Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

DẪN Ý NGHĨA TUẦN THÁNH

Ý NGHĨA  TUẦN THÁNH

Ý NGHĨA  TUẦN THÁNH
Chúa Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa “nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, khi Người chịu chết, Người sống lại từ cõi chết và lên trời; trong mầu nhiệm Vượt Qua này, Người đã chết để tiêu diệt cái chết của chúng ta, và sống lại để ban cho chúng ta nguồn sống mới” (HCPV.5). “Vì thế, Hội Thánh mẹ chúng ta, tưởng niệm Chúa đã Phục sinh, mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật(ngày của Chúa), và lại còn họp mừng Chúa đã chịu khổ nạn và đã phục sinh, một năm một lần vào kỳ đại lễ Phục Sinh” (số 102)



ĐÊM CANH THỨC PHỤC SINH

Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã bắt đầu mừng lễ Vượt qua của giao ước mới bằng cách thêm một ý nghĩa Kitô giáo vào lễ Vượt qua của đạo Do Thái:
Đức Giêsu đã chịu hiến tế
làm Chiên Vượt qua của chúng ta.
Vì thế ta hãy lấy bánh không men,
tượng trưng cho lòng chân thật tinh tuyền,
mà ăn mừng đại lễ(1Cr 5, 8).
Người Do Thái họp mừng lễ Vượt qua trong một đêm canh  thức để kính Chúa (Xh 12, 42). Vì thế, người Kitô hữu thời xưa, sau khi ăn chay suốt ngày thứ bảy và có khi ngay từ chiều thứ năm cũng họp nhau lại trong đêm thứ bảy sáng chúa nhật Phục Sinh để canh thức mừng Chúa Kitô. trong buổi canh thức này, họ mừng kính toàn thể mầu nhiệm cứu chuộc do Chúa Giêsu thực hiện, Người đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại  cho chúng ta được nên công chính. Như vậy, cùng với nhiệm tích thánh tẩy nhờ đó ta được gia nhập dân Thiên Chúa, và với thánh lễ tạ ơn ngày chúa nhật, lễ họp mặt Vượt qua hằng năm cũng là căn bản của việc thờ phượng trong Kitô giáo.


TAM NHẬT VƯỢT QUA

Từ thời rất xa xưa, toàn thể Giáo Hội  phương đông cũng như phương tây đều kỷ niệm ba ngày thánh, bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ năm cho đến chiều chúa nhật Phục sinh. Trong tam nhật Vượt qua này, các tín hữu đem lòng tôn kính và mến yêu mà tưởng nhớ những gì mà Chúa Giêsu đã làm từ bữa ăn sau hết với các môn đệ cho đến lần hiện ra với các ông chiều ngày Phục sinh.


TUẦN THÁNH

Những ngày, những giờ mà Chúa Giêsu đã thực hiện ơn cứu độ loài người quả là điểm cao nhất trong năm phụng vụ. Vì thế tất cả tuần lễ bắt đầu từ việc Người khải hoàn vào thành Giêrusalem cũng như đó mà có tính cách long trọng đặc biệt: đó là tuần thánh. Trong những ngày này, các anh chị em dự tòng kết thúc thời kỳ  chuẩn bị chịu Phép Rửa, còn toàn thể cộng đồng Kitô hữu sống tuần lễ sau cùng của Mùa Chay trong tinh thần sám hối sâu đậm hơn.
Nhờ tham dự phụng vụ, người Kitô hữu sẽ ý thức rõ ràng hơn rằng “Việc họp mừng mầu nhiệm chính yếu của việc thờ phượng trong Kitô giáo” và “Tam nhật Vượt qua kính nhớ Chúa chịu nạn và sống lại là điểm cao chói lọi của năm phụng vụ” (sách lễ Rôma).






CHÚA NHẬT LỄ LÁ TƯỞNG NIỆM
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Ý nghĩa:  Trong tam nhật Vượt qua, vào thứ sáu tuần thánh, chúng ta sẽ nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Nhưng Giáo Hội cho đọc bài tường thuật Thương khó ngay từ Chúa nhật hôm nay, để thập giá Chúa Kitô nổi bật trong tất cả tuần thánh. Như vậy, tuần thánh bắt đầu vào Chúa nhật Lễ Lá và kết thúc vào Chúa nhật Phục sinh. Tuy nhiên ta không quên rằng, khổ nạn và Phục sinh là hai giai đoạn của một mầu nhiệm duy nhất, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô, cứu ta khỏi tội lỗi và cho ta được tình nghĩa với Thiên Chúa.
Trong thánh lễ, có cuộc rước lá, hay ít nhất là một nghi thức đơn giản gợi lại việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, như sách Dacaria 9, 9-10 đã tiên báo. Người đã muốn làm như thế trước khi chịu nạn, để chiếu rọi vào cuộc khổ nạn một ánh sáng báo trước cuộc toàn thắng của Người. Khi lặp lại những tiếng hoan hô của dân Do Thái ngày xưa, cộng đồng Kitô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô. Theo sau cây thập giá và linh mục, dân Thiên Chúa lonh trọng tiến vào nhà thờ, nơi họ sẽ dâng lại lễ tế giao hoà với Thiên Chúa (lời nguyện tiến lễ). Nhưng khi đi rước, họ còn nói lên niềm hy vọng, vì biết rằng khi lên trời, Chúa Giêsu sẽ mở cửa thành Giêrusalem thiên quốc cho họ, và giờ đây họ đang tiến về nơi đó.
Phụng vụ hôm nay tung hô Chúa Giêsu khải hoàn, tiếp đó lại mời gọi ta theo Người trên con đường khổ nhục. Phụng vụ Đêm Phục sinh sẽ ca ngợi Chúa Giêsu đã tự hạ đến cùng để bước vào vinh quang, đã sống lại để chiến thắng thần chết. Ta phải được ánh sáng của Chúa Giêsu thu hút mới có thể theo Người trong cuộc khổ nạn mà không chùn bước; ta phải thông hiệp với thập giá của người, mới được chia sẻ sự sống của Người. Tất cả tuần thánh đều tóm tắt trong hai hướng đi đó. Tất cả đời sống Giáo Hội, tất cả đời sống Kitô hữu cũng vậy.



TAM NHẬT VƯỢT QUA

Ý nghĩa:
Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ Vượt qua hằng năm, những gì đã xảy ra trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi đi chịu chết  cho đến lần Người hiện ra với  các môn đệ đó ngày Chúa nhật kế tiếp. Tất cả những gì Người đã làm, nhất  là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ.
Giáo hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “Trong đó Chúa Kitô sẽ chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh”. Tam nhật Vượt qua bắt đầu bằng Thánh Lễ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào ngày Phục sinh, và sau khi đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức Đêm Thánh, gồm tóm tắt tất cả việc cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô.
Tam nhật Vượt qua liên quan đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đồng Kitô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa đều cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc Vượt qua để về với Chúa Cha. Đêm Vượt qua là đêm thanh tẩy long trọng nhất trong năm, và các tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai ngày mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Kitô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ sáu, và nếu được,  cả ngày thứ bảy nữa, để được làm hoà với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh nhận bí tích hoà giải trong những ngày cuối mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Kitô hữu cũng mừng lễ Phục sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu thanh tẩy, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả Tam Nhật Vượt Qua chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất về phụng vụ đã đưa ra về Đêm Thánh: “Toàn thể dân phải ở trong ánh sáng”.



THỨ NĂM TUẦN THÁNH
THÁNH LỄ TIỆC LY
Ý nghĩa:
Mỗi năm, dân Do Thái ăn lễ Vượt qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giêsu đã khai mạc cuộc Thương Khó khi cùng các môn đệ dùng bữa ăn Vượt qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở nên Mình và Máu của Người. Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.
Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, và đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với tất cả các linh mục trong giáo xứ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một, sau bài diễn giảng vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu và rửa chân cho mười hai đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặc biệt của buổi lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quì gối xuống trước mặt người anh em như thế.
Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể để suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi vào vườn Ghếtsêmani, nhất là lời trối long trọng nhất:
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.



THỨ SÁU TUẦN THÁNH
NGÀY CHÚA CHỊU THƯƠNG KHÓ
Ý nghĩa:
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các Kitô hữu trên hoàn cầu đều ăn chay: Đây là ngày Chay Vượt qua để kỉ niệm Chúa đã chịu Thương Khó, và Giáo Hội khuyên chúng ta giữ tiếp tục cho tới Đêm Thánh.
Vào buổi chiều hoặc tối hôm nay, có nghi thức về cuộc Thương Khó của Chúa. Bắt đầu là phụng vụ lời Chúa. Với bài Thương Khó theo thánh Gioan. Sau bài diễn giải những lời cầu đặc biệt long trọng cho toàn thể Giáo Hội  và thế giới, cho hết mọi hạng người, vì ơn cứu độ do Đấng Cứu Thế đã đổ máu ra để thực hiện, cần phải đạt tới khắp nơi trên mặt đất. Sau đó linh mục đưa thánh giá ra cho cộng đoàn tôn kính, rồi mọi người thông hiệp với Mình Máu Chúa Kitô.
Trong buổi họp mừng này, điều nổi bật hơn cả không phải là các đau khổ nhục nhằn của cuộc Thương Khó, nhưng là vinh quang của thánh giá, vì mỗi lần Giáo Hội tưởng niệm Chúa đã chịu chết thì đồng thời cũng tuyên xưng Người Phục sinh. Vì thế, các bài ca hôm nay đầy lời tung hô Chúa Kitô hiển thắng: “Lạy Thiên Chúa chí thánh! Lạy Thiên Chúa oai hùng! Lạy Thiên Chúa muôn đời hằng hữu! Xin thương xót chúng con” (Dân Ta hỡi). “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa hát mừng Ngài sống lại hiển vinh, ấy chính vì bởi cây thập giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu” .



THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Ý nghĩa:
Ngày thứ bảy tuần thánh không có lễ, cũng không có phụng vụ Lời Chúa, mà chi có các giờ kinh phụng vụ. Tuy hôm nay không chỉ là ngày chờ mong đại lễ. Chúng ta không chỉ hội họp nhau mà chi hồi tâm nhớ đến Chúa Kitô chôn trong mồ, nhưng chúng ta cũng đặt niềm tin vào một mầu nhiệm như tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô xuống ngục tổ tông”.
Mầu nhiệm Chúa Kitô xuống ngục tổ tông (hoặc âm phủ, nơi ở người chết) ở trung tâm mầu nhiệm Vượt qua. Việc Chúa đi xuống tiếp nối việc Người tự hạ khi chết trên thập giá, và cho ta thấy rõ Người thực sự đã chết: Linh hồn Người đã thực sự lìa khỏi xác và đến với linh hồn các người công chính khác. Nhưng việc Chúa xuống âm phủ cũng thể hiện tính cách lớn lao của cuộc chiến thắng của Người. Người đã từ đáy vực thẳm bước lên sự sống. Đồng thời mầu nhiệm này cũng khai mào cho cuộc chiến thắng ấy: Chúa Kitô xuống với những kẻ đang mong đợi Người đến báo tin họ sắp được giải phóng. Việc xuống âm phủ là khởi điểm của cuộc đi lên, sẽ đưa Chúa Kitô đến vinh quang phục sinh và thăng thiên: “Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên cao, vượt mọi tầng trời”.
Trong các giờ kinh phục vụ ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện như sau: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng đã chiến thắng tử thần và khải hoàn chỗi dậy. Vậy tất cả chúng con là những tín hữu đã cùng được mai táng với Người khi lãnh nhận phép rửa, xin cũng nhờ ơn Người phục sinh mà đạt tới nguồn sống muôn đời”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét