Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

LỊCH SỬ DÒNG CHÚA QUAN PHÒNG TẠI CÙ LAO GIÊNG

Dòng Chúa Quan Phòng Portieux được khai sinh ngày 14 tháng 01 năm 1762 tại làng Vigy nước Pháp. Từ lâu, các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng ở Portieux đã nghĩ đến việc ra đi đến vùng Viễn Đông. Ký ức về Cha Jean-Martin Moyë, Đấng Sáng Lập Dòng và là nhà thừa sai ở Trung Hoa, vẫn còn hiện diện trong tâm trí các nữ tu Chúa Quan Phòng. Chỉ cần một cơ hội cũng đủ để Dòng bắt đầu nhập cuộc.

Về mặt Giáo hội, vào năm 1850, địa phận Nam Vang được tách khỏi địa phận Tây Đàng Trong với Giám Mục đầu tiên là Đức Cha Michel. Đến năm 1864, ngài được gọi về Tòa Giám Mục Saigon trao quyền lại cho cha Aussoleil. Khoảng năm 1868, một phần đất của địa phận Saigon lại sáp nhập vào địa phận Nam Vang. Đó là hai tỉnh miền Tây: Hà Tiên và Châu Đốc.

Sau chiến tranh, vào năm 1873, Cha bề trên Lãnh địa truyền giáo Campuchia, cha Louis Aussoleil, sau khi đã xây cất một cô nhi viện tại Cù Lao Giêng, đã muốn nhanh chóng có ngay những nữ tu để chăm lo cho 40 trẻ em mà cơ sở ngài sẽ có thể đón nhận được. Với sự đồng thuận của các cha đồng hội, ngài đã cử một trong các cha thừa sai, cha Edme Silvestre đi tìm kiếm những nữ tu bên Pháp.

Cha CORDIER

Tất cả mọi việc đã được giải quyết  vào ngày 09/01/1875 do một bức thư của Cha Cordier viết cho Bề Trên Tổng Quyền Saint-Louis để cám ơn Bà Mẹ đã phái các nữ tu và tuyên bố chấp nhận các điều kiện của Bà.

PORTIEUX 1826

 Ngày 13/03/1875, một bức thư chung của các đấng bề trên Dòng tại Portieux được gởi cho toàn thể Hội Dòng yêu cầu những ai tự nguyện nếu ước muốn hiến thân cho công cuộc truyền giáo, thì hãy biểu lộ ý muốn của mình. Hơn 150 nữ tu đã tình nguyện ra đi. Sự lựa chọn của các đấng bề trên đã nhằm vào các nữ tu Isabelle Robert 40 tuổi, nữ tu Eusèbe Lamotte 32 tuổi, nữ tu Sylvère Miss 27 tuổi, nữ tu Romuald Bosredon 28 tuổi, nữ tu Elisa Beauzée 29 tuổi và nữ tu Anatolie Lambert 29 tuổi. Nữ tu Isabelle được bổ nhiệm làm bề trên.

Và ngày 29/11/1875, các nữ thừa sai đã rời khỏi Portieux và các bề trên, không khỏi băn khoăn, tiễn đưa các vị truyền giáo và đồng hành với họ trong bước đầu cuộc hành trình.

 

Sáu nữ tu người Pháp đầu tiên đến Cù Lao Giêng, ngày 12 tháng Giêng năm 1876

Ngày thứ hai 10/01/1876, các nữ tu đã đến Sài Gòn, nơi có hai nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres, cha Colson và cha Grosgeorge đang chờ đón họ. Trước tiên các nữ tu đi đến dòng các nữ tu Thánh Phaolô, nơi đây họ được bà bề trên Benjamin đón tiếp rất thân tình và rất sẵn sàng giúp đỡ họ.

 

Các nữ tu không muốn lấy thời gian vài ngày để nghỉ ngơi tại Sài gòn. Họ muốn đi tức khắc để đến Cù Lao Giêng là mục tiêu của cuộc hành trình. Nên ngay khuya hôm đó, các chị đã lên một chiếc pháo thuyền, rồi sau đó một chiếc ghe đưa họ đến Cù Lao Giêng vào lúc 1 giờ sáng ngày 12/01/1876. Các chị được cha Cordier và các linh mục, đang chuẩn bị trở về họ đạo sau khi vừa tĩnh tâm ở Cù Lao Giêng, ra tiếp đón cùng một đám đông dân làng đang chờ đợi họ. Cha Grosgeorge là cha linh hướng của các chị ở Cù Lao Giêng, đã hân hoan tiếp đón các nữ tu trong những điều kiện tốt nhất.

Có 03 nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá, đến giúp các chị và dạy các chị học tiếng bản xứ. Ba tuần sau khi đến Cù lao Giêng, các chị đã phải bắt tay ngay vào việc : nhận 14 trẻ mồ côi. Thế là bắt đầu Ấu Nhi viện Cù lao Giêng. Để đáp ứng nhu cầu cho Ấu Nhi viện thì phải có Cô Nhi viện. Từ đó phát sinh ra trường Sơ cấp, trường Dạy Nghề để chuẩn bị tương lai cho các em. Nhu cầu phát sinh nhu cầu và rồi lại phải có một Bệnh viện, một Chẩn Y viện, một nhà Bảo Sanh và một trại cùi cũng trong khuôn viên Cù lao Giêng.

Là con của cha Gioan Martinô Moye, sáu nữ tu đầu tiên rất ưu tư huấn luyện “cán bộ tại chỗ” để tiếp nối sự nghiệp của mình. Sau ba năm đến Việt Nam, đã có khoảng 10 thiếu nữ xin vào Dòng. Và một Tập viện được khai mở để đào tạo nữ tu bản xứ, ngày khai trương Tập viện đã được ấn định là ngày 24/05/1880.

Và Dòng phát triển mạnh, vươn mình ra xa hơn Cù Lao Giêng: Ấu Nhi viện và Cô Nhi viện Châu Đốc, Ấu Nhi viện, Cô Nhi viện và Cứu Tế viện ở Sa Đéc, đến tận thủ đô Nam Vang, sang bệnh viện Sóc Trăng với một ký túc xá cho nữ học sinh và một Cô Nhi viện; ngoài ra, các Nữ tu còn phục vụ trong 6 bệnh viện Nhà Nước: Rạch Giá, Long Xuyên, Bac Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Nam Vang.

Ngày 03 tháng 03 năm 1930 Hiến Pháp của Dòng được Tòa Thánh chấp nhận. Kể từ đây, Dòng Chúa Quan Phòng Portieux trực thuộc quyền Giáo Hoàng. Đồng thời Tòa Thánh cũng ra sắc lệnh cho chi nhánh Dòng tại Việt Nam được sáp nhập vào Dòng chánh. Thể theo đó, các Nữ tu Việt Nam được chính thức thừa nhận là Nữ tu Chúa Quan Phòng, trực thuộc Nhà Mẹ Portieux và Dòng Chúa Quan Phòng tại Việt Nam được hưởng mọi đặc quyền như Dòng chánh Portieux.

Biến cố mùa thu năm 1945 - Nhà Chánh của Dòng dời lên Nam Vang

Khoảng 15 giờ ngày 21.11.1945, mọi người trong Tu viện Cù Lao Giêng được mời ra khỏi nhà tay không! Thế là Cù Lao Giêng bỏ ngõ! Nhà Chánh của Dòng dời lên Nam Vang năm 1946.

Năm 1947, hai chị Justine và Raymonde trở về Cù lao Giêng bắt đầu phục hồi nhà cửa đổ nát, đồ vật mất mát hư hao 80% . Gần 10 năm  mới hoàn thành tương đối như cũ.

Năm 1950 hai chị Bernadine và Désire dẫn đệ tử từ Nam Vang về, nhà cô nhi cũng từ từ hồi phục, nhà lão, bảo sanh cũng sinh hoạt bình thường. Dòng mở trường cấp II , mở máy dệt mở lớp cắt may, đánh máy chữ…

        Nhà Chánh của Dòng dời về Cần Thơ

Năm 1955, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình về nhận Giáo phận Cần Thơ, vừa được tách khỏi Giáo phận Nam Vang. Năm 1957, Đức Cha đề nghị với Bề Trên Tổng Quyền lúc đó là Nữ tu Honorine Lullier dời Nhà Chánh Dòng về Cần Thơ. Ngày 02.02.1959, ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, là lễ mặc áo dòng cho 36 Thỉnh Sinh. Nhà Chánh của Dòng chính thức trở lại trên đất Việt sau 13 năm di tản. Trong thời điểm này, Nữ tu Chúa Quan Phòng hoạt động tại Nam Vang và Việt Nam vẫn còn trực thuộc một Bề Trên là người Pháp.

Đến năm 1965, Nữ tu Bénédictine HUỲNH THỊ NA, là người Việt Nam đầu tiên được chính thức bổ nhiệm làm Bề Trên Dòng tại Việt Nam.

Dù Tỉnh Dòng dời về Cần Thơ, nhưng tại Cù Lao Giêng các cơ sở xã hội, cô nhi, dưỡng lão…… vẫn hoạt động. 

Biến cố 1978 – tại Cù lao Giêng.

Năm 1978, theo chính sách của chính quyền đương thời, nhà Dòng hiến một phần tu viện để Sở Thương Binh và Xã Hội quản lý sử dụng cho các đối tượng xã hội, cô nhi, bô lão. Từ đó, nhà nước quản lý toàn bộ các ngôi nhà dành cho công tác xã hội của Dòng Chúa Quan Phòng, gồm Chẩn Y viện, Cô Nhi viện, nhà Dưỡng Lão, nhà Bảo Sanh….. Về đối tượng xã hội, tu viện bàn giao cho nhà nước lúc đó gồm có các trẻ cô nhi, các người già yếu tàn tật. Một số các cô nhi trên dưới 30 em xin ở lại với các nữ tu.

Một bức tường cao 2m được xây lên để phân chia ranh giới.

Ngày 21 tháng 03 năm 2012 – Nhà dòng nhận lại toàn bộ cơ sở mà Nhà nước đã quản lý từ năm 1978.

Nhà nước trao lại cho nhà dòng toàn bộ các ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng sau 34 năm quản lý. Nhà dòng đã tu sửa toàn bộ các ngôi nhà trong khu vực này; đồng thời phá hủy một số ngôi nhà không thể sửa chữa. Khu vực tu viện Cù Lao Giêng nay thuộc về tỉnh dòng Cù Lao Giêng.

* THAY ĐỔI CƠ CẤU DÒNG

Tổng Hội Dòng năm 1974 đã đem lại một thay đổi lớn trong cơ cấu Dòng. Từ nay Dòng Chúa Quan Phòng Portieux chia làm 3 Tỉnh Dòng: Pháp- Bỉ, Campuchia, Việt Nam.

Ngày 31.01.1975, Nữ tu Thérèse Monique Nguyễn Thị Hảo được bổ nhiệm làm Bề Trên Giám Tỉnh đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam.

Các Giám Tỉnh của Tỉnh dòng Việt Nam

  1. Nữ tu Thérèse Monique NGUYỄN THỊ HẢO 1974-1986
  2. Nữ tu Eustelle BÙI THỊ HOÀI 1987-1993
  3. Nữ tu Anne Lucie VÕ THỊ RI 1993-2001
  4. Nữ tu M.Emmanuel NGUYỄN THỊ PHIẾN 2002-2008
  5. Nữ tu M.Philippe ĐINH THỊ NHUNG 14/09/2008-15/11/2011

 * TÁI CẤU TRÚC TỈNH DÒNG

       Đến năm 2010, Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Việt Nam có gần 600 Nữ tu, hiện diện trong 10 giáo phận, phục vụ trong 96 cộng đoàn và 09 giáo điểm với những công tác đa dạng như mục vụ họ đạo, y tế, giáo dục, xã hội, đi truyền giáo nước ngoài.

      Số nữ tu ngày càng tăng, việc quản trị một Tỉnh Dòng lớn như vậy cũng không phải dễ dàng. Tỉnh Tu Nghị đầu năm 2010 đã đề nghị lên Tổng Tu Nghị việc tái cấu trúc Tỉnh Dòng với hơn 2/3 số phiếu của các đại biểu. Đề nghị này đã được Tổng Tu Nghị 2010 chấp thuận và được đệ trình lên Hội Đồng Dòng tại Campuchia năm 2011, Hội Đồng Dòng biểu quyết chấp thuận ngày 21/6/2011. Như thế, Tỉnh Dòng Việt Nam được tái cấu trúc thành 3 Tinh Dòng độc lập: Cần Thơ, Cù Lao Giêng và Tây Nguyên.

      Ngày 12 tháng 10 năm 2011, Bề trên Tổng quyền đã bổ nhiệm các Giám Tỉnh:

  • Tỉnh Dòng Tây Nguyên:           Nữ tu Marie Philippe Đinh Thị Nhung.
  • Tỉnh dòng Cù Lao Giêng:         Nữ tu Marie Auguste Nguyễn Tuyết Trang
  • Tỉnh dòng Cần Thơ:                Nữ tu Lucia Lê Thị Hạnh

      Ngày 15.11.2011, ba Tỉnh Dòng chính thức đi vào hoạt động.

   Tu viện Cù Lao Giêng được chọn là Nhà Chánh của Tỉnh dòng Cù Lao Giêng

 

BAN TRUYỀN THÔNG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét