Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

PHẦN TU ĐỨC : SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI

PHẦN TU ĐỨC
SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI
(Mc 2, 1-12)

Khi phục vụ trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, không ít lần chúng ta đối diện thách đố trong việc xây dựng tương quan mục vụ, có khi chúng ta cảm nghiệm tình trạng “bại liệt” ở đâu đó trong tương quan với tha nhân, khi phục vụ hoặc khi cộng tác trong việc chung; có khi chúng ta từng bị hay đang bị “bại liệt” trong tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, và với nhau. Chứng “bại liệt” vô hình nhưng lại gây hậu quả hữu hình, đó là tình trạng im lặng bàng quan, phê bình tiêu cực, hay tẩy chay hoặc  “ném đá” nhau… Như anh bại liệt và các bạn (Mc 2,1-12), chúng ta cần lời bao dung tha thứ của Đức Giêsu, cho chính mình hoặc cho anh chị em mình, để mỗi người chúng ta có sức mạnh và tình yêu đảm nhận gánh nặng phục vụ cộng đoàn.
Theo trình thuật Mc 2,1-12, anh bại liệt và các bạn có vẻ lọt thỏm và mất hút giữa đám người rất đông đang tụ tập quanh Đức Giêsu, nhưng họ lại thực hiện một hành động táo bạo khiến họ đến gần Đức Giêsu và trở nên nổi bật: “Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” (2,4) Đáp lại hành động táo bạo này, Đức Giêsu làm cho mọi người kinh ngạc khi ban lời tha thứ: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: ‘Này con, con đã được tha tội rồi.’” (2,5) Trong hoàn cảnh này, người bệnh và có khi cả chúng ta nữa, chờ đợi một phép lạ chữa lành thể lý, vì đó là một nhu cầu khẩn cấp, nhưng Đức Giêsu lại nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi”. Đức Giêsu chữa lành người bại liệt cả thể lý và tinh thần, nhưng nếu Người chữa lành thể lý cho anh ngay từ đầu, chắc sẽ chẳng gây ra cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2,7).
Chữa lành thể l đúng là việc khẩn cấp, nhưng được lành bệnh, phục hồi sức khỏe thể lý cũng đâu giải quyết được hết mọi vấn đề cuộc sống. Thật vậy, nếu xảy ra phép lạ chữa lành thể lý, thì sức khỏe mà phép lạ ấy đem lại cũng đâu tồn tại mãi; người bại liệt được chữa lành, nhưng một ngày kia anh ta lại sẽ “bại liệt”, liệt mãi mãi không thể đứng dậy, nếu không đón nhận ơn phục sinh. Đàng khác, ngoài tật bệnh thể lý, người bại liệt và cả chính chúng ta nữa, còn có những vấn đề sâu xa trong tâm hồn như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, bại liệt trong tương quan với Thiên Chúa-bản thân-và tha nhân… Chỉ nơi Đức Giêsu, chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành: “Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: Con đã được tha tội rồi, hai là bảo: Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (2,9-10).
Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giêsu muốn đưa dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại sức khỏe thể lý, đó là đi vào sự sống đích thực; đồng thời, người cũng mặc khải chính căn tính của Người là Con Thiên Chúa. Được chữa lành và được tha thứ, cả hai đều cần thiết và quan trọng cho sự sống con người; chúng ta không thể sống bình an khi mang vác những tổn thương và tương quan “bại liệt”. Đức Giêsu gắn liền hai ơn huệ này với nhau, nhưng luôn hướng ơn chữa lành đến ơn tha thứ, vốn là ơn huệ thiết yếu cho sự sống con người. Khi làm như thế, Đức Giêsu táo bạo đánh liều chính sự sống bản thân, và sẽ táo bạo đến tận cùng bằng cái chết trên thập giá, để tha thứ và chữa lành nhân loại, mọi người và mỗi người chúng ta.
Đức Giêsu đến để chúng ta được sống và sống dồi dào. Người trao ban sự sống này bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi; và Người trao ban sự sống này ngay trong thân phận con người và ngay trong hoàn cảnh đầy thách đố của mỗi người chúng ta. “Này anh, anh đã được tha tội rồi”. Đây là lời tha thứ và tái tạo, lời vô hình nhưng đem lại hiệu quả hữu hình trong đời sống chúng ta. “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà”: Lời đưa dẫn chúng ta sống tình liên đới và mang vác nhau, ngay cả những yếu đuối bất toàn của nhau.

Hồi tâm.
1/Người bại liệt và các bạn trong Tin Mừng sống liên đới với nhau và đến gần Đức Giêsu: Tôi cảm nghiệm thế nào về tình liên đới trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ?
2/Tôi có từng cảm nghiệm tình trạng “bại liệt” trong tương quan với Cha Xứ-với thành viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ? Tôi làm gì để thay đổi tình cảnh?
3/Đâu là đặc điểm của người lãnh đạo phục vụ có khả năng hành động táo bạo như các bạn hữu của người bại liệt?

Toma Vũ Ngọc Tín SJ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét