RA ĐI TỪ NGÀY SINH CỦA MẸ
BG LỄ SINH NHẬT
ĐỨC MẸ (8/9/2018)(70 năm Legio tại VN và 10 năm tái lập Comitium Qui Nhơn)
Từ khi cửa địa đàng đóng
lại, trần gian, theo ngôn ngữ của Kinh Lạy Nữ Vương, đã trở thành một “chốn lưu
đày…một thung lũng đầy nước mắt”: “…Chúng con ở chốn khách đày kêu đến cùng
Bà…Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương…”.
Và nếu ngược dòng thời gian,
trở về “Cựu Ước”, khi chiêm ngắm thân phận bi đát của một Ô Gióp, ta lại nghe
chính vị “Thánh Nhân Đau Khổ” này nguyền rủa chính ngày
sinh nhật của mình:
“Phải chi đừng xuất hiện
ngày tôi chào đời, cũng như đêm đã báo: “đứa con trong bụng mẹ là một nam
nhi”!” Sao tôi không chết đi từ lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi
lọt lòng mẹ?...” (G 3,3.11).
Vâng, thân phận con người
sinh ra và đi qua cuộc sống dương gian tự cổ chí kim, hình như buồn nhiều vui
ít, nước mắt nhiều hơn nụ cười; và nếu đọc lại cuộc đời của chính Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người, ít ra là trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, chúng ta
cũng nhận ra rằng: chỉ một lần duy nhất “Ngài hân hoan trong Thánh Thần…” (Lc 10,21), nhưng lại nhiều lần Ngài đã khóc: Khóc thương thành
Giêrusalem (Lc 19,41-44), ngài đã hai lần khóc trước
cái chết của người bạn Ladarô (Lc
11,33.38)…
Thế nhưng, ngược lại với tất
cả những “giai điệu buồn”, tối tăm, ảm đạm trên, Phụng Vụ lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
hôm nay, lại chuyển tải một “sứ điệp vui mừng”, một niềm hân hoan tươi sáng.
Để diễn tả niềm vui đặc biệt
nầy, ngay từ bài ca nhập lễ, Phụng Vụ đã hát lên: “Chúng ta hãy hân hoan mừng
ngày Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sẽ sinh ra Mặt Trời Công Chính là
Đức Kitô, Chúa chúng ta”.
Đó chính là tin vui trọng
đại mà ngay từ thuở xa xưa trong Cựu ước, sứ ngôn Mikêa đã loan báo cho dân tộc
Ítraen: “Hỡi Bêlem-Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa,
nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Ítraen…Vì thế, Người sẽ bỏ dân
Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con…”
Và Hội Thánh hôm nay đã mượn
lời Thánh vịnh 12 để hát lên cung điệu vui mừng trước Tin Vui cứu độ đó: “TÔI SẼ HỚN HỞ VUI MỪNG TRONG CHÚA. Xin cho lòng
tôi hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho
tôi.”
Nhưng sứ điệp vui mừng của
ngày lễ hôm nay được minh họa tròn đầy và sâu xa nhất phải chăng đó chính là
lời vinh tụng Magnificat của chính nhân vật mà chúng ta mừng “Birthday” hôm nay:
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở
vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi…” (Lc
1,46-55).
Quả thật, niềm vui đã tràn
ngập tâm hồn của Mẹ Maria và chính niềm vui sâu thẳm đó đã dẫn dắt cuộc đời của
Mẹ theo sát bước chân Con cho đến ngày Mẹ hát bài Magnificat khi vinh quang
tiến vào thiên quốc với cả xác hồn.
Riêng Thánh Phêrô Đamianô
thì đã liên kết dấu chỉ tiên báo là đền thờ Giêrusalem được cung hiến long
trọng và mừng vui thời vua Salômôn với cung lòng Đức Trinh Nữ Maria chính là
đền thờ cực thánh. Ngày sinh nhật của Mẹ chính là ngày cung hiến ngôi đền cực
thánh đó nên chúng ta phải hân hoan vui mừng:
“Vua Salômôn và dân Chúa mừng ngày cung hiến
đền thờ bằng lễ hiến tế uy linh và long trọng thế nào, thì chúng ta cũng vui
mừng trong ngày Đức Maria chào đời như vậy. Cung lòng Mẹ là đền thờ cực thánh.
Ở đó, Thiên Chúa đã tiếp nhận nhân tính và đi vào thế giới con người một cách
hữu hình.”
Vâng, niềm vui chính tiêu
đích của công trình cứu độ. Cho dù phải chấp nhận “trở nên hạt lúa mì gieo
xuống và mục nát”, chấp nhận “con đường khổ nạn thương đau”… thì điều quan
trọng nhất, cần thiết nhất Đức Kitô mang lại cho thế giới chính niềm vui, là
Tin Mừng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi… để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,…
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…” (Lc 4,18-19). Ngài đã đoan chắc với các môn sinh ngay trước ngưỡng
cửa của con đường khổ giá: “Anh em sẽ lo
buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui…” (Ga 16,20-22).
Sở dĩ chúng ta dừng lại “sứ
điệp niềm vui” hơi nhiều vì quả thật, thế giới hôm nay, cuộc sống hôm nay quá
cần đến điều nầy. Thật vậy, xã hội chúng ta đang sống gần như bị bao vây quá
nhiều bởi những lắng lo, xao xuyến, bực dọc và đầy dẫy nỗi buồn: buồn cho đất
nước quờ quạng trong một cơ chế chính trị bệnh hoạn thối nát, buồn cho giới trẻ
tha hoá, mất định hướng, buồn cho các gia đình gia tăng đổ vỡ, ly tán, buồn cho
trong chính Giáo Hội vẫn đầy dẫy gương mù gương xấu, buồn cho tương lai xã hội,
Giáo Hội đầy bóng tối hơn là ánh sáng, hy vọng…
Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay,
sứ điệp ngày Sinh Nhật Mẹ không cho phép chúng ta dừng lại nơi những nỗi buồn
cho dù “rất chính đáng” đó. Bởi vì, như Vị tôi tớ Chúa, Đức Cố Hồng Y F.X.
Nguyễn Văn Thuận phát biểu: “Trong tự điển của người Kitô hữu không có từ
buồn”. Riêng Đức Thánh Cha Phanxicô thì Ngài muốn tất cả những ai đang tham dự
vào công cuộc rao giảng Tin Mừng phải ngập tràn niềm vui Tin Mừng, chứ không
thể là kẻ rầu rĩ chán nản:
“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một
thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận
được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên
nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời
đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”. (EG 10)
Không những thế, ĐTC trong
tông huấn gọi mời nên thánh (Gaudete et Exultate), ngài còn xác tín rằng: một
trong những “nét tiêu biểu về sự thánh thiện trong thế giới ngày nay” đó là “VUI VẺ VÀ
BIẾT ĐÙA”:
“Các thánh vui tươi và rất biết đùa. Mặc dù
không xa rời thực tế, các ngài tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Sống
đời Kitô hữu là sống “Hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ
đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa
quả của lòng bác ái là niềm vui”. (GE
122)…
“Vẫn có
những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá, nhưng không gì có thể huỷ
diệt niềm vui siêu nhiên là niềm vui “tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn
tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm xác tín của ta, tin
chắc rằng, bất luận thế nào, chúng ta vẫn được Thiên Chúa thương yêu vô cùng”.
Niềm vui ấy đem lại một sự vững tâm, một sự thanh thản đầy hy vọng đem lại một
sự no thoả tinh thần không thể hiểu được theo tiêu chuẩn thế gian.” (GE 125).
Cộng đoàn dân
Chúa Giáo phận chúng ta mới vừa kết thúc Năm Thánh hồng ân trong tâm tình tri
ân cảm tạ và cam kết “mở một trang mới” cho cuộc lên đường Tân Phúc Âm hoá.
Trong ngày
mừng Sinh Nhật Mẹ hôm nay, cũng là ngày mừng kỷ niệm 2 biến cố cột mốc quan
trọng của Legio Mariae : 70 năm tại Việt Nam và 10 năm tái lập Comitium Qui
Nhơn, xin
Mẹ Maria tiếp tục viếng thăm và đồng hành với anh chị em chúng ta trên con
đường phục vụ Chúa và Hội Thánh trong niềm vui và tràn đầy hy vọng.
Đó cũng chính là ước nguyện
của cả Hội Thánh trong ngày (lễ) hôm nay được phản ảnh qua chính lời kinh
nguyện Hiệp Lễ:
“Lạy Chúa, ước chi Giáo Hội của Chúa được đổi mới trong Thánh lễ nầy
cũng được tràn đầy niềm vui trong ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria, Người đã
đem đến bình minh hy vọng và ơn cứu độ cho thế giới”. Amen.