHÚA GIÊSU, CHÚNG CON CẢM TẠ CHÚA.








Phụng Vụ Lời Chúa Lễ Kính Á Thánh Anrê Phú Yên

BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29
Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa.
Bài trích Ma-ca-bê quyển thứ hai.
Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Ðấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình." Bà nói với người con út: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."
Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
1. Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. (Ð.)
2. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
"Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !"
Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui. (Ð.)

3. Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. (Ð.)

4. Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng. (Ð.)
BÀI ĐỌC II: 2Cr 6,4-10
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA
Alleluia, Alleluia. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia.

TIN MỪNG: Lc 9,23-26
Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."
Ðó là Lời Chúa.



LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
LỄ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN
BỔN MẠNG GIÁO LÝ VIÊN

CHỦ TẾ: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu là Đấng Thánh mà Chân Phước Anrê Phú Yên đã sống trọn vẹn tình yêu mến và nhiệt tâm loan báo, chúng ta cùng hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể và dâng lời cầu nguyện:

1. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Hội Thánh luôn ý thức rằng còn hơn một phần ba nhân loại chưa biết Thiên Chúa để mọi thành phần Dân Chúa dốc toàn lực vào công trình Phúc Âm hóa thế giới.

2. Ngày nay, thái độ thờ ơ, vô cảm được xem là một tội ác. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt là các anh chị giáo lý viên có một trái tim luôn cháy lửa tình yêu để thắp lên tia sáng trong cuộc sống đầy rẫy vô tâm và nguội lạnh này.

3. “Chúng ta không thể cho người khác cái mà chúng ta không có”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các anh chị giáo lý viên luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để “biết giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời”, nhất là biết hăng hái loan báo Tin Mừng, trong sứ vụ giảng dạy giáo lý mà Hội Thánh mời gọi và sai đi.

4. “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hãy đem mạng sống báo đền mạng sống”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các giáo lý viên được tràn đầy tình yêu Chúa như Chân Phước Anrê Phú Yên, biết dùng đời sống của mình làm nhân chứng cho Chúa, nhờ đó mạnh mẽ vượt thắng các khó khăn trong công việc được giao phó.

CHỦ TẾ: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, xin nhận lấy những ước nguyện chân thành của chúng con và giúp chúng con luôn trung thành loan báo tình Chúa yêu thương cho mọi người, nhất là cho các em thiếu nhi thân thương của chúng con. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.





DẪN LỄ ANDRÊ PHÚ YÊN
Kính thưa cộng đoàn,
 Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh Việt Nam, cách riêng Đoàn Giáo Lý Viên trong ngày lễ bổn mạng, chúng ta hân hoan mừng kính Chân Phước Anrê Phú Yên. Ngài là người con ưu tú, là chứng nhân đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam, là một Giáo lý viên nhiệt thành và hữu hiệu, một tâm hồn tông đồ mãnh liệt, là mẫu gương sống đạo không những của giới trẻ Công giáo Việt Nam, mà còn của giới trẻ Công giáo trên toàn thế giới. Cuộc đời theo Chúa của Ngài gắn liền với việc phục vụ Hội Thánh, âm thầm đem lại bình an và niềm vui cho những người chưa biết Chúa. Với châm ngôn: “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hãy đem mạng sống báo đền mạng sống”. Anrê Phú Yên đã để lại cho chúng ta, những người bạn trẻ, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, và lòng nhiệt thành dấn thân cho Nước Trời.
Dâng Thánh Lễ hôm nay, Chúng ta tha thiết cầu xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Anrê Phú Yên, xin cho các bạn trẻ tích cực tham gia công tác mục vụ trong Giáo xứ, và nhất là những Giáo lý viên biết nhiệt tâm trong việc phục vụ Lời Chúa, trở nên muối, men và ánh sáng cho đời, đồng thời luôn hăng say phục vụ trong cánh đồng truyền giáo.
Với những tâm tình và ý nguyện trên, mời cộng đoàn cùng hiệp dâng Thánh lễ.




BỘ LỄ KÍNH CHÂN PHƯỚC  ANRÊ PHÚ YÊN

Ca nhập lễ
Đây thực là vị tử đạo, đã đổ máu vì danh Chúa Kitô, không sợ hãi lời đe dọa của quan tòa và đã tiến vào thiên quốc.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho Á Thánh Anrê Phú Yên, được lòng dũng cảm hy sinh đến cùng vì chính đạo. Xin thương nhậm lời thánh nhân chuyển cầu mà giúp chúng con can đảm thực thi lời người chỉ dạy: “Đem tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống, yêu đến hết hơi, yêu đến trọn đời”. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô……
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xưa Chúa đã ban cho Á Thánh Anrê Phú Yên ơn đổ máu đào để tuyên xưng đức tin, nay xin Chúa đổ tràn ân phúc trên của lễ chúng con dâng, và biến chúng con thành của lễ hy sinh dâng tiến Chúa hầu trở nên dấu chứng niềm tin sắc son. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu kitô Chúa chúng con.

Lời tiền tụng
Lạy Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Noi gương Đức Kitô, Á Thánh Anrê Phú yên tử đạo đã đổ máu đào tuyên xưng danh Cha, khiến mọi người thấy rõ kỳ công Cha đã thực hiện. Nhờ đó, Cha kiện toàn sức mạnh nơi những con người mỏng giòn và tăng sinh lực cho những người yếu đuối để họ là chứng cho Cha, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng. Thánh, Thánh Thánh…

Ca hiệp lễ
Chúa nói: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới trổ sinh nhiều bông hạt”

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa vừa dùng các mầu nhiệm thánh đổi mới chúng con. Ước chi chúng con biết noi gương anh dũng của Á Thánh Anrê Phú Yên, để sau khi noi gương người sống ở trần gian chúng con được cùng người vui hưởng hạnh phúc trên quê trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.