Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

GIỜ THÁNH: CẦU NGUYỆN LÒNG THƯƠNG XÓT

GIỜ THÁNH

CẦU NGUYỆN LÒNG THƯƠNG XÓT
Thứ Sáu 1- 4-2016

Lời dẫn:
Kính thưa cộng đoàn,
Trong Tông sắc công bố Năm Thánh ngoại thường về Lòng thương xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu… Nơi Đức Giêsu Nazareth, Lòng Thương Xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh” (số 1). Ngài còn nói thêm: “Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta (số 2).
Vì thế, mỗi người Kitô hữu cần phải liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Lòng Thương Xót. Đây chính là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình cho cuộc đời. Đây cũng là điều kiện để mọi người được lãnh nhận ơn cứu độ.
Để chuẩn bị cho Chúa Nhật mừng kính Lòng Chúa Thương Xót trong Năm Thánh này, cộng đoàn chúng ta cùng cử hành giờ cầu nguyện tối nay để chiêm ngắm và cảm nghiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta sốt sắng đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Người, để rồi chính chúng ta sẽ trở nên những chứng nhân của Lòng Thương Xót trong môi trường và hoàn cảnh sống của mình.
I. KHAI MẠC
- Đặt Mình Thánh Chúa
Hát: Thờ Lạy Chúa (Hoài Đức)
Chủ sự xông hương Thánh Thể, quỳ thinh lặng chiêm ngắm một chút rồi về ghế chủ tọa.
II. CA TỤNG - SÁM HỐI
Tại ghế chủ tọa, chủ sự chúc tụng Chúa cùng với cộng đoàn:
X.Lạy Thiên Chúa là Cha, chúc tụng Chúa là Đấng duy nhất đã làm cho chúng con những điều trọng đại.
Đ.Tình thương của Chúa tồn tại đến muôn đời!
X.Lạy Con Một Thiên Chúa, chúc tụng Chúa đã đổ máu mình ra để giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi.
Đ.Tình thương của Chúa tồn tại đến muôn đời!
X.Lạy Chúa Thánh Thần, chúc tụng Chúa là Đấng an ủi và xoa dịu mọi nỗi đau trong tâm hồn.
Đ.Tình thương của Chúa tồn tại đến muôn đời!
Rồi cùng cộng đoàn sám hối:
X.Chúng con thường thờ ơ nguội lạnh không nhận biết và tin tưởng vào tình thương Chúa.
Đ.Xin Chúa thương xót và chúc lành cho chúng con.
X.Chúng con đã nhiều lần bội bạc không sống xứng đáng với hồng ân Chúa ban.
Đ.Xin Chúa thương xót và chúc lành cho chúng con.
X.Chúng con còn biếng nhác vô tâm chưa tuyên xưng và làm chứng cho lòng thương xót.
Đ.Xin Chúa thương xót và chúc lành cho chúng con.
III. LỜI CHÚA - SUY NIỆM
Lời Chúa: Ga 20,19-29 (cộng đoàn đứng)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
Bấy giờ trong mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”
Suy Niệm 1: (cộng đoàn ngồi)
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua
Trong Tông sắc công bố Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: ‘Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16), Thánh Sử Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và là lần duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Tình yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ bày trong cả cuộc sống của Chúa Giêsu. Bản thân Người không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được ban tặng cách vô điều kiện” (số 8). Thật vậy, nơi Đức Giêsu, chúng ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua việc Ngài đón tiếp mọi người không loại trừ ai, chăm sóc dưỡng nuôi họ, và chữa lành cho những người đau yếu bệnh tật. Hơn nữa, Người chẳng hề kết án nhưng luôn cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi biết thật lòng sám hối ăn năn. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu.
Trang Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa nghe là trình thuật việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra trong Nhà Tiệc Ly với các môn đệ và thiết lập Bí tích Hòa Giải: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha” (Ga 20,22-23). Nếu ơn tha thứ là biểu lộ rõ ràng nhất của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu, thì Bí tích Hòa giải chính là đỉnh cao của lòng thương xót ấy.
Nơi Bí Tích Hòa giải, chúng ta có thể gặp lại ánh mắt của lòng thương xót và những lời tha thứ của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Người. Ánh mắt Chúa dành cho tông đồ trưởng Phêrô đã thức tỉnh ông và mời gọi ông sám hối về hành vi chối Thầy đến ba lần. Ánh mắt ấy của Chúa Giêsu không hề oán trách nhưng hoàn toàn yêu thương, đồng cảm sâu sắc với thân phận yếu đuối của kiếp người. Cũng chính ánh mắt đầy yêu thương ấy của Chúa đã từng giải thoát và hoán cải ông Zakêu và thánh Matthêu, tha thứ và đem lại bình an cho Maria Mađalêna và người phụ nữ ngoại tình. Ánh mắt của lòng thương xót nơi Đức Giêsu vẫn chan chứa tình thương và tha thiết mời gọi dành cho mỗi người chúng ta hôm nay. Đó là ánh mắt của người mục tử vẫn ngày đêm không mệt mỏi tìm kiếm từng con chiên lạc, ánh mắt của người cha nhân từ vẫn kiên nhẫn trông chờ hình bóng của những đứa con. Dù ta đang là người con thứ hay người con cả thì ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa vẫn dõi nhìn từng bước đường ta đi cách ân cần trìu mến.
Khi bị treo trên thập giá, ánh nhìn đầy thương xót của Chúa không hề lịm tắt mà được thốt thành lời cầu xin mãnh liệt cho những kẻ làm khổ Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23,34); hoặc biến thành lời hứa chắc chắn cho kẻ tử tội có lòng thống hối ăn năn: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Lòng thương xót của Đức Giêsu dành cho quan quân Do-thái và nhất là người trộm lành đã diễn tả mạnh mẽ điều Chúa tuyên bố trước đó với những kẻ hay chỉ trích khi Người tiếp xúc và ngồi chung với những người thu thuế và tội lỗi: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13; Mc 2,17). Lời tuyên bố ấy như một khẳng định rằng yêu thương và tha thứ gắn liền với sứ vụ cứu thế của Con Thiên Chúa làm người. Vì thế trong cuộc thương khó, Người đã yêu thương đến cùng và tha thứ đến cùng qua hiến tế thập giá hầu khơi nguồn ơn cứu độ cho con người ở mọi nơi, mọi thời.
Trình thuật Tin Mừng về việc Chúa hiện ra và ban quyền tha tội cũng gắn liền với bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót, diễn tả Chúa Phục Sinh đem đến cho con người niềm an bình với việc tha thứ tội lỗi, bằng giá chuộc là cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên thập giá. Từ trái tim Chúa phát xuất hai tia sáng lớn: một đỏ và một trắng. Tia sáng trắng diễn tả Nước khiến cho các linh hồn nên công chính, còn tia sáng đỏ diễn tả Máu là sự sống của các linh hồn. Các tia sáng của máu và nước vọt ra từ trái tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu tượng trưng cho ân sủng tuôn trào từ mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
Thật vậy, trong đời sống Kitô hữu, Bí Tích Rửa tội và Bí Tích Hòa giải thanh luyện và trả lại sự tươi mới cho linh hồn, trong khi Bí Tích Thánh Thể lại ban tặng cho linh hồn thứ lương thực thần linh tuyệt vời. Như vậy, hai tia sáng phát xuất từ trái tim của Chúa Phục Sinh biểu tượng cho các bí tích thánh phát sinh từ cuộc Vượt Qua của Người và được hiện tại hóa nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đó là các bí tích của giao ước mới giữa Thiên Chúa với con người được ký kết bằng máu Chúa Kitô. Như vậy, trong Mầu nhiệm Phục Sinh, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người được vén mở một cách rõ ràng và trọn vẹn nhất. Lòng Thương Xót ấy trao ban sức sống và thắp lên hy vọng cho tất cả mọi người.
Đó là lý do để Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô hằng năm qua những nghi thức trong Tam Nhật Thánh, và hằng ngày nơi phụng vụ Thánh Thể cùng các bí tích. Qua những cử hành này, người tín hữu không chỉ được đón nhận hiệu quả mà còn có cơ hội cảm nghiệm lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Tham dự phụng vụ của Giáo Hội là ta được tắm gội trong dòng suối xót thương của Thiên Chúa, được ôm ấp trong vòng tay của Đấng giàu lòng xót thương, và được ánh sáng của lòng thương xót chiếu giãi trong tâm hồn và trên cuộc đời mình.
“Trong Năm Thánh này, hãy để Thiên Chúa tạo bất ngờ cho chúng ta. Ngài luôn để cánh cửa trái tim Ngài rộng mở, và không ngừng lập đi lập lại rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn thông truyền sự sống của Ngài cho chúng ta” (Tông sắc Dung Mạo LTX, số 25). Chớ gì mỗi người chúng ta ngày càng khám phá và kín múc thật nhiềm niềm vui và bình an nơi lòng Chúa thương xót.
Thinh lặng ít phút để cầu nguyện.
Hát: 1- Lòng Cha từ bi thương xót thiết tha. Lòng Cha bao la yêu mến chan hoà. Tình Cha yêu con vượt qua trời cao. Chiếu soi tâm hồn đam mê tội lỗi.
ĐK. Vì Ngài yêu con, vì Ngài yêu con. Tình Ngài theo con cho hồn con vui sống. Vì Ngài yêu con, vì Ngài yêu con. Tình Ngài theo con cho đời con yên hàn.
Suy Niệm 2: (cộng đoàn ngồi)
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Mời Gọi Sống Xót Thương
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay rằng: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người, và làm cho chúng ta khi đã cảm nghiệm được một tình yêu thành tín thì cũng trở nên nhân từ và biết xót thương.”
Thật vậy, chiêm ngắm và cảm nghiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, chúng ta cần ghi nhớ lời Thánh Phaolô gửi các tín hữu Colôsê: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ biến đổi và thôi thúc chúng ta hướng về những gì thuộc thượng giới như thánh tông đồ hướng dẫn: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).
Nhìn vào xã hội hiện tại, chúng ta thấy lời khuyên ấy thật cụ thể và cấp bách. Tình trạng đói nghèo đang xảy ra ở khắp nơi, và sự chênh lệnh trong phân hóa xã hội ngày càng rõ rệt. Đau khổ do bệnh tật hay rủi ro đã nhiều; đau khổ do con người tạo ra bởi bất công, bạo lực hay khủng bố đang gia tăng đến mức báo động. Thực trạng ấy đang gây ra bao vết thương trầm trọng nơi thân xác nhân loại, và tạo nên những tiếng rên rỉ kêu than không ngừng nơi những con người thấp cổ bé miệng. Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta không thể đứng bàng quan như người ngoài cuộc. Với ánh mắt và đôi tai của lòng thương xót, chúng ta sẽ nhìn thấy những vết bầm giập và nghe được những tiếng kêu than ấy một cách rõ ràng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Trong Năm Thánh này, Giáo Hội được mời gọi nhiều hơn để chữa trị và xoa dịu các thương tích bằng dầu an ủi, dùng lòng thương xót để băng bó, dùng tình liên đới và thái độ ân cần quan tâm để chữa lành những vết thương ấy” (Tông sắc Dung Mạo LTX, số 15).
Thương Xót là một thái độ căn bản trong tương quan với anh chị em, với người chung quanh. Thương Xót được biểu lộ trước hết trong cách cư xử giữa người đối với người. Thương Xót còn được diễn tả cách đặc biệt qua thái độ và hành động đối với anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của lòng thương xót theo tinh thần Kitô giáo còn có ý nghĩa sâu xa hơn, vì Đức Giêsu đã đồng hóa những anh chị em mà ta gặp hằng ngày với chính Ngài:
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng;
Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36).
Với ý nghĩa đó, Đức Thánh Cha đã chỉ ra những việc làm cụ thể trong Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết” (Tông sắc Dung Mạo LTX, số 15).
Ngoài ra, mỗi người chúng ta cũng phải luôn ý thức rằng những việc làm nhân hậu xót thương ấy là sự diễn tả của thái độ nền tảng từ bên trong. Chính Đức Giêsu đã cảnh báo các môn đệ: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6, 2-3). Thực thi lòng thương xót trong tinh thần và với thái độ như thế, chúng ta mới thực sự xứng đáng với mối phúc thứ năm: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
Như thế, Năm Thánh Lòng Thương Xót này không chỉ là cơ hội để chúng ta tôn vinh nhưng còn phải loan báo lòng thương xót, không chỉ là thời gian để chúng ta nhận lãnh nhưng còn phải trao ban lòng thương xót. Thật vậy, bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót không chỉ diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta tín thác vào Người, nhưng còn nhắc cho mọi kitô hữu nhớ tới bổn phận phải sống lòng bác ái tích cực đối với tha nhân.
Toàn thể Hội Thánh Công Giáo đang cử hành Năm thánh Lòng Thương Xót với thao thức của Vị Cha Chung: “Nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót” (Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 12). Ước mong hương thơm của lòng thương xót sẽ tỏa lan trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, trong mọi sinh hoạt của các cộng đoàn kitô hữu, và lan truyền đến mọi người và mọi nơi đang thiếu vắng tình thương và lòng nhân hậu.
Thinh lặng ít phút để cầu nguyện.
Hát: 1- Lòng Cha từ bi thương xót thiết tha. Lòng Cha bao la yêu mến chan hoà. Tình Cha yêu con vượt qua trời cao. Chiếu soi tâm hồn đam mê tội lỗi.
ĐK. Vì Ngài yêu con, vì Ngài yêu con. Tình Ngài theo con cho hồn con vui sống. Vì Ngài yêu con, vì Ngài yêu con. Tình Ngài theo con cho đời con yên hàn.
IV. CẦU NGUYỆN
Chủ sự mời gọi cộng đoàn dâng lời cầu xin:
Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót luôn lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng thi ân trước những nhu cầu chính đáng của con cái Người. Cộng đoàn chúng ta cùng tin tưởng dâng lời cầu xin:
- Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Phaolô, Đức Hồng Y Gioan Baotixita cùng hàng Linh mục trong Tổng Giáo phận chúng ta, luôn chu toàn sứ vụ Chúa trao và trở nên dấu chỉ lòng thương xót ở giữa đàn chiên Chúa.Đ. Xin…
- Xin Chúa là nguồn vui và hạnh phúc của nhân loại, ban cho các dân tộc trên thế giới được vui sống trong bình an và tình huynh đệ, cho nhà cầm quyền các quốc gia biết tôn trọng sự thật và luôn sẵn sàng dấn thân cho công lý. Đ. Xin ...
- Xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần trên các Kitô hữu trong Năm Thánh này, giúp họ tích cực đẩy lui thái độ dửng dưng trong đời sống gia đình và xã hội, trở nên những hòn đảo của lòng xót thương giữa đại dương vô cảm của thời đại. Đ. Xin....
- Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ánh mắt đầy yêu thương của Chúa để biết nhạy bén nhận ra nhu cầu của người chung quanh, luôn sẵn sàng trao ban chính mình hầu góp phần khơi lên niềm tin vào lòng thương xót giữa thế giới hôm nay.Đ.
Có thể đọc một chục Kinh Lòng Chúa Thương Xót:
Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,
- để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.
Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,
- xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. (10 lần)
Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
- xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

Đọc Kinh Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót:

V. PHÉP LÀNH - KẾT THÚC
Chủ sự tiến ra trước bàn thờ.
Hát và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.
Hát “Đây Nhiệm Tích”(chủ sự xông hương).
Lời nguyện và Phép lành Mình Thánh Chúa.
Hát kết thúc: Hãy Đi Loan Báo (Ngọc Linh)

Hãy Đi Loan Báo